Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn Hòa Văn: NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ và nhiều TN đăng trên Việt văn mới

Nỗi Lòng Người Mẹ


HÒA VĂN



Nhân ngồi bó gối, kiểu ngồi giống hệch bà Tư Đan - mẹ của Nhân. Kiểu ngồi chỉ có trong lúc buồn buồn!. Ở tuổi sáu mươi bà Tư Đan đẹp lão như thế thì nhất định hồi con gái đẹp phải biết!. Thế mà không rõ vì lý do làm sao cô “con gái đẹp phải biết!” lại không có chồng chỉ có đứa con nuôi.
Khi nhỏ có lần hóng hớt chuyện con nuôi con đẻ... ở hàng xóm Nhân chạy u về nhà sà vào lòng mẹ tỉ tê:
“Mẹ à!. Con hỏi mẹ đừng buồn nghe! Cô Tâm, cô Hai nói...”
Bà Tư Đan không để Nhân nói hết câu:
“Con là con nuôi của mẹ chứ gì?”.
“?...”.
“Con ạ!. Bây giờ con cứ lo học hành đi... về sau mẹ sẽ...”.
“Dạ!...”.
Nhân lí nhí “Dạ!..” mắt nhìn chăm chắm vào mắt mẹ. Đôi mắt từng nhiều lần Nhân lấy một tấm ảnh của mẹ - một tấm ảnh của Nhân ra so đo, càng so đo càng thấy hai đôi mắt giống nhau như đúc... Cặp lông mày sắc sảo, còn tròng trắng màu thau sáng long lanh và sâu thẳm tựa như hồ thu. Bạn con gái học cùng lớp với Nhân thường hay chọc quê “Con trai mà con mắt giống mẹ!”. Thế mà tại sao mẹ lại bảo mẹ là mẹ nuôi?. Nhân nghĩ ngợi ở đời chuyện con nuôi thông thường họ hay giấu chớ sao mẹ mình lại nói với mình một cách thản nhiên như vậy!. Rồi sau đó ngồi bó gối buồn buồn.
Nhân thưa với mẹ:
“Mẹ khổ cực với con nhiều quá rồi giờ mẹ đừng lo nghĩ điều gì nữa... Sang năm vợ con sinh, mẹ có cháu bế bồng rồi...”.
Thực tâm khi bà Tư Đan tuổi ngày càng xế chiều Nhân muốn hỏi cho rõ “chuyện của Nhân” nhưng công việc làm ăn ở công ty Tin học do vợ chồng Nhân mới gầy dựng quá bận bịu nên cứ lần lữa mãi... Với lại bà Tư Đan bao giờ cũng một mực hết lòng yêu thương con cháu nên Nhân chẳng nỡ nào làm mẹ buồn...
Đoạn nầy Nhân kể trong nước mắt... “Luật sinh tử của tạo hoá thật khắc nghiệt!”. Hồi đời sống kinh tế vất vả khó khăn thì mẹ con đùm bọc nhau sống đầm ấm, giờ Nhân trưởng thành ăn nên làm ra có gia đình vợ con hạnh phúc thì bà Tư Đan lâm bệnh K... ở giai đoạn đoạn cuối. Mà đã K... rồi dẫu có tiền muôn bạc vạn, dẫu có tiến bộ khoa học hiện đại vẫn đành thua cuộc!.
Ai cũng giấu giếm... nhưng hình như linh tính bà Tư Đan biết chuyện chẳng lành. Nhiều hôm chỉ có một mình Nhân ở nhà, bà muốn nói điều gì ấy nhưng lại thôi.
Nhân ngồi bó gối thấy mẹ đang cố gắng hết sức để nâng bàn tay gầy guộc lên như muốn vẫy gọi Nhân mà không làm được.
Nhân thấy vậy vùng dậy bước nhanh tới bên gường, hỏi:
“Mẹ mệt quá?. Con lấy thuốc giảm đau cho mẹ uống nghe!.”.
Bà Tư Đan làm thinh mắt đờ đẫn nhìn ra phía cửa sổ như mong ngóng ai...
“Mẹ!. Mẹ muốn nói điều gì với con...?”.
Bà Tư Đan vẫn im lặng... đôi khoé mắt ngân ngấn nước mắt.
Mới nửa chiều bên ngoài trời sẫm tối. Cơn giông ập tới mưa xối mưa xả, Nhân đi đóng cửa sổ lại cho kín gió, bật sáng đèn các phòng trong nhà xong... quay lại thấy bà Tư Đan vật vã ôm ngực người co rúm...
Bà Tư Đan từ biệt cõi đời.
Nhân đau đớn vô cùng!.
Về già ông Hành kể ngọn ngành đầu đuôi chuyện tình giữa ông và cô Tư Đan cho cô Vân - con gái của ông nghe – ông Hành bày tỏ sự ân hận và mong mỏi tìm đứa con với cô Tư Đan ngày xưa...
Trước năm hòa bình bảy lăm...
Cô Tư Đan yêu anh Hành rồi có thai nghén nhưng “Với ai chứ không phải với anh Hành.”. Đó là lời khẳng định như đinh đóng cột của ông Miêng.
“Liệu mà “tự xử!”.
Ông Miêng cha của Hành nói như lệnh với cô Tư Đan là phải bỏ cái bào thai!.
Cô Tư Đan chẳng biết làm gì, ngồi cuối đầu thin thít...
Ông Miêng nói như quát:
“Thằng Hành con tôi mà lấy cô hãy!. Không! Không thể nào có cái điều ấy xảy ra ở nhà này!”.
Cái thể giàu - nghèo giữa hai nhà là hố ngăn cách theo ông Miêng khó san lấp... dẫn tới xử sự quá cố chấp!.
Hành đau khổ dữ lắm mà chẳng nói được câu nào. Tư Đan khóc hết nước mắt. Cô tự trách mình nông nỗi, nhẹ dạ, cả tin...?. Nói gì nghe cũng phải.
Cô Tư Đan lặng lẽ làm theo tiếng gọi của trái tim người mẹ giữ gìn bào thai rồi lặng lẽ bỏ xứ vào Nam sinh sống...
Sau nhiều năm cất công tìm người anh ruột, Vân đã gặp Nhân nhưng một điều bán tín bán nghi lại xảy ra...
Nhân viết thư gởi Vân:
“Nếu những tình tiết cô Vân kể là đúng thì vì nguyên cớ gì suốt cả đời mẹ sống với tôi - đứa con trai duy nhất của mẹ mà mẹ lại bảo là tôi con nuôi?”.
HÒA VĂN
(4/2013)



Nhân vật, tình huống của truyện ngắn có sự trùng lắp trong đời sống xã hội là ngoài chủ ý của tác giả. (Hòa Văn) 
______________________________________
Tình Mong Manh


HÒA VĂN


Ngó lớn bổng rứa chứ tuổi còn "Ăn chưa no lo chưa tới...". Mẹ hay nói tôi như vậy với các bà bạn hàng xóm.
Qua trưa cô bé Hạnh ở cùng khu phố đến nhà chơi. Thì cũng như mọi lần chứ có khác gì đâu?. Hoặc là cô bé mang đến cho mượn quyển truyện, hoặc tặng trái ổi vừa chín tới mới thấy đã muốn bổ ra ăn ngay cho đã... Thế mà giờ tôi lại bối rối lạ!.
Hạnh hay gọi tôi bằng tên và xưng lại cũng bằng tên giống y tôi:
- Viên thích quyển truyện nầy không?.
Đâu một chặp sau tôi mới chọn được câu trả lời mà cũng không nói ra.
Tôi hỏi chuyện khác:
- Hạnh soạn bài tập hóa chưa?.
- Dễ ợt!. Còn Viên?.
- Mới vừa xong!.
Tôi liếc nhìn Hạnh "Cô bé ngày một lớn trông thấy!". Hình như đoán được ý nghĩ của tôi Hạnh vừa gật gật đầu vừa cười rất tươi giả bộ chăm chú xem tập truyện của Đinh Tiến Luyện tôi mới mua hồi nửa buổi sáng nay. Hạnh cùng một tuổi với tôi nhưng coi bộ già dặn hơn tôi nhiều. Con gái thường thường là như thế. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt Hạnh, đẹp như tranh tượng! Màu da trắng mịn màn càng làm cho hai gò má và đôi môi thêm tươi hồng... Khi Hạnh cười má nung núng đồng tiền nữa khiến khuôn mặt càng xinh!.
- Viên xem xong quyển nầy cho Hạnh mượn nghe!.
Câu hỏi của Hạnh cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi ậm ừ cho qua chuyện và nói:
- Truyện hay cực... Viên sẽ cho Hạnh mượn đọc trong ngày mai.
Không biết tại sao tôi lại nói như vậy. Thật ra tôi mới đọc đâu mấy chương đầu và nếu muốn đọc hết ít nhất phải đến cuối tuần.
- Ừ!.
Hạnh vừa “Ừ!” vừa tiếp tục đọc truyện.
Tiếng là phố nhưng nơi tôi ở toàn là người lao động. Mẹ tôi mở tiệm giặt ủi còn nhà Hạnh bà mẹ bán hàng xén ông ba đi xe ba gát. Ông Xân trước mặt nhà lại là phu khuâng vác ở kho lương thực...

Ông Xân tuổi trên năm mươi, có cặp chân rắn chắc, đôi cánh tay cứng cáp. Ông nói hằng ngày ít nhất cũng có hàng tấn gạo được ông vác trên đôi vai từ kho ra xe hoặc từ xe nhập kho. Hồi ấy gạo được đựng trong bao tạ sọc xanh nên công nhân khuâng vác toàn là người có sức khoẻ.
Được cái phố nghèo sống với nhau chân tình. Mấy năm trước cả xóm nhà cửa tạm bợ vách là gỗ tạp mái lợp tôn, đường sá đi lại khó khăn lắm. Từ ngày sáp nhập vô phố phát triển lên đôi chút. Đầu tiên là cái đường không còn gồ ghề đá đất, nó được láng nhựa phẳng lì và rộng rãi.
Hạnh xếp quyển truyện lại trao cho tôi.
- Viên đi học chưa?.
Tôi lại bối rối.
- Ừ!. Giờ đi!.
Ngồi nhớ lại bao kỷ niệm vui buồn thời còn cắp sách vở đi học trong tôi vẫn còn y nguyên niềm hân hoan rất khó tả. Không có gì níu kéo hai đứa bạn học cùng lớp cùng trường lại gần nhau hơn là tình yêu ngây ngô học trò...
Tôi và Hạnh trở nên đôi bạn tuyệt vời. Trước tôi học giỏi và Hạnh cũng vậy nay càng học giỏi. Dù không có thách đố điều gì nhưng cả hai ngầm thi với nhau. Tôi nghĩ bụng lỡ mà học kém chắc Hạnh nhìn mình bằng nửa con mắt!.
Đôi mắt Hạnh chưa kẻ vẻ chưa sửa soạn mà đẹp hớp hồn nhiều đứa con trai ở trường. Tôi nhớ Hạnh mà chính xác nhớ đôi mắt của Hạnh. Tuần trước gặp ngày nghĩ lễ kế đó là trúng thứ Bảy và Chủ nhật Hạnh theo ba về quê thăm nội.Nói thật chẳng lẽ tôi xin đi theo cùng chứ biết sẽ nhớ lắm. Rồi đúng thật như vậy ba ngày không gặp Hạnh với tôi sao mà thời gian nó dài thăm thẳm. Khi Hạnh trở về hôm gặp ở lớp chẳng lẽ lại bỏ chỗ đang ngồi chạy tuốt lại ngồi cạnh Hạnh ở bàn đầu. Tiết văn học, môn tôi thích vô cùng thế mà bữa ấy trở thành cực hình... Trông sao cô Hoàng Vân ngừng giảng bài cho nghỉ giải lao giữa giờ năm phút như mọi khi để tranh thủ gặp Hạnh. Cô Hoàng Vân lại cho làm bài tập.
Hạnh chép xong đề bài quay xuống đôi mắt Hạnh sáng tinh nghịch chọc tức tôi!.
Cô Hoàng Vân gọi:
- Nguyên Viên chép đề xong chưa?. Lên đây cô biểu!.
Tôi giật mình lo lo không biết cô giáo biểu mình lên bảng làm gì?. Tôi xếp vở cất bút đứng dậy.
- Thưa cô xong rồi ạ!.
Rồi mạnh dạn đi lên bảng ngay.
- Em giúp cô gợi ý dàn bài luận văn để các bạn nắm chắc đề tài...
Tôi nhìn Hạnh. Nhìn đăm đăm vào đôi mắt Hạnh lòng trỗi lên bao tình cảm trìu mến. Đề bài văn bảo học sinh tả cảm xúc của bạn trước “ánh mắt yêu thương của người mẹ khi biết con ngoan và giỏi”.
Mẹ của tôi rất thương yêu con cái. Tôi biết chắc là vậy vì kể từ ngày ba mất, mẹ mới hai mươi chín tuổi, vẫn ở vậy cả đời tần tảo nuôi nấng cả năm đứa con thơ dại lớn khôn nên người. Trên đôi mắt của mẹ bao giờ cũng tràn đầy niềm tin yêu dẫu cuộc sống không dễ dàng gì... Mẹ... Tôi nghĩ về mẹ rồi từ tốn làm theo yêu cầu của cô, các bạn trong lớp yên lặng ngồi nghe... Hạnh hình như vừa nghe cả tai và cả đôi mắt nữa... nhìn cử chỉ biết cô bé tỏ vẻ rất đồng tình với những gì tôi nói về ánh mắt của những bà mẹ. Ánh mắt hạnh phúc!.
Hòa bình bảy lăm. Nhiều người ở xóm lao động dọn về quê cũ. Mọi sự đảo lộn. Tôi theo mẹ đi Sài Gòn. Thời gian trôi qua nhanh quá mới đó mà đã ba mươi tám năm.
Hôm qua về lại phố cũ đa số là người lạ mới đến nên hỏi thăm Hạnh chẳng ai biết. May buổi tối gặp Tài một bạn học cũ mới biết Hạnh giờ ở Đà Nẵng.
- Tài biết địa chỉ?.
- Bữa họp lớp Hạnh nói...
Tuy chỗ ở của Hạnh nằm trong con hẻm sâu nhà cửa san sát đông đúc nhưng đến nơi hỏi ai cũng biết Hạnh.
Hai đứa bạn học cũ ngồi đối diện nhau trong một quán cà phê khá tươm tất nhìn ra sông Hàn đang lộng gió, chiếc cầu Rồng mới làm xong về đêm rực rỡ. Nghe nói cứ sáng và chiều ngày hai lần vào một giờ nhất định nó phun nước phun lửa. Nhiều người bảo con rồng nầy nọ... điều nầy tôi không quan tâm. Ít ra trên con sông từng một thời lam lũ giờ có nhiều điều khởi sắc là vui vui rồi.
Câu đầu tiên Hạnh hỏi tôi là “Anh Viên được mấy cháu?”. Tôi đáp: “Hai đứa con trai giờ đã lớn, một sắp tốt nghiệp Đại học, một đang học năm thứ hai...”. Hạnh nghe tôi trả lời xong tỏ vẻ buồn buồn. Tôi ngạc nhiên về điều nầy.
Suốt buổi gặp Hạnh nhắc nhiều đến ngày xưa và tránh trớ hiện tại. Đôi mắt của Hạnh ẩn chứa sâu thẳm nỗi buồn gì đó tuy vậy vẫn còn đó nét đẹp... rất đẹp...
Mười ngày sau Hạnh viết email gởi tôi:
“Em cảm ơn những chia sẻ chân tình của anh. Có điều hoàn cảnh mỗi người một khác rồi. Hạnh phúc của em quá mong manh có đó rồi mất đó!. Hiện giờ nó đã vỡ ra từng mảnh vụn... Em ước gì có phép màu để quay trở lại thời xa xưa... thắm đẫm tình yêu thương. Ngày xưa ấy em viết cho anh một lá thư chưa kịp gởi, nay trở thành kỷ vật đẹp em cất giữ cẩn thận. Sau bữa hôm gặp anh về em lấy ra xem... Lá thư của cô con gái đang học lớp 12 đầy mộng đẹp!. Anh biết trong thư em nói gì không?.
Em yêu anh!
Và em chắc anh cũng muốn nói "yêu em" mà chưa thổ lộ!”.
HÒA VĂN


·         

Cánh Hoa Màu Nhớ


HÒA VĂN



Thanh Thanh đột nhiên trở về sau mười mấy năm không tin tức gì. Khu phố như rộn ràng thêm lên, quán cà phê thêm khách... Chỉ có Hải không biết buồn hay vui, mấy ngày nay vẫn ngồi cùng người bạn thân Thi và Tú nhâm nhi từng giọt cà phê đen như mọi khi, mặc cho ai bàn ra tán vào về cô gái ấy.
Ở phố ai cũng quen biết nhau. Bởi phố hẹp người thưa, đường sá y chang câu hát phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định “đi dăm phút trở về chốn cũ”. Được cái mọi người đều yêu phố nầy, yêu màu rêu xanh ngói âm dương, màu nắng chiều sóng sánh như sao lăn tăn trên dòng sông mang tên Nhớ. Con đường có chiếc cầu bắc ngang qua ngôi chùa, với Hải và Thanh Thanh đầy ắp bao niềm vui và nỗi buồn. Vui thì rõ rồi, ở vào cái tuổi ô mai ấy mà, tâm trí cả hai trong veo. Còn buồn vô cớ nhiều lắm. Do trời mưa không gặp được: buồn, lo học thi không có thì giờ đi chơi: buồn. Nhưng buồn nhất phải nói cái ngày đột nhiên em ra đi.
Buổi tối Thanh Thanh đến nhà Hải. Cùng đi có bé Hân, kêu Thanh Thanh bằng dì ruột, đang học lớp 7. Cô bé tự nhiên có người dì từ xa về và không biết gì chuyện của Hải và Thanh Thanh ngày xưa, nên rất xởi lởi. Cung cách của cô bé Hân phần nào làm cho cuộc gặp giữa Hải và Thanh Thanh tự nhiên. Mẹ của Hải thấy Thanh Thanh chỉ chào qua rồi đi xuống nhà ngang lo chuyện bếp núc.
Hải hỏi:
-  Em về luôn!.
Thanh Thanh đáp:
-  Dạ cũng chưa biết!.
Trong câu trả lời của Thanh Thanh có gì như nghèn nghẹn ở cổ. Đôi mắt của Thanh Thanh rơm rớm...
Ngày xưa, không mới đây thôi mà giống như chuyện ngày xưa thật. Cả hai học chung bậc tiểu học ở trường cộng đồng Sơn Phú, sau đó lên lớp đệ thất phải học hai trường, một dành cho nam và một toàn là con gái gọi là trường nữ trung học. Dù khác trường cặp đôi – từ các bạn trang lứa ghép cho – Hải Thanh thường gặp nhau những bữa rảnh rỗi hay ngày Chủ Nhật. Tiết mục cả hai thích nhất cùng bách bộ hàng giờ từ góc chợ phố qua cầu An Tụ, sang Cẩm Năm xong tấp vào một quán chè bắp nào đó bất kỳ, thi ăn chè bắp cho đến no cành hông mới lặng lẽ quay trở lại cây da chợ, nơi gởi chiếc xe đạp hảng Michelin không mới nhưng chạy xịn lắm. Hai đứa đèo nhau vòng vòng qua các ngõ phố. Những lúc như vậy cái thành phố “con con” nầy không những đẹp mà còn giống như bà mẹ hiền dang đôi cánh tay vuốt ve nưng chiều đàn con yêu quý của mình!.
Đèn điện được bật lên, con đường rộng ra. Ai nấy cũng đi bộ, tục nầy chỉ có ở con đường ngang qua chùa thôi. Không khí yên ổn và thân quen lạ.
Những năm đầu năm... mọi sự đảo lộn. Cái khó khăn kinh tế đã đành, ai cũng biết nên không kêu ca gì. Riêng cái khoản sâu lắng trong lòng mỗi người có chút gì đó xao động. Cái tin đồn nầy cái tin đồn nọ râm ran... Độc nhất quán cà phê của mẹ Thanh Thanh còn trụ lại làm nơi “uống cho đỡ nhớ!” theo như một số người kể lại như thế. Rồi đùng một cái Thanh Thanh biến mất, năm ấy cô đang học lớp cuối cấp trung học. Lại một phen đồn đoán nọ kia, thời gian trôi qua công việc làm ăn choáng hết chỗ nên chẳng còn ai nhớ. Hải thì không nguôi ngoai...
Con đường sang bên Cẩm Năm một mình Hải thui thủi đi đâu được mấy tháng, rồi phải nghỉ thôi. Hải nhớ Thanh Thanh thích bông hoa súng. Phải rồi bông hoa súng tím. Ngay trước sân nhà Hải đào một hồ rộng, đúc hòn non bộ bằng xi măng lắp san hô biển, đá núi và trồng cây súng. Để cây súng sống được và cho hoa quanh năm bốn mùa không dễ. Năm lần mười lượt thất bại mới có ngày thành công. Đó là khi Hải mua trên chục chiếc thau nhựa cỡ lớn cho bùn đất vào, nhận chìm chúng xuống đáy hồ, xong trồng củ cây bông súng vào thau đất. Lạ thay không lâu sau những chiếc lá súng nhô lên mặt nước, kế đó lần lượt trỗ hoa. Làm chơi ăn thiệt, trò chơi đào hồ đắp non bộ, trồng cây cảnh, cây thế... của Hải thành mode, sau nầy khi kinh tế qua thời túng bấn thiên hạ bắt chước chơi và Hải lên công ty cây cảnh. Cái nầy chỉ là phụ. Cái chính Hải làm được việc Thanh Thanh khi ở đây ưng thích.
Thanh Thanh và Hải ngồi lặng thinh, Hải nhớ rõ mồn một mọi chuyện, còn Thanh Thanh đang nghĩ điều gì. Cô ngồi im, mắt buồn buồn. Đôi mắt một thời cả trường trung học nam không ai không ưa nhìn.
Hải nói:
- Em chưa trả lời câu hỏi của anh!.
- Thì em nói chưa biết!
- Thôi em nói chuyện gì đi!
Buổi gặp đầu tiên sau mười mấy năm xa cách, chỉ có thế!. Hải tiễn Thanh Thanh ra về khi trăng đêm mười sáu lên đỉnh đầu, ánh sáng của trăng lóng lánh như những mảnh vàng ai dát vào mái hiên ngôi nhà cổ phía bên kia đường. Khi Thanh Thanh vừa ra khỏi tán cây lộc vừng ánh trăng toả vào Thanh Thanh làm tôn thêm vẻ hiền dịu vốn có sâu thẳm bên trong, làm đẹp thêm vóc dáng mảnh mai của cô gái ở độ tuổi hai bảy đầy sinh lực.
Nhiều tháng sau Hải và Thanh Thanh không gặp nhau.
                                                                                                
Bất ngờ có một hôm, Hải đến nhà Thanh Thanh báo tin, toàn bộ cây bông hoa súng trong hồ cảnh của Hải chết!. (Dù chế độ chăm sóc, được giữ y như ngày nào).
Và chính Hải sửng sốt hơn khi thấy Thanh Thanh tiều tuỵ. Hai sự việc ngẫu nhiên trùng khớp rất lạ lùng như đọc đâu đấy trong truyện cổ tích.
                                             
Thôi ngày vui của giới tính hơn nữa dân số thế giới mà nghe chuyện buồn không nên. Truyện ngắn tạm dừng.
Chỉ hé lộ một chút thông tin là ở nơi xa xứ Thanh Thanh bệnh không chữa được nhưng khi nguyện về cố hương sống với người Thanh Thanh yêu thương nhất thì như có Bụt độ trì, sức khoẻ Thanh Thanh hồi phục trở lại. Nay lại như thế nầy.
Hải nói với Thanh Thanh:
           
- Anh gần cả một đời nhớ em qua những cánh hoa súng màu tím. 
Sau đó, có một cặp tình nhân, dắt tay nhau đi bách bộ trở lại trên con đường qua cầu An Tụ, đi ăn chè bắp Cẩm Năm, thành phố X vui lắm!../.
HÒA VĂN
 
 


Nơi Chỉ Có Hai Người ?


HÒA VĂN



1.
Chiếc xe lúc đầu mới thấy tưởng con dế, nhìn kỹ chặp lâu nó lại giống con bò cạp mà không phải hình như nó là con rắn nằm khoanh tròn giấu đi cái đầu chỉ có cái đuôi và phần thân.
Phương Hạ lắc lắc đầu mấy lượt rồi nhắm mắt mở mắt mấy lần để định thần. Đúng rồi phía trong xe có một người, coi bộ anh thuộc tạng người sành điệu chiếc kiếng màu đính trên sống mũi cao và thẳng, chiếm đâu một phần năm khuôn mặt. Dù vậy Phương Hạ chắc anh nhất định đẹp trai.
Bữa gặp đầu tiên chỉ có vậy mà sao về tới nhà lòng lao lư lạ. Phương Hạ đem chuyện nầy kể với chị gái (là chị nhưng hai chị em cùng tuổi, nghe mẹ kể chị lọt lòng mẹ sau Phương Hạ năm hay bảy phút gì đó) chị mách với mẹ “Bé Phương Hạ đã biết mơ rồi mẹ ơi!”. Phương Hạ vặn hỏi “Mơ là không thiệt hả chị!”. “Đôi khi như vậy và đôi khi lại khác, sau mơ sẽ thành sự thật”. “Chị nói em không hiểu?”. “Mà thôi mình mới mười sáu tuổi!”. Chị nói như thế rồi giục cùng đi học kẻo trễ.
Ở trường cấp 2 - 3 Gò Nổi nầy hơn tám trăm học sinh đều biết cặp chị em song sinh Phương Xuân – Phương Hạ, bên cạnh giống nhau như hai giọt nước, cả hai cùng học rất giỏi, nhất là môn văn học. Hôm trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập trường phần văn nghệ Phương Hạ đọc một bài thơ mới sáng tác còn Phương Xuân hát bài của nhạc sĩ Từ Huy, tác giả người cùng quê nổi tiếng ở Sài Gòn. Nếu như bài thơ của Phương Hạ mơ về ngay mai thì bài hát lại nhớ về tuổi thơ!. Hai thế hệ có cách nhìn nhận khác nhau nhưng đồng cảm.
“Hai đứa lo mà học hành”. Mẹ nhắc nhở và kể ngày xưa ông nội coi trọng việc học lắm tiếc là nhà nghèo với lại hồi ấy ở đây việc đi học không đơn giản, bậc tiểu học thì học tại quê còn lên trung học phải cơm đùm cơm gói xuống tới phố Hội mới có trường lớp nên chi ít ai theo học đến cùng. Ba con học hết đệ nhất cấp là giỏi lắm!. Câu chuyện nầy hai chị em nghe không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nghe mẹ nói như thế hai chị em thấy như được bồi bổ thêm nghị lực. Và cả hai ngày càng học giỏi hơn.
Cuối năm 12 tốt nghiệp xong hai chị em ra Đà Nẵng thi Đại học. Việc Phương Xuân – Phương Hạ thi đỗ mấy trường cùng một năm là chuyện ở đâu trong xóm trong làng mọi người cũng nhắc đến và khen ngợi hết lời. Họ nói học như rứa ai mà không cho học!.
Phương Hạ đỗ Ngoại thương thế mà lại chọn học khoa Nhân văn, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Phương Hạ nói Ngoại thương con không học có người khác học và làm tốt, còn khoa con chọn nếu con không học uổng lắm!.
Thời gian không dừng lại bao giờ. Mới đó mà đã hai mươi mấy năm kể từ ngày Phương Hạ ra trường Đại học hạng giỏi với luận văn đề cập đến văn học sử giai đoạn 54 - 75 ở miền Nam. Bằng sự sâu sắc về cách nhìn, cách đánh giá khách quan và trung thực, luận văn của Phương Hạ không chỉ xác định sự thật mà còn bước đầu soi rọi hàng loạt tác phẩm mang đậm tính nhân văn và nhân bản vốn là gia tài vô giá của đất nước có bề dày văn hiến hàng ngàn năm...
Anh con trai có lần Phương Hạ kể cho chị nghe năm nào đột nhiên xuất hiện. Chiếc xe bây giờ không là con dế, con bò cạp hay con rắn nằm khoanh tròn, nó bóng loáng mang nhản hiệu Renault...
Anh đang là ba của đứa con trai kháu khỉnh năm tuổi có đôi mắt y hệt Phương Hạ, tròn sáng và đặc biệt có sức hút kỳ lạ hễ ai có dịp nhìn thấy nhất định phải dành cho chủ nhân nó sự yêu mến!. Còn khuôn mặt và sống mũi như được sao chép nguyên bản của anh. Chuyện anh và Phương Hạ gặp nhau đến với nhau giống nguyên xi những giấc mơ hồi còn cắp sách đến trường, có khác chăng giấc mơ có nhiều lúc thăng trầm lắm!. Ví dụ hai người quen nhau đến gần hai năm, khi về nhà thưa với mẹ, mẹ bảo “Cái chi cũng được nhưng cái chuyện người con trai khuyết tật là căng lắm!”. Mẹ nói con yêu thương nói vậy, mẹ hiểu và thương con mẹ đồng ý nhưng còn xóm giềng, tộc họ mà nhất cậu Tân con chắc gì ổng chịu!. Sau giấc mơ Phương Hạ khóc nức nở. Rồi viết email kể với chị Phương Xuân, chị an ủi “Chỉ là mơ em lo xa quá!”. Hoặc có một lần thấy anh bỏ rơi Phương Hạ. Sau giấc ngủ dậy cũng khóc, khóc ghê lắm. Mấy đứa bạn cùng cơ quan lại phân trần “Chỉ là mơ thôi!”.
Gần đây nhất Phương Hạ cùng anh lạc vào thành phố lạ nơi chỉ có hai người!. Sau đâu mấy chục năm sinh sống ở đó Phương Hạ có mái ấm thật hạnh phúc nhưng lòng chẳng an lành chút nào, lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai tiếng gọi của mọi người thân quen. Họ nói hãy trở lại cuộc sống thường ngày dù nơi đang sống còn quá nhiều bất cập. Gia đình là tế bào của xã hội, mọi sự tốt xấu của xã hội có một phần do từng con người từng gia đình làm nên và ngược lại xã hội với tác động chủ và khách quan bản thân xã hội cũng sinh ra nhiều điều không như mong ước.
Phương Hạ kể hiện giờ hơi hẫng hụt. Nhiều truyện, thơ của Phương Hạ viết chẳng có ý nghĩa gì! Đa số lưu hành trong giới văn chương còn xã hội ít ai quan tâm hoặc có thì hời hợt. Phương Hạ nói có lần văn sĩ Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắng “Chỉ trích thói rẻ rúng và đốn mạt của “bọn làm thơ”” và không ngần ngại “Tôi không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng trên thực tế cái danh “nhà thơ” là một thứ nhìn chung là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó; “nhà thơ” đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn “lưu manh” nữa…”. Theo Nguyễn Huy Thiệp thời Pháp thuộc ngay như văn sĩ nổi tiếng Vũ Trọng Phụng còn bị  xếp vào hạng “Vô nghề nghiệp”!.
Mới đây đọc một truyện ngắn của thi sĩ lão thành người cùng quê đang ở Sài Gòn, đăng trên tạp chí văn nghệ X, chuyện kể có một thi sĩ nọ in thơ sau khi biếu tặng, số còn tồn lại không biết làm gì đã đưa hàng trăm quyển cho bà vợ tặng bạn hàng khi mua hàng tạp hóa... của bà, làm thế mà làm được?!.
Sau khi đọc truyện Phương Hạ thêm đau lòng hơn! Buồn bã mấy ngày và định quẳng bút!.
Chồng  Phương Hạ biết chuyện không đồng ý. Anh nói em cứ sống và viết hết lòng. Mảnh đất em đang cày xới gieo trồng từng con chữ có anh cùng chia sẻ! Em lo gì?.
2. 
Phương Hạ làm việc ở NXB. Y. Hồi chân ướt chân ráo đến đây với kiến thức được trang bị ở trường lớp và bầu máu nóng ở trái tim yêu văn học Phương Hạ tưởng chừng sẽ đem tài năng ra giúp đỡ các văn nhân thi sĩ có điều kiện thuận lợi công bố tác phẩm mà họ lao tâm khổ tứ mới có được. Đâu nửa năm tiếp xúc với công việc gọi là biên tập viên, Phương Hạ nhận ra điều mà trước đó chỉ nghe phong phanh. Rất may cho cô nhân viên mới cao tay ấn nên xếp không dám thực hiện thủ tục "1 trong 2 T"(*).
Thành phố ngày càng đông người theo đúng quy luật phát triển của xã hội nhưng cũng chính sự đông đảo một cách không theo đúng quy hoạch giống như nước nơi cao cứ đương nhiên đổ xuống nơi thấp, không ai có thể ngăn chặn được do vậy biết bao nhiêu bất cập xảy ra khiến nhiều người đau đầu. Nghe nói sắp tới có giải pháp giản các khu kinh tế, khu công nghiệp ra các vùng ven ngoại thành để kéo mật độ dân cư trong thành phố xuống mức tỉ lệ cho phép. Cách đây hai ngày Phương Hạ nhận được một tập bản thảo do xếp trao tận tay. Xếp bảo “Tập thơ khá lắm đấy! Cô xem biên tập nhanh để cho in!”. Như mọi khi cô nhẹ nhàng “Dạ!” rồi kéo thọa bàn cất tạm vào đấy. Hôm nay sực nhớ vội lấy ra đọc. Tác giả tuổi lục tuần nhưng trông tấm ảnh chụp gởi kèm tập bản thảo nom trẻ như mới năm mươi và coi bộ còn lắm phong độ. Cô cố gắng nhớ hình như đã gặp người nầy một lần ở Hội nghị tổng kết văn học tỉnh N. và một lần tại buổi giới thiệu sách của tác giả T.M thì phải, ông tính tình xởi lởi dễ bắt chuyện, chỉ cần hỏi đôi ba câu xã giao, ông đã kể tất tần tật mọi chuyện liên quan đến thơ ca (hò vè) của ông. Đúng như một văn sĩ có nhận xét  “Cái tôi văn nghệ của một số người ở nước mình to và sung lắm!”.
Ngược với những gì ông giới thiệu, thơ ông càng đọc càng không biết ông muốn nói chuyện gì!. Thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ăn việc làm gặp khó khăn, nhưng thơ ca của ông thì khá thuận lợi. Toàn mây và gió. Tập bản thảo có ba phần: phần một kể chuyện quá khứ, phần hai mơ ước tương lai, hiện tại viết rời rạt. Gộp chung lại chẳng ăn nhập gì, đó là chưa kể quá hơn hai phần ba bài muốn in phải biên tập ít nhất năm mươi phần trăm số câu, chữ trở lên.
Đường đến nơi làm việc thường kẹt xe, nó xảy ra như người nghiện rượu chiều chiều lại nhớ chiều chiều không hề sót bữa nào. Đúng ra Phương Hạ đến vào lúc 7 giờ 30 thế mà bây giờ đã hơn 8 giờ rồi vẫn còn cách cơ quan non hai cây số, điện thoại reo tới lần thứ ba rồi mà xe cộ, người chật như nem không thế lấy điện thoại từ trong giỏ xách ra để nghe xem có gì cần kíp không. Tới nơi trông xếp mặt đỏ gay và miệng nói câu gì đó làu nhàu cô chắc mẩm mấy cuộc gọi nhỡ là của xếp. Tuy vậy thản nhiên giả bộ không hay biết, tính bước vội qua mặt xếp kèm theo nụ cười buổi sáng xong đi thẳng vào văn phòng, liền bị xếp gọi lại “Cô biên tập tới đâu rồi!”. Mỗi lần xếp mà hỏi thắt ngang như thế ổng chắc giận lắm! Nghĩ trong bụng rồi không trả lời mà hỏi lại “Theo anh tới đâu rồi?”. Chính câu hỏi đã cứu cô, thay vì gắt gỏng tiếp xếp nở nụ cười tròn vo trên môi mỏng dính, nói “Ừ! Em cố cho nhanh, xếp (thì ra ông in thơ trước đây xếp của con xếp) điện thoại mấy lần hối in cho kịp phát hành vào hôm ông tổ chức mừng thọ lục tuần vào cuối tháng bảy tới.”. “Chắc cứ để thế mà in!. Em biên tập đến nhức cả cái đầu mà chẳng ra hồn!”. “Thì tuỳ em, miễn có sách đúng hẹn cho ổng!”.
Phương Hạ nhớ câu động viên của chồng cách đây hơn một tuần "Em cứ sống và viết hết lòng. Mảnh đất em đang cày xới gieo trồng từng con chữ có anh cùng chia sẻ!. Em lo gì?.”. Anh chồng là một doanh nhân văn hoá của văn sĩ Lê Lựu, nên rất thông cảm với vợ nhiều vấn đề. Hôm đó cô trả lời “Em quý và yêu anh chính vì điều anh vừa nói, nhưng điều em quan tâm không phải ở thực trạng mà là căn nguyên.”. Anh chồng ôm vợ vào lòng âu yếm tặng nụ hôn xong mới nói “Không nên máy móc em ạ!. Mỗi người chúng ta nên làm tròn nhiệm vụ được xã hội phân công còn... “. Anh chồng định nói thật một điều gì nhưng sợ vợ lại buồn nên ngập ngừng rồi chuyển sang chuyện của anh.
Anh kể hồi bảy chín cả nước sôi sục khí thế chống quân “khựa”, ở tuổi hai mươi đang ngồi trên ghế Đại học kinh tế... anh xung phong làm người lính ở tuyến đầu biên giới phía Bắc, Cuộc chiến nào cũng không tránh khỏi mất mát hy sinh song theo anh những ngày tháng năm ấy với anh là một bài học lớn về cuộc đời. Một bàn chân trái của anh đã gởi lại trên chiến trường, anh sẵn sàng hy sinh một phần hay cả thân thể vì đây là bổn phận phải làm, anh tâm sự cả nước lúc ấy mà dụ dựa chắc đất nước không còn gì!”. Trở lại đời thường gặp Phương Hạ anh như được tiếp thêm sức sống mới nghị lực mới để đến ngày hôm nay anh có mái ấm hạnh phúc vợ đẹp con xinh và có một Công ty điện tử đang ăn nên làm ra nhất nhì ở thành phố Sài Gòn”. Phương Hạ vùi đầu vào ngực chồng và cảm thấy yên lành lạ!.
"17 giờ rồi! Em phải đi đón cu Sun!. Anh ở nhà, tối nay mình đi ăn cơm ở quán nghe!".
Ngoài sân bóng nắng chiều gom lại chỉ còn đâu vài mét vuông. Không khí dịu mát...
3.
                                        
Ở Sài Gòn nhiều sinh hoạt kéo dài thâu đêm, khi mới vào sống ở đây Phương Hạ nghĩ trong bụng không biết người ta đi đâu làm gì mà đông thế. Những con đường rộng thênh thang vậy mà lúc nào cũng ướm kẹt xe. Lại quán xá nữa ba hàng dảy bảy hàng dài không có gì không có, đến như cần một nồi nước lá xông khi cảm lạnh theo cách chữa bệnh dân gian, có ngay nào là lá tre, cây sả, rễ tranh, cỏ gấu, râu bắp... Chồng của Phương Hạ quê gốc Đà Nẵng vào lập nghiệp năm 82, tức là một năm sau ngày phục viên, bạn bè đa số học xong ra trường, anh chàng cựu sinh viên giờ “khuyết tật” chưa biết làm gì cho khuây khoả gặp dịp ông bác mới mở một công ty điện máy cần người quản lý, thế là anh bỏ qua dự định trở về trường để học tiếp. Bác anh nói “Bằng cấp là quan trọng nhưng thực tế rất cần!”. Đúng vậy chỉ hơn ba năm học buôn học bán ở thương trường lớn nhất nước nầy anh trưởng thành nhanh chóng, không những vừa học tín chỉ xong bậc đại học mà anh còn mở riêng cho mình một công ty chuyên kinh doanh các loại hàng điện tử. Một lần về quê anh gặp Phương Hạ cùng đi trên chuyến tàu hoả, cả hai như hẹn nhau bắt chuyện nhanh rồi quen và đến với nhau... Câu chuyện Phương Hạ mơ ngày xưa chồng cô là người "khuyết tật" như sự dự báo nên khi biết anh mất một bàn chân ở biên giới phía Bắc năm bảy chín, cô không ngần ngại mà còn tự hào về người chồng tương lai. “Ghé vào quán nầy anh hé!”. Phương Hạ vừa nói vừa chỉ tay. Anh chồng gật đầu và cho xe dừng lại.
Phía bên trong quán đã có cô em chồng cùng người bạn trai, thấy Phương Hạ đến cả hai vui vẻ ra tận xe bế cu Sun. “Hôm nay các em bày chuyện gì thế nầy?”. “Dạ! Tất cả do chị bày biện chúng em chỉ phụ giúp thôi!”. Lát sau có thêm mấy nhân viên công ty và hai người bạn của vợ chồng Phương Hạ đến. Phương Hạ trìu mến nhìn chồng nói “Nhân kỷ niệm mười năm ngày cưới của mình em muốn tặng anh, gia đình và bạn hữu sự bất ngờ nầy. Thôi xin mời!.”.
Bữa tiệc tuy đơn giản nhưng ấm cúng. Cu Sun được nhắc tới nhiều nhất. Mà đúng thôi vì đây là quả của cây hạnh phúc được vợ chồng Phương Hạ gieo trồng chăm bón tỉ mỉ và cu Sun chính là sợi dây kết nối thêm bao yêu thương vốn đã có sẵn trong tâm can của đôi uyên ương nầy.
Anh chồng nói có ý định sẽ dàn xếp thời gian về quê, thăm hai bên gia đình, thăm lại ngôi trường Phương Hạ học hồi bậc tiểu học tặng năm chục dàn máy vi tính để trường xây dựng phòng công nghệ dành cho học sinh lớp 4 và lớp 5 học tin học. Phương Hạ tỏ vẻ vui lắm. Cô nói “Em cũng sẽ thăm lại trường cấp 2 – 3 nữa!”.
Tập truyện ngắn (tạm gọi là XXV) của Phương Hạ gồm hai mươi lăm truyện, cách đây hai tháng cô chuyển cho xếp để in, Phương Hạ nghĩ công tác ở đây nên việc in sách chắc không gì trở ngại, thế mà...
Đâu vài ngày sau đó xếp trao lại cho Phương Hạ tập bản thảo và gợi ý “Theo anh em chưa nên in tập nầy!”. Cô vặn hỏi nhiều lần tại sao như vậy chỉ nhận được sự yên lặng. Từng biên tập nhiều truyện và thơ cho nhiều tác giả, mà nói biên tập chứ biên tập gì đâu, những đề tài không mới đã đành nó còn lãng tránh thực tế nên nhiều khi vô thưởng vô phạt. Tác phẩm nhàn nhạt dễ dàng ra đời còn tác phẩm có chiều sâu, bề rộng mang vóc dáng một chút, chờ...
Tập thơ của tác giả Đa Ni in đẹp giấy tốt, hình bìa vẽ chân dung cô gái tuổi đôi mươi đầy quyến rũ, hình như cô gái nửa e thẹn nửa mạnh bạo dang đôi tay thiên thần ra đón nhận niềm vui gì đấy, tác giả của bức tranh lột tả nửa chừng, chắc có dụng ý để tuỳ từng người xem tự trả lời. Hôm ông thi sĩ gởi sách lưu chiếu cho NXB, Phương Hạ khen, ông vui lắm và mời ngày... tháng... năm... đến nhà hàng Đá Cuội dự lễ mừng thọ lục tuần của ông đồng thời nhân dịp nầy ông sẽ phát hành tập thơ. Phương Hạ đọc bài giới thiệu có đoạn đưa ông lên tới mây xanh, ông hiểu ý cười rất tươi và phân trần “Chú nói viết sơ sơ thôi nhưng anh xếp của cô tâng lên quá! Chắc cho đáng đồng tiền bát gạo!”. Ông khoe in giấy mời rồi mà chưa kịp viết danh tính địa chỉ từng người nên chưa gởi được. Phương  Hạ cầm giấy mời phải nói là xịn, xịn nhất trong số giấy mời ở đây thường nhận. Ông nói thằng con nó lo đó!.
4.
Trở về quê lần nầy Phương Hạ vui lắm. Chị Phương Xuân hay tin đã chuẩn bị khá đầy đủ những tiết mục mà hồi còn cắp sách đi học hai chị em cùng thích.
Đà Nẵng so với cách đây hai mươi mấy năm thay đổi nhiều, con đường Bạch Đằng nằm dọc sông Hàn thơ mộng như rộng hơn dài hơn và đối diện phía bên kia sông có thêm một con đường sát bờ sông cũng đẹp thu hút khá nhiều khách nhàn du. Nghe tiếng hôm nay lần đầu tận mắt nhìn cây cầu Sông Hàn mang dáng dấp hiện đại lòng Phương Hạ thanh thản lạ.
Sun Sun con trai của Phương Hạ đi với mẹ và dì Xuân cùng bé Tin Tin (con gái dì Xuân) nhỏ hơn Sun Sun hai tuổi nhưng lanh lợi và rất rành đường đi. Tin Tin nói: “Dì biết không từ đây đến chùa Linh Ứng không còn xa lắm đâu!”.
Đó là chuyện cách đây hai ngày, hôm ấy cả hai gia đình Phương Xuân - Phương Hạ vãn cảnh chùa Linh Ứng, ngôi chùa mới xây dựng trên đỉnh núi Sơn Trà, khung cảnh thoáng đãng có tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cao lớn nhất nước uy nghi mà hiền hậu. Trông khuôn mặt vị Bồ Tát thật thanh thoát, du khách càng ngắm nhìn tâm hồn càng đón nhận thêm biết bao tình từ bi từ hỷ xả. Cảnh chùa yên bình khiến lòng người an lạc, từ đây mà phóng tầm nhìn ra xa xa biển xanh mênh mông và trời cao trong vắt tựa bức tranh thuỷ mặc sóng sánh lộng lẫy vô cùng. Rất tiếc mẹ của Phương Hạ bị bệnh cảm nên không đi được nhưng như bà nói: “Rất vui khi các con đi lễ Phật!”. Bởi với bà một gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi gia đình có Đạo. Từng trải qua bao gian khó nhọc nhằn cuộc đời, người mẹ trải nghiệm hết sức thấu đáo mọi sự đời, theo bà những điều răn dạy của các vị Giáo chủ tôn giáo không phải để đạt mục đích khi chết mà chính là để thực hiện khi sống!. Chân lý qua hàng ngàn năm tồn tại phát triển nói lên điều ấy.
Sáng nay đi thăm trường Tiểu học ở quê trao tặng năm mươi dàn máy vi tính vợ chồng Phương Hạ mới cảm nhận thêm một điều, quê mình còn quá nhiều khó khăn. Chỉ nói lĩnh vực giáo dục cũng lắm việc cần làm ngay. Thầy Duy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thời tiết nắng nóng như thế nầy mà trường chưa có nguồn nước tinh khiết tại chỗ để học sinh uống, đa phần các em phải mang theo chai nước sôi để nguội từ nhà đến trường, rất là tội!. Phương Hạ nói với chồng sau đợt nầy anh làm sao cố gắng vận động bạn bè trong giới doanh nhân của anh giảm đi một số cuộc hội hè đình đám chắc chắn sẽ đủ tiền giúp các em một công trình nước lọc theo công nghệ Na no đúng tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn. Anh chồng Phương Hạ gật gật đầu đồng ý.
Đứng dưới gốc phượng vĩ đang trỗ bông đỏ rực Phương Hạ bất giác nhớ đến kỷ niệm thời cùng tuổi với các em bây giờ. Kỷ niệm như cánh phượng kia tươi tắn màu yêu thương. So với các em bây giờ ngày xưa lứa học trò của Phương Hạ lơ ngơ nhiều, được cái rất thật lòng yêu thầy mến cô và quý tình bạn. Những Tưởng, Vân, Hà,... ngày nào, giờ mỗi đứa một phương trời một hoàn cảnh điều kiện sống khác nhau, tuy vậy Phương Hạ tin trong lòng mỗi bạn nhất định còn đọng lại mãi mãi những tình thân ái...
Gặp Vân hiện là cô giáo dạy Toán trường Trung học Phổ thông Gò Nổi, Phương Hạ yên lòng vì Vân không chạy theo cơ chế “thời thượng”, Vân biết đem kiến thức và lòng yêu nghề dạy dỗ các em học sinh nên người. Vân nói có người cho Vân lập dị mặc kệ, chồng Vân cũng là giáo viên cùng trường là người chia sẻ với Vân mọi công việc làm, thế là được rồi!. Và được hơn hầu như không có bậc cha mẹ nào và nhất là em học sinh nào không kính trọng cô giáo Vân thật sự. Khi biết Phương Hạ đang là văn sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn, cô giáo Vân khâm phục lắm!. Cô nói: “Mình đã đọc nhiều tác phẩm của Phương Hạ. Nếu được hôm nào mình sẽ tổ chức buổi gặp gỡ giữa Phương Hạ với học sinh lớp mình chủ nhiệm.”. Phương Hạ không nhận lời ngay mà đề nghị nếu Vân dàn xếp được điện thoại Phương Hạ dành thời gian tham gia.
Chỉ còn có hơn một tuần lễ nữa nghỉ hè rồi. Không khí trường lớp nao nao lòng!. Trên năm mươi em học sinh lớp mười hai tham dự buổi “trò chuyện văn chương” nói như lời đề dẫn của thầy Hiệu trưởng Siêng. Các em ngồi yên lặng lắng nghe Phương Hạ tâm sự, chủ đề Phương Hạ gợi lên và đề nghị các em cùng chia sẻ không to tát gì nó rất gần gũi, là việc cần làm, có điều nếu ai không quan tâm chẳng hay thấy.
Theo Phương Hạ mỗi cuộc sống đều bắt đầu trong niềm yêu thương. Ví dụ chính buổi gặp gỡ nầy cũng bắt đầu từ niềm yêu thương giữa một cựu học sinh của trường với các em hiện đang học. Có khác chăng cung bậc của niềm yêu thương ấy bao nhiêu?. Để làm gì?. Có vụ lợi?. Quan niệm học để làm gì hiện nay không khác so với trước đây chỉ có nó được nâng cao thêm lên. Ngoài học làm người, học tích luỹ tri thức, học thành tài phục vụ gia đình, xã hội, nay học còn để “biết cách chung sống với cộng đồng”. Cụm từ trong ngoặc kép thu hút đông đảo các em tham gia ý kiến.
Phương Hạ vui vì những gì đem ra trao đổi đều có sự đồng cảm khá sâu sắc. Điều nầy chứng tỏ lớp trẻ không thụ động, chỉ có cách làm sao đưa ra phương pháp gì giúp cho “tuổi trẻ sống thật vì mình và vì mọi người” là việc cần được quan tâm.
Câu chuyện văn chương được các em tham gia thật thú vị. Như vậy bên cạnh ham thích cập nhật mạng Internet, giới trẻ cũng dành thời gian đọc sách đó chứ!. Truyện của Phương Hạ và truyện của văn sĩ Nguyễn Nhật Ánh người cùng quê đang sống ở Sài Gòn được nhiều bạn trẻ mua và đọc là thực tế sáng sủa. Theo các em người viết văn ngoài tài năng còn cần có tâm trong sáng, có thế mới sống và viết thật lòng và viết trúng. Phương Hạ đọc cho các em một truyện ngắn trong tập bản thảo truyện XXV của Phương Hạ, không khí lặng im... lát đát có em tỏ vẻ xúc động...
Phương Hạ đọc xong hỏi: “Các em cảm nhận điều gì qua truyện ngắn Phương Hạ vừa đọc?”.
Khi ấy hình như các em mới sực tỉnh và lộ rõ bao niềm vui.
Một em ý kiến: “Truyện của chị thật sâu sắc và chan chứa tình người!”.
Một em khác ý kiến: “Rất tuyệt!”. Và hỏi: “Bao giờ chị xuất bản tập truyện nầy?”.
5.
Cứ nửa đêm Phương Hạ rời phòng ngủ nhẹ nhẹ bước nhanh sang phòng trang điểm nơi có một cái bàn trên đó là chiếc máy vi tính màn hình tinh thể lỏng. Nói theo cách nói anh chồng Phương Hạ, đây là cây bút nhiều năm qua đã viết ra hàng trăm... tác phẩm văn học. Trong số đó có hơn bảy mươi phần trăm in báo, lên trang mạng đến với bạn đọc. Tuy vậy  với Phương Hạ tác phẩm hay đảm đương sứ mạng cao quý đích thực của văn học còn phía trước.
Hơn một tuần lễ qua, Phương Hạ trăn trở viết những trang văn thấm đẫm tình yêu thương...
a.
“Em mười bảy tuổi?”.
“Dạ!”.
“Em không “đi học” mà biết chữ?”.
“Dạ!”.
“Em là Thần đồng?”.
“Dạ không!”.
Đây là câu trả lời đầu tiên sau đâu trên mấy mươi lần Phương Hạ hỏi em mười bảy tuổi chỉ “Dạ!”.
Em Mười Bảy kể: "Đúng ra mỗi ngày ba dạy cho em một trang trong quyển sách của ông.”.
“Quyển sách gì?”.
“Dạ! Quyển sách màu hồ thuỷ!”.
“Của riêng ba em?”.
“Đúng vậy!”.
“Em kể tiếp đi!”.
Mười Bảy sửa sửa mái tóc. Mái tóc dài quá vai đen mượt, phía trước bồng bềnh như được uốn ở thẩm mỹ viện nhưng theo em “nó tự nhiên đó”, hồi cha sinh mẹ đẻ ra “đã như vậy rồi”. Chính sự bồng bềnh của phần tóc nơi tráng nhìn khuôn mặt của Mười Bảy càng thánh thiện. Phương Hạ tự cảm nhận.
Mười Bảy kể, ba của em, người làng Nhân gọi ổng là “dị nhân”, em không hiểu mấy nhưng so với người khác ông có lối sống khá độc đáo.
“Chị có ưng nghe không em kể!”. Mười Bảy hỏi.
“Ừ!”. Phương Hạ trả lời.
Từ năm... đến lúc từ biệt mẹ và các chị em của em đi về với “ông bà”, ổng không bao giờ ra khỏi nhà. Hằng ngày hết đọc sách – sách của ba em nhiều lắm! – lại viết viết cái gì ấy, xong vào mùng ngủ, à quên dạy cho em một trang sách nữa chứ!. Ngủ ban ngày hay ban đêm, quanh năm bốn mùa, nắng nóng cũng như lạnh lẽo đều ngủ mùng. Khi chưa có điện ông dùng cây quạt tay vây vẫy cho mát, khi có điện ông cũng vậy không cần máy quạt!. Bạn của ông chỉ mấy người đến chơi với ông vào giờ nhất định. Giờ mà ông gọi là giờ hoàng đạo và chỉ có bạn đến nhà chơi chứ chưa bao giờ ông đến chơi nhà bạn!.
“Em không đến trường mà sao kiến thức của em rộng như thế?”. Phương Hạ hỏi.
“Dạ! Có gì đâu mà chị cho là rộng!”.
“Không rộng mà em biết chuyện Đông chuyện Tây, chuyện kim chuyện cổ, em còn biết tin học nữa!”.
“Từ ba em tất!”.
“Ba em biết tin học?”.
“Còn nhiều hơn nữa!”.
“Nhiều cái gì?”.
“Ông bảo sau công nghệ thông tin thế giới sẽ có một phát minh vĩ đại hơn!”.
“Ba em nói với em?”.
“Dạ”.
Phương Hạ cực kỳ thích thú khi được tiếp xúc với Mười Bảy. Chỉ cần nửa đêm dậy ngồi vào bàn vi tính, đầu óc Phương Hạ sáng suốt lạ sau đó viết mà chẳng nghĩ ngợi...
Phương Hạ hỏi lại:
“Ba nói với em?”
“Không những nói mà ba còn vẽ ra trên giấy!”.
“Vẽ?”.
Phương Hạ nhìn chằm chằm vào đôi mắt Mười Bảy, đôi mắt dịu hiền không có một chút gì ưu tư phiền não, đôi mắt ấy Phương Hạ chắc không dối trá điều gì bao giờ!. Phương Hạ nói thầm thầm trong bụng.
“Ba vẽ như thế này...”.
Mười Bảy làm y như đang cầm cây bút chì, vẽ vẽ mấy đường vòng tròn giao nhau, xong chấm hai chấm.
Mười Bảy nói:
“Đây là thiết bị đo tính trung thực của con người!”.
“Đo tính trung thực!”. Phương Hạ lặp lại lời của Mười Bảy trong sự hưng phấn tột độ.
“Đúng! đúng rồi!”. Phương Hạ reo lên. Đoạn im thiêm thiếp lại ngay vì bây giờ mới hai giờ sáng không khéo anh chồng và cả đứa con trai Sun Sun bị đánh thức dậy sẽ “rầy rà” cho mà xem. Phương Hạ điềm tĩnh hỏi:
“Ba em nói gì thêm?”.
“Dạ ba nói em sẽ là người “giúp” một người sáng tạo ra thiết bị đo tính trung thực.”.
“Có chuyện như vậy thật!”.
“Ủa! Chị không tin em à?”.
“Chị... chị... Tin!”.
Phải uốn lưỡi đâu hơn bảy lần Phương Hạ mới nói được chữ Tin.
b.
Chiếc máy đo tính trung thực mà ra đời thế giới sẽ như thế nào?. Có tiến bộ hơn?. Nửa đêm hôm nay khi ngồi vào bàn vi tính gõ những con chữ tiếp theo của truyện ngắn nầy Phương Hạ đặt ra câu nghi vấn như thế.
Đang loay hoay chỉnh lại khung trang, cỡ chữ định viết... Mười Bảy xuất hiện.
“Chào chị mà không phải gọi là văn sĩ chứ!”. Mười Bảy nói vui và hơi làm điệu một chút khiến Phương Hạ vui lây.
“Em đến đúng hẹn”.
“Có chậm một phần tư giây đấy chị!”.
“Ừ!”.
“Chị có biết không đúng ra em kể chuyện chiếc máy đo tính trung thực cho ông gì ở trên phố Y.Z không phải cho chị đâu?”.
“Mà sao em không kể?”.
“Tại ông ấy và một số người như ông ấy không bao giờ trung thực!”.
“Em biết?”.
“Người được trao nhiệm vụ tìm người chế tạo ra một thiết bị cực kỳ quan trọng cho sinh động vật ở thế gian nầy mà không biết mới là chuyện lạ!”. Mười Bảy cười cười... Nụ cười cũng hiền khô.
“Bao giờ em nói rõ?”.
“Đêm nay!”.
“Đêm nay?. Với ai?”.
“Với văn sĩ Phương Hạ!”.
Phương Hạ không tin vào thính giác của chính mình. Cô lắc lắc đầu đứng dậy đi ra phòng bếp mở tủ lạnh lấy chai nước suối bước tới lavabo rửa mặt. Đầu óc Phương Hạ tỉnh ra và quay trở lại bàn viết.
Bây giờ không phải chỉ có mỗi Mười Bảy, Phương Hạ đang tiếp xúc với n Mười Bảy và n những sinh linh khác. Họ là những con người của nhiều dân tộc, nhiều sắc tộc, nhiều chính kiến, đến từ nơi văn minh có, lạc hậu có, đang phát triển có, giống nhau ở chỗ lúc sống dù khó khăn đến mấy họ luôn biết vươn lên trở thành người trung thực trong cộng đồng người trung thực. Trung thực là đức tính vốn có của con người từ khai thiên lập địa. Nói dễ làm khó!. Cái điều gì cản trở?. Quyền lợi! Nghĩa vụ! Lương tâm!. Nói sao cũng có lý. Trước một sự việc ai không muốn trung thực nhưng...
Phương Hạ suy nghĩ miên man. Mười Bảy nhắc:
“Văn sĩ sợ rồi?”.
“Sợ điều gì?”.
“Sợ tính trung thực!”.
Phương Hạ rùng mình!. Chính câu nói ấy đã đọc được một phần tỷ tỷ... ý nghĩ  của Phương Hạ. Vì điều “sợ ấy” mới manh nha trong một nửa nơ-ron thần kinh não của Phương Hạ chứ đâu hình thành trọn vẹn thế mà Mười Bảy đã biết!.
Phương Hạ trả lời:
“Đúng như vậy!”.
“Thế thì thôi!”. Câu nầy không phải của Mười Bảy nói mà của nhân vật xin được gọi là Fi.
Fi trông hao hao người Việt. Đầu tròn tóc cắt ngắn theo phong cách thời thượng ba phân, trán hói móng ngựa, da bóng loáng, môi đẹp, miệng đẹp, đôi mắt sáng có hồn phách càng nhìn lâu càng đáng yêu!.  Bên trong chiếc đầu ấy Phương Hạ tin chắc chứa đựng một trăm phần trăm tính trung thực. Mười Bảy có lần nói những ai tiếp xúc với Mười Bảy đôi ba lần sau đó nhất định sẽ được “nhiễm” một lượng trung thực vào người, không khi nào không có một lực nào trút bỏ ra được. Nếu như vậy Fi người đã tiếp xúc với Mười Bảy là người trung thực.
Phương Hạ đoán già đoán non như thế.
Kết: 
Cây xấu hổ có nơi gọi là mắc cỡ, thân hình xấu xí đầy gai nhọn, hồi nhỏ Phương Hạ rất thích lấy tay chạm nhẹ vào bất kỳ nơi nào của cây, lá sẽ từ từ xếp lại rất thú vị nhưng mẹ thì nhắc con nhớ cẩn thận gai nó xóc vào tay nhức lắm!. Cái thích thứ hai ngồi yên nhìn bông xấu hổ. Bông hoa tròn tròn tim tím rực rỡ!. Không biết nó trỗ bông làm chi nhỉ?. Nhiều lần Phương Hạ hỏi chị Phương Xuân, chị ậm ự: “Thì em hỏi cây xấu hổ thử?”. Và rồi Phương Hạ tìm thấy câu trả lời.
Ngày xưa cây xấu hổ cũng “bảnh cây” lắm. Ngày một lớn, “anh” xấu hổ quên bẵng “tính trung thực” vốn có, y như câu “Nhân chi sơ tính bản thiện” mà ông ngoại Phương Hạ sinh thời thường nói với ông bạn hàng xóm khi hai ông ngồi lại với nhau cùng nhâm nhi ly trà chén rượu... Xấu hổ sống cuộc sống lọc lừa và dối trá, hễ cái gì điều gì có lợi cho bản thân, gia đình, họ nhà “mình” không ngần ngại dùng mọi mưu mẹo “dối trá” để chiếm hữu. Trên người “anh” lần lần sinh ra gai sắc nhọn, chỉ còn bông hoa có màu sắc đẹp. Bông hoa theo xấu hổ kể là chút gì đó còn lại để gắng gượng sống với “đời!”.
Quanh bên xấu hổ nào mai nào cúc... phơi phới với gió Xuân, nắng Hạ, được mọi người chăm chút vun trồng, khi ra hoa được chưng diện nơi sang trọng, uy nghi hay chí ít cũng đặt để nơi thoáng đãng làm tăng thêm vẻ đẹp của cuộc đời đáng yêu biết chừng nào!.
Xấu hổ  sống lặng lẽ, thui thủi... Làm sao bây giờ?.
Đêm hồi hôm Phương Hạ kể chuyện cây xấu hổ cho Fi, Mười Bảy và nhiều “người” khác cùng nghe.
Nghe xong Mười Bảy không nói gì. Fi làm thinh. Nhân vật Xm lên tiếng:
“Cô Mười Bảy, chú Fi ơi bó tay thôi. Trừ cô văn sĩ Phương Hạ...”.
Phương Hạ gật mình:
“Cháu nói sao?”.
“Dạ! Cháu nói nếu ai cũng như cô sẵn lòng yêu thương mọi người, chỉ có tình yêu thương chân thật, thật sự là chiếc máy đo tính trung thực tốt nhất”.
Fi nói chen vào:
“Máy móc chỉ hỗ trợ thôi!.”
Mười Bảy khẳng định:
“Dù em có giúp chị chế tạo ra cái thiết bị đo tính trung thực thật hiện đại mà người xử dụng nó thiếu trung thực sẽ là một hiểm họa. Bởi khi ấy sinh động vật sẽ "ngây ngô" tin một cách mù quán mê muội vào “sự thật” của cái máy vô tri vô giác đó qua bàn tay khối óc của kẻ "cơ hội”, kẻ “vô lương tâm”, "vô cảm"... đang tâm “phù phép”... “Sai một ly đi một dặm” ông cha ta đã răn dạy rồi!. “Hãy kết nối tình yêu thương lại với nhau...” Phương Hạ nghe rõ mồn một, lời tâm huyết của bao thế hệ trước muốn gởi gắm lại cho thế hệ sau: “Mọi sự xây dựng trên nền móng thiếu trung thực chóng chầy đều không tốt lành.”
Anh chồng Phương Hạ nãy giờ bắc ghế ngồi đàng sau Phương Hạ. Anh chồng nhẹ nhàng quàng tay ôm vợ. Phương Hạ chỉ hơi gật mình một chút vì biết anh chồng đang ở bên mình. Bạn biết tại sao không?.
Phương Hạ gõ câu: “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.” vào truyện ngắn đang viết. Xong quay lại trìu mến nhìn chồng:
"Em yêu anh!".
Căn phòng của vợ chồng Phương Hạ tràn đầy hạnh phúc. 

HÒA VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét