Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

ĐÓN TẾT



Truyện ngắn Hòa Văn


Mấy ngày qua không viết chữ nào. Lý do không phải không thích hoặc không có gì trong đầu để viết ra, cái chính là chuẩn bị...

Chắc các bạn bảo tôi chuẩn bị đề tài, tình huống, lựa chọn nhân vật và bây giờ viết chứ gì? Điều này chỉ đúng một nửa. Thôi không quanh co như lò xo nữa. Tôi xin bắt đầu truyện ngắn này...

Hôm xuống chợ đi tất tần tật ba hàng dãy bảy hàng dài, lên lầu xuống tầng trệt rồi lại lên lầu như thế cả thảy đâu hai lượt. Cuối cùng không mua gì cả. Đứa con trai út níu tay tôi gật gật nũng nịu:

- Sao ba chẳng mua chi cả?

Tôi suy nghĩ một chặp mới nói:

- Chắc để mẹ con mua tốt hơn!

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Truyện ngắn Hòa Văn: THẾ LÍNH HOÀNG SA



Ảnh chụp của Lê Phước Lan Nhi

“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.”


(Câu ca dân gian ở Quảng Ngãi)
Ngắm đi ngắm lại người nộm mới làm xong, Thinh gật gật đầu tỏ vẻ ưng bụng. Đây là nộm tượng trưng ông nội của Thinh, một ngư dân gần ba mươi tuổi, dáng người vạm vỡ.


Đợt tuyển quân binh đội Hoàng Sa năm ấy, ông nội của Thinh được tuyển mộ. Ngặt nỗi nhà đơn chiếc, bà nội sinh cha của Thinh tuổi mới thôi nôi, có người bày biểu ông nội làm đơn xin hoản đi. Ông lắc đầu nói không nên.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, triều đình Việt Nam ban chiếu chỉ lập đội quân binh Hoàng Sa có biên chế ít nhất sáu mươi người (Đội này kiêm quản đảo Trường Sa), cứ sáu tháng một lần một số người trong đội được thay thế. Làm nhiệm vụ ở nơi xa xôi cách trở với đất liền, bốn bề biển cả mênh mông, sóng nước hung dữ, điều kiện sinh hoạt không thuận lợi nên đội quân binh cần tráng đinh nghị lực.
Hết hạn công tác trên đường trở về đất liền, Cai đội Văn Khiết lo lắng thật sự khi nhận hung tin một trận bão sắp ập đến đe dọa tính mạng mười hai đồng đội cùng đi. Trong tình huống tiến thoái lưỡng nan mới đi được nửa hải trình sau khi liên lạc về đất liền xin ứng cứu Cai đội ra lệnh cho mọi người dùng tấm tâng ni-lon thường ngày làm áo đi mưa gói chặt ba lô lại tạo thành phao cứu sinh.
Mây đen tứ phương ùn ùn tới vây kín một khoảng trời, mưa... từng đợt mưa như cầm chĩnh đổ rồi gió bão gật mạnh liên hồi... trời tối sẩm. Con thuyền như chiếc lá giữa cơn phong ba bão táp.
Ông Ba Tân người duy nhất thoát nạn mỗi khi nhớ lại cảnh tượng thuyền bị cơn sóng dữ, gió bão to đánh tan rã ra từng mảnh, hồn vía còn thất kinh!.
Ba Tân kể trong lúc loay hoay xử dụng chiếc phao tự tạo, một cơn sóng ập đến nhận ông chìm lỉm, tức khắc Cai đội Văn Khiết đã băng băng bơi tới cứu, trong lúc nguy nan đó Cai đội đã trao cho Ba Tân chiếc phao của mình, xong tức thì bị cơn sóng tiếp theo cuốn mất hút!. Hôm ấy chỉ mỗi mình Ba Tân bu bám được vào một mảng thuyền vỡ, rồi trôi lênh đênh trên biển đến qúa trưa mới được đội tàu tiếp viện cứu vớt.
Người Cai đội chính là ông nội của Thinh.
Hôm qua Thinh theo dân làng đi tảo mộ gió. Mộ gió được dân làng đắp xây trên bán đảo Ré thể hiện nỗi niềm vọng tưởng quan quân binh các đội Hoàng Sa hy sinh trên biển đảo mà hình hài đã nằm lại giữa lòng biển khơi. Ngôi mộ gió của ông nội Thinh ở sát đường trung tâm khu mộ.
Ở đây từ xưa tới nay có tục lệ các quân binh dù hy sinh tháng nào, hằng năm cũng đồng tổ chức lễ tưởng niệm vào ngày mười chín, hai mươi tháng hai âm lịch. Lễ thức Khao lề Thế lính Hoàng Sa là nghi thức trang trọng gồm lễ tảo mộ, lễ Khao lề, lễ Thế lính... tín tục mang đậm nét văn hóa tri ân tưởng nhớ các bậc tiền nhân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương trên biển Đông. Tuỳ điều kiện mà tổ chức nhưng tất cả ai nấy cũng đều cùng chung lo chu đáo trang trọng.


Ông Hai Hơn cha của Thinh năm nay đã ngoài ngoài chín mươi tuổi. Tuổi tác tuy cao như vậy nhưng vốn dạng người quắc thước nên trông ông còn khoẻ khoắn lắm, đặc biệt rất minh mẫn những câu chuyện xưa truyền khẩu ông nhớ và kể lại khá mạch lạc. Mái tóc và chòm râu bạc phơ phơ cộng với khuôn mặt chữ điền càng làm ông thêm đẹp lão và hiền hậu. Từng là ngư dân chạm mặt với bao lượt sóng to bão lớn ở biển Đông, danh xưng của ông được nhiều người biết tiếng đến nỗi hễ khi nào có thuyền ông ra khơi đánh bắt cá ở biển đảo, bọn “giặc” gờm sợ không dám tự tung tự tác!. “Bây giờ già rồi có muốn đi biển cũng không được rồi!”. Ông Hai Hơn nói trong niềm tiếc nuối! Đôi mắt rơm rớm...


Buổi tiếp đoàn báo chí trong và ngoài nước về dự lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa hôm nay, tại cù lao Ré nầy đơn giản mà trọng thị. Ông Hai Hơn được nhiều phóng viên phỏng vấn, chụp ảnh. Ông trả lời mọi vấn đề có từ có ngằn đầy tính thuyết phục, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của đất nước ta từ lâu đời có bằng có chứng rành rành!.
Ông nói: Tuân theo chiếu chỉ của vua, thời trước cùng với nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận(*) cư dân vùng bán đảo ba làng An(**), Quảng Ngãi đã luân phiên cắt cử tráng đinh vào đội quân binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Bắc Hải(***). Hồi ấy anh em tráng đinh trước khi lên đường nhận nhiệm vụ ngoài chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết của người khi biển, mỗi người tự lo một đôi chiếu, bảy sợi dây mây, bảy cái nẹp vót bằng tre và một tấm thẻ bài khắc rõ họ tên, tuổi, quê quán và phiên hiệu của đội Hoàng Sa...
Các phóng viên ngồi lặng yên chăm chú lắng nghe ông Hai Hơn nói từng tiếng từng lời và hý hoáy ghi ghi chép vào máy loptop. Một phóng viên hỏi: “Thưa cụ, tráng đinh mang theo các vật dụng cụ vừa kể để làm gì?”. Đang trong tâm trạng rất xúc động khi diễn tả cụ thể về các dụng cụ ấy nên mắt ông Hai Hơn ngân ngấn chực khóc... Lấy lại điềm tỉnh ông giải thích cặn kẽ: “Tinh thần của các quân binh đội Hoàng Sa thật cang trường, hầu hết đều biết rất rõ những gian khó ở biển đảo, nơi sóng gió tai ương, giặc giả luôn rình rập và biết bao nguy hiểm kể cả cái chết luôn luôn cận kề. Mà các anh chị biết không! Người hy sinh ở biển đảo xa xôi như vậy làm sao mà chôn mà cất!. Tất cả đều thuỷ táng!. Trước khi thuỷ táng người chết được đồng đội lấy đôi chiếu quấn vào thi thể, nẹp bảy nẹp tre, cột chặt lại bằng bảy sợi mây, cuối cùng là gắn kỹ thẻ bài theo thi hài, sau khi làm nghi lễ xong người quá cố được thả xuống biển khơi!. Vì thế mới có mộ gió trên đất liền!.”. Đến giờ cả cánh phóng viên nam và nữ cũng thút thít khóc rồi. Một nữ phóng viên trẻ măng mang phù hiệu tên Hải Hà, báo Trẻ Thời Nay, nói: “Quả thật là bi hùng!”.


Khung cảnh nghi thức bà con cư dân cù lao Ré cử hành Lễ Thế lính Hoàng Sa thật vô cùng linh thiêng. Những chiếc thuyền được công phu làm bằng giấy mô phỏng theo hình dạng khinh thuyền ngày xưa quân binh Hoàng Sa thường dùng để đi lại ở biển đảo, trên mạn thuyền trang hoàng cờ xí và nhiều hình nộm người lính cũng làm bằng giấy, sau khi cử hành phép tắc hồn phách cho hình nộm, mô hình khinh thuyền được đặt trên bè chuối và thả trôi ra biển khơi. Lễ hội không chỉ là một tín ngưỡng dân gian truyền thống, mà còn là lời nguyền của bao thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
                                                                                                                                                                                                          Hòa Văn
-------------------------
(*): Trước đây gọi chung là phủ Cảnh Dương, Qui Nhơn, Bình Khang, Tư Chính
(**): Làng An Hải, An Vĩnh, An Kỳ
(***): Trường Sa
______________________________________

(Viết 2012)

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

NGÔi NHÀ XINH ĐẦY HOA

Truyện ngắn HÒA VĂN

Trời lại mưa.

Cơn mưa không chịu “cầm chĩnh đổ”. Phải như thế càng dễ chịu hơn đàng này nó rủ rỉ rù rì giống hệt cơn mưa bữa hôm đầu tiên tôi gặp em.


Biết diễn tả làm sao cho rõ cơn mưa ấy nhỉ?

Nhớ ra rồi. Ngày ấy khoảng mười một giờ trưa (có thể hơn một chút) phải về nhà gấp bởi một việc rất cần… Thế mà em lại xuất hiện. Sau đó cả hai tôi và em nấn ná không ai chịu rời mái hiên của một ngôi nhà xây theo kiểu cổ gần ngã ba thị trấn.

Cơn mưa lất phất rơi từng hạt như nước được phun ra  từ trên bầu trời xuống qua một búp sen khổng lồ. Từng giọt mưa mịn rây liên kết nhau lại tạo nên màn màu trắng mờ mờ...

Em đang học trường Trung học bên bờ sông Vĩnh Hà, ở thị trấn nhỏ như “bàn tay” này. Em hay gọi tôi bằng chú... chú Sinh!

Trước đó tôi đang học năm đầu trường Đại học... Sau chiến tranh trường lớp chưa mở lại ngồi ở nhà buồn quá tôi soạn sành nào búa nào kềm ra tưởng làm việc cho vui ai ngờ trở thành anh thợ sửa ổ khóa và làm chìa khóa hồi nào không hay.

Có người khuyên tôi nên tìm một việc gì đó để làm nhưng... tôi biết không dễ!

Cuối năm lớp 12 em đi học giáo viên cấp tốc rồi về làm cô giáo làng.


- Chú Sinh giúp giùm Hiên (tên em là Hiên) làm một số đồ dùng dạy học!


Tôi hỏi:


- Một số là bao nhiêu? Mà làm cái gì?


Hiên không đẹp bằng hoa khôi của trường nhưng sắc sảo mặn mà và hiền thục! Trong ánh mắt của Hiên hình như muốn nói điều gì với tôi.

Nên thay vì nhìn tôi Hiên hay nhìn lơ đãng... Hiên vừa nhìn bức tranh tôi vẽ một cô gái đang ngồi xõa tóc gội đầu treo bên trên cửa sổ vừa nhỏ nhẹ đáp:


- Dạ! Nhà trường nói làm những...


Và cả mấy ngày liền tôi tỉ mẩn làm các đồ dùng dạy học cho Hiên.


***


Thành phố Sài Gòn “đất cũ đãi người mới”. Hồi chân ướt chân ráo vào đây tôi nghe ai đó có lần nói với tôi như thế. Và cũng có người nói một điều rất lạ, người các nơi khác đến sống ở đất Sài Gòn này mà “nói về” thì chóng chầy cũng phải về trở lại quê thôi! Biết vậy tôi chí thú làm ăn không nghĩ ngợi điều gì khác. Chỉ với bốn năm mua đi và bán lại tất tần tật các mặt hàng “lạc xoong” tỉ như mô tơ điện, đồng hồ điện, dây điện... tôi bắt đầu khấm khá. Ai hỏi tại sao tôi lại nảy ra ý định làm một cái nghề “lạc xoong” đó? Chịu! Nhưng chắc chắn phát sinh từ những ngày ở cái thị trấn “Bàn Tay” ấy! Làm cái nghề sửa ổ khoá ấy!


Cả công ty điện máy bây giờ của tôi lớn lên từ cái quầy “lạc xoong”. Nhưng Hiên mới là điều không thể thiếu...

Năm ấy bão và tiếp sau lũ lớn tôi cùng các bạn về thăm quê và gặp lại Hiên. Cô giáo làng vẫn sắc sảo mặn mà như xưa. Hôm đến nhà Hiên tiếp tôi trong trạng thái ngần ngại.


Trước đó mấy cô bạn cũ cho biết không rõ nguyên do gì lâu nay Hiên thờ ơ với “tình yêu”, biết bao nhiêu mối mai dặm hỏi Hiên vẫn một mực chối từ. Có người bảo con nhỏ “bị bệnh”? Nghe chuyện, tôi còn muốn gặp Hiên ngay hôm đầu tiên mới về nhưng không được do mấy ngày tiếp sau phải cùng đoàn từ thiện đi phân phối hàng cứu trợ cho bà con vùng K cách thị trấn “Bàn Tay” này hơn hai chục cây số.

Tối nay trở về tôi đến ngay nhà Hiên.


Hiên hỏi:


- Anh Sinh mới về?


- Ờ! Anh về ba hôm rồi!


- Anh thấy quê mình vẫn còn vất vả quá phải không? Nhất là lại vừa bão lũ nữa.


- Thì quê mình mà!


Hiên buồn buồn:


- Mẹ em bảo may mà em là... chứ không...


Tôi hiểu. Biết bao bạn học cũ của Hiên đang là “nông dân” công việc lao động nặng nhọc mà thu nhập chẳng là bao. Phần lớn các cô an phận có chồng có con sớm do vậy chưa tới tuổi hai lăm đã tay bồng tay bế... Còn Hiên?


Hình như đoán biết suy nghĩ của tôi Hiên dừng kể chuyện xóm làng.


- Anh nhất định ở vậy? Hiên hỏi.


- Ừ! Nếu em muốn như thế!


Hiên cười. Nụ cười vẫn y nguyên như ngày xưa. Ấm áp như nắng xuân (tôi hay ví như thế)!

Tôi nhớ cơn mưa năm nao. Cơn mưa lất phất kèm theo gió nhè nhẹ lành lạnh khiến Hiên co ro muốn tựa vào tôi nhưng e ngại... Chính phút giây ấy tôi hứa với Hiên “Nếu yêu thương tôi xin em chờ!”.

Và sau đó mấy bữa tôi đi Sài Gòn cho đến nay hơn năm năm mới về lại.


- Anh về thực hiện lời anh hứa với Hiên!


Tôi nói như sợ ai đó ngăn cấm! Hiên vùi đầu lên vai tôi khóc. Trời ngoài kia tiếp tục mưa. Cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt.



***

Bây giờ Hiên cùng tôi có ngôi nhà xinh xắn trong khu vườn rộng đầy hoa trái và hai đứa con trai thật ngoan ở một khu ngoại ô Sài Gòn.
                                                                                                                                                                                                             Hòa Văn