Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Lũ 2 0 1 6: QUẢNG NAM LŨ CHỒNG LŨ



"Thời tiết mỗi năm một khắc nghiệt".
Ấy là câu nói của chính bà con nông dân.
Ở đâu cần gió để mát, cần mưa để đỡ cơn nắng nóng, cần lũ để nhớ về ngày xưa... Còn ở mọi miền quê người nông dân cần nắng mưa gió và cả lũ "đúng quy trình" để sống và để tồn tại...
Vậy nên hãy nhìn sự ngong ngóng chờ đợi hay thấp thỏm về một hiện tượng thời tiết nào đó của trời đất sẽ thấy trong tâm can nhà nông biết bao nỗi buồn vui...
Nhà nông xưa nay trông trời trông đất vận dụng mọi kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ vào mần ăn. Với nhà nông làm chi cũng phải tính tới tính lui coi thiệt hơn cặn kẽ chứ không giỡn chơi!. "Lão nông tri điền" là vốn quý của các nhà nông. Chỉ cần dự tính sai "một ly đi một dặm" " tính "sai con toán bán con trâu" mà "con trâu đầu cơ nghiệp". Làm nông "cơm niêu, nước lọ" đã thế còn chịu nhiều tai ương khó lường có người nói "xí nghiệp ngoài trời" để chỉ sự bấp bênh của nghề nông.
Đụng năm thuận có cái ăn cái để đụng năm nắng hạn bão tố lũ lụt hoặc sâu bệnh...  "trăm dâu đổ đầu tằm" "được thua thuế vua phải nộp"!.
Năm nay là năm nhà nông Quảng Nam chịu nhiều thất bát ngay từ đầu vụ. Suốt mùa mưa trời quang mây tạnh cứ tưởng như năm trước qua 23 tháng 10 "ông tha bà... tha" thời tiết hệt tháng năm tháng sáu đất cát khô ráo lại đã tới mùa vụ những dỉ cây ớt trên dàn lớn trông thấy lá ngọn mơn mởn xanh.
Năm ngoái sau nhiều năm trồng ớt "nài" (là khi thu hoạch được thua chi muốn bán phải nài nỉ người buôn mua) lần đầu trong 40 năm làm ớt (xuất khẩu) nhà nông trúng cả sản lượng và giá, có trúng nhưng diện tích không bao nhiêu năm nay 2016 nhìn lượng người đặt mua hạt giống ớt thì biết diện tích sẽ tăng gấp đôi gấp ba. Hạt giống ớt khan hiếm nhiều nhà đôn đáo đặt cặp tiền mới có. Cây giống lên tốt tươi ai cũng bỏ bụng mừng hè nhau ra biền bãi ven sông làm đất gieo trỉa. Cái ớt cái đậu phụng cái đậu cô ve... Không riêng ở Gò Nổi - Điện Bàn những nơi như Đại Lộc, Duy Xuyên qua 23/10 âl đều cũng vậy những đám ớt đám đậu... bén phân tro bắt đầu xanh lá.
Kinh nghiệm dân gian khi bói ven bờ sông trổ cờ là hết lũ nếu còn cùng lắm lụt lòng sông.
Vậy mà...
Sau 23/10 sau "ông tha" mà "bà không tha!" trung tuần tháng 11 âm lịch rồi trời lại mưa to khắp nam Trung bộ trong đó Quảng Nam không ngoại lệ. Mưa thượng nguồn mưa hạ du với mức trên 200-400 mm mưa to vào thời điểm các hồ thủy điện đã tích đầy nước, đây là cộng hưởng giữa thiên và nhân, tin các hồ xả lũ làm nhà nông đứng ngồi không yên. Nhìn trời vần vũ chừng nào nguy cơ xả lũ nhiều chừng ấy.
Sáng 16-12, theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung- Tây Nguyên (CCPCTTMT-TN): "Lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam) đã đạt đỉnh ở mức 9,44m, trên báo động 3 0,44m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt đỉnh 8,44m, dưới báo động 3 0,16m, tại Câu Lâu đang lên.
Mưa to ở vùng hạ du cộng với việc các thủy điện ở thượng nguồn tiếp tục xả lũ vào rạng sáng 16-12 đã khiến vùng hạ du Quảng Nam ngập sâu trở lại, nước các sông hầu hết đã trên báo động 3…
Trong ngày 16-12, nhiều thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn. Cụ thể theo CCPCTTMT-TN: "Lưu lượng xả hồ Sông Bung 4 là 1.137m3/s, Đắk Mi 4 là 1.048m3/s, Sông Tranh 2 là 2.527m3/s".
Việc các thủy điện ở thượng nguồn tiếp tục xả lũ đã khiến cho vùng hạ du Quảng Nam chìm trong biển nước. Trong chiều 16-12, lũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu dự báo đạt đỉnh ở mức 4,3m, trên báo động 3 0,3m, tại Hội An 2,5m, trên báo động 3 0,5m.
Hai con sông Vu Gia, Thu Bồn hai cái túi đựng nước từ thượng nguồn nước đục ngầu chảy xiết cơn lũ ngày 3/12 vừa dứt nước sông còn đầy ắp lại mưa to... nếu lũ trước gây ngập cây màu, khu dân cư ở hạ lưu sông Vu Gia (Đại Lộc),... thì cây lũ thứ 2 ngày 14/12 ngập Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An...
Điện Bàn nước ngập các xã tây- bắc. Gò Nổi qua 2 lần ngập lũ trái mùa này gây nên nhiều thiệt hại mùa màng.
Gò Nổi cả 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong lũ vây quanh nhiều khu dân cư chỉ còn nền nhà.
Điện Phong là địa bàn thấp lụt cây thứ 2 nước đã chia cắt hoàn toàn các thôn. Riêng tuyến đường chính 610B kết nối vùng Gò Nổi xuống quốc lộ 1 nhiều đoạn đã bị ngập sâu 0,5 - 1m. So với các xã trong Gò Nổi xã Điện Phong là thấp lụt nhất ngoài ngập khu dân cư tất cả các gò, bãi trồng hoa màu của người dân trong xã bị ngập hoàn toàn, hàng chục hecta ớt cũng đã bị hư úng. Trước cây lũ 3/12 một số bà con không nề hà mưa lạnh tập trung lao động bứng ớt dùng xe chở trở về nhà dưỡng, sau lũ tranh thủ mấy ngày tạnh ráo mới trồng lại nhưng chừ tiếp cây này thì mất trắng rồi!.
Ở Điện Quang anh Trương Năm người cung ứng con giống cây ớt nói:
"Trời nắng ráo như rứa biểu đừng xuống giống đậu... đặt ớt sao được!".
Nhà nông dù kinh nghiệm mấy cũng bó tay. Nếu qua trung tuần tháng 11 âl mà không trỉa cove, đậu phụng ở diện đất bồi ven sông Thu thì về sau có trỉa cây đậu chỉ tốt mã chứ trái quả ra chi.
Bây giờ gieo trỉa có máy cày máy lồng không như xưa cuốc đôn 5, 7 công/ sào nên việc gieo trỉa nhanh lắm. Đất ba hàng dãy bảy hàng dài vậy mà chỉ trong mấy ngày là xong khâu cày; lồng sự nhanh nhạy như thế mà gặp lũ chồng lũ như những ngày qua hỏi còn gì?.
Nhiều nông dân nói:
"Tiền vốn đầu tư công cán giống má (riêng hạt giống ớt 403 tiền giống 1 triệu đồng/ sào 500 mét vuông) gieo vãi rồi... mất thì chắc mất rồi... nay mai nước rút lấy giống đâu làm lại nhất là giống cây ớt!".
Sản xuất nông nghiệp là loại hình sản xuất chịu nhiều rủi ro do thiên tai sâu bệnh trong đó không ngoại trừ tác hại nhân tai. Ở đâu có sự liên kết tốt từ các khâu sản xuất lưu thông phân phối mà nhà nông gọi nôm na phải có đầu vào đầu ra mới hạn chế phần nào rủi ro, hay có rủi ro có "chỗ chịu" mà hay gọi "bà đỡ"... mạnh ai nấy làm, làm theo kiểu "móng đâu câu đấy" càng mất an toàn nếu không muốn nói "Làm như đánh bạc". Lũ chồng lũ vừa rồi thiệt hại nếu lớn bao nhiêu cũng thống kê cho biết chứ không thể có sự "đỡ vớt" nào khi từng hộ tự làm tự chịu.
Ở Điện Quang ai nhận cây giống ớt của cty nơi anh Trương Năm cung ứng, cty sẽ chia sẻ phần thiệt hại về giống như vậy thì nhà nông đỡ một phần thiệt hại.
Sự liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm là chuyện ai không muốn có điều làm chi cũng phải sòng phẳng minh bạch giữ chữ tín hai bên cùng có lợi mới bền ngược lại đừng trách này nọ... nhà nông tâm sự như vậy.
Đọc báo nghe đài thiệt hại của lũ chồng lũ vừa qua tại Quảng Nam con số lên hàng trăm tỉ đồng.
Sự vất vã của những ngày chạy lũ sự mất mát tài sản hoa màu... rồi cũng đi qua nhà nông lại "Cơm niêu nước lọ" bòn mót những gì còn lại hoặc vay mượn chịu nợ nần bèn mọi cách phải trở ra mảnh đất tiếp tục bươn chãi... tiếp tục... sống chung với lũ...
Không ai mong ngóng thời tiết mưa thuận gió hòa bằng nông dân../.
Hòa Văn
18/12/2016

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Truyện ngắn Hòa Văn tập 1

Hòa Văn vừa ấn hành Truyện ngắn Hòa  Văn tập 1, 248 trang gồm 27 truyện ngắn đã đăng báo.





Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Truyện ngắn HÒA VĂN: NỖI NIỀM


Ông Bá đi Huế ba lần. Mỗi lần cách nhau mười mấy năm. Lần thứ nhất khi ấy ông còn là một thanh niên đầy nghị lực, đang học ở Nhật tranh thủ về nước tìm quê chỉ có ba ngày, hồi ấy đất nước chiến tranh việc đi lại cách trở. Còn lần cách đây hai mươi ngày ngoài ông ra còn có đứa cháu nội học xong lớp 11, nhân dịp nghỉ hè xin đi theo. Hai ông cháu dắt nhau đi tìm gốc gác nhà họ Vy mà trong trí nhớ láng máng hồi lên dăm bảy tuổi gì đó có một lần có một người già lắm đến cô nhi viện Tình Thương ở quận Một, thành phố Sài Gòn này nói với đứa trẻ “ông Bá” bây giờ rằng quê con ở miền Trung!.
Mấy năm lại đây ông Bá bị bệnh suy tim sức khỏe giảm sút lại là lúc ông khao khát trông đợi cái ngày gia tộc họ Vy mở rộng vòng tay đón nhận đứa con cùng huyết thống trở về cho đúng câu “lá rụng về cội”.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

HÒA VĂN: NHỚ BÃO LŨ NĂM THÌN 1964













Cơn lũ lịch sử năm Giáp Thìn 1964 gây thiệt hại kinh hoàng cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và Bình Định, năm ấy mình tròn 10 tuổi, độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng hình ảnh bão rồi lũ thì in vào trí nhớ mình thật rõ ràng.
Hôm trước bão lũ ba về khi ông Sáu lo chuyện thông báo của làng xã Phú Thọ cầm cái loa làm bằng tôn rao "Đồng bào Đồng bào nghe đây nghe đây cơn bão... sẽ... " là ba quyết định ở lại nhà chứ không đi như dự định. Giờ nghĩ lại trong cơn bão lụt ấy mà không có ba ở nhà, mẹ và ba anh em nhà mình - một phụ nữ và 3 con nhỏ - sẽ chèo chống làm sao?.
Mẹ nói: "Anh coi đốn tre chằn chống nhà liền chứ nghe như rứa chắc bão to!".
Tính mẹ mình hay lo xa. Nhưng đúng y.
Mưa tạnh trời quang đãng. Ba bảo trời như ri là sắp bão tới nơi. Căn nhà tranh dừng phên khuôn, có cột gỗ và  trính gỗ lại chằn bốn cây tre bốn góc thế mà bão từng hùn dở phên xong muốn dở mái, cả bốn cây cột đứng tán đều bị bão bưng ra khỏi đá tán.
Bão gây thiệt hại nhiều nhà nhứng rất mau người không ai hề gì. Nhà mình chỉ sập sệ căn nhà dưới còn nhà trên không sụp nhưng trống rỗng vì phên đi phần phên khuôn đi phần khuôn!.
Sau bão là mưa. Những cơn mưa như "Cầm chĩnh đổ" liên hồi. Con hói trước cách nhà bốn năm trăm mét đầy ắp nước. Nước đầy bọt bèo và đục ngầu.
Ba nói chi chi cũng có lụt to.
Ông Sáu đi trên đường cái loa xỏ xuống xóm  rao giục mọi nhà chuẩn bị tránh lụt. Ba đi qua nhà bà ngoại khi về có cậu T. Hai anh em rút bộ ván ba tấm bắc thang đưa lên trính.
Càng về tối mưa càng to nước hói bò lên mấy đám đất thổ. Đường của xóm phần lớn đã ngập. Có lụt to là cái chắc. Ông trùm Tính nhà kế bên nói với ba như vậy.
Mình bẻ một cành cây keo hàng rào làm cây que căm mé đường canh nước lũ. Lũ lớn nhanh như thổi. Mới cắm cây que một xíu mà nước bỏ cây que cả tấc.
Và rồi nước đóng mái thềm. Nước vô nhà. Ba và mẹ sớm giờ lo dọn hết nhà bếp lại lên nhà trên. Nói dọn như dọn lụt là đúng. Cái gì cũng phải đưa lên cao. Cái đòn kê, đôi dép đôi guốc... bỏ lên giường. Mấy cái chum đựng lúa bắp...  thay vì xúc hết ra bao ba chỉ xúc bớt rồi lấy đoạn tre làm cái ngán bỏ vô trong miệng chum cột dây để sẵn khi nước vô sâu cứ kéo dìu chum treo lên rượn nhà nhờ làm như thế mà lúa bắp không bị nước ngập hoặc trôi đổ.
Từ khi nước vô nhà mình bỉ cấm lội nước nhưng trước đó khi nước lớn tới ngõ lên sân mình được lội lụt.
Mẹ nói lội coi chừng hỏng cẳng!. Nhà mình đắp ụ đất cao mới làm nhà. Đây là tránh lũ từ đầu. Nền nhà của ông trùm Tính, ông bảo Phú, ông Một, bà Trợ trong xóm cũng như nhà mình đều đắp cao so với mặt đất vườn ở cả mét. Mẹ nói lội nước coi chừng hỏng cẳng mà vậy. Không để ý khi lội dễ lọt chân xuống đất vườn nước lút đầu nguy hiểm.
Khi nước vô nhà mình có nhiệm vụ ngồi trên giường giữ hai đứa em 4 và 7 tuổi. Cả hai em loay hoay không chịu ngồi yên ý chừng cũng muốn dọc nước!.
Nước càng lớn mưa càng dữ dội. Mực nước tăng lên từng phút. Mới ngập ngạch cửa giờ đã mon men lên giường rồi.
Ba nói với mẹ đưa gạo, nước, son nồi lên cái gác tạm mà ba đã làm trên trính.
Và không lâu sau đó cả nhà mình lên gác. Lũ không có dấu hiệu dừng.
Trời tối cả xóm làng chìm trong nước lũ. Ngọn đèn dầu lửa cháy lay lắt phập phù lâu lâu gặp gió mạnh muốn tắt. Qua một đêm nằm trên gác đến gần sáng nước lũ chấm mái tranh. Mình có thể dùng tay dọc nước!.
Cơn lũ to chưa từng thấy. Ba nói với mẹ.
Mình thì chẳng biết gì cứ thấy càng lớn càng vui.
Sáng ra ba bẻ rui mè nhen lửa nấu cơm ngay trên gác.
Lũ lịch sử năm Thìn về sau nhiều người nói như vậy. Làng xã nơi mình ở hồi ấy là xã Phú Thọ quận Điện Bàn tỉnh Quảng Nam lũ to nhưng không có tổn thất về người còn hoa màu của cải gia súc gia cầm thì hầu như mất hết. Ai cũng lo giữ sinh mạng chứ nước lũ chấm mái tranh rồi còn gì!. Mẹ nuôi con heo nái to... cố gắng giữ rồi cũng trôi.
Khi nước dựt trâu, bò... chết trôi tấp vô hàng rào nhà bà Trợ cả xóm ai cũng xẻo thịt về xào ăn rất ít nhà còn dầu phụng, nước mắm, muối do nước lũ dâng nhanh không kịp trở tay. Nhà mình nhờ có ba làm gác đưa lên gác gạo, mắm muối và cả thùng thiếc nước giếng nữa nên lũ to ngày đêm không đứt bữa mà còn hỗ trợ bà con trong xóm...
Lũ lớn nhanh nhưng rút cũng lẹ khoảng hơn nửa chiều nước ra khỏi xóm trên đường cái đã có người đi bộ. Việc vận chuyển đồ cứu trợ do máy bay thực hiện ngay trong lũ và khi lũ dựt ông Sáu lại cầm loa rao quanh xã " Đồng bào... đi nhận bánh mì...". Nghe kể cơn lũ đã cuốn trôi nhà cửa ruộng vườn và người ở mấy xã trên nguồn. Ngay tại xã Phú Hưng lân cận với xã Phú Thọ mình đã có người trên nguồn trôi xuống tấp vô xóm được cấp cứu thoát chết. (Về sau bà ở lại chứ không về nguồn vì qua cơn lũ gia đình không còn ai).
"Các nhân chứng tại Quảng Nam mô tả giống nhau: Đầu tháng 10 (ÂL) nước từ trận lụt trước còn mấp mé không chịu rút / Mùng 4-10 (tức ngày 7-11-1964) mưa to kéo dài / Từ mùng 5-10 trời sa xuống đất / Giữa trưa đứng ngoài trời đưa bàn tay trước mắt cũng không nhìn thấy / Mưa kéo dài không ngớt đến ngày 6-10 thì nước vào / Tối mùng 6-10 nhà cửa bắt đầu trôi / Nước lên nhanh nhưng xuống chậm.
Trận lụt năm 1964 gây thiệt hại kinh hoàng cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín (đơn vị hành chính của Việt Nam cộng hòa năm 1964), Quảng Ngãi và Bình Định. Đặc biệt tại Quảng Nam, cư dân ven hai con sông Thu Bồn – Vu Gia bị thiệt hại nặng nề nhất.
Theo tài liệu “Lụt từ trên nguồn đổ xuống bốn hướng. Từ Phước Sơn, Tân An xuống Giảng Hòa, từ sông Giằng, từ Tam Sơn xuống Tam Kỳ và từ Tam Kỳ xuống Bàu Bầu, An Hòa. Trận lụt to làm nước xuống rất mạnh đến nỗi núi lở từng cụm từng mảng, đẩy những tảng đá như cái nhà cái nong trôi đi, ở Trà My, Phước Sơn. Lụt đã mở thêm ra hai cửa biển và đổi cả dòng sông. Ruộng bị lấp ở Phương Đông, Dương Yên thành như sân bay. Ở Giảng Hòa 480 dân chết hết 400, đất lở hết không còn làng nữa. Trong tỉnh, 3.000 mẫu ruộng bị lấp, gần 6.000 người chết, huyện Quế Sơn là nặng nhất!”.
Nhà thơ Tường Linh viết: Thảm nạn quê hương
Không còn gì nữa cả
Không còn gì nữa cả em ơi!
 Một tháng quê hương không bóng mặt trời
 Một tháng quê hương mưa gào gió thét
Đất Quảng thân yêu người người rên siết
 Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn”
Thảm nạn này biết thuở nào quên!
Biết thuở nào quên!
 Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
 Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
 Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
 Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà
 Nhà theo sóng. Người không thấy nữa
 Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
 Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
 Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
 Tấp vào bờ thây của người ông
 Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu
 Nhà có mười người, hết đường phấn đấu
 Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau
 Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu
 Một “dây xác” trôi về đâu, ai biết…
Còn bao cảnh não nùng, bi thiết
 Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!
Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
 Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
 Người sống sót không còn nhà cửa
 Không áo cơm, khô cả lệ thông thường
 Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
 Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục
 Quê hương ta: một hình hài ngã gục
 Cà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!
Đông An, Bình Yên… nước xóa cả rồi
Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm
 Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm
Đồng hoang vu còn giữ những thây người
 Những thây người! Không đếm hết, em ơi!
Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10
 Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!
 Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ
Thảm nạn này biết thuở nào quên
 Xót thương về, em hãy đốt hương lên!
TL
Bão, lũ không gì tàn phá ghê gớm như bão, lũ. Điều này kinh nghiệm đau thương rất nhiều!. Đó là thiên tai chỉ có phòng tránh chứ không thể chống!. Phòng bằng cách tránh bằng cách bảo vệ môi trường thiên nhiên. Phá hoại môi trường thiên nhiên là tự đẩy con người đến bờ vực thẳm.
Những ngày này (12-19/10/2016) các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh đang quằn mình chịu biết bao tổn thất về người (25) về của (tính hàng tỷ...) bởi cơn lũ kinh hoàng. Nguyên nhân do đâu?. Câu hỏi cần trả lời trung thực!.
H.V






Trong bài có tư liệu internet (HV)

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Thơ NHÂN TRẦN- NGUYỄN ĐỨC THẮNG- HÒA VĂN

NHÂN TRẦN
GIĂNG PHIẾN THƯƠNG MÙ
Viếng Phạm Phan Hòa
Người ngồi đây mãi nơi này
Chưa bao năm mà đã dày thiên thu
Rầu ai giăng phiến thương mù
Trăm năm yên gối ngàn thu chốn nầy
05/09/2016
NT
USA
NGUYỄN ĐỨC THẮNG
NHANG LÒNG
Viếng Phạm Phan Hòa
Ta chừ mới biết về nhau 
Tình chưa vay đã nợ nhau mất rồi
Một mình cạn chén ly bôi
Tiễn người chưa một lần ngồi với nhau
"Cũng về
Gom nhặt cho nhau,
Sẽ dần phai..
Trắng
Một màu khăn tang!"(*)
Lòng nghe ướt nhẹp mù tang
Thu chưa đủ tuổi
đã vàng 
lá rơi
Nhang lòng một nén chia phôi
Riêng mình tôi đốt cùng tôi với HÒA
NĐT
----
(*): Thơ Phạm Phan Hòa

HÒA VĂN 
VÀ RỒI!
Tưởng nhớ nhà thơ Phạm Phan Hòa
(1957- 03/09/2016)
Và rồi
cỏ lá "nguyên tươi"
Bạn xa...
nhớ bạn
nụ cười hồn nhiên
Xong "nợ nần"
giã muộn phiền
Nhẹ tênh
thanh thản
về miền "tịnh chơn"
Thiên thu "yêu người"
yêu hơn

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

PHẠM PHAN HÒA - NGƯỜI YÊU THƠ VÔ CÙNG

TIN BUỒN
Nhà thơ Phạm Phan Hòa (Hòa Phan) sinh năm 1957 tại làng Bàn Lãnh xã Điện Trung thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Hiện ở tại làng Bàn Lãnh.
Sau một thời gian lâm bệnh  dù được gia đình, họ tộc, bệnh viện, bà con xóm giềng thân hữu tận tình chăm sóc cứu chữa nhưng bệnh nặng  đã từ trần lúc 2 giờ 35 ngày 03/09/2016 (03/ Tám Bính Thân)
Hưởng thọ 60 tuổi
Lễ viếng từ 17 giờ 30 ngày 03/09/2016
Lễ di quan 5 giờ 10 ngày 06/09/2016 (06 tháng Tám Bính Thân)
An táng tại Nghĩa trang gia tộc họ Phạm Trường tọa lạc trong Nghĩa địa xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam.

Chân dung nhà thơ Phạm Phan Hòa

---------------
PHẠM PHAN HÒA - HÒA PHAN người yêu thơ vô cùng
PHẠM PHAN HÒA (PPH) viết và ngâm thơ điều này ở Gò Nổi Điện Bàn ai cũng biết. Anh yêu thơ không điều kiện.
Không điều kiện chứ không dễ dãi... Ở anh thơ của thân hữu hay của anh đều quý như nhau. Từng câu chữ viết tự đáy lòng với cả niềm yêu thiệt (thà) của anh như mưa và nắng như mùa đông mùa xuân tất cả tự nhiên và tự tại...
Giờ trong cơn bệnh hiểm nghèo thế mà khi nhắc đến thơ anh nhớ từng bài. Với hàng trăm bài thơ viết yêu mình yêu người; đất trời và miền quê yêu dấu...
Từng học trường Văn hóa nghệ thuật nên ngoài thơ - phần nhiều là thơ lục bát PPH còn viết nhạc và vẽ.
PPH sáng tác trên 100 bài thơ in trên báo và mạng.
Chung quy từ tấm lòng thiệt đáng yêu.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng dù được gia đình, họ tộc, bệnh viện, bà con xóm giềng thân hữu tận tình chăm sóc cứu chữa nhưng bệnh nặng đã từ trần.
Bài viết là nén tâm nhang thắp tiễn PPH.
HÒA VĂN (QUẢNG NAM)
-------------
Xin chia sẻ một số bài của anh đã đăng tải trên báo, mạng:
PHẠM PHAN HÒA (HÒA PHAN)
TRẢ LẠI
Lặng xin chấp hai bàn tay
 Hướng cao trời rộng khẩn ngày còn - không!
 Rồi tan... sương khói mênh mông
 Rã rời thân phận - bềnh bồng nổi trôi.
 Chiều buông nắng tím bồi hồi
 Mai xin là cỏ mượt đồi đợi nhau.
 Có còn muôn vạn kiếp sau
 Lặng nương theo tiếng kinh cầu... xót thân!.
… Xin cho ngày trả căn phần
 Bụi đường qua giũ - nợ nần gieo neo
 Cõi về đâu kịp mang theo
 Tan trong khói... trả bọt bèo phấn hương.
PPH
10/03/2016
ANH VỀ
            
Cũng về
Gom nhặt cho nhau,
Sẽ dần phai..
Trắng
Một màu khăn tang!
... Anh đi, dẫm mộng
Điêu tàn.
Ngày về xóa sạch
Lỡ làng
Không
Em!.
PPH
13/4/2016.
LỜI ĂN NĂN!

Phạm Phan Hòa

Nâng sầu chạm cốc hư không
Mà nghe rượu đắng cháy lòng xót đau
Van trời! Chậm hạt mưa mau
Đợi tôi vuốt lại nếp nhàu tự tim

Nổi trên sông… vọng tiếng chìm
Để ngàn sau cõi tịch im mãi cười

Thiên thu người vẫn yêu người
Ngậm buồn, giữ nét nguyên tươi giữa đời

Đã trôi đã lệch một thời
Tôi quỳ xin nhận - muôn lời ăn năn.
 SAY !
Tặng bạn thơ tôi Điện Bàn- Quảng Nam

Phạm Phan Hòa


Ta đang uống rượu một mình
Ta đang chuốc chén để tình ta say

Trời cao đất rộng ô hay!
Biển xanh rừng thẳm gót hài em qua

Bình minh rộn tiếng chim ca
Hoàng hôn bóng đổ thướt tha em về

Người sao... nỡ quên ước thề
Còn em lạc giữa bốn bề tâm giao

Cỏ say lời gió lao xao
Ta say tình với khát khao tặng người.


P.P.H
MÙA HOA DÂNG MẸ
Phạm Phan Hòa
Kính dâng mẹ Phan Thị Ngô.
Mẹ ơi!
Con ngã giữa đời.
Gượng
Quỳ bái vọng
Một thời mẹ cho.
.. Con qua sông
Đã đắm đò!
Mẹ - cho thân
Phận..
Mẹ dò được đâu!
Dẫu đời
Còn lắm bể dâu!
Hiếu lành hoa đạo
Thắm mầu
Tịnh
Chơn.
P.P.H

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Truyện HÒA VĂN: NHỚ BIỂN


Tôi thật sự nhớ biển nơi chắc tôi sống suốt đời, biển (về sau viết b.) của tôi nổi tiếng trong xanh và thông thoáng bãi cát trải dài vô tận sân rất nhiều nhà của xóm bãi Ngang.
Nhớ b. nỗi nhớ cồn cào, phải chi như trước đây có một dạo do công việc phải xa b. chỉ cần điện chú Tú đem chiếc điện thoại ra bờ b. kết nối wechat hay viber là hình ảnh b. hiện lên màn hình của tôi sau đó tiếng sóng của b. lúc cuồng nhiệt lúc nhẹ nhàng vỗ bờ tôi đều nghe nghe rõ mồn một, khi thì nhìn những cây dừa đã hàng chục năm rễ bám chắc cát khô khốc lá vẫn xanh màu xanh có mùi vị mặn của muối một vị không dễ nhìn nhận nếu không sinh ra từ vùng cát b.. Đàng này tôi hiện đang sống cùng b. sống cùng bà mẹ b. mà nhớ b.!.

Truyện HÒA VĂN: NHỚ BIỂN



Tôi thật sự nhớ biển nơi chắc tôi sống suốt đời, biển của tôi nổi tiếng trong xanh và thông thoáng bãi cát trải dài vô tận sân rất nhiều nhà của xóm bãi Ngang.
Nhớ biển nỗi nhớ cồn cào, phải chi như trước đây có một dạo do công việc phải xa thể chỉ cần điện chú Tú đem chiếc điện thoại ra bờ biển kết nối wechat hay viber là hình ảnh thể hiện lên màn hình điện thoại của tôi sau đó tiếng sóng biển lúc cuồng nhiệt lúc nhẹ nhàng vỗ bờ tôi đều nghe nghe rõ mồn một, khi thì nhìn những cây dừa đã hàng chục năm rễ bám chắc cát khô khốc lá vẫn xanh màu xanh có mùi vị mặn của muối một vị không dễ nhìn nhận nếu không sinh ra từ vùng cát biển. Đàng này tôi hiện đang sống cùng biển sống cùng bà mẹ biển mà nhớ biển!.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Truyện ngắn HÒA VĂN: CHUA CHÁT



NGƯỜI TU HÀNH ĐƯƠNG NHIÊN LÀM VIỆC TỐT. Đó là nhận định chung. Còn có trường hợp nào khác ngược lại?. Câu hỏi đau đáu!.
Ngoan nói:
"Trên đời này không có gì không thể xãy ra"
Nói xong anh rót tiếp một ly rượu. Ly rượu này là ly thứ mấy rồi anh cũng chẳng để ý chỉ biết trông thể trạng dù chưa say nhưng ai uống nhiều rượu mà không say sưa bao giờ.
Thật kỳ cứ nhậu nhẹt cùng anh em trong xóm xong khi nào cũng vậy về nhà Ngoan tiếp tục độc ẩm.
Khi tôi đến anh tỏ vẻ rất vui.
Người ta hay nói "gần mực đen gần đèn sáng" ở đây Ngoan không chỉ gần một cây đèn mà gần đến cả chục cây đèn ở nhà ông Phán. Nói vậy bởi nhà ông Phán trang trí nhiều đèn: Đèn ngoài cổng cái cổng to cao bề thế, đèn treo ở hiên, rồi trong nhà, trên bàn thờ...
Ông Phán người phốt pháp. Người ta (lại người ta!) nói "con người có số" sinh ra đã là con nhà có của ăn của để sẵn rồi cho nên Phán tốt tươi ngay từ lúc nhỏ. Tuy vậy chỉ có cái màu thôi bề ngoài bảnh bao chứ bên trong ngũ tạng bầy nhầy!. Đó là căn bệnh thâm căn không dễ gọt rửa một hôm một mai mà được!. Phán biết như vậy nhưng giả khờ giả lú ra bộ ra dạng ta đây người tử tế!. Ngoan biết như vậy mà không tiện nói ai biết. Mà nói làm gì...
Ngoan và Phán thân nhau từ lâu nên biết tỏng tòng tong mọi chuyện trong ruột trong gan của nhau. Có điều đó là hồi xa xưa hồi người ta hay gọi là thời đạo đức thiệt còn giờ thời ấy bay cao bay xa rồi!.
Phán có bà vợ ai mới ngó dễ cho rằng bà hiền lành. Thực ra có trời biết tâm địa bà. Nói tham lam, ích kỷ, giả dối thì nhẹ phải nói trên tất thảy!.
Vợ ông Phán con của ông Ny một chức sắc trong đạo... Ông Ny hiền như bụt, so sánh như thế có bạn cho là thiếu cơ sở... Thì tùy cách suy nghĩ!.
Đức Giáo chủ của bất cứ tôn giáo nào cũng hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Đây là đích đến của nhiều người. Đạo là trong đời sống thường ngày chứ không mưu cầu gì sau khi chết!. Sống tốt giống như gieo hạt giống tốt sẽ sinh hoa quả tốt!. Mà thật ra không chỉ con người mới biết hướng tới bao điều tốt đẹp. Trên hành tinh được mệnh danh Xanh này nhiều động thực vật khi sinh ra tồn tại được với nhau đều ý thức tự thích nghi với mọi đồng loại... nhờ vậy hành tinh trải qua hàng tỷ tỷ... năm đã và đang che chở sự sống đúng nghĩa.
Bà Phán hiền!. Không hiền sao được khi bà đang tu. Tu ai cũng biết rồi là sửa chứ chẳng cao xa gì. Sửa cái gì sửa ai dễ! Sửa chính bản thân mới cực khó. Đó là lý luận là theo kinh sách còn thực tế phức tạp hỗn mang hơn rất nhiều. Bà Phán ngày ngày tu tập bề ngoài bà mộ đạo lắm còn bên trong cái tâm không rõ. So với động vật cấp thấp con người có cái tâm nhờ đó biết làm điều tốt.
"Chưa chắc!"
Ngoan có lần nói với bà Phán như thế khi bà oang oang thuyết giảng một điều có liên quan tới nhân cách sống của con người. Đã là người là thoát kiếp lục súc cho dù thoát tạm thời. Vòng đời ngắn chẳng tày gang. Ngoan bữa nay học ở đâu mà lý luận không biết. Nhưng... nên nhớ Ngoan là con của thầy giáo làng. Ngày xưa thầy giáo làng được mọi người trọng vọng lắm chứ không như thầy với bà... Ngoan dừng suy nghĩ.
Thầy Năm. Tên ba của Ngoan đơn giản và trang trọng. Đó là lời khen của xóm làng chứ không phải của tôi. Tên đầy đủ của thầy Phạm Năm nhưng chỉ ghi ở các giấy tờ tùy thân còn lại ra đường trong nhà ai cũng gọi một từ thầy ít khi gọi thầy Năm đó cũng là một biệt lệ. Ngoan giờ không kế nghiệp thầy tuy vậy bộ dạng lời ăn tiếng nói đều y thầy khiến ai cũng mến.
Ngoan nói với tôi:
"Ba tôi hiền..."
Đúng!. Thầy rất hiền. Hồi nhỏ tôi học thầy ngay buổi học đầu tiên của lớp vỡ lòng. Lớp học là nhà làm bằng tre lợp tranh săng. Nhà lại núp dưới bóng râm của vườn cây ăn trái nào là mít; xoài nên mát rượi. Phía trước sân quanh năm mùa nào bông nấy đặc biệt bông vạn thọ vàng, đỏ bông nhỏ bông to lúc nào cũng có, ngoài ngõ dẫn vào sân đôi hàng bông bụt được cắt tỉa thẳng thớm bông tươi màu đỏ hồng trông thích mắt.
Thầy nổi tiếng dạy giỏi.
Lứa tuổi con cháu của thầy ở làng hầu như ai cũng học thầy. Học chữ học nghĩa và học lớn nhất là nhân cách. Có điều chính mô phạm mà thầy không làm giàu.. từ nghề thầy!.
Trong những lúc giảng bài bên cạnh con toán câu văn lời thơ bên cạnh khoa học thường thức, môn sử ký được thầy dạy một cách thấu đáo khiến ai cũng mê!. Và trong giờ công dân từng lời thầy tỉ tê trò hãy sống trách nhiệm với xóm làng với họ tộc gia đình với quê hương... mà cả đời thầy làm đúng như vây!.
Ngoan rót thêm một ly rượu nữa mời tôi:
"Nhân anh về thăm quê bữa nay anh em chén
tạc chén thù đậm đà hơn một chút chẳng sao!"
"Ừ!"
Tôi đưa tay bưng ly rượu Ngoan mời rồi cạn ly.
Xong tôi rót một ly cho Ngoan. Ngoan cũng cạn ly ngay.
Rượu gạo mua ở lò Hai Hơn nghe nói rượu nấu thiệt nồng độ vừa phải có mùi dễ chịu.
"Nhà ông Phán anh biết?"
Tôi gật đầu.
"Nhà ông tu hành đấy!"
"Ờ!"
Tôi nghe nhà ông Phán tu hành lâu rồi mà có gì Ngoan nói như muốn trút bầu tâm sự thế!. Tôi nghĩ ngợi...
Ngoan giục:
"Anh thiệt tình với em một bữa đi!"
Với tôi bia rượu chỉ uống nhâm nhi chứ không vồ vập. Tôi hoãn binh:
"Thì hồi nào với em anh không thiệt tình đâu?"
"Dạ! Em biết. Nhưng..."
Ngoan kể vụ ông Phán lấn đất vườn của Ngoan.
Theo Ngoan năm ba tấc đất không là gì song cớ sự là ở chỗ lòng tham! Mà con người như ông Phán lâu nay Ngoan thân mật thế mà nay...
Ngoan nói: "Không giận mà lại thấy tội cho ổng!".
Tôi hiểu ý của Ngoan khi Ngoan trầm tư một chặp:
"Với em ông Phán đã chết!"./.
HÒA VĂN
----
Tranh của Tuấn

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

HÒA VĂN: THƠ KHÔNG ĐỀ




Khi tình yêu thương đạt đỉnh im lặng
Còn gì đáng nói nữa mà em khóc
Biển nổi nênh biển dùng dằng lên tiếng
Con sóng xưa níu chân thầm thì
Giờ đỏ ngầu đôi mắt cá vô hồn
󾆽
Khi lửa trong tim cháy rụi còn tro
Em thắp đuốc tìm gì ngoài chút bụi
Thời gian thường đi qua nhưng không mất
Trừ khi quên lối cũ đường về
Trừ khi lòng tán tận lương tâm!
󾆽
Hôm em vẫy tay nói lời yêu biển
Là hôm biển chết một phần
Là hôm cát bỏng da người
Là con cá con tôm nín thở
Là con người bỏ biển vì yêu...
󾆽
Có sự lạ biển bao đời réo gọi
Lời vô ngôn từ thuở đất hồng hoang
Phía biển vô cùng có thể đo đạc
Lòng người dẫu cạn đành chịu bó tay
󾆽
Mọi dối trá lộ dưới ánh mặt trời
Đó là biển xanh lại màu yêu thương!


H.V
---
Tranh lụa Lê Thúy

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH: KHẢM DẤU TÍCH GIỮA MÙA XUÂN


Như thế, theo cách hiểu của tôi mùa xuân là mùa số một trong năm cũng là mùa khởi đầu của vòng quay xuân hạ thu đông.
1. Bạn đã từng có nhiều cái Tết trong đời nhưng vẫn luôn nhớ những cảm giác gọi là Tết nhất! Tôi nhớ hình như tiếng Việt vẫn gọi Tết nhất. Tùy theo vùng miền mà chữ nhất hay trại thành chữ nhứt! “Mới thôi mà Tết nhất tới rồi!”. Và câu ca “Ai xui Tết nhứt lôi thôi / Năm cùng tháng tận lòng tôi thêm buồn…”.
Tết có nghĩa vẹn nguyên, Tết là số một trong tiếng cười giòn và sự đợi chờ của con trẻ. Người lớn có chờ đợi Tết hay không? Tôi vẫn lưỡng lự không dám chắc. Nhưng trong lòng mỗi chúng ta đã có những ngày xuân nhất. Một trong những ngày xuân nhất đó đối với tôi chính là Tết hành hương. Tết đi dọc lịch sử hay miền hoài niệm. Đó là một cách hướng về nguồn cội. Hành hương có dịp đối diện với lịch sử, với hình bóng quá khứ, những câu hỏi băn khoăn thời đại đã qua để tìm cho chính mình một sức sống chân lý. Giữa thời buổi nhiễu nhương này tìm cho lương tâm một điểm tựa.
Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng tôi chưa bao giờ có dịp lang thang, điền dã hết từng miền đất yêu thương trên quê hương Quảng Nam văn hóa hào kiệt yêu dấu của mình. Cũng có thể nói Quảng Nam là miền đất hào kiệt sản sinh ra rất nhiều anh hùng và thi sĩ. Nhìn ở khía cạnh khác, đó là nơi giao điểm trí tuệ bùng nổ, những lật lẩy nhiều bờ của nội kết, phản tỉnh. Đỉnh của trí thức là tam giác ba cạnh. Mũi nhọn hoài nghi vươn tới, đi lên mãi trên hai chiều đổ xuống của hy vọng và ảo vọng. Câu ngạn ngữ “Quảng Nam hay cãi” là điểm tất yếu của việc cọ xát, không biên giới. Tất cả để dẫn tới sự hài hòa của minh triết. Sự thông suốt uyển chuyển của lý và luận. Những cái tên định danh thân thương như Hội An, Mỹ Sơn, Đại Lộc, Trung Phước, Quế Sơn, sông Thu Bồn, sông Hoài, Hòn Kẽm Đá Dừng, song Tiên… đã khảm dấu tích trong thi ca, ca dao ai cũng biết nhưng chưa chắc suốt một đời mà bạn có cơ hội đi đến hay khám phá hết.
2. Thật bất ngờ thú vị khi cái Tết Ất Mùi năm ngoái đã cho tôi cơ duyên được hành hương trên quê hương Quảng Nam. Qua facebook, tôi được biết nhà văn Hòa Văn ở làng Đông Bàn, thôn Nam Hà nơi cụ Phạm Phú Thứ yên nghỉ. Chẳng ai ngờ thời đại internet, ngồi ở trong làng vẫn ngó nghiêng xét nét được thế giới. Anh rủ tôi Tết về làng anh chơi. Và để thêm hương vị, anh nhứ mồi, gần nhà anh ở là vườn nhà văn Phan Khôi. Nơi đây là vườn mai mà khi còn ở quê nhà, hàng năm Phan Khôi vẫn ngồi khai bút đầu xuân. Không ai biết chuyện nớ hết – Anh kêu lên sung sướng trong điện thoại – Tui phải điều nghiên mãi mới ra đó nghe! Chỉ mới tiết lộ cho Minh! Tết về đây uống rượu nói chuyện văn thì tuyệt cú mèo…”. Phan Khôi người mở màn cho phong trào Thơ Mới với bài Tình già nổi tiếng! Bọn làm thơ nghe tên Cụ mà không cúi đầu bái phục thì ngẫm cũng khó… cách tân được thi ca!.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

HÒA VĂN: BÁT CHÁO NÉN


Nhớ hồi 12 tuổi bị bệnh phải nằm viện.
Đau ốm thì biết rồi việc ăn uống là chuyện chẳng đặng đừng sự mệt mỏi cả thân với lại miệng đắng như đang ngậm bù hòn thử hỏi thiết tha gì với ăn uống.
 Mẹ lúc nào cũng dỗ "Ráng ăn để mau lành bệnh còn đi học nữa chứ!".
Nói đến đi học là tôi chộn rộn. Mới đó mà hơn tuần lễ rồi xa thầy cô, bạn bè mà nhất là xa thằng Lộc tôi không chịu nỗi!.
 Thế là ráng chìu mẹ. Nhưng...

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Thơ Nhân Trần: HOANG TÀN






Chiếc lá vàng rơi báo thu sang
Heo may reo gió lá xanh vàng
Dòng sông xuôi mãi đôi bờ sóng
Trôi giạt về đâu giấc mơ tan
***


Rồi một mùa thu qua vội vã
Bên bờ hoang, lá rụng miên man
Xa rồi kỷ niệm mùa yêu dấu
Đã thấm đời nhau nỗi hoang tàn

NT

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

QUÊ TÔI BÂY CHỪ



HÒA VĂN
ĐỌC MỘT CÂU THƠ, BÀI THƠ, CÂU VĂN, BÀI VĂN... CẢM THẤY LÒNG MÌNH XAO XUYẾN, TRĂN TRỞ, NGHĨ SUY... LÀ CÂU THƠ ẤY, CÂU VĂN ẤY... DẪU GÌ CŨNG CÓ ÍCH!.
Tôi gặp trạng thái trên khi đọc bài thơ Quê tôi bây chừ (in trong tập thơ Tuổi thơ ơi ngày về - NXB Hội nhà văn - 2015) của Nguyễn Gò Nổi.
Nguyễn Gò Nổi (NGN) bút danh của một bạn trẻ quê Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) đang xa quê, bạn yêu văn học nghệ thuật... yêu thích thơ và làm thơ những vần thơ của bạn có điệu hay không đều đau đáu một điều gì đó có khi ai cũng biết nhưng chưa hoặc ngại không nói ra có khi chỉ là một ý tứ nhỏ nhưng càng ngẫm không nhỏ chút nào...
Tập thơ có 53 bài đứa con so của NGN bụ bẫm dễ ghét về hình dạng tâm huyết nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn theo cảm nhận của chính NGN chắc vì vậy nên chi sinh con ra "Anh" bố lại lấy tên của quê cha đất tổ để tự đặt thành tên riêng - bút danh - điều này quả là chỉ có tự tin về sức về lực mới mạnh dạng làm! Mong là đúng như vậy bởi con thuyền thơ ra sông ra biển biết đâu mà lường...
Bây chừ xin vui cùng đứa con của bạn đang "mẹ tròn con vuông" các bạn nha!.
***
ĐỌC BÀI THƠ QUÊ TÔI BÂY CHỪ
"Quê tôi bây chừ vẫn nghèo lắm, quê tôi"
câu thơ đây ah! câu nói từ đáy lòng chứ!. Không bạn ạ thơ đây! Thơ từ chính người con của quê đây khi bạn viết thiệt rất thiệt!. Câu thơ hay ở hai từ "quê tôi" nhắc lại ở cuối câu.
Quê nghèo. Mà trăm thương ngàn nhớ. Chính xác là vậy.
"Tháng năm cha cuốc cày trên cánh đồng như thế/ Canh cánh nỗi lo khi mùa gió bão tràn về/ Trông đất trời hai mùa mưa nắng đi qua."
Để rồi
"Quê tôi bây chừ những đứa con đi xa/ Không muốn trở về mưu sinh trên vùng đất mẹ/ Còn nơi đây cụ già và côi cút những đứa trẻ/ Cứ ngóng trông, lặng lẽ phía cuối làng."
Để rồi
"Quê tôi bây chừ giữa lúc mùa xuân sang/ Bỗng nhiên rộn rã như cơn mưa rào, bất chợt/ Mẹ tiễn con ra đi khi ngày vui chưa ngớt/ Hẹn mùa xuân sau trong điệp khúc mưu sinh."
Bài thơ đắc ý ở khổ này. Bạn có ray rức điều nầy?. Tin là bạn nhất định phải ray rức!.
Quê nghèo vì đâu khi binh đao đã qua trên 40 mùa xuân rồi.
Phải nói so với xưa nay được hơn nhưng so với yêu cầu của đời sống hiện tại chưa được!. Cứ nhìn niềm vui vỡ òa của bao bà mẹ bao em thơ khi đón con; đón anh; chị làm ăn xa quê trở về quê vui xuân đón tết thật "rộn rã" bao nhiêu thì khi bắt gặp cảnh những người con yêu thương khăn gói lên xe vượt hàng trăm cây số đến khắp mọi miền đất nước "mưu sinh" hỏi ai nghĩ gì?.
Quê nghèo!. Các bạn có cam chịu?. Câu hỏi cũng chắc không bạn nào trả lời là cam chịu song nói, nghĩ thì dễ làm thật không dễ gì có điều trong gian khó quê mình nghèo thật nhưng giàu tình giàu nghĩa đúng như NGN viết trong khổ thơ cuối của bài thơ Quê tôi bây chừ:
"Quê tôi bây chừ vẫn nặng nghĩa tình/ Cuộc sống tựa vào nhau trong câu ca dao bầu bí/ Muôn đời không đổi thay mỗi người trong nếp nghĩ/ Quê tôi dẫu nghèo nhưng quý mến thân thương.".
Hòa Văn
giữa xuân Bính Thân - 24/02/2016