Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Truyện ngắn Hòa Văn: BA CÒN




Ba Còn ráng gánh đôi thúng thóc trên đôi vai bên nào cũng đỏ sần.
 Thấy Ba Còn luống cuống với đôi quang gánh ông đội trưởng không tỏ chút thương hại nào mà còn quát:
 "Gánh nhanh về kho! Chậm chẳng ai đợi một mình mi đâu!"
 Lấy tay áo lau vội những giọt mồ hôi trên trán Ba Còn sửa sửa lại đôi gióng xong gánh chạy lúp xúp...
Sân kho được xây dựng giữa đồng bao quanh là hàng rào xây bằng gạch cao quá đầu nghe nói phải kín cổng cao tường như vậy để phòng kẻ gian. Ba Còn trút đôi thúng thóc xuống sân phơi lát gạch, trở ra gặp kế toán nhận phiếu.
 Kế toán:
 "Cũng giỏi hỉ! 56 cân!"
 Ba Còn:
 "Giỏi ươn chi không gánh đầy thúng tối lại mấy "ổng bả" bình điểm chót có húp cháo!"
 Không biết sao Ba Còn hôm nay lại lý sự chứ mọi khi ai nói chi kệ, chỉ cười cười.
 Nhập đôi gióng lại làm một xong để hai cái thúng vô lấy đòn gánh quảy vừa đi vừa nhẩm tính... "Thế là ngày hôm nay mỗi một mình mình gánh 18 gánh thóc nhập kho bình quân trên 55 vị chi gần cả tấn!".
 Nhóm sản xuất của Ba Còn có mười hai người đi thu hoạch lúa đến bữa nay là sáu ngày rồi. Ai phần nấy, đàn bà cắt lúa, đàn ông ôm lúa tuốt lúa. Ba Còn với ông Cật chuyên đứng máy tuốt. Làm lụng có mệt nhưng không mệt bằng sau buổi cơm tối ngồi ở nhà đội bình điểm. Lâu rồi thành quen chứ bữa đầu tiên khi chưn ướt chưn ráo ở Sài Gòn về làm ruộng ăn công điểm Ba Còn thấy chuyện bình công chấm điểm vừa lạ vừa sao sao ấy.
 Nói thiệt Ba Còn lưng dài vai rộng lại học xong 12 nếu ở lỳ trỏng ngày hai buổi đạp xe xuống chợ trời gần lăng Cha Cả mua đi bán lại những món đồ như đồng hồ, radio,... không đến nỗi nào.
Ba Còn ngồi nghĩ nghĩ... Cả ngày gánh đất thước rã cặp cẳng ê ẩm cả người nhưng được cái bộn điểm.
 Lão định mức ăn phải món gì mà hôm nay mở rộng tay thước ghê hè, gặp mấy bữa vụ nâng số lượng đất từ 95 lên 150 mét khối bằng cách tạo ô-tơ giả không dễ gì qua mắt lão, đàng này lão lại khen:
 "Mấy đứa dạo này làm ăn đàng hoàng ghê!"
 "Hì hì anh la quá phải kiêng chứ!"
Ba Còn vừa trả lời vừa nhếch mũi khiến cho cả nhóm gánh đất cười rân...
Ngồi thừ trước trang giấy gặp tôi đến Ba Còn xếp cuốn sổ đứng dậy.
 Tôi nói:
 "Bộ làm thơ hãy cha!"
 Tuy là anh em nhưng tôi hay gọi đùa Ba Còn bằng "cha".
 Ba Còn không trả lời chỉ cười cười rồi đưa cuốn sổ cho tôi.
 "Thơ! cha làm thơ thiệt hãy cha!"
 Tôi tính hét to lên như thế nhưng kịp dừng lại.
 Con người lạ thật lao động cực nhọc đầu tắt mặt tối ngày nầy tháng nọ tưởng khô queo ai ngờ...
 "Thơ của Ba Còn ướt ác!"
 Lẩm nhẩm đọc từng câu thơ viết trong cuốn sổ dày cộm tôi nghĩ trong bụng như vậy.
 Ba Còn bưng ấm chè xanh từ nhà bếp lên đặt trên khau giữa bàn mắt nhìn chằm chằm vô mặt tôi rồi hỏi:
 "Tạm được phải không?"
 Thấy tôi im lặng Ba Còn lấy chiếc ca Mỹ inox sáng bóng rót chút nước tráng tráng xong rót gần đầy ca nước chè xanh bốc khói nóng hổi rồi cất tiếng mời:
 "Anh uống thử chè Phú Thượng trồng trên đất quê mình có ngon bằng chè Phú Thượng chánh gốc không?"
 Hình như sinh ra không phải làm ruộng thì phải bởi mặc dù ở nông thôn tay lấm chân bùn nhưng hễ cất cái cuốc Ba Còn hiện nguyên hình anh thư sinh áo quần phẳng phiêu, tóc tai chải chuốt riêng cái phong thái ăn nói ngủ nghỉ đĩnh đạt khó có ai bì... Có bận bịu mấy có trong vụ mùa ai bù loa bù lem Ba Còn mười bữa như chục thủng thỉnh pha chè cà phê nhâm nhi xong mới ăn cơm đi làm đó là buổi sáng còn chiều tối xem truyện đọc sách chính vì vậy Ba Còn biết nhiều thứ đông tây kim cổ.
Khoản trồng cây gì nuôi con gì cũng chỉn chu trong mảnh vườn sào mười hai được phân bổ vụ nào cây nấy... cái khoản chè Phú Thượng mà Ba Còn nói thì khỏi chê. Chỉ mươi gốc chè không chỉ đủ uống quanh năm mà lâu lâu còn biếu bà con lấy thảo!.
 Mấy ngày nay công việc thu hoạch xong tranh thủ nắng ráo Ba Còn làm chuồng nuôi heo.
 Tôi hỏi:
 "Trù nuôi giống chi?"
 Ba Còn:
 "Móng Cái"
 "Duroc bò Mỹ chứ!"
 "Không! Giống heo bò Mỹ giờ không chạy nữa. Nuôi heo Móng Cái phối heo Nga giống Đại Bạch ra F1"
 " Ừ mần thử coi!"
 Không rõ Ba Còn học ở đâu mà làm được kinh. Một dãy chuồng với năm ô vuông vức không như người ta chẻ gốc tre đóng nọc Ba Còn cưa tre ra từng thanh dài theo kích thước ngang dọc rồi ráp thành ô chuồng trông chắc và đẹp nữa. Mái che chuồng thì giống như mọi người lợp tranh rạ.
Vụ chăn nuôi của Ba Còn nổi tiếng không chỉ heo mà về sau có cả bò năm nào cũng xuất chuồng hàng tấn heo và mấy đôi bò riêng phân chuồng thì khỏi nói đủ để bón ruộng cả tổ riêng thóc thu về từ phân cũng bộn!.
 Ngoài chủ lực phân chuồng, phân xanh có dạo còn phát động làm phân bắc!. Ở xóm có ông Năm Hí vụ nào cũng sánh với Ba Còn vụ bán phân cho hợp tác. Có điều không như Ba Còn nuôi lợn nuôi bò ông Năm Hí quanh năm suốt tháng cứ ngày ngày gánh đôi rổ đi khắp nơi thu gom phân bò phân trâu rơi vãi trên đường ngoài đồng... về nhà ủ làm phân.
Có vụ mùa Năm Hí vượt qua Ba Còn về khoản phân tro vì không biết bằng cách gì ngoài phân xanh, phân chuồng Năm Hí còn cân được mấy tạ phân bắc!. Mỗi nhà làm một cái hố xí hai ngăn, có nắp đậy, mỗi lượt đi ngoài xong bỏ vô thêm vài nắm tro lâu ngày hố xí đầy ngăn nào đậy ngăn đó lại đi tiếp ngăn thứ hai, tới mùa vụ xúc phân ra hong phơi đập cho thành bột đem bón lúa tốt lắm!.
"Vác ruộng chạy khắp đồng kêu-nước/ Giục lòng như thể giục trâu đi" (*).
 Tôi dừng lại thật lâu trang thơ này.
 "Ê! Bài ni mà răng cha để vô đây?".
 Ba Còn hớp ngụm nước chè xanh chắp chắp tỏ rõ khoan khoái lắm rồi chậm rãi trả lời:
 "Anh nhớ đúng rồi!. Bài đó không phải của tui nhưng thích chép vô thôi!".
 Hì hì... Thình lình tối nay lại đọc và bình thơ. Quê tôi tự xa xưa vốn là vùng đất được mệnh danh đất học mà đã học thì có thơ có phú. Đến giờ hình như cái gen ấy lại có dịp bùng phát. Trời đất "tối ăn khoai đi ngủ sáng ăn củ đi làm" mà vẫn thơ với văn... Tôi gật gù đọc thơ của Ba Còn mà lòng vui lạ. Những câu thơ như rút ra từ ruột thật đằm thắm thật mặn mà... Chứ không như ông Bảy Lên chuyên làm vè. Mỗi khi có họp hành bất kể gì ông Bảy Lên cũng tranh thủ đọc một đôi bài có khi đôi ba câu ca ca ngợi ngợi một sự việc cụ thể nào đó.
 Hồi hôm đương lúc bình công căng như dây đờn đột nhiên ông ứng khẩu: "Hợp tác hợp te...". Khi cả nhà đội im phăng phắc lóng ngóng nghe thì ông lại dừng và nói bình tiếp cho xong sớm mai còn đi làm khiến mọi người cụt hứng!.
 Bảy Lên ngồi tỉnh queo chặp thấy không khí im ắng lại nói:
 "Xin mọi người sớm mai ra đồng lẹ lẹ đừng có trưa hoang như bữa ni"
 Ba Cật:
 "Mà cũng thôi cái vụ buổi chiều đợi bà Phông gánh cá lên mua kho xong mới đi làm hỉ!".
Cái vụ đợi kho cá là vụ độc nhứt vô nhị. Cứ đi làm buổi chiều thay vì đi đúng giờ đúng buổi một số mẹ chị lại đủng đĩnh chần chừ tới khi bà Phông chuyên gánh cá lên chợ bán lúc chạy bộ ngang qua xóm ai mua thì dừng lại bán. Tầm này chí ít cũng xấp xỉ ba giờ chiều rồi. Có người nói vui "Không chừng còn kho cá ăn cơm mới đi làm!".
Đó là hồi làm khoán tuy đã bớt đi bao điều nhập nhằng vẫn còn không ít bất cập cảnh "cha chung" thì biết rồi...

H.V
 ------------
 (*): Thơ Nguyễn Tam Phù Sa

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Truyện ngắn Hòa Văn: LÃO NÔNG




Bầu trời mùa đông đeo chì trông thấp và u tối. Bây giờ mới nửa chiều mà như chạng vạng. Lão Nông rải xong nắm thóc cuối cùng xuống ruộng bước lên bờ lấy tay quệt quệt mồ hôi lấm tấm trên trán nhìn tôi cười cười...
 Lối cười của lão Nông khó tả cho chính xác, ngó bộ dạng và khuôn mặt với lối cười tôi đoán bụng dạ lão đang không vừa ý điều gì đó.
 Tôi hỏi:
 "Ngâm giống rộc To chưa?"
 Lão Nông:
 "Ở đây chưa xong mà to nhỏ chi!"
 Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mấy ngày qua nghe nói do ảnh hưởng không khí lạnh với lại đông chí rồi nên kèm theo mưa là lạnh. Cái lạnh ở nhà một ở đồng ruộng mười. Lạnh phần nước dưới chân phần gió thông thốc đã thế ăn bận mỏng manh nữa nên càng lạnh...
 Nông dân như lão Nông gần cả đời lăn lộn với thửa ruộng mảnh vườn bù lu bù loa như thế mà suy đi tính lại mới đắp đổi qua ngày.
 Hồi đứa con thi đỗ đại học ở SàiGòn chòm xóm mừng lão cũng mừng lắm nhưng nói tưng tửng "Con thi không đậu thì con chết mà con thi đậu thì chết cha!" ý nói khó khăn trong việc đài đương cơm áo gạo tiền cho con ăn học xa nhà.
 Lão Nông vừa thu dọn rửa ráy từng cái cuốc, cái trang, cái mủng cho sạch bùn vừa nói
chuyện.
 "Anh thấy đó làm ruộng chừ so với hồi tập thể thì khoẻ nhiều rồi nhưng..."
 Tôi biết lão Nông nói điều gì bởi tới bây giờ bao vất vả vẫn còn đeo miết theo các công đoạn từ làm đất gieo sạ đến thu hoạch. Tỷ như cánh đồng Vuông nầy thuộc diện trũng nên khi gieo sạ gặp không ít khó khăn nhất là khâu tiêu nước. Phải chi bà con cùng chia sẻ với nhau trong việc tháo cạn nước từ ruộng cao xuống ruộng thấp đàng này...
 Lão Nông chỉ đám ruộng nói:
 "Sạ càn hạt thóc xuống ruộng nước lai láng như ri lúa mọc thất bát lắm!"
 Nghe lão Nông phân trần tôi càng yêu hơn quê mình. Nơi còn quá nhiều khó khăn... Khi kinh tế mà khó thì đừng nói phải trái... Ai không biết làm điều trọng nghĩa khinh tài, ai không biết... ai không biết... nghẹt nỗi lực bất tòng tâm.
 Lão Nông không phải tay vừa nhưng... "thế thời phải thế". Từng là cháu nội của một trong ít nhà có tiếng giàu có ở đất này ruộng đất bề bề cái thóc lúa cái hoa màu cái mía đường, trâu nuôi mấy cặp, ông che nấu đướng mấy chòi..., trong nhà có người làm quanh năm suốt tháng hết công chuyện này sang công chuyện khác không ngơi tay, mọi khâu trong sản xuất lưu thông nông sản khép kín.
 Nhưng...
Ở đời có hàng ngàn chữ nhưng có điều chữ nhưng tôi đề cập nó không liên quan đến chữ với nghĩa mà dính tới số phận nhiều con người...
 Lão Nông lui cui mở cửa ngôi nhà ba gian xây gạch theo kiểu nhà cổ. Kiểu nhà hồi trước 1965 ở đây khá phổ biến giờ là hiếm rồi. Lão Nông bật đèn cái tiếp thước hai sáng trưng.
 "Ông đợi tôi chút!"
 Tôi nhìn quanh... Ngôi nhà thiếu bóng dáng đàn bà có vẻ vắng lạnh!. Tôi nghĩ bụng như vậy. Lão Nông biệt danh sau 75 do làm nông cừ bà con chòm xóm đặt chứ tên khai sinh Nguyễn Nghĩa. Là con nhà khá giả nên xưa nay có nếp sống chỉn chu. Hòa bình về quê cưới vợ. Vợ cũng là thư sinh áo trắng hẵn hoi có điều dính cháu nội ông hương Sam giàu có nhứt làng. Hồi đó giàu là có "tội" nên "nồi méo úp dung méo". Đám cưới Nghĩa như đám hát người ta coi đông nghịt...
 Số là xưa có hiềm chi không rõ mà cha của vợ Nghĩa không chịu gã.
 Ông nói "Muốn cưới con Đào phải rước bằng xe ba, bốn bánh!". Ngày ấy tìm cho đủ mươi chiếc xe đạp đã khó huống chi xe hơi xe điện. Nghĩa không bó tay nghĩ mãi cũng ra...
 Anh xuống phố Hội hỏi đội xe xích lô một thời ở đây mới biết chẳng còn như xưa. Xe bỏ lăn bỏ lóc không còn xử dụng nữa. Anh bèn mượn được chục chiếc bỏ lên xe bò kéo về nhà hì hục sửa sang lại. Thế mới biết khi trai gái đã yêu thương "mấy sông mấy suối cũng lội cũng trèo" là chính xác!.
 Tới ngày rước dâu... Đàn ông đạp xe xích lô chở đàn bà, dành một chiếc xịn nhứt trang hoàng bông, lá... chú rể Nguyễn Nghĩa lái xe còn cô dâu chễm chệ ngồi trước tay ôm bó hoa ngũ sắc toàn là cây nhà lá vườn rất tươi tắn.
 Ông gia của lão Nông sau này khi có chén rượu hay nói "Tui thương thằng Nghĩa chứ bộ!". Điều này không ngoa dạo đứa cháu ngoại trai đầu mới vừa sinh xong ông sai con gái út xách xe chở ông đến ngay bệnh viện tỏ rõ niềm vui lắm lắm...
 Lão Nông thay áo quần chỉnh tề xong nói "Ông và tôi lâu mới gặp nhau chừ không cơm nước cho mệt đi ra quán bê nhỏ Bảy mần xị rượu?".
 Nông thôn giờ khác nhiều. Nhà có khách là bà con hoặc bạn bè thường dẫn ra quán. Quán nhỏ Bảy chuyên bê thui lấy từ Cầu Mống ngon nên chỡ mô cũng đông khách.
 Ngồi lai rai hai xị rượu gạo lão Nông ngà ngà say, rượu vào lời ra kể tất tật chuyện làng chuyện xóm...
 Lão Nông gật gù. "Ông biết đó nông thôn không rõ đến bao giờ mới ra khỏi cái lẩn quẩn được mùa rớt giá. Mà thôi ra sao thì ra cả làng cả xã chứ đâu mỗi mình đâu!". Dứt lời lão Nông bưng ly rượu lên vừa mời tôi vừa trót một trăm phần trăm gọn ơ.
Ngày ấy vô tập thể cái roẹt. Mọi thứ quy ra tiền, con trâu, cái cày cái bừa, con bò, bình phun thuốc sâu, máy móc nhỏ lớn trở thành cổ phần...
 Ruộng cao ruộng thấp biền xa đồng gần nhứt đẳng điền, nhị đẳng điền... là của chung mọi người.
Đi làm theo tổ theo nhóm có đội trưởng, đội phó, thư ký hẳn hoi. Làm xong bình công chấm điểm từng người có hôm mắc mứu cả tổ ngồi bình ngồi chấm ở nhà đội tới khuya lơ mới ngả ngũ...
Công cán tất cả trả bằng thóc. Thợ nề thợ mộc, làm gạch, làm tằm, cày bừa đất cấy sạ lúa gieo tỉa hoa màu... Nuôi trâu nuôi lợn... Lao động gián tiếp trực tiếp đều nhận thóc mỗi ngày công tùy vụ thóc lúa được thua mà tính.
 Một thời hợp tác có cỡ trong huyện. Mỗi ngày công ăn chia hơn ba ký. Cánh ngành nghề, nhà đông lao động lại biết tính toán làm những công việc như gánh đất thước, làm thủy lợi... nhận khoán hời sẽ bợ trãnh.
 Còn nhà thiếu lao động, đàn bà con gái chủ yếu làm những việc cấy hái nhổ dặm thời không bao lăm điểm.
 Lão Nông ngừng kể. Lạ thiệt tôi cứ tưởng lão Nông say xỉn nhưng không ngó bộ dạng biết tửu lượng cao nếu không chỉ có nước mềm như con bún chớ làm răng nói năng chuẩn như rứa!.
 Lão Nông cười cười hình như đoán mò ra những gì tôi nghĩ... rồi nói "Bà nhà tui vô Sài Gòn với vợ chồng thằng Hai nửa năm rồi. Cả ba đứa cháu nội mới điện về nói ông nội bớt ruộng lại để bà nội ở luôn trỏng!".
 Tới thời khoán 100, khoán 10 (*) nhà tôi đã ở Sài Gòn. Giờ nghe lão Nông nhắc chuyện mần ăn tập thể tôi hình dung rõ bao vất vả...
Nay mọi sự khá hơn nhưng còn lâu mới ra cái lẩn quẩn mà lão Nông nói.
 Ba mối quan hệ nông thôn nông nghiệp nông dân được bàn được hoạch định từ bao lâu nay chưa khả dĩ...
Tính tiểu nông lấp ló lại!./.
 HV
 ........
 (*): Khoán 100, khoán 10:
 Qua tổng kết thực tiễn ngày 13-1-1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, thường gọi tắt là khoán 100.
 "Khoán chui", một mặt, phản ánh sự bắt đầu đổ vỡ khó tránh khỏi của mô hình tập thể hoá triệt để ruộng đất, sức lao động và tư liệu sản xuất khác của nông dân; mặt khác, phản ánh tính tất yếu kinh tế - khôi phục lại chức nǎng kinh tế hộ nông dân. Khoán 100 bước đầu đáp ứng được yêu cầu khách quan này.
 Nội dung cơ bản của khoán 100 thể hiện trên mấy điểm:
 Mục đích: phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, nǎng suất lao động, nâng cao thu nhập của người lao động.
 Nguyên tắc: quản lý và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, trước hết là ruộng đất, quản lý và điều hành lao động phải trên cơ sở gắn với kết quả cuối cùng của sản xuất, thực hiện khoán theo 5 khâu và 3 khâu; trong phân phối giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích người lao động.
 Phạm vi: áp dụng đối với mọi loại cây trồng và vật nuôi.
 Khoán 100 đã đưa lại tác dụng phân chia lại chức nǎng kinh tế giữa tập thể và hộ gia đình cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và phân phối, mở đầu cho quá trình dân chủ hoá về mặt kinh tế, bằng việc gắn bó trở lại lao động với ruộng đất, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, tạo ra động lực kích thích phát triển sản xuất. Xét về mặt cơ chế quản lý kinh tế, khoán 100 đã phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu trong sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian đầu, khoán 100 đã có tác dụng làm sống động nền kinh tế nông thôn và tạo ra một khối lượng nông sản lớn hơn so với thời kỳ trước.
 Tuy vậy, khoán 100 cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian, sau đó giảm dần vì cơ chế tập trung quan liêu vẫn còn được duy trì trong hợp tác xã, cũng như toàn bộ hệ thống tái sản xuất xã hội trong nông nghiệp. Hệ thống này cùng tính chất mệnh lệnh hành chính, mà hậu quả của nó đè lên vai người nông dân, trước hết là hộ nhận khoán. Hộ nông dân không đủ khả nǎng bảo đảm tái sản xuất và nhu cầu đời sống nên đã phải trả lại bớt ruộng đất.
 Trước đòi hỏi của cuộc sống, nhiều cấp uỷ đảng ở địa phương đã chủ động chuyển sang khoán gọn và sau đó được Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4-1988) xác nhận và thường gọi là khoán 10. Cùng với việc thực hiện khoán 10 là sự đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đổi mới hoạt động kinh tế - xã hội ở nông thôn. Từ đây, chức nǎng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại. Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá VI) tháng 3-1989 và Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ sản xuất hàng hoá. Đổi mới hình thức và nội dung hoạt động của các hợp tác xã nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm nǎng kinh tế hộ nông dân và nông nghiệp, từng bước chuyển nền kinh tế tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

HÒA VĂN: ĐÂU CHỈ LÀ CƠN MƠ?



Nếu muốn đọc đến đâu hiểu ngay đến đó thì xin không đọc tiểu thuyết Người hay là những cơn mơ mạo danh (NHLNCMMD) của nhà văn Phan Trang Hy (PTH) bởi 12 chương 180 trang đều giống nhau tất cả các nhân vật sống hay chết /có thật hay giả tưởng trong nhiều tình huống hư hư thực thực, thiệt giả lẫn lộn do vậy người đọc, đọc theo kiểu nhát gừng sẽ dễ nản...
 Không rõ PTH viết NHLNCMMD bao lâu chỉ biết sau 10 năm chỉnh lại NXB Hội Nhà văn mới in và phát hành điều này chứng tỏ chính tác giả đã đọc đi đọc lại hay nói văn vẻ dành nhiều chăm chút cho đứa con mang nặng bao tâm tình...
 NHLNCMMD một mảng thực trạng của một lối sống... , một cách suy nghĩ, một điều không mới nhưng chưa cũ như lửa ủ trong than vùi tro... Bằng cái nhìn thấu đáo từ trong chỗ u u minh minh ấy PTH nhập vào từng nhân vật nói ra kể hết những góc khuất vốn xảy ra hằng ngày nhưng vì cái tôi, ta thường cố ý cho qua...
 Do vậy nếu đọc NHLNCMMD mà chú ý liên tưởng sẽ cảm nhận không ít ẩn dụ sâu sắc trong từng câu văn trong từng chương...
 Cô Rớt nhân vật chính của tiểu thuyết có thân phận thật kỳ dị sinh ra đẹp đẽ lớn lên lại xấu như quỷ... Câu hỏi đặt ra tại sao vậy?.
 Chỉ mới cô Rớt thôi đã "rối rắm" huống chi còn những nhân vật khác cũng chẳng hơn, người thì mơ mơ như thi sĩ Thi, người thì hay "nghĩ lung ta lung tung" như Nguyễn Thị Ba tên thường gọi Mụ, ... Có nhân vật là tiên, là thằng điên, lại có Công chúa, Nữ hoàng... Riêng đàn kiến xuất hiện trong nhiều chương là chủ ý của PTH?. Có thể như vậy vì dân gian hay quan niệm loài kiến là con khi ngủ mơ thấy đem lại điều thiếu may mắn với lại thấp bé nhỏ mọn như kiến!.
 "Nhân chi sơ tính bản thiện" phàm con người sinh ra cõi đời này vốn thiện vốn đẹp đẽ thế mà...
 "Rớt đẹp thánh khiết, thanh thản" chương kết tiểu thuyết nói như thế tiếc là "gương mặt của thủơ mười lăm, mười sáu đang nằm trên sóng" nghĩa là đã chết!. Sau cái chết Rớt kể và PTH viết...
 Cái được của NHLNCMMD là nhiều trong đó thân phận con người được phơi bày mà khi đọc không những thấy mà còn có thể chạm tới để không bi lụy không xấu hổ ngược lại giúp người đọc tự vấn lương tâm để tránh được chừng nào hay phần nấy chứ bảo trong cái ao làng kia làm khác hơn đâu dễ...
Chính nhân vật Rớt tự vấn:
 "Mày có phải là quỷ không hở Rớt? Hay mày là tiên hở Rớt? Có thể mày vừa là quỷ, vừa là tiên? / "Không, tôi muốn được làm người! Ai biến tôi thành tiên? Ai biến tôi thành quỷ! Sao tôi không được làm người? Các người ác lắm! Tôi chỉ muốn thành người!" (trích NHLNCMMD).
Đọc xong tiểu thuyết chắc có sự đồng cảm đâu chỉ là cơn mơ... Mạo danh?.
 Phải không nhà giáo Phan Thanh Bình nhà văn PTH?.
 Hòa Văn
 ..........
 (@) Đọc tiểu thuyết NHLNCMD của Phan Trang Hy, NXB Hội Nhà văn 6/2015.

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

HÒA VĂN: NGUYỄN ĐÌNH BỔN_ MÚT MÙA LỆ THỦY?


Gấp sách lại mà lòng không thể gấp nên viết bài này. (HV)


Là người Quảng lưu lạc vô vùng sông nước từ thời mới lớn chứng kiến bao "ba chìm bảy nổi" của người miền tây Nam bộ nhà văn Nguyễn Đình Bổn (NĐB) hiểu và chia sẻ thiệt lòng những ưu tư của mình trên 130 trang của truyện dài có nhan đề lạ mà quen Mút Mùa Lệ Thủy (MMLT).
Chính cái nhan đề truyện đã tạo cho người đọc sự tò mò cần có để đọc một lèo tác phẩm dễ chừng có ai đó nói "biết rồi nói mãi khổ quá!" bởi thực trạng xã hội nhà văn đề cập lâu nay trên một số báo đã đăng nay nếu không khéo dẫn dắt truyện sẽ làm một việc tổng hợp xâu kết điều trên báo chí!.
Với bút pháp không mới viết truyện theo chương, đầu chương có nhan đề như giúp người đọc rõ cốt truyện, có thể NĐB chủ ý làm vây vì như truyện có đoạn cho biết ở đây chuyện chữ nghĩa sách vở xưa nay vốn "nằm ngoài tai và mắt" nói rõ ở đây không quen đọc sách... mà truyện này trước hết là lờì cảnh tỉnh với họ những nhân vật đang có mặt trên trang MMLT này.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Truyện ngắn HÒA VĂN: NÓI THIỆT





                                                           
TRỜI NÓNG KINH KHỦNG nóng như thiêu như đốt cho xong mọi thứ...
Bình thường có gió hay không chẳng thiết tha giờ nó quý vô cùng. Then xách chiếc ghế nhựa ra ngồi dưới bóng mát của cây mít mới thấy bớt nóng một chút nhưng đâu được đôi phút sau đó vẫn nóng... Lâu lâu có cơn gió ụp tới không mát mà còn nóng hơn.
"Nóng gì dữ vậy trời!"
Then định hét lên vội nghĩ lại:
"Cả làng cả xã chứ riêng mình đâu!"

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

ĐẶNG TIẾN: THƠ LƯU TRỌNG LƯ_ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời




Nhà phê bình Đặng Tiến
Tưởng niệm 100 năm sinh Lưu Trọng Lư (1912-1991)

«Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời», là thế giới, là tâm giới, là thi giới của Lưu Trọng Lư. Nguồn ánh sáng trong trẻo ấy đã đến với con nai vàng ngơ ngác từ một buổi bình minh sơ khai của Thơ Mới, là tia nắng hạnh phúc, đồng thời cũng làm giới hạn nghệ thuật và sự nghiệp Lưu Trọng Lư.
Tưởng niệm 100 năm sinh
Lưu Trọng Lư (1912-1991)
Đặng Tiến
ĐÓA MỘNG ĐẦU
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhé
Em hái đưa anh đóa mộng đầu
(LTL)

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Truyện ngắn Hòa Văn: C h u ố c v ạ... t ì n h






PHƯƠNG con trai của Đê học xong trung học phổ thông đi Sài Gòn học nghề. Bốn năm sau không những ổn định công ăn việc làm mà còn thực hiện tốt lời Đê dặn “Con làm răng làm phải có vợ con càng sớm càng tốt chứ lêu lổng một thân một mình ở chốn đô thị làm được đồng nào nướng đồng nấy, hơn chi ở quê!”.
Năm ngoái Phương hỏi vợ, năm nay cưới. Đê mừng lắm bàn với vợ:

“Em liệu lo cho nó một ít tiền...”.

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

LÀNG THANH CHIÊM - CÁI NÔI CHỮ QUỐC NGỮ





Năm Nhâm Dần (1602) năm thứ 45 đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1524-1613) làng Thanh Chiêm được chọn làm thủ phủ Quảng Nam gọi theo danh xưng hành chính là Dinh Chiêm (người nước ngoài gọi là Dinh Ciam) có ba đời Thái tử liên tiếp trấn thủ tại đây là Nguyễn Phước Nguyên, Nguyễn Phước Kỳ, Nguyễn Phước Lan.
Dinh trấn Thanh Chiêm cách Hội An chừng 7 km nằm sát quốc lộ 1A thời ấy có dinh thự nguy nga nhà cửa đồ sộ, có trường Đốc học, đình làng... Nhà thờ đạo xây dựng năm 1615 (thời Thái tử Phước Kỳ) là một trong hai nhà thờ đầu tiên Đàng trong.
Trong bài phú Mã Sơn viết như sau: “... xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường cửa nhà đồ sộ - Miếu thờ Thánh đền thờ Thần, đồn bảo vệ giữ gìn mọi nẻo – Sứ có Quán thương có Cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu – Thành trì hùng tráng phiên châu, dấu tích đổi thay cõi vũ...”.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Thơ VĂN CÔNG HÙNG: THẲNG ĐỨNG





Ngày này (14/03/1988) 27 năm trước, 64 chiến sĩ Hải Quân của chúng ta, tay không vũ khí, kết thành vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma hứng đạn của hải quân Trung Quốc. Hồi ấy chưa ai dám nói. Rồi chính người Trung Quốc đưa cái clip ấy lên. Cảm xúc vỡ òa. Cả dân tộc nổ bùng sự thương cảm và nể phục.

Rồi cũng nhiều chuyện, khi thăng khi trầm, khi được nói khi cấm đoán. Khi tôi làm bài thơ này, tình hình vẫn chưa cởi mở là bao, vẫn có cái gì đấy gượng nhẹ và bí ẩn phía sau thân phận của những người lính Hải quân Việt Nam anh hùng và quả cảm. Khi tôi viết bài thơ này, trong các diễn văn nội bộ, vẫn chỉ nói là đối phương chứ không chỉ đúng tên những kẻ đã hạ sát các anh. Hôm nay, thấy báo chí nhắc nhiều, và hôm qua tổng liên đoàn lao động VN đã đặt đá xây khu tưởng niệm Gạc Ma. Lạy chúa, thế là các anh có một nơi chốn để đi về. Chứ nơi ấy, nước dẫu trong nhưng sâu và lạnh lẽo lắm. Tôi đã đi qua vùng biển ấy, đã tham gia thả hoa, và đã khóc...



một cú Gạc Ma sáu tư mạng người thẳng băng đáy biển
đến giờ những luênh loang xanh phẳng  lặng nếu không người nhắc lại thì ai biết những oan hồn đang lang thang nơi đâu
những vòng hoa có thể dịu đi cơn mắt chiều tưởng chừng yên tĩnh
quê nhà xanh dâu
quê nhà mẹ đợi
nỗi đợi chờ phi thời gian

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Thơ NHÂN TRẦN: TÌNH XUÂN

Tác giả Nhân Trần ảnh Hòa Văn
       
                                                                

TÌNH XUÂN

Xuân lại về, ta lại gặp nhau
Khi mai nở bên thềm nhộn nhịp
Mừng nhau qua bao mùa xa biệt
Chúc xuân về sum họp Ất Mùi vui

Mùa xuân mới tình xuân đầy ước hẹn
Giữa đời vui rộn rã khúc hoan ca
Buồn vui xưa hàn huyên tình chưa cạn
Ngày vội tàn nắng nhạt cuối truông xa.

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Hòa Văn: BÌNH DỊ


7

  
                    Hòa Văn   
  
    Mồng 6 tết (Ất Mùi –2015) anh em văn nghệ nhớ Gò Nổi (*) đánh xe về thăm...
    Có người đã tới "cổ lai hy" như anh Đông Trình, có người đã cao niên lại ở xa (nước Pháp) như anh Đặng Tiến, có anh còn trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh có anh không già không trẻ Ba ledinh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Đức Thắng ... và anh em Gò Nổi... tất cả giống nhau đầy sức xuân!.
    Gò Nổi nắng nhẹ. Gam màu sáng trong. Gò Nổi như mọi ngày bình dị. Thế mà ngày mồng 6 tết này trên mỗi chặn đường các anh đi qua đều ghi lại bao lời tấm tắc khen... Không khen giàu có sang trọng. Không khen sự đẹp đẽ chung chung. Các anh nghĩ về sự bình dị của con người Gò Nổi!.

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

HÒA VĂN CHÚC MỪNG NĂM MỚI TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÙI 2015

TRƯỚC THỀM NĂM MỚI 
TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÙI 2015 HÒA VĂN THÂN ÁI CHÚC QUÝ BẠN ĐỌC XA GẦN MỘT NĂM MỚI 
AN KHANG THỊNH VƯỢNG PHƯỚC LỘC THỌ TOÀN

HÒA VĂN: 12 Truyện Cực Ngắn CÁI ROI DÂU


   1. CÁI ROI DÂU...
    NGƯỜI XỨ QUẢNG TRUYỀN TỤNG MỘT CHUYỆN.
RẰNG XƯA ĐẠI QUAN HỌ HOÀNG CẢ ĐỜI HẾT LÒNG VÌ NƯỚC VÌ DÂN, KHI TỔ QUỐC AN VUI THÌ LIÊM CHÍNH, NGUY NAN THÌ HY SINH ĐỂ LẠI   TIẾNG THƠM MUÔN THUỞ.
   Sinh thời bà mẹ của Hoàng Diệu một mực thương yêu chồng con, sớm hôm tần tảo hái dâu nuôi tằm, làm ruộng ngay tại Gò Nổi quê nhà. 

   Vốn chất phát nhân hậu bà từng căn dặn con cái lúc nhỏ lo học hành, lớn lên có làm gì cũng phải giữ đạo nhà phép nước, sống giản dị. Khi Hoàng Diệu nhậm chức quan bà căn dặn phải liêm khiết, làm điều ích nước lợi dân. Đó mới là hiếu là thảo với mẹ với cha.
   Một hôm tổng đốc Hoàng Diệu gởi về kính tặng mẹ một tấm áo bằng lụa để tỏ lòng hiếu thảo.
Cầm áo vải óng mượt đẹp chưa từng thấy dù đây là sản phẩm có một phần công sức của người nông dân dãi dầu mưa nắng như bà góp phần làm ra nó, bà trầm ngâm suy nghĩ rồi lụi bụi xách dao bầu ra biền chặt một cây roi dâu cuộn tròn lại gói chung với áo lụa nhờ người mang đến đem trở về trả lại cho con.
   Tổng đốc Hoàng Diệu nhận lại tấm áo trong đó có cái roi dâu hiểu ngay lời của mẹ gởi gắm..../.
    H.V
-----
(*): Đây là người mẹ Gò Nổi - Điện Bàn, Quảng Nam thân mẫu của tổng đốc Hòang Diệu.


2. VƠI

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

NGUYỄN BỮU THUYÊN: "AI ĂN BÁNH CHƯNG KHÔNG?"



Bác sĩ Bưu Thuyên ở Điện Bàn, Quảng Nam là cây bút với nhiều tạp văn, bút ký thấm đẫm tình... Mời bạn xem bài nầy: 
TKS Hòa Văn.


"AI ĂN BÁNH CHƯNG KHÔNG?"
Tản bút


Tối nào cái xóm nhà tôi đều nghe tiếng rao của một anh bán bánh chưng:"Ai mua bánh chưng nóng đây". Cũng có nhiều người bán bánh chưng chạy xe máy vào xóm tôi nhưng tiếng rao lại phát từ một cái máy được khuếch đại nên nghe mười lần cứ như một. Tôi ít mua bánh chưng của những người bán rao bằng máy mà lại thích mua bánh chưng của anh rao bằng miệng. Tiếng rao của anh ban đầu to nhưng lúc sau lại nhỏ dần khi đi đến cuối ngõ, có khi đang rao có người mua nên anh lại nói thêm:"Chú hay cô mua hả ?" . "Bánh chưng !" tôi gọi, anh ta dừng lại . Mấy cái bánh chưng anh ta đưa cho tôi nóng đến phỏng cả tay, hơi khói bốc lên mù mịt từ cái thùng bánh. Đang đói mà ăn một cái bánh chưng thì quá tuyệt. Bánh vừa nóng, vừa thơm mùi lá chuối, có khi vừa mở ra thì ăn luôn trên tay chứ không cần chén dĩa gì.