Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

NGUYỄN BỮU THUYÊN: "AI ĂN BÁNH CHƯNG KHÔNG?"



Bác sĩ Bưu Thuyên ở Điện Bàn, Quảng Nam là cây bút với nhiều tạp văn, bút ký thấm đẫm tình... Mời bạn xem bài nầy: 
TKS Hòa Văn.


"AI ĂN BÁNH CHƯNG KHÔNG?"
Tản bút


Tối nào cái xóm nhà tôi đều nghe tiếng rao của một anh bán bánh chưng:"Ai mua bánh chưng nóng đây". Cũng có nhiều người bán bánh chưng chạy xe máy vào xóm tôi nhưng tiếng rao lại phát từ một cái máy được khuếch đại nên nghe mười lần cứ như một. Tôi ít mua bánh chưng của những người bán rao bằng máy mà lại thích mua bánh chưng của anh rao bằng miệng. Tiếng rao của anh ban đầu to nhưng lúc sau lại nhỏ dần khi đi đến cuối ngõ, có khi đang rao có người mua nên anh lại nói thêm:"Chú hay cô mua hả ?" . "Bánh chưng !" tôi gọi, anh ta dừng lại . Mấy cái bánh chưng anh ta đưa cho tôi nóng đến phỏng cả tay, hơi khói bốc lên mù mịt từ cái thùng bánh. Đang đói mà ăn một cái bánh chưng thì quá tuyệt. Bánh vừa nóng, vừa thơm mùi lá chuối, có khi vừa mở ra thì ăn luôn trên tay chứ không cần chén dĩa gì.


Có một thời gian tôi không ăn bánh chưng nữa cho dù anh bán bánh chưng cứ chạy xe qua lại nhà tôi mấy lần để rao như gây sự chú ý. Đó là những tuần tôi làm việc liên tục, ban đêm thức khuya, đầu óc căng thẳng vì những bệnh khó, phức tạp. Những ngày như vậy về nhà nuốt cơm không nỗi, đến tối phải uống thuốc ngủ vì sợ mai đi làm mà cứ như người mất hồn.
Nói như vậy để thấy sức khỏe ảnh hưởng đến cái ăn của con người và ngược lại . Ai đã từng học y khoa mới biết quá trình tiêu hoá của con người rất phức tạp. Ban đầu từ miệng , thức ăn được răng nhai rồi nhờ hệ thống cơ miệng, cơ lưỡi nhào trộn cùng với dịch nước bọt sau đó nuốt xuống thực quản . Từ thực quản thức ăn xuống dạ dày lại được nhào trộn với dịch vị (tính Acid) sau đó được "tống" xuống ruột non. Ở đây có cả dịch mật từ gan tiết ra, rồi dịch ruột (tính kiềm) làm thức ăn được"chặt nhỏ " ra và nhờ các nhung mao ruột hấp thu vào máu. Phần đã tiêu hoá xong xuống ruột già, ruột già rút cạn kiệt nước lên men vi sinh và đẩy phần cặn bã đó ra ngoài qua hậu môn. Tôi chỉ tóm tắt theo kiểu "bình dân học vụ " như vậy chứ triển khai chi tiết ra thì còn rất nhiều vấn đề nữa.

Ăn cả là một quá trình phức tạp được điều khiển bởi thần tinh trung ương, năm giác quan đều tham gia : thị giác (thức ăn bày biện nhìn bắt mắt), khướu giác (mùi thơm bốc lên) , thính giác ( tiếng chiên xào nấu nướng thức ăn) , vị giác (mặn, ngọt, chua, cay .. ) và xúc giác (cảm giác cầm nắm như cầm đùi gà, cầm một cuốn bánh tráng thịt heo ...) .
Trước đây ông bà mình nói: "ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ là tiền vứt đi". Thật ra nếu mất ngủ cũng khó có thể có cảm giác ăn ngon được. Mất ngủ thì phải ngủ bù chứ không dùng cái ăn thay thế. Vì vậy khi một người ăn mà cảm thấy ngon miệng thì chắc chắn người đó không bị mất ngủ.
Xã hội hiện nay có quá nhiều vấn đề tác động đến con người . Sự lo toan về gia đình (con cái học hành, chi tiêu gia đình , mua sắm, các khoản tiền phải trả khác...) và công việc "kiếm tiền" hàng ngày (làm việc nhà nước, tư nhân...) áp lực như vậy nên chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ mỗi người. Gần đây chúng ta quen dần với từ Stress. Chính Stress đã gây ra những biến đổi trong cơ thể, dẫn đến bệnh tật như: tim mạch, cao huyết áp, đái đường... thậm chí có thể làm các khối u nhanh phát triển nữa.

"Ai ăn bánh chưng không ?". Nếu ngày nào đó bạn nhìn cái bánh chưng mà không dám mua, hay ăn một cái bánh chưng mà không thấy ngon, lúc đó sức khoẻ bạn đang xuống và khả năng bạn bị bệnh rồi. Bạn phải ăn những thức ăn ngon hơn, đắt hơn để nâng cao sức khỏe như: cháo gà, phở, hủ tiếu... nhưng chắc chắn khi nuốt bạn cũng không có một chút cảm giác gì là ngon cả.
Bệnh tật là nỗi lo và khiếp sợ của con người. Bệnh tật đến từ đâu và lúc nào cũng không ai biết. Khi bị bệnh ai cũng bi quan cả . Cái đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi bị bệnh là chết. Chết là... hết, là sẽ không còn trên cõi đời này, bao nhiêu dự định về tương lai đều sụp đổ. Bao nhiêu tiền bạc, nhà cửa, danh vọng, địa vị sẽ trở về số không. Bệnh tật dẫn đến tinh thần bi quan và bi quan làm bệnh tật trầm trọng thêm. Đó là cái vòng lẩn quẩn.

Vậy đó, lúc ta đau ốm mới thấy "sức khoẻ là vàng". Bởi có sức khoẻ là còn tất cả. Mọi cái như tiền bạc, công danh , sự nghiệp nhìn thì đồ sộ , ghê gớm vậy nhưng chúng đều là những số "không". Sức khoẻ là số "một". Số một đứng trước các con số không thì các con số không kia mới có ý nghĩa .
Theo tôi, sống lạc quan yêu đời , biết quan tâm đến mọi người , trách nhiệm với gia đình , biết tìm niềm vui trong công việc, có những thú vui (như chơi cây cảnh, chim, cá , nghe nhạc..), chơi thể thao. Không quá bận tâm công việc, không quá lo toan, tính toán.Biết cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Những điều đó sẽ làm thần kinh của bạn thăng bằng , các chất nội tiết vì vậy không bị rối loạn. Bệnh tật sẽ không đến với bạn.
Đánh giá sức khoẻ một con người đôi khi cũng khá dễ , không phải lúc nào cũng phải đi bệnh viện khám tổng quát, thử máu, chụp phim... mới ra. Theo tôi nhìn vào một người đang ăn cũng có thể biết được tình trạng sức khoẻ của họ.

"Ai ăn bánh chưng không?". Nếu ngày nào mà bạn ăn một cái bánh chưng mà bạn thấy ngon và thèm ăn thêm cái nữa, ngày đó sức khoẻ bạn rất tốt. Ngày nào mà bạn ăn một tô cháo gà, tô phở , tô hủ tiếu... mà cảm thấy đắng miệng không nuốt trôi thì sức khoẻ bạn đang có vấn đề (cần phải điều chỉnh ngay). Còn ngày nào bạn dùng đến yến sào hoặc sâm Cao Ly thì ngày đó một chân của bạn chắc chắn đã bước vào cõi hư vô rồi!.
NBT
Viết xong, tối ngày 31-1-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét