Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Truyện ngắn Hòa Văn: Đời dế




Con tôi đứa học lớp 4 đứa học lớp 8. Phải nói ngoài chuyện học hành chăm chỉ, học tốt, thuộc loại Giỏi, còn lại mọi chuyện đều sưa sớt, chính vì vậy bị mẹ la mắng miết. Tôi để ý mới biết  do chúng mê đá dế quá.


Có chừng năm đến bảy hội viên, nhỏ tuổi nhất là cu Hiến con trai út của tôi, cao niên là ông Tư Hân đã trên sáu hai tuổi. Có thể tóm tắc tiêu chí mục đích hội bằng câu nói ngắn gọn đầy ý nghĩa của Ba San – một cây nuôi dế, đá dế giỏi nhất trong hội: “Thư giãn – Vui vẻ”.


Gò Nổi quê tôi, có trò chơi đá dế từ trên năm trăm năm tức là khi vùng đất màu mỡ nầy được các bậc Tiền hiền khai cơ lập nghiệp thời Vua Lê Thánh Tông. Bấy giờ nơi đây là vùng nước lạ rừng thiêng.Sách Ô Châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An, xuất bản năm 1555 có ghi địa danh xã hiệu Đông Bàn, một trong số 66 làng thuộc phủ Điện Bàn cũ, thuộc Triệu Phong, Thuận Hóa, nơi có ngòi Đông Bàn chảy ngang qua rừng nguyên sinh, sáng sáng chiều chiều chim chóc ca hót líu lo. Còn trong phổ hệ của một số dòng họ đến trước khi đề cập vùng đất mới nầy ghi: “... Điền địa phì nhiêu, thảo mộc tú mận, nhật tắc lâm trung trảm phạt, dạ thăng thượng mộc cao miên...” (Đất màu mỡ, cây cối xanh tốt, ban ngày vào rừng chặt phá, ban đêm lên cây cao ngủ).

Có một hôm vì quá giận bởi có ai đời ham chơi dế quên cả ăn cơm tối, tôi bắt phạt hai đứa con tôi, bằng cách viết ra giấy những gì biết về họ nhà dế, hạn nộp bài trong vòng hai ngày, nếu làm được “Ba sẽ cho tiếp tục cho chơi dế, còn không, chấm dứt ngay!” tôi nói như ra lệnh như thế.
Cứ tưởng cả hai sẽ ỉu xìu đàng này vui hẳn lên, út Hiến lí nhí nói với Hai Hùng:
"Nhận đi! Nhận đi!"
Hai Hùng ngập ngừng:
“Thưa ba cho con ngày Chủ nhật tới nộp bài phạt”. Tôi gật đầu đồng ý.
Đúng y lời hứa, sáng Chủ nhật cả hai anh em Hùng cùng ngồi vào góc học tập, đăm chiêu suy nghĩ rồi viết.
Sau đây là bài nộp phạt:
“Dế sinh sôi nẩy nở cách đây hàng ngàn năm,có vòng đời khoảng một trăm mười lăm ngày, trong đó tính từ khi trứng nở đến lúc trưởng thành mất năm mươi ngày, dế đẻ trứng vào ngày thứ chín mươi lăm, mỗi lứa bảy ngàn đến tám ngàn trứng, sau bảy ngày trứng nở ra dế con. Dế già yếu chết trong mười ngày còn lại.

Dế có nhiều loại như dế than, dế lửa, dế dũi, dế cơm, dế mèn... Truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã đi vào tâm trí nhiều trẻ thơ, hàng xóm của dế mèn có con tên là dế Choắt... Dế than đá chiến nhất!.

Ba biết không, trò chơi đá dế thú vị lắm,muốn có con dế đá hay phải chọn kỹ và phải bồng nước nó mới chịu đá”.
Tôi thắc mắc làm sao hai đứa có được những thông tin như trên, bất ngờ Ba San đến nhà. Không rõ có sự sắp đặt chi đây hay không mà “ông sư” của trò chơi đá dế lại xuất hiện đúng thời điểm nầy?.
Phải nói vui tính như Ba San, mà trẻ con không thích gần gũi mới lạ!. Vừa bước vào sân Ba San vồn vã chào tôi...

Đã gần năm mươi mấy rồi chứ ít gì đâu, nom Ba San như tuổi mới khoảng bốn mấy! làm ruộng giỏi chăn nuôi cũng cừ và vui chơi cũng khá, xứng danh “lão nông tri điền thời @” do bọn trẻ phong. Có điều cách rong chơi của Ba San mang dáng dấp nghệ sỹ tài tử, là tay đàn ghi ta nhất vùng Gò Nổi, giọng nói tuy hơi khàn khàn song khi hát những bài tình ca, giọng lại ngọt như mía lùi!. Còn môn đá dế thuộc hạng siêu đẳng, nhiều lần út Hiến trầm trồ về những chú dế chiến của Ba San, nhất là con dế cánh đen có điểm nhiều vệt màu nâu óng ánh như vệt lửa, tuy vóc dáng không to lớn bằng đối thủ nhưng xung trận nào thắng trận đó.
Rót ly nước chè xanh nóng hổi mời Ba San,tôi nói:
"Anh có thú vui thư thái?..."
Không để tôi nói hết câu Ba San tiếp lời:
"Cũng kỳ công lắm anh ơi! Được cái chiều chiều thay vì la cà nơi quán xá nhậu nhẹt say xỉn mình lại cùng các nhóc trong xóm như hai đứa con của anh chẳng hạn thi đá dế chơi! Theo mình nghĩ đây là trò chơi không tốn kém, ví như chơi đá gà phải tốn tiền trăm tiền triệu mới chơi được còn dế ở đất mình có sẵn ngoài biền bãi, chịu khó dành thời gian đi xốc các đống cây đậu cây bắp sau mùa thu hoạch sẽ có dế ngay thôi."
Tôi hỏi:
“Thế làm sao anh biết để chọn dế đá hay?"
Ba San cười tươi bưng ly chè xanh lên hớp thêm một ngụm, khen loại cây chè trồng ở đất Phú Thượng lâu nay nổi tiếng nước xanh có hương vị chát đặc biệt ngon thiệt rồi mới trả lời:
"Cái nầy tuỳ, bọn trẻ khen lấy khen để tôi thế thôi chứ đá hay đá dở do con dế chứ mình làm sao biết được, có điều phải biết tuyển chọn, trong hàng chục con dế bắt về nuôi, chăm chút sửa soạn qua mấy ngày sẽ biết tay nào hay dở ngay".
Lúc nầy hình như có “bạn” đến chơi và đang giảng giải về trò chơi đá dế, hai đứa con tôi mang ra gần như đầy đủ đàn dế của nó. Ở trong những chiếc họp bằng cạt tông vuông vức, trang trí đẹp đẽ,từng chú dế tung tăng chạy nhảy. Chú dế có đôi cánh đen nhánh ở trong chiếc  bình nhựa trong suốt – loại bình đựng kẹo của bà Chín hàng xóm bán tạp hóa  – vừa chạy vừa gáy ceéc... ceéc... vui nhộn. Ba San nhẹ nhàng vừa bắt chú dế lên nói với tôi:
“Như con dế nầy chắc phải đá hay thôi vì trông bộ dạng lanh lợi...”
a San thả dế trở lại bình nhựa xong lấy từ túi áo ra một hộp nhỏ bằng giấy, đặt trên bàn:
“Còn đây là  con dế hay nhất của tôi!. Chỉ tội nó chẳng còn sống bao lâu nữa đâu!”. Ba San nói giọng buồn buồn. Tôi hỏi tại sao vậy?
Ba San nói:
"Bắt nó về đã hơn hai tháng, mà dế chỉ sống gần bốn tháng rồi chết!"
Không khí trầm lắng, tôi đề nghị:
"Giờ thi đá dế coi chơi được không anh Ba San?"
Hai Hùng tán thành ngay: "Chú Ba San ơi! chú để dế chiến của chú đá với con số một của tôi đi!". Ba San gật gật đầu "Ừ!"và giao kết: "Dế nào đá thua nộp mạng luôn!"

Tôi châm thêm lượt trà, còn Ba San và Hai Hùng loay hoay bồng nước cho dế. Từng nghe nói chuyện bồng nước cho dế trước khi vào mỗi hiệp đá, nay mới tỏ tường Ba San bắt dế lên nhẹ nhàng và cẩn thận, rồi dùng một sợi tóc gấp đôi lại móc vào bẹn chân của con dế, sau đó xách hỏng dế lên, chúm miệng thổi thổi phù phù dế tung cánh quay mòng mòng, phun cho nó một ít nước giải, Hai Hùng cũng gọn gàng làm đúng như vậy, xong thả hai chú dế vào chiếc thùng để chúng đá. Nhiều khi gặp nhau dế đá ngay nhưng thường thường phải dùng chiêu “cò mồi” nó mới xáp trận, “cò mồi” bằng cách lấy một cái đầu con dế cắm vào cây que cầm huơ huơ chiếc đầu dế ấy trước mặt cặp dế, một lúc chúng sẽ hăng máu đá nhau...
Tôi chợt nghĩ đời con dế ngắn ngủi thế mà nó có biết gì đâu? Vô tư sống, kể cả vô tư hỗn chiến với nhau qua trò chơi đá dế của con người đến nỗi mẻ đầu sứt tráng. Có một chi tiết gây cho tôi nhiều boăn khoăn, suy ngẫm sau khi coi trận đá dế gay cấn hấp dẫn giữa chú dế Ba San với chú dế Hai Hùng là khi chú dế chiến Ba San chiến thắng oanh liệt, nó vung đôi cánh lên và gáy vang ca khúc khải hoàng. Còn chú dế của Hai Hùng bị thương khá trầm trọng, chiếc đầu vẹo vẹo, đôi chân trước bị chấn thương phải bò cà nhắc cà nhắc trông thảm hại...
"Sự đời hơn thua nhau mà sinh ra nhiều nhiêu khê, cuộc sống con người rồi sẽ qua đi chóng vánh, anh và tôi chẳng  hạn mới đây thôi còn trai trẻ với bao hoài vọng, giờ thì..."

Ba San trầm ngâm một chặp rồi nói tiếp:
"Thế mà có người không biết thế nào họ tưởng chừng..."
Tôi nói chen vào:
"Anh cũng như tôi cứ sống thẳng ruột ngựa làm gì không va chạm nọ kia"

Ba San gật gật đầu phân trần một hơi dài:
"Sống theo sự hiểu biết của mình không dễ, sự ganh tỵ nầy kia lồ lộ tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống đạo đức...Từ lâu rồi tôi chỉ mong sao giữ chữ tâm được trọn vẹn trong sáng, mà xem ra không dễ!.
Anh thấy đó, con dế của tôi sau mỗi lần đấm đá hễ đắc thắng thì hớn hở gáy vang, nhìn bộ dạng của nó tôi thương hại quá!. Không biết gáy rồi để  làm gì!. Anh có nghĩ nếu có sinh vật nào đó có đời sống cao hơn ta một bậc thấy cuộc đời nầy, suy xét giống như ta khi nhìn thấy rõ mồn một về "đời" những con dế không?".                                                                                                             
                                                                                                                                    Hòa Văn
                                                  
                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét