Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014

HÒA VĂN 
CHÚC QUÝ VỊ & CÁC BẠN NĂM MỚI AN KHANG - THỊNH VƯỢNG - HẠNH PHÚC!. 
TKS QUÝ VỊ & CÁC BẠN ĐÃ DÀNH THỜI GIAN ĐẾN VỚI TRANG HÒA VĂN.


Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

24 THÁNG 12

1 
   


 Hòa Văn 



 
Sáng 22 tháng 12

Bây giờ mấy giờ rồi nhỉ?. 
Khang Di he hé giở chiếc chăn bông ra khỏi mặt, nhìn qua tấm kính cửa sổ, bên ngoài trời sáng trưng. Độ này chắc hơn tám giờ rồi chứ không ít.
Khang Di tự hỏi và trả lời trong bụng như thế. Cả đêm hôm qua cô trằn trọc mãi và không rõ đã chợp mắt ngủ từ bao giờ...

Gần đến Noel thời tiết hồi nào cũng vậy. Mưa lất phất và đặc biệt lạnh. Đúng như bài Thánh ca mà Khang Di nghe hồi còn nhỏ xíu, bây giờ đã hai mươi tuổi rồi. Thật là thời gian qua đi nhanh như mũi tên bay...

“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”.
"Bài ca nầy Dương Phương hát thì tuyệt!. À mà quên đã tự hứa không nhắc đến anh chàng tên Phương ấy nữa!". Khang Di lại tự trách mình như vậy khi trong đầu cô bé đang lần lượt hiện ra cơ man hình ảnh anh chàng “đáng ghét” ấy.

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tiếng chim "e.y.cuatoi"

Truyện ngắn Hòa Văn

MY MY biết viết nhật ký từ năm đầu bậc Trung học cơ sở. Hồi ấy không ai biểu cũng chẳng có ai hướng dẫn gì. Thế mà tự nhiên sau mấy buổi đến trường lớp mới, gặp gỡ các thầy cô giáo mới và dĩ nhiên cặp thêm được hai bạn cùng lớp mới toanh thêm vào ba bạn cùng lớp 5 năm ngoái nay ngồi chung lớp 6/1. My My nảy ý định viết ghi lại những điều nghe thấy thường ngày...

Nghĩ là thế nhưng mãi đến một buổi chiều đi học về nhà, My My hình như cảm giác thấy trong "người" lớn lớn... lên gì gì... ấy!. Rồi ngồi vào bàn ở góc học tập hí hoáy viết, ban đầu viết những suy nghĩ nào là thầy Khanh, cô Tuý dễ mến, giảng bài hay..., nào là bạn Tum, bạn Quy chỉ sau ba tháng nghĩ hè phát tướng trông thấy, giọng nói của cả hai rè rè, còn điệu bộ đi đứng ra vẻ người lớn... thế thôi!. Dần dà quyển sổ nhật ký của My My tràn đầy kỷ niệm. Kỷ niệm một thời nhỏ không ra nhỏ, lớn không phải lớn ấy mà!.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

MƠ NGỦ

Truyện ngắn HÒA VĂN



Thông thường con người không chết hai lần. Thế mà có người phá quy luật tự nhiên đó họ sống trở lại... Có điều người đó sẽ không được quyền kể lại bất cứ điều gì đã thấy!. Nếu ai bất tuân sẽ chết lại ngay.



Câu chuyện nầy do một người từng chết sống lại kể.
Hư thực không thể xác minh làm rõ.
Như vậy sau cái chết một phút là gì?.
Có một lần suýt đuối nước ở sông phố Hội tôi thấy mình là người đáng trách nhất. Bởi không biết nghe lời ba mẹ căn dặn “Đừng bao giờ đùa giỡn với sông nước!”.
Trước phút chết tôi thấy rất rõ hình ảnh của ba, mẹ, các em, thân bằng quyến thuộc...  Thấy và vô cùng tiếc nuối những gì mà “người sắp chết” yêu quý nhất trên đời. Còn sau khi chết một phút đành chịu vì mình chưa chết mà!.


           * * *                      


Bà Xinh lại thấy rõ mồn một cái chết sau một phút.
Điều thấy đầu tiên “chết là sướng nhất!”. Ôi thế mà trên trần gian thiên hạ ai cũng lo ngay ngáy chuyện đáng lý ra không đáng sợ!.
Nhưng cũng xin mở ngoặc - Chỉ những ai khi sống theo đúng đạo lý làm người, sống biết “mình vì mọi người”, không tham - sân - si, không... không..., không... rất nhiều cái không lắm mới thấy “chết là sướng nhất!” - Còn đa số ai từng “Cố sống vì tiền, vì quyền lợi, bất nhân bất nghĩa, vì..., vì...” sẽ “vô cùng cực” ngay sau phút đầu tiên khi chết!.
Lão Tiện loay hoay sửa soạn những chiếc vòng hoa, bụng thầm nghĩ: "Phải chi giảm bớt cái vòng hoa, đi tiền hoặc vàng... có tốt hơn không?".


Thử đếm đến giờ có trên trăm mấy cái vòng hoa đủ kích cỡ màu mè, có hoa giả hoa thiệt, có cái không biết đính thêm gì gì vào mà lấp la lấp lánh quá đẹp!.
Đám tang người trong làng bà con đến thăm phúng điếu vài thẻ hương, cặp đèn cầy kèm theo phong bì nhè nhẹ là quý hóa lắm rồi. Ở lão Tiện chuyện đó như con thỏ. Biết bao nhiêu "ơn qua ngãi lại" trên ba mươi năm làm ăn ở thành phố nầy, bây giờ mới có chuyện thiên hạ phải không cho nên nhà lão Tiện đám ma như đám hát đông ơi là đông! Có người viếng vì tình làng nghĩa xóm, có người đến làm bổn phận trả ân trả nghĩa...
Phía bên ngoài đường lộ của thôn Hà Sanh nầy lần đầu tiên xe cộ và người lên kẻ xuống như trẫy hội.


Quan tài của mẹ lão Tiện quàng ở nhà mới xây xong đâu được sáu tháng thay cho ngôi nhà hơi thâm thấp ba gian nay lên ba tầng cao nghệu. Trong xóm làng ai cũng tiếc phải chi bà Xinh – mẹ lão Tiện - sống thêm năm ba năm nữa...

Đó là cách nghĩ của người láng giềng. Còn bà Xinh cách đây ba hôm sang nhà ông Hai Kỷ trong lúc vui chuyện bà nói:


" Tui có muốn thế đâu!. Thằng Tiện nó ưng nó làm!".



Ấy là bà Xinh phàn nàn vụ vợ chồng lão Tiện về chủ trương phá nhà cũ xây nhà mới cho bà Xinh đó mà!.
Bà Xinh nói:



"Mình ăn ở bao lăm hơi, làm nhà to làm gì. Những đêm khuya khoắc thanh vắng bọn mèo chuột rượt đuổi nhau trên tầng một tầng hai nghe mà ớn!".



Lão Tiện lại... "vui vẻ" đón một đoàn đến phúng điếu mới bước ra từ cả chục chiếc xe con...

MC đám tang cứ luôn miệng trân trọng nói những điều “tốt lành”. Hết kính thưa đoàn nầy...., ông kia... bà nọ..., lại xuống giọng thảm não “Vô cùng đa tạ” mọi người đã đến phúng điếu.... đã đến chia buồn...
Cứ như có đạo diễn sau mỗi lần như vậy ban nhạc cổ và ban kèn hơi lại... đồng loạt thi nhau trổ tài.



Đúng ra Lão Tiện chỉ thuê có dàn nhạc hơi từ thành phố về phục vụ suốt ngày đêm lễ tang của mẹ nhưng bà chị thứ Ba lại ưa nhạc cổ - do các vị nhạc công người ở trong làng phục vụ. Biết tánh khí của chị Ba rồi khi đã ưng nói và làm chỉ có bà Xinh hồi còn sống mới có đủ uy lực cắt ngang được cái sở thích của chị Ba, nay bà đã ra người thiêng cổ chị Ba trở thành người có quyền lực nhất!. Bởi vậy lão Tiện tiếng anh hào giữa chốn ba quân cũng phải né, thành ra một đám ma hai dàn nhạc cùng ò e í e… và tùng tùng… Để cho người nghe bớt nhói tai hai ban nhạc hợp đồng với nhau mỗi ban chơi liên tiếp hai bài.


Giờ ban kèn hơi đang thổi bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” . Ý nghĩa quá đi chớ!.
Thế mà hồi trưa lúc chân ướt chân ráo vô không biết nghĩ sao mười hai nhạc công chào khách đi viếng bằng bài “Tình cho không biếu không…”.
Ông Tư cò (trước là cây đờn cò) người trực tính lên tiếng:



“Quý ông cúp giùm cho!. Bà cụ không cho không tình bao giờ!. Ai có nghĩa có tình bả mới đáp lại đó he!.”.


Nghe phản hồi có lý anh đội trưởng người cao to khuôn mặt ngó “Trương Phi” thế mà nói năng lại khá nhỏ nhẹ:


“Dạ chúng cháu ngừng ạ!. Thế giờ bác thích gì chúng cháu chiều nấy!.”.


Nói xong không để ông Tư cò đáp lời, ban nhạc vô ngay bài hát của Trịnh Công Sơn - Cát bụi, rồi tiếp – Một cõi đi về.
Ông Tư cò gật gù… Nhìn cách ngồi phách đốc tựa lưng vào ghế dựa và lắng nghe thì biết ông đang thích cái ban nhạc nầy rồi.
Phút sau ông Tư rơm rớm nước mắt!.
Lão Tiện đi lại ngồi bên cạnh nói như an ủi:
“Thôi bác ạ! Mẹ cháu trên chín mươi đi là được với lại theo sách tử vi năm nay bà đi đúng long đúng hổ gì đó sau nầy con cháu cả nhà mình sẽ hưởng đức cao nghĩa dày của bà mà bác.”.


Ông Tư cò ừ ừ… cho qua chuyện chứ tai đâu nghe nhạc tai đâu nghe Tiện nói.
Hết bài nhạc ông Tư cò lại nói:


“Đám của bà to nhất làng nhưng bác thấy có điều gì lạ lạ… Khách của bà mẹ anh đến với cả tâm tình nhưng lại nhẹ phong bao và lễ vật, còn khách của vợ chồng con cái anh họ cầu kỳ trên cả lễ nghi…”.


Điều ông Tư cò nói hồi chiều Tiện biết rõ nhưng không phân trần làm gì, ở đời mà... Như thế nầy thì trách nhưng như ông nhà thơ Y.M. ở tỉnh bên nổi tiếng là thế mà khi nhắm mắt xuôi tay thật hiu quạnh chỉ có cô con gái loay hoay chạy tới chạy lui lo tang chay cho cha. Đến hơn một ngày sau có ông bạn văn thơ ở thành phố biết tin lặn lội đến phúng điếu thấy cảm cảnh đã lên tiếng… Sau đó cũng thấu được đến người có trách nhiệm nhưng gì gì cũng chỉ tổ chức bằng một phần ba so với đám tang mẹ lão Tiện.


Từ hôm qua đến nay tiếp khách miết đầu óc lão Tiện nặng như khối chì, tối lại mới nằm xuống chiếu trải nền gạch men dù lạnh lẽo thế mà lão Tiện ngáy khò khò ngay. Vợ lão Tiện nói nhỏ với người con trai cả:


“Từ giờ đến sáng con tự lo mọi việc để ba nghỉ chút nghe!”.


Tuyến:


“Dạ!”.


Rồi ra đứng nghiêm trang bên bàn linh của bà nội.


          * * *


Bà Xinh nằm thấy nhà mình mấy hôm nay làm gì mà khách khứa đông quá!. Ai tới cũng ôm cũng xách lễ vật tỏ vẻ trân trọng, hết sức trân trọng đằng khác.
Số lúa để ở phòng kề bên phòng ngủ của bà Xinh cứ một chặp một nhiều thêm… còn tiền nữa… tiền năm chục, một trăm, tiền triệu triệu ở trong phong bao dày cộc nằm la liệt trong tủ sắt lão Tiện chở về hôm sau tết. Lúc ấy bà chẳng biết lão Tiện chở cái của ấy về làm gì để choáng một góc phòng thường là nơi vợ con và lão Tiện khi về quê hay tá túc. Nay bà rõ rồi là để cất tiền. Chắc lão Tiện rút kinh nghiệm vụ tang chay của ông... nghe nói tiền thiên hạ đi đám do để hời hợt bị “kẻ xấu” lấy cắp ráo trọi.
Tiền bạc thì rõ rồi còn thóc lúa ở đâu ra mà nhiều thế, bà Xinh chỉ gieo cấy hơn sào đất vụ mùa nào trúng phơi phong khô khan đủ đổ đầy năm, sáu bao ure. Thắc mắc nầy được ông Tư cò giải thích:


“Thì thiếm biết đó giá thóc chỉ trên năm ngàn một cân, bà con muốn đi đám tang phải bán một chục, hai chục cân thóc chứ!.”


Bà Xinh gật đầu tỏ vẻ hiểu rồi!.

                                                                       * * *


Mưa.                                    
Mưa như cơn giận từ nơi đâu đâu xa lắm trút xuống... trút xuống...
Mưa rồi gió thi nhau giành gật cái gì đó suốt cả đêm.
Trong giấc ngủ bà Xinh mơ thấy chính bà đã “được chết” một cái "chết sướng nhất" hơn hai tiếng đồng hồ. Sáng ra bà Xinh kể giấc mơ lạ kỳ ấy...
Rồi nói vui:


“Ai mà không qua "cái đò" ấy đâu?.

                                                   Hòa Văn
-----
Tranh Góc quê của HS Nguyễn Thị Hòa

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

VỀ LÀNG ĐÔNG BÀN



Truyện ngắn HÒA VĂN



Thường thường, hễ đặt chân đến mảnh đất Đông Bàn, quan đại thần Phạm Phú Thứ buông xả hết bao “phù hoa” chốn kinh đô, nơi ngày ngày quan tứ trụ triều đình muốn hay không muốn cũng phải áo mão khăn đai làm phận sự.

Đi theo về quê lúc nào cũng có Cửu Ri, người cùng làng. Bộ dạng cao ráo, khuôn mặt chữ điền điển trai, võ nghệ cừ khôi xuất thân từ lò võ ta tiếng tăm ở quê, Cửu Ri làm cận vệ từ khi Trúc Đường Phạm Phú Thứ về kinh nhậm chức. 
Cửu Ri cung kính thưa:

- Bẩm cụ Thượng, mời cụ lên ngựa!

Cụ Thượng nhìn người cận vệ, nhỏ nhẹ nhắc nhở:

- Ngựa! Xe!

Cửu Ri như sực tỉnh, chỉ biết lắp bắp “dạ, dạ!”. Cả hai tản bộ.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

CHỈ MỖI MỘT LẦN



Truyện ngắn HÒA VĂN  



          Ròng rã ba đêm liền, Doc không hề chợp mắt. Nhà kề bên mới mua con chó nghe nói mấy triệu đồng. Giống chó sinh ra ở đảo Phú Quốc Việt Nam lai chó berger, ban ngày thả nó đi quanh quẩn trong nhà quen rồi tối lại dùng sợi dây xích sắt móc ổ khóa tròng cổ nó vào trụ hiên nhà, khiến nó kêu rân cả đêm. Mà thật ra đó chỉ là lý do phụ, cái chính và quan trọng bậc nhất, công ty của Doc có cái tên dài ngoằn ngoèo đến tám từ, nhưng hay nói tắc: Công ty Khôn Doc, mấy tháng lại đây làm ăn thua lỗ.

Người ta nói thức đêm mới biết đêm dài trúng thật, không gian sao mà im ắng quá, chiếc máy điều hòa chạy êm ru như thế mà bây giờ cũng lên tiếng rè rè... rè rè..., cái đồng hồ treo tường loại xịn nhất cũng có tiếng lách cách... lách cách...  theo ca, theo nhịp nghe tức ngực.

Khôn vợ Doc nằm bên, dang tay dang chân ra chiếm gần hết hai phần ba chiếc gường họp loại sang “made in Hong Kong”, bề ngang trên mét tư, đã thế còn ngáy kho kho. Hồi mới quen nhau e thẹn, kín kẽ chừng nào, nay bạo dạng, tự nhiên nhiên từng ấy, có gì cô nàng bày biện ra hết chừng nấy!.

M...

Truyện ngắn của Hòa Văn

     * *    Ở quê làm ruộng chay nông sản lại ế ẩm đời sống nhà nông khó khăn, thanh niên nông thôn chọn con đường tha phương khắp nơi làm ăn, phải nói với bản tính chịu thương chịu khó, đa phần có công ăn việc làm ổn định vừa đỡ đần gia đình vừa tự lo bản thân. Nhiều người ở lại thành phố lập nghiệp.

Hải Yến hỏi:

- Chị Thanh Tâm bữa nay nghỉ?

- Chị đi làm chứ nghỉ gì. Hôm nay mới thứ Sáu mà!
       Tôi vừa đáp lại câu hỏi của Hải Yến vừa xếp gọn chiếc mùng. Tối qua dự sinh nhật lần thứ hai lăm của nhỏ bạn làm cùng công ty, nhà ở tận Tân Phú, về hơi khuya sáng nay dậy muộn. Đã hơn sáu giờ rưỡi rồi.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

NGƯNG THU: CHÙM THƠ YÊU NGƯỜI



YÊU NGƯỜI 


Yêu người buổi ấy đồi sương
nằm nghe quyến rũ mùa... thương lá buồn 
Yêu người về mãi soi gương
hỏi thăm mình đã lạc đường khi nao?

Yêu người không hiểu tại sao?
người ơi! Có biết bến nào tương tư?
Đêm mời trăng rọi áng thư
mới hay từ bấy đến chừ nhớ nhung

Yêu ai đến thế là cùng
rộn trong buồng ngực bập bùng trống tim

Thức cùng nguyệt lặn bờ đêm
ngẫm đời cũng đã già trên cuộc tình

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

CƠN ĐAU TIM & NƯỚC



 Khi bạn đứng, cơ thể giữ nước ở phần dưới của cơ thể, khiến chân bạn sưng lên. Khi bạn nằm xuống, cơ thể hạ xuống thấp hơn, do đó, thận thải nước dễ dàng hơn, độc tố cũng dễ dàng loại bỏ hơn.
RẤT QUAN TRỌNG, xin hãy ghi nhớ:- 2 ly nước sau khi thức dậy – giúp kích hoạt các cơ quan nội tạng
- 1 ly nước 30 phút trước bữa ăn – giúp tiêu hóa
- 1 ly nước trước khi tắm – giúp giảm huyết áp
- 1 ly nước trước khi đi ngủ – tránh đột quỵ hoặc đau tim.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Vài xu hướng mới của xuất bản: Sách điện tử?


 
Nếu tất cả những gì độc giả cần để đọc sách chỉ là một thiết bị giá rẻ như bữa ăn trưa, có thể cuốn lại nhét vào túi quần túi áo, và toàn bộ thư viện của con người sẽ nằm trên các máy chủ đặt đâu đó không ai rõ thì nhà xuất bản sẽ kiếm tiền bằng cách nào?

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

PHAN KHÔI - NGƯỜI QUẢNG THỨ THIỆT

Phạm Phú Phong

Đã có lần tôi hướng dẫn sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp cử nhân về Văn chương Phan Khôi - nhìn từ góc độ thể loại. Nay đọc báo Tuổi trẻ (số ra ngày 13.6.2013) đưa tin Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ra nghị quyết đặt tên đường mang tên Phan Khôi, bỗng nhiên dường như tôi tận mắt nhìn thấy bóng dáng ông lại sừng sững hiện về…
Phan Khôi sinh ngày 6.10.1887 ở làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Là “con một”, cậu ấm của nhà Nho yêu nước Phan Trân và bà Hoàng Thị Lệ, con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu. Cụ Phan Trân là người đã treo ấn từ chức Tri phủ Diên Khánh vì sự lộng hành của công sứ Pháp.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Em ước gì có phép màu để quay trở lại thời xa xưa… (TÌNH... MONG MANH)

TRUYỆN NGẮN HÒA VĂN

Ngó lớn bổng rứa chứ tuổi còn “Ăn chưa no lo chưa tới…”. Mẹ tôi hay nói như vậy với các bà bạn hàng xóm.
Qua trưa cô bé Hạnh ở cùng khu phố đến nhà chơi. Thì cũng như mọi lần chứ có khác gì đâu?. Hoặc là cô bé mang đến cho mượn quyển truyện, hoặc tặng trái ổi vừa chín tới mới thấy đã muốn bổ ra ăn ngay cho đã… Thế mà giờ tôi lại bối rối lạ!.

NHÂN CÁCH


Truyện ngắn Hòa Văn 

Năm mươi tuổi Kha Luân đang là cây bút trẻ!.
Đỗ đại học kiến trúc, học ra trường theo ngành nghề đi Đông đi Tây đến cùng Nam tới cực Bắc làm nên biết bao công trình đẹp và nổi tiếng.
Danh phận có dư là bà nầy bà nọ tuy vậy không rõ tại duyên phận hay do tính nết của sếp mà cho đến nay khi đã nghỉ việc Kha Luân vẫn là nữ tướng “phòng không”!.
Chuyện của Kha Luân tự thân đã là truyện nên từ ngày quẳng cây bút chì, quên các lập trình đồ họa trên máy vi tính cô chúi mũi vào một công việc mới không ai tưởng viết văn.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

NHÂN VẬT KHÔNG BIẾT NÓI DỐI II



Truyện ngắn Nhân vật không biết nói dối của tôi, sau khi đăng báo đâu được một tuần, không rõ ai gởi biếu mà bà vợ anh thợ đan nhà gần bên có một tờ. Truyện đăng ở trang năm, có bức ký họa bốn màu vẽ anh thợ đan ngồi chăm chỉ làm việc cùng nhiều sản phẩm thúng mủng, rổ rá... Báo in đẹp còn thơm phức mùi giấy mực. Bà vợ anh thợ đan đem đi giới thiệu cho nhiều người trong xóm Dốc Dài nầy cùng xem. Hôm đi dự đám giỗ ba của một người bạn ở xóm trên tôi mới biết rõ sự việc, nhiều bà con trách tôi “Ông là văn sĩ thế mà chẳng cho bà con làng xóm biết chi cả!”. Tôi hơi ngẩn người, trả lời lí nhí “Dạ! Thì có viết từ lâu rồi! Định bụng chỉ viết để đó chứ có in ấn đâu!”. Hai Thản vặn vẹo “Răng báo đăng!”. “Thì...!”.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

CHÙM THƠ NGUYỄN ĐỨC DŨNG: BỜ SÔNG CỔ TÍCH



Bờ sông cổ tích                                     
 “Tặng Nguyễn Tư Phú Đông”         

Thời theo bạn ra đồng ham chơi trận giả         
trâu gặm lúa người          
cha đánh trốn cây rơm          
bụng đói cồn cào          
ước sắn lùi đỡ dạ          
đến bây giờ gặp khói tưởng còn… thơm!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NGÀY XƯA ƠI!

Truyện ngắn Hòa Văn


Liên Liên tới trường đúng vào ngày Chủ nhật, trời lại mưa tầm tã nên quang cảnh thôn xóm ở đây vốn buồn nay lại thêm buồn..
Anh bạn mới quen từ hồi trưa ở bến xe huyện có tên gọi như con gái, Hồng, nhưng không mang chút dáng vẻ gì “con gái” cả. Hồng nói giọng Quảng gốc, khi nói lại nói to tiếng như sợ người cùng chuyện trò không nghe vậy. Được cái Hồng cười rất có duyên, để lộ hai hàm răng trắng bốc đều hay háy. Liên Liên không nói ra chứ “cảm tình” ngay lúc mới gặp.
Hồng bảo:
- Tui biết mà, Chủ nhật với lại mưa gió to thế này thì làm chi có thầy cô mô ở trường. Thôi đừng ngại chi hết, trời tạnh rồi, cô về nghỉ trưa với bà nội tui đi!

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

HẬU QUẢ...



Truyện ngắn Hòa Văn



T

RÂN đứng chết điếng người khi hay tin mẹ bị nước lũ cuốn trôi.

Cách đây mấy hôm Trân về nhà kỵ cơm cha xong, ở lại thêm một bữa nữa chủ yếu la cà nơi quán xá đãi đằng mấy ông bạn thân thiết hồi còn ở quê, đến khi gần đi mới dành đâu non tiếng đồng hồ nói chuyện với bà Sáu - mẹ của Trân - những chuyện buồn vui ngày xưa khi hai mẹ con dắt díu nhau ở bến Đá, Vĩnh Điện.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

MIÊN DI: BẠN

(Cá Koi _ Triết Trần)


nhiều lúc tưởng chẳng còn ai là bạn
loay hoay đành phải gọi chính tên mình

ừ thì sống ai mà chẳng khổ
kẻ khổ tiền
người khổ chuyện công danh

KÝ ỨC LŨ




Con cá tới mùa ức nước
Trẻ mong lặn, lội quanh làng
Miền quê
trông phù sa thắm đượm mùa màng
Lũ về, lũ về…
“Con ếch tháng ba, con gà tháng mười”
Cá kho lá nghệ, dế xào vàng thơm
Nóng hổi chén cơm gạo mới
Ấm lòng mùa gió bấc se
Chứa chan bao tình hương quê

Lũ về, lũ về…
Trời mây vần vũ
Tầm tã mưa dập dồn chướng thổi
Cắm cây que mép đường canh lũ
Phấp phỏng lo âu nước ngập
Cả nhà dọn lụt

Lũ về chìm nổi
Mênh mông, mênh mông…
Trong xóm ngoài đồng
Gánh gồng gian khó
Tối lửa tắt đèn
Có nhau

Ký ức lũ theo người ra phố
Ngong ngóng quê nhà.
                                                                                            Hòa Văn
-----------
 (Tranh GẦN NHƯ MẤT TRẮNG của Marika Bryant)



Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

THẦY GIÀU NHÂN CÁCH!


Tạp văn
 


Hồi đi học nhiều thầy, cô đặt vào tâm khảm tôi nhiều dấu ấn đẹp và rất đẹp!.

Học lớp vỡ lòng ở quê (làng Đông Bàn, Gò Nổi – Điện Bàn, Quảng Nam), những gì thầy bảy Dược (Lê Dược) (cho con được gọi chính danh thầy như thế nghe thầy!) dạy tôi (và các bạn cùng trang lứa, nhiều thế hệ học trò trước và sau tôi nữa) cho tới bây giờ không thể quên.

Điều thứ nhất là tình yêu thương. Tôi nhớ không nhầm ngày đầu tiên đi học dù được ông nội cõng đi và ở suốt buổi, bụng dạ tôi vẫn lo lắm. Thế mà chỉ qua mấy buổi học tôi như lớn lên mấy tuổi. Không còn sợ sệt, không còn nhút nhát, việc nầy công đầu là do thầy.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Nghĩ về mẹ



Tạp văn



1. Ở quê tôi, rất nhiều người con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, dù khó khăn đến mấy cũng một lòng một dạ phụng dưỡng, tạo nhiều niềm vui để ông bà, cha mẹ nhất là các cụ cao tuổi ở vào tuổi gần đất xa trời sống an vui cùng con cháu và cộng đồng, họ tộc. Khi các bậc sinh thành đau yếu được chăm sóc chu đáo.
Nhiều người bệnh tật phải nằm một chỗ con cháu xúm nhau lo từng li từng xíu, nào là sữa, trái cây, thuốc thang ... bệnh nặng thì đi bệnh viện một năm mấy lượt, nhiều cụ đại tiểu tiện một chỗ, con cháu vui vẻ chăm sóc chu đáo, căn phòng nơi các cụ nằm thơm phứt mùi nước hoa...

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Nghĩ về cơn bão Haiyan



Tạp văn

 
Ảnh bão Haiyan ở Phi

Ảnh bão Haiyan ở Phi


Các nước ở bên bờ biển Thái Bình Dương là  nơi ít nhiều đều hứng chịu sự hung dữ của bão và hầu như theo một chu kỳ có sự sắp đặt của thiên nhiên. 5, 10, 20, 30, 40 ... năm tái diễn một hay nhiều lần với bão lớn gây hoang tàn tang thương cho cả một cộng đồng dân cư (nhỏ thì xóm, làng..., lớn hơn tỉnh, thành phố...) khiến mọi người đều đau lòng xót dạ quá!.

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

THƯƠNG NHỚ NHỮNG CÂY MƯA

Tạp văn: Hòa Văn


Hồi lên bảy tuổi nghe ông nội nói
“Trời chẳng chịu mưa một cây” tôi chẳng hiểu gì cả, lớn lên một chút ra ngoài xóm làng ai cũng gọi mưa là một cây, tôi hiểu sơ sơ... Nói thật đến nay cũng không biết rõ tại sao quê tôi lại kêu mưa là cây, như vậy?
Bây giờ có bữa nhìn các trận mưa giông ầm ầm lại thương nhớ cây mưa ngày xưa quá chừng!.

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

CHUYỆN TÌNH GIÀ


Truyện ngắn Hòa Văn



 
Một Facebooker post lên FB bức ảnh và ghi “Cảm phục trước cặp tình già hơn 100 tuổi!”. Ảnh chụp ông cụ ân cần dùng khăn lau mặt mũi cụ bà.
Trước đó cũng trên FB tôi bàng hoàng trước một tấm ảnh chụp hai cụ già và một con chó con đang ở trên “khu đĩ” của ngôi nhà mái lợp bằng lá dừa chìm trong cơn lũ dữ, nước lũ đang mấp mé mái nhà.

Thời buổi giờ mọi chuyện đều biết cả chỉ có bên trong “cái tâm tư” của mỗi con người là mù tịt.

“Không mù tịt thì làm sao mà sống được”. Đó là lý lẽ của Sân con ông Tư Rói.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

NƠI CHỈ CÓ HAI NGƯỜI

5. (Phần nầy có tên riêng: KHÔNG ĐỀ)
 
Cứ nửa đêm Phương Hạ rời phòng ngủ nhẹ nhẹ bước nhanh sang phòng trang điểm nơi có một cái bàn trên đó là chiếc máy vi tính màn hình tinh thể lỏng. Nói theo cách nói anh chồng Phương Hạ, đây là cây bút nhiều năm qua đã viết ra hàng trăm... tác phẩm văn học. Trong số đó có hơn bảy mươi phần trăm in báo, lên trang mạng đến với bạn đọc. Tuy vậy với Phương Hạ tác phẩm hay đảm đương sứ mạng cao quý đích thực của văn học còn phía trước.
Hơn một tuần lễ qua, Phương Hạ trăn trở viết những trang văn thấm đẫm tình yêu thương...

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Chiều cạn Thơ Mai Thanh Vinh - Nhạc Trần Văn Chính


câu thơ chặt khúc khi đêm ùa về  
dọc bờ bóng khuất bên tê 
 lơ thơ nhặt phía nẻo quê nỗi buồn 
                                                    bàn tay từng ngón ngón suông
                                               vẫn không thể níu giọt nguồn trong veo...

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Truyện ngắn Hòa Văn: NƠI CHỈ CÓ HAI NGƯỜI

 1.
Chiếc xe lúc đầu mới thấy tưởng con dế, nhìn kỹ chặp lâu nó lại giống con bò cạp mà không phải hình như nó là con rắn nằm khoanh tròn giấu đi cái đầu chỉ có cái đuôi và phần thân.
Phương Hạ lắc lắc đầu mấy lượt rồi nhắm mắt mở mắt mấy lần để định thần. Đúng rồi phía trong xe có một người, coi bộ anh thuộc tạng người sành điệu chiếc kiếng màu đính trên sống mũi cao và thẳng, chiếm đâu một phần năm khuôn mặt. Dù vậy Phương Hạ chắc anh nhất định đẹp trai.

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

THƯƠNG CẢM CÔ KIỀU OANH!

   Tạp văn Hòa Văn
 

Cuộc sống vốn ko dễ dàng như ta thường tưởng... Điều nầy ko lạ nhưng ko phải ai cũng thấu hiểu.

Người GN-QN- Miền Trung vừa qua những ngày đêm lo âu bởi liên tiếp lũ... và bão... chồng lên nhau gây nên ko ít thiệt hại về vật chất “nhà xiêu vách đổ mái tốc phên bay vườn tược cây cối ngổn ngang...” nhưng có lẽ sự “ngổn ngang” “thiệt hại” ko thể cân đong đo đếm hơn cả là về mặt tinh thần.

Truyện ngắn Hòa Văn: BẾN AN LÀNH

1.

Mân Thái đứng trước tấm gương như thế nầy đâu mươi lăm phút rồi. Diện bộ cánh mỏng tanh vải lụa màu gi thế mà vẫn toát ra bao sức nóng hừng hực lúc nầy mà lỡ có bất cứ cái gì va vào chắc sẽ bị thiêu rụi ra tro ngay!. Mân Thái tự mỉm cười sau ý nghĩ hơi kỳ hoặc ấy. Nói thật đang ở độ tuổi bốn mươi hai, đã gần mười lăm năm sống đơn thân kể từ cái ngày...


Mân Thái đang nghĩ ngợi mung lung về chuyện ngày xưa... Cu Tĩnh ở đâu chạy ùa vào ôm chầm lấy mẹ:
“Mẹ đi đâu mà đẹp dậy!”.
Chính câu hỏi vô tình của đứa con đang ở tuổi teen càng xác nhận Mân Thái còn đẹp!. Mân Thái nói:
“Sáng nay, con theo mẹ lên chùa nghe.”.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Inrasara: Nhà văn & nỗi sợ


 
Sợ làm nên cộng đồng người, làm nên văn hóa và văn minh…
Sợ dã thú, con người hợp quần để tạo sức mạnh, các bộ lạc ra đời. Sợ bộ lạc khác, con người tạo lập cộng đồng có tổ chức mạnh mẽ hơn để tránh bị tiêu diệt, nền văn hóa xuất hiện. Sợ sức mạnh siêu nhiên chưa thể lí giải, con người tạo ra tôn giáo. Vân vân… 
Thế nhưng, ngoài óc thực tế, loài người còn được ban cho trí tưởng tượng. Bên cạnh ổn định cuộc sống vật chất và đảm bảo an ninh thân xác, con người muốn làm giàu sang đời sống tinh thần của mình. Một khi sử dụng đến trí tưởng tượng ấy, tinh thần phiêu lưu được huy động tối đa vào cuộc. Từ đó, sự dũng cảm – không phải là dũng cảm của tự vệ, mà là cái dũng của sáng tạo – có đất sống.

Tân hình thức Việt, bạn nghĩ gì? -1 & 2...

Đây là những bài biết trên trang inrasara.com - Hòa Văn giới thiệu cùng các bạn tham khảo và góp ý kiến như nhà thơ mong đợi. Các bạn quan tâm Chuyên đề thơ tân hình thức Việt tiếp theo xin đề nghị link vào liên kết để xem tiếp. H.V.


Inrasara
(Chuyên đề thơ tân hình thức Việt)
Phong trào thơ tân hình thức Việt sắp có cuộc hội thảo lớn ở Huế vào trung tuần tháng 11-2013. Để giúp độc giả nắm được khái quát: lịch sử hình thành, tinh thần và thủ pháp, sáng tác và phê bình về phong trào thơ này, Inrasara.com mở chuyên mục Thơ tân hình thức Việt. Rất tùy hứng. Đó có thể là một quan điểm, một nhận định về bài thơ hay thủ pháp, một bài thơ (chủ yếu của Inrasara) kèm diễn giải, và tân hình thức sẽ đi về đâu? Vân vân… Chuyên mục đánh số từ 1… hân hạnh đón nhận mọi phản hồi từ độc giả.
Inrasara.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

HÒA VĂN: BÁNH XÈO

Tạp văn

Quảng Nam có nhiều món ăn đặc sản mà tên gọi không lẫn vào đâu được!. Như bánh xèo chẳng hạn.


Xánh xèo làm từ bột gạo. Gạo ngon. Gạo khi ngâm xay (máy) bột thật mịn mà khi đúc không được dính chảo hoặc bị nhảo như gạo lúa lốc ngày xưa và gần đây là lúa 13/2.

TRUYỆN NGẮN CỦA ALICE MUNRO (NOBEL 2013): THỊ TRẤN BÊN ĐƯỜNG

Lời giới thiệu: Alice Munro sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1931 ở Wingham, Ontario, Canada, với tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông trại, mẹ là cô giáo. Bà trải qua tuổi thơ ở thị trấn Clinton, nơi bà cũng thường trở về sau này. Theo học đại học Western Ontario, nhưng rời trường sớm khi lập gia đình năm 20 tuổi. Bà và gia đình sống ở một đảo ngoài khơi Vancouver nhiều năm nay, coi sóc tiệm sách có tên là Munro. Hai ông bà có với nhau ba đứa con, hôn nhân của họ thời trẻ có một thời kỳ tan vỡ. Sinh quán của Alice Munro, Ontario, là tỉnh bang lớn nhất Canada, gần bên Ngũ Đại Hồ. Vùng phía nam của tỉnh là vùng có khí hậu ôn hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng phẳng, nhiều sông hồ. Trong truyện của Munro, có cảnh vật của Ontario hoặc thiên nhiên hoang dã trên đảo Vancouver. 
Truyện của bà viết về đời sống những người bình thường, với văn phong giản dị, trong trẻo và đẹp. Nhưng đó là bề ngoài dễ gây ngộ nhận. Thật ra văn của Alice Munro không dễ hiểu. Người đọc cần chú tâm đến từng chi tiết mà bà để lại dọc đường. Bên trong là sức mạnh của sự mô tả chính xác, phân tích sắc bén các xung đột, sự nghiêm khắc với thói dung tục và a dua, tính hài hước, và lòng trắc ẩn.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Truyện ngắn Hòa Văn: Thế Lính Hoàng Sa


                                                                                                            
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
 Người đi thì có mà không thấy về
 Hoàng Sa mây nước bốn bề
 Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.”
                   
 (Câu ca dân gian ở Quảng Ngãi)

Ngắm đi ngắm lại người nộm mới làm xong, Thinh gật gật đầu tỏ vẻ ưng bụng. Đây là nộm tượng trưng ông nội của Thinh, một ngư dân gần ba mươi tuổi, dáng người vạm vỡ.

Đợt tuyển quân binh đội Hoàng Sa năm ấy, ông nội của Thinh được tuyển mộ. Ngặt nỗi nhà đơn chiếc, bà nội sinh cha của Thinh tuổi mới thôi nôi, có người bày biểu ông nội làm đơn xin hoản đi. Ông lắc đầu nói không nên.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Ảnh nghệ thuật của tác giả Dương Quốc Định Fb

Nguồn ảnh nghệ thuật Dương Quốc Định Fb

Truyện ngắn Alice Munro: Trốn chạy (Tác giả Giải Nobel Văn học 2013)

                                                           

                                          
Tại nhà, Sylvia không còn việc gì để làm ngoài việc mở toang những cánh cửa sổ. Và nghĩ đến – với sự háo hức khó mường tượng mà không khỏi gây ngạc nhiên – là chốc nữa đây cô sẽ được gặp Carla.

Tất cả những vật dụng cá nhân mang hơi hám bệnh tật đã được dời đi hết. Căn phòng chung của Sylvia và chồng, cũng là nơi hấp hối của anh, đã được dọn dẹp ngăn nắp hệt như chưa từng xảy ra chuyện gì. Carla đã giúp quét dọn trong những ngày hỗn loạn giữa chuyện hỏa táng và chuyến đi Hy Lạp. Mỗi một bộ đồ Leon đã mặc hoặc chưa từng thử qua, cùng với những món quà chưa tháo hộp do các cô em gái tặng, đã được chất đầy ghế xe sau để giao cho tiệm bán đồ cũ.