Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

GIẾNG NƯỚC ĐÔNG BÀN


HÒA VĂN
Theo “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, làng Đông Bàn khai cơ lập nghiệp sớm trong 66 xã hiệu thuộc phủ Điện Bàn cũ (Triệu Phong, Thuận Hoá).


Chuyện xưa kể rằng, lúc bấy giờ nơi đây (Gò Nổi) dân cư thưa thớt, đất trời hoang sơ, núi rừng hiểm trở, các loài thú dữ, chim muông rình rập bao quanh. Tuy nhiên, đất đai màu mỡ, khai khẩn đến đâu gieo trồng đến đó hoa lợi tốt tươi mang lại lương thực, thực phẩm dồi dào. Hằng năm lũ lụt bồi đắp phù sa nên mùa màng thêm bội thu. Nguồn nước sinh hoạt có sông Thu Bồn, ngòi Đông Bàn nên không cần giếng khơi. Song, có một điều sau hàng trăm năm dân làng vào đây lập làng kể từ ngày vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi (Hồng Đức nhị niên 1471) nhưng dân cư làng Đông Bàn không phát triển mấy, lòng người không yên, có người định bỏ đi tìm vùng đất mới. Lũ lụt mỗi năm mỗi to và dữ dằn hơn như muốn cuốn phăng tất cả... Nước ngập xóm Nam Dương, Tây Hà, nước cuồn cuộn chảy xiết ngập xóm Tây Xuyên, Bắc Tân, Đông Hà, Hòa Bình, đến gần cuối làng, con nước xoáy mạnh xói lở nhiều năm thành bàu rộng đến trên ba mẫu đất (nay còn gọi cánh đồng bàu Lở). Dân làng bàn tính phương cách chống chọi lại với thiên tai, có người ý kiến tốt nhất nên dời khu dân cư ra xa nơi lũ xoáy để tránh tai hoạ. Bàn tới tính lui chưa có kế sách nào khả thi thì vào một đêm các cụ cao niên trong làng ngủ mơ thấy có một vị trưởng lão người quắc thước, râu tóc bạc phơ mách bảo: Dân làng hãy đào ở ngay rốn của vùng nước xoáy ấy một giếng nước mang hình trời đất vừa để lấy nước sinh hoạt, vừa khiến lũ sẽ không xoáy không gây xói lở nữa, đồng thời làng xóm sẽ hanh thông nhiều mặt!.