Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Nhà văn Annie Ernaux đã vinh dự được trao giải Nobel Văn học 2022 

 



Nhà văn Annie Ernaux đã vinh dự được trao giải Nobel Văn học 2022 tác giả của hơn 20 cuốn sách và cũng là người phụ nữ Pháp đầu tiên đoạt giải Nobel văn học nổi tiếng thế giới.
Giải Nobel cho những thành tựu về khoa học, văn học và hòa bình được thành lập theo ý muốn của nhà hóa học và kỹ sư người Thụy Điển Alfred Nobel và bắt đầu được trao từ năm 1901.

Trong thông báo mới nhất, nhà văn Pháp Annie Ernaux đã được trao giải Nobel văn học năm 2022 cho "lòng dũng cảm và sự nhạy bén" trong các cuốn sách tự truyện chủ yếu của bà. Tác giả 82 tuổi là người phụ nữ Pháp đầu tiên đoạt giải thưởng văn học nổi tiếng thế giới.


Thông báo từ BTC của Giải Nobel về người nhận giải Nobel văn học năm 2022. (Ảnh: Nobel Prize)
Công bố người chiến thắng văn học năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết Annie Ernaux "nhất quán và từ các góc độ khác nhau, nhìn nhận cuộc sống qua sự chênh lệch mạnh mẽ về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp" và rằng "con đường đến với quyền tác giả rất dài và gian nan".

Anders Olsson, Chủ tịch ủy ban văn học Nobel, mô tả Annie Ernaux là "một nhà văn cực kỳ trung thực, người không ngại đương đầu với những sự thật khó".

Ông nói thêm: "Cô ấy viết về những điều mà không ai khác viết về, ví dụ như việc cô ấy phá thai, sự ghen tuông của cô ấy, trải nghiệm của cô ấy khi bị người yêu bỏ rơi... Ý tôi là, những trải nghiệm thực sự khó khăn".

Chia sẻ khi được nhận giải thưởng danh giá, Annie Ernaux nói với đài truyền hình Thụy Điển SVT: "Tôi rất ngạc nhiên... Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xuất hiện trên nền của tôi với tư cách là một nhà văn", "Đó là một trách nhiệm lớn lao...".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chúc của mình bằng một chia sẻ trên trang Twitter. Ông viết: "Annie Ernaux đã viết cuốn tiểu thuyết về ký ức tập thể và sâu sắc của đất nước chúng ta trong 50 năm. Tiếng nói của bà là quyền tự do của phụ nữ và những điều bị lãng quên trong thế kỷ".

Với vinh dự vừa nhận được, Annie Ernaux trở thành người phụ nữ thứ 17 trong số 119 người đoạt giải Nobel văn học, giành được giải thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (hơn 800.000 bảng Anh). Với nước Pháp thì Annie Ernaux là người đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.

Chủ tịch ủy ban văn học Nobel, Anders Olsson, mô tả Annie Ernaux là "một nhà văn cực kỳ trung thực, người không ngại đương đầu với những sự thật khó".


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người đã gửi lời chúc mừng tới nhà văn Annie Ernaux khi bà được công bố là người được trao giải Nobel Văn học 2022.
"Cô ấy viết về những điều mà không ai khác viết về, ví dụ như việc cô ấy phá thai, sự ghen tuông của cô ấy, trải nghiệm của cô ấy khi bị người yêu bỏ rơi... Ý tôi là, những trải nghiệm thực sự khó khăn" - Chủ tịch ủy ban văn học Nobel, Anders Olsson, nói.


Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Tưởng người Gò Nổi làm thơ: Nguyễn Giúp


 TẠM BIỆT THI SĨ NGUYỄN GIÚP

 (1961 - 31/7/2022) có tư liệu ghi sinh năm 1959

Đất Phù Sa trôi theo sông

Còn lưu chút bụi tươi hồng thế thôi!

HÒA VĂN 

Tưởng Người Phù Kỳ - Gò Nổi!

31/7/22

Nguyễn Giúp sinh quán Điện Phong, Phù Kỳ - Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. 

Sống và dạy học tại Đại Lộc, Quảng Nam.


TÔI & SÔNG


Ngược sông Thu

Chào những ban mai

Chào những chiều tà

Có tôi quay về chốn cũ

Bãi bồi quê cha quê mẹ

Xanh non lúa non dâu

Mỏng mảnh nỗi niềm sông từng hồi thức

Khuôn mặt người quen chảy dài mùa màng

Đêm quê họ mỏi lòng nguồn cội

Tre cong đời tre gửi vào đất đai khúc chiết

Lục tung nỗi nhớ nhà lại gặp sắn khoai lận đận

Nửa đời không giấc mơ buổi trăng

Làm sao như con bê vàng ngây ngô bú mẹ

Làm sao bẻ thân lau mà cờ

Cho tôi trắng cơn khát

Cho tôi đói

Cho tôi quay về không một mảnh

Cho tôi ngấm tôi mà lột cả

Sông ơi! Cắm cây sào xuống đáy

Cát sỏi xì xào

Cầm vào đây thật chặt cho tôi buộc con thuyền người dưng

Bên kia đồng dế non ngậm gió

Bờ kêu một thớ trăng vuông

Đất ơi! Nước ơi! Mái đình rêu

Người ơi! Câu hát xưa nương dâu

Tình yêu mở ra đất đai cày lật

Ta từng ấy tha phương đành lỗi quê nhà

Chiêm Sơn chiều quay khung tơ

Xuân thì trổ ngực em có về

Ra đồng mần… quản chi áo rách

Quay xuống mà cạn sông

Chắp hai tay lên ngực lạy với lòng Quảng Nam

U u trăm năm ngàn năm cỏ dựng

Anh hùng cọ núi xương khô

Mới hay da thịt mẹ cha

Mới hay Kim Tích vào quê kiểng

Một nấm mồ vôi phủ cỏ voi

Một ngụm nước đầy nhổ sào

Thả trôi…

Tôi & sông thành biển.


NGUYỄN GIÚP


TÔI & ĐẤT


Một lát cuốc chôn nhau thai vào đất

Ký thác ngày mẹ tôi đẻ ra tôi

Mặt trời màu đỏ tôi chưa nhìn thấy nhưng chắc chắn nó rất lớn và bao trùm

Ngập ngụa nắng tôi như cây cầu dang đôi chân hạn hán

Những bước đi khác gì nhau mà số phận

Tôi bội bạc mép vườn nhà cú kêu

Mặc cát sỏi níu cây sào cắm phặp

Tôi vẫy tay thiên di


Đứt ruột vườn nhà phân heo phân bò

Buổi giêng hai chưa ngậm

Lúa chưa kịp mẩy đòng bọc thai

Chỉ rét mỏng tràn khe bật thức hướng nhìn cỏ dậy

Tôi từ đây đất khách quê người!


Tạ lỗi sinh thành cho con đổi giọng

Chối bỏ lưng trâu và bọc tất mười đầu ngón chân mang khai

Tôi dọc ngang đất nước mình thấy đâu cũng đẹp như chiều

Miệng lưỡi giàu lên hơn chín tháng mười ngày thai nghén

Tôi lột tôi xưa bỏ chợ

Tôi sinh tôi lẫn tránh tôi suốt đời bạt xứ


Những tối buồn soi gương bắt gặp thằng giang hồ đầu hói

Tôi nhận ra tôi xưa nhiều nét giống

Ảnh ảo trong kia cười hô hố nghe rất quen mà không quen

Hắn đã già hắn phải chết

Huyệt mộ mai sau hắn có về nằm cạnh

Dự cảm nơi chôn nhau

Một lát cuốc đã buồn như mọi chiều râm kính

Đất cứ âm âm lần sinh hạ

Cha tôi nín thở… cười.


NGUYỄN GIÚP

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Hòa Văn: PHẠM PHÚ THỨ - XE TRÂU XE ĐẠP NƯỚC Ở LÀNG ĐÔNG BÀN XƯA



Như nhiều làng quê xưa ở Điện Bàn (Quảng Nam) đất đai tiếng là màu mỡ nhưng dân làng Đông Bàn quanh năm cơ hàn do chỉ sản xuất lúa gieo, trồng khoai trồng sắn... tất cả được mất trông ở trời. Gặp năm hạn hán mùa màng thất bát, năm thuận cỏ dại mọc nhiều hơn lúa nên công chăm sóc nhổ cỏ rất cực nhọc, năng suất trúng lắm cũng chỉ đạt trên 10 ang một sào.


Tình cảnh ấy kéo dài cho đến khi cụ Phạm Phú Thứ - Tiến sĩ, người con của làng, đưa mô hình xe gió ở Ai Cập về quê làm thành xe đạp nước, phục vụ cấy lúa nước, cuộc sống dân làng mới khấm khá.


Đó là vào tháng 6 năm 1863, nhân chuyến đi Pháp và Tây Ban Nha theo dụ vua Tự Đức nhằm điều đình chuộc lại 3 tỉnh ở Nam Kỳ. Hành trình dài gần một năm từ 21. 6. 1863 đến 28. 3. 1864, cụ Phạm Phú Thứ đã học kỹ thuật làm xe "đạp nước" của dân bản xứ ở Ai Cập và khi về nước truyền lại cho dân làng Đông Bàn.


Xe đạp nước được chế tác từ các vật liệu sẵn có tại địa phương. Một bánh vành bằng tre đường kính 10- 12 mét, các thanh tre kết nối quanh một trục ngang gỗ lim hoặc gỗ trầm thị, trên vành tre lắp đặt ống tre một đầu kín cách đều nhau nghiêng theo một chiều 20 độ, các ống tre nầy dùng để múc nước từ dưới ao (hồ), đìa đưa lên mương máng. Hệ thống xe đạp nước đặt cố định trên bờ ao, đìa làm sao cho vành tre quay theo trục ngang khi có lực đạp đều lên thanh tre ngang trên vành, một xe đạp nước và một ao, đìa nước chiếm diện tích khoảng 1 sào đất, thường đặt ở trung tâm cánh đồng để tiện cho việc tưới nước. Trung bình một hồ xe cung cấp đủ nước tưới cho 2 mẫu (1 ha) ruộng.


Sau khi có xe đạp nước hơn 100 mẫu ruộng làng Đông Bàn xưa trở thành đồng lúa nước, năng suất tuy chưa cao (khoảng 25 ang/ sào), nhưng hồi đó đã là tiến bộ đáng kể. Để tính thời gian phiên nước bà con nông dân dùng trục chỉ quấnồìa trục ống tre cắm cố định nối với trục của xe đạp nước. Một chỉ nước (tức là hết 1 trục chỉ) bằng 120 vòng quay (khoảng 1 giờ) thì nước đủ tưới khoảng 1 sào lúa với mực nước ở ruộng trên dưới 1 tấc.

Sau này dân làng Đông Bàn cải tiến xe đạp nước thành xe trâu. Xe trâu xử dụng các thiết bị như xe đạp nước, có thêm 2 bánh xe răng cũng làm bằng gỗ mít ròng đường kính 0,5 mét và một trục gỗ lim (hoặc gỗ trầm thị) dài 7- 8 mét, đường kính 0,25 mét. Hệ thống nầy cài vào cổ trâu (ách trâu) khi trâu đi vòng quanh trên một thửa đất bên đìa (ao); lực kéo của trâu làm cho vành bánh xe nước quay, đưa nước từ đìa lên mương máng tưới ruộng. Năng suất xe trâu nhanh gấp 3 lần đạp nước. Một xe trâu tưới đủ nước cho hơn 5 mẫu ruộng. Cho đến năm 1965, ở làng Đông Bàn có 17 xe trâu và 5 xe đạp nước với đầy đủ hệ thống mương nội đồng.

Từ xe đạp nước, xe trâu ở làng Đông Bàn, về sau nhiều nơi trong ngoài tỉnh Quảng Nam làm theo và trở thành công cụ thuỷ lợi phổ biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Ngày nay, trên cánh đồng làng Đông Bàn xưa (thôn Nam Hà 1, Nam Hà 2, Tân Bình 3, Tân Bình 4, xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) còn di tích nhiều ao (hồ), đìa, mang tên của chủ các xe đạp nước, xe trâu như Đìa xe trâu (còn gọi là hồ xe) các ông Hương Hẳn, Thủ Cầm, Thủ Thị, Xã Thành, Hương Triệu, Trùm Cũ, Tư Quán, Cửu Chương, Cửu Thám...

Nhắc lại một công cụ hữu ích: xe đạp nước, xe trâu một thời gắn bó với bà con nông dân, càng nhớ về cụ Phạm Phú Thứ- người con của quê hương Điện Bàn, Quảng Nam với tư tưởng canh tân đất nước nổi tiếng.

Hình ảnh xe đạp nước, xe trâu nếu được tôn tạo đặt ở một vị trí gần khuôn viên lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ (ở thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung) chắc sẽ góp phần ý vị cho du khách đến đây trước thắp nén hương kính tưởng nhớ cụ, sau thưởng lãm công cụ thuỷ lợi nổi tiếng một thời.


Hòa Văn