Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn Hòa Văn: TƠ TƯỞNG... QUÊ




Trở lại Sài Gòn tôi suy nghĩ mãi...
Mới đó đã xa quê trên hai mươi mấy năm và cũng chừng ấy năm vương vấn quê... Mà không vấn vương mới lạ bởi đây là nơi “cắt rốn chôn nhau” nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm.
Ngồi ngẫm nghĩ bây giờ còn ở quê cuộc sống tôi sẽ như thế nào nhỉ?. Khấm khá một chút như ông chín Cộm hay tàm tạm như ba Tròn.
Ba Tròn nói:
“Ông nói vậy chứ biết cách chi chừ?”
Đó là câu trả lời của ba Tròn khi tôi trăn trở về đời sống chật vật của bà con nông dân?.
Ông chín Cộm lý giải:
“Anh biết rồi sống ở vùng đất quanh năm hết nắng hạn đến mưa dầm rồi lụt bão triền miên thì...”
“Đã đành là vậy nhưng...”
Tôi chưa nói hết câu ông chín Cộm chen vào:
“Thì ai cũng biết rồi!. Nói thì dễ nhưng thực hành vô cùng khó!”
Hôm qua đi ngang ruộng mạ, trời đang lạnh cóng thế mà “nông vụ tấn thời” nhiều người vẫn ra đồng nhổ mạ, nước trong ruộng mạ đến mắt ca chân nên ai nấy cũng phải ngồi trên ghế nhựa.
Theo ông chín Cộm nếu nói làm ruộng bây giờ so với ngày xưa thì đỡ hơn nhiều. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến dần dà đã được đưa vào phục vụ sản xuất. Khâu làm đất, khâu thu hoạch đã có máy móc làm thay sức người. Năng suất cây trồng con vật nuôi rõ ràng khá hơn nhiều. Thế mà...
Ông chín Cộm bưng ly nước trà hớp ngụm mới nói tiếp:
“Thế mà... như anh thấy đó ‘Thổ lai hoàn thổ’”
Trời không nắng cũng không mưa... những cơn gió bấc thông thốc hanh hanh đúng với thời tiết tháng Chạp. Gần mãn năm rồi chưa ai nghĩ đến Tết nhất gì!. Cả tháng qua nhà nào nhà nấy đều dồn tiền bạc ra đồng ra biền làm vụ mùa. Cái phân tro, cái giống má, cái máy cày máy đánh... và công cán nữa...
Ba Tròn nãy giờ ngồi tư lự nhớ một thời bôn ba đi khắp thành kia phố nọ... Hồi ở Sài Gòn anh làm ăn cũng đỡ lắm, sau một thời gian bươn chải dành dụm tạo dựng được một cửa hàng mua bán sửa chữa mô tơ điện. Vào những năm tám mươi thế kỷ trước dịch vụ cung cấp thiết bị mô tơ điện cho các khu dệt vải rất đắt đỏ và mau khấm khá. Nếu... Nếu “thuận buồm xuôi gió” giờ anh ở trỏng. Đàng nầy... như ông bà thường nói “Giỏi mấy mà vô thời cũng bằng không!”.
Tôi hỏi ba Tròn:
“Vợ con, cuộc sống hiện giờ?”
Ba Tròn đáp:
“Một vợ ba con, em “lăn dữ” mà mới thoát nghèo. Năm ngoái bòn chắt từ chăn nuôi bò xây được cái nhà... nhẵn vốn!”
“Lăn dữ” là mần hung lắm! Chẳng kể sương sớm nắng trưa. Ban Tròn trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng kết hợp thực hiện chế biến bột thức ăn hỗn hợp... để vỗ béo bò mang lại kết quả khá.
Ba Tròn cho biết:
“Ngày hai buổi bất kể nắng mưa anh phải cắt cho được ít nhất hai bao ure ứ nự cỏ mới đủ cho ba cặp bò ăn”.
Ông chín Cộm bảo hiện tại tuy có vất vả nhưng chăn nuôi con bò là tương đối “ổn”, còn heo, gà... ai theo nắm chắc bắp đường lỗ.
Tôi nói:
“Thời khủng hoảng kinh tế mà!”
Tình thiệt nói vậy cho “an lòng” chứ căn nguyên không hẳn chỉ tại vậy...
Biết bao đời nay chuyện làm giàu làm có ở quê không dễ dàng. Huống chi bây giờ việc đồng áng chỉ cần làm lưng nửa tháng là xong còn lại thời gian nông nhàn chẳng biết làm gì ngoài chăn nuôi con heo con gà. Phần đông mỗi nhà có đâu năm, bảy sào đất lúa đất màu, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp chỉ xoá đói giảm nghèo chứ lấy gì bảo giàu với có!. Nhiều người chọn ly hương chấp nhận “cảnh sống hai quê” đến các thành phố làm tất tần tật mọi công việc miễn có thu nhập!.
Chín Cộm tâm sự:
“Như con em nhà tôi. Cả năm tha phương xứ người, đứa công nhân dệt, đứa thợ may, đứa bán hàng rong, đứa bán vé số thu nhập hằng ngày tuy có đỡ hơn so với ở nhà nhưng cuộc sống vẫn còn quá bộn bề... vất vả...”.
Theo ông chín Cộm từng đồng tiền chắt chiu được của người tha phương lao động khắp nơi đã góp phần đỡ đần cho nhiều gia đình ở quê. Cứ đến tháng Chạp giáp Tết, người xa quê tha phương làm ăn khắp nơi trở về quê sum họp với gia đình. Rồi ra Giêng lại nườm nượp ra đi.
***
Út Sâm con trai tôi hỏi:
“Quê mình giờ khá lắm ba nhỉ!”
“Ờ!... Ờ!...”
Sâm tiếp:
“Thanh Minh tới con với mẹ về thăm quê nghe ba?”
“Ờ!. Ờ!... Nhưng cái chính không phải về để thăm chơi không đâu!”
Nói với út Sâm xong tôi nhớ mồn một bao nỗi trăn trở của người nông dân ở quê.



HÒA VĂN: Tạp văn Nghĩ Về Cơn Bão Haiyan




Các nước ở bên bờ biển Thái Bình Dương là nơi ít nhiều đều hứng chịu sự hung dữ của bão và hầu như theo một chu kỳ có sự sắp đặt của thiên nhiên. 5, 10, 20, 30, 40 ... năm tái diễn một hay nhiều lần với bão lớn gây hoang tàn tang thương cho cả một cộng đồng dân cư (nhỏ thì xóm, làng..., lớn hơn tỉnh, thành phố...) khiến mọi người đều đau lòng xót dạ quá!.
Cơn bão Haiyan (tháng 11/2013) vừa rồi khi đổ bộ vào Phi với tốc độ bão lớn nhất từ trước nay đang gây nên nỗi kinh hoàng không chỉ người dân nước Phi mà là “cơn địa chấn” rúng động lương tâm mọi người trên thế giới.
Theo tờ Daily Inquirer của Philippines, sau hơn 24 giờ hoàn toàn không có thông tin liên lạc tại thành phố ven biển Tacloban, Bộ trưởng nội vụ nước này ông Mar Roxas ngày 9/11 xác nhận vẫn còn rất nhiều người có thể đã thiệt mạng.
Bão Haiyan, hay được người Philippines gọi là Yolanda, là cơn bão mạnh nhất lịch sử từng đổ bộ vào đất liền. Kênh CNN của Mỹ đã miêu tả Haiyan “mạnh gấp 3,5 lần siêu bão Katrina”, vốn gây thiệt hại nặng nề cho bang Louisiana của Mỹ năm 2005.
Thi thể những người chết vẫn nằm trên đường, được che đậy sơ sài trong khi người sống đi lại xung quanh với vẻ sững sờ trước sự tàn phá khủng khiếp.
Hầu hết những người thiệt mạng là do bị chết đuối sau khi bão làm nước biển dâng và trút xuống các làng mạc ven bờ, quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó.
Tổng thống Aquino “phải thấy những gì đã xảy ra tại Leyte”, Bộ trưởng quốc phòng Voltaire Gazmin, người đã bay tới thị sát Tacloban với ông Roxas hôm thứ Năm để xem xét công tác phòng chống bão nói.
Cơn siêu bão đã san phẳng 90% nhà cửa tại tỉnh Leyte và có thể phải mất một tháng nguồn điện mới được khôi phục, Bộ trưởng năng lượng Jericho Petilla nhận định. “Đây đúng là thảm họa”, ông thốt lên.
Ông cho biết người dân Leyte cũng đã làm theo cảnh báo của chính phủ là di tản và chuẩn bị cho thời tiết xấu, nhưng “cơn bão này là quá mạnh”.
Gazmin cho biết ông nhìn thấy một người phụ nữ đi lại thẫn thờ với một đứa con đã chết trên tay. Ông thấy nhiều tòa nhà bị sập, cây cối bị lật gốc, ô tô bị lật ngửa còn người dân đi lại xung quanh trong trang phục tả tơi, đường phố ngổn ngang.
Mọi hệ thống đều không còn hoạt động. Không điện, không nước, chẳng có thứ gì cả. Người dân đang tuyệt vọng. Họ đang cướp bóc”, Bộ trưởng Gazmin nói.
Ngay cả chính quyền địa phương cũng hầu như bị thiệt hại nặng, nhiều quan chức địa phương cũng là nạn nhân của bão.
Ông Gazmin cho biết ưu tiên hàng đầu của chính phủ lúc này đó là trợ giúp những người còn sống. Nhu cầu thiết yếu nhất lúc này là thực phẩm và nước uống.
Quân đội nước này cũng đã thành lập một sở chỉ huy tại sân bay Tacloban, vốn cũng bị tàn phá nặng nề do nước biển dâng. Thi thể của 2 binh sẽ được tìm thấy tại sân bay trong khi 4 binh sỹ khác mất tích.
10.000 người có thể đã thiệt mạng?
Tổng thống Benigno Aquino III ngày hôm qua đã ra lệnh cho quân đội và toàn bộ các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của chính phủ tới những khu vực bị ảnh hưởng, để tìm bất kỳ ai – kể cả người sống lẫn người chết, phân phát hàng cứu trợ và tái thiết hệ thống liên lạc, Bộ trưởng nội các Philippines Rene Almendras khẳng định với báo giới.
Thật khó có thể đánh giá thiệt hại bởi chúng tôi vẫn chỉ nhận được những thông tin không đầy đủ”, ông Aquino khẳng định trong một cuộc họp báo ngày 9/11.
Cho đến nay, thông tin mới nhất và chính thức từ Hội đồng kiểm soát và giảm trừ rủi ro thảm họa Philippines xác nhận, lúc 10 giờ GMT ngày 9/11 rằng, có 138 người chết. Gần 350.000 người mất nhà cửa.
Nhưng con số thương vong do hội Chữ thập đỏ nước này ước tính lên tới hơn 1200 người.
Trong khi đó, hãng tin AP ngày 10/11 dẫn lời cảnh sát trưởng khu vực, ông Elmer Soria cho biết đã được tỉnh trưởng tỉnh Leyte tóm tắt tình hình trong tối muộn ngày 9/11. Theo đó chỉ riêng địa phương này đã có tới khoảng 10.000 người thiệt mạng, chủ yếu vì chết đuối và do nhà sập. Con số trên được vị tỉnh trưởng đưa ra dựa trên báo cáo từ các lãnh đạo địa phương nơi bão đi qua.
Ông Tecson Lim, người đứng đầu chính quyền thành phố Tacloban, thủ phủ của tỉnh Leyte cũng cho biết, riêng tại thành phố này số người chết "có thể tới 10.000 người". Khoảng 300 - 400 thi thể đã được tìm thấy, ông Lim cho biết thêm. Một lễ mai táng tập thể dự kiến sẽ được tổ chức tại thị trấn Palo.”(Theo DTO)
Giúp người dân Phi nhanh chóng khắc phục hậu quả bão Haiyan đang được các tổ chức, cộng đồng thế giới nhanh chóng thực hiện. Điều nầy là quan trọng trong lúc nầy nhưng từ những đau thương quá lớn do thiên tai gây ra cho người Phi nay mai sẽ tới người dân nước nào nữa?.
Động đất, bão, lũ... nói chung tai hoạ thiên nhiên đã là mối lo hàng ngàn năm... chứ không phải bây giờ song chưa có một giải pháp nào hữu hiệu để phòng hiệu quả (hay chí ít cũng giảm được thiệt hại trong trường hợp gặp phải).
Vấn đề không còn là của riêng một xóm làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố riêng lẻ của một quốc gia nữa rồi!.
Hy vọng vấn đề sẽ được quan tâm “toàn cầu” giống như chống các căn bệnh Aid, sốt rét, lao, ma tuý... thế giới đã và đang làm có kết quả ban đầu.
Trong tuần lễ qua miền Trung Việt Nam (VN) trong tâm trạng nơm nớp lo âu “đón” cơn bão Haiyan sau khi tàn phá nước Phi vượt biển Đông đi vào đất liền với nhiều tình huấn phức tạp.
Có lẽ đây là cơn bão sẽ được ghi vào “lịch sử thiên tai’ nước Việt với sự “may mắn” hiếm thấy!.
Nếu... Nếu đúng y dự báo cấp bão “siêu cấp” 14,15 – giật cấp 16, 17 (hết cấp) như thế miền Trung VN còn gì?.
Dĩ nhiên trước tình hình bão Haiyan cả nước đã dành cho miền Trung mọi sự hỗ trợ... Mọi cấp mọi ngành và chính người dân miền Trung “kiên cường” làm mọi việc trong điều kiện có thể để chèn chống nhà cửa, rong chặt cây xanh quanh vườn nhà, ven đường ngõ xóm.
Trong ngày 09/11/2013 ở Quảng Nam (QN) người dân ở đâu cũng như chuẩn bị đón “tết” tất cả hàng hoá thiết yếu (lương thực, thực phẩm: mì tôm, cá, thịt, rau..., vật liệu xây dựng: tôn, dây thép, đây cáp...) đã cạn hàng. (Chỉ mối một quán tạp hoá trung bình ở Gò Nổi lần đầu tiên bán trên 500 thùng mì tôm các loại trong một ngày – GN có nhiều quầy quán như vậy).
Đến tối lại hàng trăm hộ với hàng ngàn khẩu ở Gò Nổi – Điện Bàn, QN tạm thời đến các nhà có đổ sàn gác bê tông để tránh bão. Có một hộ tức tốc bay vào Sài Gòn. (Nghe nói QN có nhiều hộ cũng làm vậy, có hộ chọn cách đến khách sạn để tránh bão). Mọi người đặt sự an toàn của tính mạng con người lên trên tất cả “Còn người còn của mà!”.
Rất may bão đổi hướng không vào QN-ĐN.
Mọi vất vả mệt mỏi trong mấy ngày phòng bão được vơi đi ít nhiều nhưng bảo “thở phào nhẹ nhỏm” thi chưa! Ai ai cũng tỏ vẻ mừng khi thoát cơn hiểm hoạ tuy vậy trên nét mặt vui mừng ấy còn đó nỗi lo...
11 giờ 40 ngày 11/11/2013: Mạng di động Viettell nhắn tin dự báo trên ĐTDĐ: 2 giờ ngày 11/11/2013 Bão Haiyan đổ bộ vào vào Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cuối cùng tâm bão Haiyan là Quảng Ninh
Sau nhiều dự báo bão sẽ vào... nhưng cuối cùng bất ngờ Haiyan đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh (VN).
Từ 21 giờ ngày 10/11/2013 đến 3 giờ sáng 11/11 bão đã gây gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 ở Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long; gió cấp 7 giật cấp 8 ở Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên; các địa phương khác trong tỉnh gió cấp 6, giật cấp 7; Lượng mưa phổ biến dưới 50 mm, một số nơi dưới 100 mm.
Cột ăng ten phát thanh truyền hình tại Uông Bí (52 m) bị gãy đổ; đổ 5 nhà cấp 4; tốc mái 56 nhà cấp 4 và nhà tạm; 1 nhà bè tại Hạ Long bị sóng đánh chìm… hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mất điện.
Ước thiệt hại do bão Haiyan gây ra tại Quảng Ninh (VN) khoảng 50 tỷ đồng VN.”. (Báo Quảng Ninh).
Phi và Việt đang khắc phục hậu quả bão Haiyan thì một áp thấp nhiệt đới mới hiện đang hình thành dự báo trong vài ngày tới áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão mới đi vào biển Đông!.
Và...
( SAU BÃO HAIYAN -11/11/2013)

HÒA VĂN: Chỉ Sợ Bão...

Tạp văn





HÒA VĂN
" C hỉ sợ bão...”.
Tôi nghe câu nầy hồi còn nhỏ. Lớn lên ở thành phố có biết bão nhưng phố xá san sát nhà, nhà cũng tương đối vững chãi nên nghe bão biết bão... chứ chưa lo vì ít tận mắt thấy sự phá hoại khủng khiếp của bão...
Mà hình như mỗi năm bão mạnh thêm lên!.
Bão năm Thìn (1964) gió dữ lắm, nhà cửa vùng Gò Nổi –Điện Bàn, Quảng Nam xưa đâu bằng giờ cả xóm có dăm ba nhà ngói xây gạch (vữa vôi cộng nhựa trái bời lời) còn đa số là nhà tranh cột gốc tre, nhà khá hơn chút mới có dàn rường; trính; cột bằng gỗ.
Nhà cửa ngày xưa ở vùng hay có bão như Gò Nổi người ta thường làm thấp, kiểu dáng nhà cũng thích nghi với bão như hai mái hai chái, nhà ngói thì chần kỹ các đường rìa chu vi của mái ngói, đặc biệt lợp ngói âm dương thì không dễ gì gió bão tốc được, nhà tranh thì lợp mái tranh mè, gợp dày ken, đến khi sắp đến mùa mưa bão nhà nào cũng dùng bốn cây tre đực (lấy từ gốc tới ngọn) chằng chống bốn góc nhà, giống như “kiền bốn chân” vậy hỏi làm sao rục rịch!. Làm như vậy nên khi có bão nhà ngói chỉ xê cột đứng tán, nhà trang tre tốc mái là cùng không như nay hễ bão thì thiệt hại ghê gớm.
Bà con Gò Nổi “thích lũ” hơn bão. Vì “lý luận” nghe rất phải: “Bão to quá chịu chết, còn lụt lớn mấy cũng có thể vượt lụt được bằng cách đi tránh từ nơi thấp đến cao...”.
Ở Gò Nổi bây giờ nhà chăn nuôi gia súc gia cầm đều chuẩn bị khá tốt “nơi ăn chốn ở” cho trâu, bò, heo, gà do vậy lũ lụt đỡ sợ mất mác. Còn với con người và lương thực hầu như nhà nào cũng có gác lửng đến tháng Tám thu hoạch xong lúa thóc cái bán đã bán cái còn để ăn từ nay đến giáp hạt đã đưa lên gác, khi có lũ chỉ thêm một bếp ga cả nhà có cơm canh nóng hổi... nhiều khi hóng (hoặc mua) được cá sẽ có một bữa cơm không những no mà còn ngon đáo để!.
Còn bão... Thôi khỏi nói không biết “mô tê chi” nghe đài báo có bão thấp thỏm lo... không biết bão sẽ gây thiệt hại mức nào?.
Dự báo bão ngày càng “trúng” do vậy nhiều khi do báo “trúng” thành thử hay chủ quan. Bao giờ bão đi vô mình hẵng hay còn ở xa thì từ từ tính!.
Với lại có kinh nghiệm dăm ba cây bão đầu thường ra miền Bắc, khoảng giữa vô Trung cuối vụ bão vào Nam...
Kinh nghiệm nữa là nơi bão sắp đổ bộ vào thì ở vùng sắp có bão ấy trời quang mây tạnh mà trười quang mây tạnh chừng nào sẽ có bão to chừng nấy.
Có chủ quan trong phòng chống bão... (thiên tai)?.
Câu hỏi nầy khó trả lời chính xác vì năm nào ở mọi cấp từ chính quyền đến cơ quan đoàn thể... đều có đề ra các phương án phòng bão (nói chung phòng thiên tai bão, lũ,...). Nếu các cấp các ngành tổ chức thực hiện đầy đủ có trách nhiệm như phương án đã đề ra thì xin thưa là KHÔNG CHỦ QUAN.
Theo kinh nghiệm các phương án phòng bão... (thiên tai) chỉ mới là kế hoạch ban đầu còn các bước triển khai thực hiện xuống các khu dân cư, hộ gia đình mới là quan trọng ngoài ra không phải đến mùa bão mới phòng mà phải phòng từ xa nghĩa là làm mọi việc có thể làm trong điều kiện thời tiết nắng ráo (thường là từ tháng 6 hằng năm). Tuy nhiên căn cơ của phòng bão... với đối tượng nhà ở, cơ quan là nhà cửa, cơ quan (trường học...) phải được xây dựng kiên cố đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chịu đựng được gió bão ít nhất cấp 13,14... nếu không mọi sự chỉ ở trạng thái “nhờ trời”.
Mà “nhờ trời” trông chờ “sự có bão hay không” thì thiệt hại không lường trước nếu bão xảy ra.
Sống chung với lũ và chắc chắn phải tìm cách tốt nhất để sống chung với bão nữa!.
H.V

(Trước bão số 10 (2013) dự báo tối 30/09/2013 vào Hà Tĩnh-Quảng Trị)

MƯA... LŨ... BÃO





HÒA VĂN

Nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ ko(không) biết tạo hóa đã sinh ra những thú vui điều sung sướng rồi còn ráng chi cái khổ cái lo nữa.
Cứ lấy chuyện mưa gió bão bùng ra mà tán thì đã lắm việc cần tán... Lại có khi ngồi ngẫm nghĩ nếu trên đời nầy cái chi muốn là được, toàn là "như ý" thì thế giới có yên ổn?!. 
Bây giờ ngoài trời đang mưa. Ông bà nói trúng quá!. “Mưa như mưa lụt!”. Nghĩa là cái mưa lúc dầm dề lúc lây rây khi lại ầm ầm...
Mưa ầm ầm được gọi hình tượng dễ hiểu "mưa cầm chĩnh đổ". Chĩnh là vật dụng bằng sành ngày xưa hay dùng để muối dưa muối mắm - mùa nắng ráo làm dự trữ đến mưa - lụt – bão đem ra dùng - nước trong chĩnh mà đổ thì ko còn hột nào!. Mưa như rứa là mưa to lắm!. 
Giờ đường sá cái bê tông, cái láng nhựa, mưa mấy rồi cũng giống “nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt...” mưa xong nước ráo ngay. Ngày xa xưa ở Gò Nổi (GN) mình đường đất là chủ yếu, đất GN biết rồi -dẻo nhẹo- do toàn là đất tốt trong đất y có mỡ(!) nên hễ mưa đôi ba hôm nước thoát ko kịp người đi, (trâu, bò cũng đi nữa) một nửa ngày đôi bữa hầu hết các đường sá trong xóm ngoài làng đều nhảo nhẹt trơn lỉn...
 
Nhớ hồi còn nhỏ đi học trường làng... cảnh vở sách, áo quần lấm lem bùn đất là chuyện "thường ngày ở làng" cho nên cô thầy chia sẻ chứ ko la ko oánh. Ngày hai buổi đi đến trường lớp và về nhà cặp chưn đứa nào đứa nấy bùn bu bám một lớp láng trạnh như đang mang giày ống (ủng)!.
*
Không như giờ hở chút là xe với cộ. Trẻ mẫu giáo, lớp 1, 2... ngày hai buổi có phụ huynh đưa đón lớn lên lớp 3, 4... bắt đầu tự đi bằng xe đạp, đường sá đi lại thuận lợi trông mà ham. Nhiều khi ngồi nhìn các em tung tăn đến trường mà thương thương vô cùng cái cảnh các em tuổi 6X, 7X ngày xưa quá!. 
Mà xưa gì chỉ cách đây non ba chục năm. Các em ở Gò Nổi (trai & gái) ngày hai buổi lặn lội qua đò qua giang đi học cấp III ở trường Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn. Ngôi trường vừa kỷ niệm 55 năm ngày thành lập với bề dày thành tích đáng quý.
Các em ngày ấy giờ đã trên 45, 50 tuổi rồi!. Nhiều em (xin lỗi dùng từ em cho nó thân thương) trưởng thành là "ông nọ bà kia", có em trở thành GS, BS, KS ở trong và ngoài nước... Cô, thầy dạy các em giờ người nghỉ hưu, người ra đi biền biêt! tất cả với các em chỉ còn kỷ niệm "một thời dấu yêu ko dễ phai mờ trong tâm khảm". 
À quên... nói chuyện các em "cực" biết bao nhiêu khi đi học ở trường xa nhà hàng chục cây số chứ!. Có thể nói mục đích học cho có chữ là động cơ chủ yếu để các em chẳng ngại gian khó. Có em mang từng lon gạo nhúm khoai lang xuống ở trọ nhà người dân nơi gần trường mà đi học, có em ngày hai buổi cuốc bộ hàng chục cây số đến trường, khi đi đùm theo bất kể cái gì có ở nhà (cơm, khoai, sắn...) trưa ăn lót dạ học tiếp buổi chiều rồi tối mịt mới trở về nhà. Chuyện đi sớm về tối như cơm bữa!. Ngày nào cũng vậy làng xóm nhà ai nhà nấy đã đỏ đèn các em mới về tới nhà.
 
Đó là nắng ráo còn vào mùa mưa, đụng bữa như hôm nay mưa bão thì...
 
*
Bạn đang nghĩ gì?. Cứ kích chuột vào FB là mười bữa như chục đều thấy câu hỏi như vậy. Nói thiệt chuyện bạn đang nghĩ gì? là chuyện riêng tư - tế nhị - .... ko dễ ai cũng bộc bạch đúng nguyên xi điều đang nghĩ!.
Ko biết các bạn có đồng cảm ko nhỉ?.
Như những mẫu chuyện ko đầu ko cuối của Mưa... Lũ... Bão... bạn đang đọc là tỉ dụ. Chuyện ko hư cấu mà bảo thật 100% thì chưa đủ. Ko phải dối lòng đâu có điều xin để lại lưng vốn thôi!. 
Mời bạn xem tiếp...
Chuyện các em đi học sớm về tối như cơm bữa! Ngày nào cũng vậy làng xóm nhà ai nhà nấy đã đỏ đèn các em mới về tới nhà. 
Đó là nắng ráo còn vào mùa mưa, đụng bữa như hôm nay mưa bão thì...
 Thì... vô cùng chuyện... 
Thứ nhất nói ở nhà: Ba, mẹ. anh chị... lo. Cả ngày mưa như trút nước như thế lại thêm nghe tin có bão nữa ko lo sao được. 
Có lần mẹ rủ anh chị đi đón em. Kẻ trốn người tìm trong đêm mưa gió bão bùng thật ko dễ gì. Mấy bữa các em đi qua đò
 Cẩm Đồng về đường Bàu Lở về nhà, hôm nay lại đi ngã đò bà Sửu mà về thi làm sao gặp nhau được!. Cả hai (người đi đón và người đi học về) cùng về nhà một lượt bằng hai ngõ khác nhau cùng giống nhau “ướt như chuột lột”!. 
Thế mà về tới nhà là các em vui như chay!. Cười nói rộn ràng làm cho ngôi nhà đơn sơ vách làm bằng ván (thùng đạn 105 ly), mái tôn cũ đã rỉ sắt ngày xưa ấy ấm áp lạ!.
Bao chuyện vui ở trường lớp được các em kể lại... Nào là thầy Bé (Thầy đã quá vãng rồi!) giải bài toán quá hay!, cô M... đọc bài văn quá tuyêt!... Giờ ngồi nhớ lại trong khi ngoài trời đang mưa mỗi lúc một to, cơn bão Nari (bão số 11) đang áp sát vào Quảng Nam - Đà Nẵng khiến lòng tôi vừa tràn dâng bao niềm thương nhớ... vừa lo lo... 
21h 36’ 14/10/2013:
Dự báo bão 11- Nary, vô Quảng Nam-Đà Nẵng!.
* ĐN đang di dời 55 vạn dân đến nơi trú ẩn an toàn hơn, TV chiếu cảnh gió bão đã bắt đầu ở ven biển.
* QN trời đang mưa mỗi lúc một to, vùng ven biển Điện Dương, Điện Nam, Điện Ngọc, (Điện Bàn), Duy Thành, Duy Vinh,... (Duy Xuyên) đang đầu sóng ngọn gió!.
* Gò Nổi mưa... mưa lớn dần...
Tất cả chờ...
Ko biết tình hình ra sao?.
Bão là đáng sợ nhất!.
21 h59’ 14/10/2013
VTV Đà Nẵng, rồi báo mạng liên tục đưa tin cảnh báo "Báo Nari" VN gọi bão số 11 mỗi giờ mỗi áp sát bờ biển từ Đà Nẵng đến Hội An". "Đến giờ không còn dự báo nữa rồi, bão nó nhất định đổ bộ vào quê mình rồi!".
Ngồi trong phòng nhìn ra cửa kiếng thấy gió và mưa quần nhau như đang giận dữ "ai đó: điều gì!. Mong sao gió và bão và mưa... nhưng xin có điện. Nhớ lũ năm 2008 nửa đêm nước ngập đồng ngập xóm - nước mênh mông "chi xứa" - thế mà điện sáng trưng do vậy nhà nhà có điện trong lòng ai cũng thấy đỡ bớt sự lo lắng... Bây giờ bão chắc gì được như vậy. Bởi sức mạnh hung dữ của bão sẽ sang bằng tất cả nếu... trước đó không chủ động tùy điều kiện mà nâng cấp xây dựng ngày càng kiên cố các công trình thiết yếu như nhà ở, trường học, trạm xá,... điện lưới cũng vậy... Thời bây giờ mà chỉ "trông chờ vào sự hên xui..." thì có mà "chết"!.

* 4h00 15/10
 Chợp mắt được một chút rồi thức dậy tôi đứng trong nhà rọi đèn pin qua cửa kiếng nhìn ra ngoài sân cảnh vật tối om. Gió đã mạnh lên rất nhiều.
Điện tắt ngúm rồi!. Không rõ tắt vì lý do gì?. Lấy di động vào mạng... tin bão đang đổ bộ vào... được nhiều trang cập nhật có cả những bức ảnh chụp được khi gió bão làm cho hàng dừa ven biến Quảng Nam-Đà Nẵng đang cùng nhau múa vũ theo từng nhịp điệu của gió bão. Ở biển có cây dừa còn ở vùng nông thôn có cây cau. Hàng cau trước nhà cũng như hàng dừa ở biển đang hớn hỡ "vui đùa" cùng gió to. Có lúc cây cau cúi rạp xuống giống lưng người già cong cong...
* 6h00 15/10 Bão vô thực sự rồi. Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng phát sóng trên hệ thống FM liên tục cảnh báo duy nhất một câu dài đại ý "Bão số 11 đang ... đề nghị mọi người không ra ngoài đường...". Nói thiệt những cảnh báo như vậy là rất tốt nhưng khi nầy bao nhiêu người mở radio và nghe... Thôi nay đang chờ sự "bao dung" vốn có của đất trời. Bão vừa vừa... ít thiệt hại nhất là mừng!.

Chợt nhiện tôi lại nghĩ về Cẩm Phú, xã Điện Phong – Gò Nổi (Điện Bàn), nới có một gia đình (và cả xóm) rúng động trước cái "tang đáng thương" của anh Phạm Văn Quy. Hồi sáng ngày 14/10/2013 trong lúc chằng nhà phòng bão anh đã bị rơi từ mái nhà xuống nền đất chấn thương nặng - phần đầu, máu đổ ra hai tai - Dù được sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời nhưng anh đã từ trần. Trời đang bão đám tang anh Quy - thanh niên mới 31 tuổi có vợ 1 con nhỏ- chắc càng làm cho xóm dân cư ở khu vực gần chợ Phú Bông – Điện Phong thêm buồn bã... lo âu...
 
* 6h 15’ 15/10 Đài phát thanh FM ĐN thông báo bão đang hoành hành Hội An, nước sông Hoài dâng cao ngập đường Bạch Đằng mé sông. Bão vào Đà Nẵng... vào Quảng Nam thực sự rồi... 
Giờ tôi lại nhớ đến một câu chuyện về "Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá ở chùa Linh Ứng Đà Nẵng"....
*
Chưa nói có hay không, chỉ nên nghĩ đây là “mơ ước” mà mơ ước thì tốt thôi!.
“Từ năm xây xong chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng và Quảng Nam được Quan Thế Âm Bồ Tát độ trì cho nên hễ gió to bão lớn sẽ chuyển hướng hoặc tan ngoài biến khơi!.”.
Ai lại không muốn như thế phải không các bạn?.
Tuy nhiên mưa nắng lũ lụt bão bùng là quy luật tự nhiên của muôn đời. Thử tưởng tượng trời đừng mưa nắng và cả gió bão lũ lụt nữa trái đất sẽ ra sao?.
Sự yên lặng như vậy đáng lo đáng sợ gấp nhiều lần so với trời đất cứ diễn biến đúng như từ xưa nay. Vì mọi biến đổi về khí hậu suy cho cùng đó là dự báo một thảm hoạ mới nhiều khi còn nặng nề hơn!. “Biến đổi khí hậu” cụm từ nầy gần đây được nhắc đi nhắc lại với cảnh báo “trái đất nóng lên”- “nước biển dâng lên”...
Điều quan tâm và cần làm là “phải ra sức bảo vệ môi trường sống đúng quy luật thiên nhiên”.
* 7 h 00 15/10
Bão Nari được xác định, tâm bão ở Quảng Nam – Đà Nẵng, với sức gió giao động từ cấp10 đến cấp12. Bão còn ảnh hưởng tới tận Thừa Thiên - Huế. Bão đã vô rồi thì thiệt hại điều nầy khó tránh khỏi.
11 h 15/10
Bão ngớt. Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Tp Hội An (Quảng Nam) và cả Tp Đà Nẵng... nơi nào cũng báo nhà sụp, nhà tốc mái...
Cả tỉnh Quảng Nam và Tp Đà Nẵng có 3 người chết, 1 người mất tích, trên 5000 ngôi nhà, trường học, công trình công cộng bị hư hại, nhiều cây xanh, nhiều hoa màu cây ăn trái bị đốn ngã ngỗn ngang.
Cảnh tượng thật xơ xác đúng là “Như sau bão”.
Gò Nổi không ngoại lệ...
Ngày xưa kinh nghiệm sống chung với lụt, bão được áp dụng khá hữu ích ở hầu hết các khu dân cư thường hay có lụt bão như Quảng Nam-Đà Nẵng.

Thứ nhất nền nhà phải cao. Mức độ cao bao nhiêu tuỳ con đất kết hợp với lấy mốc một cơn lụt to nhất ở từng địa bàn từ đó sẽ đắp đất lên quá mức lụt cũ trên ba, bốn tấc. Do vậy đa phần nhà của nơi thấp trũng cao nghệu so với mặt đất bình thường. Để việc đi lại từ nhà ra ngõ thuận lợi thường thường nhiều nhà được đắp thêm sân thượng sân hạ, từ sân thượng lên nhà còn có tam cấp, ngủ cấp, cửu cấp (Mỗi cấp cách nhau khoảng 2 tấc).
 Phòng chống bão là một trong các tiêu chí được chú trọng khi thiết kế xây nhà. 
Nhà tranh tre theo kiểu hai mái hai chái dục, kèo đôi, tranh lợp mè gợp ken dày, cột là gốc tre chôn sâu cả thước nện chặt đất. Nhà thâm thấp vách đất hoặc dừng phên kín mít...

Nhà ngói tuy ko có vật liệu như bây giờ chỉ vôi với nhựa trái bời lời xây gạch hai mươi (phân) bờ tường dày trục nên có độ vững chãi cao. Nhà xây thấp mái ngói âm dương theo kiểu hai mái hai chái có tác dụng phòng bão khá tốt. Kiểu nhà như thế giờ còn lại ko nhiều được gọi là nhà cổ (Xem ảnh minh hoạ).
 
Ngoài nhà ở nơi chăn nuôi gia súc gia cầm cũng được làm chu đáo đảm bão tránh được lụt và bão.
 

Về sau khi xây các cơ ngơi đẹp hơn vật liệu tốt hơn nhưng người ta hay “quên” những kinh nghiệm mà trải qua nhiều thế hệ sống chung với lụt bão ông cha ta mới tích luỹ được!. Khiến cho cứ lụt và bão thì ko nhiều thì ít nhất định có thiệt hại nghìn nghìn tỷ đồng (VN)...
 
Bão Nari (bão số 11) năm 2013 là một cây bão có thời gian kỷ lục trước nay kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, với gió cấp 10, cấp 12.... Gò Nổi có hàng trăm... ngôi nhà bị tốc mái trong đó rất nhiều nhà tốc mái 100%.
Nhiều cây trong vườn nhà gãy đổ, cảnh quan sau bão thật “xơ xác!”.
Bão đi qua để lại nhiều điều cần suy nghĩ.
Đi đôi với nỗ lực khắc phục nhanh nhất hậu quả thiệt hại do bão gây ra, trong điều kiện hiện nay làm sao Quảng Nam-Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam nghĩ cách “sống chung với Mưa... Lũ... Bão..." về lâu về dài... 

H.V

Truyện ngắn HÒA VĂN: PHÍA TRƯỚC LÀ GÌ?



HÒA VĂN

1.
"Phía trước là gì?".
Câu hỏi nầy lặp đi lặp lại trong đầu bà Chánh Xinh. Gọi bà Chánh vì bà là chánh thất của ông Chánh tổng Thượng, một chức sắc thuộc triều đình ngày xưa làm nhiệm vụ coi sóc một tổng. So với quan tứ trụ ở kinh diên thì chẳng đâu vào đâu nhưng đem đặt ở làng; ở phủ và ở tổng thì to lắm. Vợ của Chánh tổng đương nhiên được bàn dân thiên hạ kêu bà Chánh. Xinh là tên con gái cả của bà chứ không phải tên tục, tức là tên cha mẹ đặt khi đầy tháng. Tới giờ chính bà Chánh không nhớ nỗi cái tục danh ấy nữa mà nhớ làm chi khi đã có cái tên Chánh Xinh vừa hay vừa đầy uy lực!.
Mỗi khi ngồi với các bà cùng cảnh ngộ bà Chánh Xinh (về sau gọi bà Chánh) hay nói chuyện xưa tích cũ, những câu chuyện nói như bà Sung, bà Nong nghe bất thuộc làu làu thế mà mỗi lượt cất tiếng bắt đầu kể chẳng ai bảo thôi do vậy bà cứ thản nhiên kể, kể một cách say sưa như mới lần đầu tiên.
Chuyện thứ nhất, nhà cửa. Ối thiên địa giờ đang ở nơi không có cái chi là riêng tư, ngay đến đôi đũa cái chén ăn cơm hễ ai đến chạn chén trước thì chọn cái lành lặn, đôi bằng nhau còn khi chậm một chút còn chi dùng nấy. Bà Chánh thường ở vào trường hợp thứ hai bởi so với các cụ cùng phòng bà thuộc kẻ cả, tuổi đã trên chín tư hơn những cụ khác đến mấy chục tuổi, gần đây thêm chứng thấp khớp đi chậm chạp cũng khó khăn làm sao nhanh cho được. Bà không tỏ vẻ buồn bực hay tránh móc điều chi dù thua thiệt.
Bà Chánh tằng hắng xong tả cái nhà mà không phải nói chính xác cái dinh thự mới đúng. Nó được xây ba mặt mỗi mặt ngó một hướng theo đúng phép phong thuỷ của ông thầy Chệt từ phố Hội tới xem đặt la bàn, cắm mốc, ra thước ra tấc lỗ bang mỗi mặt một chữ đày cao vọng ở tương lai như Đăng khoa, Tài, Lộc. Ngôi dinh thự nó uy nghi tráng lệ (chữ của chính là Chánh dùng) nằm ở giữa khu vườn rộng trên năm sào đất mà đất thuộc loại nhất thổ cư. Chỉ mấy năm sau khu vườn sum sê cây trái hoa kiểng. Cây nào cây nấy đều là hàng độc tứ phương, nhiều cổ thụ xếp hạng danh mộc được đưa về từ núi rừng xa xôi cách trở, qua tay “nghệ nhân” chăm chút sửa sang cẩn thận không mấy ngày đã đẹp lắm và chễm chệ chiếm hữu nhiều khoảng đất rộng toả bóng mát rượi mùa hè nam nóng mà cột võng bên gốc cây đánh một giấc ngủ trưa có chi sướng bằng. Bà Chánh nói úp úp mở mở có vẻ thích chí mọi thứ ở nhà bà một là lễ vật được cung phụng nhân những dịp Tết nhất, tiệc tùng, hai là do chính ông Chánh mua rẻ hoặc tiếng là mua nhưng như cho của người cần cầu cạnh điều chi đó liên quan đến lộc và lợi!. Ngay như cái tủ thờ, bộ ván gõ, đến cái gường nằm cũng vậy cái nào cũng kính biếu cũng đền ơn cũng tình cũng nghĩa cả!.
Bà Chánh thường nói, chừ tệ quá chứ hồi trước... Ý bà nói sự cúc cung tận tuỵ từ lời thưa tiếng gởi đến cử chỉ của nhiều kẻ ăn người ở trong nhà và cả người nghèo khó cùng đinh đến hạng mua chức mua sắc.
Ngược với bà Chánh, bà Nong, bà Sung có số phận hẩm hiu từ lúc lọt lòng mẹ đến khi già cả, nói như cách nói của dân gian “nghèo rớt mồng tơi!”.
Được cái hai bà có cách sống ung dung tự tại, ngày ngày thường chú tâm niệm Phật mong mỏi đời sau sanh đặng số tốt hơn. Hai bà như cặp bài trùng, thương nhau lắm!.
Bà Sung không có chồng không con cái đã đành còn bà Nong có con có cái nghe phong phanh không đến nỗi chi mà chúng nó ăn tro mò trấu làm răng không biết để bà... Hôm thằng con chở bà đến đây nghe nói chỉ gởi đâu mấy tháng để vợ nó đi Tây tu nghiệp ngành... Thế mà tới chừ đã tròn năm không ai bén mảng.
Bà Nong hay nói:
“Ở đây mà sướng!”.
Không biết trúng hay sai. Thấy bà chẳng buồn lúc nào nên coi là trúng.
Chuyện thứ... Bà Chánh kể na ná tình cảnh bà Nong có điều nó không đơn giản. Nó liên quan đến tiền bạc, gia sản rõ là đời trăm nẻo chẳng biết đâu mà lường...
Ngày... tháng... năm... cách đây hai chục năm, trên tay bà Chánh có tiền tỷ tỷ đồng thời có cả ba dãy nhà mặt tiền ở thành phố X, mỗi dãy chiếm gần ba bốn trăm mét đường.
Khuynh người con út của bà Chánh đang ở Mỹ, hai cô con gái lấy chồng ở Hàn, Huyên con trai thứ tư ở trong nước nhưng có cũng như không vì là con nghiện chất trắng hạng nặng. Chính đứa con trai thứ tư nầy châm ngòi cho sự xuống dốc của nhà bà Chánh.
Cách ngày... tháng... năm... gần bảy năm sau đó Khuynh về cưới vợ rất đình đám đến nỗi tới giờ thiên hạ còn nhớ và chưa có ai qua mặt cái cách ném tiền qua cửa mà vợ chồng Khuynh đã làm.
Hồi ấy chưa có tiền tỷ tỷ như bây giờ, nói thế không phải không ít tiền, tệ cũng tiền triệu trở lên (Gía trị tiền triệu lớn lắm!).
Khuynh nói:
“Tiếng con ông Chánh tổng vang bóng một thời nay cũng hàng cự phách trong kinh doanh làm ăn chứ kém cỏi đâu? Nên mẹ đừng lo sau cưới xong vợ chồng con trở lại bên đó làm ra tiền ra của trở lại ngay!”.
Cô vợ thêm vào:
“Chồng con nói đúng đó, thưa mẹ!”.
Bà Chánh tuy có phần không ưng bụng nhưng nghĩ:
“Chả thấm tháp chi mà tính!”.
Nhà hàng to nhất ở thành phố X nầy được chọn làm nơi đãi đằng hàng ngàn khách khứa, trên năm chục chiếc xe Ford, xe Mercedes rước và đưa dâu từ phố Y đến thành phố X.
Mùa cưới đụng tháng mười trước ngày hai mươi ba năm bữa, gặp năm thuận trời những cơn mưa như cầm chĩnh đổ nghĩa là mưa lớn và dữ dội lắm, nó trút xuống nhiều nhất đúng ngày Khuynh đám cưới. Để khỏi lỡ việc trọng đại của một đời người Khuynh huy động tất cả xe cộ lớn nhỏ trong hai thành phố liền kề nhau xử dụng vào việc đưa đón khách mời từ nơi gần đến nơi xa về dự đám cưới.
Cả thành phố lúc này y như của nhà Khuynh. Đi đâu cũng gặp song hỷ Khuynh- Lài (Lài tên cô dâu). Đi đâu thiên hạ cũng bàn ra tán vào đám cưới to quá cỡ!.
Bà Chánh ngồi than ngắn thở dài. Một năm sau buổi đình đám vợ chồng Khuynh không những làm ăn thất bát, hảng nước mắm mang tên “Đông” sản phẩm có thương hiệu hàng mấy trăm năm ở trong nước được Khuynh gầy dựng lúc đầu được người tiêu dùng ưa thích Công ty mước mắm Đông Phát Đạt lớn mạnh. Đùng một ngày qua kiểm nghiệm phát hiện có hoá chất gây hại đến sức khoẻ con người. Pháp luật vào cuộc tán gia bại sản bởi ngoài đình chỉ sản xuất vợ chồng Khuynh còn bồi thường cho người tiêu dùng hàng triệu đô la. Khuynh viết thư về cầu cứu mẹ!.
Tôi có đứa cháu gái, người mua trọn hai trong ba dãy nhà của bà Chánh. Là một doanh nghiệp đương thời kể:
“Trông người mà ngẫm đến ta!”.
Một nhà giàu có nức tiếng ở thành phố X này mà khi ông Chánh mất sau ngày giáp năm không có nơi chốn để thờ tự!. Bà Chánh kê chiếc bàn con sát tường trong căn phòng nhỏ hẹp đặt bức chân dung ông tạm gọi là cho có nơi ngày rằm mồng một thắp cây hương tưởng nhớ!.
Toàn bộ gia sản tiền ngàn... ngàn... tỷ tỷ... trôi qua biển Thái Bình Dương đến nước Mỹ cũng không đủ số tiền toà án tuyên vợ chồng Khuynh phải bồi thường. Mà ngoài bồi thường còn phải chịu cảnh lao lý một thời gian!.
Bà Chánh không kể đoạn nầy với các bà đang sống ở nhà dưỡng lão Nhơn Bổn, nhưng ai cũng biết!.
Phía trước của bà Chánh là gì?.
Câu hỏi nhức nhối không dễ trả lời.
Bà Chánh đang nóng ruột nóng gan chờ tin con..
2.
Bệnh viện tư nhân mang tên Nhân Ái mới xây xong ở ngoại ô thành phố X được các phương tiện thông tin báo, đài quảng cáo là cơ sở khám chữa bệnh hiện đại nhất khu vực với đầy đủ tất cả các trang thiết bị y tế sẵn sàng khám điều trị mọi chứng bệnh từ A đến Z đặc biệt đội ngũ thầy thuốc rồi hộ lý luôn luôn niềm nở chăm sóc người bệnh từ khi nhập viện cho đến khi ra viện. Câu cuối của quảng cáo nhấn mạnh giá rẻ bất ngờ!.
Kha Kha cô con gái của nhà doanh nghiệp là cháu tôi thuật lại như thế với má nó bởi sáng ngày hôm qua Kha Kha cùng đoàn sinh viên Y năm cuối được Ban giám đốc bệnh viện mời đến tham quan trước là tỏ nhã ý quan tâm đến những bác sĩ tương lai thứ đến mong có người giỏi khi ra trường về đây công tác.
Chuyến đi thăm bệnh viện Nhân Ái trở thành một dịp Kha Kha và các bạn trỗ tài cấp cứu bệnh nhân.
Kha Kha:
“Ông biết Nhà dưỡng lão Nhơn Bổn?”.
“Biết!”.
Tôi vừa gật đầu vừa trả lời câu hỏi của Kha Kha và hỏi lại:
“Có gì à?”.
“Dạ! Gần như hầu hết các cụ ông cụ bà ở nhà dưỡng lão cùng bị ngộ độc thức ăn từ món cháo thịt heo nạc bằm do một người làm từ thiện nấu, chở đến tận nơi và trực tiếp phân phối cho các cụ điểm tâm buổi sáng."
Cô bác sĩ tương lai kể vụ ngộ độc hy hữu nầy đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân, có điều nạn nhân là người cao tuổi vậy nên trông ai cũng rất nguy cấp. Sau cấp cứu đến gần trưa tình hình khá dần chỉ còn bảy cụ cần phải nằm viện tiếp tục theo dõi điều trị, trong đó có bà Chánh, bà Sung và bà Nong, bà Nong và bà Chánh căng nhất theo bác sĩ điều trị nếu tình trạng tim mạch, huyết áp không khá lên thì căng lắm!. Hiện thời hai bà đang được duy trì sự sống nhờ hệ thống máy thở oxy.
Ban giám đốc nhà dưỡng lão Nhơn Bổn chạy xuôi chạy ngược lo lắng mà làm sao bây giờ...
Vợ chồng Tiên lái xe từ Sài Gòn về đến nhà dưỡng lão Nhơn Bổn mất gần một ngày một đêm. Tới nơi mới rõ cớ sự, cả vợ liền chồng điếng người.
Chuyện vỡ lẽ cái ngày Tiên chở bà Nong đến đây "gởi" nói là để cho vợ đi tu nghiệp chỉ là nói dối để bà không biết một sự thật phủ phàng đứa con dâu của bà hồi đó cô M dính vụ ngoại tình công sở mà người đàn ông trưởng phòng nhân sự không ai xa lạ chính là cháu kêu bà bằng cô!. Sau vụ đó Tiên tím mặt nhưng còn đứa con gái lên bảy, thương con và cũng chính thương bản thân, Tiên ngậm bồ hòn làm ngọt nén nỗi đau thấu ruột gan, xử trí một cách êm thấm.... để giữ “thanh danh” cho con!. Hơn nửa năm sau
Tiên và M thuận tình ly hôn trước sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè. Tiên bỏ đi vô Nam...
Liên vợ của Tiên giục chồng nhanh chóng đến bệnh viện Nhân Ái.
Là bác sĩ, Liên vừa đến nơi vội vàng gặp Giám đốc bệnh viện xin được phép tham gia cứu mẹ!.
2.
Bệnh viện tư nhân mang tên Nhân Ái mới xây xong ở ngoại ô thành phố X được các phương tiện thông tin báo, đài quảng cáo là cơ sở khám chữa bệnh hiện đại nhất khu vực với đầy đủ tất cả các trang thiết bị y tế sẵn sàng khám điều trị mọi chứng bệnh từ A đến Z đặc biệt đội ngũ thầy thuốc rồi hộ lý luôn luôn niềm nở chăm sóc người bệnh từ khi nhập viện cho đến khi ra viện. Câu cuối của quảng cáo nhấn mạnh giá rẻ bất ngờ!.
Kha Kha cô con gái của nhà doanh nghiệp là cháu tôi thuật lại như thế với má nó bởi sáng ngày hôm qua Kha Kha cùng đoàn sinh viên Y khoa năm cuối được Ban giám đốc bệnh viện mời đến tham quan trước là tỏ nhã ý quan tâm đến những bác sĩ tương lai thứ đến mong có người giỏi khi ra trường về đây công tác.
Chuyến đi thăm bệnh viện Nhân Ái trở thành một dịp Kha Kha và các bạn trỗ tài cấp cứu bệnh nhân.
Kha Kha:
“Ông biết Nhà dưỡng lão Nhơn Bổn?”.
“Biết!”.
Tôi vừa gật đầu vừa trả lời câu hỏi của Kha Kha và hỏi lại:
“Có gì à?”.
“Dạ! Gần như hầu hết các cụ ông cụ bà ở nhà dưỡng lão cùng bị ngộ độc thức ăn từ món cháo thịt heo nạc bằm do một người làm từ thiện nấu, chở đến tận nơi và trực tiếp phân phối cho các cụ điểm tâm buổi sáng."
Cô bác sĩ tương lai kể vụ ngộ độc hy hữu nầy đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân, có điều nạn nhân là người cao tuổi vậy nên trông ai cũng rất nguy cấp. Sau cấp cứu đến gần trưa tình hình khá dần chỉ còn bảy cụ cần phải nằm viện tiếp tục theo dõi điều trị, trong đó có bà Chánh, bà Sung và bà Nong. Bà Nong và bà Chánh nặng nhất theo bác sĩ điều trị nếu tình trạng tim mạch, huyết áp không khá lên thì căng lắm!. Hiện thời hai bà đang được duy trì sự sống nhờ hệ thống máy thở oxy.
Ban giám đốc nhà dưỡng lão Nhơn Bổn chạy xuôi chạy ngược lo lắng mà làm sao bây giờ...
Vợ chồng Tiên lái xe từ Sài Gòn về đến nhà dưỡng lão Nhơn Bổn mất gần một ngày một đêm. Tới nơi mới rõ cớ sự, cả vợ liền chồng điếng người.
Chuyện vỡ lẽ cái ngày Tiên chở bà Nong đến đây "gởi" nói là để cho vợ đi tu nghiệp chỉ là nói dối để bà không biết một sự thật phủ phàng đứa con dâu của bà hồi đó cô M dính vụ ngoại tình công sở mà người đàn ông trưởng phòng nhân sự không ai xa lạ chính là cháu kêu bà bằng cô!. Sau vụ đó Tiên tím mặt nhưng còn đứa con gái lên bảy, thương con và cũng chính thương bản thân, Tiên ngậm bồ hòn làm ngọt nén nỗi đau thấu ruột gan, xử trí một cách êm thấm.... để giữ “thanh danh” cho con!. Hơn nửa năm sau Tiên và M thuận tình ly hôn trước sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè. Tiên bỏ đi vô Nam...
Liên vợ của Tiên giục chồng nhanh chóng đến bệnh viện Nhân Ái.
Là bác sĩ, Liên vừa đến nơi vội vàng gặp giám đốc bệnh viện xin được phép tham gia cứu mẹ!.
Trên một tiếng đồng hồ hội chẩn các bác sĩ Khoa cấp cứu bệnh viện Nhân Ái nhất trí bằng mọi phương cách “Còn nước còn tát”.
Bác sĩ Liên được Khoa mời tham gia hội chẩn bình tĩnh trình bày hướng xử lý tình huống theo phát đồ mới nhất mà đã có một lần ở nơi công tác bác sĩ Liên cùng các bác sĩ ở Trung tâm y tế quận Bình Tâm, từng xử lý thành công một ca bệnh như vậy. Các bác sĩ yêu cầu bác sĩ Liên ghi ra giấy.
Phát đồ cấp cứu được bác sĩ Liên ghi một cách nhanh chóng chính xác, xem xong các bác sĩ dự họp nói “Đồng ý” và ghi vào biên bản... thực hiện.
Không biết có ai đã qua một lần thập tử nhất sinh chưa?. Ví dụ như bị đuối nước chẳng hạn!.
Tôi xin kể câu chuyện: Một lần đi theo anh bạn trổ nước tưới cây bắp, tôi chủ ý cùng anh bạn cho nước từ quanh bờ đất thổ lần lượt vào trong. Nước đến đâu dế, trùn,... chạy tán loạn, từ hàng bắp bị nước ngập đến nơi cao ráo. Rốt cuộc sau trên hai giờ trổ nước tưới, chỉ còn đôi ba hàng còn khô ráo, ở trên đó hàng mấy chục con dế, con trùn đang ở đường cùng chạy quanh chạy quẩn và khi nước chảy tràn ngập hết hàng đất cuối cùng chịu “chết!”.
Đến con dế con trùn mà không bao giờ chấp nhập sự chết một cách dễ dàng huống hồ chi con người!. Hồi tôi bị đuối nước, trước giây phút “chết” tới nơi, tôi quằn quại đớn đau vô cùng!. Tự trách mình sao quá dại không nghe lời mẹ dặn “Con đừng bao giờ tắm sông!”. Rồi như cuộn phim chiếu chậm tôi thấy mẹ thấy cha, thấy em rõ mồn một... và cả bạn bè... nữa. May mà hồi ấy Lộc bạn học cùng lớp đã cứu tôi thoát chết trong gang tấc!.
Bà Nong nằm bất động. Các y bác sĩ hết thăm khám đo huyết áp, kẹp mạch lại ghi ghi chép vào bệnh án. Hầu như mọi loại thuốc men hiện có tại bệnh viện đều được chỉ định xử dụng cho ca cấp cứu đặc biệt nầy.
Ông giám đốc Sở Y tế thành phố đến thăm và nói:
“Các anh Nhân Ái cứ lo hết mình. Có gì cần điện tôi chi viện!”.
Bác sĩ Liên cô con dâu lần đầu tiên gặp mẹ chồng trong tình cảnh hết sức oái oăm. Chắc không có nàng dâu nào trên trái đất nầy lại gặp một trường hợp tương tự, giờ đầu óc vừa xúc động vừa rối beng như xác xả tằm. Cô vô cùng lo lắng... rất may cách mà cô đề xuất để cứu mẹ chồng đang từng bước có hiệu quả. Bà Nong rục rịch. Tiên nãy giờ ngồi bên mẹ, anh như người có xác không hồn!. Mặt mũi tái ngắt không còn chút máu nào!.
Phía gường bệnh bên kia cũng với phát đồ điều trị như bà Nong, bà Chánh đã tỉnh dậy cách đây hai mươi phút. Khiến cho mọi người thêm hy vọng...
“Tiên ơi! Cứu mẹ!”.
“Con ơi! Cứu mẹ!”.
“Tiên ơi! Cứu mẹ!”.
Bà Nong gọi liên hồi!. Thật ra chỉ gọi trong tâm tưởng thôi chứ hàm miệng bà còn cứng ngắt. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh bà Nong dành tất cả tình yêu thương cho đứa con trai độc nhất của bà, bà không bao giờ có một lời than oán chi cả!.
Trời tháng chạp giáp Tết Nguyên Đán lạ thật chẳng chịu tạnh ráo. Những cơn mưa đầu Xuân không đổ xuống ầm ầm như mưa mùa Đông nhưng cũng không mưa lất phất như mọi năm. Mưa và gió từng hồi khiến cảnh vật trông buồn quá. Những cây tùng trồng ngay hàng thẳng lối dọc hành lang trước phòng cấp cứu được cắt tỉa hình bầu dục bình thường trông đẹp thế giờ đạng bị gió thổi mạnh nghiêng qua ngã lại tơi tả. Các chậu hoa cúc, hoa hướng dương đang làm nụ, có nụ chớm chớm nở... thế mà trong cơn mưa gió chẳng còn gì vẻ đẹp đẽ thanh thoát vốn có.
Tiên và Liên cả hai ngồi im hình như từ sáng đến giờ chưa cơm nước gì mà sao bụng dạ cứ nặng trịch. Bác sĩ Tân giám đốc bệnh viên Nhân Ái đến ngồi bên vợ chồng Tiên.
“Anh chị là...”.
Không để bác sĩ Tân nói hết câu, bác sĩ Liên trả lời ngay nhưng cũng chỉ biết lí nhí “Dạ!, Dạ!”.
Bác sĩ Tân nói:
“Ba tôi cùng hai cụ cao niên ở chỗ tôi ở thường hay lui tới thăm viếng nhà dưỡng lão Nhơn Bổn. Ông kể ở đó cuộc sống thường ngày của các cụ tội lắm! Thiếu vật chất không nói thiếu vắng mặt tinh thần là không có gì bù đắp nỗi!. Ba tôi rủ Chủ Nhật tới đi với ổng sẽ cảm nhận rõ hơn.”.
Tiên như người mất hồn, ngồi nghe bác sĩ Tân nói chuyện lòng đau đớn quá!.
Bác sĩ Tân kể tiếp thật ra vụ ngộ độc sáng nay là độc nhất vô nhị, từ rất lâu rồi bên cạnh kinh phí thành phố chi, nhà dưỡng lão tồn tại chủ yếu nhờ các nhà Mạnh thường quân, các nhà từ thiện. Họ đến với các cụ tất cả vì tình con người với con người không chút vị lợi cho nên chuyện bà Hân ở quận 3 gây ra ngộ độc thực phẩm nhất định là ngoài ý muốn. Nguyên nhân ban đầu theo Trung tâm y tế dự phòng cho biết do trong thịt heo nạc còn dư độc tố tăng trọng tạo nạc, một vấn nạn làm các nhà quản lý đau đầu họ đang kiên quyết truy tìm và xử lý tận gốc.
Tiên hiểu rất rõ việc bác sĩ Tân nói nên trả lời:
“Dạ! Tôi biết!”.
Bác sĩ Liên thêm vào: “Dạ! Ở mình bác sĩ có gặp trường hợp nào như...”.
Bác sĩ Liên định nói “Như mẹ tôi chưa?”. Nhưng dừng lại.
Bác sĩ Tân hiểu ý:
“Chưa đây là lần đầu tiên!”.
Rồi đứng dậy lấy ống nghe chập chập vào ngực bà Nong, đột nhiên đôi mắt bà Nong hé hé mở. Bác sĩ Tân nói như reo:
“Cụ tỉnh lại rồi!”.
Vợ chồng Tiên đứng bật dậy ôm chầm lấy mẹ mừng lắm!. Mà lặng thinh.
Sáng ngày hôm sau bà Chánh bà Nong dậy sớm như thường lệ, trong khi Tiên và Liên còn đang nằm ngủ ngon lành trên một chiếc giường trống người bệnh cùng phòng.
Hai bà tâm sự với nhau mình mới thoát cái chết trong gang tấc.
Bà Nong chằm chằm nhìn Tiên, nói:
“Con trai tôi đó!”.
Kết
Từ lúc bà Nong đi đến giờ căn phòng ở nhà dưỡng lão Nhơn Bổn này trở nên vắng vẻ, trống trải một cách kỳ lạ. Bà Chánh trước đây cả ngày nói bu lu bù loa trăm chuyện, chuyện nọ chưa dứt xọ chuyện kia liền tay nay hay ngồi thẫn thờ nhìn ra cái sân rộng sắp đặt nhiều loại cây kiểng, cây thế xanh tươi mát mẻ thế mà trong lòng nóng tựa hơ lửa. Bà Chánh sè sẹ đứng dậy chầm chậm rời khỏi căn phòng buồn tẻ định sang nói chuyện với bà Sung một chút có khá hơn không!.
Cách đây mấy hôm Khuynh con trai bà Chánh gởi thư về báo tin từ ngày thi hành xong án "làm hàng kém phẩm chất ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng" đến nay trên mười năm mà anh chưa tìm được công việc gì ra hồn để làm. Cốt làm cho khuây khoả thôi cũng chẳng có ai tiếp nhận. Anh nói bên nước họ ngó dễ thế nhưng không phải vậy, ai mà vi phạm điều gì liên quan đến tính trung thực một lần thôi coi như đi tong... đúng là “Một lần thất tín vạn lần thất tin!”. Vợ anh một tay lăn lộn trong cơ chế thị trường đúng là thị trường nên vất vả lắm mới có đủ tiền cho hai vợ chồng và hai đứa con đang tuổi ăn học tàm tạm sống qua ngày giữa thời buổi kinh tế suy thoái... Anh nói trăm lần ngàn lần tạ lỗi mẹ. Anh viết: “Chỉ hình dung mẹ thui thủi ở nhà dưỡng lão thiếu mọi điều kiện sinh hoạt, tuổi mẹ lại cao rày đau mai ốm không có con cháu bên cạnh chăm nom là con khóc!”. Đoạn nầy bà nhờ cô bé Ti Thi nhà ở phía trước nhà dưỡng lão chạy qua chơi đọc giùm, đọc tới đó bà Chánh nói thôi biết thêm buồn chứ ích chi. Bà trông mong hai đứa cháu nội mai sau khôn lớn học hành nên danh nên phận làm ăn tốt là mừng. Còn lớp con như thằng Khuynh như thằng Huyên và cả hai cô con gái ở xứ Hàn nữa có như không, cái thân lo chẳng xong mà sức đâu lo cho ai. Thôi kể làm gì nữa!. Thật là số phận nghiệt ngã bám riết nhà bà Chánh từ ngày ông Chánh đi theo ông theo bà tới giờ!. May mà có nhà dưỡng lão... chứ không chẳng biết đi đâu về đâu?.
“Bà Sung ngó vậy mà sướng”.
Bà Chánh lẩm bẩm không để bà Sung nghe, thế mà bà Sung có linh tính nói ngay:
“Thôi đừng phân bì tôi nghe!”.
“Cớ chi mà phân bì phân bà?”.
“Thì... “.
Bà Sung định nói toạc móng heo rằng “Con nợ, chồng oan gia, cửa nhà bán hết ra thân ăn mày!” nhưng kịp dừng lại. Bà Sung cười hà hà, kiểu cười móm rọm cái miệng, thiệt tội!.
Rồi nói:
“Mai thuê xe thồ tôi với bà đi chùa Linh Ứng được không?”.
“Ừ! Tôi có mệt nhưng cố gắng đi, may mà có Phật độ trì chứ không tôi đã xanh cỏ hơn trăm ngày rồi!”.
Mới đó mà đã qua tháng hai âm lịch rồi nếu mà nay ở quê bà Chánh một trong các tay chủ chốt lo tính mâm cao cổ đầy trong các đám Thanh Minh chạp mả ở tộc họ, lễ Kỳ Yên ở đình làng. Giờ thì muốn cũng không được "Lão giả an chi" một phần; một phần khác tiền bạc đâu mà đóng mà góp như xưa!.
“Cái thân già đây còn phải sống cậy nhờ của thiên hạ”.
Bà Chánh lại lẩm bẩm!.
Anh bưu điện đứng ngoài cổng nói với vào:
“Có bà Chánh bà Sung ở trong đó không? Nhận thư!”.
Nói là nói như vậy nhưng anh bưu điện dựng xong chiếc xe Honda dưới bóng cây dừa đã đi vô tận nơi bà Chánh đang ngồi với bà Sung phía sau căn phòng hóng gió mát đưa phong thư.
Bà Sung hỏi:
“Của ai rứa?”.
Anh bưu điện nhanh nhảu trả lời:
“Bà Nong gởi!”.
Cô bé Ti Thi học lớp bảy đọc thư từng chữ từng câu có ca có nhịp khá rành mạch. Hai bà bạn cũ của bà Nong nghe mà mừng. Từ ngày cô con dâu vợ anh Tiên con trai bà nhất định “Mẹ có không muốn vợ chồng con cũng mời mẹ đi Sài Gòn ở với con với cháu”. Sau vụ suýt quy tiên đến nay bà Nong thoát được cảnh sống "cô quạnh" rồi.
Người ta nói đúng thật “Dâu hiền con gái”. Bác sĩ Liên con nhà gia giáo nền nếp gốc gác miền Trung đã ba thế hệ ở sống ở đất Sài Gòn vẫn gìn giữ trọn vẹn lễ nghĩa đạo làm người. Bà Nong giờ được phụng dưỡng đầy đủ an vui tuổi già nên có da có thịt khoẻ mạnh hơn trước nhiều.
Cuối thư bà Nong cho biết:
“Lá thư nầy là do tôi đọc cho cô dâu viết hai bà thấy được không?. Hai bà nhớ chịu khó ráng ăn uống nhiều hơn một chút nữa nghe. Chứ cứ như mấy khi thì... dễ sinh bệnh tật thêm khổ thân.
À quên! con dâu tôi nay mai sinh con trai đầu lòng. Tôi sắp có cháu nội bồng ẵm rồi!.
Bà Nong - Địa chỉ: nhà số:... đường... quận Bình Tân, Sài Gòn - ĐT: 090535709...”./. (*)

H.V

(*): CÁC CHI TIẾT TRONG TRUYỆN NGẮN NẾU CÓ SỰ TRÙNG LẶP VỚI NGOÀI ĐỜI SỐNG LÀ NGOÀI Ý MUỐN CỦA TÁC GIẢ. (HÒA VĂN)





(NOEL 13)