Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

HÒA VĂN: Chỉ Sợ Bão...

Tạp văn





HÒA VĂN
" C hỉ sợ bão...”.
Tôi nghe câu nầy hồi còn nhỏ. Lớn lên ở thành phố có biết bão nhưng phố xá san sát nhà, nhà cũng tương đối vững chãi nên nghe bão biết bão... chứ chưa lo vì ít tận mắt thấy sự phá hoại khủng khiếp của bão...
Mà hình như mỗi năm bão mạnh thêm lên!.
Bão năm Thìn (1964) gió dữ lắm, nhà cửa vùng Gò Nổi –Điện Bàn, Quảng Nam xưa đâu bằng giờ cả xóm có dăm ba nhà ngói xây gạch (vữa vôi cộng nhựa trái bời lời) còn đa số là nhà tranh cột gốc tre, nhà khá hơn chút mới có dàn rường; trính; cột bằng gỗ.
Nhà cửa ngày xưa ở vùng hay có bão như Gò Nổi người ta thường làm thấp, kiểu dáng nhà cũng thích nghi với bão như hai mái hai chái, nhà ngói thì chần kỹ các đường rìa chu vi của mái ngói, đặc biệt lợp ngói âm dương thì không dễ gì gió bão tốc được, nhà tranh thì lợp mái tranh mè, gợp dày ken, đến khi sắp đến mùa mưa bão nhà nào cũng dùng bốn cây tre đực (lấy từ gốc tới ngọn) chằng chống bốn góc nhà, giống như “kiền bốn chân” vậy hỏi làm sao rục rịch!. Làm như vậy nên khi có bão nhà ngói chỉ xê cột đứng tán, nhà trang tre tốc mái là cùng không như nay hễ bão thì thiệt hại ghê gớm.
Bà con Gò Nổi “thích lũ” hơn bão. Vì “lý luận” nghe rất phải: “Bão to quá chịu chết, còn lụt lớn mấy cũng có thể vượt lụt được bằng cách đi tránh từ nơi thấp đến cao...”.
Ở Gò Nổi bây giờ nhà chăn nuôi gia súc gia cầm đều chuẩn bị khá tốt “nơi ăn chốn ở” cho trâu, bò, heo, gà do vậy lũ lụt đỡ sợ mất mác. Còn với con người và lương thực hầu như nhà nào cũng có gác lửng đến tháng Tám thu hoạch xong lúa thóc cái bán đã bán cái còn để ăn từ nay đến giáp hạt đã đưa lên gác, khi có lũ chỉ thêm một bếp ga cả nhà có cơm canh nóng hổi... nhiều khi hóng (hoặc mua) được cá sẽ có một bữa cơm không những no mà còn ngon đáo để!.
Còn bão... Thôi khỏi nói không biết “mô tê chi” nghe đài báo có bão thấp thỏm lo... không biết bão sẽ gây thiệt hại mức nào?.
Dự báo bão ngày càng “trúng” do vậy nhiều khi do báo “trúng” thành thử hay chủ quan. Bao giờ bão đi vô mình hẵng hay còn ở xa thì từ từ tính!.
Với lại có kinh nghiệm dăm ba cây bão đầu thường ra miền Bắc, khoảng giữa vô Trung cuối vụ bão vào Nam...
Kinh nghiệm nữa là nơi bão sắp đổ bộ vào thì ở vùng sắp có bão ấy trời quang mây tạnh mà trười quang mây tạnh chừng nào sẽ có bão to chừng nấy.
Có chủ quan trong phòng chống bão... (thiên tai)?.
Câu hỏi nầy khó trả lời chính xác vì năm nào ở mọi cấp từ chính quyền đến cơ quan đoàn thể... đều có đề ra các phương án phòng bão (nói chung phòng thiên tai bão, lũ,...). Nếu các cấp các ngành tổ chức thực hiện đầy đủ có trách nhiệm như phương án đã đề ra thì xin thưa là KHÔNG CHỦ QUAN.
Theo kinh nghiệm các phương án phòng bão... (thiên tai) chỉ mới là kế hoạch ban đầu còn các bước triển khai thực hiện xuống các khu dân cư, hộ gia đình mới là quan trọng ngoài ra không phải đến mùa bão mới phòng mà phải phòng từ xa nghĩa là làm mọi việc có thể làm trong điều kiện thời tiết nắng ráo (thường là từ tháng 6 hằng năm). Tuy nhiên căn cơ của phòng bão... với đối tượng nhà ở, cơ quan là nhà cửa, cơ quan (trường học...) phải được xây dựng kiên cố đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chịu đựng được gió bão ít nhất cấp 13,14... nếu không mọi sự chỉ ở trạng thái “nhờ trời”.
Mà “nhờ trời” trông chờ “sự có bão hay không” thì thiệt hại không lường trước nếu bão xảy ra.
Sống chung với lũ và chắc chắn phải tìm cách tốt nhất để sống chung với bão nữa!.
H.V

(Trước bão số 10 (2013) dự báo tối 30/09/2013 vào Hà Tĩnh-Quảng Trị)

MƯA... LŨ... BÃO





HÒA VĂN

Nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ ko(không) biết tạo hóa đã sinh ra những thú vui điều sung sướng rồi còn ráng chi cái khổ cái lo nữa.
Cứ lấy chuyện mưa gió bão bùng ra mà tán thì đã lắm việc cần tán... Lại có khi ngồi ngẫm nghĩ nếu trên đời nầy cái chi muốn là được, toàn là "như ý" thì thế giới có yên ổn?!. 
Bây giờ ngoài trời đang mưa. Ông bà nói trúng quá!. “Mưa như mưa lụt!”. Nghĩa là cái mưa lúc dầm dề lúc lây rây khi lại ầm ầm...
Mưa ầm ầm được gọi hình tượng dễ hiểu "mưa cầm chĩnh đổ". Chĩnh là vật dụng bằng sành ngày xưa hay dùng để muối dưa muối mắm - mùa nắng ráo làm dự trữ đến mưa - lụt – bão đem ra dùng - nước trong chĩnh mà đổ thì ko còn hột nào!. Mưa như rứa là mưa to lắm!. 
Giờ đường sá cái bê tông, cái láng nhựa, mưa mấy rồi cũng giống “nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt...” mưa xong nước ráo ngay. Ngày xa xưa ở Gò Nổi (GN) mình đường đất là chủ yếu, đất GN biết rồi -dẻo nhẹo- do toàn là đất tốt trong đất y có mỡ(!) nên hễ mưa đôi ba hôm nước thoát ko kịp người đi, (trâu, bò cũng đi nữa) một nửa ngày đôi bữa hầu hết các đường sá trong xóm ngoài làng đều nhảo nhẹt trơn lỉn...
 
Nhớ hồi còn nhỏ đi học trường làng... cảnh vở sách, áo quần lấm lem bùn đất là chuyện "thường ngày ở làng" cho nên cô thầy chia sẻ chứ ko la ko oánh. Ngày hai buổi đi đến trường lớp và về nhà cặp chưn đứa nào đứa nấy bùn bu bám một lớp láng trạnh như đang mang giày ống (ủng)!.
*
Không như giờ hở chút là xe với cộ. Trẻ mẫu giáo, lớp 1, 2... ngày hai buổi có phụ huynh đưa đón lớn lên lớp 3, 4... bắt đầu tự đi bằng xe đạp, đường sá đi lại thuận lợi trông mà ham. Nhiều khi ngồi nhìn các em tung tăn đến trường mà thương thương vô cùng cái cảnh các em tuổi 6X, 7X ngày xưa quá!. 
Mà xưa gì chỉ cách đây non ba chục năm. Các em ở Gò Nổi (trai & gái) ngày hai buổi lặn lội qua đò qua giang đi học cấp III ở trường Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn. Ngôi trường vừa kỷ niệm 55 năm ngày thành lập với bề dày thành tích đáng quý.
Các em ngày ấy giờ đã trên 45, 50 tuổi rồi!. Nhiều em (xin lỗi dùng từ em cho nó thân thương) trưởng thành là "ông nọ bà kia", có em trở thành GS, BS, KS ở trong và ngoài nước... Cô, thầy dạy các em giờ người nghỉ hưu, người ra đi biền biêt! tất cả với các em chỉ còn kỷ niệm "một thời dấu yêu ko dễ phai mờ trong tâm khảm". 
À quên... nói chuyện các em "cực" biết bao nhiêu khi đi học ở trường xa nhà hàng chục cây số chứ!. Có thể nói mục đích học cho có chữ là động cơ chủ yếu để các em chẳng ngại gian khó. Có em mang từng lon gạo nhúm khoai lang xuống ở trọ nhà người dân nơi gần trường mà đi học, có em ngày hai buổi cuốc bộ hàng chục cây số đến trường, khi đi đùm theo bất kể cái gì có ở nhà (cơm, khoai, sắn...) trưa ăn lót dạ học tiếp buổi chiều rồi tối mịt mới trở về nhà. Chuyện đi sớm về tối như cơm bữa!. Ngày nào cũng vậy làng xóm nhà ai nhà nấy đã đỏ đèn các em mới về tới nhà.
 
Đó là nắng ráo còn vào mùa mưa, đụng bữa như hôm nay mưa bão thì...
 
*
Bạn đang nghĩ gì?. Cứ kích chuột vào FB là mười bữa như chục đều thấy câu hỏi như vậy. Nói thiệt chuyện bạn đang nghĩ gì? là chuyện riêng tư - tế nhị - .... ko dễ ai cũng bộc bạch đúng nguyên xi điều đang nghĩ!.
Ko biết các bạn có đồng cảm ko nhỉ?.
Như những mẫu chuyện ko đầu ko cuối của Mưa... Lũ... Bão... bạn đang đọc là tỉ dụ. Chuyện ko hư cấu mà bảo thật 100% thì chưa đủ. Ko phải dối lòng đâu có điều xin để lại lưng vốn thôi!. 
Mời bạn xem tiếp...
Chuyện các em đi học sớm về tối như cơm bữa! Ngày nào cũng vậy làng xóm nhà ai nhà nấy đã đỏ đèn các em mới về tới nhà. 
Đó là nắng ráo còn vào mùa mưa, đụng bữa như hôm nay mưa bão thì...
 Thì... vô cùng chuyện... 
Thứ nhất nói ở nhà: Ba, mẹ. anh chị... lo. Cả ngày mưa như trút nước như thế lại thêm nghe tin có bão nữa ko lo sao được. 
Có lần mẹ rủ anh chị đi đón em. Kẻ trốn người tìm trong đêm mưa gió bão bùng thật ko dễ gì. Mấy bữa các em đi qua đò
 Cẩm Đồng về đường Bàu Lở về nhà, hôm nay lại đi ngã đò bà Sửu mà về thi làm sao gặp nhau được!. Cả hai (người đi đón và người đi học về) cùng về nhà một lượt bằng hai ngõ khác nhau cùng giống nhau “ướt như chuột lột”!. 
Thế mà về tới nhà là các em vui như chay!. Cười nói rộn ràng làm cho ngôi nhà đơn sơ vách làm bằng ván (thùng đạn 105 ly), mái tôn cũ đã rỉ sắt ngày xưa ấy ấm áp lạ!.
Bao chuyện vui ở trường lớp được các em kể lại... Nào là thầy Bé (Thầy đã quá vãng rồi!) giải bài toán quá hay!, cô M... đọc bài văn quá tuyêt!... Giờ ngồi nhớ lại trong khi ngoài trời đang mưa mỗi lúc một to, cơn bão Nari (bão số 11) đang áp sát vào Quảng Nam - Đà Nẵng khiến lòng tôi vừa tràn dâng bao niềm thương nhớ... vừa lo lo... 
21h 36’ 14/10/2013:
Dự báo bão 11- Nary, vô Quảng Nam-Đà Nẵng!.
* ĐN đang di dời 55 vạn dân đến nơi trú ẩn an toàn hơn, TV chiếu cảnh gió bão đã bắt đầu ở ven biển.
* QN trời đang mưa mỗi lúc một to, vùng ven biển Điện Dương, Điện Nam, Điện Ngọc, (Điện Bàn), Duy Thành, Duy Vinh,... (Duy Xuyên) đang đầu sóng ngọn gió!.
* Gò Nổi mưa... mưa lớn dần...
Tất cả chờ...
Ko biết tình hình ra sao?.
Bão là đáng sợ nhất!.
21 h59’ 14/10/2013
VTV Đà Nẵng, rồi báo mạng liên tục đưa tin cảnh báo "Báo Nari" VN gọi bão số 11 mỗi giờ mỗi áp sát bờ biển từ Đà Nẵng đến Hội An". "Đến giờ không còn dự báo nữa rồi, bão nó nhất định đổ bộ vào quê mình rồi!".
Ngồi trong phòng nhìn ra cửa kiếng thấy gió và mưa quần nhau như đang giận dữ "ai đó: điều gì!. Mong sao gió và bão và mưa... nhưng xin có điện. Nhớ lũ năm 2008 nửa đêm nước ngập đồng ngập xóm - nước mênh mông "chi xứa" - thế mà điện sáng trưng do vậy nhà nhà có điện trong lòng ai cũng thấy đỡ bớt sự lo lắng... Bây giờ bão chắc gì được như vậy. Bởi sức mạnh hung dữ của bão sẽ sang bằng tất cả nếu... trước đó không chủ động tùy điều kiện mà nâng cấp xây dựng ngày càng kiên cố các công trình thiết yếu như nhà ở, trường học, trạm xá,... điện lưới cũng vậy... Thời bây giờ mà chỉ "trông chờ vào sự hên xui..." thì có mà "chết"!.

* 4h00 15/10
 Chợp mắt được một chút rồi thức dậy tôi đứng trong nhà rọi đèn pin qua cửa kiếng nhìn ra ngoài sân cảnh vật tối om. Gió đã mạnh lên rất nhiều.
Điện tắt ngúm rồi!. Không rõ tắt vì lý do gì?. Lấy di động vào mạng... tin bão đang đổ bộ vào... được nhiều trang cập nhật có cả những bức ảnh chụp được khi gió bão làm cho hàng dừa ven biến Quảng Nam-Đà Nẵng đang cùng nhau múa vũ theo từng nhịp điệu của gió bão. Ở biển có cây dừa còn ở vùng nông thôn có cây cau. Hàng cau trước nhà cũng như hàng dừa ở biển đang hớn hỡ "vui đùa" cùng gió to. Có lúc cây cau cúi rạp xuống giống lưng người già cong cong...
* 6h00 15/10 Bão vô thực sự rồi. Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng phát sóng trên hệ thống FM liên tục cảnh báo duy nhất một câu dài đại ý "Bão số 11 đang ... đề nghị mọi người không ra ngoài đường...". Nói thiệt những cảnh báo như vậy là rất tốt nhưng khi nầy bao nhiêu người mở radio và nghe... Thôi nay đang chờ sự "bao dung" vốn có của đất trời. Bão vừa vừa... ít thiệt hại nhất là mừng!.

Chợt nhiện tôi lại nghĩ về Cẩm Phú, xã Điện Phong – Gò Nổi (Điện Bàn), nới có một gia đình (và cả xóm) rúng động trước cái "tang đáng thương" của anh Phạm Văn Quy. Hồi sáng ngày 14/10/2013 trong lúc chằng nhà phòng bão anh đã bị rơi từ mái nhà xuống nền đất chấn thương nặng - phần đầu, máu đổ ra hai tai - Dù được sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời nhưng anh đã từ trần. Trời đang bão đám tang anh Quy - thanh niên mới 31 tuổi có vợ 1 con nhỏ- chắc càng làm cho xóm dân cư ở khu vực gần chợ Phú Bông – Điện Phong thêm buồn bã... lo âu...
 
* 6h 15’ 15/10 Đài phát thanh FM ĐN thông báo bão đang hoành hành Hội An, nước sông Hoài dâng cao ngập đường Bạch Đằng mé sông. Bão vào Đà Nẵng... vào Quảng Nam thực sự rồi... 
Giờ tôi lại nhớ đến một câu chuyện về "Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá ở chùa Linh Ứng Đà Nẵng"....
*
Chưa nói có hay không, chỉ nên nghĩ đây là “mơ ước” mà mơ ước thì tốt thôi!.
“Từ năm xây xong chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng và Quảng Nam được Quan Thế Âm Bồ Tát độ trì cho nên hễ gió to bão lớn sẽ chuyển hướng hoặc tan ngoài biến khơi!.”.
Ai lại không muốn như thế phải không các bạn?.
Tuy nhiên mưa nắng lũ lụt bão bùng là quy luật tự nhiên của muôn đời. Thử tưởng tượng trời đừng mưa nắng và cả gió bão lũ lụt nữa trái đất sẽ ra sao?.
Sự yên lặng như vậy đáng lo đáng sợ gấp nhiều lần so với trời đất cứ diễn biến đúng như từ xưa nay. Vì mọi biến đổi về khí hậu suy cho cùng đó là dự báo một thảm hoạ mới nhiều khi còn nặng nề hơn!. “Biến đổi khí hậu” cụm từ nầy gần đây được nhắc đi nhắc lại với cảnh báo “trái đất nóng lên”- “nước biển dâng lên”...
Điều quan tâm và cần làm là “phải ra sức bảo vệ môi trường sống đúng quy luật thiên nhiên”.
* 7 h 00 15/10
Bão Nari được xác định, tâm bão ở Quảng Nam – Đà Nẵng, với sức gió giao động từ cấp10 đến cấp12. Bão còn ảnh hưởng tới tận Thừa Thiên - Huế. Bão đã vô rồi thì thiệt hại điều nầy khó tránh khỏi.
11 h 15/10
Bão ngớt. Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Tp Hội An (Quảng Nam) và cả Tp Đà Nẵng... nơi nào cũng báo nhà sụp, nhà tốc mái...
Cả tỉnh Quảng Nam và Tp Đà Nẵng có 3 người chết, 1 người mất tích, trên 5000 ngôi nhà, trường học, công trình công cộng bị hư hại, nhiều cây xanh, nhiều hoa màu cây ăn trái bị đốn ngã ngỗn ngang.
Cảnh tượng thật xơ xác đúng là “Như sau bão”.
Gò Nổi không ngoại lệ...
Ngày xưa kinh nghiệm sống chung với lụt, bão được áp dụng khá hữu ích ở hầu hết các khu dân cư thường hay có lụt bão như Quảng Nam-Đà Nẵng.

Thứ nhất nền nhà phải cao. Mức độ cao bao nhiêu tuỳ con đất kết hợp với lấy mốc một cơn lụt to nhất ở từng địa bàn từ đó sẽ đắp đất lên quá mức lụt cũ trên ba, bốn tấc. Do vậy đa phần nhà của nơi thấp trũng cao nghệu so với mặt đất bình thường. Để việc đi lại từ nhà ra ngõ thuận lợi thường thường nhiều nhà được đắp thêm sân thượng sân hạ, từ sân thượng lên nhà còn có tam cấp, ngủ cấp, cửu cấp (Mỗi cấp cách nhau khoảng 2 tấc).
 Phòng chống bão là một trong các tiêu chí được chú trọng khi thiết kế xây nhà. 
Nhà tranh tre theo kiểu hai mái hai chái dục, kèo đôi, tranh lợp mè gợp ken dày, cột là gốc tre chôn sâu cả thước nện chặt đất. Nhà thâm thấp vách đất hoặc dừng phên kín mít...

Nhà ngói tuy ko có vật liệu như bây giờ chỉ vôi với nhựa trái bời lời xây gạch hai mươi (phân) bờ tường dày trục nên có độ vững chãi cao. Nhà xây thấp mái ngói âm dương theo kiểu hai mái hai chái có tác dụng phòng bão khá tốt. Kiểu nhà như thế giờ còn lại ko nhiều được gọi là nhà cổ (Xem ảnh minh hoạ).
 
Ngoài nhà ở nơi chăn nuôi gia súc gia cầm cũng được làm chu đáo đảm bão tránh được lụt và bão.
 

Về sau khi xây các cơ ngơi đẹp hơn vật liệu tốt hơn nhưng người ta hay “quên” những kinh nghiệm mà trải qua nhiều thế hệ sống chung với lụt bão ông cha ta mới tích luỹ được!. Khiến cho cứ lụt và bão thì ko nhiều thì ít nhất định có thiệt hại nghìn nghìn tỷ đồng (VN)...
 
Bão Nari (bão số 11) năm 2013 là một cây bão có thời gian kỷ lục trước nay kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, với gió cấp 10, cấp 12.... Gò Nổi có hàng trăm... ngôi nhà bị tốc mái trong đó rất nhiều nhà tốc mái 100%.
Nhiều cây trong vườn nhà gãy đổ, cảnh quan sau bão thật “xơ xác!”.
Bão đi qua để lại nhiều điều cần suy nghĩ.
Đi đôi với nỗ lực khắc phục nhanh nhất hậu quả thiệt hại do bão gây ra, trong điều kiện hiện nay làm sao Quảng Nam-Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam nghĩ cách “sống chung với Mưa... Lũ... Bão..." về lâu về dài... 

H.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét