Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn HÒA VĂN: MƠ NGỦ




HÒA VĂN
Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn


T hông thường con người không chết hai lần. Thế mà có người phá quy luật tự nhiên đó họ sống trở lại... Có điều người đó sẽ không được quyền kể lại bất cứ điều gì đã thấy!. Nếu ai bất tuân sẽ chết lại ngay.
Câu chuyện nầy do một người từng chết sống lại kể.
Hư thực không thể xác minh làm rõ.
Như vậy sau cái chết một phút là gì?.
Có một lần suýt đuối nước ở sông phố Hội tôi thấy mình là người đáng trách nhất. Bởi không biết nghe lời ba mẹ căn dặn “Đừng bao giờ đùa giỡn với sông nước!”.
Trước phút chết tôi thấy rất rõ hình ảnh của ba, mẹ, các em, thân bằng quyến thuộc... Thấy và vô cùng tiếc nuối những gì mà “người sắp chết” yêu quý nhất trên đời. Còn sau khi chết một phút đành chịu vì mình chưa chết mà!.
* * *
Bà Xinh lại thấy rõ mồn một cái chết sau một phút.
Điều thấy đầu tiên “chết là sướng nhất!”. Ôi thế mà trên trần gian thiên hạ ai cũng lo ngay ngáy chuyện đáng lý ra không đáng sợ!.
Nhưng cũng xin mở ngoặc - Chỉ những ai khi sống theo đúng đạo lý làm người, sống biết “mình vì mọi người”, không tham - sân - si, không... không..., không... rất nhiều cái không lắm mới thấy “chết là sướng nhất!” - Còn đa số ai từng “Cố sống vì tiền, vì quyền lợi, bất nhân bất nghĩa, vì..., vì...” sẽ “vô cùng cực” ngay sau phút đầu tiên khi chết!.
Lão Tiện loay hoay sửa soạn những chiếc vòng hoa, bụng thầm nghĩ: "Phải chi giảm bớt cái vòng hoa, đi tiền hoặc vàng... có tốt hơn không?".
Thử đếm đến giờ có trên trăm mấy cái vòng hoa đủ kích cỡ màu mè, có hoa giả hoa thiệt, có cái không biết đính thêm gì gì vào mà lấp la lấp lánh quá đẹp!. Đám tang người trong làng bà con đến thăm phúng điếu vài thẻ hương, cặp đèn cầy kèm theo phong bì nhè nhẹ là quý hóa lắm rồi. Ở lão Tiện chuyện đó như con thỏ. Biết bao nhiêu "ơn qua ngãi lại" trên ba mươi năm làm ăn ở thành phố nầy, bây giờ mới có chuyện thiên hạ phải không cho nên nhà lão Tiện đám ma như đám hát đông ơi là đông! Có người viếng vì tình làng nghĩa xóm, có người đến làm bổn phận trả ân trả nghĩa...
Phía bên ngoài đường lộ của thôn Hà Sanh nầy lần đầu tiên xe cộ và người lên kẻ xuống như trẫy hội.
Quan tài của mẹ lão Tiện quàng ở nhà mới xây xong đâu được sáu tháng thay cho ngôi nhà hơi thâm thấp ba gian nay lên ba tầng cao nghệu. Trong xóm làng ai cũng tiếc phải chi bà Xinh – mẹ lão Tiện - sống thêm năm ba năm nữa...
Đó là cách nghĩ của người láng giềng. Còn bà Xinh cách đây ba hôm sang nhà ông Hai Kỷ trong lúc vui chuyện bà nói:
" Tui có muốn thế đâu!. Thằng Tiện nó ưng nó làm!".
Ấy là bà Xinh phàn nàn vụ vợ chồng lão Tiện về chủ trương phá nhà cũ xây nhà mới cho bà Xinh đó mà!. Bà Xinh nói:
"Mình ăn ở bao lăm hơi, làm nhà to làm gì. Những đêm khuya khoắc thanh vắng bọn mèo chuột rượt đuổi nhau trên tầng một tầng hai nghe mà ớn!".
Lão Tiện lại... "vui vẻ" đón một đoàn đến phúng điếu mới bước ra từ cả chục chiếc xe con... MC đám tang cứ luôn miệng trân trọng nói những điều “tốt lành”. Hết kính thưa đoàn nầy...., ông kia... bà nọ..., lại xuống giọng thảm não “Vô cùng đa tạ” mọi người đã đến phúng điếu.... đã đến chia buồn... Cứ như có đạo diễn sau mỗi lần như vậy ban nhạc cổ và ban kèn hơi lại... đồng loạt thi nhau trổ tài.
Đúng ra Lão Tiện chỉ thuê có dàn nhạc hơi từ thành phố về phục vụ suốt ngày đêm lễ tang của mẹ nhưng bà chị thứ Ba lại ưa nhạc cổ - do các vị nhạc công người ở trong làng phục vụ. Biết tánh khí của chị Ba rồi khi đã ưng nói và làm chỉ có bà Xinh hồi còn sống mới có đủ uy lực cắt ngang được cái sở thích của chị Ba, nay bà đã ra người thiêng cổ chị Ba trở thành người có quyền lực nhất!. Bởi vậy lão Tiện tiếng anh hào giữa chốn ba quân cũng phải né, thành ra một đám ma hai dàn nhạc cùng ò e í e… và tùng tùng… Để cho người nghe bớt nhói tai hai ban nhạc hợp đồng với nhau mỗi ban chơi liên tiếp hai bài.
Giờ ban kèn hơi đang thổi bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” . Ý nghĩa quá đi chớ!. Thế mà hồi trưa lúc chân ướt chân ráo vô không biết nghĩ sao mười hai nhạc công chào khách đi viếng bằng bài “Tình cho không biếu không…”. Ông Tư cò (trước là cây đờn cò) người trực tính lên tiếng:
“Quý ông cúp giùm cho!. Bà cụ không cho không tình bao giờ!. Ai có nghĩa có tình bả mới đáp lại đó he!.”.
Nghe phản hồi có lý anh đội trưởng người cao to khuôn mặt ngó “Trương Phi” thế mà nói năng lại khá nhỏ nhẹ:
“Dạ chúng cháu ngừng ạ!. Thế giờ bác thích gì chúng cháu chiều nấy!.”.
Nói xong không để ông Tư cò đáp lời, ban nhạc vô ngay bài hát của Trịnh Công Sơn - Cát bụi, rồi tiếp – Một cõi đi về.
Ông Tư cò gật gù… Nhìn cách ngồi phách đốc tựa lưng vào ghế dựa và lắng nghe thì biết ông đang thích cái ban nhạc nầy rồi.
Phút sau ông Tư rơm rớm nước mắt!.
Lão Tiện đi lại ngồi bên cạnh nói như an ủi:
“Thôi bác ạ! Mẹ cháu trên chín mươi đi là được với lại theo sách tử vi năm nay bà đi đúng long đúng hổ gì đó sau nầy con cháu cả nhà mình sẽ hưởng đức cao nghĩa dày của bà mà bác.”.
Ông Tư cò ừ ừ… cho qua chuyện chứ tai đâu nghe nhạc tai đâu nghe Tiện nói.
Hết bài nhạc ông Tư cò lại nói:
“Đám của bà to nhất làng nhưng bác thấy có điều gì lạ lạ… Khách của bà mẹ anh đến với cả tâm tình nhưng lại nhẹ phong bao và lễ vật, còn khách của vợ chồng con cái anh họ cầu kỳ trên cả lễ nghi…”.
Điều ông Tư cò nói hồi chiều Tiện biết rõ nhưng không phân trần làm gì, ở đời mà... Như thế nầy thì trách nhưng như ông nhà thơ Y.M. ở tỉnh bên nổi tiếng là thế mà khi nhắm mắt xuôi tay thật hiu quạnh chỉ có cô con gái loay hoay chạy tới chạy lui lo tang chay cho cha. Đến hơn một ngày sau có ông bạn văn thơ ở thành phố biết tin lặn lội đến phúng điếu thấy cảm cảnh đã lên tiếng… Sau đó cũng thấu được đến người có trách nhiệm nhưng gì gì cũng chỉ tổ chức bằng một phần ba so với đám tang mẹ lão Tiện.
Từ hôm qua đến nay tiếp khách miết đầu óc lão Tiện nặng như khối chì, tối lại mới nằm xuống chiếu trải nền gạch men dù lạnh lẽo thế mà lão Tiện ngáy khò khò ngay. Vợ lão Tiện nói nhỏ với người con trai cả:
“Từ giờ đến sáng con tự lo mọi việc để ba nghỉ chút nghe!”.
Tuyến:
“Dạ!”.
Rồi ra đứng nghiêm trang bên bàn linh của bà nội.
* * *
Bà Xinh nằm thấy nhà mình mấy hôm nay làm gì mà khách khứa đông quá!. Ai tới cũng ôm cũng xách lễ vật tỏ vẻ trân trọng, hết sức trân trọng đằng khác.
Số lúa để ở phòng kề bên phòng ngủ của bà Xinh cứ một chặp một nhiều thêm… còn tiền nữa… tiền năm chục, một trăm, tiền triệu triệu ở trong phong bao dày cộc nằm la liệt trong tủ sắt lão Tiện chở về hôm sau tết. Lúc ấy bà chẳng biết lão Tiện chở cái của ấy về làm gì để choáng một góc phòng thường là nơi vợ con và lão Tiện khi về quê hay tá túc. Nay bà rõ rồi là để cất tiền. Chắc lão Tiện rút kinh nghiệm vụ tang chay của ông... nghe nói tiền thiên hạ đi đám do để hời hợt bị “kẻ xấu” lấy cắp ráo trọi.
Tiền bạc thì rõ rồi còn thóc lúa ở đâu ra mà nhiều thế, bà Xinh chỉ gieo cấy hơn sào đất vụ mùa nào trúng phơi phong khô khan đủ đổ đầy năm, sáu bao ure. Thắc mắc nầy được ông Tư cò giải thích:
“Thì thiếm biết đó giá thóc chỉ trên năm ngàn một cân, bà con muốn đi đám tang phải bán một chục, hai chục cân thóc chứ!.”
Bà Xinh gật đầu tỏ vẻ hiểu rồi!.
* * *
Mưa.
Mưa như cơn giận từ nơi đâu đâu xa lắm trút xuống... trút xuống...
Mưa rồi gió thi nhau giành gật cái gì đó suốt cả đêm.
Trong giấc ngủ bà Xinh mơ thấy chính bà đã “được chết” một cái "chết sướng nhất" hơn hai tiếng đồng hồ. Sáng ra bà Xinh kể giấc mơ lạ kỳ ấy...
Rồi nói vui:
“Ai mà không qua "cái đò" ấy đâu?.

H.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét