Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn HÒA VĂN: CHUỘT SA...




Truyện ngắn “Chuột sa...” nầy nhà văn Cao Huy mới vừa viết xong, đưa cho tôi xem tại buổi họp cuối năm ở hội văn nghệ. Trong số các anh em, tôi biết Cao Huy viết ngày một lên tay nhất, đồng thời chữ viết của anh lúc nào cũng chân phương nếu không nói là đẹp, rất đẹp kiểu như tập viết “chữ đẹp” của các cháu lớp vỡ lòng.(*)
Có lần anh tâm sự: “Mình viết văn chậm nên để khỏi lãng phí thời gian mình viết nén nót từng chữ!”.
Phía trên chủ toạ đang triển khai nhiệm vụ trọng tâm của hội viên từ nay đến Tết, nào là..., nào là... nhất là phải nộp bài đúng hạn cho tuyển tập văn kỷ niệm cái năm tròn... Thưa thiệt ngồi ở đây mà tôi để hồn ở đâu đâu... thôi kệ đến đây đúng giờ ngồi đúng chỗ, xíu nữa tới phiên tôi sẽ phát biểu thế là trọn vẹn!.
Đang nghĩ mung lung Cao Huy hỏi:
“Sao!. Anh thấy sao?.”.
Câu hỏi hơi bất ngờ tôi quay sang Cao Huy cười cười thay cho câu trả lời.
Hình như nóng ruột chờ tôi cho lời bình đầu tiên của tác phẩm mới “Chuột sa...” nên Cao Huy lại hỏi đúng câu hỏi trước.
Tôi nói:
“Đang chọn chữ để bình đây!”.
Rồi tiếp tục đọc.
Xin chép ra một đoạn của truyện ngắn:
“Nhà Bảy Hợt sắp chum ghè đựng thóc, đựng đậu nhiều như nhà địa chủ phú nông ngày xưa tức là “ba hàng dảy, bảy hàng dài” có ngăn nắp hẳn hoi. Nhà ông ta ngoài con cái cháu chắt cả chục còn thêm cả chục gia nhân người nấu đường người cày người cấy... việc ăn uống ngày nào cũng tựa có giỗ chỉ khác mâm cơm không như đám giỗ mà đơn sơ cá kho hoặc thịt kho và canh “đại dương”.
Bảy Hợt chớp thời cơ trong giai đoạn tranh tối tranh sáng của việc phát triển kinh tế đa thành phần, đấu thầu đất sản xuất theo kiểu “tiên tiên – khoa học hiện đại” và giàu lên trông thấy.
Trong những cái chum thóc chum đậu có một chum không rõ bằng cách nào lũ chuột lại có ngõ ngách lọt được vào trong chum.”.
Truyện ngắn của Cao Huy dẫn chuyện khá tốt. Nhiều câu và từ xử dụng thổ ngữ vừa sâu sắc vừa hóm hĩnh khiến người đọc nhiều khi phải dừng lại suy nghĩ... liên tưởng từ chuyện này sang chuyện kia thấy thú vị nên gật gù tỏ vẻ thích lắm.
Tôi cũng không ngoại lệ. Mặc cho cuộc họp đang sôi nổi bàn chủ đề để văn thi sĩ viết cho tuyển tập sắp in tôi chăm chú đọc tiếp cái “Chuột sa”.
“Chuột mẹ nửa ngồi nửa nằm dựa lưng vào thành chum nói từng chữ từng lời với các con:
“Số nhà mình tốt phước!. Đây là do ông bà cha mẹ nhà mình trước đây ăn hiền ở lành hoặc là có cụ đi tu đạt chánh quả nên chừ cả nhà mình mới như thế nầy.
Ý của chuột mẹ nói nhà “bà ta” sa vào cái chum nầy...
Ông bà xưa từng có câu “Chuột sa hũ nếp” thật có lý, cứ lấy nhà chuột trong cái chum trong truyện ngắn của Cao Huy ra mà đối mà chứng nó rõ mồn một. Trong khi hàng ngàn hàng vạn lũ nhà chuột trong làng nầy lúc nầy đụng hồi giáp hạt thóc lúa (lương thực thực phẩm) khan hiếm, đang chạy đôn chạy đáo bở hơi tai mới có cái bỏ vô bụng từng bữa, nhà mẹ con chuột sa (Bây giờ gọi cho nhà chuột tên nầy bạn hỉ!) thừa mứa cái ăn cái phá... Cho nên chuột sa mới mở cuộc họp ni biểu các con từ rày về sau phải thực hiện tinh thần tiết kiệm. Đứa con trai thứ ba nhà chuột sa nãy chừ ngồi nghe mẹ giảng giải có từ có ngằn vậy mà cứ lắc đầu ra bộ không hiểu.
Anh Ba chuột sa tư chất “đần” từ lọt lòng mẹ, tính khí rất hung hăng ngoài sợ cha chuột sa ra “anh ta” không nể bất kỳ “thằng tây” nào!. Có bận “anh Ba” sang nhà ông Hai Hên cách nhà đâu trăm mét phá nát tủ áo quần của cô con gái rượu ông Hai Hên. Bị sụp bẫy thế mà không biết mần kiểu chi “anh ta’ tháo bẫy dông về được. Hồi ấy gặp độ chuột cha sa từ “cơ quan” về cho “anh ta” ăn “cháo lươn” đã đời. Thế mà rồi “tính nào tật ấy”!.
Anh Ba chuột lên tiếng:
“Mẹ nói răng!. Chứ con thấy “của” trong chum ni đâu phải của mẹ con mình làm ra đâu?. Hà chi “tiết kiệm”?. Đó là chưa nói con thấy “ông chủ nhà” ăn thóc gần tới cái chum ni rồi.”.
Anh Ba chuột nói một hồi cả nhà nghe xong lặng thinh. Không biết “tư tưởng” có bị lung lay hay không mà mẹ chuột sa nói tiếp nhưng giọng nói không hào hứng và quyết liệt như lúc đầu:
“Đành rằng là “của” ni không phải của mình đổ mồ hôi làm ra nhưng theo mẹ ăn chơi phải có chừng, chỉ mỗi cái bụng của thằng Ba – Anh Ba chuột nghe mẹ gọi đích danh gật mình thay đổi thế “ngồi” từ ngã nghiêng sang “ngồi” thẳng thớm nghễnh tai lên nghe – Mẹ chuột sa nói lại lần thứ hai: “Cái bụng thằng Ba to lên rồi!. Hôm mẹ đi qua nhà mụ Sân mủ quở: “Nhà mụ trong lúc “cơm cao gạo kém” ni mà phát tướng!. Cho nên nhà mình nên dè xẻn là vừa, phòng khi không còn ở trong cái chum thóc nầy nữa khỏi bẽ mặt với “bàn dân thiên hạ”.
Chi Hai chuột sa chừ mới lên tiếng. Khi chi Hai chuột mà nói thời dông cương dài dòng lắm hết thưa trình đến ví dụ, phân tích, vân vân... Tóm lại nói chung hoàn toàn tán thành ý kiến của “thủ trưởng” nhà chuột sa. Cuối cùng nói thêm:
“Con xin có ý kiến nhà ta nên “chuyển” bớt thóc lúa ở chum ni ra ngoài “dự trử”.”.
Cu chuột sa út tuổi lên mười không biết ất giáp chi vẫn vỗ tay đùng đùng “Khen sáng kiến của chị Hai quá hay!”.
Mẹ chuột sa từ tốn:
“Không được đâu!. Nay mai nhứt định sẽ có lũ lụt, cái thân chuột lo chưa xong nói chi đến thóc lúa “dự trử”. Cu chuột sa út tưng tửng cười trừ rứa là “cu cậu” biết cái đầu tí tẹo của của “cu cậu” mới biết một đã thưa với thốt, nói thầm thầm trong bụng “lần sau nhớ ‘dựa cột mà nghe’ chắc ăn hơn!”.
Đã qua lập đông hơn mười mấy ngày rồi mà trời y mùa hạ. Bầu trời độ mười một giờ trưa trong vắt không một gợn mây, Bảy Hợt đang tính toán chuyện sản xuất vụ Đông xuân tới mần cây chi nuôi con chi cho hiệu quả nhất. Trên chục mẫu đất trồng dưa hấu và hàng mẫu đậu phụng vụ Đông xuân năm trước vừa trúng mùa vừa trúng giá, còn trên mẫu ớt Ấn Độ giống mới nhập trái từ ngọn đến gốc mà trái nào cũng to cũng đạt yêu cầu xuất khẩu. Nhà Bảy Hợt tới mùa vụ như nhà đội mấy khi, kẻ ra người vô, người làm người nghỉ trông thật khí thế lắm!. Ớt thu hoạch về cả xóm xúm lại cắt cuộn, công cắt ăn ký mỗi ký ba ngàn đồng có nhà một ngày kiếm được hai, ba trăm ngàn đồng. Bình quân mỗi công trên trăm rưỡi ngàn đồng. Ai cũng ham làm có khi quên ăn trưa, còn tối thì đến khuya mới nghỉ. Làm ăn kiểu ni không biết gọi sao cho đúng. Nhưng vạch lá tìm sâu để làm gì miễn trong xóm làng có thêm vài người như Bảy Hợt bà con nông đỡ biết mấy!.
Làng xã dạo nầy hay trúng số độc đắc. Cách đây một năm Năm Khứa xóm Tây trúng năm tấm vé kiến thiết mỗi vé trăm hai chục triệu vị chi trên năm trăm triệu. Số tiền nầy chẳng thấm vào đâu so với người khá giả ở thành phố nhưng thật to với vùng sống chủ yếu nông nghiệp. Năm Khứa từ chỗ thuộc diện đề nghị làm nhà xoá nghèo sau một đêm trở thành ông chủ có nhà cửa đàng hoàng và có một máy gặt đập liên hợp. Chuyện như giỡn mà có thiệt, đến vụ gặt lúa Năm Khứa ngồi trên máy liên hợp thu hoạch lúa cho bà con vừa rẻ vừa nhanh. Người nông dân chủ đám ruộng chỉ có một việc ngồi trên bờ chờ máy thu hoạch xong nhận lúa chở về.
Nhớ lại hồi xưa cái gì cũng tập thể nên cha chung không ai khóc giờ phần ai nấy làm lại có máy móc hỗ trợ nhà nông bớt đi bao khó nhọc nếu giá cả nông sản mà khá hơn sẽ đỡ hơn nhiều.
Tôi suy nghĩ lan man một chặp rồi chăm chú đọc tiếp truyện của Cao Huy.
Đần độn như Anh ba chuột sa thế mà đoán trúng phóc. Bảy Hợt bàn với vợ:
“Đất ruộng của mình nay mẫu kia mẫu nọ răng không mua máy cày máy kéo về mà cày, máy gặt để mà gặt như Năm Khứa mắc mớ chi kêu người làm tốn kém!”.
Vợ Bảy Hợt hỏi:
“Ông tính tiền đâu đủ mà…”.
Không để vợ nói dứt câu, Bảy Hợt khoát tay và nói:
“Chớ cả mấy chục tấn thóc để làm chi!”.
Vợ Bảy Hợt “À!” rồi đứng lên đi ra nhà ngang…
Mẹ con nhà chuột sa nãy chừ nằm thiêm thiếp lắng tai nghe vợ chồng Bảy Hợt bàn chuyện. Chuột sa mẹ nghe chuyện tới đâu từng mảnh lông trên “người” dựng đúng lên tới đó, chừ “người” lại toát mồ hội cục.
Chuột sa mẹ lấy cái mỏ khụi khụi vào lưng anh Ba chuột sa ý nói lại gần đây mẹ con tính thử làm phương cách chi giờ?. Anh Ba chuột sa tỉnh queo như chẳng có sự chi, dát dát cái mặt lên ngó nghiên ngó ngửa rồi cũng húc húc cái đầu vào chân chuột sa mẹ làm ra bộ đã có cách rồi mẹ đừng có lo!.
Cu chuột sa út cùng chị Hai chuột sa sớm chừ chạy ra ngoài chum du ngoạn nghe rõ tình thế “nhà ông Bảy Hợt sắp bán hết thóc trong “ba hàng dảy bảy hàng dài” vội vả chạy về “nhà” cấp báo:
“Chỉ hai ngày nữa thôi “nhà Bảy Hợt bán hết thóc rồi mua máy cày, máy gặt mẹ ơi!”.
Mẹ chuột sa đưa cái chân trước lên ngang mỏ ra dấu nói nho nhỏ…
Từ cả năm qua (Với chuột là cả mấy chục năm qua) nhà chuột sa được sống trên “nhung gấm” nhờ chum thóc của “Bảy Hợt” chừ biết đi đâu về đâu?.
“Mỗi lần đọc thêm truyện ngắn của Cao Huy càng thấy cái tài của nhà văn nầy!”. Tới đây tôi dừng đọc nói thầm thầm như vậy. Mà đúng thôi cái truyện nào không có “tham - sân - si” “ái - nộ”, không có hoàn cảnh nầy hoàn cảnh nọ…
Trường hợp nhà chuột sa không rõ Cao Huy xử lý ra sao?. Tôi lật trang phía sau của tờ giấy A4 định xem tiếp, cuộc họp kết thúc tiếng người xôn xao. Cao Huy hỏi tôi:
“Ông đọc chưa xong?”.
Tôi “Ừ” rồi xếp xấp bản thảo “Chuột sa…” bỏ vào kẹp.
“Để tối mình về nhà đọc tiếp có gì mail?”.
Cao Huy gật gật đầu và giục:
“Nhanh! Ra quán bà Tẩm làm cái lẩu!”.
Tôi biết chắc khi nào cũng vậy không đến cái thành phố nầy thì thôi đã đến làm gì làm Cao Huy cũng cù tôi cùng đi tới bà Tẩm. Nói bà vậy chứ thật ra cô năm nay mới qua tứ tuần, cả ba vòng đều đạt chuẩn thế mà chẳng biết cớ sự gì, ai ngăn cấm cản trở cô đứng y một chỗ chẳng chịu đi theo ai, ở với ai.
Sự đời là như thế. Hồng nhan bạc phận câu ấy cứ víu vào ai người ấy “đứng”. Cô Tẩm từng một thời lắm người thầm yêu trộm nhớ, những cuộc tình “sét đánh” nói theo kiểu các cô các cậu thời xưa còn thời buổi @ “sét đánh” mà kể dzô, trên mạng đầy thông tin đầy hình ảnh, chỉ cầm link thì cái gì cũng hiện ra rõ mồn một, đủ kích cỡ, màu sắc, mail qua chat lại tình tự với ai tuỳ thích. Cho nên cô Tẩm một blogger nghiện mạng hơn các tay lưu linh tầm cỡ nghiện rượu, cứ vi vu “tình trên cánh sóng - tình không biên giới” lãng đãng lơ mơ mãi... đến quá ba mươi lúc nào không hay. Bạn bè nay tay bồng tay bế riêng Tẩm “phòng không”!.
Từ Sài Gòn về mở quán lẩu ở thành phố mới lên hạng hai nầy cách đây chừng hơn một năm rưỡi. Các món lẩu... do chính Tẩm chế biến được nhiều khách mà phần lớn ở độ tuổi trung niên khen ngon rồi rủ rê nhau tụm lại tạo nên khung cảnh quán xá nhà cô khá nhộn nhịp ở góc phố nầy.
Cao Huy chậm chân hơn nhiều người khác nhưng chuyện tình cảm là sư của sự ngang trái. Kẻ đeo bám như đỉa chẳng được người bông đùa như chàng Cao Huy nhà văn thì vô độ!.
Quán đang giờ cao điểm ban trưa nên khách ngồi gần kín cả hai chục bàn. Bước vào quán thay vì đi thẳng vào bên trong Cao Huy đến gặp cô Tẩm, nghiêng nghiêng cái đầu cười cười nói nói điều gì với Tẩm không biết nhưng thấy điệu bộ và nhìn khuôn mặt trái xoan hưng hửng hồng, cặp mắt sắc lẹm nhấp nháy liên hồi, còn miệng luôn tươi cười như bông hoa đàm tiếu biết cả hai đang vui lắm.
Tôi vào trước tìm một bàn trống lấy ghế ngồi xong đảo mắt nhìn một lượt cái quán đã đến mấy lần rồi mà vẫn còn thấy lạ hoắc lạ hươ.
Cách đây đâu hơn một tháng có dịp đi vào thành phố nầy tôi có ghé lại đây qua lời mời của cậu em con bà vô ruột. Hôm đó đâu có mấy hàng tre ngà kiểng giả mà giống như thật ở cuối quán, nay nó được bài trí khá đẹp mắt khiến quán mới ra và ấm cúng hơn. Trong khi chờ Cao Huy vô bàn tôi bước tới mấy hàng tre ngà kiểng trông cho rõ. Cái thời buổi cái gì cũng ưng giả giả thiệt thiệt một chút nếu người không tinh mắt dễ bị hố như chơi.
Cô Tẩm đây cũng vậy cứ nghe cô nói năng ngọt như mật thơm lựng như mía lùi không biết trong bụng dạ cô suy nghĩ gì đối với cánh đàn ông trung niên có vợ có con đủ cả như đa phần khách thường đến đây thưởng thức lẫu... khen ngon đáo để!.
Cao Huy vừa kéo ghế sát vào bàn ngồi vừa nói:
“Cái quán nầy nhất định sẽ có một đoạn trong cái truyện ngắn sắp viết của em.”.
“Lạ bữa nay cậu ta nói nghe thiếu bặm trợn hè!”. Định nói như thế nhưng thôi tôi hỏi:“Làm cái gì mà lâu thế?”.
“À! À!. Tẩm, phân trần vụ... mà thôi dài dòng lắm để về kể sau”.
Không biết vụ gì có nghiêm trọng không?.
Ăn trưa xong Cao Huy chở tôi về nhà đứa em trai vừa thăm vừa nghỉ một chút. Uống có mấy chai bia cả hai đã ngà ngà say. Cao Huy nằm xuống gường là ngáy kho kho. Tôi lấy tập bản thảo truyện ngắn Chuột sa... của Cao Huy ra vừa uống trà vừa đọc.
Khi ở đây lên phố loại hai, Sâm em trai của Cao Huy vào định cư làm nghề xây dựng chỉ có năm bảy năm mà khấm khá gắt. Cậu ta đã tậu xe mua đất xây dựng xong cái cơ ngơi không kém “biu-dinh” là mấy. Ngồi nhìn tôi chăm chú đọc truyện ngắn của anh trai mình Sâm cười cười định nói câu gì đó nhưng lại thôi, rồi vội đứng dậy mở tủ lấy ra một chai rượu ngoại.
Sâm nói:
“Mời anh uống với em ly!”.
Sâm bật nắp rót rượu khá điệu nghệ nếu không nói là sành sỏi.
Tôi nghĩ bụng không uống không được mà thêm “anh” nặng đô “dễ chết” như chơi!.
Quay sang Cao Huy đang say sưa ngủ tôi nói:
“Hay để đầu giờ. Đợi anh cậu dậy cùng uống cho vui!”.
“Anh của em như thế là rồi anh ạ!. Nếu không gọi có thể nửa chiều mới xong vụ ngủ trưa!”. Sâm nói với tôi rành rọt như thế.
Rồi trong khi cùng nâng chén “tạc thù” huynh huynh đệ đệ... tôi hiểu ra anh em nhà Cao Huy tính khí hai người khác nhau xa. Một bên Cao Huy nhã nhặn lịch lãm ham thích văn học nghệ thuật, một bên Sâm một tiếng là tiền hai tiếng là tiền coi tiền là trên hết, cứ y như đang sống trên đống tiền vậy!.
“Em như chuột sa hũ nếp anh ạ!”. Sâm kể chuyện.
Cơ ngơi nầy nằm mơ cũng không thấy nếu không có cái thành phố nầy. Mọi việc bắt đầu và bắt đầu... giờ nói chắc có người không tin nhưng đó là sự thật.
Tôi hỏi:
“Vợ con đi đâu vắng?”.
“Dạ vợ em đi dạy về cơm nước xong đưa hai đứa nhỏ sang ngoại, nghe nói để bàn đám tiệc gì sắp tới bên ấy. Chắc cũng sắp về!”.
Cao Huy bổng giật mình tỉnh giấc ngồi dậy dụi dụi mắt.
Sâm nhanh nhẹn nói:
“Anh Huy dậy!. Mời anh uống ly rượu nghe!”.
Cao Huy lắc đầu đứng dậy đi ra nhà sau rửa mặt mũi xong quay lại nói:
“Anh thấy cái kết của truyện ngắn Chuột sa... của tôi được chưa?”.
Thật ra “Chuột sa...” của Cao Huy chưa có phần cuối như các truyện ngắn khác.
Chuyện mẹ con nhà chuột sa đi đâu về đâu khi vợ chồng Bảy Hợt vét hết lúa trong tất cả chum ghè bán lấy tiền thêm vào mua máy gặt đập liên hợp không quan trọng bởi chuột bọ có ra sao đi nữa chẳng ảnh hưởng gì đến “cuộc đời”..../.

HÒA VĂN

______________________________________

(*): Thời viết bút bi

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét