HÒA VĂN
Bo Bo ngủ mơ mớ như thế nầy liên tiếp một
thời gian dài. Những cơn mơ thấy toàn chuyện cùng lứa tuổi của Bo Bo nên cu cậu
thích thú ưng mơ, chứ không phải do sự ép buộc nào.
Ông nội của Bo Bo
tuổi đã ngoài tám mươi. Ở cùng tuổi của ông, ông lão hàng xóm đã lẩn lẩn lãng
lãng, riêng ông thì cái gì cũng không quên. Ông kể chuyện đời xưa là hay
tuyệt!. Mỗi khi ông rỗi một chút việc là Bo Bo sà vào lòng ông ngay. Trở thành
thói quen rồi sau một vài câu nựng cháu, ông bắt đầu ngày xưa... ngày xưa...
1.
Chuyện cây mắc tịt.
Cây cối loài vô tri
vô giác biết gì?. Xin đừng chủ quan kinh khi nó... Ông nội của Bo Bo dừng kể.
Hỏi:
“Đố Bo Bo tại sao
mắc tịt?”.
“Dạ!, dạ!...”.
Kiểu trả lời nhát
gừng nầy ông nội nghe cũ rích rồi.
“Không biết thì nói
không biết!”.
“Dạ!”. Bo Bo thiệt
thà với ông như vậy.
“Thế mới khỏi mắc
tịt!”. Ông nội đáp lại.
Ngày xưa cây cối
sống với nhau rất chân thành. Cây lớn cây to cây lâu niên sống ở rừng sâu. Cây
ăn trái sống quanh vườn nhà. Cây chuyên làm đẹp như bông mai, bông cúc... ở
trước sân nhà. Các loài cây cỏ tuy sống chen chúc xen kẻ dưới các tán cây khác
nhưng vẫn giữ nề nếp, làm phận sự che nắng che mưa chống xói mòn đất và nhất là
làm nhiệm vụ quan trọng luôn luôn giữ cho một lớp đất có độ ẩm ướt cần thiết.
Ông nội lại dừng kể chuyện mắt chăm chăm nhìn gì đó trên cây vú sữa đang treo
đầy trái u ú, bóng cây vú sữa toả mát chí ít gần chục mét vuông đất trong vườn
nhà, nơi hai ông cháu mắc chiếc võng đu đưa hóng gió mát trưa hè. Ông nội hỏi
Bo Bo:
“Cháu biết ai là
người đặt tên cho từng loại cây, cỏ không?”.
Hỏi thi hỏi chứ ông
đi guốc trong bụng Bo Bo: “Mần sao biết được?”. Ông nội nháy nháy đôi mắt cho
sáng trưng rồi nhìn Bo Bo cười đắc ý:
“Không biết phải
không?. Không biết thì làm thinh nghe ông kể tiếp”.
“Đây là nghệ thuật
kể chuyện đời xưa của ông nội chứ gì?”. Bo Bo nghĩ thầm như vậy mà hổng dám nói
bao giờ, chính những câu hỏi ấy khiến đầu óc của Bo Bo tỉnh ra. Bởi với giọng
kể cuốn hút lúc trầm trầm lúc thanh thanh lúc sôi nổi của ông nội dễ gây cho Bo
Bo mê mẩn ngồi im mơ màng... nghe chuyện đời xưa mà y như chuyện thiệt không
bằng.
Bo Bo thưa:
“Ông nội kể tếp
chuyện mắc tịt đi...!”.
Câu nói nũng nịu
của Bo Bo lại đánh thức ông nội!. Nãy giờ ông nội Bo Bo đang sống trong suy
nghĩ tưởng tượng phong phú của ông già ngoài tám mươi tuổi mà cơ thể còn tráng
kiện lắm! đến nỗi có người còn nói vui cặp đôi ông nội với bà tám Sự, bà ngoại
bé Hun Hun ở cách đây mươi căn nhà, nói chính xác ở ngã tư ông Sỉn. Xin mở
ngoặc một chút ông Sỉn đến ở khu phố nầy hồi trung niên, làm nghế "cọp
rèn" – thợ sửa khuôn cữi dệt vải – của cái làng dệt truyền thống gốc gác ở
tận miền Trung nào đây từ hồi những năm sáu ba sáu tư. Trai trẻ thì dễ ăn đâu
ngủ đâu cũng được, đến khi có tuổi mới thấy chuyện có vợ có con là cực kỳ quan
trọng của một đời người. Một thân một mình tưởng sung sướng ai ngờ...
Càng về gia tư Sỉn
(cái tên thường gọi tư Sỉn là do ông sáng trưa chưa chiều tối lúc nào cũng sin
sỉn rượu mà có) càng rượu chè be bét. Đã vậy không vợ không con nữa thì thôi
nên thấy đã mệt!.
Bà ngoại bé Hun Hun
mà sánh cặp với ông nội "xứng lắm!”. Bo Bo nghĩ trong bụng và mong bây giờ
mà có Hun Hun thì...
Bà ngoại và Hun Hun
bước ngõ, lên tiếng ngay:
“Hai ông cháu lại
kể, lại nghe chuyện đời xưa phải không?”.
Ông nội mần thinh.
Bo Bo bật vùng thoát ra khỏi lòng ông nội hớn hở kêu lớn:
“Ông nội ơi! Bà
tới!”. Đoạn kêu tiếp nhỏ hơn ấm hơn:
“Cả bé Hun Hun nữa
cũng tới!”.
Lát sau bà ngoại và
Hun Hun cùng ngồi nghe ông nội Bo Bo kể chuyện đời xưa.
Câu chuyện cây mắc
tịt có nội dung rất thâm tuý nhắc nhở con người ăn ở phải theo đạo lý. Dù ở vị
trí nào trong xã hội cũng phải biết mắc tịt nói văn vẻ là biết xấu hổ. Ngày xưa
cuộc sống kinh tế khó khăn nhiều nhưng mọi người biết sống với nhau với cộng
đồng hết sức tốt đẹp. Những câu như “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch
rách cho thơm”... là đúc kết kinh nghiệm văn hoá - cuộc sống thường ngày. Đó là
vật chất còn tinh thần thì phải vậy... nói chung cái gì điều gì trái khuấy thì
dù có đem lại lợi lộc bao nhiêu cũng không nên làm. Ai làm điều gì xấu trái với
lẽ phải phải biết mắc tịt với chính bản thân, với vợ, chồng, con cái với mọi
người trong nhà ngoài ngõ. Khi con người mà biết mắc tịt xã hội sẽ văn minh
hiện đại ngay!. Ông nội Bo Bo nói với bà ngoại Hun Hun như thế rồi tiếp:
“Bây giờ văn hoá
mắc tịt bị lép vế nên mới có cái cảnh nhiều chuyện đúng cứ nghĩ trong lòng
không dám nói ra miệng và sẵn sàng nói láo miễn sao khỏi mang vạ vào thân, lừa
đảo cũng được cho qua. Nhiều khi sự gian dối, nguỵ tạo trở thành cách nghĩ cách
sống trong một số người. Không thành thật trở thành thói quen hàng ngày. Làm
sai không dám nhận, lại còn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Có người không biết
hổ thẹn, không biết tức giận, chỉ biết suy bì tị nạnh, ghen ăn tức ở.” Ông nội
nói đây là tóm lược ý của một nhà văn nổi tiếng của nước mình đó.
Ông nội lại dừng kể
chuyện sai Bo Bo chạy vô nhà mở tủ lạnh bưng đĩa trái cây vú sữa ra đây mời bà
ngoại và bé Hun Hun.
Đĩa trái cây được
đặt trên cái bàn làm bằng xi măng cốt thép giống hệt cái gốc cây cổ thụ bị cưa
trên mặt môn đâu sáu mươi centimet, đây sản phẩm của ba Bo Bo cùng ông bạn nghe
đâu là tay chơi cây cảnh, cá cảnh số dách ở Hóc Môn cùng làm năm ngoái. Ngoài
bàn “gốc cây” còn có sáu cái ghế “gốc cây” khác cỡ như Bo Bo bảo xê xít một
chút cũng không nổi đừng nói gì con gái Hun Hun cho nên ai "đặt đâu ngồi
đấy". Bo Bo đang ngồi gần Hun Hun nhất!. Kế đến tới bà ngoại Hun Hun, còn
ông nội Bo Bo ngồi ghế đối diện. Bà ngoại Hun Hun khen vú sữa ngọt như ai bỏ
thêm đường. Ông nội Bo Bo khen bà ngoại Hun Hun dạo nầy ngó bộ lên được mấy cân
mà nước da nước thịt khá hơn nhiều. Bà ngoại thiệt tình:
“Thuốc của thầy
Thiên ở Quảng Nam
vô lập nghiệp ở Bình Tân, thằng hai Thi con trai tôi hốt đó!”. Bà ngoại Hun Hun
nói xong cười cười rồi hình như hiểu ra cái tính “tinh nghịch” đáng nể của ông
nội Bo Bo có tiếng từ lâu rồi nên bà ngoại Hun Hun không để ông nội trả lời sợ
lại nghe thêm câu “tinh nghịch” khác, nên vội vàng nói tiếp:
“Ờ! Tôi thấy ông
dạo nầy có vẻ hơi “xanh xao” hay là để tôi cắt biếu ông dăm than uống thử!. Chứ
để sụm bà chè... (Chỗ nầy bà dừng nói nếu có nói tiếp thì lại là phần “tinh
nghịch” kiểu bà chín Khéo nhà kế bên ai cũng biết không kém “dí dỏm!” mà không
ai nỡ giận.).
Vườn ông nội không
rộng vì đất phố mà nhưng cách ông sắp đặt chỗ nào là cây kiểng, chỗ nào là bể
nuôi cá, chỗ nào ra chỗ nấy hợp cảnh hợp tình cho nên nom đẹp mắt và gọn gàng.
Riêng chuyện chim chóc ông bảo đúng ra phải có mươi lồng chim nữa thì vui nhưng
theo ông cứ thấy con chim nhút nha nhút nhát nhảy nhót trong cái lồng mà thương
nên thôi ngược lại ông nuôi cá cảnh. Ông bảo cá ở dưới nước chật hẹp nông sâu
gì nó cũng thoả mái bơi lội nên được!.
Trên cây vú sữa và
hàng cau hai bên sân lâu lâu lại có từng đàn chim về làm tổ đẻ trứng nở con rồi
nuôi con khôn lớn. Ông chưa bao giờ cho Bo Bo phá tổ chim. Ông nói với Bo Bo
cái tổ của con chim là cái nhà của nó đấy!. Ai phá nhà của ông nội cháu chịu
không?. Nhờ vậy mà chim ở vườn nhà ông ngày một nhiều tới mấy loại nhưng nhiều
nhất là chim sẻ, chim sáo, chim bồ câu... Hằng ngày ông cùng Bo Bo cho gạo cho
đậu nó ăn nên nhiều con dạn lắm bay vào tận hiên nhà hót líu lo hoặc đứng gù gù
trông thân thiện và hiền lành.
2.
Lại chuyện cây mắc
tịt.
Bữa hôm trưa cách
đây hai ngày câu chuyện cây mắc tịt ông nội Bo Bo mới kể một nửa. Sáng nay ông
hứa sau khi ông hiệu đính xong phần chữ Nôm của quyển gia phả họ Trương của ông
bảy Bền nhờ sẽ kể tiếp.
Bởi vậy mới vừa
cùng Hun Hun học môn tiếng Anh trên mạng xong Bo Bo thấy ông ngơi việc chạy tới
vừa nhắc vừa thúc ông trưa nay kể chuyện sớm hơn để Hun Hun nghe với...
Ông nội Bo Bo hiểu
ý đứa cháu đích tôn nên xếp gọn sách vở lại rồi nói:
“Hai đứa đi rót
thêm cho ông một ly nước cam vắt. Ông sẽ kể chuyện bây giờ!. Mười giờ rưỡi
rồi”. Như đôi chim chiền chiện Bo Bo và Hun Hun tung tăng chạy đứa nào cũng
muốn chính tay bưng ly nước cam vắt lấy từ tủ lạnh mời ông để được ông vo vo
đầu khen “Giỏi!. Giỏi!”.
Ông nội lên tiếng:
“Để Hun Hun bưng
lên cho nội nghe Bo Bo!”.
Bo Bo bụng không
ưng nhưng đây là lệnh! Mà lệnh của ông nội ai dám cãi. Được cái ông nội rất
công bằng “Lát nữa nhất định ổng sẽ sai mình làm chuyện đặc biệt cho xem”. Bo
Bo nhìn Hun Hun rồi nói thầm trong bụng.
Mà không đợi lâu.
Ông nói:
“Bo Bo lấy luôn đĩa
trái ổi xá lỵ ba con mua đó đem lên đây!”.
Cái cảnh đứa con
trai đứa con gái bằng tuổi nhau chơi chung như thế nầy vui đáo để. Hun Hun
thường nói với bà ngoại Hun Hun nhà Bo Bo sướng thật cái gì cũng có mà sướng
nhất là Bo Bo được ông nội bày vẽ mọi lễ nghi. Do vậy bà ngoại Hun Hun không
nói ra chứ ưng bụng khi thấy đứa cháu ngoại mồ côi mẹ từ cách đây năm năm lúc
Hun Hun mới gần ba tuổi. Ba Hun Hun thương con lắm nhưng cảnh đàn ông “gà trống
nuôi con” làm sao bằng bà ngoại và dì út nuôi cháu nên đành chịu xa Hun Hun.
Hun Hun ngày lớn khôn biết chuyện cũng chia sẻ với ba nỗi thương nhớ ấy và Hun
Hun nói như người lớn “Ba còn trẻ con ưng ba lấy vợ để con có em!.”. Và Hun Hun
có em thật tới ba đứa một gái hai trai cũng ngoan lắm. Nhà ba Hun Hun ở tận Tân
Phú nên lâu lâu ba mới chở mấy em xuống nhà ngoại chơi. Trưa nay ba sẽ chở em
xuống.
Hun Hun nhớ ba nói
như thế qua điện thoại với bà ngoại hồi sáng sớm.
Ông nội Bo Bo ngồi
lọt vào giữa bốn chị em Hun Hun và đứa cháu nội Bo Bo. Lúc này càng trông giống
ông Bụt. Tóc ông bạc phơ, hàm râu cũng bạc phơ và dài dài cả gang tay, ông nội
lại mặc bộ áo quần vải lụa màu gi càng tôn thêm dáng nhân hậu vốn có. Ông nội
kể chuyện mắc tịt tới hồi gay cấn hấp dẫn:
“Các cháu biết
không? Cây cũng như người nếu sống có tình có nghĩa đúng theo đạo lý sẽ hanh
thông còn ngược lại chóng chầy gì cũng không ra gì!.”
Cây mắc tịt ông kể
không có thực trên đời này nó như giấc mơ đẹp của tuổi các cháu hiện giờ nào là
sau nầy lớn lên sẽ thành bác sĩ vừa giỏi vừa có tâm hết lòng chữa lành bệnh cho
bệnh nhân không vòi vỉnh quà cáp, không làm giàu làm có bất chính trên nỗi đau
bệnh tật của loài người. V.v... và V.v... Hãy giữ trong lòng các cháu tính mắc
tịt của tuổi thơ các cháu bây giờ cho đến hết cuộc đời. Ông nội nói:
“Các cháu hiểu ý
ông dặn không?”.
Bo Bo, Hun Hun và
cả ba đứa em Hun Hun đồng loạt đứng dậy hô to:
“Dạ cháu hiểu, cháu
hiểu ạ!”.
Ngoài hiên nhà đàn
chim sẻ và bồ câu bay đến chờ ông nội và Bo Bo cho ăn gạo và đậu nghe tiếng reo
hò của bọn trẻ tung cánh bay lên... trở lại các cây trong vườn nhà xong đưa
những cặp mắt trìu mến nhìn xuống... chờ đợi...

Có tình yêu thương,
có tính trung thực và bao tính tốt khác... chưa đủ. mỗi người còn phải có thêm
tính mắc tịt. Cái tính hồi con nít ai cũng có và thực hiện đẹp đẽ biết bao.
Chẳng lẽ không ai còn nhớ tí nào.
Bo Bo và Hun Hun và
biết bao trẻ em lứa tuổi teen đang ấp ủ những giấc mơ đẹp nhất./.
H.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét