Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn HÒA VĂN: Mung Lung Con Bò






HÒA VĂN


Buổi sáng. Ngồi ở quán cà phê Nguồn Cội thư thái thả hồn bay bổng theo giai điệu bài hát Một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đăm chiêu nhìn xuống phía con đường đổ bê tông chạy chui qua đường sắt và dừng lại thật lâu ngắm nghía đàn bò đang nhẩn nha gặm từng đọt lá cỏ xanh mởn mới lú nhú ra sau trận mưa rào nhẹ đêm qua. Con bò có bộ lông màu vàng sẫm vóc dáng to rắn chắc nhất đàn dừng gặm cỏ ngẩng đầu lên nhìn về phía quán cà phê. Đôi mắt bò sáng long lanh gắn trên đầu với cái trán rộng.
“Trán cao và rộng thì thông minh”. Đó là nói về con người, còn đối với con bò thì sao nhỉ?.
Bò tỏ ra vẻ “suy nghĩ” điều gì quan trọng lắm!. Tôi ước gì có một phép màu hóa thân thành “ông bò” chạy ra vạt cỏ rồi cùng “nói chuyện” với các “cô, cậu bò” kia. Như thế mới có cơ may biết bò đang nghĩ gì.
Viên Viên tới quán cà phê Nguồn Cội, tự xách một cái ghế nhựa nơi bàn kế bên mang đến bàn tôi đang ngồi.
Viên Viên nói:
“Bữa nay ông đi uống cà phê sớm?”.
Tôi gọi chủ quán cho thêm một ly cà phê sữa đá – Món cà phê ưa thích của Viên Viên – xong mới trả lời:
“Sớm gì! Đã hơn bảy giờ rồi!”.
Và nói tiếp:
“Anh trông con bò…”.
Tôi nói nửa chừng câu, Viên Viên chen vào:
“Nó làm sao?”.
“Nó đang ngẫm nghĩ điều gì?”.
“Ông biết?”.
“Chỉ đoán thôi!”.
“Đoán gì?. Mà ông viết một cái truyện về con bò chưa?”.
Câu nầy không biết Viên Viên đã nói với tôi bao nhiêu lần rồi…
Chị chủ quán bưng khay cà phê ra kèm theo tách trà mới.
“Anh Viên Viên mới về?”.
“Chào chị. Mới về hôm qua”.
Chị chủ quán nở nụ cười thật tươi.
Tôi nói:
“Tách trà đặc biệt đãi khách Sài Gòn đây!”.
Chị gật đầu, quay đi.
Viên Viên tráng ly rồi rót nước trà. Màu vàng dịu của nước và mùi thơm nhẹ của trà là hai đặc sản của loại trà nghe nói đắt giá do cách thu hái sơ chế rất công phu. Điều nầy Viên Viên rất rành.
“Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại "một tôm hai lá" và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 ngày nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Đồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây.
Hoa sen phải hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.
Có lẽ đây là cách ướp trà độc đáo có một không hai trên thế giới. Khi hoàng hôn dải nắng vàng lên mặt hồ sen, các thiếu nữ chèo thuyền ra chọn những bông sen đang còn hé nụ lén bỏ vào một dúm trà nhỏ. Sớm hôm sau khi ánh bình minh chưa chạm tới chúng thì các thiếu nữ lại chèo thuyền ra lấy lại những dúm trà đó. Trà rất thơm hương tự nhiên của đất trời trong suốt đêm dài. Cũng thế, nước pha trà được hứng từ những lá sen còn đọng sương sớm. Đây chính là thiên cổ đệ nhất trà”.
Viên Viên ngừng kể nhìn lơ đãng…
8 giờ. Đàn bò cặm cụi gặm cỏ bụng no tròn trông lớn ra so với hồi sáng. Các “anh, chị bò lai Sind” vốn có vóc dáng cao to nên cùng một thời gian sinh trưởng bò lai lớn gấp đôi giống “bò ta” tuy vậy cũng giống như gà ta, heo ta… “bò ta” nhỏ con nhưng chất lượng thịt ngon không chê vào đâu được!.
Gò Nổi vùng đất xưa nay nổi tiếng nhiều lĩnh vực trong đó có nuôi con bò. Bò ăn cỏ tại đây mau lớn và cho chất lượng thịt ngon đáo để, đặc biệt thịt bê trở thành món ăn khoái khẩu đưa một địa danh ở cầu Mống thành tên gọi gắn với con bê đó là món bê thui cầu Mống(*). Bê thui cầu Mống nằm trên quốc lộ 1A do vậy tiếng tăm không chỉ ở địa phương mà lan ra khắp nơi trong nước… và nay đã trở thành món ăn đặc sản Quảng Nam.
“Theo một lão làng trong nghề thui bê cầu Mống, thì con bê để thui được chọn vừa đủ lớn (chừng 40-60 kg) được nuôi dưỡng cẩn thận bằng cỏ vùng đồng bằng là cốt lõi của nguyên liệu bê thui. Sau khi xẻ thịt, lấy lòng, con bê được khâu lại với một số loại lá cây khử mùi rồi mang lên lò lửa than hồng thui nhẹ. Suốt thời gian khoảng 4 giờ đồng hồ, người đứng thui phải túc trực nơi lò than để quay đảo cho thịt bê chín đều, miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt; còn bì (da) thì phải chín để có độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Sau đó, bê được mang lên bàn xẻ thành từng tảng lớn treo vào tủ kính. Khi khách vào, người đầu bếp chỉ việc lấy tảng bê xắt từng lát mỏng xếp vào đĩa đẹp mắt rồi mang ra. Thịt bê ngon cuốn cùng bánh tráng và rau sống chấm mắm cái sẽ là món ăn mãi mãi không quên đối với đa số người đã thưởng thức qua.
Thành phần quan trọng quyết định đến sự thành công của món bê thui cầu Mống là nước chấm và rau sống. Nước chấm là loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, đường phèn… vào cho vừa miệng.
Rau sống để cuốn bánh tráng cùng lát bê thui cũng khá cầu kỳ. Ngoài 3 loại rau chính là giá sống, chuối chát và khế chua, trong đĩa rau còn có nhiều loại rau thơm (húng, quế, ngò…) và cải chìa non. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng.”(**)
Sau khi nghe tôi kể, Viên Viên nói:
“Ông nhớ không hồi còn nhỏ hễ tụi mình lơ là việc học các cụ thường bảo tướng mi chỉ có đi giữ bò!”.
Tôi không trả lời câu nói của Viên Viên vì đang chăm chú nhìn đàn bò giờ tấp hết vào hàng tre sát bên bãi cỏ tránh nắng. Con đứng con nằm có điều tất cả thong dong… trông như đang nghĩ nghĩ ngợi ngợi điều gì quan trọng lắm!.
“Ông nhớ không?”. Viên Viên nhắc lại câu hỏi.
Tôi giật mình người ta nói bệnh hay quên là bệnh của người già. Tôi chưa già mà sao cũng nhiều khi hay gặp. Nãy giờ là vậy. Nghe Viên Viên hỏi tôi mới định thần rồi nói:
“Ừ!. Hồi xưa các bậc phụ huynh hay nói như thế cốt nhắc nhở con cháu ráng mà học hành, nếu học không được chỉ có nước giữ bò!. Còn nay khác rồi…”.
“Khác làm sao?”. Viên Viên hỏi.
“Quê mình nuôi bò không như ngày xưa nữa, đã nuôi thì nuôi năm bảy con trở lên, có nhà làm trang trại nuôi hàng trăm con.”.
Viên Viên gật gù nói:
“À ra thế!”.
Tôi tiếp:
“Tuy vậy vẫn có nhà nuôi bò để xóa đói giảm nghèo, nuôi đôi con thôi chứ ngó vậy nuôi bò phải có vốn mới được, gần đây nhiều người đi làm ăn ở xa có tiền gởi về cho anh em trong nhà mua bò nuôi rẻ!. Tôi thấy việc nầy là một cách giúp đỡ nhau làm ăn khá tốt.”.
Viên Viên vừa nhâm nhi ly cà phê vừa nghe tôi kể chuyện.
Viên Viên cười cười. Nụ cười phát ghét nếu ai đó có tâm trạng buồn bực điều gì và cũng kiểu cười đó trong lúc mọi người vui vẻ sẽ thêm cực vui. Đang ở hoàn cảnh thứ hai nên tôi cười giả lã theo rồi hỏi:
“Ý của anh làm sao mà cười vui thế!”.
Đột nhiên Viên Viên chuyển từ vui sang buồn buồn. Tôi hỏi tiếp:
“Mới xa Sài Gòn dăm ba bữa mà nhớ…?”.
“Nhớ với thương gì!. Ông biết không?...”.
Viên Viên bỏ dở câu nói nhìn chăm chắm về phía đàn bò. Tôi biết bây giờ mà hỏi cho ra nước ra cái không tiện đành đánh trống lãng:
“Về ở mấy hôm?”.
“Không lâu được!. À giờ tôi với ông đi biển Cửa Đại nghe?”.
10 giờ. Bầu trời mùa hạ trong vắt. Cái nóng hầm hập như có lửa đốt bao quanh, may hồi hôm có cơn mưa nhẹ nếu không nắng nóng còn tăng lên gấp bội. Quán Nguồn Cội là nơi rất nhiều người về đây vào ban đêm hoặc nửa buổi sáng để hóng không khí thật mát mẻ có một không hai ở đất Gò Nổi nầy.
Tôi không trả lời đề nghị của Viên Viên ngay bởi có chút việc cần làm nhưng nghĩ bạn bè lâu quá mới gặp.
Tôi nói:
“Chỉ đi biển thôi chứ đừng la cà như các lần trước nghe?”.
Viên Viên lại cười nụ cười tinh nghịch vì biết ý tôi nói “la cà” là việc gì rồi.
***
Bò 1:
“Không biết con người “uống cà phê” làm gì như thế?”
Bò 2 mắt nhắm riết chừng như đang lơ mơ ngủ nhưng tai thì thính lắm bởi bò 1 nói rất nhỏ thế mà vẫn nghe rõ mồn một…
Định thần một chút bò 2 nói:
“Cũng chẳng rõ. Nhưng “ông” ở đây lâu rồi không biết làm sao “cháu” mới về biết được?”.
“Cậu bò” 2 không nói thì thôi đã nói hay cà kê dê ngỗng từng tràng dài khiến “ông bò” 1 phải lắng tai nghe mới kịp.
Bò 1:
“Thời hỏi là hỏi vậy thôi!. À “cậu” thấy thế nào về vùng đất mới đến nầy?”
Thay vì trả lời “cậu bò” 2 đứng phốc dậy bước tới bước lui y như tập thể dục cho bớt cái mệt mỏi của cả ngày hôm qua hết đi bộ rồi đi xe đâu hơn ba chục cây số từ miền bán sơn địa huyện X về Gò Nổi. Đầu óc của “cậu bò” 2 tới giờ còn lùng bùng kiểu như có ai đó chơi nghịch dùng cây gõ vào thùng thiếc bên tai cả ngày, được cái chiều hôm qua tới nhà ông Chín Kê các “ông, bà bò” đón tiếp thật niềm nở và sau đó ăn ngay cả bội cỏ xanh mướt… Loại cỏ lần đầu tiên “cậu bò” được thưởng thức. Nói sao chính xác hè. Nó ngon hơn “thịt bò xào lá lốt”!. “Cậu bò” 2 miên man suy nghĩ rồi nhớ là chưa trả lời câu hỏi của “ông bò” 1 nên gật gật đầu nói:
“Dạ!. Cái đầu tiên cảm nhận là cảnh vật ở đây thật đẹp. và…”.
Không nói tiếp và gì… “cậu bò” 2 vểnh tai nghe tiếng động lạ liên hồi “lách cách, lạch cạch, đùng đùng…” từ phía đường sắt vọng lại.
“Ô kìa… cái gì to, dài ngoằn chạy trên bờ đất cao thế?”. “Cậu bò” 2 nghĩ thật nhanh trong đầu, mắt ráo hoảnh chăm chăm nhìn theo rồi hỏi:
“Cái gì? “ông bò””.
Khây khẩy cười. Rồi cười to. Nụ cười để lộ rõ hàm răng trắng bốc đều hay háy, “ông bò” 1 ung dung trả lời ra kiểu “xe lửa mà không biết à!”.
“”Cậu” chưa từng thấy ?”
“Dạ đây là lần đầu tiên ạ!”.
“Đến ở đây rồi sẽ biết nhiều thứ hay lắm!. Tàu lửa hay có người gọi tàu hỏa đó!”.
Đúng ra “ông bò” 1 còn muốn nói ngày xưa nó là hỏa xa nữa mà thôi nói nhiều thêm rối chứ ích gì!.
“Ông bò” 1 trở thế đứng rồi nằm xuống, mặt trời lên cách ngọn tre đâu năm mét độ nầy đâu khoảng 11 giờ kém, mọi lần ông Chín Kê đã ra lùa một bầy năm con bò của nhà ông đi xuống bờ lạch uống nước trước khi cho về chuồng nhưng không biết tại sao hôm nay chậm thế. Lũ bò nhà bà Bốn Di được cô con gái chuẩn bị đi thi Đại học cho về từ sớm. Cô con gái bà Bốn Di học cực giỏi từ lớp 1 đến lớp 12 năm nay đi thi hai trường ở Sài Gòn. Sức học của cô Thương Thương (con bà Bốn Di) cả xóm cả làng đều khen còn bạn học “kính nể!”. Theo dự đoán thi đại học y và dược dẫu gì gì nhất định cũng đỗ một trường có khi thủ khoa cũng nên!.
Người Gò Nổi rất hiếu học. Phần lớn vất vả trong cuộc sống do làm nông chay nhưng nhờ có nuôi bò ai nấy cũng có tiền nuôi con cái ăn học đến nơi. Nhà ông Chín Kê có hai con trai một con gái thì tất cả đã qua đại học hẵng hoi, anh cả đỗ tiến sĩ khoa học, cô thứ hai tốt nghiệp thạc sĩ tiếng Nhật ở Nhật, anh con út vừa ra trường... Nói chung nhà ông Chín Kê con cái học hành thành đạt là tấm gương sáng cả làng cả xóm noi theo. Bà con ở đây hay nói vui “Bò nuôi mình chứ mình nuôi bò chi!”.
Ông Sáu Ki hết nuôi bò ở quê nay vào Sài Gòn đi phụ hồ để tiếp tục nuôi đứa con đầu học đại học ngoại thương.
Trường hợp ông Sáu Ki không cá biệt, người nông dân một nắng hai sương biết sự nhọc nhằn là giá nào rồi nên mọi người cố dành mọi sự tốt nhất cho con đi học trước nên người sau mong mỏi về sau có công ăn việc làm đỡ cực hơn đời của cha mẹ được như vậy là mừng!. Câu “Hy sinh đời bố củng cố đời con” nghe chí lý chứ không phải giỡn chơi.
Trong làng có nhiều ông tiến sĩ “thợ hồ”, ông thạc sĩ “xe ba gát”, … nói vậy là nói các vị được nuôi nấng lớn lên đỗ đạt bằng mồ hôi công sức và có cả nỗ lực vượt khó của gia đình và bản thân những người biết khắc phục mọi khó khăn để có được cuộc sống tốt đẹp.
Chiếc xe Mercedes-Benz GLK 2013 có biệt danh “Hổ” thêm “nanh vuốt” màu trắng bóng loáng chạy đến cuối con đường sát bãi cỏ dừng lại. Bước xuống xe đi đầu là ông Chín Kê. Hôm nay ra đón bò về chuồng đã trễ mà còn diện bộ cánh màu ghi mới cứng đi giày cũng màu ghi nhưng sẫm hơn màu áo quần trông ông trẻ ra cả mươi tuổi chứ không ít. Theo sau ông Chín Kê có hai người trông quen quen. Nhớ ra rồi anh con cả và người con út của ông Chín Kê. Cả hai ăn mặc tươm tất. Đàn bò năm con của nhà ông đứng lóng ngóng tỏ vẻ rụt rè không biết chuyện gì. Con bò có bộ lông vàng sẫm to con lớn xác là thế mà ngó bộ sợ sệt lắm, ông Chín Kê vỗ vỗ vào vai của bò ý nói “Đừng sợ đừng sợ ông đây mà!”, tuy vậy bò vàng sẫm vẫn chưa lấy lại vẻ thân quen như mấy bữa. Ông Chín Kê nắm dây ngàm nơi miệng bò giật giật liên hồi rồi rảo bước theo hướng về nhà. Cả năm con bò nhà ông răm rắp đi theo. Hai anh con trai đi trước vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Tới chỗ chiếc xe đậu anh con cả lên lái xe còn ông Chín Kê và người con út lững thững đi cùng các con bò. Xe chạy chầm chậm trước… đàn bò theo sau…
13 giờ. Hôm nay nhà ông Chín Kê kỵ cơm bà mẹ. Khách giờ đã vãn nhưng vẫn còn náo nhiệt. Phía đầu sân bê tông dưới tán cây vú sữa cành lá sum sê tỏa bóng mát cả chục mét vuông đất, con cháu nội ngoại ông Chín Kê quay quần bên chiếc bàn tròn mời nhau những ly bia đầy ắp sóng sánh màu vàng óng.
Con cháu ông Chín Kê nổi tiếng học giỏi và làm ăn thành đạt. Ông thường tâm sự đây là do phước đức nhà. Mà đúng vậy vốn là phật tử thuận thành nhiều đời nhà ông biết tu thân tích đức. Chính cô con dâu của ông cũng như gạo trên sàn hiền hậu, nết na, hiếu nghĩa…
Ông Chín Kê bước tới bàn các cháu đang vui vẻ ăn giỗ, nói:
“Ông nội - ông ngoại chúc các cháu một ly nghe!”.
Mọi người đồng loạt nâng ly hưởng ứng, không khí vô cùng hưng phấn.
***
14 giờ. Khi sáng tôi và Viên Viên nói với nhau như vậy nhưng sau đó có lời mời của ông Chín Kê và nhận tiếp hai cuộc điện thoại của Hải – con cả ông Chín Kê - nên đi dự đám giỗ xong bây giờ mới xách xe chạy tới biển.
Cửa Đại trông phát triển mạnh lên nhiều so với hai năm trước. Các khu nhà nghỉ, khách sạn, khu tắm… đi vào hoạt động nền nếp vừa hiện đại vừa giữ được vẻ đẹp của phố cổ Hội An. "Đứng trước biển mọi sự nhỏ bé vô cùng!". Tôi nói thầm trong bụng.
Những con sóng lô nhô đùn đẩy nhau từ biển khơi liên tục vào bờ rồi tan loãng ra… Gió biển, nắng biển đều có vị mặn của muối mà muối là một vật thể người ta thường hay ví như sự thủy chung sắt son. Viên Viên yên lặng nằm dài xuống cát gần sát bờ biển lấy tay vọc vọc cát y hệt như hồi còn trẻ.
Tôi ngồi xuống bên Viên Viên nói:
“Anh nói chuyện gì cho vui đi!”.
“Ông nói chuyện gì vui của ông đi!”.
Bất ngờ trước câu trả lời kiểu đánh đố của anh bạn một thời cùng học hành vui chơi. Khi ấy gia đình Viên Viên ở quê làm ruộng nuôi bò… Đùng một hôm Viên Viên nói đi Sài Gòn. Giỡn chơi chứ ở tuổi đôi mươi tay trắng chưa có việc gì làm mà đi đâu ngoài vác cuốc theo ông bà già ra bãi ra đồng tập tành làm “anh nông dân trẻ”. Mồ hôi đổ ra không ngại gì chỉ ngán nhất đôi bàn tay chưa quen làm lụng bị bỏng bong bóng nước đau nhức lắm. Kinh nghiệm tới bữa cơm vét một nắm cơm bằng quả trứng vịt nắm chặt lại thật lâu để hơi ấm nóng làm cho da đôi bàn tay chai chì hơn là kinh nghiệm được tôi và Viên Viên bày cho nhau và ngày nào cũng làm. Rồi gia đình Viên đi Sài Gòn thật, ban đầu tôi hụt hẫng lắm sau quen dần nhờ mấy đứa bạn trong xóm an ủi động viên…
Nay hai đứa ngồi bên nhau mỗi đứa một suy nghĩ. Không biết Viên Viên nghĩ gì riêng tôi nhớ mãi những lần đi biển tìm rau câu về nấu món xa xa(***). Một thú vui của những mùa hạ xa xưa.
Viên Viên hỏi:
“Ông nhớ chỗ mình vớt rau câu không?”.
“Phía kia kìa!”.
Tôi vừa nói vừa chỉ tay về phia bắc của bờ biển, nơi những con sóng tung lên cao trắng xóa. Biển giờ biến đổi nhiều so với ngày xưa, nhộn nhịp chứ không hoang sơ… Những người đến với biển không chỉ ở địa phương, các tỉnh lân cận mà nhiều khách đến từ khắp năm châu, những “ông tây bà đầm” xen lẩn với người Việt ai nấy cũng tỏ vẻ ôn tồn, thân thiện cùng nhau vui trước cảnh đất - trời - biển cả - mênh mông.
15 giờ. Biển. Nắng và gió. Sóng và sóng. Người và người... Vi mặn…
Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thủy mặc sinh động đầy thỏa thích!. Viên Viên nãy giờ huyên thuyên rất nhiều chuyện như trút bớt đi bao nỗi lòng nặng trĩu…
Đời sống con người có sự sắp đặt kỳ diệu. Mỗi người rong ruổi theo một số phận. Gia đình của Viên Viên là như vậy. Bảo anh không yêu vợ. Không phải. Bảo anh kẻ lông nhông. Không phải. Anh là người chồng tốt đáng lẽ ra anh có quyền hưởng những gì anh tạo dựng. Anh kể chứng bệnh hiếm muộn con cái của vợ anh đã dẫn dắt gia đình anh bề ngoài ai thấy tưởng tràn đầy hạnh phúc thì sự thực quay ngược 180 độ. Hai mươi năm tốn công tốn của tìm mọi phương cách không kết quả… Nhà cửa xe cộ đất đai của nổi của chìm trở thành mũi kim châm vào cả hai trái tim của vợ chồng anh. Sự thiếu hụt tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ trong một nhà của bất kỳ gia đình nào cũng vô cùng thảm hại!.
Cách đây mấy năm về quê Viên Viên nối lại một tình cũ ở phố Hội, tôi biết chuyện có gợi ý:
“Việc đúng phải làm dù khó khăn!”.
Viên Viên nói:
“Không biết bà nhà rõ cớ sự sẽ như thế nào?”.
“Anh nên…”.
Về sau vợ của Viên Viên biết chuyện không những hoàn toàn đồng ý mà con dành cho “bà hai” của Viên Viên sự chăm sóc chu đáo khi “bà hai” sinh một “hoàng tử”.
“Thế mà tại sao giờ Viên Viên lại buồn buồn?”.
Tôi nghĩ mãi…
Hai đứa uống gần hết thùng bia lon mà lạ thật ở biển uống bia rất được. Thường thường “tửu lượng” tới cỡ này tôi say quắc cần câu rồi, ở đây lại khác đầu óc vẫn tỉnh rụi!. Món mồi thịt bê thui Cầu Mống ghé mua ở quán Mười mang theo xuống đây mới nhâm nhi đâu một nửa đĩa. Viên Viên bảo giờ thức ăn đồ uống không còn hụt như hồi xưa... Cái ngày không rõ tại sao “chịu đựng giỏi vậy!”.
Theo Viên Viên người giàu có nỗi khổ của họ. Tiền bạc dù có nhiều đến đâu cũng khó có thể toại nguyện mọi sự. Viên Viên đem chính anh ra làm tỉ dụ. Vợ con nhà cửa đất đai và bạc tỷ để làm gì khi trong nhà thiếu vắng tình yêu thương thiệt lòng với nhau.
Tôi nói:
“Anh nghĩ được như vậy là đúng rồi!. Chính anh phải lấy “tình yêu thương thiệt lòng” để hóa giải những gì gia đình anh đang gặp phải. Tôi tin anh sẽ làm được…”.
0 giờ. Cơn sóng to đập mạnh nhấn chìm tôi xuống biển sâu khiến đầu óc tỉnh táo trở lại sau giấc mơ mung lung...
 H.V


(8/2013) 
___________________
 

- (*): Xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam
- (**): Theo Internet 
- (***): Cách nấu xa xa: Rau câu thu hái về ngâm nước mưa hoặc nước vo gạo vài ba hôm để tẩy bớt màu vàng và mùi biển sau đó nấu nhừ, cho vào một ít phèn chua (để xa xa mau đông đặc). Xong khuấy đều và đem lọc trên vải mỏng sẽ có xa xa. Xa xa ăn với nước đường bát thắng sền sệt vắt vào một ít chanh, thêm một nhúm gừng giã nhỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét