Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Đặng Tiến: CON CHUỘT NĂM TÝ


 Năm nảo năm nao, năm nào cũng vậy, ngày hết Tết đến, viết bài Tết, ký ức lại xôn xao nhiều hình ảnh quê xưa, nao nao vần điệu ca dao. Năm Tý, nhớ câu : Chuột kêu rúc rích trong rương Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay. 
Ngày nay, nhất là ở thành phố, thấy chuột chạy, nghe chuột kêu, sẽ có người hoảng hốt. Nhưng xưa kia, việc ấy bình thường, thậm chí câu lục bát nói trên, còn là một âm vang của hạnh phúc. Nó chứng tỏ trong nhà có cái ăn. Tiếng rúc rích canh khuya gợi lên khoảng thời gian thanh lắng, và không gian êm ả. Trong khí hậu yên lành đó có tiếng chân người, kín đáo, kiêng dè: hạnh phúc đang đi dần, đi dần lại, cùng bóng đêm đồng lõa.
Chúng ta tưởng tượng đôi vợ chồng mới cưới, về thăm cha mẹ, có lẽ là cha mẹ vợ, vào một dịp giỗ tết. Cứ tưởng tượng tối mồng hai Tết: mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy. Vợ chồng đã cưới hỏi, nhưng khi về nhà cha mẹ, vẫn phải giữ kẽ nằm riêng.
Tại sao lại sợ « má hay », mà không sợ cha, sợ tía ? Có lẽ là thời ấy, đàn ông ngủ nhà trên, phụ nữ ngủ nhà dưới. Xưa. Hạnh phúc ngày xưa : dè dặt mà đằm thắm sâu xa, không như cái vồ vập, thường dễ phôi pha ngày nay. Tình huống đêm hôm khuya khoắt này ắt là hư cấu, hoặc ít xảy ra. Nhưng tình cảm là thật và lễ nghi là thường. Lời người con gái – tôi dùng từ sai – nói ra lúc nào ? Phải chăng chỉ là giấc mơ hạnh phúc, thậm chí là hoang tưởng của người phụ nữ, đặt trên tình yêu, đồng cảm và lễ nghĩa, và trong chừng mực của kinh tế. Hạnh phúc trong không gian âm phái : người vợ, người mẹ, canh khuya, cái giường. Phải đặt tiếng chuột rúc rích trong không gian đó, chứng nhân, đồng lõa, rúc rúc chúc phúc. Một câu ca dao ngắn, ôi sao mà súc tích ! Tiếng chuột biểu hiện hạnh phúc, không phải tôi suy ra để tán tụng câu ca dao, mà do Tô Hoài kể lại, trong truyện O chuột, 1941, một thành công đầu tay của anh : «Người ta chỉ ưa cái tiếng kêu « chuúc… chuuúc.. ». Các cụ ta nói: ấy chuột chù bảo : « túc, túc » « đủ đủ ». Nhà ai mà chuột chù cứ túc túc luôn, ắt nhà ấy hẳn sắp có việc đại phát tài ».
 Nửa thế kỷ sau, Tô Hoài nhắc lại ý cũ, và đế thêm vào câu ca dao minh họa : Thứ nhất đom đóm vào nhà, Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn. Lại Chuyện chuột, trong Chuyện Cũ Hà Nội, ấn bản 2000, là một đoản văn hay, đầy đủ về loài chuột.
Tác giả giải thích :
 « Tôi viết bài lại kể về chuột này bởi xưa nay tôi có cơ duyên với chuột, đã viết nhiều về chuột. Những truyện ngắn O chuột, Chuyện gã Chuột bạch, Chuột đồng chuột nhà, và những Chuột thành phố, Đám cưới chuột… Tôi kiếm cơm nhờ chuột, vậy mà tôi vẫn chén thịt chuột… » Trong các tác phẩm được nhắc lại, đặc sắc nhất là Chuyện gã chuột bạch, tinh vi và tinh quái, ý vị và thi vị : « Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau ; bốn con mắt cùng khép. Chiều đến đã đem bóng về dần dà trong cửa sổ, Bấy giờ vợ chồng chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt cựa mình trong thớ gỗ ».
 Không biết trong văn học thế giới, có nhiều những âm hao tinh tế như vậy chăng? Một hôm chuột vợ ngoạm được miếng mồi to, nuốt trửng một chú bọ ngựa : « Một mạng lớn, giết đi một mạng nhỏ, êm nhẹ như hơi chiều lặng lờ sang… » Chuột ả chết vì mắc nghẹn, chuột chàng không mấy quan tâm : « Gã đã khỏi ốm. Không có đàn bà thì chừng như gã khỏe khoắn lắm lắm. Một mình đánh cả hai cái vòng, nghe rộn ràng, cũng vui… ». Truyện đăng báo Tiểu Thuyết thứ bảy, 1941. Nhân cái Tết năm Tý này, đọc lại, ngoài niềm thích thú, ta còn tìm được đôi ba chìa khóa đưa vào triết lý Tô Hoài, hiểu thêm non 200 trước tác của anh, về sau. Trong Lại Chuyện Chuột đã dẫn, Tô Hoài có nhắc đến truyện dân gian Trinh Thử ; chắc là anh đã nghe truyển khẩu và không kiểm soát văn bản nên đã kể… ngược, nhầm nhân vật chuột chồng ra chuột vợ. Trinh Thử, con chuột trinh tiết là một truyện nôm bằng thơ, ra đời cuối thế kỷ 19. Vì các bản in xưa kia, ngoài bìa ghi tác giả là «Trần triều xử sĩ Hồ huyện Qui tiên sinh soạn » nên độc giả tưởng là tác phẩm thời Trần Hồ. Ngày nay, giới biên khảo tìm ra nguồn gốc là truyện văn xuôi Trung Quốc xuất hiện nửa sau thế kỷ XIX, tên là Đông thành trinh thử truyện, chuyện con chuột trinh tiết thành phía đông. Bản in sớm nhất hiện nay là 1875, có người cho là của Nguyễn hàm Nghi, quê Quảng Bình. Tác phẩm gồm 850 câu lục bát, kể chuyện con chuột Bạch góa bụa đi kiếm mồi nuôi con ; một hôm tránh chó, lỡ cơ sa vào ổ khác. Gặp lúc chuột Cái đi vắng, chuột Đực thừa cơ tán tỉnh, chuột Bạch một mực từ chối ; chuột Cái về, bắt gặp, nghi ngờ và ghen tuông. Cuối cùng là đả thông và hòa giải. Chuyện răn đời, đề cao tiết hạnh, cảnh cáo thói trăng hoa và tính ghen tuông không cơ sở. Nhưng đặc sắc của Trinh Thử là đã đưa lời ăn tiếng nói dân gian vào tác phẩm, đôi khi bất ngờ. Ví dụ thành ngữ « râu quặp » chỉ người sợ vợ, qua lời chuột Đực : Ta đây dễ nạt được nào Chẳng như kẻ quặp râu vào rẻ roi. Thành ngữ « no cơm rửng mỡ » tưởng là đã hiện thực, Trinh Thử lại còn táo tợn hơn : « no cơm thì rửng hồng mao ». Một câu nói đùa vui, không ngờ xuất hiện trong tác phẩm văn học : Ruồi kia một phút bay qua Biết là đực cái, lọ là sự ai. Đây là lời chuột Cái trách chồng, rất thực tế và dân dã : Chiếu chăn nào có hững hờ Mà như voi đói thì vơ dong dài Quen mùi bận khác ăn chơi Có ngày cũng được như ai ghẻ tàu. Ghẻ tàu là tên nôm na của bệnh dương mai, da liễu.
Truyện Kiều lắm lầu xanh, từ Tú Bà sang đến Bạc Bà dập dìu lắm kẻ vào ra, mà không nghe những Thúc Sinh, Từ Hải bệnh hoạn gì. Trinh Thử thật sự là một truyện dân gian. * Trên đây là những con chuột tượng trưng, tô điểm cho văn chương. Không phải là loài chuột thực tế, phá hoại mùa màng và đồ đạc trong nhà. Chưa kể phương Tây còn cho rằng chuột truyền nhiễm nạn dịch. Trong tiếng Pháp, từ thông dụng để nói hỏng việc là rater, nguồn gốc là từ rat, loài chuột đồng, chuột cống. Vì nạn phá hoại mùa màng, từ thời Kinh Thi do Khổng Tử san định, đã có ba bài Thạc thử, Chuột lớn : chuột lớn chuột lớn…, đừng ăn nếp ta… Chớ ních gạo mạch… đừng cắn mạ ta… Ngoài nghĩa đen, ở đây loài chuột còn ám chỉ tham quan, ô lại. Cùng nghĩa ấy trong thơ Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491-1585, có bài Tăng thử, Ghét chuột, dữ dội, với câu thơ cô đúc : thành xã ỷ vi gian. Con chuột, không những tàn phá đồng áng, mà còn ẩn nấp, dựa vào nơi tường thành, đàn xã (bàn thờ xã tắc) để làm điều gian xảo. Trích đoạn bản dịch của Ngô Lập Chi : Chuột lớn kia bất nhân Gậm khoét thật thâm độc Đồng ruộng trơ lúa khô Kho đụn hết gạo thóc Nông phụ cùng nông phu, Bụng đói miệng gào khóc Mệnh người dám coi thường Chuột mi sao tàn khốc ? Ỷ thành xã làm càn Thần, nhân đều hằn học. Rõ ràng là Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nhắm vào chuột-súc vật. Thơ Trạng Trình như là có tính cách sấm ký.
 Gần ta hơn Nguyễn đình Chiểu, 1822-1888, có bài Thảo thử hịch, Hịch đánh chuột, hiện thực, chân xác và quyết liệt : Gọi danh hiệu : chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên, tra quán chỉ : ở nhà, ở ruộng, ở lạch, ở ngòi, bầu bạn non sông lắm lối… Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm kín biết bao nhiêu, vắn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ hung hăng đà lắm lúc… (…) Sâu hiểm bấy tấm lòng nghiệt thử, cục cứt ra cũng nhọn hai đầu… (…) Ngàn dòng nước khôn bề rửa sạch tội đa dâm … Bị kết án đa dâm vì… mắn đẻ. Trong bài, có câu nằm ngửa cắn đuôi tha trứng… nhắc tới thơ Trinh Thử : cắn đuôi tha trứng gần xa…. Con chuột muốn tha quả trứng, phải nằm ngửa, ôm trứng trên bụng, đợi một con chuột khác ngậm đuôi kéo đi. Tranh Trung quốc có minh họa cảnh này : Loài chuột, do đó, được tiếng tinh khôn, có tài « ngủ kỹ » gồm năm cái khéo, theo sách Tuân Tử : bay, leo, bơi, đào, chạy. Lại có sách nói : thiên khai ư tý : trời mở ở cung Tý, vì theo lịch Trung Quốc, thiên can và địa chi khởi đầu ở cung Giáp Tý. Mỗi chu kỳ 12 hay 60 năm đều vậy. Chuyện nọ bù chuyện kia, hình ảnh chuột, ngay ở phương Tây cũng không phải luôn luôn và hoàn toàn xấu. Bằng cớ là con chuột Mickey trong tranh và phim hoạt họa Walt Disney, có lẽ là chú chuột lừng danh nhất thế giới hiện đại. Hãng phim này trong năm 2007 đã sản xuất một phim hoạt họa lừng danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, « Ratatouille », một cách chơi chữ, lấy tên một món ăn bình dân, tương đương với món bung của ta, và bắt đầu bằng tiếng Rat (chuột). Phim kể chuyện con chuột Rémy chạy lạc vào một tiệm ăn lớn ở Paris, lừng danh là nơi có nhiều tiệm ăn ngon. Tình thế đẩy đưa, chú chuột Rémy trở thành một đầu bếp xuất sắc, được làng chuột Paris bảo vệ và ủng hộ. Phim có tính cách ngụ ngôn, vui nhộn, truyền cảm, nhạc hay. Ý nhị, tinh tế. Ngày nay, trong máy điện toán, con chuột là bộ phận thân thiết nhất với bàn tay, có lẽ dịch từ tiếng Anh Mouse, tiếng Pháp Souris, là chuột nhắt, chứ không phải là chuột cống, Rat, mang âm vang xấu hơn. Trong ca dao, dường như cũng là chuột nhắt : Con mèo mày trèo cây cau Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà? Chú chuột đi chợ đường xa Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo. Tranh Đám cưới chuột, có tiêu đề Nghênh hôn, vẫn có người gọi là Chuột vinh quy, trong nghệ thuật dân gian, có lẽ nguyên ủy là hai bức tranh kết hợp, bổ sung cho nhau, không rõ là chuột gì; có lẽ là chuột nhắt mới phải đấm mõm mèo, dù là trên đường vinh quy. Dung hòa những nét đa dạng, có khi tương phản về loài chuột, Apollinaire, 1880-1919, có bài thơ La Souris, Con chuột, trong bộ Le Bestaire, Tranh cầm thú, gồm 30 bài được Raoul Dufy minh họa, 1911. Bài thơ ngắn, đơn giản, hiện thực và thi vị: Belles journées, souris du temps Vous rongez peu à peu ma vie. Dieu ! je vais avoir vingt huit ans, Et mal vécus, à mon envie. Tạm dịch : Bao nhiêu ngày đẹp, chuột thời gian Gậm nhấm đời ta đã mẻ mòn. Trời ơi ! mình sắp lên hăm tám Sống vất vơ và mộng dở dang. Nhạc sĩ Nguyễn Tư Triệt đã phỏng dịch và phổ nhạc : Năm tươi tháng đẹp, ôi lũ chuột thời gian, Đời ta từng chút gậm mòn…
 Bài hát Chuột thời gian được in trong tập nhạc Khúc hát tiều phu, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2003 và ghi vào đĩa hát CD. Đây là cuộc giao duyên tươi đẹp của nghệ thuật, mà con chuột đã giăng đầu tơ mối nhợ. * Chuột gây tai hại, thì ai cũng biết. Nhưng tâm thức con người và qua văn thơ, nhất là ngôn ngữ dân gian, chuột là một hình ảnh thân thuộc và thân ái. Có lẽ vì vậy mà chuột đứng đầu trong hàng can chi, và nhiều người tin năm Tý là năm may mắn. Ở đời, không có gì may mắn bằng Chuột sa chĩnh gạo. Đón mừng xuân năm Tý, mình cứ chúc nhau dân dã như thế.
 Đặng Tiến
 Orléans
Tranh của HS Nguyễn Gia Trí (1960)

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Thơ Nguyễn Vũ Sinh: BẠC ĐẦY CỎ LAU


Vuốt tay lên sợi tóc gầy
Chưa soi đã thấy bạc đầy cỏ lau
Sờ lên má hóp da nhàu
Sầu dâng rưng rức nhớ màu hoa niên.
 "Hóc Bà Tó"
-14h30-25-12-2019
 Nguyễn Vũ Sinh

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Đặng Tiến: VĂN CAO, TIẾNG HÁT



Thiên thai Trương Chi là hai ca khúc nổi tiếng từ nửa thế kỷ trước, cấu trúc trên hai truyền thuyết được lưu hành lâu đời.Thiên Thai là chuyện Lưu Nguyễn lạc vào cõi bồng lai, Trương Chi kể lại niềm đau đớn của chàng ngư dân có tiếng hát hay, tuyệt vọng vì tình:  ai cũng hiểu như thế và hiểu đúng. Gần đây, Phạm Duy có phát triển thêm ý nghĩa của hai bài hát, trong một loạt bài rất hay đăng trên Văn Học(California), số 16 và 17 tháng 10, 11 năm 1987, mà Hợp Lưu đăng kèm trong số này.


Nay chúng tôi muốn đưa một lối nhìn khác về hai nhạc phẩm, không phải để đi tìm cái độc đáo, lập dị, mà để đưa Thiên Thai và Trương Chi vào toàn bộ sự nghiệp thơ – nhạc – họa của Văn Cao, như một đồng bộ thống nhất: hai bài hát đó, chúng tôi xem như là tuyên ngôn nghệ thuật của Văn Cao – những nguyên tắc thẩm mỹ được đưa ra từ thuở hai mươi, sẽ chung thủy với Văn Cao đến tuổi xế chiều.


Thiên Thai mở ra bằng một tiếng hát:


Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng…


Bồng lai, ở đây, chỉ là tiếng hát: Thiên Thai là lịch sử một tiếng hát, một tác phẩm nghệ thuật lừng danh và vô danh. Tiếng hát, không à ơi trên võng, không tỉ tê bên gối, không ê a dưới ánh đèm màu, không rè rè qua máy phát thanh, và vang lừng trên sóng, vượt tới vũ trụ và lấn át vũ trụ. Tiếng hát át tiếng sóng là một âm thanh tự thức đè lên một âm thanh vô thức. Tiếng ai hát… ai hát?  Ta không biết và không cần biết. Một tác phẩm nghệ thuật, khi lìa tác giả, không còn cần tác giả, như đứa con khi trưởng thành không còn cần mẹ như trước:  chúng ta yêu Truyện Kiềumà không cần biết Nguyễn Du. Biết, dĩ nhiên, «thì cũng tốt thôi» nhưng không phải là điều chính yếu trong nghệ thuật. Cái sai lầm của cô Mỵ Nương là đã muốn đồng hóa tiếng hát với người hát:  «Anh Trương Chi. Người thì thậm xấu hát thì thậm hay… Hồ nghe tiếng hát thì thương… Hồ trông thấy bóng anh chàng thì chê» như lời ca dao quê Văn Cao mà Nguyên Hồng và sau này Phạm Duy, có kể lại. Mà không cứ gì một cô bé lầu Tây sai lầm, mà cả nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa (đã) sai lầm, khi đánh giá những bài hát nói Nguyễn Công Trứ qua Nguyễn Công Trứ, đánh giá tiểu thuyết Nhất Linh qua con người Nhất Linh – mà lại đánh giá sai.


«Thiên Thai là gì?  là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi». Sự đối lập, hay song lập giữa vĩnh viễn và mong manh, giữa những định hình và những chơi vơi, là thế giới nghệ thuật. Nụ cười mong manh trở thành miên viễn trong bức họa La Joconde. Cái không gian như cái giây tơ, bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu trong buổi chiều Xuân Diệu – hay buổi chiều Nguyễn Du, bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, những ánh sáng mong manh ấy, là cả một thiên thu.


Một mặt, nghệ thuật là tiếng « đàn xui ai quên đời dương thế… nhớ quê chiều nào xa khơi… chắc không đường về tiên nữ ơi», tách rời khỏi thực tế: nghệ thuật là một thế giới riêng, với những quy luật riêng, bảo vệ và phát huy bản năng sáng tạo, độc lập với hiện thực. Mặc khác, nghệ thuật cần bám rễ vào thực tại để phát triển, và phả sắc, nhả hương về lại trần gian. Nói giản dị hơn: nghệ thuật cần thực tại để nảy sinh và cần quần chúng để trưởng thành và tồn tại, nghệ thuật là ánh trăng thanh mơ tan thành suối trần gian. Nghệ thuật là một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần, là những cánh hoa trong một bức tranh tuyệt mỹ, không nở không tàn, nhưng chỉ sống thực khi gặp cái nhìn của người xem: sóng mắt con người đánh thức cành hoa trong hội họa, và trong ánh mắt đó, nó sẽ nở sẽ tàn như mọi thứ hoa trần thế ; và chỉ có phút bừng sống đó, cành hoa nghệ thuật mới đạt tới đời sống thực và có khả năng trở thành một cành hoa lý tưởng. Trong khi chờ đợi, cành hoa huệ của Tô Ngọc Vân, cành hoa cúc của Lê Phổ… vẫn là những hoa xuân chưa gặp bướm trần gian.


Người nghệ sĩ khi cầm cây cọ ngòi bút tên tay đều biết rằng ái ân thiên tiên, em ngờ phút mê cuồng có một lần – một lần thôi, nếu có. Và có thể cái phút mê cuồng ấy không đến:  phút linh cầu mãi không về như lời thơ Hồ Dzếnh. Hoặc đến không phải nơi phải lúc. Phút mê cuồng ấy linh thiêng, tuyệt đối, là động cơ sâu xa của sáng tạo mà mỗi nghệ sĩ, mỗi xã hội đều có nhiệm vụ bảo vệ, vì nó chỉ có một lần. Và khi khai triển chuyểnphút có một lần thành cả một thiên thu, người nghệ sĩ lại phải tỉnh táo:  trước cái phút mê cuồng đó để chuẩn bị, và sau đó, để hoàn tất. Lúc tỉnh táo, trước và sau đó, anh là người thợ, phải có dụng cụ, có tay nghề. Anh đừng cả tiếng khinh thường thợ thơ, thợ vẽ:  không có người thơ trong tay, anh suốt đời chỉ nghệch ngoạc, hoặc rung đùi đợi vợ con hầu rượu hoặc lạc rang, và chửi đời «không có trình độ».


Thiên Thai là luồng điện hai chiều: người trần thế mê hạnh phúc bồng lai trong khi những tiên cô khao khát «khúc tình duyên» trần thế. Lưu Nguyễn khi ở Thiên Thai đã «quên trần hoàn», khi về trần, muốn tìm lại cõi tiên thì Đào nguyên nơi nao? . Nghệ thuật cũng vậy. Nghệ thuật là cuộc đời muốn hóa thân thành màu sắc, âm thanh; mà cũng là những âm sắc khô cứng muốn trở lại làm hoa làm lá. Nghệ thuật là đóa hoa mong chín mọng thành trái đầu mùa, mà cũng là quả cây chín muộn, nhung nhớ cánh bướm hoang đường từ một mùa xuân xa vắng. Là những lối đi trùng với lối về, nghệ thuật là cõi hẹn hò ngang trái. Mỗi ngang trái là một chung thủy và hạnh phúc của sáng tạo nảy sinh từ sự thủy chung đó. Nghệ sĩ cùng bầy tiên đàn ca bao năm, không còn nhớ đường về; anh sống với nghệ thuật cũng vậy: trước giá vẽ, anh chỉ biết vui với cây cọ và màu sắc, mà không cần nhớ cuộc sống, không nên thêm vào một bó hoa hồng để tranh dễ bán, không nên bớt đi một đóa sen cho hợp với đường lối, lập trường. Anh vẽ cuộc sống, nghĩa là vẽ cuộc sống trong anh; dù là vẽ cái ly trước mặt, anh vẫn vẽ ra hàng ngàn cái ly chứng kiến đời anh, bằng một cái ly trong tâm tưởng. Tĩnh vật trước mặt chỉ là cái cớ, làm trung gian giữa tác giả và người xem tranh. Những mối tình lớn không cần trung gian. Những họa phẩm lớn không cần đề tài. Nhưng ngược lại, khi rời khỏi giá vẽ, trở lại đời sống bình thường của xã hội, thì anh lại phải sống bình thường, đau cái đau của con người, vui cái vui của vợ con, buồn nỗi buồn của dân tộc. Nguyễn Du không lăn lóc suốt đời thì không thốt lên được tiếng đoạn trường. Nguyễn Khuyến không lo sốt vó vì lụt lội mất mùa, phần thuế quan thu, phần trả nợ thì không viết nổi câunước trong veo. Nói vậy để trả lời những người hỏi Văn Cao: Sao tài hoa xuất chúng mà đi lãnh việc trong ban khủng bố?  Sao lại không? Chẳng lẽ là tài hoa, anh lãnh phần làm nhạc quốc ca thôi, còn việc bẩn thỉu thì để người khác làm thay?  Hỏi như thế thì khác gì trách Nguyễn Công Trứ cầm quân dẹp loạn, hay trách André Malraux chỉ huy lữ đoàn thép Alsace Lorraine? Văn Cao có câu thơ thật hay:


Cuộc đời ôm tôi như trong một cái bình


Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy


Văn Cao là vậy, luôn luôn là vậy, một tiếng vang vang cả lòng cả đáy, dội về biển lớn, vang lừng trên sóng.


Thiên Thai là cõi vô thủy vô chung, không có thời gian. Mà không có thời gian thì không có Âm Nhạc. Lô gíc. Không có khúc nghê thường. Gió hát trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa là nghệ thuật, là trần gian, là ý thức của hủy thể. Âm ba thoáng rung cánh đào rơi trong một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần. Nghệ thuật đã là rụng chiếc lá đầu tiên xuống Đào Nguyên. Nghệ thuật là cố gắng của con người vượt qua khỏi vật thể, tội lỗi và cái chết trong trần thế và đã đưa những khái niệm ấy vào Thiên Thai qua Đào Nguyên Hành của Vương Duy hay chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong thơ Tào Đường mà Văn Cao có chịu ảnh hưởng như anh đã ghi nhận (1944). Nhưng Lưu Nguyễn chỉ là nhân vật, nên đã thong dong trở về trần. Còn Trương Chi là người hát, có thể là tác giả những bài hát, nên phải trả một cái giá đắt hơn.


 


TRƯƠNG CHI


Có nhiều huyền thoại Trương Chi. Tình sử Trung Quốc kể chuyện một cô gái mê tiếng hát một người lái buôn rồi chết, tim hóa đá, cho đến khi người đàn ông trở lại, nhỏ một giọt nước mắt, khối tình mới tan. Theo truyền thuyết Việt Nam, người đàn ông là một người thuyền chài, có tiếng hát hay, nhưng bị chê nghèo (hoặc xấu); nhân vật nữ là cô Mỵ Nương. Có thuyết cho là nàng chết, thuyết khác cho chàng chết, tim hóa gỗ bạch đàn hay ngọc đá. Văn Cao nhấn mạnh hai chủ đề nhạc và giai cấp, và chuyện chấm dứt ở cái chết của Trương Chi, chỉ còn lại tiếng hát nức nở bên sông. Không có chuyện trái tim và nước mắt, Phạm Duy, trong Khối Tình Trương Chi (1945) kể lại truyền thuyết từ đầu đến cuối. Hai bản nhạc đồng thời với nhau và Phạm Duy đã có lần giải thích rất hay tác phẩm bạn mình (báo Văn Học, đã dẫn).


Bài hát Trương Chi mở đầu cho một thế giới sơ khai: Một chiều mưa trăng nước chưa thành thơ, một thế giới chưa có nghệ thuật, chưa có sáng tạo ; sau đó không gian mới rung thành tơ: con người đã phát triển được bản năng thẩm mỹ, bằng cách tiếp thu một cách tiêu cực vẽ đẹp của vũ trụ, rồi dần dần sáng tạo ra nghệ thuật, ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ. Con người trước tiên tiếp xúc với vũ trụ để tự vệ và sản xuất, nhờ có nghệ thuật, họ đã bằng những rung cảm mới, ngoài phạm vi nhu cầu tồn tại. Tương quan giữa tiếng cầm ca và thu tới bao giờ là tương quan giữa bản năng thẩm mỹ, bản năng sáng tạo và cái đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên thì vẫn vậy thôi, hay chuyển hóa rất chậm và rất ít, theo chu kỳ, nhưng ý thức thẩm mỹ của con người ngày càng phát triển nhanh, càng tiến bộ, trở thành phức tạp, tinh tế. Cho đến một lúc nào đó, con người bỗng thấy lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang… Buổi chiều. Mùa thu. Niềm bơ vơ:  chúng ta đã đến những chủ đề cổ điển của văn thơ thế giới, từ nhiều nguồn văn minh khác nhau. Con người chủng tộc, văn hóa khác nhau có thể cùng rung cảm như nhau, vì cái đẹp khách quan bàng bạc dưới ánh sáng hài hòa của vũ trụ và cái đẹp chủ quan ấp ủ trong bản năng thẩm mỹ của con người, bản chất gần nhau. Từ đó, nghệ thuật là mớ vốn chung cho toàn thể nhân loại, nó phải có tham vọng đáp ứng lại nhu cầu thẩm mỹ của con người – dĩ nhiên là qua lăng kính ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc một. Sáng tạo nghệ thuật làm vũ trụ và con người càng ngày càng giàu có thêm. Buổi chiều, cũng như buổi sáng, buổi trưa, không đẹp, không xấu:  buổi chiều là giờ an nghỉ, phút chia tay, một ánh trầm tư, một thoáng u hoài trước cảnh vật phai màu nhạt sắc. Buổi chiều, một thoáng bơ vơ, trở thành một tình cảm văn nghệ. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều (Xuân Diệu).


Nhưng theo đà tiến hóa, nghệ thuật – và con người nữa, cách ly ra khỏi thiên nhiên, độc lập và có khi đối lập thiên nhiên, công phá thiên nhiên. Nghệ thuật ngày một ngày hai trở thành một hoạt động chuyên nghiệp có quy chế trong xã hội. Ngày nay, ai thích lời chim hót ríu rít tiếng oanh cakhông nhất thiết phải thích âm nhạc; ai yêu phong cảnh sông Lô bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu, người ấy không nhất thiết phải yêu hội họa.


Nhưng nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc, hội họa và văn thơ khơi sâu ý thức về cái đẹp, gọi là mỹ cảm trong con người, giúp con người yêu thêm, yêu sâu sắc hơn ngôn ngữ và những âm sắc thiên nhiên. Không phải tự nhiên mà con người nghe suối hát theo đôi chim quyên hay ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn… còn nghe như ai nức nở và than… trầm vút tiếng gió mưa… cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng… Trong trường ca Những Người Trên Cửa Biển, Văn Cao nói rõ hơn:


Có người không biết trăng là đẹp


Bỗng nhiên chiều đứng ngắm trăng lên


Nghe như ai hát trong lòng…


Có người quên hàng chục năm dĩ vãng


Chợt nhớ ra tất cả những ước mơ


Của những ngày niên thiếu


(Lá, tr. 72)


nhờ một câu thơ, một khúc nhạc. Nghệ thuật là bội số của cuộc đời, nhân cuộc đời thành hàng vạn giấc mơ, từ đó, Văn Cao đã có thể khẳng định những bức tranh tăng dân số chúng ta. Và anh giải thích:


Bao tình yêu khát khao hy vọng


Gửi từng cuộc đời nhỏ bé


Từng thế giới con con


Với tôi tất cả


Đều rộng lớn vô cùng


vì những nhỏ bé con con ấy lớn lên trong nghệ thuật, đều trở thành cái vung tay hùng tráng của người gieo – (le geste auguste du semeur).


Nhưng cái đẹp trong nghệ thuật không phải lúc nào cũng lung linh ánh trăng, long lanh tiếng suối, lóng lánh hơi mưa, nó có thể lem nhem than khói:


Nhạc đang biến thành sự thực quanh ta


Tôi càng yêu hơn


Những cuộc đời sau bức tường xám xa lem nhem than khói


Những lá thuyền chen chúc nép bên nhau


Qua chiếc lưới phới thấp thoáng bóng người


Cả đến cuộc đời những con hà lóng lánh


(Lá, tr.  71)


Tác dụng của nghệ thuật thật lớn lao trong cuộc sống của loài người. CôMỵ Nương vốn ở lầu Tây, con quan Thừa Tướng ngày ngày cấm cungtrong ca dao làm sao có tầm hiểu biết như thế.


Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân hò khoan


Mơ bóng con đò trôi


Giai nhân cười nép trăng lả lơi


Lả lơi bên trời


Sai lầm của cô gái lầu Tây là đã mơ người hát qua lời hát, mơ tác giả qua tác phẩm, sau đó muốn chiếm hữu tác giả – nghĩa là chiếm hữu toàn bộ tác phẩm lẫn nguồn sáng tạo cho riêng một mình – rồi lại chê nhặt chê khoan. Cô là hiện thân của hệ thống chính trị cưỡng đoạt văn nghệ từ xưa đến nay. Đường Minh Hoàng yêu chuộng Lý Bạch, Louis nâng đỡ Molière, bất quá là để mua vui như Lê Thánh Tông dùng nhạc Lương Đăng; còn chế độ chuyên chính vô sản, từ Staline đến nay, chiếm đoạt nghệ thuật ra sao thì chúng ta không cần dài lời. Trong bài hát, Văn Cao phớt qua hình ảnh Mỵ Nương, chút nhan sắc của cô bé dậy thì này không đáng cho chúng ta dừng mắt lại lâu, như lời chàng Nguyễn Huy Thiệp chịu khó quan sát, những cô gái mới lớn hết sức đức hạnh và trong trắng lại lén lút đi đọc những chuyện nhảm nhí. Người anh hùng của các thiếu nữ hoa niên là một gã Đông Juăng nào đó (Sông Hương, số 42, 1990). Điều này, dĩ nhiên là không làm vinh dự cho anh Trương Chi, anh chỉ trách ai khinh nghèo quên nhau. Quên nhau là thôi, là hơn. Trương Chi dừng chèo là Văn Cao dừng chuyện. Không cần gì mà phải tim hóa đá để đòi nợ nước mắt. Vì không ngọc đá nào quý bằng trái tim con người, trái tim biết yêu, biết nhớ, trái tim ngừng đập là tan với cỏ cây. Trái tim Trương Chi, trái tim Văn Cao không có gì sánh được. Còn món nợ kia? Ở đời, một anh «phủi» nợ, thì hết vấn đề. Hai là anh nhận nợ, thì không bao giờ anh trả hết: chết đi, chết kiểu gì đi nữa, thì anh cũng chỉ mới thoát nợ chứ chưa phải là trả nợ. Lẩn thẩn mà Văn Cao đòi nợ thì phiền lắm: cả nước nợ anh một bản quốc ca, mỗi chúng ta còn nợ anh một vài bản nhạc tình, cả mấy cô tiên trên Thiên Thai cũng còn nợ Văn Cao trái đào thơm. Năm nay bảy mươi tuổi, Văn Cao đã ăn được trái đào thơm nào đâu?  Còn quả đắng, thì suốt một đời, anh phải ăn nhiều lắm. Văn Cao là chú đạo đồng dâng mật ngọt cho bữa tiệc trần gian rồi suốt đời phải ăn trái đắng.


Trái tim Trương Chi thì đã tan rã. Nhưng tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung. Đây là định mệnh của tác phẩm nghệ thuật, là ý nghĩa đặc biệt của nhạc phẩm Trương Chi, chứ không phải là chuyện tình lẩn thẩn. Phải hiểu như thế mới bắt được mạch thơ Văn Cao


Đêm nay dòng sông Thương dâng cao


Mà ai hát dưới trăng ngà


Ngồi đây ta gõ ván thuyền


Ta ca trái đất còn riêng ta


Ta ở đây không phải là cá nhân Trương Chi, cũng không phải là Văn Cao, mà là Con Người, Nhân Loại sáng tạo ngôn ngữ, rồi sáng tạo nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, văn minh, văn hóa để làm chủ trái đất còn riêng ta. Con người gõ ván thuyền mà ca, giữa cảnh trăng nước sông Thương đó, đẹp hơn cả hình ảnh Trang Sinh khi vỗ bồn mà hát. Hát rằng:  ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật làm lễ tống… Mà còn thêm chi cho lắm việc (Liệt Ngự Khấu, Ngoại Thiên). Bối cảnh có khác nhau, nhưng nội dung chính yếu của chuyện gõ thuyền, gõ chậu mà ca không khác nhau: con người tự thức, làm chủ thể của ý thức và ngoại vật. Tự thức ở Trang Tử là tư tưởng lớn lao của ông, tự thức của Văn Cao là nghệ thuật của mình, làtiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, mà cũng là tiếng sóng. Tiếng sóng Kêu khát suốt ngày đêm – Suốt ngày đêm kêu khát. Nghệ thuật phải là những làn môi. Những làn môi nóng bỏng căng mình chờ đợi:


Nước ngọt của dòng sông


Bao giờ đổ đầy lòng biển


(Câu khép trường ca Những Người Trên Cửa Biển)


 


TỪ SUỐI MƠ ĐẾN BẾN XUÂN


Những tình khúc đầu mùa của Văn Cao là Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu (1939), Cung Đàn Xưa, Bến Xuân (1942), Suối Mơ (1943) đã ghi lại những thành công trong thời kỳ phôi thai của nhạc mới, những năm 1940 và bây giờ vẫn còn nhiều người hát; và nghe lại, ta vẫn thấy hay, trong khi một số ca khúc đồng thời của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước… đã trở thành những âm hao lạc lõng. Giải thích hiện tượng này, Phạm Duy đã có một loại bài hát hay, và anh là người có nhiều thẩm quyền nhất để phán: anh sống, sáng tác và ca diễn vào thời điểm đó, anh nắm vững lịch sử tân nhạc và tâm lý quần chúng; về nhạc thuật, Phạm Duy là vua. Vậy chúng tôi tựa cột mà nghe Phạm Duy


Phải đợi cho tới khi tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình tiền phong của thời đại như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung, Dzoãn Mẫn…tung ra (…). Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạng đó chỉ có thể được gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bật nhất của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao.


Cái mới, điểm tiến bộ đầu tiên Văn Cao đưa vào nhạc mới là người đàn bà đẹp, kiều diễm, trang trọng, cao quý, khác với Cô Hái Mơ, Cô Lái Đò, Cô Lái Thuyền, Cô Hàng Bán Hoa, Cô Hàng Cà Phê, Cô Láng Giềngtrong những bài hát thịnh hành thời đó. Xã hội Việt Nam ngày xưa không tạo cơ hội cho trai gái gặp nhau, ngoài sinh hoạt công cộng nơi đồng áng hay hội hè – vốn hiếm. Nơi công cộng, nếu không gặp cô thôn nữ tát nước bên đàng, thì cùng là cô sơn nữ, cô hái hoa gì đó, vì trai gái không có quy chế (statut) gặp gỡ. Phải đợi đến Văn Cao, cô gái mới đi thẳng đến nhà người yêu bên chiếc cầu soi nước để hát theo đàn rồi hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối. Người con gái, có thể là khuê các, có thể ngồi trong nhà mà nhớ người yêu:  Ôi vừa thoáng nghe, em mơ ngay bước chân chàng. Đặt biệt là chữ «ngay» như một phản xạ, một tự do. Phải rồi. Cô gái trong tình khúc Văn Cao là cô gái tự do, báo hiệu cho một nền văn minh mới. Cô lại đẹp tuyệt vời, huyền diệu:


Chiều năm xưa


Gót hài khai hoa


Mắt huyền lưu xuân


Dáng hồng thơm hương


Người đẹp kiêu sa này, đi vào kháng chiến sẽ để lại những lối mòn thơm mãi dấu chân em trong thơ Nguyễn Đình Thi; ra khỏi kháng chiến thì: 


Em đài các lòng cũng thoa son phấn


Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ


trong Mê Hồn Ca của Đinh Hùng. Nhất Linh đã bảo vệ người phụ nữ, Dương Thiệu Tước đã mơn trớn, và Văn Cao đã kính trọng người phụ nữ.


Một đặc điểm khác trong tình khúc Văn Cao là toàn bài hát được cấu trúc như một tác phẩm hài hòa và toàn bích, như một bài thơ độc lập, có giá trị nhất quán và tự tại. Phạm Duy công nhận: Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của thời đó thì bài Suối Mơ với Bến Xuân là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc. Lúc đó các nhạc sĩ còn đang lẩn quẩn trong cách xếp đặt chữ nghĩa trong ca khúc thì Văn Cao đã viết hẳn ra một Bài Thơ Bên Suối.


Cung Đàn Xưa kết hợp nhuần nhuyễn những lời thơ thiết tha da diết, xoắn sâu vào nỗi đau thương:


Cung thương là tiếng đàn


Cung Nam là tiếng người


Ai oán khúc ca cầm châu rơi


Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi


Cung đàn ngân


Buồn xa vắng trong tiếng thầm


Buồn tê tái trong tiếng ngân


Buồn như lúc xuân sắp tàn


(…) Giờ còn mong chi người hát theo đàn.


Trong thơ mới, có lẽ ngoài Hàn Mặc Tử ra, chúng ta cũng ít khi thấy ngôn ngữ thê thiết dồn nén đến mức ấy. Ngôn ngữ Văn Cao thật mới: trong khi các nhạc sĩ khác còn vân vê hình ảnh hoa rụng thuyền trôi, thì Văn Cao đã có những sáng tạo:


Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn


…  Hồn cầm lắng tiếng đời


… Cánh nhạn vào mây thiết tha


… Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…


Đó là đặc sắc trong lời ca. Về nhạc lý, chúng ta nghe Phạm Duy phê phán nhạc tình thời đó: Về phần nhạc thuật ta thấy rằng tất cả những bài hát đó chỉ được coi như là phó sản của những nhạc phẩm đã được sản xuất trước đây. Tất cả đều nằm trong một khuôn khổ có sẵn (thể nhạc khiêu vũ tango hay rumba) với những âm hình (dessins melodiques) mà ta có thể gọi được là cliches. Những tình cảm trong các bài này cũng đều na ná như nhau, nói chung là tiếng gọi gái của những thanh niên thất tình(Văn Học, tháng 12, 1986).


Theo Phạm Duy, phải đợi đến Cung Đàn Xưa, Văn Cao mới đưa nhạc tình trong năm 1943 này lên tới đỉnh cao nhất của những bài ca ái tình(Văn học, số 15, 1987).


 


 


NHỮNG HÀNH KHÚC


Song song với những tình khúc đầu mùa, mà Phạm Duy gọi bằng tiếng Pháp là le temps de l’innocence – thời ngây thơ, vào những năm đầu thập niên 1940, một nhạc trào khác phát triển mạnh là nhạc hùng, những bài hát khỏe, vui của hướng đạo, học sinh, đề cao lịch sử, đất nước, sức khỏe, bắt đầu từ nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý tại Hải Phòng đến Hùng Lân, Lưu Hữu Phước. Những hành khúc này có những động cơ xã hội hay chính trị, hoặc tự nhiên hoặc có lãnh đạo.


Văn Cao là tư tưởng tự do và tiến bộ, trong thể loại nào cũng giữ hai nét đặc biệt ấy.Văn Cao yêu lịch sử dân tộc nhưng không nô lệ: tự hào về quá khứ đất nước anh vẫn xem như là một kỷ niệm đã qua – và tâm thức dân tộc cần phải được vượt qua để tồn tại và tiến hóa.


Trận Đống Đa là chiến thắng thần tốc oanh liệt nhất của chiến thuật Việt Nam, của chiến tranh nhân dân và phong kiến, của bạo lực và chính nghĩa, của chiến lược thuần túy. Nhưng Văn Cao không hề bị choáng ngợp trước đỉnh cao lịch sử đó, ngược lại, trong Gò Đống Đa, anh khẳng định:


Thề quyết phấn đấu


Đồng tâm hy sinh


Làm sao cho hơn thời xưa


Rồi cất sức sống ngày mai…


Thăng Long Hành Khúc Ca, cũng nhắc lại chiến công Tây Sơn, Văn Cao nhìn về toàn bộ lịch sử dân tộc qua hình ảnh cố đô:


Thăng Long thành xưa


Thăng Long ngày nao


Cờ khoe sắc phất phới


Nhưng hiện tại thì khác. Việt Nam, lúc đó, là một nước nô lệ lầm than, lạc hậu. Hà Nội là một thủ phủ thuộc địa: bao năm qua khắp chốn cũ cũng đã mất hết tinh anh. Dù cho bao người bao nhiêu luyến tiếc… này phường phố cũ, này đường về ô xưa… bóng xưa ngàn năm, thì giờ đây chỉ còn lại một u hoài xa vắng, hồ phai khi tàn mơ. Muốn dân chúng sống yên vui, thậm chí sống oai hùng, tiếp nối với truyền thống thì phải biết đổi mới, tiếp thu khoa học và dân chủ – những giá trị phương Tây mà Nguyễn Trường Tộ đã trình bày – phải mở tim mở óc chờ gió mới bay về… bao ánh sáng phương tây từ khắp chốn bay về.


Lấy một ví dụ khác: chủ đề sông Bạch Đằng. Chiến công hiển hách này được nhiều người đưa ra như một tiêu chuẩn, một giá trị miên viễn. Hoàng Quy, đồng hương, bạn và thầy nhạc Văn Cao viết:


Đến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Đằng…


Thì anh em ta vui ca rằng:


Trên sông Bạch Đằng dân Nam hò reo


Lưu Hữu Phước cũng cho rằng Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung, trong khi đó Văn Cao, trên con sông quê hương thì buồn thiu:


Bạch Đằng giang sầu mơ bên lau xanh


Với bến nước xa xôi


… Buồn ai đứng nhìn con sông xanh biếc ngày xưa


Mà nước mắt mờ rơi…


Đã đành, ở đây lãng đãng nét u buồn lãng mạn vẫn cố hữu trong nhạc Văn Cao, nhưng không thể phủ nhận tư tưởng cầu tiến và duy tân của anh. Lưu Hữu Phước thường nói đến nòi giống. Có khi rất hào hùng. Hào hùng lắm thì kỳ thị:


Đây Bạch Đằng giang sông hùng dũng


Của nòi giống anh hùng, giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng. v.v.. .


Thì, trong một đề tài khác, Văn Cao thực tế và thắm thiết và thân thiết mong:


Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than


Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới…


Thời đó, Văn Cao đã có cái nhìn rất thoáng, rất rộng về dân tộc trong một cộng đồng nhân loại lớn lao: Trong Công Nhân Việt Nam (1944), bài hát chính thức của Tổng Công Đoàn Việt Nam hiện nay, anh viết:


Ngoài kia lời non nước đang nhắc ta


Mau nhấc cao giống nòi


Yêu mến muôn giống người


Tranh đấu cuối cùng


Là đời sống mới dâng xa


Một tình cảm tiến bộ, lành mạnh. Nói rằng những tư tưởng kia có lãnh đạo, cũng không giảm giá cá nhân Văn Cao. Tố Hữu cũng được lãnh đạo – và lãnh đạo kẻ khác – tuổi đời và tuổi đảng cao hơn Văn Cao, mà tư duy chính trị, ở thời điểm đó, còn hạn chế. Tư tưởng tiến bộ của Văn Cao đã từng lưu hương yêu dấu với suối xưa trôi nơi đâu trong những phím tơ lưu luyến mấy cung u huyền trong tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung – buồn xa vắng trong tiếng thầm buồn tê tái trong tiếng ngân – như mùa thu chết rơi theo lá vàng, tâm hồn hoài cổ ấy lao vào những kỷ niệm vang vang hùng khí: Bừng nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca ra nơi biên cương. Bao chiến mã lên đường… nhưng cái bất ngờ là Văn Cao không dừng lại ở những «dư âm mênh mông» ấy, anh còn đòi:


Lập quyền dân tiến lên Việt Nam


Đòi hạnh phúc đắp xây tự do


Những yêu cầu thiết yếu mà ngày nay, sau nửa thế kỷ xương máu và lầm than dân tộc ra vẫn chưa đạt tới. Và vẫn còn có thể hát đắng cay:Tiếng than nơi nơi… Tháng năm dần trôi. Về nhạc thuật, Phạm Duy đánh giá cao bài Chiến Sĩ Việt Nam:  Với tài năng tuyệt vời của một họa sĩ, Văn Cao vẽ ra hình ảnh chiến sĩ Việt Nam phi ngựa trên đường xa (…) Tài soạn nhạc của anh tới lúc này đã bỏ xa những nhạc sĩ chuyên nghiệp khác, đừng nói gì tới những tay soạn nhạc tài tử như Nguyễn Đình Thi hay Đỗ Nhuận. Trong khi nhạc hùng của Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước dù hay đến mấy cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ của những ca khúc rất chân phương, rất cân đối, rất sách vở… thì Văn Cao trổ tài soạn nhạc hành khúc như bài Chiến Sĩ Việt Nam này. Câu nhạc thứ hai dài dằng dặc, với nhịp điệu dồn dập, thay đổi hơi thở luôn luôn khiến cho câu ca có sức sống mãnh liệt: « Ngựa phi nơi xa xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng ». Tiếp tới là sự nhắc lại đề (…) Cái hay của tác giả là đã chuẩn bị để vào cuối câu nhạc sẽ chuyển qua một nhạc đề khác, để chứng tỏ sự phong phú của bàn tay sáng tác (Văn Học, số tháng 10, 1986).


(Tư liệu: 1944, Văn Cao làm xong Tiến Quân Ca thì Nguyễn Đình Thi là người xướng âm đầu tiên. Sau đó, cao hứng Thi rủ Văn Cao làm một bài khác, và làm xong Diệt Phát Xít trước bài Chiến Sĩ Việt Nam của Văn Cao).


*


*     *


Dân quân du kích cách mạng bùng mùa thu


Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu…


Đây là hình ảnh đẹp đầu tiên của cách mạng Việt Nam, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Con người sống thực tại như một giấc mơ, sống lịch sử như một nghệ thuật, sống đất nước như một bích họa: ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió… Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng. Bài hát Bắc Sơn, nguyên thủy là sáng tạo cho vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng vượt khỏi đề tài, trở thành bài hát của người du kích. Cũng như Tiến Quân Ca, lúc đầu là bài hát làm cho một khóa quân sự kháng Nhật, sau trở thành quốc ca. Văn Cao năm 1977 đã viết một đoạn hồi ký dài hai ngàn chữ về bài này ; quốc ca là sở hữu của dân tộc và lịch sử, chúng tôi không bàn tới trong bài này – vì không phải nơi, không phải phép.


Cách mạng tháng Tám 1945 đã đưa dân tộc vào một khúc quanh. Văn Cao làm bài thơ Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc đăng trên báo Tiền Phong, bài thơ quan trọng đầu tiên của anh, sau đó là Ngoại Ô Mùa Đông 1946 đăng trên báo Văn Nghệ thời kháng chiến, 1948. Bài thơ mới mẻ, mạnh bạo đã có nhiều nét báo hiệu phong cách thơ Văn Cao về sau.


Toàn quốc kháng chiến. Hà Nội chiến đấu. Mùa Xuân về, giữa chiến hào xa. Văn Cao ra đi, rạo rực phơi phới với hai mối tình lớn: đất nước và người yêu. Xuân kháng chiến cũng là Xuân trăng mật. Bài hát Làng Tôimang những âm hưởng đằm thắm, dịu dàng, phấn khởi chưa từng thấy trong những ca khúc trước đó. Văn Cao vốn tiết kiệm tâm sự, kín đáo về đời tư, nên mãi đến năm 1974, anh mới có bài thơ về chị ấy, Khuôn Mặt Em, nhưng cũng không lấy gì làm rõ nét. Chúng tôi chỉ phỏng đoán vì hai câu cuối:


Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng


Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng


Làng Tôi là tình khúc thiết tha dịu mát. Trăng mật của lứa đôi soi óng ánh vào quê hương yêu dấu:


Làng tôi xanh bóng tre


Từng tiếng chuông ban chiều


Tiếng chuông nhà thờ rung


Đời đang vui đồng quê yêu dấu


Bóng cau với con thuyền một dòng sông


Tuy là một ca khúc chiến đấu, Làng tôi theo đoàn quân du kích… nhưng âm hưởng lưu lại một nguồn sáng lung linh dịu mát trong niềm nhớ mông mênh, như rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa… Có lúc rộn lên vớiNgày Mùa nhanh nhẹn tươi vui:


Ngày màu vui thôn trang, lúa reo như hát mừng


Với hình tượng lý tưởng súng tì tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang, có thể không phản ánh lại những gian lao của những năm chống Pháp nhưng nói lên những ước mơ của người nghệ sĩ trong kháng chiến.


Nhưng phải đợi đến trường ca Sông Lô, Văn Cao mới nói lên được trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương, hoang sơ nhưng thân mật, đơn giản mà hùng tráng, đẹp như một bức tranh. Sông Lô là một bức tranh:


Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u


Thu reo bến sóng vàng


Từng nhà mờ biếc chìm trong một màu khói thu


Những nét đạm thanh ẩn hiện trên nền màu mờ nhạt, khi nhịp điệu câu ca loang dần ra xa; những hình ảnh liên tục tạo ra không gian mênh mông, hoang dại và huyền bí. Khí hậu lặng lẽ và lạnh lẻo bỗng bừng lên ánh sáng ngọn lửa chiến đấu


Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa


Tiếp theo là ánh sáng của bình minh: thiên nhiên như hồi quang ý chí con người. Bài hát trở thành lời đối đáp giữa ánh sáng và ánh sáng


Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô


Rồi vũ trụ bỗng chan hòa âm thanh, bao la, rộn rã, của tiếng sóng reo vi vu… gió lá vi vu


Sông mênh mông như bát ngát hát


Bao rừng thu như bát ngát cười


Lời hát say sưa ngợi ca đất nước và con người nhắc chúng ta khí thế lúc đó, như trong thơ Nguyễn Đình Thi gió thổi rừng tre phất phới. Trong biếc nói cười thiết tha, hay trong tùy bút kháng chiến của Nguyễn Tuân chúng tôi đang mơ chung một cơn hỏa mộng…


Văn Cao vẫn bám vào hiện thực, trong chiến thắng hân hoan, anh nghĩ ngay đến đời sống thường nhật của người dân buông lưới. Phạm Lương vui bóng chuyền, lều dựng lên ven sông. Phút vẻ vang, phút hùng tráng là chuyện cực chẳng đã phải làm, để bảo vệ cuộc sống tầm thường, trong trần gian êm ả


Dòng sông Lô trôi


Mùa Xuân tới


Nước băng qua ngàn


Nước in ven bờ xanh ôm bóng tre


Trận sông Lô, 1947 là chiến công đầu tiên của quân đội Việt Nam non trẻ, đặc biệt của ngành pháo binh mới phôi thai: thời đó, khi sử dụng đại bác bắn vào tàu địch trên sông, ta chưa biết tính đạn đạo vòng cung, phải kê ngang nòng súng mà bắn như súng trường. Nhưng chiến công, ngoài tầm quan trọng quân sự, đã có tác dụng tâm lý lớn lao và gợi cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ.


Về nhạc thuật, Sông Lô được xem như là đỉnh cao trong sự nghiệp Văn Cao. Anh đã vượt lên khỏi những tiết tấu đơn giản của ca khúc, đi tới một hợp tấu dài hơi, với nhiều tầng lớp nhịp độ khác nhau lôi cuốn chúng ta theo điệu nhạc, lời thơ, màu sắc, như một dòng sông lớn.


Niềm hăng say có lúc chủ quan và lạc quan quá mức; như Nguyễn Tuân mơ những khải hoàn môn kết toàn bằng bích đào, Văn Cao trong giai đoạn kháng chiến gian lao, 1949 đã đòi Tiến Về Hà Nội


Năm cửa ô đón mừng đoàn quân trở về


Như đài hoa đón mừng


Nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh


Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu


Những bông hoa ngày mai


Đón tương lai vào tay.


Giọng ca đã khác với bóng xưa ngàn năm, hồ phai khi tàn mơ. Nhưng vẫn sắt đá một niềm tin ôi Thăng Long ngày mai, xây đắp dưới vinh quang bằng chí anh hùng.


Từ nhận xét này, chúng ta có thể nới rộng tầm nhìn vào tác phẩm Văn Cao, về nhạc, họa cũng như thơ. Một toàn bộ phong phú, đa dạng mà lúc nào cũng đặc sắc, chung thủy với vài ba ý chính và một phong cách riêng. Gắn bó với thời đại, Văn Cao thường xuyên tra vấn thân phận làm người trong và ngoài lịch sử.


Thơ, nhạc, họa Văn Cao là những triều sóng triền miên lớp lớp xô buồn vui của đại dương vào với đất liền. Tác phẩm Văn Cao là hơi thở cuộc sống, ngất ngây giông bão và đằm thắm trăng sao. Nó chắt lọc nhân phẩm con người để dựng lên tinh hoa của thời đại.


Tác phẩm Văn Cao, còn lại là đóm lửa Văn Cao. Đóm lửa đâu đây:  trong bếp nghèo bến Cảng, trong núi rừng Việt Bắc hay trong cõi biển rộng trời xa. Một ngọn lửa không quay đầu theo gió.


Văn Cao, đóm lửa bập bùng trong ý thức chúng ta.


 


Đặng Tiến


15.11.1992


Viết cho ngày sinh nhật Văn Cao bảy mươi tuổi.

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Huỳnh Lê Nhật Tấn: KHÚC RẠNG ĐÔNG


Đừng ve vút Iách khe hở mộng
ngọt ngào lời cho gió sương.
 Một tia nắng xưa chiều mai anh thức dậy
bồng bế cơn mê
xoay một mình bóng tối
 lấp cơn mưa đắm chìm.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Thơ Hữu Dũng: DẾ GIUN

Thương thân giun dế một đời
Sống chui trong cát, mục hoi đất bùn
Tê lòng những lúc mưa tuôn
Thân đơn, phận chiếc lạnh lùng riêng mang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Hòa Văn: CÓ THỂ SỐNG?


[Lời tưởng niệm 39 người "ngạt thở" tại Anh trong đó cô Trà My (ảnh)]

Không ai có thể cười
Không ai có thể vui
Trong phút này
Ngày này hôm nay
Ngày mai...
Dưới bước chân em
mặt đất hồn nhiên
sinh sôi loài...
sự giả bên sự thật

Hòa Văn: Truyện ngắn Con ếch

Bạn chạm vào tiêu đề Hòa Văn: Con ếch
xem truyện ngắn nầy. Tks!

Thơ Amineh: BẢN BI CA


Link xem:Amineh: BẢN BI CA



Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Hòa Văn: SÔNG VĨNH ĐIỆN


Sông qua Vĩnh Điện ngọt ngào
Nửa dòng chảy nửa xôn xao níu bờ
Vì đâu ngơ ngẩn ngẩn ngơ
Bóng cầu in bóng giấc mơ... xưa về!.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Truyện ngắn Hòa Văn: KIỂU...



Buổi sáng không có điều gì mới. Mùa đông nên mặt trời trốn trong tầng tầng lớp lớp mây, khiến mặt đất mù mù sương ẩm ướt và lạnh. Hồi hôm loáng thoáng trong giấc ngủ mơ màng hình như có mưa mưa không nặng hạt nhưng đủ làm cho tấm bạt treo che nắng mưa ở hiên nhà kêu những tiếng lộp bộp buồn bã...

Chó Myki giống ta nguyên xi thân hình thon thon ngày nắng ráo trông thong dong khoẻ khoắn là thế giờ trông thảm hại... Người ta nói trên đời này chó là loài trung thành nhất thật đúng như bây giờ chẳng hạn.
Chó ôi cái tên tận cùng đáy của xã hội các loài động vật mà lại có bản chất tốt đẹp!. Cái bản chất nếu là con người phải rèn luyện ghê lắm mới có. Nói vậy chắc có người không ưa vì trong xã hội hiếm gì như ... Có khi hơn nữa đấy!. Có điều ngó hình thể chắc gì bằng... !. 
Myki nhìn tôi chăm chắm - là tôi nghĩ bụng chứ chưa chắc bởi biết đâu nó đang nhìn cái lồng bàn ở trên cái bàn tròn đặt giữa tôi và nó. Thôi cứ coi như nó nhìn mình. Tôi lại nghĩ bụng và hỏi:
- Ê! Hồi hôm Myki gặmjđược mấy cục xương?
- Gâu gâu!. (Tôi áng chừng hai cục)
- Sao tệ thế!
Myki đứng dậy đi lòng vòng vẫy vẫy cái đuôi xong nằm xuống chỗ cũ, ý muốn nói:
- Được vậy quý lắm chứ tệ gì!
- Không tệ à!
- Không!
Tôi lại đoán. Đây là kinh nghiệm sống giữa hai tôi...
- Ê!. Có gì mà thảm vậy?. Đói hả?. Ê...
- Không!. Thấy thương ông!
- Thương mẹ gì!. Đồ chó!.
Tôi lỡ lời. "Giận cá chém thớt" nhưng nó không giận. Vì nếu giận sẽ lủi thủi bỏ đi ra sân hoặc chui xuống gầm giường ngủ của tôi ngay đàng này nó trườn đầu tới lấy mũi ngủi ngủi bàn chân tôi xong tỏ ra vẻ trìu mến:
- Bạn ông đi đâu hết rồi mà lâu nay chẳng thấy?
Bạn. Biết nói làm sao cho Myki biết và chia sẻ tâm trạng của tôi, thôi tôi giả vờ không nghe nhưng nó thì quá thiệt tình hỏi lại:
- Bạn ông đi đâu hết rồi mà lâu nay chẳng thấy?
Tình thiệt cho tới giờ từng nầy tuổi... tôi chưa có người bạn nào đúng nghĩa. Bởi bạn là người ở giữa cha mẹ và anh chị em ruột, nó biết tất tần tật vậy mà...
- Bạn hả lúc này là mi đó!
Tôi tính nói như vậy may mà chưa nói.
Myki lúc này trông được hơn. Có lẽ do ngoài sân đã có vệt nắng. Mười một giờ. Dự báo thời tiết sẽ mưa gió to tuy vậy trời lại quang đãng. Con chó nhạy cảm với biến đổi mưa hay nắng nhiều người còn cho rằng hễ chó ăn không ngon ngủ không yên sẽ có động đất như vậy con chó có ích lắm!. Tôi lại nghĩ nghĩ...

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Hữu Dũng: THƯƠNG LẮM CHỢ LÀNG

Chợ Vải hay còn gọi là chợ Cũ, nằm cạnh bến sông (nay thuộc thôn Thanh Quýt 5) xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Chợ Vải có mặt ở làng tôi ( làng Thanh Quýt) tự bao giờ?
Thực hư thế nào tôi không rõ, theo các bậc cao niên kể lại: Chợ Vải hình thành do bà Vải. Bà Vải rất giỏi giang nghề canh cửi. Bà dạy cho dân làng làm bông, kéo sợi. Tiếng lành đồn xa, chị em các làng phụ cận đến đây học nghề và giao lưu sản phẩm may mặc, theo đó mà thành chợ. Nhớ ơn công đức, sau khi bà mất, dân làng đặt tên là chợ Vải và lập Miếu thờ. Hàng năm ngày đầu xuân, dân làng tổ chức tế lễ và tổ chức hát hò khoan đối đáp tại sân miếu. Đây là chợ duy nhất của làng bấy giờ.

Ảnh internet

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

HÒA VĂN: MÊNH MÔNG CHI XỨ




MÊNH MÔNG CHI XỨ


Tôi nghe câu này khi lên chín lên mười và chỉ nghe vậy thôi chứ không thắc mắc tại sao người quê tôi Gò Nổi - Điện Bàn, Quảng Nam lại nói như thế khi thấy nước lũ lụt đóng thềm nhà.

Tức là cả làng cả xóm trừ nền nhà ở còn lại lũ lụt đã ngập hết.
Khi viết bài thơ Ký ức lũ tôi định đưa "mênh mông chi xứ" vô nhưng không được tôi chỉ viết:
...
"Lũ về chìm nổi
Mênh mông mênh mông...
Trong xóm ngoài đồng
Gánh gồng gian khó
Tối lửa tắt đèn
Có nhau"
...
Mới đây gõ cụm từ "mênh mông chi xứ" vô google chỉ có duy nhất bài đăng trên báo Thừa Thiên Huế mới biết À Gò Nổi mình là đất tiên tổ xứ Thanh - Nghệ... vào khai cơ lập nghiệp cách nay 548 năm ông bà đi mang theo thổ ngữ ví như hói là lạch nước, và mênh mông chi xứ...
Thổ ngữ đẹp quá!.
H.V




 MÙA CÁ NHẢY

TTH - Thường thì giữa tháng 9 dương lịch, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống xối xả tràn đầy mấy cái hồ trong xóm thì dân xóm lụt nơi tôi ở gọi nhau i ới là mùa cá nhảy đã về. Bây giờ ở lâu thành quen, đến mùa tôi cũng mang thau đi nhặt cá nhảy như mọi người.

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Nguyễn Tam Phù Sa: QUA CÂU LÂU BỖNG NHỚ

Ảnh Bến Vĩnh

Hành phương Nam bôn tẩu mấy mươi năm
trông tới đích, đích dày hóa ảo
cắn chữ họa bùa thơ cao nghệu
bình thân không vác nổi câu Kiều

Lật đật dọn lòng thỉnh gươm Từ Hải
xoạc chân mài hói  tóc vẫn cùn
túng thế sinh nghề qua viết báo
dở-hay-khen-chửi đủ bốn nhà (*)

Lọc cọc ngựa già toan quy ẩn
qua Câu Lâu (**) bỗng nhớ thuở đi cày
vác ruộng chạy khắp đồng kêu- Nước!
giục lòng như thể giục trâu đi

Hành phương Nam bôn tẩu mấy mươi năm
rơm rạ giữa lòng còn ngún khói
thời hạt gạo cõng năm lát sắn
đất luân canh người luân vũ quay cuồng

Tuồng dâu bể bầy đàn quen hóa lạ
người trung kiên chung gục kẻ bạc tình
ta ngạo nghễ đội trời đi như thác
luân lạc lòng quê đỏ tựa son./.
Sài Gòn 28.10.2007

(*) Không nhà giáo, không nhà thơ, không nhà báo và không nhà.
(**) Câu Lâu: Còn gọi là Cầu Mống: Cầu trên đường QL 1A đoạn xã Điện Phương, Điện Bàn, QNam, từ đây ngó lên hướng tây bắc là Gò Nổi quê tác giả (RR)

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Truyện ngắn Hòa Văn: ĐỜI DẾ

Truyện ngắn Hòa Văn: Đời dế 

 




Con tôi đứa học lớp 4 đứa học lớp 8. Phải nói ngoài chuyện học hành chăm chỉ, học tốt, thuộc loại Giỏi, còn lại mọi chuyện đều sưa sớt, chính vì vậy bị mẹ la mắng miết. Tôi để ý mới biết  do chúng mê đá dế quá.


Có chừng năm đến bảy hội viên, nhỏ tuổi nhất là cu Hiến con trai út của tôi, cao niên là ông Tư Hân đã trên sáu hai tuổi. Có thể tóm tắc tiêu chí mục đích hội bằng câu nói ngắn gọn đầy ý nghĩa của Ba San – một cây nuôi dế, đá dế giỏi nhất trong hội: “Thư giãn – Vui vẻ”.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Nguyễn Đức Bạt Ngàn: TỰ PHÁC HỌA - VỀ VỚI VÔ CÙNG


NT NGUYỄN ĐỨC BẠT NGÀN
Được tin nhà thơ N Đ B N từ trần
RR xin chia buồn!

TỰ PHÁC HỌA

từ cuối tháng ba năm ngoái (2018)
tôi đã cùng bệnh tật đấu đá lẫn nhau
hiện tại tuy đang thủ huề
nhưng biết đâu
không chừng tôi sa cơ
sẽ hóa không

bất chợt hào hứng
nên tạm phác họa dăm chút đời mình
(cho mai sau nhìn lại)

về bản thân:
sinh ra từ một làng quê
mẫn cảm
vướng nợ chữ nghĩa
từ niên thiếu cho đến tận bây giờ
tâm tư phóng túng hồn nhiên
yêu tự do khai phá 
đời thơ hư ảo mông lung
đời thường tỉnh táo

về ứng xử:
bình đẳng
tôn trọng chúng sinh
không phân biệt lớn nhỏ sang hèn thông minh ngu dốt trí tuệ tài năng
bởi vì vận hành nhân giới cũng như cây lá
bộ phận nào cũng quan trọng
thiết yếu như nhau

về sáng tác:
thơ đến với tôi như ám chướng
viết vì không thể không viết

về thưởng ngoạn:
không có tác giả lớn cũng không có tác giả nhỏ
không có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở
tất cả đều được tôi học tập nâng niu
chiêm nghiệm để bồi bổ cho vốn “sống-viết” của mình

về bằng hữu:
đời thường có nhiều bạn thân
tri kỷ của đời thơ rất hiếm

về tình nhân:
cám ơn em hương sắc
hồng hào chất ngất

về đại gia đình:
thời thơ ấu ấm áp
trưởng thành thì xa cách cha mẹ anh em

về đời riêng:
làm chồng làm cha bất xứng
rất may là được cô vợ khoan hòa thực tế đại lượng tri kỷ chí tình

về tác phẩm:
hầu hết được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Canada (Library and Archives Canada)
đã đăng ký bản quyền (certificate of registration of copyright) tại Canadian Intellectual Property Office

di ngôn:
tri ân sự sống có tôi
dự phần
cám ơn sự chết đang thân ái chờ tôi
họp mặt
sống chết bình an
tôi vô cùng thênh thang

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Apri 13th, 2019
Edmonton Canada
---
GHI CHÚ: trang Face (NĐBN) này, từ nay sẽ do thân nhân của tôi  cập nhật cùng với những trang sau:
http://ndbn.blogspot.ca/
https://www.facebook.com/ngducbatngan/
https://www.facebook.com/blogNDBN/
Thái Hồ Lô

@@@@@

VỀ VỚI VÔ CÙNG


ánh mắt đó bây giờ xin trả lại
cho vàng son của dáng dấp thơ ngây
tôi buồn lắm trong tháng ngày hiện tại
ôi vì em nên thân xác đọa đày
*
chừ về đó em buồn không hở thỏ
có bao giờ đoái tưởng nhớ thương tôi
hay cũng lãng quên trong ngày tháng đó
ép tình mình vào ký ức xa xôi
*
nhớ làm sao cả khung trời hò hẹn
vàng chiều nao em đẹp dáng hoang đường
tình rụng xuống trôi theo dòng nước muộn
đi xa rồi còn ngoái lại rất thương
*
giờ kết tóc em bay theo làn gió
tôi cũng buồn nên trải cánh theo mây
tình sống lại như ngày xưa gắn bó
ôm nhau đùa trong nắng đổ hây hây
*
tình réo gọi như những lần em khóc
tình u buồn trong hờn dỗi tôi mưa
ngồi tưởng nhớ những lần em đã đến
ôi vòng tay siết chặt mấy cho vừa
*
tình hấp hối tôi là người ở lại
cất bây giờ làm tinh huyết mai sau
nhìn dáng em cúi đầu, tôi không nói
thôi hết rồi chiều xám đã buông mau


Nguyễn Đức Bạt Ngàn




Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Truyện ngắn Hòa Văn: TRÂU HAY

Ảnh nguồn internet


CHẲNG cần tới tháng tám nắng mới nám trái bưởi, do biến đổi khí hậu, nửa tháng năm dương lịch mà thời tiết oi bức nắng như thiêu như đốt, cách đây mấy bữa trước có mưa rải rác xã Tây, xã Trung, còn ở xã Đông nầy không có hột mưa nào, cánh đồng từ sau gặt hái trơ gốc rạ, những đám ruộng cày bệ đất khô ải trắng bốc, vụ Hè thu tới không biết ra sao chứ vụ Đông xuân vừa rồi nhiều diện tích lúa, màu đang trổ gặp đợt mưa lạnh bất thường, ngô hạt không đầy cùi, đậu phụng nhiều trái vú heo, lúa ngơ bông lép hạt, năng suất giảm trên dưới ba mươi phần trăm, có thửa hư nặng hơn sản lượng thua hết một nửa so với cùng vụ năm ngoái.
Làm ruộng nói như bốn Nghiên “Cơm cũ đổi gạo mới” đầu vụ cày bừa, gieo cấy… lam lũ cuối vụ thu hoạch xong trả các khoản chi phí phân bón, thuốc men, công cán… chẳng còn bao nhiêu, được cái có lúa gạo trong nhà đỡ lo đói, nhà nào làm ruộng chay không dễ gì khá lên!.

Sáng nay bốn Nghiên đưa trâu ra đồng cày mở hàng, thông thường nếu không hạn trạm thuỷ lợi xóm Hạ bơm nước đổ bệ, cày dầm khoẻ hơn, nay cày ruộng khô, ban đầu trâu cày khí thế lắm, đến gần nửa buổi nắng quá trâu bắt đầu lơ, bốn Nghiên phải tâng lưỡi cày lên, cho cày ăn đất cạn nhẹ bớt, thế mà trâu vẫn ì ạch, bốn Nghiên tay vút roi, miệng quát tháo đủ điều trâu cũng chỉ cố kéo cày thêm mấy đường, rồi lại ngó nam ngó bắc.
 Hò trâu dừng lại, lấy điện thoại di động xem đồng hồ.
Bốn Nghiên nói với ba Ngơi đang lom khom xớt bờ ruộng kế bên:
“Hơn chín giờ rồi! hèn chi mình mệt lả, nghỉ uống nước, ba Ngơi!” 

                            

Dưới bóng râm vạt cây keo lá tràm, bốn Nghiên lót nón lá ngồi dựa lưng vào bờ đất, cùng hai ông bạn nhà nông trong xóm, người ngồi bó gối, người ngồi bệt trên cán cuốc, uống nước trà trò chuyện (nước đựng trong chai nhựa mỗi người mang theo). Trâu nằm sải chân, mắt lim dim. Chặp chặp có một chút gió nhưng gió mang theo hơi nóng hầm hập càng nóng thêm.
Con trâu của bốn Nghiên có dáng dấp chững chạc khoan thai lưng dài vai rộng, cặp chân trước thon, xoáy đẹp đóng ở bàn toạ, mỗi ngày cày ít nhất mẫu ruộng nước, hoặc hơn nửa mẫu đất thổ, vì thế nó có tên trâu hay.
Bốn Nghiên hỏi:
“Bảy Khi ơi, mi biết tại răng họ nói ngu như trâu không?”
 Bị hỏi bất thình lình bảy Khi ú ớ trả lời: “Nó ngu họ nói ngu chứ răng tê chi!” “Nói như mi tau hỏi cái đầu gối chắc hơn!”.
Bảy Khi lâu nay được dân làng biết đến là người có tiếng hay chữ dù không học trường lớp nào cao xa, làm chức sắc chi to lớn nhưng được cái chịu khó tự mày mò học hỏi sách vở, có trí nhớ dai, thông thạo nhiều chuyện, bị bốn Nghiên chọc nổi nóng bừng bừng.
Bảy Khi nói: “Không ngu sao được, trong lúc chó, gà, dê, ngỗng, … rồi hổ, báo, … cũng là con vật mà nó sướng ru, sinh ra là ăn chơi mút mùa, đói ăn, khát uống, còn con trâu suốt đời làm lụng vất vả không ngu mới lạ!”.
Ba Ngơi không chịu:
“Làm nhiều đâu phải là ngu! Ví như mình đây quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ngu à!”.
Bảy Khi tức anh ách, bữa nay đến ba Ngơi cũng cãi lại mình! bảy Khi gằn giọng:
“Theo chú mi tại răng ngu?”.
“Hà… hà… bảy Khi <botay.kom> rồi phải không? Bó tay nói bó tay để ba Ngơi tôi nói”.
Ba Ngơi cười tươi rói, gật gật cái đầu tỏ ra hớn hở lắm, bởi hồi tối Thy con gái Ba Ngơi dô mạng Internet đọc được câu trả lời như sau - Rất đơn giản bởi vì con người thông minh hơn trâu nên mới gọi nó ngu, chứ nếu một mai có một loài động vật nào đó thông minh hơn con người thì loài động vật đó sẽ bảo nhau là: "Ngu như người” – Đọc xong Thy hỏi họ nói vậy có đúng không ba? đúng hay không ba Ngơi chưa trả lời với con gái - nhưng bây giờ dựa vào thông tin mạng ba Ngơi trả lời bảy Khi một cách lưu loát, bảo bảy Khi không tức sao được!
Trâu hay nằm vểnh tai nghe, chẳng rõ có biết gì không mà loanh quanh  hết đứng lại nằm y như bụng đang bị đốt lửa rơm! bốn Nghiên quấn điếu thuốc lá to bằng ngón cẳng cái, thò tay vào túi áo lấy họp quẹt ga bật lửa mồi thuốc hít một hơi thật đã, rồi nói:
“Bữa nay tau nghe ba Ngơi nói được, ít nhất cũng có lý, có lẽ như rứa, chứ bảy Khi thì chỉ khoác lác thôi!”. Bảy Khi nãy giờ nuốt cơn giận bấm bụng cho qua, tính đứng dậy đi xớt bờ cuốc góc tiếp nào ngờ bốn Nghiên còn nói móc họng, bảy Khi chống cuốc lên tiếng:
“Không giỡn nghe! thứ trâu, bò mà kể dô! nói về các loài động vật trên rừng dưới biển ở đây ai rành bằng! không thể nói như ba Ngơi được”.
Bốn Nghiên xoe tròn mắt, vặn vẹo: “Không biết dựa cột nghe, không cà kê!” Đoạn đứng phứt dậy bỏ đi.
Bảy Khi xông vào túm lấy cổ áo bốn Nghiên hành hung. Trâu hay đứng bật dậy dùng cặp sừng nhọn hoắt xốc bảy Khi giống như người ta cất vó kéo cá mùa lũ lụt rồi vất xuống nghe cái bịch. Bất ngờ, bảy Khi bị đòn đau quá, mặt méo xẹo kêu gào náo động cả cánh đồng. Bốn đứa con bảy Khi đang độ trai tráng, nghe cha bị trâu hay húc, giận dữ kéo đến la ó đòi ăn thua đủ, thay vì coi thử ông cha có bị thương tích gì không, lại hè nhau dùng cuốc đánh trâu mà lạ trâu hay chẳng có phản ứng gì, đưa đầu chịu trận xong lăn đùng ra chết. Bảy Khi toá hoả bỏ chạy về nhà, may mà chỉ trầy sước sơ sơ ở thắt lưng.
Các con bảy Khi tuyên bố:
“Bao nhiêu tiền! đền!”
Rồi mổ thịt trâu chia nhau ăn.
Trâu hay chết nhà bốn Nghiên và bà con xóm Hạ tiếc lắm! Thoa, cô con gái út bốn Nghiên từ lúc có trâu hay tới nay thường ngày chăn dắt tắm rửa cho nó ăn uống nên không những tiếc mà còn khóc lóc mấy ngày liền.
Thoa nói:
“Trong hai con trâu nhà nuôi, trâu hay hiền lành hơn trâu mộng nhiều lắm!”

                   
                             ***

Từ xưa trâu là loài vật được coi là biểu tượng cát lợi, từ lâu con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông. Theo bốn Nghiên con trâu đạo mạo tựa “người học vấn cao” cỡ “tiến sĩ giấy” xếp sau trâu mấy chục bậc! trâu khôn chứ không ngu như người ta tưởng, bằng chứng nó làm tốt nhiều việc con người bày biểu, nhớ hồi làm thịt con trâu ở tổ sản xuất xóm Hạ, biết sắp chết nước mắt nó đổ ràn rụa, quỳ hai chân trước xuống tỏ ý van xin người ta đừng giết nó!.
Có lẽ vì quá mến thương nên mấy đêm bốn Nghiên ngủ mơ thấy trâu hay về cho biết các loài động vật sau khi chết lúc qua sông Hắc Thuỷ tất cả đều phải ăn cháo lú nhằm quên mọi sự việc ở trần thế, kiếp trước trâu hay bất tuân, nhận bát cháo xong len lén đổ bỏ, rồi cũng giả khờ giả dại qua sông, nhưng làm sao qua mắt Diêm Vương được, nên bị đày làm trâu.
 Lần nầy trâu hay ăn cháo lú qua sông Hắc Thuỷ rồi.
H.V

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Truyện ngắn: Hòa Văn: MẸ CHỒNG TÔI



Chuyện vợ chồng. Có rất nhiều câu chuyện vợ chồng đã được viết và được kể... Tuy vậy với tôi lại e dè... không biết nên hay không nên?.

Bà mẹ chồng. Xin được gọi theo con đầu lòng của bà theo tục của làng. Bà Dinh. “Mẹ tôi hiền hậu và bao dung”. “Có thể nói rất hiền hậu và bao dung đằng khác.”. Ấy là ý kiến của bà con họ hàng và chòm xóm chứ không phải dâu con trong nhà mà tâng thêm đâu?.

Chính vì vậy mà trong rất nhiều truyện tôi viết hình bóng mẹ lâu lâu lại hiện ra rõ mồn một. Khi thì giống bản tính, khi thì giống nét đẹp không có chỗ nào chê của đôi mắt, lúc thì nụ cười. Nụ cười là khó tả nhất. Và trong truyện đang viết tôi cũng chỉ cố gắng viết được chừng nào hay chừng nấy mà thôi.

Đứng dậy đi tới tủ lạnh lấy một chai nước lọc, tôi rót ra một ly gần đầy uống một hơi xong ngồi vào chiếc ghế salon ngả người ra đàng sau thư thái nghĩ ngợi...

Ngày đầu tiên theo anh Dinh về nhà chồng. Anh Dinh là chồng tôi.

Mẹ đón tôi ở cửa phòng tân hôn, việc đầu tiên mẹ trìu mến tặng cho tôi nụ cười... Nụ cười toại nguyện lắm!. Tôi suy từ mẹ đẻ của tôi mà đoán thế. Nụ cười rất tươi, rất đẹp. Đẹp nhất là nụ cười nở trên đôi môi phơn phớt đỏ thắm màu cánh sen. Hồi đó tôi nghĩ ai khéo chọn cho mẹ màu son đúng mode và sành điệu quá làm tôn thêm vẻ đẹp của đôi môi mẹ!. Về sau khi ở chung lâu ngày mới rõ môi mẹ ngày thường cũng vậy không cần son sơn gì!. Nụ cười như đoá hoa tươi tắn có sức lan toả hơi ấm tình yêu tới người được mẹ chia sẻ... Phải thật thà nói suốt tuần trăng mật “tại gia” tôi hưởng trọn vẹn hạnh phúc bởi chồng mang lại có khoảng bảy mươi phần trăm còn số phần trăm còn lại mẹ trao cho tôi.

Chắc các bạn không tin chứ gì?.

Đám cưới vào mùa Đông. Không biết ai là người đầu tiên khởi xướng mùa cưới là mùa Đông nhỉ?. Nó đúng trên một trăm phần trăm. Ai cố ý tổ chức trật mùa cưới. Như cưới vợ lấy chồng mùa Xuân, mùa Hạ chẳng hạn về sau sẽ cả đời nuối tiếc cho mà xem!.

Mùa Đông ở miền Trung sướng lắm, nó kéo dài... Mưa. Mưa. Những cơn mưa dài đăng đẵng... dài lê thê... khỏi phải nói ai cũng biết!.

Và mưa to lắm. Bởi vậy có câu “Mưa như cầm chĩnh đổ”. Cạnh mưa là gió. Gió bấc kèm theo mưa phùn, rồi tới rét nàng bân, rồi gió chướng kết hợp với lũ... Gì thì gì mùa đông cũng dành cho đôi trai thanh gái lịch những ngày nắng ấm để trai thành hôn gái vu quy.

Rồi không rõ tại sao cứ sau đám cưới thời tiết đột ngột thay đổi, tệ cũng mưa gió dồn dập, to hơn có bão, lũ!. Thành ra quen rồi chẳng có gì sợ sệt nữa!.

Anh Dinh thầy giáo một trường cấp Ba. Tôi cô giáo cấp Hai. Hồi trước đây công việc dạy học lúc đầu như một nhiệm vụ, về sau ngoài nhiệm vụ thầy cô thấy cần phải có quyền lợi nữa chứ!. Thế là một số đã bỏ nghề làm bất cứ việc gì để có thu nhập khá hơn. Dinh chuyển sang buôn bán hàng chuyến từ Trung vô Nam.

Ở thời buổi kinh tế “xôi đậu”. Chỉ có dăm bảy năm sau ngoài nhà cao cửa rộng Dinh còn tích cóp khá bộn tiền vàng và dĩ nhiên mối liên hệ làm ăn ngày càng mở rộng. Cô giáo cấp Hai theo chồng buôn buôn bán bán. Rồi hai vợ chồng lập công ty... Cái thời buổi công ty mọc như nấm ấy mà!. Kinh tế giàu có chừng nào cuộc sống gia đình “chật vật” chừng nấy!.

Chắc bạn không tin?. Chính tôi cũng không tin chứ đừng nói bạn. Thường nghe nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Có thể trúng ở việc gì còn việc của vợ chồng tôi chẳng trúng chút nào.

*
Tình yêu là gì?. “Tình yêu như thứ mật ngọt được đun sôi, đun lâu quá sẽ khiến nó cháy và trở nên đắng ngắt.” Tôi đọc câu nầy trên một tờ báo viết giới thiệu một tác phẩm văn học của một tác giả...(*) viết về tình yêu. Quyển truyện hay dở thế nào chưa bàn riêng sự ví von tình như mật ngọt mà mật đun sôi, đun lâu quá sẽ... thì đúng. Vợ chồng tôi là như vậy.

Điều mẹ chồng tôi mong mỏi sớm có cháu để bà chăm ẵm, để bà cất tiếng ru à ơi ơi à...!. Trong mái nhà ấm êm. Mong muốn tưởng dễ dàng đối với tôi, cô con gái đẹp nết đẹp người, có công ăn việc làm thu nhập khấm khá.

Sau tháng... năm... lại thêm một lần phải thật thà thưa thiệt tôi ngây ngất trong men yêu thương tình chồng nghĩa vợ. Những... những nụ hôn cháy bỏng từng một thời mơ mộng đã là hiện thực. Những mơn trớn... điều mà ở tuổi đôi mươi mới chợt nghĩ ngợi... đã “đỏ mặt tía tai” chẳng thấm tháp gì so với những gì Dinh dành cho tôi... và tôi dành cho Dinh. Nếu nói con mèo có thân mình mềm chừng nào tôi cũng mềm chẳng thua kém... Trong vòng tay Dinh tất cả tôi trở thành con số không to... to... lắm!. Mà chỉ có như vậy thôi?. Tôi dằn vặt. Những vỉ thuốc ngừa thai “nghi binh” cho Dinh an lòng trước sự chậm trể đường con cái chỉ có tác dụng một đôi năm.

"Hôn nhân là gì? Đó chính là nơi bạn tạo nên hạnh phúc, là nơi luôn tràn ngập tình yêu. Nếu bạn tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân nghĩa là bạn đã đặt chân tới thiên đường. Trong hôn nhân quà tặng không chỉ còn là nụ hôn, sự tung hứng cho và nhận niềm hoan lạc... Hôn nhân phải đơm hoa thơm kết quả ngọt. Chất xúc tác đồng thời là chất keo kết dính mọi người lại với nhau thành mái ấm gia đình là đứa con. Nếu bạn không tìm thấy sự đồng cảm với nhau trong hôn nhân hoặc có đồng cảm mà không có con cái thì bạn sẽ mãi mãi không thể thoát ra khỏi sự nghi ngờ, bạn sẽ lại chìm ngập trong dằn vặt đau khổ và sẽ chẳng bao giờ bạn có thể tìm được hạnh phúc. Sự lãng mạn của tình yêu và sự nhạt nhòa khô cằn của hôn nhân hai thái cực đối lập.". (*)

Mẹ bảo:

“Các con có thiếu gì đâu?. Sao chẳng chịu...”

Rất hiểu ý mẹ mà mẹ làm sao hiểu con?. Những ánh mắt trìu mến hằng ngày mẹ dành cho con, ngày một giông giống như mũi kim nhọn châm thẳng vào trái tim con. Tôi liên tưởng dại dột như thế các bạn ạ!.

Một hôm mẹ vô thẳng trong phòng riêng của tôi ân cần nói:

“Hay con có điều gì trắc trở?”.

Nước mắt. Nước mắt của tôi tích luỹ bao nhiêu năm từ ngày về làm dâu mẹ tuôn trào hơn thác lũ... Mẹ hoảng hốt rồi sau đó bần thần ngồi im lặng. Mái tóc mẹ hình như chỉ trong chốc lát chuyển từ phơ phơ trắng thành trắng phau phau. Đôi môi mẹ đẹp như sơn son vậy mà giờ... Cả căn phòng tôi tối sẩm...

Dinh đi làm về. Lúc nào cũng vậy câu đầu tiên anh hỏi mẹ ở đâu? làm gì?. Bữa hôm nay sau câu hỏi và biết những điều anh ngờ ngợ tính dò hỏi... Tôi cảm nhận rõ ở trong Dinh nỗi đau hơn trời long đất lở!. Mà làm gì được bây giờ?. Tôi ôm mẹ khóc nức nở. Dinh vỗ vỗ vai tôi nói câu gì đó ngụ ý an ủi.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh mẹ điềm đạm bày tỏ hết mọi ưu tư về khó khăn của tôi mỗi khi mẹ đứng trước tượng bà mụ. Tượng được thờ trang trọng trong ngôi chùa nổi tiếng ở Hội An xưa nay. Nhưng mọi cố gắng của mẹ và tôi như muối bỏ biển.

Ngày cứ qua đêm cứ lại. Vợ chồng tôi vẫn yêu thương nhau. Vẫn dành cho nhau tất thảy mọi điều tốt đẹp nhất và kỳ vọng...

*
Mẹ. Mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng trong nỗi niềm...

Tôi cực sốc khi mẹ mất. Với tôi mẹ không chỉ là chỗ dựa đơn giản của một nàng dâu nơi mẹ có cả bầu trời cao rộng tình yêu và biển cả của sự chia sẻ. Dinh là người chồng rất tốt nhưng có gì đảm bảo khi không còn có mẹ bên cạnh anh không bỏ rơi tôi để đến với người con gái khác có thiêng chức làm mẹ. Chuyện dễ hơn hút ốc!. Tôi lo lắng hoang mang...

Và chỉ sau đó một thời gian không lâu. Trái tim của tôi vỡ oà điều không tưởng...

Người ta thường nói nhiều lúc quá sốc, cơ thể người bị sốc có một sức đề kháng làm đổi mới hoàn toàn những khả năng không thể để thành có thể. Dinh lý lẽ như thế trong trường hợp của tôi.

Khi mà hương lửa của tình yêu ngỡ chỉ còn bụi tro tàn thì chính là lúc mầm mống sự sống lại nhen nhúm. Trong tôi đã có hai con tim đang cùng đập.

Tự truyện nầy xin gởi đến người tôi tôn kính: Mẹ chồng!.

Những đứa con trai con gái của tôi và Dinh bây giờ nên bề gia thất chắc càng kính yêu bà nội hơn khi biết chuyện./.

(*): Tiểu thuyết tình yêu Khi em khóc, trái tim anh nhói đau! của tác giả Văn Hân Nguyệt.

Hòa Văn

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Hòa Văn: Lá chuối sứ



Ngày xưa lá chuối sứ chỉ xử dụng mỗi năm nhiều nhất vào ngày mồng 5 ngày tết Nguyên đán mà nhà nào ở quê cũng có dăm ba bụi chuối này nên đa phần nhà ai nấy dùng có khi cho nhà trong xóm cùng dùng để gói bánh tét, bánh rò, bánh chưng, nem chả, bánh ú tro... 

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Truyện ngắn HÒA VĂN: Con ếch




Buổi tối ở nông thôn yên ả, trăng non treo lơ lửng trên trời cao, ba cha con tôi đang quây quần trên nền giữa nhà. Bỗng chú ếch mập u ú từ ngoài vườn nhảy phóc vào, rồi hình như bị ánh sáng đèn điện làm chói nên đôi mắt nhắm ghiền lại, nằm co ro. Hai và Hải hai đứa con tôi mừng rỡ:
- Ếch… ếch… Ba ơi!

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH: KHẢM DẤU TÍCH GIỮA MÙA XUÂN


Như thế, theo cách hiểu của tôi mùa xuân là mùa số một trong năm cũng là mùa khởi đầu của vòng quay xuân hạ thu đông.
1. Bạn đã từng có nhiều cái Tết trong đời nhưng vẫn luôn nhớ những cảm giác gọi là Tết nhất! Tôi nhớ hình như tiếng Việt vẫn gọi Tết nhất. Tùy theo vùng miền mà chữ nhất hay trại thành chữ nhứt! “Mới thôi mà Tết nhất tới rồi!”. Và câu ca “Ai xui Tết nhứt lôi thôi / Năm cùng tháng tận lòng tôi thêm buồn…”.

Truyện ngắn Hòa Văn: Tiếng chim


MY MY biết viết nhật ký từ năm đầu bậc Trung học cơ sở. Hồi ấy không ai biểu cũng chẳng có ai hướng dẫn gì. Thế mà tự nhiên sau mấy buổi đến trường lớp mới, gặp gỡ các thầy cô giáo mới và dĩ nhiên cặp thêm được hai bạn cùng lớp mới toanh thêm vào ba bạn cùng lớp 5 năm ngoái nay ngồi chung lớp 6/1. My My nảy ý định viết ghi lại những điều nghe thấy thường ngày...
Nghĩ là thế nhưng mãi đến một buổi chiều đi học về nhà, My My hình như cảm giác thấy trong "người" lớn lớn... lên gì gì... ấy! Rồi ngồi vào bàn ở góc học tập hí hoáy viết, ban đầu viết những suy nghĩ nào là thầy Khanh, cô Tuý dễ mến, giảng bài hay..., nào là bạn Tum, bạn Quy chỉ sau ba tháng nghĩ hè phát tướng trông thấy, giọng nói của cả hai rè rè, còn điệu bộ đi đứng ra vẻ người lớn... thế thôi!. Dần dà quyển sổ nhật ký của My My tràn đầy kỷ niệm. Kỷ niệm một thời nhỏ không ra nhỏ, lớn không phải lớn ấy mà!.
12/11/..... Cô bé Hà Phương trông bắt mắt thiệt, mới mưa lất phất có mấy hạt chứ đã vào mùa đông đâu mà diện chiếc áo lạnh màu gi trông đẹp ơi là đẹp!.
...
14/11/... Là bạn với mình từ bé xíu hạt tiêu đến chừ chứ ít ỏi đâu, nên cái "con người" ấy cái gì mình không tường tận. Ôi thôi! Khóc nhè một cây! Hỡ một điều gì chưa hiểu, hơi ấm ức một chút, khóc nhè!. Bạn nào chưa kịp trả cây bút! Khóc nhè!. Riết một hồi ngồi cùng bàn bên cạnh Hà Phương, My My bị lây cái tính nhõng nhẽo của Hà Phương lúc nào không hay.  Chỉ có điều trong cặp bài trùng My – Phương, mỗi "quý cô nương" có cách khóc nhè khác nhau rất xa cả chục cây số!. Đó là nhận xét của bạn Quy và bạn Tum.
...
Tên đầy đủ của Tum là Nguyễn Kon Tum, nghe kể "cậu" sinh ra trên miền đất Tây Nguyên đầy nắng, gió và đất đỏ badan, vào thời điểm năm một ngàn chín trăm chín tám, ba mẹ lên trên ấy trồng cà phê cho ông cậu ruột. Về sau ba mẹ của "cậu" làm ăn khá giả, có vườn tược nhà cửa đàng hoàng và có cả mấy chục hecta đất trồng cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch, nhưng bà nội thì nhất quyết không chịu bỏ quê xứ bốn bề sông nước Gò Nổi nầy, để lên trên đó, do vậy "cậu" được ba má đưa về đây ở cho có bà có cháu, nhất là khi bà đau lúc bà ốm có người chăm nom!. Tum có cá tính mạnh, thích gì làm cho bằng được, nhưng không nghịch ngợm bao giờ, đây là điều My My và cả nhóm bạn thích nhất. Với bạn bè nhất là với cánh con gái, Tum nhát lắm! cứ lí nhí không nói được gì, mỗi khi gặp gỡ bất kỳ trong lớp học hay ở nhà, được cái tham gia chơi nhiệt tình tất cả những trò chơi mà nhóm con trai và con gái bày ra như ăn ô quan, nhảy cò cò, bịt mắt bắt dê, bỏ khăn, trốn tìm, u u... và cả đánh nẻ cũng xịn lắm!. Đặc biệt Tum rất thích cái vụ bắt và nuôi chim cu gáy.
                                                                                   "         
Ở hiên nhà, Tum treo lủng lẳng trên chục cái lồng to nhỏ khác nhau, đây là những "ngôi nhà" mới của chim, Tum giỏi sơ tuyển và tập huấn các nhóc chim cu gáy từ ra ràng đến biết gáy sành. Nếu tính từ ngày Tum quay trở lại quê trong hai năm nay chí ít cũng đã có hàng trăm nhóc chim được Tum bắt, nuôi, nhiều con chim hay được bán cho giới buôn bán chim cảnh chuyên nghiệp. Riêng chú chim gáy có cái tên đặc biệt “E.Y. của tôi” là Tum không bán cho ai, dù chú chim ấy có lần một ông cụ thích nuôi chim cảnh ở Sài Gòn về trả giá trên 5 triệu đồng, thế mà Tum lắc đầu lia lịa: “Không bao giờ bán! Không bao giờ bán!”. Hôm ấy My My có tại nhà Tum, chứng kiến mọi việc!.
Khi ông Sài Gòn đi rồi, My My ngồi co gối ngấp nghé nhìn chú chim “E.Y. của tôi” đang tung tăng nhảy nhót và gù gù liên hồi. Chú chim như tỏ ý thích cô bé có cái răng khểnh!. Tum nói với My My: “Hay là Tum tặng chú chim nầy cho My My nghe!”. Bất ngờ My My không nói gì. Tum tiếp: “Mần thinh là đồng ý đó nghen!”.
Và Tum vồn vã kể lai lịch chú chim “E.Y. của tôi”.
Chú chim nầy sinh ra lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên, có tiếng khi gáy biết cách luyến láy nhiều giọng lên cao, xuống thấp, được ba mình cưng lắm. Hôm về quê ở với nội, lúc ba nắm lấy tay Tum dặn dò rất nhiều điều, mắt của ba ngân ngấn nước mắt. Ba bảo: “Về ngoài chắc con buồn lắm!” Rồi ba quay vào nhà xách chiếc lồng chim có con chim cu gáy hay nhất đem trao Tum và nói: “Con mang về, chú chim nầy sẽ là "bạn" giúp con ngơi bớt nhớ ba mẹ và các em trong những ngày đầu tiên ở quê!”. Tum lúc ấy nước mắt cũng ràn rụa, chỉ biết ậm ừ dạ dạ rồi đón nhận lồng chim của ba một cách lặng lẽ!. Sau khi về tới quê Tum đặt lại cho nó tên mới là “E.Y. của tôi”.
Và đúng y như ba đoán trước, nếu không có chú chim chắc Tum buồn lắm!.
Buổi tối ở quê yên tĩnh quá. Bà nội ăn cơm uống nước xong đi ngủ liền, bà nói: “Quen rồi, hễ không nằm chợp mắt một chút ở lúc chạng vạng, dễ sẽ không ngủ luôn đến sáng.”. Có lần Tum đã nghe ba nói rồi nên khi học bài, hay làm chuyện gì cũng nhẹ nhàng cố gắng không ảnh hưởng đến nội. Những lúc như vậy chú chim “E.Y. của tôi” là “người bạn” thân thiết giúp Tum đỡ nhớ thằng cu Tỉn - đứa em trai út của Tum học lớp hai – và cũng bớt nhớ thằng Chương bạn thân cùng học một lớp với Tum hồi ở Kon Tum ấy.
Đó là cách đây hơn ba tháng, còn bây giờ Tum đã có nhiều bạn bè cùng trang lứa ở xóm và bạn học trên trường, lớp rồi. Mà nhất là cô bé My My, nhà chỉ cách nhà Tum năm phút đi bộ.
My My không biết làm gì trước cử chỉ ân cần của Tum, bằng tìm cách hoãn binh: “Cảm ơn Tum!. Mình sẽ nhận nếu ba mẹ mình cho phép.”
Tum gật gật đầu và nói: “My My biết không, ba mình là “cây” chơi chim gáy ở Kon Tum đó!. Ông biết tất tật mọi sở đoản sở trường loại chim nầy, vì thế có thể phân biệt con nào hay con nào dở...
Ba chỉ cho Tum cụ thể nhiều kiểu nhiều giọng gáy khác nhau của chim - trong giới chim cảnh gọi là bô - tiếng gáy tuỳ lúc sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều. Liều trơn: cúc cu cu. Liều bổ một: cúc cu cu, cu. Liều bổ hai: cúc cu cu, cu cu. Liều bổ ba: cúc cu cu, cu cu cu. Con trống và con mái đều gáy được như vậy. Tum nói tiếp: “Ba Tum quí nhất là con gáy liều bổ ba: cúc cú cu, cu cu cu”. Ông gọi nó là con chim mồi "kim bất hoán", ý nói ai có đem vàng đổi nó, chủ nhân cũng không muốn đổi. Phần nhiều chim gáy bốn tiếng (bổ tứ), gọi là gáy tiếng đủ, còn những con gáy năm tiếng là gáy tiếng thừa. My My ngẩn tò te ngồi nghe Tum thao thao bất tuyệt bao nhiêu chuyện chung quanh thú nuôi chim cu gáy, không nói ra nhưng lòng cảm phục Tum lắm!.

Bên ngoài trời bắt đầu mưa nặng hạt, cơn mưa giữa mùa đông làm tăng thêm cái lành lạnh của đêm Noel giống y chang thuở còn học lớp 12, My My cùng Tum đi dạo phố cổ Hội An, bữa ấy Tum chững chạc thiệt, hai đứa bách bộ hòa vào dòng người đi Noel đông ơi là đông! Tới gần nhà thờ người chật như nem!. Nói thật đến bây giờ My My cũng không biết lý do tại sao “Ừ cái rẹt” để đi như vậy. Trong lòng My My trống rổng, có vấn vương chút xíu nào “yêu” Tum đâu. Nếu mà như bây giờ chắc My My đời nào dám!. Cũng lạ lúc không có tình ý gì lại gần gũi... còn nay... My My bước vào phòng tìm quyển sổ nhật ký.
Đọc những trang nhật ký viết về Tum, My My còn nghe vang vang đâu đây tiếng gáy, giọng gụ của loài chim một thời gần gụi thương mến. My My xúc động ôm quyển nhật ký vào ngực!. Không biết lúc nầy du học ở Canada, Tum có nhớ gì không nhỉ!. My My thì không quên chú chim “E.Y.của tôi” Tum cho ngày xưa, nay là nick – neam “e.y.cuatoi” của My My trên mạng.
Bây giờ đang ngồi ở giảng đường đại học sư phạm, lại học khoa Sinh, nên những yêu thích về chim muông, cây, hoa, lá, của Tum luôn hiển hiện trong My My thường ngày.
Nay mai đứng trên bục giảng, cô giáo My My sẽ cố gắng truyền đạt cho các em học sinh thật nhiều tình yêu..., thật nhiều kiến thức... về môi trường sống của con người để các em tham gia bảo vệ tốt nhất.
Gấp quyển sổ nhật ký lại. Lòng My My rộn rã bao niềm vui. 
Tái bút cho truyện ngắn Tiếng chim "e.y.cuatoi":
My My! Anh đọc được tình yêu của em đúng vào thời điểm sắp đến mùa Noel năm nay, lòng của anh muốn hát lên bao khúc ca "em yêu của tôi" ("e.y.cuatoi") ơi!. Nhớ nhớ quá chừng những ngày ở quê (hương). Bây giờ anh ước gì... ông già Noel cho phép đằng vân anh bay cái vụt về ... bên em một chặp, không làm gì, chỉ ngồi lặng lẽ ngắm nhìn đôi mắt em, chiếc răng khểnh của em, rồi anh bay qua trở lại... Canada ngay, cũng vui lắm!.
À! Bên mình mưa lạnh phải không em? Em biết không mùa đông Canada kéo dài từ tháng mười hai đến tháng hai, nhiệt độ phần lớn các miền thường thấp hơn 0 độ cả ngày và đêm. Có khi có tuyết rơi nữa đấy!. Cái lạnh ở mình một ở đây gấp nhiều lần, nhất là ở vùng phía bắc lạnh lắm! Nơi anh đang ở Montral giờ nầy 9 độ.
Tối 24 lúc 22 giờ (VN) sau khi em đi Noel với bạn về, nhớ hát qua điện thoại bài em hay hát đó. Bài hát có câu gì ... à! "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời..." được không?.
 Anh Nguyễn Kon Tum.
                                                                                                                                H.V