Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Hữu Dũng: THƯƠNG LẮM CHỢ LÀNG

Chợ Vải hay còn gọi là chợ Cũ, nằm cạnh bến sông (nay thuộc thôn Thanh Quýt 5) xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Chợ Vải có mặt ở làng tôi ( làng Thanh Quýt) tự bao giờ?
Thực hư thế nào tôi không rõ, theo các bậc cao niên kể lại: Chợ Vải hình thành do bà Vải. Bà Vải rất giỏi giang nghề canh cửi. Bà dạy cho dân làng làm bông, kéo sợi. Tiếng lành đồn xa, chị em các làng phụ cận đến đây học nghề và giao lưu sản phẩm may mặc, theo đó mà thành chợ. Nhớ ơn công đức, sau khi bà mất, dân làng đặt tên là chợ Vải và lập Miếu thờ. Hàng năm ngày đầu xuân, dân làng tổ chức tế lễ và tổ chức hát hò khoan đối đáp tại sân miếu. Đây là chợ duy nhất của làng bấy giờ.

Ảnh internet



Chợ Vải chỉ họp phiên buổi sáng, buổi chiều đông dưới quốc lộ 1A. Người mua, kẻ bán không chỉ người trong làng mà các làng phụ cận như: Điện Hòa, Điện Ngọc, Điện An… . Bến sông đầu chợ ghe thuyền tấp nập từ thượng nguồn xuôi xuống, Hội An, Chợ Được (Duy Xuyên) ngược dòng đỗ bến và mang hàng hóa, sản phẩm địa phương để bán mua, trao đổi. Trên bến dưới thuyền sầm uất, đông vui.
Chợ Vải không tường xây, mái ngói. Hai dãy lều lúp xúp, mái lợp rơm rạ. Trong lều đặt chiếc sạp làm bằng tre, trưng bày các mặt hàng, từ cây kim, sợi chỉ, mắm muối đến cân lợn, mớ rau… phục vụ cho dân nghèo.
Chiều đông, vắng người, đến chợ Vải mới cảm nhận hồn làng, tình xứ sở thân thương, dịu kỳ đến nên thơ. Bến sông sóng nước nhấp nhô vỗ bờ. Những mái lều phất phơ, lẫy bẫy; mẩu lá chuối khô vương vãi nâng mình lã lơi theo từng cơn bấc buốt da giữa không gian ảm đạm, êm đềm… như bức tranh quê mộc mạc, yên bình, khiến lòng người man mác, nao nao.
Chiến tranh tràn về, chợ Vải cùng đồng cam cộng khổ với dân làng và chứng kiến bao cảnh thăng trầm thời cuộc. Trong đó, hình ảnh người thiếu niên quả cảm Nguyễn Đức Quýt Em liệu ai còn nhớ hay đã quên…?.
Sau khi bắt bị tra tấn một cách dã man, bán sống, bán chết, Quýt Em quằn quại dùng sức lực yếu ớt của mình, cố lê lếch ra phia bờ sông đầu chợ ẩn náu. Do không ai băng bó, một đêm đau đớn, vết thương ra máu quá nhiều nên Quýt Em vĩnh viễn ra đi ở tuổi trăng rằm để lại bao niềm tiếc thương vô hạn của dân làng và đồng đội. ( ghi theo lời kể của đồng đội)
Và biết bao kỷ niệm vui buồn của bao người đối với chợ Vải. Bây giờ chợ Vải không còn, vắng đôi tay thoăn thoắt, dịu dàng của bao thôn nữ dệt bông, kéo sợi. Bến sông hiu hắt, chạnh buồn. Tiếng ồn ã, nói cười tan vào thinh không. Chỉ còn lại bao niềm hoài cổ nhớ nhớ, thương thương hình bóng chợ làng xưa cũ. Ai một thời đến chợ làng được mẹ mua nào kẹo ú, kẹo mè, keo cau… bơ bở của bột, cay cay của gừng, ngọt lịm của đường thấm tan trên đầu lưỡi mới yêu Chợ Vải biết ngần nào !?.


H.D


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét