Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

TÌNH THƯƠNG MẾN LÀ QÙA TẶNG

Truyện ngắn Hòa Văn

 
Buổi sáng ở thị trấn Vĩnh Điện mọi sự việc bình thường. Một góc của ngã ba - đường đi Hội An và Quốc lộ 1A - có một quán cà phê lúc nào cũng đông người, họ đến vừa thư giản vừa nhâm nhi từng ngụm thức uống vị đăng đắng, nếu không có chẳng chết ai nhưng thiếu nó vào buổi sáng nhiều người ví như hai người đang yêu sống thiếu nhau. Trừ trường hợp ốm đau và bận công việc Tính, Thi và Tiễn không bỏ sót bữa nào. Ba người thường xuyên ngồi chung ở chiếc bàn bằng đá kê nơi đẹp nhất quán, từ đây có thể nhìn thấy mọi sự việc xảy ra ở đây.
 
Choảng!... Tiếng va chạm mạnh bất ngờ xảy ra giữa hai người đi xe máy ngược chiều nhau, chỉ cách quán cà phê ngã ba nầy trên năm chục mét. Sau khi dựng lại chiếc xe ga Vision đời mới vừa mua, anh thanh niên điển trai đang giận dữ, đứng chống nạnh, nói to và gằn từng tiếng:          
  
 - Không... có... mắt... à!.
 
Cô gái trẻ còn đang tư thế nửa ngồi nửa quỳ trên mặt đường, mặt nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn, lúng túng nhìn người thanh niên mà cô vừa đụng xe, ý như cần sự giúp đỡ điều gì. Chiếc xe Honda Wave anh pha của cô gái nằm nghiêng ngã sát lề đường. Nhiều người đi trên đường dừng xe ghé lại xem thử chuyện gì rồi đi tiếp.
Cô gái lí nhí:
 
  - Em xin lỗi!. Anh thanh niên chưa nguôi giận:
 
  - Lỗi!. Phải!. Cô giết người trong gang tấc!.
 
Rồi bỏ đi.
 
Một người đi đường trạc tuổi trên sáu mươi, dìu cô đứng dậy.
Cô rối rít cảm ơn. Người sáu mươi tuổi nói cho cô biết tên của anh thanh niên,và có ý gọi anh thanh niên quay lại. Cô gái nói trong nước mắt:
 
  - Chắc con không hề gì!. Thôi để ảnh đi!. Con cảm ơn bác!.
 
Nếu thiếu chút may mắn sự việc khó lường, Nói cho công bằng lỗi có thể do cô gái song chính hành vi chạy xe quá nhanh và lạng lách của anh thanh niên, làm cho cô gái hoảng sợ lệch tay lái gây ra va chạm. Tính, Thi và Tiễn ngồi không xa vụ việc họ vẫn thanh thản trò chuyện... sau đó lại sốt sắng bàn luận đúng sai, người bênh anh thanh niên, người bênh cô gái, người nói cả hai anh thanh niên và cô gái đều có đúng có sai. Có điều họ không biết vài giờ sau cô gái phát hiện chân trái bị gãy, hiện đang nằm điều trị ở bệnh viện Điện Bàn. Nơi cô gái vừa chân ướt chân ráo vào làm việc tại khoa nội mới hơn tuần lễ.
 
Hồi còn ngồi trên giảng đường trường Đại học Y khoa Huế, cô gái – nữ bác sĩ tương lai - ấp ủ nhiều điều tốt đẹp. Nào là mình hứa sẽ thực hiện đầy đủ y đức, ân cần chu đáo cho mọi người bệnh không kể nghèo giàu sang hèn!. Nào là nhất định không tự tư tự lợi trên nỗi khổ của bệnh nhân! Nữ bác sĩ suy nghĩ mung lung...
 
  - Con ăn cháo nghe con!.
 
Mẹ của nữ bác sĩ mua cà mèn cháo từ ngoài cổng bệnh viện vừa bước vào buồng bệnh nói như thế.
 
Nữ bác sĩ gật mình, thẫn thờ nhìn mẹ rồi cất tiếng ngoan ngoãn “dạ” như hồi còn trẻ thơ!.
Nghe tin con bị tai nạn bà Cau, hốt hoảng bỏ cả chuyện gặt lúa vụ Hè thu, khăn gói đi một mạch từ Hòa Tiến, xã ven thành phố Đà Nẵng, đến bệnh viện thăm và ở lại nuôi con, giao công việc đồng áng ở nhà cho chồng và con trai út.
 
Bác sĩ Nguyễn, phó Giám đốc bệnh viện tới thăm, sau khi chào bà Cau, bác sĩ Nguyễn nói với bác sĩ Vân – Vân là tên cô gái - bác sĩ -:
 
  - Bác sĩ Vân khoẻ hơn chưa?.
 
Bác sĩ Vân vui vẻ:
 
  - Dạ em khoẻ bác ạ!
 
Bác sĩ Nguyễn động viên:
 
  - Vết thương của cô gãy kín, nhanh khỏi và nhanh trở lại làm việc bình thường trong vài tuần nữa.
 
Bà Cau nhanh nhẹn trả lời:
 
  - Dạ tôi sẽ chăm sóc tốt để cháu sớm đi làm!.
 
Bác sĩ Nguyễn gật đầu vui vẻ đồng ý.

                         
Bác sĩ Vân vừa dắt xe vào nhà xe, vừa suy ngẫm: “Tình thương mến là quà tặng của tự nhiên của người với người”, câu văn mới đọc trong một truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng. Sáng nay khi đi gần tới bệnh viện trời bất chợt đổ mưa, cơn mưa nhẹ chớm xuân chỉ vừa ươn ướt chiếc áo len màu cánh sen, người yêu mua tặng sau một tuần đi công tác Hà Nội về. Tình yêu của bác sĩ Vân và bác sĩ Trường bắt đầu từ “Hội nghị bác sĩ  thực hiện y đức và y tài của người thầy thuốc” tại thành phố Tam Kỳ. Tuy mỗi người công tác hai nơi khác nhau nhưng cùng ngành cùng trong tỉnh nên bà Cau dù chưa nói ra nhưng thâm tâm rất ưng ý. Bác sĩ Vân định thứ bảy tuần nầy nhân dịp gần Tết Nguyên đán, sẽ mời người yêu về thăm nhà và chính thức giới thiệu với ba mẹ và em út. 

Khúc nhạc chờ vui tươi quen thuộc nổi lên, bác sĩ Vân biết bác sĩ Trường gọi, vội cầm  máy điện thoại nghe và trả lời:
 
  - Dạ! dạ! em đang ở bệnh viện.
 
  - ...
 
  -Dạ! dạ! em mặc vừa vặn, em thích !. À! mà sao anh biết mà chọn màu giỏi thế!.
 
  - ...
 
  -Dạ thứ bảy tuần nầy, được không anh?.
 
  - ...
 
  - Dạ như thế anh nhé!. Dạ! bye anh!.
 
Mới quen Vân hơn một năm nay nhưng Trường hiểu rất rỏ cô người yêu của mình, kể cả gia cảnh, sở thích, nhất là cách ăn mặc giản dị hợp với vóc dáng mảnh dẻ xinh xắn. Ngay cả việc làm đẹp Vân cũng không cầu kỳ chỉ phơn phớt son phấn vừa đủ tôn vẻ đẹp hồn nhiên mà thôi. Vân kể hồi học trường Trung học Hòa Vang, vừa là cây giỏi toán nhất nhì trong khối lớp, vừa rất ham thích văn chương, nhiều bài văn, bài thơ của Vân đượm tình yêu quê, yêu lứa tuổi học trò trong sáng, đăng trên tạp chí Non Nước, Đất Quảng, Tuổi Ngọc, Áo Trắng... Bởi vậy Trường hay đùa ghẹo Vân là bác sĩ của mộng mơ!. Vân mỉm cười ý vị nhớ lại buổi picnic đằm thắm và vui hôm chủ nhật tuần rồi ở bãi biển Cửa Đợi, Hội An. Nhớ hương vị béo thơm ngầy ngậy, đặc trưng của món Cao Lầu chỉ có thưởng thức ở Hội An mới ngon tuyệt như vậy. 
 
  - Thưa bác sĩ. Khoa nội mời bác sĩ đi hội chẩn.
  
 Lời nói của cô y tá làm bác sĩ Vân chợt tỉnh sau mấy phút lơ đãng.
 
Hội chẩn xong bác sĩ Vân đắn đo mãi. Người bệnh trong ca phẫu thuật lại là anh chàng thanh niên có sự va chạm với mình cách đây không lâu tại ngã ba Vĩnh Điện, có nên là bác sĩ phẫu thuật chính ca nầy không? Câu hỏi trở đi trở lại trong đầu, hay là lên gặp Ban giám đốc nói rỏ sự việc để khoa phân công bác sĩ khác đảm nhận phẫu thuật cho anh ta.
 
Trong y phục áo Blu trắng, đeo khẩu trang kín gần nửa khuôn mặt trái xoan, đứng bên giường bệnh của anh thanh niên, với cả sự hiền dịu bác sĩ Vân hỏi:
 
  - Anh bị đau dữ dội như thế nầy bao lâu rồi?.
 
  - Dạ! dạ! ngày hôm qua.
 
Anh nói nhát gừng và tỏ vẻ yếu ớt. Chị vợ của anh cho biết, anh đau một ngày hôm qua, lúc đầu chỉ râm râm, uống thuốc giảm đau đỡ bớt, đi đến cơ quan bình thường, sáng nay đau quá, chị đưa anh đến đây cấp cứu.
Do người bệnh đến bệnh viện trễ quá, kíp mổ của bác sĩ Vân phải cật lực làm việc, không chỉ thời gian kéo dài hơn gấp đôi so với các ca phẫu thuật ruột thừa bình thường mà mức độ nguy cấp cao, rất may mọi chuyện tốt đẹp. Ca phẫu thuật thành công.
 
Gần đến ngày xuất viện anh thanh niên mới rõ mọi chuyện và điều đặc biệt đáng nói hơn nữa là chính cô gái - bác sĩ, sẽ là dâu của bác ruột anh. Bác sĩ Vân rất vui khi thầm nghĩ  “Tình thương mến là quà tặng của tự nhiên của người với người”
                                                                                                                                          H.V

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

NỖI NHỚ...



    Truyện ngắn HÒA VĂN




Mẹ nói những chuyện về đứa con trai của mẹ là có thật. Tôi lặng lẽ ghi chép tất cả không có một lời bình luận hoặc thêm thắt nào.



Ngày 17 tháng 02 năm 1979(1)

Mẹ kính yêu!

Con đã đặt chân lên mảnh đất...  – Mảnh đất mà lúc nầy theo như chỉ huy bảo là của “địch” mẹ ạ!.

Đồi núi nhấp nhô, bình yên, đầy hoa sim tím... Phía bên kia dãy núi có nhiều ngôi nhà, trong đó chắc chắn có trẻ thơ và người già. Giờ G sẽ phát lệnh tiến công, C của con đánh mũi trực diện. Qua điều nghiên của các trinh sát phía ấy không có đồn bót cũng chẳng có binh sĩ chỉ có đâu mười dân quân trang bị rất sơ sài thế mà con là quân chủ lực nên mẹ đừng lo gì!.

...

Con của mẹ

Lý...



Mẹ thẫn thờ nhìn ra sân vắng. Hôm giáp tết con mẹ về mang theo quà tết của đơn vị tặng mẹ, đang sửa soạn mâm cơm đạm bạc mẹ nấu để tất niên nó vội vội vàng vàng đứng trước bàn thờ  chấp tay bái tiên tổ rồi bảo:



“Thưa mẹ đơn vị gọi con phải trả phép gấp!”.



Nhanh như sóc con mẹ khoác ba lô đi... Lá thư đây là hiện vật - lá thư cuối cùng của con mẹ viết từ nơi biên cương...

(Mẹ cho biết may mà... lá thư được một đồng đội cùng đơn vị nhặt được mang về trao cho mẹ). 

Mẹ nói:

“Vì Tổ quốc mẹ chẳng ngại con hy sinh nhưng...”

Tôi hỏi:

“Tại sao nhưng...”

Mẹ đáp:

“Cái nầy khó nói... Ờ... Các anh hay giả bộ!”

Vuốt vuốt cho lá thư thẳng thớm {thật ra lá thư có nhàu nát gì đâu?} nó được xếp tư vuông bỏ vào bọc nilon cất cẩn thận vào ống nứa đặt trên bàn thờ.

Đứng vịn bàn thờ lặng nhìn những làn hương khói nhẹ nhàng lan toả lên không trung, mẹ khấn vái gì đó thầm thầm trong miệng nhiều lắm, tôi chỉ nghe được câu cuối:

“Con sống khôn thác thiêng phò hộ cho mẹ được an lành!”

Mẹ thút thít khóc...

Rồi bảo:

“Anh cũng từng là bộ đội à! Bộ đội thì phải tuân lệnh cấp trên phải không?”

Mẹ từng nói với con trai mẹ chiến tranh không chỉ có trai tráng ra chiến trường đâu trong mỗi chiến sĩ ở cả hai bên đối nghịch nhau đều có bóng dáng của người mẹ. Chiến đấu hy sinh nói to lớn là vì Đất nước nhưng theo mẹ trong đó vì cả Mẹ nữa...

Tôi cặm cụi ghi chép.
Có lúc mẹ nói quá nhỏ hoặc quá nhanh tôi vẫn không có ý kiến bởi theo tôi chỉ cần một tiếng động khe khẽ chen vào dòng âm thanh mẹ đang phát ra từ tâm can thì... {tôi nghĩ như thế} thì... mẹ sẽ biến mất...!
Nhà bia tưởng niệm (cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc trải dài ở 6 tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh -H.V) được xây dựng gần khu vực cầu Khánh Khê, nơi gắn với những chiến công vang dội của Sư đoàn 337 (V.N - H.V) - Ảnh: Nguyên Phong (TNO)

Khuya nay tôi lại gặp mẹ.
Mà không chỉ có một mình mẹ mà còn có một bà mẹ thứ hai. Hình như thấy tôi đang phân vân mẹ giới thiệu ngay:

“Cùng tiếp anh bây giờ có mẹ M mẹ của “kẻ địch” của con mẹ!”

Tôi định thần lấy mắt kiếng ra khỏi mắt dùng miếng vải nỉ lau sạch hai tròng mắt kính xong đeo trở lại.
Đúng! Mẹ nói đúng! Nhìn vóc dáng và kiểu ăn bận tôi biết mẹ là người nước tôi.
Tôi nhìn kỹ một chặp mới nói:

“Mẹ là mẹ của...”

“Chiến sĩ”

Mẹ M nhanh nhảu tiếp lời tôi như vậy.

“Thưa mẹ, con trai mẹ giờ còn trong quân ngũ?”

“Anh nói sao? Con trai tôi à! ...”

Không như hồi nãy nhanh nhảu giọng mẹ giờ chùng hẳn:

“... hy sinh tháng Hai năm 1979”

Bất giác như có một luồng không khí lạnh từ ngoài sân xâm nhập vào nhà toàn thân tôi lạnh toát!.
Cố điềm tĩnh tôi nhìn sang mẹ A {bà mẹ của phần đầu truyện ngắn nầy} mẹ A hiểu ngay điều tôi muốn hỏi”:

“Thì con trai tôi và con trai bả đánh nhau trên biên giới năm ấy đó mà!”

“Thưa mẹ con hiểu ra rồi thế giờ hai mẹ gặp nhau tại đây nơi biên cương để làm gì ạ?”

Lần nầy mẹ M nói:

“Chiến tranh đã lùi xa 35 năm khoảng thời gian đủ để hai người mẹ chúng tôi nhận ra bao điều...”

“Dạ!”.

Tôi không biết tại sao lại buột miệng “Dạ!” làm ngắt quãng lời tâm sự của mẹ.

Tôi nói:

“Xin lỗi mẹ!”

“Không sao!. Cái chính là anh cùng tôi và bà A sáng mai đi tìm thêm một lần nữa hài cốt của hai đứa con!”

“Con của hai mẹ “mất tích”?”

Mẹ A:

“Không rõ nhưng sau trận chiến con mẹ không trở về. Đơn vị của con mẹ báo “Chiến sĩ Lý... đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh "Vệ Quốc vĩ đại!”"

Mẹ M:

“Chỉ huy đơn vị của con mẹ ngày ấy có về tận nhà báo tin con trai mẹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc, cùng địa phương làm lễ truy điệu rất trang nghiêm trước bàn thờ trước di ảnh con của mẹ!. Mẹ nhớ lồng trong tiếng nhạc kèn hơi hùng tráng điếu văn nêu rõ con mẹ Lê Nam đã góp phần to lớn cùng toàn dân giành ‘thắng lợi rất oanh liệt và toàn diện đánh bại sáu trăm nghìn quân Trung Quốc xâm lược - Thêm một chiến công hiển hách ghi vào lịch sử chống xâm lược của Dân tộc ta’(2)”

Tôi không ghi thêm được điều gì vội thức dậy viết truyện ngắn nầy xong trước rạng sáng ngày... tháng 02 năm 2014.
                                                                                                                             H.V


---
(1): Ngày 17/2/1979, khởi đầu cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc trải dài ở 6 tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh
(2): Chữ in nghiêng trong ‘...’: Theo báo Nhân Dân (V.N) số 9030 ngày thứ Ba 20/03/1979

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

VỌNG HẢI ĐÀI



VỌNG HẢI ĐÀI
PHẠM HẦU 
Thi sĩ Phạm Hầu



Chẳng biết trong lòng ghé những ai
Thềm son từng dội gót vân hài
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Một phút dừng chân vọng hải đài

 

Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu

 

Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa

 

Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai
Rạng đông về thức giấc hoa lài
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có nhũng ai?

                                           P.H

-------------------
Ngô Minh

  Viếng thi sĩ Phạm Hầu    


                                            Mai Văn Hoan, Thanh Tùng và NM trước mộ thi sĩ Phạm Hầu


                    Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận

                   Chẳng biết xa lòng có những ai ?

                             (Vọng Hải Đài- Phạm Hầu)

 


Góc nhân gian u hoài ai biết


Thi sĩ nằm như lá như sương


Chuông chùa Vạn Phước hằng đêm gọi


70 năm người lạc chốn xa lòng


 


Tôi men khói hương tìm viếng mộ


Chén rượu còn đủ ấm tái tê ?


Người ơi người khôn thiêng có biết


Câu thơ xưa còn ấm cõi đi về


 


Thi sĩ lạc loài như nước mắt


biền biệt quê hương mưa Huế gọi buồn


Trong đày ải mình trần tê ngọn lửa
Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn (*)


 


Câu thơ sóng vỗ ngoài vô tận


Ươm cây đời đơm lộc giữa tim xanh


Người xa lòng làm sao quên được


Vẫn gọi về muôn vạn tri âm…


                                  Huế, Xuân Giáp Ngọ, 2014


---------------


  (*): Thơ Phạm Hầu

* Theo Blog ngominh 

 --------------

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Phạm Hầu (2 tháng 3 năm 1920 – 3 tháng 1 năm 1944) hay Phạm Hữu Hầu (tên ghi trong gia phả) là nhà thơ tiền chiến Việt Nam sinh ở Gò Nổi, làng Trừng Giang, (nay thôn Hòa Giang, xã Điện Trung – H.V ghi thêm), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con Tiến sĩ Phạm Liệu, người đứng đầu nhóm Ngũ Phụng Tề Phi, từng làm quan trải đến chức Tổng đốc Nghệ An rồi Thượng thư Bộ binh dưới các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải ĐịnhBảo Đại. Mẹ ông là bà Lê Thị Giảng, người Thanh Hoá.
Lúc nhỏ, ông học trường Quốc Học Huế, sau ra Hà Nội học tại trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Do mắc chứng bệnh động kinh, ông nằm điều trị tại nhà thương Vôi ở Bắc Giang một thời gian rồi được chuyển về quê nhà, nhưng khi tàu hỏa đến đoạn Đồng Hới (Quảng Bình) - Huế, thì ông mất, hưởng dương 24 tuổi. Hôm ấy, là ngày 3 tháng 1 năm 1944.
Kể về chuyến trở về của Phạm Hầu, sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển 2) viết: (Phát giác ông mất), người soát vé bắt buộc người thân đi theo phải đem xác ông xuống ga Truồi (Huế). Từ nơi đó, người nhà thuê thuyền đưa ông về Huế rồi an táng trên một đồi nhỏ, sau một ngôi chùa cổ ở vùng Nam Giao. Và để tiễn biệt một linh hồn cô đơn đi vào nơi yên nghỉ cuối cùng, người ta chỉ nghe đôi câu kinh, vài tiếng thút thít trong một chiều mưa gió thê lương...[1]
Theo Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển 2), về hội họa, ông đã được tặng thưởng trong kỳ triển lãm hội họa tại Tokyo (Nhật Bản); về thơ, ông làm không nhiều (vỏn vẹn chỉ có khoảng 20 bài), thường đăng thơ trên các tạp chí Tao Đàn, Mùa gặt mới, Bạn đường...[1]
Năm 2001, nhà xuất bản Thanh Niên đã cho xuất bản thơ ông, tập thơ có tên Vẫy ngoài vô tận do Hoàng Minh Nhân biên soạn.

Quan niệm nghệ thuật

Trích bài viết của Phạm Hầu, được dẫn lại trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển 2):
“Nếu một họa sĩ vẽ cô gái đẹp ấy y như thật, thì chỉ là thợ truyền thần giỏi mà thôi. Vì nhà truyền thần kia đi theo cảnh vật, làm nô lệ cảnh vật. Họ không phải là một nhà tư tưởng, một nhà sáng tạo. Mà trong địa hạt nghệ thuật, chỉ có sáng tạo mới là cái đẹp chân chính”.
“Cái quan niệm cho Nghệ thuật là một trò chơi không thể được nữa. Nhà nghệ sĩ không phải là một đứa trẻ vô tư trong trò chơi. Nghệ sĩ không thể không đau khổ, nhưng cái đau khổ ấy không phải là một thất vọng. Bởi đấy chính là một công việc giải phẫu mà nghệ sĩ phải chịu để cho ra đời một tác phẩm”.


Trích trong Thi nhân Việt Nam:
“...Ở đời có những người nói to bước vững. Phạm Hầu quyết không phải trong hạng ấy. Ở giữa đời Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mải sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một người giàu vô vạn. Lòng người là một vọng hải đài, người chỉ việc đứng trên đài lòng mà ngắm: "Qua lại thiếu gì mây sớm gió chiều...”
Trích trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển 2):
“Có thể nói, Phạm Hầu là hình ảnh kết tinh của một tâm hồn thơ và lòng yêu chuộng nghệ thuật. Tuy thơ ông rất ít, nhưng không thể lấy số lượng đánh giá trị thi nhân...Vì bài nào của ông cũng đều có một chiều sâu và chứa đựng một triết lý nhân sinh.
...Là một nghệ sĩ, tâm hồn ông thường hay rung cảm một cách bén nhạy...Mới chỉ trong cái tuổi đôi mươi mà ông đã quyết định mang theo bên mình một hoài bảo to lớn. Đấy là một cứu cánh toàn hảo, một tuyệt đích tình yêu, một tột cùng của nghệ thuật; nói gọn, đấy là cái Chân, Thiện, Mỹ vậy. Và có lẽ ít có người nghệ sĩ nào quá trân trọng bóng thiều quang như ông. Với ông, thời gian của kiếp đời mình cũng như vò nước. Từng giọt, từng giọt nhỏ dần…cho nên thi nhân không dám phung phí, luôn tự thúc giục mình trong công việc sáng tạo, để có thể lưu lại một cái gì trước tuổi 30.

 

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Truyện ngắn Hòa Văn: Ở BÊN VALEN...




Na Na ngồi bất động như thế nầy ít nhất cũng đã gần nửa giờ đồng hồ, chuyện xảy ra đột ngột như từ trên trời rơi xuống hôm Chủ Nhật tới giờ mà cô chưa tin là sự thật. Tình cảm hai con tim đang nồng nàn cháy, dễ thiêu rụi bất cứ mọi thứ lỡ vướng vào vùng nồng cháy ấy, mà đột nhiên tắt ngấm giống đóm lửa gặp trận mưa rào hay bị một gàu nước lạnh ai đó đan tâm tạc mạnh vào khiến cho chỉ còn mấy hôm nữa tới ngày Valentine, Na Na bỗng hụt hẫng...

Em gái mười hai tuổi từ sáng đến giờ quấn quýt bên Na Na, cũng mấy lần thút thít khóc theo. Na Na bảo:


-    Vi Vi, đừng làm chị buồn thêm!.


Vi Vi không chịu:


-    Em chia sẻ mà!


Na Na:

-   Em mới từng nầy tuổi, chia sẻ gì?.


Vi Vi:

     
-   Em mất ăn kẹo Hà Nội rồi!.


Na Na bật cười thành tiếng, hóa ra cô nhỏ nhớ anh người yêu của chị thông qua những bao kẹo đặc sản Hải Hà, mỗi lần đến nhà thăm và rủ Na Na đi bách phố, Tuần tặng Vi Vi để lấy lòng!. Nói là thế nhưng Vi Vi nhớ là phải thôi. Tuần anh chàng sinh viên mới ra trường, đẹp trai, hát hay, mà nhất lại là sinh viên loại giỏi, nếu như phần đông người học xong về “thủ túc tại gia” chờ xin việc đến mỏi cổ, thì Tuần năm cuối đại học ngoại thương Sài Gòn, đã có ít nhất hai công ty một là liên doanh, một là một trăm phần trăm vốn nước ngoài mời Tuần mời làm việc ngay sau khi ra trường. Với lại, Tuần hay tập cho Vi Vi những bài hát tuổi teen hay ơi là hay! Bảo làm sao cô bé Vi Vi không mến.


Vi Vi ngồi lọt vào lòng chị ngước mắt lên nói như phân trần:


-    Em vào mạng chat với anh Tuần nghe chị?


-   Em chat chuyện gì?. Na Na hỏi.


-    Thì...


Vi Vi không nói hết ý. Vụt chạy vào phòng.


Vừa mở máy, Vi Vi gọi Na Na:


-   Chị ơi anh Tuần mail cho chị nè!


Ngày  tháng  năm...


Na Na, anh biết xử sự như vậy là không được. Không được cho cả anh và em nhưng làm thế nào bây giờ. Tình yêu và tiền bạc hai vấn đề không ăn nhập gì, anh hiểu em hiểu, mà mọi người có hiểu không? Anh đau đầu trước chuyện không ngờ... Mẹ em có lý của mẹ em, anh không dám trách một điều gì. Anh không quên những gì gia đình em dành cho anh. Ban đầu anh chỉ nghĩ, mẹ em bạn học ngày xưa của mẹ anh, mọi sự giúp đỡ nào đó hợp tình thôi. Chính mẹ anh biết chuyện cũng không ngăn cản gì mẹ còn nói: Hồi  còn ở quê Gò Nổi, gia đình mẹ em khó khăn nhưng sống tốt lắm!”. Anh mong em quên đi những tình cảm cả hai dành cho nhau. Nếu có thể trước Valentine nầy mình gặp nhau để hiểu và chia tay!



À ra chuyện như thế! Na Na đọc đi đọc lại mail mấy lần và định mail trở lại nhưng thôi.

Buổi tối ập đến tự bao giờ. Căn phòng tối om sau khi Na Na tắt máy vi tính. Rất mệt mỏi và căng thẳng, Na Na cảm nhận như vậy. Tình yêu khó thật! nó không như mơ tưởng.

Có lẽ Tuần nói đúng, tuổi của Tuần và Na Na còn lâu lắm mới có được một tình yêu đúng với nghĩa của nó. Nhiều lần Na Na trách yêu Tuần: “Tại sao anh không thi vào trường gì đó sau làm nhà tâm lý học mà lại học ngoại thương nghề của buôn bán đổi chát!”. Bởi nhiều khi trong các cuộc chuyện trò giữa hai người, Tuần bắt chuyện dẫn chuyện và đưa rất nhiều câu chuyện có ngọn có ngành và logic lạ! Tuần thì lý luận: “Thương trường ngày nay không chỉ có mua bán không đâu? Nó chất chứa đủ điều kiện ắt có và đủ để dẫn tới hiệu quả... Ai chỉ biết chúi đầu chúi cổ bán bán mua mua có ngày...”. Na Na chẳng quan tâm đến những điều Tuần nói, vì Na Na dân Y mà, suốt ngày vật lộn với vấn đề bệnh tình, vấn đề thuốc thang... Lo xa hơn là nay mai ra trường làm ở đâu? Lương bao nhiêu?. Na Na mơ có một mái ấm đầy đủ mọi thứ, nhất là có người chồng và những đứa con như ý!.

Đứng dậy bật đèn, căn phòng bừng lên ánh sáng dìu dịu. Ánh sáng như trêu ghẹo Na Na trong lúc buồn.


Ngày  tháng  năm...


Trang điểm xong chuẩn bị đi đến quán Nguồn Cội gặp Tuần theo lời nhắn, điện thoại Na Na tít tít báo Na Na đang có mail mới. Mở xem mạng YuMe báo tin Na Na có bài mới được đăng lên trang chủ. Lòng Na Na vui vui, bài viết về nỗi buồn đến trong những ngày giáp Valentine của Na Na là tâm sự thật lòng, không có một chút xíu hư cấu thêm bớt gì. Nội dung rất thật ấy được nhiều bạn chia sẻ.




Nguoiyeunguoi viết: “Team. Có đắng cay mới thấy ngọt bùi thú vị bạn ạ! Cố lên!”.


HatCat viết: “Mong mọi chuyện qua đi... Chúc bạn có ngày Valentine năm nay đẹp!”.

...

Chỉ sau mấy giờ post lên trang nhà đã có hàng trăm bạn đọc và có đến bảy mươi hai bạn chia sẻ giông giống như thế. Na Na thầm cảm ơn YuMe và các Yumer, những lúc như thế nầy nhận được lời tâm sự chân tình hơn cho vàng cho bạc. Na Na nghĩ thế và vui vẻ dắt xe đi...


Quán cà phê Nguồn Cội trang hoàng ngày lễ Tình nhân đơn giản mà thật hấp dẫn. Chính trong môi trường trong lành của đêm cận kề ngày 14/2 nầy Tuần và Na Na không muốn nhắc lại câu chuyện hiểu lầm cách đây mấy ngày. Na Na khoe mới có bài đăng trên trang chủ YuMe và kể những tâm sự những chia sẻ của các bạn, Tuần không nói ra nhưng anh cảm ơn trang mạng yume nhiều lắm. Có chuyện tưởng khó giải quyết nếu được chia sẻ đúng nơi đúng lúc sẽ có cơ may hóa giải nhanh chóng, mang lại bao niềm tin yêu mới.

Na Na và Tuần đang ở bên Valen..
                                                              H.V