Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Đặng Tiến: THƠ LÀ GÌ?

 







Nhà phê bình Đặng Tiến

Fb Tien Dang

 

 Dưới tiêu đề tổng quát này, chúng tôi mở đầu một loạt bài biên khảo về thơ, trên bình diện lý thuyết.

 Đề tài không phải là mới mẻ ; từ thời Khổng Tử san định Kinh Thi, từ thời Aristote luận về Thi pháp đến nay, hơn hai mươi thế kỷ đã nghiêng mình xuống ngôn ngữ  thi ca. Tuy nhiên, cho đến nay, những bình luận về thơ chỉ dừng lại ở mức cảm thụ, nghĩa là cái phần trực giác bén nhạy giúp ta linh cảm chất thơ ; thậm chí có người đưa ra những quan niệm thần bí về thơ, như nhóm Xuân Thu Nhã Tập trước đây, và một số tác giả khác hiện nay tại miền Nam.

 Giới văn học Tây phương cũng đã lúng túng rất lâu trong việc định nghĩa thi ca. Năm 1925 trước năm Viện Hàn Lâm  họp  đại hội đồng tại Paris, Henri Bremond, trong bài diễn thuyết về « thơ thuần túy » đã đưa ra một quan niệm huyền nhiệm về thơ, làm lung lạc cả thế giới khảo cứu của Pháp. Nhưng từ ấy đến nay, nếu các lý thuyết về tiểu thuyết, kịch, … không tiến bộ bao nhiêu thì kiến thức về thơ của Tây phương đã phát triển rất nhanh ; nhất là từ hai mươi năm nay, bộ môn « thi pháp » (poétique) trở nên thời thượng, nhờ những lý thuyết thẩm mỹ nói chung, nhờ sự đóng góp của các triết gia như Heidegger, Bachelard, Sartre, … và nhất là nhờ những tiến bộ vượt bực của ngành ngôn ngữ học, từ de Saussure đến Jakobson và bộ môn nhân chủng học từ Sapir đến Lévi-Strauss. Năm 1962, Jakobson và Lévi-Strauss, mỗi người đã mang những kiến thức nghiêm túc của mình để cùng giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire, có sự đóng góp của nhà ngữ học Benveniste. Bài giải thích này là bước tiến quyết định trong việc phá vỡ huyền thoại về thơ.

 Tại Việt Nam 1973, có lẽ vì hoàn cảnh, nên chưa có những biên khảo thật nhất quán và khoa học về thơ, tại miền Nam cũng như  miền Bắc. Đây là việc cần phải làm vì ai cũng biết người Việt Nam yêu thơ và ngôn ngữ Việt Nam giàu thi tính. Vì vậy mà chúng tôi không ngại kiến thức hẹp hòi, đưa ra một số suy nghĩ trong loạt bài sắp tới : thơ và văn xuôi khác nhau ra sao, tương quan giữa ý thơ và lời thơ, đặc tính của lời thơ, khả năng của khoa học áp dụng cho việc hiểu thơ… Để thoát ly khỏi quỹ đạo kiến thức tây phương, chúng tôi sẽ trình bày quan niệm của tổ tiên ta về thơ, thi tính của ca dao, và sẽ phân tích một vài thi phẩm cổ kim của ta ; một lý thuyết về thơ chỉ có giá trị nếu ta có thể áp dụng để phân tích rất nhiều tác phẩm cụ thể, thuộc nhiều hình thức và thể loại khác nhau, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, như Jakobson đã đề xuất và thực hành.

 Việc này, chúng tôi không viết thành sách, mặc dù có lời yêu cầu của một vài nhà xuất bản ; tôi chỉ muốn trình bày trên báo để góp ý với nhiều giới độc giả, dù biết rằng khó trình bày được toàn bộ lý luận qua dăm mười bài viết rời rạc.

 Viết loạt bài này, chúng tôi đứng trước bốn khó khăn : thứ nhất, sự khảo cứu chỉ mới ở bước đầu ; thứ nhì, thiếu tài liệu về thơ Việt Nam, nhất là về lý luận Việt Nam xưa về thơ ; thứ ba, muốn trình bày một đề tài chuyên môn bằng ngôn ngữ bình dị ; thứ tư, viết về thơ mà không văn vẻ thì đọc chán, mà văn vẻ thì giảm bớt tính khoa học.

         Bạn đọc sẽ nhận thấy những khuyết điểm do các khó khăn nói trên tạo ra.

 * * 

 Trong bài đầu tiên này, chúng tôi  nêu lên nguyên lý cơ bản : Thơ khác với ngôn ngữ thường ra sao ? Vấn đề này nhà văn, giáo sư Nguyễn văn Trung, cách đây khá lâu, đã trình bày mạch lạc nay tôi chỉ nói lại vắn tắt và cụ thể. Ngôn ngữ nói chung, là một trong nhiều hệ thống ký hiệu, được loài ngừơi dùng làm phương tiện để truyền đạt tin tức, mệnh lệnh, tư tưởng, tình cảm. Mỗi từ ngữ không có giá trị tự tại, mà chỉ là công cụ để chỉ một đối tượng : con mèo, con chó chẳng hạn. Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin ấy, để biểu hiện giá trị thẩm mỹ tự tại thì, theo Jakobson, nó có chức năng thi pháp (fonction poétique). Đó là thơ.

 Nói khác đi, thơ là ngôn ngữ, vậy nó cũng truyền đạt một tình, một ý. Nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp truyền đi, mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng. Ngôn ngữ thơ không chỉ là dụng cụ, mà còn là thể chất. Nó vừa là nội dung vừa là hình thức : nội dung đôi khi chính là hình thức của nó. Cho nên khi so sánh thơ với ngôn ngữ thường, ta có thể nói quá đi một chút như lời Jakobson : thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, trong khi văn xuôi, hay lời nói thường, chỉ là những ký hiệu bày tỏ sự vật bên ngoài. Trình bày cách khác : nói, là nói cái gì, còn làm thơ, là nói để được cái thú nghe lời mình nói, như chàng Trúc ở dòng đầu truyện Đôi bạn của Nhất Linh « nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy.. ».

Yêu thơ là yêu  lời nói đẹp. Đẹp ở đây không nhất thiết là phải vần vè, văn vẻ.

 Từ cuối thế kỷ 19, Mallarmé đã bảo : « làm thơ với từ ngữ, chứ không phải với ý tưởng ». Nguyễn văn Trung có trình bày thêm quan niệm của Valéry, Breton, Sartre. Nhưng mãi đến vài mươi năm gần đây, các nhà khảo cứu mới chú tâm đặc biệt đến thơ như là một ngôn ngữ tự tại, như hội họa, như âm nhạc, chứ không phải chỉ là một công cụ. Thật ra, từ 1921, Jakobson đã chủ trương : « thơ chỉ là một ngôn đề nhắm vào biểu thức (un énoncé visant l’expession), có thể nói, vận hành trong quy luật nội tại ; chức năng truyền đạt, đặc biệt của ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ truyền cảm, bị giới hạn đến mức tối đa. Thơ dửng dưng với đối tượng của lời nói ». Ông còn so sánh «  nếu hội họa là cách tạo hình bằng những chất liệu của thị quan có giá trị tự tại, nếu âm nhạc là cách tạo âm bằng chất liệu thuộc thính quan có giá trị tự tại, nếu vũ điệu tạo hình bằng chất liệu cử động của thân thể có giá trị tự tại, thì thơ là cách tạo hình với từ ngữ có giá trị tự tại. Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó » (la poésie est la mise en forme du mot à valeur autonome…c’est le langage dans sa fonction esthétique) [6]. Hơn mười năm sau, cũng tại Prague, ông lại định nghĩa « thơ là gì » và nói rõ « thi tính thể hiện ra sao ? – Thể hiện bằng cách : từ ngữ được cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của tình cảm ; nó thể hiện bằng cách : những con chữ, và cú pháp, và ý nghĩa, và hình thể ngoại tại và nội tại, không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, trái lại những con chữ đó có trọng lượng riêng, có giá trị riêng ».

 Mãi về sau này, khi Jakobson được xem như bậc thầy của khoa ngôn  ngữ học thế giới, các  nhà biên khảo mới khai thác triệt để tư tưởng của ông, một phần cũng nhờ sự đóng góp của phong trào cấu trúc (structuralisme) với Lévi-Strauss.

 Trong một ngành khoa học khác, môn nhân chủng học, Lévi-Strauss cũng đi đến một kết luận như Jakobson : « chúng ta đều thừa nhận rằng từ ngữ là những ký hiệu, nhưng giữa chúng ta, thi sĩ là những kẻ cuối cùng còn sót lại còn biết rằng từ ngữ, xưa kia, cũng là những giá trị ».

 Từ quan niệm : thơ là một ngôn ngữ trong ngôn ngữ theo lời Valéry, các nhà khảo cứu xây dựng một nền khoa học mới, môn « thi pháp » (la poétique) với những quy luật chuyên môn, thậm chí ngày nay, có ngừời không còn xem thơ như một lãnh vực của văn chương như ta vẫn quan niệm, mà là một hệ thống ký hiệu riêng, không mấy quan hệ với văn chương : « Ngày nay, chúng ta không còn có thể đề cập đến sự kiện thi ca bằng cách sát nhập thơ vào lý thuyết tổng quát của văn chương, ví dụ xét thi phẩm như một phần của văn học nói chung ,(…) vì cấu trúc của thơ không thể nới rộng đến ý niệm về văn chương ». Ngược lại, có người xem thi ca như một bộ môn của ngành ngôn ngữ học, họ khảo sát lời thơ như khảo sát tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Mường… Chúng tôi chưa có điều kiện để phê phán hay áp dụng những kiến giải chuyên môn đó, mà chỉ dừng lại ở những nguyên lý tổng quát, để người đọc tham khảo.

                                                         ****

             Chúng ta thử so sánh một cách nôm na ngôn ngữ thường ngày (ngôn ngữ dụng cụ) với thơ. Ví dụ muốn châm điếu thuốc, tôi hỏi : « anh có diêm không ? » thì đó là một câu nói thông thường, nó không có giá trị gì ngoài việc làm dụng cụ để tôi đốt được điếu thuốc. Tôi có thể nói một cách khác : anh có lửa ? anh có hộp quẹt ? anh có bật lửa ? anh cho tôi mồi điếu thuốc… Nói sao cũng được, miễn là đạt tới kết quả. Vậy ngôn ngữ nói chung chỉ là một phương tiện ; chỉ có thi ca mới là một ngôn ngữ riêng, tự lấy mình làm mục đích. Ví dụ, cùng

một câu xin lửa, mà tôi nói :

« Cho tôi xin chút lửa

Lửa tắt.

Cho tôi xin nước mắt

Nước mắt chua »

… 

thì tôi không còn xin lửa để đốt điếu thuốc, nhen bếp cơm, mà nói để có cái thế được nói một câu đồng dao đẹp. Câu đồng dao đó tự nó là đối tượng của nó, nó không nhắm mục đích gì hết : Đứa bé lên năm chơi rồng rắn, thì xin nước mắt làm gì ?

 Cũng chú bé đó, khi bập bẹ tập nói, học những tiếng con mèo, con chó… để có dụng cụ chỉ hai loại gia súc nọ ; lớn lên chút nữa nó dùng từ chính xác hơn : con vện, con tam thể, để chỉ cùng đối tượng : dụng cụ ngôn ngữ của nó dồi dào hơn. Trước kia nó chỉ có một con dao, bây giờ nó có con dao bổ dừa để bổ dừa, con dao cau để bổ cau, nhưng ngôn ngữ vẫn là dụng cụ. Mai kia nó lớn lên sẽ gọi tình nhân là mèo, tình địch là chó, thì dụng cụ thay đổi so với sự vật, như là nó dùng dao cau để rọc thư tình nhân và dao bổ dừa để chém đầu tình địch. Hai ví dụ kể trên chứng minh hai điều : Mèo, chó là ngôn ngữ dụng cụ, trong ngôn ngữ đời thường, từ ngữ (cái biểu hiện) và đối tượng (cái được biểu hiện) là hai cái khác nhau, tạm gọi cái trước là hình thức, cái sau là nội dung. Ta có thể dùng hai từ cùng nghĩa (mèo, con tam thể) hay một từ hai nghĩa (mèo gia súc hay mèo tình nhân).

 Trong Thơ thì khác. Chú bé bắt chước mẹ, hát nghêu ngao :

Con mèo con chó có lông

Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai

        (Ca dao)

Hai chữ con mèo, con chó, và cả câu ca dao không có đối tượng. Ai chả biết cây tre có mắt, và nồi đồng (miền Trung) có quai ? Vậy nói ở đây, không phải là  để nói lên cái gì, mà để được cái thú nghe lời mình nói, với một câu mà mình cho là hay. Thế nào là hay, thì lại tùy người, tùy lúc, là chuyện khác.

 Các nhà biên khảo đã đi đến chỗ đồng thuận : Về lý thuyết, ngôn ngữ nói chung và văn xuôi nói riêng nhằm phục vụ một đối tượng trong đời sống hàng ngày. Thơ trái lại là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng. Về thực tế, khi đưa quan niệm này vào việc phân tích thi ca chúng ta lại phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp. Cái nhìn khoa học không những cần phân tích hợp lý, mà còn cần tổng hợp nhất quán ; lối nhìn đó là cần, nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ.

Nói thơ là một ngôn ngữ tự tại không có nghĩa rằng : thơ không cần có ý nghĩa. Vì một từ ngữ, một câu bao giờ cũng có nghĩa nếu nó muốn là ngôn ngữ. Không làm gì có câu nói thật sự vô nghĩa.

 Cũng không hàm ý rằng thơ không tương quan gì đến thực tế nhất là thực tại xã hội. Không thể cô lập một câu thơ, và con người với xã hội, tách nó ra khỏi đời sống. Đây là hai điểm chính yếu, ta không nên ngộ nhận.

 Những câu thơ ta cho là hay, dễ nhớ vẫn là những câu có nghĩa, có ý, có tình. Ở tây phương, đã có nhiều trường phái chủ trương thơ vô nghĩa, đều bị bế tắc. Câu thơ phải có nghĩa mới là câu nói, mới làm ta chú ý. Ta có chú ý rồi mới thấy hay, càng đọc càng thấy hay, lâu ngày nhớ lại vẫn thấy hay. Nhưng câu thơ hay đó tuy có ý nghĩa, nhưng không hay vì ý nghĩa, mà hay vì hơi nói, giọng nói. Khi câu thơ hay vì ý nghĩa thì nó có cái hay của văn xuôi (beauté prosaique), như một lời văn hoa mỹ, một lời nói khéo, ví dụ câu này của Hàn Mạc Tử:

Sao bông phượng nở trong màu huyết,

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.

 Câu thơ này dịch ra tiếng nước ngoài không khó, vì nhiều tu từ pháp, tiếng nước nào cũng có sẵn.

Nói khác đi, tương quan lời/ý, cái biểu hiện/cái được biểu hiện, (signifiant/signififié) bị đảo lộn : trong lời nói thường và văn xuôi, lời là phương tiện của ý, “được ý phải quên lời, như được cá quên nơm” (Trang Tử). Trong thơ, ý là phương tiện của lời trên hai phương diện : trong cấu trúc, ý nâng lời, tạo tương quan cho từ ngữ ; ngoài cấu trúc ý làm môi giới giữa lời thơ và người đọc, người nghe. Câu thơ không có ý thì không có xương sống và không có độc giả, thơ không ý “như thuyền không lái, như ngựa không cương”, nhưng lái không phải là thuyền, cương chỉ là thành phần không chính yếu của ngựa. Thơ hay không phải tại ý, như ngựa thiên lý không phải nhờ vào giây cương, cho dù giây cương là cần thiết. Vì vậy mà thơ xưa từ Đông sang Tây, quay chung quanh các đề tài tuyết nguyệt phong hoa. Điều chính yếu trong thơ không phải là nói cái gì, mà là nói ra sao.

Vì trong thơ, ý là phương tiện của lời, nên người bình giảng thơ cần đặt lại chính xác quan hệ nội dung và hình thức. Nhất là khi bình giảng thơ trong nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo từ bậc tiểu học phải biết dạy thơ. Con em lớn lên mới biết yêu thơ, xã hội mới có thơ hay. Và đời sống con người tinh tế hơn.

 Theo lối  giảng thông thường của sách giáo khoa, thì nội dung của bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến là việc đi câu cá mùa thu. Đúng không ? dụng tâm của Nguyễn Khuyến khi làm bài thơ ấy có phải là để kể chuyện đi câu ? hay ông chỉ mượn việc đi câu, mượn luôn cả cảnh ao thu, để làm một bài thơ đẹp ? Phái duy lý có thể bẻ lại : Nguyễn Khuyến làm bài thơ đó để nói lên tâm hồn kẻ sĩ ; vì tâm hồn cao đẹp nên bài thơ hay. Nghe không ổn, vì có phải thánh nhân đều là thi sĩ cả đâu . Và bao nhiêu thi sĩ Tư Mã Tương Như, Baudelaire chẳng hạn, là kẻ tầm thường, có khi còn tội lỗi. Vả lại, anh thích bài thơ đó, vì anh thích đi câu,  anh thích mùa thu, hay vì bài thơ đó hay ? Tóm lại,  nội dung của bài thơ Thu điếu là bản thể của lời thơ, hình thức của nó là ao thu, phương tiện của nó là đi câu.

Nói như thế có vẻ nghịch với lẽ thường. Nhưng chính thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường. Vầng trăng làm sao mà “sẻ làm đôi” được ? Làm sao có thể “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” được ? Thi sĩ là kẻ phá vỡ tương quan của ý tưởng và thay thế vào đó tương quan của từ ngữ. Sự hoán chuyển phương tiện – mục đích, vẫn thường xảy ra trong thực tế ; trở lại với thí dụ đi câu : con rô con diếc là đối tượng của bác thợ câu, nhưng là phương tiện của ông Lã Vọng, đi câu là để đi câu. Cô hái chè lúc vươn tay thì cành chè là đối tượng ; cô đứng chụp hình, tay vươn cành chè, thì cành chè là phương tiện để cô có bức hình đẹp. Cô đứng tự nhiên thì bức hình không tự nhiên, phải giả vờ vin vào cái gì đó thì bức hình mới tự nhiên. Ngôn ngữ thơ cũng vậy : nói tự nhiên, thì không ra thơ, phải nói một cách nào đó thì mới là thơ. Những câu thơ “tự nhiên thiên thành”, cũng tự nhiên một cách nào đó, trong một bối cảnh nào đó.

 Bảo rằng thơ là cách nói, thi sĩ làm thơ để làm thơ, như kẻ đi câu để đi câu, không cần cá, phải chăng là từ chối mọi quan hệ giữa thơ và thực tế xã hội ? Không phải vậy, những thi sĩ lớn cũng như những lý thuyết gia ngày nay, không còn mấy ai chủ trương hình thức vị hình thức.

Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tùy hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tùy chế độ chính trị, xưa cũng như nay.

Thơ bắt nguồn từ thực tế vì phải sử dụng ngôn ngữ hàng ngày dù để chế biến, xáo trộn,  vì ngôn ngữ vốn là phản ánh của đời sống. Thơ lại sử dụng những tình ý của con người, thì dù muốn dù không cũng phản ánh xã hội. Những thi phẩm lớn của ta, như Kiều, Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm, đều mang ít nhiều đặc tính của xã hội. Gần chúng ta hơn, những nhà thơ tiền chiến “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” gặp lúc kháng chiến cũng đã “đốt cháy trong lòng mình những phong cảnh cũ” như lời Nguyễn Tuân, để chiến đấu và sáng tác. Gần hơn nữa, nhà thơ say Vũ Hoàng Chương đã từng sống giữa lòng đời như  “cắm thuyền sông lạ”, năm 1963, đã đốt lên ngọn Lửa Từ Bi hùng tráng để soi sáng cho cuộc đổi thay xã hội.

Và nhìn chung thơ Hy Lạp, thơ Tàu, thơ Tây đều mang đặc tính xã hội.

 Thơ không những chỉ phản chiếu tiêu cực mà còn ảnh hưởng tích cực đến tâm hồn con người. Bỏ qua quan niệm “thi dĩ ngôn chí” và “văn dĩ tải đạo”của nhà Nho, bỏ qua luôn quan niệm thơ phải phục vụ trực tiếp quần chúng, chúng ta vẫn gặp những nhà thơ lớn ca ngợi giá trị đạo lý của nhân loại từ Khuất Nguyên qua Đỗ Phủ, cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến. Những tác phẩm được truyền tụng là những bài  Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm, thơ lánh đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn thơ xu phụ quyền thế của 28 vì sao trong Tao Đàn thì không mấy ai biết tới. Trong khuôn khổ của xã hội phong kiến và tư tưởng nho giáo khe khắt, thơ vẫn không chịu gò bó trong  tam cương ngũ thường, mà vươn tới cái đạo lớn của nhân loại, ca ngợi cái hùng, cái vĩ, bênh vực kẻ yếu, tố cáo bất công. Khi nói đến tình yêu trai gái, thơ gạn lọc tình cảm, cho nên những đoạn Kinh Thi ướt át nhất vẫn ngay thẳng như lời Khổng Tử. Bản chất thơ phải “tư vô tà”, đó cũng là một đặc tính chung cho  các bộ môn văn nghệ khi vươn lên làm văn hóa, văn minh.

 Vì thế ngày nay tại các nước công nghiệp tiên tiến, thơ vẫn là một bộ môn quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là cấp tiểu học. Trẻ em học thơ để yêu tiếng nói, rồi từ đó yêu quê hương, loài người và cuộc sống.

Dân tộc Việt Nam vốn yêu thơ, thưởng thức thơ từ lúc nằm nôi, nếu thi ca đóng đúng vai trò của nó dĩ nhiên là sẽ có tác dụng rộng lớn.

 Để kết luận, xin mượn lời Jakobson : “ Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt bực, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một đối tượng. Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận". 

Đ.T

-----

Ảnh: Tập phê bình Nói chuyện về thơ của nhà phê bình Văn học Đặng Tiến (Pháp)

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Lê Đình Đại: Chùm truyện rất ngắn: NHÂN CÁCH TAN RÃ

 CHÙM TRUYỆN RẤT NGẮN "NHÂN CÁCH TAN RÃ" CỦA LÊ ĐÌNH ĐẠI




♥️MẸ


Tâm hồn con người quả là nặng hơn thể xác hàng trăm lần. Có tám ngọn gió thổi vào làm chao động ngọn đèn kia. Đó là được và mất, danh thơm và tiếng xấu, khen và chê, hạnh phúc và đau khổ.

Ngày phân khoa tôi tình nguyện học chuyên khoa tâm thần!

Có một ngọn gió từ bàn tay mở, có một người lặng lẽ, lu mờ sau những hy sinh. Mẹ tôi đó.


Tôi nhớ cứ mỗi lần báo in truyện của anh tôi, tôi đạp xe một mạch từ bệnh viện về đưa cho mẹ.

-Truyện của anh Hương đây má!


Mẹ tôi cầm tờ báo, bà lấy tay sờ lên chỗ có chữ trên trang giấy, rồi nhìn xa xa tận phương nam và mỉm cười…

Tôi nói:

-Má biết gì mà cười!

-Đừng có hàm hồ. Tao đẻ nó mà tao không biết nó viết gì sao!


Mẹ tôi không biết chữ nhiều. Bà không đọc được truyện nhưng bà biết tấm lòng của anh tôi, tấm lòng ấy có từ hồi còn ẵm ngửa.


Những ngọn gió biển đang thổi vào mái tóc hoa râm của mẹ. Buổi trưa hè…


♥️BÔNG HOA  


Tôi nhớ hoài người bệnh tâm thần tên Minh, 25 tuổi ở Nam Ô, dáng mập lùn, chắc nịch. Anh có nụ cười dễ thương không chịu được.


-Hôm mấy chiếc xe vệ sinh hút xong nhà cầu, Minh đã chạy quanh sân hái những bông hoa đẹp nhất tặng họ. Anh xuất hiện với cái mũ bao bằng giấy bọc thuốc Hero và chiếc kiếng bằng dây thép dán giấy gương màu hồng một bên mắt. Minh đứng vẫy vẫy tay mãi cho đến khi xe rời khỏi bệnh viện.


-Ngày mai đi cầu thơm phức!


Anh nói rồi cười vang lây sang người khác. Người bệnh này cười, người bệnh khác cười và mọi người cùng cười.

Có một bông hoa từ đó nở tự lòng tôi…


 


♥️PHÍA RUỘNG 

 

Bước vào phiên trực - y tá làm việc 24/24. Quản lý, tuần tra, quan sát không khác chi người lính nhưng cực nhất là lúc người bệnh trốn viện. Tìm quanh không có, lên xe đạp tản đi khắp nơi, suốt đêm. Nhờ tinh thông nghề nghiệp, điểm duyệt được người bệnh nào là chuyên trốn viện và thường đi hướng nào nên thường tìm được. Chúng tôi từng lặn lội tận Quảng Ngãi, Hà Nam Ninh…gặp người bệnh thì mừng hết lớn! Thế nhưng đã có rủi ro, nhất là khi bệnh tình chưa khỏi, ra đi trong cơn như thế thật không lường được.


Một người bệnh làm nông ở Thanh Hóa, theo đoàn đào vàng lên Giằng. Cả nhà bị sụp hầm, anh mất trí, bạn bè đưa vào bệnh viện một tuần thì anh bỏ trốn lúc trời tối. Ra đi mất khả năng định hướng, cứ nhắm phía ruộng mà đi, lỡ lội vào bùn, càng lội càng lún rồi chìm xuống nước…Tử vong như thế thật đau lòng!


♥️LÒNG CHA 


Một người bệnh nữ còn rất trẻ, rất đẹp. Vừa sinh đứa con trai đầu lòng thì phát bệnh. Gia đình cúng bái khắp nơi, rơi vào túng quẫn. Đến bệnh viện thì bệnh đã nặng.


Mỗi tuần cứ tới chủ nhật gia đình mới ra thăm.

Núi Thành – Hòa Khánh, tiền xe hết mấy chục ngàn.


Hôm nay, sau bốn tuần điều trị, người bệnh nhớ nhà da diết, mà chủ nhật lại tới rồi. Trông chờ suốt buổi sáng không thấy ai ra thăm, người bệnh lặng lẽ ra căng-tin. Ngồi chờ mãi tới chiều mà bóng người thân vẫn không thấy!


Thế là người bệnh trốn viện. Buồn quá, đi về đâu? Tại sao người thân không ra? Câu hỏi lặp đi lặp lại như một ám ảnh nặng nề. Càng nghĩ càng tủi thân. Có phải gia đình đã quá cực vì mình, thôi sống làm chi! Rồi người bệnh trốn đi biền biệt.


Cả bệnh viện đi tìm mà không thấy. Chúng tôi linh cảm một điều chẳng lành.


Hôm sau người thân mới ra, nghe tin bàng hoàng, sửng sốt. Đấm vào người thình thịch, kêu trời mà trời có thấu! Chủ nhật hết tiền đi đào mấy hàng khoai đem bán, dành dụm ra thăm, thế mà bây giờ tất cả đã lỡ làng…


Thân nhân đi tìm như điên như dại, càng khuya càng cố tìm, người chồng đạp xe lùng khắp các nẻo đường, hy vọng đêm khuya vắng vẻ dễ bắt gặp.


Thế nhưng... Tất cả đều vô vọng!


Người bệnh đã trầm mình xuống dòng sông lạnh lẽo trong cô đơn tuyệt vọng. Tất cả bỏ lại sau lưng.


Hai ngày sau, cô bác vớt lên đem về phường, mai táng ở một nghĩa trang xa thành phố. Chôn xong, chúng tôi mới biết tin. Ngay đêm đó, gia đình cùng bệnh viện tiến về nghĩa trang. Trời mưa lất phất, ai nấy lặng lẽ nhìn người thân khóc nghẹn ngào mà rơi nước mắt.


Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đi đến thành phố của người chết – Nghĩa địa Gò Cà, trong một nỗi niềm xốn xang khôn tả giữa đêm khuya thanh vắng. Một sự thanh vắng cô tịch, bùi ngùi, xót xa…


Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, nhờ hai pha đèn rọi sáng, chúng tôi cạy nắp quan tài rồi nhẹ tay bới từng hạt mạt cưa để người thân nhìn mặt. Nhưng khó nhận ra vì sự biến dạng. Bất chợt người cha nói: “Mấy chú bới dưới chân. Em nó hồi nhỏ chạy chơi, hư một cái móng ngón út bên chân trái”.


Người cha đã nhận ra con.


Tất cả những người cha đứng bên quan tài đều khóc! 

 


♥️SỰ SỐNG


Thắng xe rít lên và Út nằm bất động…


Út sinh ra trong một gia đình nề nếp, ba anh chị đều đậu vào đại học. Còn Út, đang học rất giỏi ở lớp 11 thì dở dang vì mắc bệnh tâm thần.

Từ đó Út buồn rầu, bi quan, chán nản. Gia đình cố công chạy chữa nhưng bệnh tình Út thuyên giảm tạm thời rồi tái phát.


Gia đình đâu biết rằng càng lo cho Út bao nhiêu Út càng buồn bấy nhiêu. Thêm vào đó, thấy bạn bè anh chị ai cũng đỗ đạt, có nghề nghiệp, Út càng mặc cảm.

Út sống lặng lẽ, đôi lúc lầm lì, cô độc, biết rằng mình trở thành gánh nặng cho gia đình, thành một người ăn bám vô tích sự.


Ai cũng nhìn thấy điều đó nhưng đành bất lực. Bệnh tình của Út ngày càng diễn tiến xấu.


Riêng phần Út, bước đường cùng chỉ còn một cách là chạy trốn cuộc đời, tìm đến cái chết. Đã mấy lần Út tự sát nhưng may mắn thay gia đình đều cứu kịp…


Mãi cho đến chiều nay, cái buổi chiều nghiệt ngã nhất của đời Út, buổi chiều cuối cùng Út còn hiện diện trên cõi đời này. Út đi ra, đi vào cực kỳ căng thẳng, nhìn chằm chằm vào dòng xe qua lại dưới đôi mắt buồn u uất. Chiếc thứ nhất…thứ nhì…thứ ba…Và Út đã không kìm mình được nữa…


-Trời ơi! Út thét lên…

Khi tôi bồng Út trên tay, Út còn nói: “Bác sĩ cố cứu em sống”, rồi ngừng thở. Nước mắt tôi giàn giụa.


Chiều nay tôi đưa Út đến nơi an nghỉ cuối cùng mà nghẹn ngào hối tiếc. Ôi! Còn đâu hình bóng chàng trai khôi ngô, tuấn tú, một niềm hãnh diện lớn lao của gia đình và bè bạn.


Tôi cúi xuống hái một bông hoa dại cài lên mộ Út, một người bạn, một đứa em…


 


♥️LỊCH SỰ


Không thèm thuốc vào đây lâu ngày cũng thèm và nhiều người bệnh trở thành chuyên gia đi lượm thuốc tàn


-Ông ơi! Có thuốc cho tôi một điếu!

-Anh nớ, có thuốc không?


Đó là lời chào đầu tiên khi gặp họ.

Có khi người bệnh ré rân trong phòng đòi thuốc hoặc xúm chùm lại để xin. Ngay các y, bác sĩ chúng tôi cũng bị xin đều đều.


Người bệnh Vũ Tuấn, nhân cách đã tan rã, lầm lì phẳng lặng, suốt ngày ưa nằm phơi nắng đen thui, thế mà mỗi lần xin được điếu thuốc dù chỉ vài hơi tàn, đều cám ơn rối rít...


Điên hết cấp vẫn lịch sự!

Hỏi rằng họ không đáng yêu sao được?


Lê Đình Đại

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Hòa Văn: SAIGON OXY



 #OXYSAIGON


Nơi cần cơm

Nơi cần oxy

Ơi dịch giã lan tràn

Lòng người không yên

Mấy mươi ngày rồi

Chưa mở cửa nhà

Chưa ra mảnh hiên nhỏ

Cây mai kiểng thằng con trai hằng ngày chăm tưới tắn 

Nay xàu lá

Chỉ cần vài ca nước là sống

Nhưng...

Chưa hé cửa đã sợ

"Nó..." chui vô

Ôi! Virus Sars CoV-2

Không ai ngăn nhà cấm chợ bằng "nó"

Không bà con anh em gì

Mỗi người thu mình lại một góc nhà

Mỗi người một bát cơm

Người bới trước người bới  sau

Nhứt quyết không dọn cơm ra bàn

Đành làm vậy

Hy vọng

"Nó" trừ ra!


Thức ăn ướp lạnh

Sắp hết

Gói rau cuối cùng không luộc vội

Để cho có

Gói thịt nữa

Tội thằng cháu nội

không biết cứ đòi sữa

Nó nói quán bà Năm

Bà hay bán cho nó 

Giờ vừa kêu oxy

Nó đâu biết!


Xưa đói cơm lạt mắm

Có thể chạy qua nhà hàng xóm xin

Nay ngồi im đành chịu

"CON NGƯỜI SỢ CON NGƯỜI"

Là điều có thật

Không còn viễn tưởng hay xinema nữa rồi

Cứu trợ bằng cá bằng cơm

Bình thường quá!

Giờ thời hiện đại 4.0

Thêm một món thiết 

yếu 

Oxy

Thương  tâm quá mọi người ơi!.

H.V

-----


BC ở SG cần oxy

Bấm link này

#oxysaigon

#oxymienphi


18/8/2021

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Hòa Văn: SAIGON KHÔNG XA






Hòa Văn: SAIGON KHÔNG XA

Link cố định 17/07/2021@10h34, 50 lượt xem, viết bởi: Hòa Văn 
Chuyên mục: VĂN HỌC NGHỆ THUẬTThơĐẤT & NGƯỜI
💞
SAIGON KHÔNG XA

SaiGon không xa với tôi
Nơi có biết bao trái tim cùng huyết thống
Cùng gọi nhau hai tiếng đồng bào
"Đất lành chim đậu..."
Câu ca xưa thắm đẫm niềm tin
Hễ không đến thời thôi
Đã ở an cư lạc nghiệp

SaiGon của tôi
Giờ phong ba ập tới
Covi.. cô nàng nhỏng nhảnh ơi!
Hãy quay trở lại nơi sinh ra
Và chiêm nghiệm cuộc đời sóng gió
Buông em tôi
chị tôi
bà con thành phố SaiGon
Nơi đầu tàu phát triển của cả nước
Trên mọi lĩnh vực...
Mỗi ngày góp gần 3 ngàn tỷ VND
Giờ này bất động
Không phải một giờ
Một ngày
Đến 15 ngày...

Con đường xưa tôi đi qua phút giây nào
Cũng nườm nượp người xe...
Nay im lặng
Vắng tanh
Dây giăng rào chắn
Chốt chặn
hơn cả thời chiến tranh
Dịch dã tràn lan như lũ lụt "mênh mông chi xứ"
Tin phong tỏa khu phố, con đường
Tin ca lây nhiễm vọt tăng lên từng ngày không còn số trăm đã là số nghìn
Tin có người tử vong...
Đau nhói tim!

SaiGon của tôi hào sảng
300 năm gian khó đi lên
Thuở nằm gai nếm mật
Lúc cường thịnh
Lòng người mải vậy
Chia sẻ yêu thương
tay trong tay gầy dựng cơ đồ
Nơi tứ phương hội tụ
Chỗ ôm vào lòng bất kể là ai
Nơi sẵn sàng
xòe đôi tay vươn đôi chân
chia ngọt sẻ bùi với mọi miền đất nước
Không tính thiệt hơn
Nay trong cơn dịch dã
Lại đùm bọc nhau
Sẻ chia gian khó
Vượt lên giành lại bình yên

SaiGon chưa khuất phục khó khăn nào
Nên sẽ không nản lòng
Trước hiểm họa Covi...
Chắc là thế
Chắc chắn như thế!.
SaiGon đã từng cùng cả nước
Nay cả nước cùng Saigon...
SaiGon của tôi không xa!.

Hòa Văn

💞
SAIGON VƯƠN DẬY

SaiGon... SAIGON... SAIGON ơi!
KHI hoạn nạn thấy rõ tình người
Lúc cần nhau càng thắm đồng bào
SaiGon ơi! Người bao lần nghĩa hiệp
Với từng vùng miền quê thân yêu

Nay đứng trước cơn đại họa Covi...
Cả nước ngóng tin bồn chồn lo lắng
Thêm một quận, một phường phong tỏa
Là thêm bao khó khăn tăng lên

Biết SaiGon vốn sẵn lòng hào sảng
Không chùn chân trước mọi gian nan
Đồng bào cả nước cùng chung tay
Góp thêm sức cho SaiGon vươn dậy

Từng đoàn y bác sĩ xông pha
Từng đoàn xe hàng băng băng tới
Tất cả vì SaiGon cho SaiGon
Sớm Hồi sinh - Thịnh vượng - Bình yên!.

Hòa Văn
Trần Văn Chính
#hoavandongban
#gonoiyeuthuong
#nguoigonoi

Xem video: Tác giả diễn đọc SAIGON KHÔNG XA



https://youtu.be/S53YUbp03-U

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Truyện ngắn Ngô Văn Cư: LÀM ĐĨ

             

Nhà văn Ngô Văn Cư

             Công việc của Thao không nặng nhọc. Mỗi buổi chiều, từ năm giờ đến bảy giờ; chị chỉ chăm sóc, trông nom đứa trẻ và dọn dẹp nhà cửa của một gia đình công chức. Vợ chồng người chủ là những người có địa vị trong xã hội, thu nhập cao; chiều chiều, sau giờ làm, thường đến các trung tâm thể thao chơi các trò chơi
rèn luyện thân thể hoặc giao lưu với bè bạn. Một mình Thao với đứa bé ba tuổi trong căn nhà rộng thênh thang nhưng bị khoá cổng ngoài và lắp camera khắp nơi.
Cảm giác bị theo dõi, không tin tưởng luôn đè nặng tâm trí Thao. Mỗi lần nhìn Nhi Ngọc vui vẻ với vô vàn đồ chơi, chị lại thương quay quắt con bé Thúy phải ngồi
trong củi đợi mẹ về. Không ít lần chị phải cố giấu giọt nước mắt. Việc làm nhẹ nhàng và có thu nhập để trang trải nhưng áp lực tâm lý làm chị cảm thấy mệt mỏi.
Ở nhà, còn biết bao chuyện phải lo. Quý, chồng Thao, bị tai nạn sập giàn giáo. Từ khi xuất viện, anh chỉ cử động được mỗi tay, còn đôi chân dù đã cố gắng hết mức
nhưng vẫn không thể nhúc nhích. Bác sĩ động viên nếu tĩnh dưỡng, tập tành thì vẫn có thể phục hồi được. Nhưng liệu phép màu có xảy ra? Thao luôn xoa bóp và giúp
chồng tập luyện cơ thể để vượt qua tâm lý buông xuôi. Cô chỉ yêu cầu anh canh chừng bé Thúy đang nhốt trong củi cạnh chỗ nằm. Anh có thể vói tay ra khỏi thành
giường và lên tiếng khi con bé quấy khóc. Chỉ bấy nhiêu thôi là chị có thể yên tâm kiếm tiền lo thuốc thang và chi tiêu. Đã nửa năm rồi, đôi chân của Quý có nhiều
triển vọng nhưng tiền bạc cũng đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng Thao còn biết làm gì khác ngoài việc làm osin theo giờ này. Chị cũng dò hỏi nhiều nơi nhưng chưa có
nơi nào thu nhập cao, nhẹ nhàng và ổn định như ở đây. Cứ lo xong việc người, chị lại bù đầu vào việc nhà mà không một lời ca thán. Chị an ủi, thôi phận mình nó
thế!

Cho đến một ngày…
Cuối tuần. Sau tiết mục giao lưu với bè bạn, bà chủ tiếp tục vui chơi trên sàn nhảy. Ông chủ phải về với Nhi Ngọc. Hình như rượu làm ông chủ đánh mất vẻ đạo mạo vốn có, không còn giữ tác phong lịch lãm. Ông đã lao vào Thao như con thú nhịn đói lâu ngày. Mặc cho chị chống cự, van xin
nhưng con thú hung dữ, mạnh bạo, dâm loạn trong lòng ông chủ đã sổng chuồng và mặc sức tung hoành, dày vò trên thân thể chị.
Chị uất ức nhìn sự thỏa mãn trên khuôn mặt bóng nhẫy và sự lạnh lùng của kẻ chỉ biết chiếm
đoạt mà thấy lòng mình trống rỗng như đánh mất thứ quý giá nhất. Chị cắn chặt môi, cầm cự với tiếng nấc nhói lòng, trôi bồng bềnh giữa nỗi đau và bất
lực. Chị hổ thẹn, nhục nhã, rã rời nghĩ đến những người quen thuộc; người chồng bất hạnh đang nằm liệt giường; đứa con nhỏ dại một mình với những thứ đồ chơi cũ kỹ… Chị vịn vào đâu để khóc bây giờ? Chị cảm thấy mình
thật có lỗi với chồng con và lúc nào cũng cảm thấy bà chủ đang dò xét mình.
Chị dặn lòng đừng bao giờ để ông chủ có dịp lần nào nữa. Thế nhưng, có lúc chị lại an ủi với cái ý Mình còn gì để mất đâu! Nhất là khoản tiền được ông
chủ cho thêm để mua sự im lặng. Số tiền này có thể cho chị đủ để lo cho chồng con… Những lời tỉ tê, xa gần rằng bà chủ chỉ ham vui chơi; thiếu trách nhiệm làm vợ, làm mẹ; không còn mặn nồng tình nghĩa vợ chồng như trước; thương chị hiền lành… là vũ khí ông chủ tấn công Thao.
Chị thì mặc kệ những lời lấy lòng kia nhưng vẫn có lần thứ hai, thứ ba và những lần khác nữa đã xảy ra. Chị tắc lưỡi cho qua. Cuộc đời không cho chị qua.
Mặc dù ông chủ kiểm tra để xóa hoặc tránh những nơi camera có thể ghi hình nhưng bà chủ vẫn bắt gặp một đoạn clip giữa chị và ông chủ. Lại một buổi chiều
cay đắng, chị đối diện với bao ê chề, tủi nhục. Đứng trước một xấp tiền cũng gọi là mua sự im lặng, Thao nghe bà chủ chì chiết:

-Tôi không ngờ cô là người đổ đốn, lợi dụng lòng tốt của tôi…
Hãy cầm tiền và cuốn xéo khỏi đây! Đừng để tôi gặp mặt… Đồ đĩ…
Rất nhiều lời lẽ khó nghe khác nhưng Thao chỉ nghe có thế.

Nhìn khuôn mặt đểu cáng và đồng lõa của ông chủ, chị muốn quăng xấp tiền vào
mặt nhưng tiếng Đồ đĩ cứ dội âm âm vào tâm trí chị. Ừ, là đĩ thì chị làm chuyện kia chỉ vì tiền nên chị cầm xấp tiền và quay đi, không một tiếng giã biệt.

Ừ,thì Đồ đĩ! Ừ, thì Làm đĩ! Chị đã rơi vào cái nghề được xem là hạ lưu nhất trong xã hội khi nào vậy? Chị nghĩ đến chồng đang bại liệt, nghĩ đến con còn nhỏ dại và nhiều thứ khác để đi đến một quyết định…
Thao bắt đầu đối diện với muôn mặt đời thường. Chị phải bôn ba với nhiều việc làm nhưng trụ lại với việc bán vé số, một nghề không cần nhiều vốn và kiến thức. Mọi người xầm xì là chị bán đắt có thể là do ở dáng dấp bề
ngoài. Thao không đẹp. Chị chỉ cân đối, dễ nhìn, trắng trẻo cùng với giọng nói nhỏ nhẹ vì quen chịu đựng khiến chị không lẫn vào những người lang thang bán vé số. Với xấp vé số trên tay, chị lê la khắp hang cùng ngõ hẻm; khắp quán sá, tụ điểm… Nhưng ai cũng biết chị ngoài việc bán vé số
còn bán cả những thứ khác nữa. Nói trắng ra là chị làm đĩ. Chị cần tiền và phục vụ những kẻ thừa tiền, ham của lạ. Mặc cho người ta dày vò và thỏa mãn, chị không quan tâm miễn là có tiền… Chị đã lên giường với nhiều hạng người khác nhau: giàu có, sang trọng, địa vị xã hội cao, nghèo khổ, lao động nặng nhọc… nhưng tất cả họ đều giống nhau khi đã trút bỏ hết áo quần. Không còn vẻ đạo mạo, khệnh khạng hay khúm núm, tất bật; không còn những lời ngọt mật mà trần trụi thô lậu, phàm phu, tục tỉu nhằm làm dịu cơn dục vọng mặc nỗi ê chề mà chị phải đón nhận. Với nghề mạt hạng này, Thao biết có thể làm tan nát một gia đình; làm sụp đổ đường thăng tiến, công danh một con người nhưng chị lại có cái nhìn khác khi gặp một tình
huống trớ trêu. Chị bị bắt khi đang trên giường cùng với một người đàn ông không mảnh vải che thân; bị đưa về đồn; bị quy vào tội bán dâm. Người xử lý chị là một cán bộ đứng tuổi, chị quen, rất quen. Đó là khách của chị. Chị đã nhiều lần lên giường với anh ta. Không phải vì anh ta có tiền, cũng không phải đẹp trai hay có sức khỏe mà vì chị muốn yên ổn hành nghề ô nhục này. Cũng có thể gọi là một cách hối lộ. Một sự thỏa thuận hay lợi dụng lẫn nhau.
Chung thuyền. Nhưng bây giờ, anh ta đại diện cho luật pháp, Thao là kẻ có tội. Những lời lẽ giáo huấn, răn đe để xã hội tốt đẹp, yên ổn vừa mềm dẻo vừa khô cứng của người cán bộ như một bài học thuộc lòng lại biến thành tiếng thở hổn hển của người đang làm tình dội vào tai Thao. Chị bị phạt hành chính và nhắc nhở. Trước khi ra về, người đại diện pháp luật nói riêng với chị: Chiều mai, sáu giờ, vẫn chỗ cũ. Nhá! Nếu chị không dằn lòng thì đã buột ra hành lời: Đồ đĩ miệng! Chị chấp nhận bán trôn nuôi miệng còn hơn
vạn lần kẻ bán miệng, bán linh hồn để sống. Nhưng chị hơi đâu để ý. Chị phải vội về với người chồng bại liệt và đứa con còn nhỏ dại.
Thao vẫn phải kiếm tiền. Chị vẫn phải rảo chân trên đường phố, quán xá để góp nhặt từng đồng. Nhiều người gọi chị làm đĩ. Ừ thì làm đĩ nên biết bao lời tán tỉnh của những gã đàn ông quen thói trăng hoa không hề làm chị
động lòng, xem đó là không nghiêm túc thoáng qua nhưng chị vẫn sẵn sàng lên giường với bất cứ gã nào có tiền. Chị cần tiền, thế thôi. Nói không ngoa
là chị đã có kinh nghiệm hơn từ khi bị bắt. Chị cẩn trọng và không thể dễ
dãi. Chị kiếm tiền bằng cách đu đưa với đàn ông. Chị là đĩ bán chuyên nghiệp! Chỉ từ khi bệnh tình của anh Quý có dấu hiệu hồi phục, đã tự ngồi
được dẫu còn khó khăn, đau đớn, anh có thể chăm sóc bản thân và chơi đùa với con, Thao bỏ hẳn việc bán vé số dẫu rằng thu nhập từ nó cũng khá. Gia
đình đã ấm áp trở lại với những tiếng cười, tiếng nói vui tươi. Tiền vẫn cần
nhưng Thao cần cuộc sống yên ổn và gần gũi chồng con hơn, chị mua máy may và nhận gia công quần áo tại nhà cho công ty may mặc, chấm dứt việc lang thang trên phố với xấp vé số. Cuộc đời đâu để ai muốn là được. Đôi lúc chị nhận cuộc gọi từ những máy lạ hẹn hò nhưng khi chị từ chối thẳng thừng
thì cũng không ai làm phiền. Duy chỉ có một số máy bám riết chị vào mỗi buổi chiều. Chủ số máy khoe là đã điều tra rõ ngọn nguồn sinh hoạt của Thao và hắn khẳng định là đã từng thâm nhập vào đời sống riêng tư của chị,
biết rõ chị. Giọng nói qua điện thoại, chị không biết là ai, bởi chị có để ý đến
người đàn ông nào khác, ngoài chồng! Hắn hẹn đến nhà nghỉ để trao đổi. Bị từ chối. Không nghe máy. Hắn khẳng định là trong tay hắn có những tấm
hình nhạy cảm của Thao trong những nhà nghỉ. Hắn nhắn tin dọa sẽ đưa chuyện chị bán dâm lên truyền thông. Một con người lì lợm và khó chịu.
Hắn tự giới thiệu là một văn nghệ sĩ từng có bài đăng ở báo cấp tỉnh khiến chị hoang mang. Đành phải hẹn… Lại đánh đổi để lấy sự im lặng của hắn. Chị ngỡ chỉ cần lên giường một lần là bịt được mồm hắn. Chị lầm! Rất lầm!
Hắn bám chị như đĩa bám chân trâu, chị lại sợ vốn chữ nghĩa của hắn. Nếu hắn viết bài đăng báo, chị thì không đọc bao giờ, nhưng sẽ có nhiều người
đọc. Hắn cứ khuấy cho đời chị xáo trộn, chị thì muốn yên ổn. Thà rằng chỉ một vài người biết việc xấu xa chị đã từng làm trong quá khứ còn hơn lên
mặt báo để mọi người cùng biết và có khi nó lưu giữ đời đời. Nhục chết!
Nhiều lần chị muốn nói thật với chồng cho lòng nhẹ bớt và chịu sự trừng phạt hay tha thứ nhưng chị chưa dám bởi bệnh anh Quý vẫn chưa thuyên giảm hẳn. Chị phải chấp nhận những đòi hỏi của hắn… Ngày trước chị làm đĩ là để kiếm tiền, nay thì kiếm sự im lặng. Dẫu kiếm gì đi nữa, chị vẫn là làm đĩ! Mà làm đĩ với nhiều người để được tiền sẽ dễ chịu gấp ngàn lần với làm đĩ cho một người khi lòng nơm nớp lo sợ. Một nỗi sợ mơ hồ xâm lấn tâm hồn chị vào mỗi khi tiếng chuông điện thoại reo. Chị sợ mỗi lần hắn tỉ tê rằng “Gia đình anh không hạnh phúc”, “Hãy để anh chăm sóc cho em”,
“Anh cần em và bất chấp quá khứ”… Chị rạch ròi giữa tình yêu gia đình và
công việc, chưa hề yêu thích khách hàng của mình, nhất là hắn. Nhưng tự bao giờ chị thành nô lệ tình dục cho hắn? Và bây giờ chị mới đau khổ biết
rằng đã phản bội Quý, dù rằng bị ép buộc. Không hóa đơn, không hợp đồng, không ràng buộc, không trách nhiệm, cứ xong cuộc mây mưa thì ai về nhà nấy nhưng chị làm sao giải thích với mọi người được khi việc đi lại rành
rành như thế? Chị héo hắt với muôn ngàn nỗi éo le. Và một buổi chiều éo le đã đổ ập vào chị, vào gia đình chị.
Một người đàn bà đi cùng hai người khác đến tận nhà Thao giới thiệu là vợ của văn nghệ sĩ. Và một trận đánh ghen tơi tả nơi tổ ấm chị đang vun đắp. Những tiếng cướp chồng, giựt chồng, làm đĩ cùng với tiếng đấm tiếng
đá xảy ra ngay trước mặt Quý. Anh chết trân nhìn vợ bị đánh ghen mà không thể làm gì được. Đứa con nhỏ thấy mẹ bị đánh khóc ré lên. Chị cắn răng chịu
đựng, đợi khi bọn người kia đi rồi chị mới tức tưởi khóc. Chị thấy mình thật đáng trách. Đáng xấu hổ. Đáng nguyền rủa. Đáng không được tha thứ. Chị đợi một lời trách móc, giận dỗi; đợi một sự hắt hủi, ghét bỏ; đợi một ánh mắt
khinh bỉ, nổi giận từ chồng. Nhưng chị lại không tin vào tai mình:

-Em đi tắm rửa và lo cơm chiều cho con. Đừng khóc nữa mà con sợ…

-Không! Em có lỗi với anh…

-Anh biết hết rồi!

-Biết hết rồi?

-Không phải ai sinh ra cũng muốn làm đĩ và cũng không ai lựa chọn được số phận của mình. Đời bắt làm đĩ thì phải làm đĩ thôi em à. Anh đã biết chuyện từ khi em nghỉ giúp việc cho gia đình cán bộ kia… Nhưng mà hoàn cảnh…

-Anh…

-Thôi đi! Anh cũng có lỗi bất cẩn trong lao động để em khổ…

-Anh…

- Dù có chuyện gì xảy ra chúng ta vẫn là một gia đình yêu thương và tha thứ lẫn nhau…

-Anh! Em không còn xứng đáng…

Không! Em xứng đáng ngẩng cao đầu hơn vạn kẻ đạo đức giả khác.
Thằng nghệ sĩ, văn sĩ kia mới là kẻ cướp vợ, kẻ làm đĩ đánh đu sự giả dối để lợi dụng… Đó là kẻ đáng phỉ nhổ… Hắn sẽ bị trừng phạt!Thao như người đuối nước gặp được phao. Đang bế tắt thì bị đánh ghen nhưng lại mở cho chị một con đường mới. Trước đây, chị đạp lên miệng đời để sống, không căm giận kẻ xem mình là đĩ; không chửi rủa lại kẻ gọi mình là đồ đĩ. Chị căm ghét công việc này, nhưng đó là cách duy nhất chị có thể kiếm thêm tiền. Chị mặc kệ tiếng thị phi, đàm tiếu sau lưng mà mơ ước có được một gia đình êm ấm, nơi an vui cùng nụ cười chồng con.
Nhiều lần chị thầm khóc khi suy nghĩ về phận đời của mình. Bây giờ chị có thể khóc lớn trước mặt chồng. Hình như anh Quý cũng đang khóc…

Người vợ của văn nghệ sĩ lại tìm đến khi gia đình Thao đã yên ổn. Mụ ta khóc lóc, van xin chị cứu giúp người nghệ sĩ, chồng mụ, khỏi cảnh tù tội.
Chị giật mình khi biết trong điện thoại của hắn có chứa những đoạn phim
ngắn ghi lại cảnh giường chiếu mà nhân vật nữ chính là chị. Hắn ta đã lén
ghi hình bao giờ vậy? Mỗi cuộc nhậu hắn đều khoe với bạn bè như khoe một chiến tích. Và trong một lần như thế, hắn bị bắt về tội tàng trữ và phát tán
hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy! Từ đầu mối này, hắn có thể lộ ra nhiều tội lừa đảo khác. Mụ vợ phải chạy vạy, năn nỉ nhiều nơi trước khi cơ quan điều tra
làm việc và nơi này chỉ cần Thao nhận là người tình của chồng mụ, ghi hình để làm kỷ niệm…

-Không ai tin lời con đĩ đâu! Tôi đã một lần làm đĩ. Chuyện đã qua lâu rồi. Với lại, tôi không đĩ miệng để kiếm sống! Tôi không là người tình của ai cả. Hãy để cuộc đời diễn ra đúng trình tự của nó…

- Chị không những cứu chồng tôi mà còn một người nữa nhờ tôi kêu cứu tới chị…

-Ai?

-Chị còn nhớ người đã thả chị khi bị bắt?

-Không!

-Chỉ cần ở một clip, chị nói không nhớ người không rõ mặt kia là ai…

Còn tôi?

-Hình ảnh rất rõ!

-Trời đất! Bọn người chúng bay là bọn vô liêm sĩ. Không dám chường mặt ra cuộc đời mà luôn lên giọng rao giảng đạo đức. Hãy để gia đình tôi được yên. Và nên nhớ rằng tôi chỉ là con đĩ bán trôn đã không còn hành nghề. Hãy để tôi giữ lại chút trung thực còn sót lại…

Và Thao quay sang nựng bé Thúy để mặc mụ vợ nghệ sĩ ngồi ở góc
nhà kể lể những việc làm sai trái của chồng và những người bạn của hắn… 
Ngô Văn Cư

 

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Hòa Văn: TÚ XUÂN BÀN LÃNH

     


      Thời buổi đất nước nhiễu nhương, giặc Pháp mặc sức hoành hành còn triều đình Huế thì tỏ ra quá nhu nhược... Đỗ Đăng Xuân ấp ủ tâm tưởng làm điều gì đó ích nước lợi dân. Làng Bàn Lãnh ở đất phù sa Gò Nổi bốn bề sông nước, vốn nổi tiếng có truyền thống hiếu học.

 Ông Đỗ Đăng Hạt - cha của Đỗ Đăng Xuân - rất quan tâm đến việc học hành của con cái và thường hay chia sẻ với con nhiều chuyện. Riêng việc nước việc non ông Hạt thổ lộ: - Cha thì không rõ lắm... nhưng nếu thực đúng y như con nói thì nên... Thi đỗ tú tài thay vì tiếp tục “trau dồi kinh sử” đặng chiếm khoa bảng làm ông nọ bà kia... hòng có cơ hội vinh thân phì gia. Tú Xuân lấy cớ ở nhà phụng dưỡng song thân, rồi tìm cách giao du với các thân hào nhân sĩ trong tỉnh bàn luận quốc sự và tham gia Nghĩa hội Quảng Nam hưởng ứng phong trào Cần vương. *** “Sau sự biến kinh thành ngày 5 tháng 7 năm 1885 kinh đô Huế thất thủ Tôn Thất Thuyết cùng với các viên quan trong triều đình nhà Nguyễn hộ giá vua Hàm Nghi lên Tân Sở (Cam Lộ - Quảng Trị) mưu sự xây dựng căn cứ kháng Pháp lâu dài. Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước phò vua đánh đuổi giặc Pháp. Lời hịch Cần vương không bao lâu nhanh chóng lan ra cả nước, dấy lên một cao trào khắp nơi, "Nghĩa hội mọc lên như rừng rậm, hịch quân truyền khắp như gió bay"(1). Trước đó một năm, tháng 7 năm 1884, Đốc Tiểu Sứ Trần Văn Dư dâng sớ xin vua Hàm Nghi củng cố Nha sơn phòng Quảng Nam lúc này đặt tại Dương Hòa (Phủ Thăng Bình) để giữ tả kỳ, làm phên dậu phía nam của kinh đô Huế. Do có ý chỉ từ trước vậy nên chỉ ít ngày sau khi chiếu Cần Vương ban bố các nghĩa sĩ như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Doanh trại ban đầu đóng tạị Trung Lộc, Tân Tỉnh (Quế Sơn). Vua thân Pháp Đồng Khánh ra lệnh thuyên chuyển Trần Văn Dư nhưng ông không những bất tuân chỉ lệnh mà còn kéo quân chiếm giữ sơn phòng và uy hiếp tỉnh thành La Qua (Điện Bàn). So với các nơi khác Trung Lộc, Tân Tỉnh là một địa thế có nhiều thuận lợi, núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp, hào sâu vực thẳm rất tốt cho phòng thủ, còn việc đi lại cả thủy lẫn bộ đều dễ dàng lại tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ mặt khác đây còn là một vùng trung du, đất đai màu mỡ, nằm bên dòng sông Thu Bồn, đáp ứng sản xuất lương thực tự cung tự cấp đầy đủ cho lực lượng nên được Nghĩa hội Quảng Nam chọn làm là cơ quan hành chính, quân sự kháng chiến chống quân Pháp và đối phó cả quân của Đồng Khánh.”(2).


                        *** 


       Bắt được Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân, quan viên triều đình hớn hở lắm!. Quản cơ Thiển, vừa lớn tiếng hăm doạ vừa dụ hàng: - Hẳn ông biết tội “phản nghịch” triều đình xử mức án chi không?. Hãy mau mau thức thời quy phục!. Chánh suất đội Hân, châm thêm: - Nếu ông hối tội khai rõ mọi điều cơ mật, may mô triều đình tha cho tội chém hỉ!. Nãy giờ lòng dạ Tán Tương Quân Vụ nóng như lửa đốt, muốn trút cơn giận dữ lên đầu bọn mãi quốc cầu vinh nhưng dằn lòng coi thử. Cách đây hai hôm Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân chỉ huy nghĩa binh Cần vương tấn công đồn Trà Kiệu. Biết không sớm thì muộn triều đình cũng gởi viện binh giải vây, đang lúc sẵn sàng ứng phó... thì Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân bị giặc bắt giải về tỉnh thành La Qua. Nhìn thẳng vào mặt quan viên triều đình, Tán Tương Quân Vụ thét lớn: - Giờ ta “cá chậu chim lồng” các người muốn hành xử cách chi thì hành xử!. Chứ đừng có hòng lung lạc ý chí “đánh cả Triều lẫn Tây” của Nghĩa hội Quảng Nam!”. Hòng dập tắt cao trào Cần vương đang nổi dậy khắp nơi, triều đình Huế và giặc Pháp xử Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân mức án “chém ngang lưng, bêu đầu”!. Tin dữ bay xa đồng bào khắp nơi trong ngoài tỉnh Quảng Nam bồi hồi xúc động. Trước khi thọ án Tán Tương Quân Vụ yêu cầu được trở về thăm làng lần cuối. Bọn giặc nghĩ đây là dịp chúng thị uy răn đe phong trào Nghĩa hội nên đồng ý. Mới qua giờ Tỵ mà trời nắng nóng như thiêu như đốt. Chẳng nề hà... giống y đi dự lễ đón rước sĩ tử về làng “Vinh quy bái tổ” người khắp nơi đổ về sân đình Bàn Lãnh đông nghịt. Không nói ra nhưng ngó bộ dạng biết ngay trong lòng ai ai cũng thầm khen ngợi nghĩa cử hết sức cao quý và khí phách hào hùng của Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân, người con của làng quê nổi tiếng với câu ca “Cây đa mô cao bằng cây đa Bàn Lãnh/ Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”. Ông Đỗ Đăng Hạt và chị Ba Lý vợ của Đỗ Đăng Xuân len lỏi vào giữa đám đông đến gần. Nén xúc động Tán Tương Quân Vụ nói rành mạch: - Thưa cha việc con làm là vì nước, vì dân!. - Cha biết!. Cha biết!. Lặng nhìn vợ một chặp Tán Tương Quân Vụ mới nhỏ nhẹ nói: - Mong em chu toàn phụng dưỡng song thân lúc tuổi xế chiều! Và nuôi dạy các con nên người!(3). Chị Ba Lý mấp máy môi muốn nói điều gì... nhưng chỉ gật gật đầu rồi cất tiếng “Dạ!. Dạ!”. Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân dõng dạc cáo biệt Thành hoàng, Tổ tiên khẳng định hành động tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đánh “cả Triều lẫn Tây” là đúng đắn!. Sự nghiệp dẫu còn lắm gian nan nhưng chính nghĩa sớm muộn gì cũng nhất định thắng lợi!.


                                  *** 


      Tiếng là nơi trên bến dưới thuyền ở một đoạn sông Thu Bồn ngày thường đông đúc và nhộn nhịp thế mà sáng nay đất trời chợ Củi(4) ảm đạm quá!. Mặc cho quan tổng quan phủ sức dân các làng dậy cơm nước sớm đi xem triều đình xử án nhưng trông ai ai cũng nấn ná. Chừng nửa buổi quan binh triều đình lạnh lùng xử chém ngang lưng Tán Tương Quân Vụ rồi cắt đầu cắm ngay tại chợ. Hôm ấy là ngày 31 tháng 12 năm 1885(5). Trước giờ phút hy sinh Tán Tương Quân Vụ lớn tiếng vạch trần âm mưu của giặc Pháp và triều đình, khẳng khái ca ngợi vua Hàm Nghi và Nghĩa hội Cần vương. Tấm lòng yêu nước thương dân của Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân tục danh Tú Xuân Bàn Lãnh lưu danh muôn thuở!(6).

 Hòa Văn

 -------- 

 - (1): Huỳnh Thúc Kháng. - (2): Lịch sử Việt Nam. - (3): Theo Gia phả tộc Đỗ Đăng làng Bàn Lãnh: Bà Trịnh Thị Lý, thứ thất, có bốn con – hai trai, hai gái. - (4): Chợ Củi ở tả ngạn sông Thu Bồn, đầu cầu Câu Lâu (cũ) (còn gọi là cầu Mống), phía tây quốc lộ 1A (nay xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Vào thế kỷ XVII – XVIII chợ chuyên bán củi được khai thác từ phía thượng nguồn sông Thu Bồn, kết bè thả trôi về, nhằm cung cấp chất đốt cho dinh trấn Thanh Chiêm, các lò gạch ở Thanh Hà, phố Hội An và các tàu thuyền nước ngoài đến đây buôn bán. Chợ nay không còn nữa. - (5): Nhằm ngày 26 tháng 11 năm Ất Dậu sau gần 3 tháng giam giữ. Cái chết đầy tính chất bi tráng của Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân và không lâu sau đó là sự hy sinh của hai thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến bởi bàn tay của giặc Pháp và triều đình Huế thời vua Đồng Khánh đã khép lại một phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân tuy ngắn ngủi (1885-1887), nhưng không kém phần sôi động, oanh liệt(2). - (6): Nhân dân làng Bàn Lãnh thường gọi Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân với tục danh Tú Xuân. Ông sinh năm 1836 - hy sinh năm 1885, mộ toạ lạc tại làng Bàn Lãnh (thôn Đông Lãnh xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam).

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Lê Lộc: KÝ ỨC TẾT

        "Hương Tết đã nhạt dần theo tuổi tác, vị Tết cũng phai theo môi trường sống. Nhưng, có lẽ chính nơi mình từng thưởng thức Tết trọn vẹn nhất, viên mãn nhất giờ cũng chỉ còn mùi Tết trong ký ức. Để lòng người cứ xao xác những nỗi nhớ niềm thương !".




        Những năm trước, chậm nhất là hai mươi sáu Tết, tôi đã vừa thong dong, tươi tỉnh, vừa khoan khoái khi ngồi trên tàu về quê. Năm nay, đến ba mươi Tết rồi, mà tôi vẫn còn ở đây, với vợ con, trong căn nhà giữa phố xá ồn ào, lòng trống huơ, dửng dưng, không hề gợn một chút cảm giác Tết. Vậy là không thể về được nữa rồi! Tôi đi ra lơ ngơ, đi vào thờ thẫn. 

       Ngồi bần thần, nằm rã rượi. Chốc chốc, ra đứng tựa cửa, mắt xa xăm, tay buông thõng. Dáng vẻ ủ rũ, có lẽ trông tôi y như cây chuối cụp lá, vàng nhợt sau mùa lụt trong vườn quê thuở nào. Cái cách phố lạnh lùng, thờ ơ với Tết, càng khiến tôi đờ đẫn nhớ Tết làng quê. Hằng năm, từ rằm tháng chạp, khi nắng chớm xuân ấm áp trải khắp ruộng đồng, cha tôi đã hì hục đốn hạ những cây sầu đông trong vườn, rồi đẵn khúc và bửa nhỏ thành củi, phơi đầy sân, đầy ngõ. Củi cây sầu đông phơi được nắng thoang thoảng mùi thơm, pha chút hăng hăng, gây cảm giác dễ chịu, cùng với ý nghĩ mẹ và em gái sẽ có một cái Tết được nấu nướng thoải mái, nhàn nhã bằng củi. Chứ không phải chịu cảnh lui cui ngồi dính rịt trong bếp, không dám rời đi nửa bước, luôn tay cầm đũa bếp đùn đẩy rơm rạ, hoặc lá tre, lá mít, lá chuối khô... vào lửa. Khói bếp ùn tỏa cay xè, ràn rụa mắt mẹ, mắt em. Nhưng, dường như làn khói bếp lại ngần ngại bay lên cao, vào không trung. Như thể bay lên sẽ phai, sẽ loãng, sẽ tan đi hơi ấm. Là mất, là hết, là vô tâm, là đoạn tình đoạn nghĩa với bếp lửa, với tình người. Nên cứ là đà, quấn quít, vấn vương, bịn rịn trên mái tranh. Những sáng sớm trong lãng đãng mù sương, những chiều tà trong nhàn nhạt nắng, hình ảnh làn khói lam vật vờ uốn lượn quyến luyến mái tranh, hư ảo trên nền xanh thẫm của lũy tre làng, vẫn ngàn đời lắng đọng niềm yên ả, êm đềm trong lòng người xa quê. Trong khi cha lo toan chuyện củi lửa, phần việc của tôi là quét váng nhện, bụi bặm khắp nhà trên, nhà dưới. Sau đó, lau dọn và trang trí bàn thờ. Sao cho đến trưa ngày hai mươi ba phải xong đâu vào đó. Để kịp chiều tối hôm ấy làm lễ đưa ông táo về trời. Những giá ảnh và di ảnh ông bà trên bàn thờ được lau rất cẩn thận. Tấm vải điều phủ bên trên cũng được giặt sạch sẽ, thơm tho. Mấy bộ lư hương, chân đèn bằng đồng được đánh sáng bóng. Chân tàn hương, cha mẹ tôi bảo phải đặt vào thùng thiếc rồi đốt, không được vứt bừa bãi. Nếu làm thế là thất kính đối với người khuất mặt, là mang tội. Cát trong nồi hương, dứt khoát phải thay mới. Mẹ buộc tôi đi lấy cát tận dưới lòng sông, về phơi thật khô, rồi mới thay cát cũ. Bình thường, cha mẹ tôi đã đặc biệt chú trọng việc cúng kính. “Cúng phải kính”, cha mẹ tôi thường căn dặn mỗi lần kỵ giỗ. Trước hết, trên bàn thờ phải có hoa và quả, theo vị trí nhất định: đông bình tây quả. Tiếp đến, ly nước trong (để ông bà súc miệng), đĩa trầu cau. Thức cúng phải bày biện cân đối, tề chỉnh. Khi thắp hương, phải cắm bằng hai tay, thẳng đứng, không được nghiêng xiêu. Hễ thờ tự phải thanh sạch, thành kính, cha mẹ tôi luôn khuyên răn con cái. Những điều có vẻ nghiêm ngặt như thế, tự bao giờ đã thấm trong tiềm thức tôi tình cảm quý trọng tổ tông, nguồn cội. Chuẩn bị Tết, mẹ và em gái tôi có quá nhiều việc để làm. Đầu tiên, soạn tất cả chén bát, đũa muỗng, ly tách, ấm trà, bình rượu... trong chạn ra rửa kỹ, phơi phong khô ráo, rồi xếp trở vào. Những đồ đạc này chỉ dùng riêng cho dịp cúng giỗ, đám tiệc và tết nhứt mà thôi. Sang ngày mai, mẹ đi chợ mua kiệu, hành, cà-rốt, củ cải... về cùng em gọt, xắt, phơi... chuẩn bị cho món dưa kiệu truyền thống không thể thiếu. Mới nghĩ tới thẩu dưa kiệu trăng trắng, xanh xanh, tim tím, đo đỏ... bắt mắt là đã nghe thèm bánh tét, bánh rò rồi. Đến ngày kia, mẹ với em rang nếp, rang đậu, rồi xay thành bột thơm phức để chuẩn bị làm các thứ bánh: bánh in, bánh tổ, bánh dẻo, bánh nổ... Nhưng đến công đoạn cuối cùng, trộn, chà, in, nện... là phần việc của cha con tôi. Những chiếc bánh sắc cạnh, thơm nức, ngó phát thèm lần lượt ra khỏi khuôn chỉ chờ sấy nữa là cho vào thùng, vào hộp. Cứ thế, cả nhà ngày nào cũng bận bịu đến khuya lơ khuya lắc. Nhưng niềm vui, tiếng cười tràn ngập, mái tranh quê càng thêm ấm cúng đến lạ. Sắm sanh, chuẩn bị ăn Tết, người dân quê vẫn quen tự tay mình làm lấy các món ăn, bánh trái, bằng vật liệu cây nhà lá vườn, do chính công sức, mồ hôi của mình tạo ra. Hớp ngụm trà, nhâm nhi chiếc bánh, ta sẽ liên tưởng bột đậu, bột nếp mềm mịn, thơm lựng thế này là thành quả của bao ngày cày sâu cuốc chín, dầm mưa dãi nắng, thức khuya dậy sớm... Mồ hôi người từng gieo vào đất, thì đất sẽ lại trả ơn người bằng những mùa vụ ruộng đồng lúa nếp trĩu bông, bằng những chum lu ắp đầy đậu bắp. Để rồi, mỗi năm một lần, chỉ có dịp Tết, người dân quê mới thực sự thong thả, xúm xít cùng nhau thưởng thức hương vị các món ăn Tết. Và, chỉ có dịp Tết, người dân quê mới khoan khoái, an nhàn tận hưởng hương vị cuộc sống. Cũng chính vì thế mà cái Tết ở làng quê là sự bừng lên rõ rệt nhất. Cứ thế, không khí chộn rộn chuẩn bị Tết, khiến xóm làng vốn tĩnh lặng cả năm, bỗng thức dậy từ giữa tháng chạp. Nhà nhà tất bật dọn dẹp sửa sang, cười nói rộn rã. Ngoài đường, hối hả kẻ đi bán, lật đật người đi mua. Rải rác từng nhóm đôi ba cô cậu đi làm ăn phương xa về nhà ăn Tết, tay xách vai mang, lỉnh kỉnh quà cáp, tinh tươm quần áo. Đường làng bỗng tươi tắn sắc màu, rộn ràng chào hỏi. Trẻ em hí hửng đùa nghịch, tung tăng chạy nhảy, hồn nhiên khoe nhau quần áo mới toanh, được cha mẹ, anh chị vừa sắm cho. Hàng xóm láng giềng í ới, lao xao hỏi mượn, trao đổi nhau ô nếp, lon đậu, bát đường... Hoặc nhờ chú, nhờ anh khéo tay gói giúp ang nếp bánh tét, bánh rò. Eng éc tiếng heo kêu làng trên xóm dưới, phía trong đầu ngoài. Người ta xôn xao mổ heo chia nhau cùng ăn Tết. “Có đói cũng ba ngày Tết, có hết cũng ba ngày mùa”, đó là cách người nông dân tự tưởng thưởng chính mình, sau một năm nhọc nhằn làm lụng. Xong nhà ông Hai, đến nhà bà Ba, rồi nhà chú Lúa, nhà cô Nếp..., nhộn nhịp lễ cúng tất niên kể từ ngày hai mươi ba, liên tục tới chiều ba mươi. Nhà nào cũng sum họp, tề tựu đông đủ ông bà, con cháu, dâu rể... Ấm cúng, đề huề. Và chắc chắn không bao giờ thiếu hàng xóm láng giềng. Những người luôn sẵn lòng sẻ chia lúc tối lửa tắt đèn. “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, chỉ có nơi làng quê, chỉ có người dân quê mới nghĩ, mới hiểu, mới nói, mới làm điều đó một cách vô tư nhất. Nghĩa xóm tình làng luôn sâu nặng, thắm thiết. Rồi cũng đến chiều ba mươi Tết, mọi việc hầu như đã xong xuôi. Nhà cửa, đường làng khang trang hẳn lên. Nhịp Tết của xóm làng lắng xuống một chút. Khi đêm dần buông, mọi người chờ đón giao thừa. Ngoài sân, bàn cúng đã được trang trọng bày sẵn. Trong nhà, bàn thờ tổ tiên cũng đã đầy đủ bánh trái, hoa quả. Khi phút giây giao hòa của năm cũ và năm mới điểm, hương đèn được thắp lên. Cha tôi trịnh trọng áo dài, khăn đóng, quỳ lạy, khấn vái. Khoảnh sân rộng, trong đêm trừ tịch, giữa đất trời mông mênh, kỳ vĩ, tôi nghe như hồn thiêng quê cha đất tổ lung linh trong ánh nến, kỳ ảo trong nghi ngút khói hương, khói trầm. Vào nhà, chắp tay trước bàn thờ tổ tiên trang nghiêm, tôi cảm nhận mối gắn kết thiêng liêng về cội nguồn tộc họ, về tôn ti thứ bậc họ hàng. Tất cả những điều rất bình thường, rất giản dị như thế ở làng quê, mà tôi chưa hề cảm nhận suốt gần hai mươi năm nơi phố xá xa hoa này, thì lòng tôi sao khỏi trống huơ, vắng lạnh, hẫng hụt, khi mỗi độ Tết đến, người ta kéo nhau về quê sum vầy, đoàn tụ, bỏ mặc thị thành buồn thiu, ngơ ngác. Có tôi trong nó, thẫn thờ, khắc khoải, chiều ba mươi nát ruột hát bài Về quê (*). 

       Để rồi nghẹn giọng “...thiếu quê hương ta về ta về đâu???”. Và, bật khóc ngon lành. Nhiều khi, thả trôi cảm xúc dập dềnh theo dòng hồi ức miên man, bằng giọng trầm buồn, nửa như có chủ ý, nửa bâng quơ, mẹ kể: “Hồi nớ, cha con đem cái nhau, rồi cái núm rún của con chôn sau vườn, gần bờ tre, giữa bụi chuối và gốc mít...”. 

       Cái nhau và núm rún ấy đã hóa đất từ lâu lắm rồi. Nhưng chắc chắn nó vẫn quẩn quanh, loay hoay trong lòng đất, chỗ gốc mít, bụi chuối, bờ tre xa xưa. 

           Nó là một phần máu thịt của tôi, cũng là của mẹ, của cha tôi. Thử hỏi chiều cuối năm rồi, mà quê nhà vẫn mịt mờ, xa lắc xa lơ, làm sao mình khỏi nát lòng nát dạ, khỏi thắt ruột thắt gan?!

 LÊ LỘC 

___________________________ 

 (*) Nhạc Phó Đức Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Hòa Văn: NIỆM TÌNH


Tưởng niệm nhà thơ Quảng Nam TƯỜNG LINH

♥️

Mùa đi...

Hoa cải... 

ngập ngừng

Thu ơi từ đó... 

tương phùng - biệt ly?

Về hỏi lại... 

Mây cố... tri 

Nghìn khuya... 

nghe vẳng khúc thi 

Cổ cầm... 

H.V 

------ 

Từ trước ... (ba chấm) là tên các tác phẩm của thi sĩ Tường Linh


Nhà thơ Tường Linh có tên khai sinh Nguyễn Linh, sinh ngày 12-12-1931 mất 5/2/2021. Quê quán làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là Quế Trung, Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam. Ông xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 thì vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến nay. Trước năm 1975 ông làm báo tại Sài Gòn, từng có thời gian phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hoà.

Tường Linh sáng tác nhiều từ những năm 1950, nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu quê hương đất nước. Ông thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ Chị Điện Hoà (1950) và Năm cụm núi quê hương (1954) của ông được nhiều người thuộc lòng, mãi cho đến nay. Đó là loại thơ kể chuyện, rất phù hợp với điều kiện lịch sử - xã hội vào thời điểm ấy. Năm 2011 Tường Linh đã thực hiện một tuyển tập thơ dày 672 trang do Nhà xuất bản Văn học phát hành với sự giúp đỡ của một số thân hữu.

Thơ đã xuất bản:
- Thơ tập làm thuở nhỏ (in thạch bản tại Tam Kỳ, 1950)
- Mùa đi (in thạch bản tại Bồng Sơn, 1953)
- Mùa hoa cải (in tại Huế, 1955)
- Mây cố quận (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1962)
- Nghìn khuya (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1965)
- Thu ơi từ đó (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1972)
- Giọt cổ cầm (NXB Đà Nẵng, 1998)
- Về hỏi lại (NXB Đà Nẵng, 2001)
- Thơ Tường Linh tuyển tập...

 

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Nguyễn Hữu Đổng: CỐ NHÂN, CỐ QUẬN...


 Tạp bút của Nguyễn Hữu Đổng 

 Lá bàng xưa thu đang rụng quanh đây... Cố nhân ơi ! không khóc mà mắt cay (Hạo Nhiên)

 Vĩnh Điện đẹp nhất khi nào, mùa nào ? Phương Nam không có nhiều thu vàng lá rụng, mà Vĩnh Điện không phải là phố trong Phố Phái, không có cánh rừng phong nhuốm màu quan san, không có hoa điệp vàng rải lang thang qua những nẻo đường. Những mùa đi qua với Vĩnh Điện bình thường, một thị trấn nhỏ trong hàng trăm thị trấn nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam. Vĩnh Điện không đẹp như cách người ta nghĩ, thông thường, giản dị. Phố đẹp không như tranh. Chỉ cần người đẹp đến có khi phố thành ra đẹp. Chỉ cần cố nhân, phố trở thành cố quận. Cố nhân của Vĩnh Điện là ai ? Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Phùng Quán, Lê Trọng Nguyễn, và ai nữa ?... Tác giả của Tiếng Thu như con nai vàng ngơ ngác trước bao biến cố của thời cuộc. Hội An, Vĩnh Điện trở thành nơi Lưu Trọng Lư gắn bó một cõi đi về, gắn với những mối tình trong giây lát và cái tình ngàn thu. Ở cái thị trấn nhỏ đó, ông đã tìm thấy những người bạn “khi họ đọc thơ cho tôi nghe...họ đỏ cả mặt như lần đầu tiên nhìn một cô gái...”. Không phóng đại như thi nhân Phùng Quán tôn vinh Vĩnh Điện, Điện Bàn là “vùng đất yêu thơ nhất nước”, Lưu Trọng Lư khe khẽ lưu dòng kỷ niệm rất đời: “Bình thường tôi ngồi bên bàn, im lặng, năm ba bạn trẻ đến với tôi. Có khi họ xách cho tôi một nải chuối, một vài cây mía. Có khi một bông hoa đẹp ngắt từ vườn mình...có khi vài cuốn tiểu thuyết vừa mua ở hàng sách. Lâu ngày thấy tôi chưa kịp thay áo, họ dẫn tôi về nhà, múc từng gáo nước đổ vào chum... Áo quần tôi thay ra, họ tự giặt và phơi ngoài sân. Có khi họ đánh hơi thấy tôi sạch túi, họ kéo tôi đi ăn cháo lòng hay cháo lươn, góp từng đồng nhỏ nhét vào túi tôi...” (*) Một cách yêu thơ, yêu nhà thơ chân thành ! Yêu đến độ đắm say, nồng nàn. Nhưng sao mà kỳ quá, có ai lại dẫn nhà thơ tình nổi tiếng của Thơ Mới đi dạo...hàng thịt ? Người dẫn đi đã lạ, nhà thơ Tiếng Thu, con nai ngơ ngác cũng đi thì càng lạ. Thì ra ở phố chợ đó, có một cô nàng. “Cô gái có lẽ cũng đã quá tuổi ba mươi. Khách hàng của cô lúc nào cũng đông...cô gái múa con dao trên tay, xẻo từng thớ thịt đặt lên cân. Có lần anh Đảnh mở miệng hỏi tôi: “Được chứ anh? Chị con chú bác của em đấy”. Xuân, một thằng bạn khác, một hôm nói thẳng với tôi: “Thằng Đảnh muốn gả người chị họ của nó cho mày đấy. Con một, mồ côi cha, hai mẹ con tậu được ba mẫu ruộng” (**) Giả dụ mối “lương duyên” kia được xe chỉ thì sẽ như thế nào? Những chuyện vặt vãnh được ghi chép tưởng bâng quơ, ngụ cái cười rất hóm cho người ta thấy sự hồn nhiên, chất phác của phố, của những người yêu thơ ở Vĩnh Điện xưa. Nhưng có lẽ chỉ một lần duy nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, có giây phút thiêng liêng, giây phút sầu mộng nhất chính là khi ông ứng khẩu một đoạn thơ dài trước công chúng yêu thơ. Ông kể : “Một hôm, đi qua thị trấn Vĩnh Điện, một thị trấn nhỏ trên đường Đà Nẵng- Hội An, nơi tôi có nhiều bạn bè, có một số người quý mến tôi. Trước công chúng không đông, tôi đã đọc lại một số đoạn trong vở kịch Ngọc Du, Ngọc Duệ của tôi. Tôi là người xúc động nhất trước những câu thơ thất vọng của tôi....Lúc bấy giờ như có thần linh hỗ trợ, tôi ứng khẩu đọc cả một đoạn thơ dài như vô tận. Những điệu vần lên xuống, đối ứng dập dềnh...chẳng khác nào một cánh chim đập giữa trời- những vần thơ chìm nổi. Tôi ứng khẩu xong một đoạn dài nói về số phận của tôi, từng bước chìm nổi của tôi. Rồi im lặng nhìn lại chút tro tàn đang bay..tôi ngồi xuống sàn rồi quay đầu như để giấu đi những giọt nước mắt. Đó là một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời văn học của tôi. Đoạn kịch thơ ứng khẩu đó, cũng không bao giờ tôi cố ghi chép lại. Việc này xảy ra với tôi chẳng khác nào như một giấc mộng” (***). Những nhà thơ nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, tìm thấy ở Vĩnh Điện xưa cả một trời yêu thơ. Thị trấn nhỏ mà tâm hồn thênh thang như những cánh đồng. Từ đó, ai qua mà không thấy nỗi vấn vương của khói tỏa lam chiều trên những làng mạc bao quanh, trên cánh đồng Tha La xanh thẳm, trên những hàng cau Bất Nhị in dấu thời gian từng bậc, từng bậc của thân gầy... Nguyễn Tuân, “cây tùy bút” hàng đầu đất Việt cũng qua đây để lại một đoạn kể về Bến Điện đầy nhớ thương, trải nghiệm. Nếu Lưu Trọng Lư trong cảnh mồ côi vợ ngược dòng lên Kỳ Lam để gửi hai con cho anh chị nuôi dưỡng, thì sau đó lại có Hoàng Phủ Ngọc Tường qua Kỳ Lam về Gò Nổi để như con chim bói cá già tựa một nhà hiền triết quan chiêm Đứa con phù sa. Rồi Sơn Nam, nhà văn Nam Bộ tài tử cũng một lần qua Điện Bàn để viết chuyện “Đi chơi ở Quảng”. Cùng đi với ông, là tác giả “ Hương Máu”, “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân lại đọc thơ cho các cô học trò trường Nguyễn Duy Hiệu với một trời đâu suất si tình... Người tài, người thơ, người đẹp đi qua nẻo đường nào thì gieo cho nơi ấy một chữ hoài, cho nơi ấy trở thành cố quận. Tôi “cảo thơm lần giở”, đọc lại những dòng xưa của cố nhân mà thảng thốt nỗi quan hoài về thị trấn nhỏ của mình. Những trang văn có thấm đẫm chất đời hay không thì chỉ cần qua phố ấy, chỉ cần lưu lại nơi phố ấy chút kỷ niệm của cố nhân. Đây là nỗi thảng thốt có thực, mà chính cố nhân đã tìm về : “Sau ngày đất nước giải phóng, tôi trở về mong gặp lại những gương mặt nho nhỏ đó của Hầu, Bạc, của Đảnh (những người bạn ở Vĩnh Điện của nhà thơ Lưu Trọng Lư - NV). Nhưng chưa bao giờ tôi còn được nhìn vào đôi mắt trong trẻo của những con nai nhỏ của đời tôi nữa?...Mất các bạn, nỗi vui đoàn tụ mất đi gần một nửa, các bạn có biết không ? Các bạn là tất cả tuổi trẻ của tôi, và mãi mãi là tuổi trẻ của tôi. Trong bao đau thương đen tối của đời tôi, các bạn là những điểm sáng” (****). Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, Nguyễn Văn Xuân... giờ chỉ còn trong gió thu. Vĩnh Điện sẽ còn lại gì nếu không níu giữ tiếng thu, tiếng xuân, tiếng tơ lòng giăng mắc của cố nhân ?.

N.H.Đ

 ----------------- 

(*), (**), (****): Dưới ngàn sao- Lưu Trọng Lư

 (***): Tro tàn giấy bay, Rút từ Hồi ký “ Nửa đêm sực tỉnh” của Lưu Trọng Lư.

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Trần Đức Anh Sơn: THU BỒN - TRÀ KIỆU - HỘI AN TRONG MẠNG LƯỚI THƯƠNG MẠI THỜI LÂM ẤP - CHAMPA VÀ THỜI CHÚA NGUYỄN


Link liên kết Trần Đức Anh Sơn: THU BỒN - TRÀ KIỆU - HỘI AN TRONG MẠNG LƯỚI THƯƠNG MẠI THỜI LÂM ẤP - CHAMPA VÀ THỜI CHÚA NGUYỄN

1. Trong cuốn sách Lưu dấu Champa Cố đô Simhapura - Trà Kiệu thế kỷ I đến thế kỷ XI do cố Linh mục An-Tôn Nguyễn Trường Thăng biên soạn[1], có giới thiệu một đồng tiền lạ được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ học tại thành Trà Kiệu. Đồng tiền này đã được gửi đến Viện Tiền đồng và Huy chương thuộc Bảo tàng Anh quốc (The British Museum) để giám định vào năm 1994.

Kết quả giám định cho biết đó là đồng dinar bằng vàng, đúc tại Hamadan (nay thuộc Iran). Đồng dinar này được đúc dưới triều đại Abbasid, thuộc vương triều Caliph Al-Muktafi Billah Abbasid trị vì từ năm 289 đến năm 295 theo Hồi lịch, tức là từ năm 902 đến năm 908 theo Tây lịch. Việc xuất hiện đồng dinar của một xứ sở Hồi giáo tận Trung Đông, có niên đại vào thế kỷ X, ở Trà Kiệu là một bằng chứng cho thấy đã có sự giao thương giữa Champa với các nước Trung Đông từ thế kỷ X. Và Trà Kiệu, kinh đô của Champa lúc bấy giờ đã là một trung tâm kinh tế - chính trị của vương quốc Champa cổ đại, trước khi trở thành một trọng địa trong mạng lưới thương mại nội vùng (kết nối giữa miền xuôi và miền ngược), cũng như trong mạng lưới hải thương quốc tế (kết nối giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài) vào thời các chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong.

Câu chuyện trên đây phản ánh một hiện thực liên quan đến vai trò của “trục giao thương” dựa vào sông Thu Bồn, dòng sông Mẹ của xứ Quảng, cùng các chi - phụ lưu của nó tạo thành một “mạng lưới trao đổi ven sông” (riverine exchange network), kết nội cảng thị Hội An, kinh đô Trà Kiệu với vùng rừng núi phía Tây Quảng Nam; thông thương với “con đường tơ lụa trên biển” (maritime silk road) trong thời đại Đại thương mại (Grand Commerce Age) vào các thế kỷ XVII - XVIII.

2. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ núi Ngọc Linh trên dãy Trường Sơn, chảy vào địa phận Quảng Nam, hợp lưu với sông Vu Gia, chảy qua trước thành Trà Kiệu (Duy Xuyên). Đến làng Văn Ly (Điện Bàn) thì sông chia thành hai dòng nam (sông Cái) và bắc (sông Thu Bồn). Hai dòng tách ra ôm Gò Nổi vào lòng rồi nhập với nhau tại bến Câu Lâu (giang cảng của dinh trấn Thanh Chiêm). Từ đó dòng Thu Bồn xuôi về Hội An để đổ ra cửa Đại.[2]

Sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (người Trung Quốc), viết vào thế kỷ IV, khi đề cập vương quốc Lâm Ấp[3] đã gọi sông này là Hoài giang, từ đó mới khai sinh địa danh Hoài phố (tức Hội An) sau này, và người Tây phương chép thành Faifo. Vào thời kỳ Champa, do sông chảy qua đô thành Simhapura (tức thành Trà Kiệu) của tiểu quốc Amavarati nên sông có tên gọi là Kraun Simhapura. Trong Chiêm ngữ, Kraun là “sông”, Simhapura là “Đô thành Sư tử” nên Kraun Simhapura có nghĩa là “sông Đô thành Sư tử”. Danh xưng Kraun Simhapura được nhà khảo cổ người Pháp Louis Finot (1864 - 1935) phát hiện vào năm 1903 khi ông đọc một văn bia Chăm do vua Jaya Harivarman I cho dựng ở Mỹ Sơn.[4]

Thời Nguyễn (1802 - 1945), các sách dư địa chí nhà Nguyễn đều ghi tên sông Thu Bồn là Sài Thị giang (柴市江: sông Chợ Củi) hay Sài giang (柴江) do sông chảy qua Chợ Củi ở bến Câu Lâu, nơi có một khu chợ bán củi sầm uất nằm phía tây nam Dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).[5]

Tên Thu Bồn xuất hiện từ lúc nào, đến nay vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã đậu thuyền trên sông này và viết bài thơ Thu Bồn dạ bạc (Đêm đậu thuyền bến Thu Bồn) lưu truyền cho hậu thế. Như vậy là tên Thu Bồn phải có trước thời điểm vua Lê Thánh Tông trên đường “bình Chiêm” đã dừng chân nơi đây vào năm 1471.

Trong suốt thời kỳ Lâm Ấp - Champa, hay như cách gọi của GS. Trần Quốc Vượng, là “thời kỳ trước Việt”, thì Thu Bồn chính là dòng sông Mẹ, là mạch nguồn tươi mát bồi đắp phù sa cho vùng châu thổ Quảng Nam; là nơi cung cấp sinh kế cho các cộng đồng cư dân bản địa sinh tụ ở đây: từ người Chăm ở vùng cận duyên cho đến các sắc dân thiểu số ở thượng nguồn xứ Quảng. Dòng sông, cùng với các chi - phụ lưu của nó đã tạo nên hệ thống thủy đạo kết nối miền biển, vùng hạ du và vùng cao xứ Quảng. Đây là mạng lưới giao thương cung cấp muối và các sản phẩm từ biển cho đồng bào miền ngược; thâu nhận lâm thổ sản từ vùng cao chở về đồng bằng duyên hải, tiếp nhận nông lâm sản, hàng thủ công ở hạ du, tập trung về Chiêm cảng để giao thương với thương nhân nước ngoài.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông: “Trước khi có dấu chân người Việt tiếp nhận chính thức vùng đất miền Trung, lịch sử đã bày ra ở đây một “bàn cờ” nhộn nhịp bằng các đầu mối giao thông và trao đổi hàng hóa ở những cửa sông, cảng biển. Là nơi nối miền núi với miền xuôi, nối mối quan hệ giữa các vương quốc Nam Ấn, vùng Địa Trung Hải, Đông Á, Đông Nam Á với các châu lục khác. Đó chính là yếu tố gợi mở, tạo nên bước chuyển đáng kể cho các chủ nhân người Việt kế thừa và hình thành những điểm nhấn quan trọng, xác lập những mối quan hệ trong hoạt động ngoại thương. Hội An (Kẻ Chiêm, Đại Chiêm hải khẩu) chính là sự tiếp nối làm nên sức sống mới cho xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn”.[6]

Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) và sau đó kiêm quản cả xứ Quảng (1570), hợp thành vùng đất Thuận - Quảng, vùng đất phên dậu cực Nam của Đại Việt và là bàn đạp để các thế hệ kế tục ông mở cõi về phương Nam, thì xứ Quảng đã là nơi được lựa chọn để phát triển thành một “đặc khu kinh tế”, làm tiền đề để phát triển Đàng Trong thành một vương quốc hùng mạnh, đủ sức đương đầu với Đàng Ngoài.

Với phương châm “chúa ở phủ, thế tử ở dinh”, các chúa Nguyễn từ Nguyễn Phúc Nguyên đến Nguyễn Phúc Tần đã liên tiếp cử các thế tử (con trai trưởng của các chúa) vào trấn thủ ở xứ Quảng, cho lập dinh Quảng Nam như một đơn vị hành chính đặc biệt, áp dụng các chính sách cởi mở về thương mại (đặc biệt là ngoại thương), đồng thời tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, thúc đẩy các ngành nghề thủ công, tăng cường giao lưu buôn bán nội vùng… để phát triển kinh tế. Các chúa Nguyễn đã “kế thừa một cách khôn ngoan và sáng tạo bản quy hoạch theo đường sông Thu Bồn từ các Chiêm vương”[7], phục hưng Chiêm cảng xưa với tên gọi mới là Hội An, biến nơi đây thành một cửa ngỏ quan trọng bậc nhất để thông thương với bên ngoài.

Trong bối cảnh lịch sử mới, sông Thu Bồn vẫn giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới kinh tế nội vùng. Theo GS. Trần Quốc Vượng, “các thương thuyền bạn hàng cũ của Champa vốn quen thuộc với Chiêm cảng thì vẫn ghé qua lại nơi đây. Hải Phố - Hội An cùng với những bạn hàng mới (Nhật Bản, phương Tây) vừa tới cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và Nhật Bản. Người Việt xứ Quảng trong những thế kỷ XVI - XVIII: vẫn tận dụng được những truyền thống của đồng quê Bắc Bộ và của người Chàm cổ về trồng dâu chăm tằm, ươm tơ, dệt lụa trên đôi bờ Thu Bồn mà có nguồn xuất khẩu lớn về tơ lụa; vẫn tận dụng và khơi sâu những nguồn lợi về rừng ở cả ba nguồn Thu Bồn, Vu Gia, Chiên Đàn mà xuất khẩu lâm thổ sản (gỗ quí, quế, trầm hương, mật ong...). Ba nguồn rừng, ba nguồn sông những mạch máu giao thông từ thẳm sâu cơ thể xứ Quảng phong nhiêu dồn tỏa ra biển Cửa Đại trong cùng một dòng sông Thu Bồn - Sài Thị đôi bờ ngàn dâu xanh ngắt một màu bộc lộ một nền kinh tế khỏe khoắn và vẫn còn giàu tiềm lực ở một miền đất rất cổ nhưng cũng rất mới mà lớp chủ nhân mới là những di dân cởi mở hơn trong tâm thức và thế ứng xử biết làm ruộng nhưng cũng biết buôn, biết bán”.[8]

3. Đóng vai trò chính trong sự hưng thịnh của xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong nói chung trong thời kỳ này chính là thương cảng Hội An. Nơi đây là đầu mối kết nối thương mại quốc tế với thương mại nội vùng của xứ Đàng Trong. Theo đó, sông Thu Bồn tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ nội địa đến thương cảng Hội An để xuất khẩu, và phân phối hàng hóa nhập khẩu qua thương cảng Hội An đến các vùng miền, từ hạ du đến thượng nguồn, thông qua mạng lưới thủy đạo gồm các sông: Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Li Li, Vu Gia…

Nhờ vị trí đắc địa mà Hội An trở thành một giang - hải cảng (riverino - maritime port) bởi nơi đây là ngã tư đường thủy, hợp lưu của ba con sông, sông Thu Bồn, sông Cổ Cò và sông Trường Giang trước khi đổ ra cửa Đại Chiêm. Hải thuyền có trọng tải lớn, cũng như những chiếc ghe bầu chở hàng hóa nhỏ hơn đều dễ dàng cập bến. Hội An là một ngã tư quốc tế khi nằm trên giao lộ của hải trình từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và ngược lại; hơn nữa Hội An còn là cái cửa mở lối vào nội địa cũng như từ nội địa ra đại dương.[9]

Theo những ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục, thuyền buôn nước ngoài đến Hội An mang theo các mặt hàng may mặc, vải, giấy, đồ đồng, đồ gỗ, sành sứ, đồ thờ cúng, tạp hóa, thực phẩm, dược phẩm. Trong đó, đồ sành sứ chiếm tỉ lệ 4,64%, đứng hàng thứ tư trong số các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhập khẩu vào Hội An.[10] Về hàng xuất khẩu, Hội An xuất ra nước ngoài các mặt hàng: gỗ, đặc sản quý hiếm (như sừng tê, ngà voi, trầm hương, yến sào), hải sản, kim loại, nông sản thực phẩm, hàng thủ công, dược phẩm.[11]

Theo GS. Charles Wheeler, một trong những học giả tiên phong của chủ thuyết riverine exchange network (mạng lưới trao đổi ven sông), thì cảng Hội An là một điểm sáng về mậu dịch khu vực, trong mối quan hệ hội nhập một cách thuần thục và quan trọng, đối với con đường hàng hải liên quốc gia. Đây là cảng biển cực thịnh trong suốt các thế kỷ XVII - XVIII, được dùng như một điểm xuất nhập khẩu với những chuyến tàu phục vụ cho mậu dịch hàng hải ở châu Á. Có được sự phồn thịnh trên là nhờ những chiếc thuyền vận chuyển trong thủy lộ ven biển, nối kết các cửa sông lại với nhau, thông thương với các sông ngòi trong nội địa ở xứ Quảng để mở rộng hoạt động giao thương, tìm nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu cũng như tái phân phối hàng hóa nhập khẩu vào Đàng Trong.[12]

Thế kỷ XVII - XVIII là thời đại Đại thương mại (Grand Commerce Age), bước khởi nguyên của chủ nghĩa tư bản hiện đại, Hội An may mắn nằm trên tuyến đường buôn bán tơ lụa, gốm sứ và hương liệu tấp nập nhất thế giới nên đã từng đưa đón bao chuyến thương thuyền của người Tây phương, người Nhật và Trung Hoa ghé qua. Các đời chúa Nguyễn đều nhận thức rõ điều đó nên chỉ cần có thêm một chính sách ngoại thương thông thoáng thì Hội An trở thành bầu sữa nuôi sống cả vương triều Đàng Trong. Đó là lý do tại sao Hội An trở thành một thương cảng sầm uất không chỉ ở Đại Việt mà cả vùng Đông Nam Á trong hơn hai thế kỷ XVII và XVIII.[13]

Có thể nói rằng, với dòng sông Thu Bồn làm trục giao thương chính, Trà Kiệu và Hội An là hai trọng địa chính trị - kinh tế trên trục giao thương ấy trong các thời kỳ Lâm Ấp - Champa và thời chúa Nguyễn, xứ Quảng và rộng hơn là miền Trung và Đàng Trong đã có một nền kinh tế phát triển, trong đó thương nghiệp đóng vai trò xương sống của nền kinh tế.

Đặc biệt, kể từ khi các chúa Nguyễn vào tiếp quản vùng đất cũ của người Chăm, lập nên vương quốc Đàng Trong tự cường, tự chủ, tách bạch với Đàng Ngoài thì mạng lưới kinh tế dựa trên trục giao thương Thu Bồn - Trà Kiệu - Hội An càng giữ một vai trò quan trọng, tác động đến sự hưng thịnh của cả vương quốc Đàng Trong.

Hay như nhận xét của Li Tana trong bản luận án tiến sĩ xuất sắc, viết về lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam vào các thế kỷ XVII - XVII, rằng: “Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn bảo đảm rằng, chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam, chỉ trong vòng ít thập niên, trở nên giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía bắc và mở rộng về phía nam. Không có thương mại, Đàng Trong khó có thể tồn tại nổi cho dù tài nguyên thiên nhiên có dồi dào, vì những khó khăn mà vương quốc này phải đương đầu. Thiếu nhân lực, thiếu tiền của, không có sẵn quan hệ với bên ngoài và nhiều khó khăn khác, nhất là khi phải xây dựng trên một vùng đất mới giành được từ một dân tộc khác, có một nền văn hóa khác. Ngoại thương trở thành yếu tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp không có gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có nhiều tiềm lực gấp đôi, gấp ba Đàng Trong về mọi mặt. Đối với các nước khác ở Đông Nam Á, vấn đề ngoại thương chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là vấn đề sống chết”.[14]

Đó cũng chính là sự đóng góp của xứ Quảng vào vận mệnh của Đàng Trong, của Việt Nam trong lịch sử vậy.

T.Đ.A.S.

Bài in trên XUÂN DUY XUYÊN 2021 (tr. 41 - 45).
-----------
Chú thích:

[1] Linh mục An-Tôn Nguyễn Trường Thăng (Sưu tầm và biên soạn), Lưu dấu Champa Cố đô Simhapura - Trà Kiệu thế kỷ I đến thế kỷ XI, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 80.

[2], [5], [7], [9], [13] Đinh Bá Truyền, Sông Thu Bồn, https://www.facebook.com/truyen.dinhba/posts/1297567306926592

[3] Lâm Ấp (林邑) là một vương quốc đã tồn tại từ khoảng năm 192 đến năm 605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam hiện nay. Vương quốc này được coi là tiền thân của vương quốc Champa sau này.

[4] Louis Finot, “Notes d’épigraphie: XI. Les inscriptions de Mĩ-Sơn”, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année 1904, Volume 4, Numéro 1, p. 915. Dẫn theo: Đinh Bá Truyền, Bài đã dẫn.

[6] Nguyễn Hữu Thông, “Biển trong lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn của Charles Wheeler (Dẫn liệu từ vùng Thuận Quảng)”, Nghiên cứu Lịch sử, Số 10.2011, tr. 36.

[8] Trần Quốc Vượng, “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An (23 - 24.7.1985). Dẫn lại từ: https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/Chiem-cang-Hoi-An-voi-cai-nhin-ve-bien-cua-nguoi-Cham-va-nguoi-Viet-407.html

[10], [11] Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập 1 (Phủ biên tạp lục), Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 357-358.

[12] C. Wheeler, “Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Intergration of Thuan Quang, Seventeenth-Eighteenth Centuries”, Journal of Southeast Asia Studies, 37.1 (Feb, 2006), pp. 123-154.

[14] Li Tana, Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nxb Trẻ, TPHCM, 1999, tr. 85.