Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Nguyễn Hữu Đổng: CỐ NHÂN, CỐ QUẬN...


 Tạp bút của Nguyễn Hữu Đổng 

 Lá bàng xưa thu đang rụng quanh đây... Cố nhân ơi ! không khóc mà mắt cay (Hạo Nhiên)

 Vĩnh Điện đẹp nhất khi nào, mùa nào ? Phương Nam không có nhiều thu vàng lá rụng, mà Vĩnh Điện không phải là phố trong Phố Phái, không có cánh rừng phong nhuốm màu quan san, không có hoa điệp vàng rải lang thang qua những nẻo đường. Những mùa đi qua với Vĩnh Điện bình thường, một thị trấn nhỏ trong hàng trăm thị trấn nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam. Vĩnh Điện không đẹp như cách người ta nghĩ, thông thường, giản dị. Phố đẹp không như tranh. Chỉ cần người đẹp đến có khi phố thành ra đẹp. Chỉ cần cố nhân, phố trở thành cố quận. Cố nhân của Vĩnh Điện là ai ? Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Phùng Quán, Lê Trọng Nguyễn, và ai nữa ?... Tác giả của Tiếng Thu như con nai vàng ngơ ngác trước bao biến cố của thời cuộc. Hội An, Vĩnh Điện trở thành nơi Lưu Trọng Lư gắn bó một cõi đi về, gắn với những mối tình trong giây lát và cái tình ngàn thu. Ở cái thị trấn nhỏ đó, ông đã tìm thấy những người bạn “khi họ đọc thơ cho tôi nghe...họ đỏ cả mặt như lần đầu tiên nhìn một cô gái...”. Không phóng đại như thi nhân Phùng Quán tôn vinh Vĩnh Điện, Điện Bàn là “vùng đất yêu thơ nhất nước”, Lưu Trọng Lư khe khẽ lưu dòng kỷ niệm rất đời: “Bình thường tôi ngồi bên bàn, im lặng, năm ba bạn trẻ đến với tôi. Có khi họ xách cho tôi một nải chuối, một vài cây mía. Có khi một bông hoa đẹp ngắt từ vườn mình...có khi vài cuốn tiểu thuyết vừa mua ở hàng sách. Lâu ngày thấy tôi chưa kịp thay áo, họ dẫn tôi về nhà, múc từng gáo nước đổ vào chum... Áo quần tôi thay ra, họ tự giặt và phơi ngoài sân. Có khi họ đánh hơi thấy tôi sạch túi, họ kéo tôi đi ăn cháo lòng hay cháo lươn, góp từng đồng nhỏ nhét vào túi tôi...” (*) Một cách yêu thơ, yêu nhà thơ chân thành ! Yêu đến độ đắm say, nồng nàn. Nhưng sao mà kỳ quá, có ai lại dẫn nhà thơ tình nổi tiếng của Thơ Mới đi dạo...hàng thịt ? Người dẫn đi đã lạ, nhà thơ Tiếng Thu, con nai ngơ ngác cũng đi thì càng lạ. Thì ra ở phố chợ đó, có một cô nàng. “Cô gái có lẽ cũng đã quá tuổi ba mươi. Khách hàng của cô lúc nào cũng đông...cô gái múa con dao trên tay, xẻo từng thớ thịt đặt lên cân. Có lần anh Đảnh mở miệng hỏi tôi: “Được chứ anh? Chị con chú bác của em đấy”. Xuân, một thằng bạn khác, một hôm nói thẳng với tôi: “Thằng Đảnh muốn gả người chị họ của nó cho mày đấy. Con một, mồ côi cha, hai mẹ con tậu được ba mẫu ruộng” (**) Giả dụ mối “lương duyên” kia được xe chỉ thì sẽ như thế nào? Những chuyện vặt vãnh được ghi chép tưởng bâng quơ, ngụ cái cười rất hóm cho người ta thấy sự hồn nhiên, chất phác của phố, của những người yêu thơ ở Vĩnh Điện xưa. Nhưng có lẽ chỉ một lần duy nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, có giây phút thiêng liêng, giây phút sầu mộng nhất chính là khi ông ứng khẩu một đoạn thơ dài trước công chúng yêu thơ. Ông kể : “Một hôm, đi qua thị trấn Vĩnh Điện, một thị trấn nhỏ trên đường Đà Nẵng- Hội An, nơi tôi có nhiều bạn bè, có một số người quý mến tôi. Trước công chúng không đông, tôi đã đọc lại một số đoạn trong vở kịch Ngọc Du, Ngọc Duệ của tôi. Tôi là người xúc động nhất trước những câu thơ thất vọng của tôi....Lúc bấy giờ như có thần linh hỗ trợ, tôi ứng khẩu đọc cả một đoạn thơ dài như vô tận. Những điệu vần lên xuống, đối ứng dập dềnh...chẳng khác nào một cánh chim đập giữa trời- những vần thơ chìm nổi. Tôi ứng khẩu xong một đoạn dài nói về số phận của tôi, từng bước chìm nổi của tôi. Rồi im lặng nhìn lại chút tro tàn đang bay..tôi ngồi xuống sàn rồi quay đầu như để giấu đi những giọt nước mắt. Đó là một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời văn học của tôi. Đoạn kịch thơ ứng khẩu đó, cũng không bao giờ tôi cố ghi chép lại. Việc này xảy ra với tôi chẳng khác nào như một giấc mộng” (***). Những nhà thơ nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, tìm thấy ở Vĩnh Điện xưa cả một trời yêu thơ. Thị trấn nhỏ mà tâm hồn thênh thang như những cánh đồng. Từ đó, ai qua mà không thấy nỗi vấn vương của khói tỏa lam chiều trên những làng mạc bao quanh, trên cánh đồng Tha La xanh thẳm, trên những hàng cau Bất Nhị in dấu thời gian từng bậc, từng bậc của thân gầy... Nguyễn Tuân, “cây tùy bút” hàng đầu đất Việt cũng qua đây để lại một đoạn kể về Bến Điện đầy nhớ thương, trải nghiệm. Nếu Lưu Trọng Lư trong cảnh mồ côi vợ ngược dòng lên Kỳ Lam để gửi hai con cho anh chị nuôi dưỡng, thì sau đó lại có Hoàng Phủ Ngọc Tường qua Kỳ Lam về Gò Nổi để như con chim bói cá già tựa một nhà hiền triết quan chiêm Đứa con phù sa. Rồi Sơn Nam, nhà văn Nam Bộ tài tử cũng một lần qua Điện Bàn để viết chuyện “Đi chơi ở Quảng”. Cùng đi với ông, là tác giả “ Hương Máu”, “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân lại đọc thơ cho các cô học trò trường Nguyễn Duy Hiệu với một trời đâu suất si tình... Người tài, người thơ, người đẹp đi qua nẻo đường nào thì gieo cho nơi ấy một chữ hoài, cho nơi ấy trở thành cố quận. Tôi “cảo thơm lần giở”, đọc lại những dòng xưa của cố nhân mà thảng thốt nỗi quan hoài về thị trấn nhỏ của mình. Những trang văn có thấm đẫm chất đời hay không thì chỉ cần qua phố ấy, chỉ cần lưu lại nơi phố ấy chút kỷ niệm của cố nhân. Đây là nỗi thảng thốt có thực, mà chính cố nhân đã tìm về : “Sau ngày đất nước giải phóng, tôi trở về mong gặp lại những gương mặt nho nhỏ đó của Hầu, Bạc, của Đảnh (những người bạn ở Vĩnh Điện của nhà thơ Lưu Trọng Lư - NV). Nhưng chưa bao giờ tôi còn được nhìn vào đôi mắt trong trẻo của những con nai nhỏ của đời tôi nữa?...Mất các bạn, nỗi vui đoàn tụ mất đi gần một nửa, các bạn có biết không ? Các bạn là tất cả tuổi trẻ của tôi, và mãi mãi là tuổi trẻ của tôi. Trong bao đau thương đen tối của đời tôi, các bạn là những điểm sáng” (****). Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, Nguyễn Văn Xuân... giờ chỉ còn trong gió thu. Vĩnh Điện sẽ còn lại gì nếu không níu giữ tiếng thu, tiếng xuân, tiếng tơ lòng giăng mắc của cố nhân ?.

N.H.Đ

 ----------------- 

(*), (**), (****): Dưới ngàn sao- Lưu Trọng Lư

 (***): Tro tàn giấy bay, Rút từ Hồi ký “ Nửa đêm sực tỉnh” của Lưu Trọng Lư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét