Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Nguyễn Hữu Đổng: CỐ NHÂN, CỐ QUẬN...


 Tạp bút của Nguyễn Hữu Đổng 

 Lá bàng xưa thu đang rụng quanh đây... Cố nhân ơi ! không khóc mà mắt cay (Hạo Nhiên)

 Vĩnh Điện đẹp nhất khi nào, mùa nào ? Phương Nam không có nhiều thu vàng lá rụng, mà Vĩnh Điện không phải là phố trong Phố Phái, không có cánh rừng phong nhuốm màu quan san, không có hoa điệp vàng rải lang thang qua những nẻo đường. Những mùa đi qua với Vĩnh Điện bình thường, một thị trấn nhỏ trong hàng trăm thị trấn nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam. Vĩnh Điện không đẹp như cách người ta nghĩ, thông thường, giản dị. Phố đẹp không như tranh. Chỉ cần người đẹp đến có khi phố thành ra đẹp. Chỉ cần cố nhân, phố trở thành cố quận. Cố nhân của Vĩnh Điện là ai ? Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Phùng Quán, Lê Trọng Nguyễn, và ai nữa ?... Tác giả của Tiếng Thu như con nai vàng ngơ ngác trước bao biến cố của thời cuộc. Hội An, Vĩnh Điện trở thành nơi Lưu Trọng Lư gắn bó một cõi đi về, gắn với những mối tình trong giây lát và cái tình ngàn thu. Ở cái thị trấn nhỏ đó, ông đã tìm thấy những người bạn “khi họ đọc thơ cho tôi nghe...họ đỏ cả mặt như lần đầu tiên nhìn một cô gái...”. Không phóng đại như thi nhân Phùng Quán tôn vinh Vĩnh Điện, Điện Bàn là “vùng đất yêu thơ nhất nước”, Lưu Trọng Lư khe khẽ lưu dòng kỷ niệm rất đời: “Bình thường tôi ngồi bên bàn, im lặng, năm ba bạn trẻ đến với tôi. Có khi họ xách cho tôi một nải chuối, một vài cây mía. Có khi một bông hoa đẹp ngắt từ vườn mình...có khi vài cuốn tiểu thuyết vừa mua ở hàng sách. Lâu ngày thấy tôi chưa kịp thay áo, họ dẫn tôi về nhà, múc từng gáo nước đổ vào chum... Áo quần tôi thay ra, họ tự giặt và phơi ngoài sân. Có khi họ đánh hơi thấy tôi sạch túi, họ kéo tôi đi ăn cháo lòng hay cháo lươn, góp từng đồng nhỏ nhét vào túi tôi...” (*) Một cách yêu thơ, yêu nhà thơ chân thành ! Yêu đến độ đắm say, nồng nàn. Nhưng sao mà kỳ quá, có ai lại dẫn nhà thơ tình nổi tiếng của Thơ Mới đi dạo...hàng thịt ? Người dẫn đi đã lạ, nhà thơ Tiếng Thu, con nai ngơ ngác cũng đi thì càng lạ. Thì ra ở phố chợ đó, có một cô nàng. “Cô gái có lẽ cũng đã quá tuổi ba mươi. Khách hàng của cô lúc nào cũng đông...cô gái múa con dao trên tay, xẻo từng thớ thịt đặt lên cân. Có lần anh Đảnh mở miệng hỏi tôi: “Được chứ anh? Chị con chú bác của em đấy”. Xuân, một thằng bạn khác, một hôm nói thẳng với tôi: “Thằng Đảnh muốn gả người chị họ của nó cho mày đấy. Con một, mồ côi cha, hai mẹ con tậu được ba mẫu ruộng” (**) Giả dụ mối “lương duyên” kia được xe chỉ thì sẽ như thế nào? Những chuyện vặt vãnh được ghi chép tưởng bâng quơ, ngụ cái cười rất hóm cho người ta thấy sự hồn nhiên, chất phác của phố, của những người yêu thơ ở Vĩnh Điện xưa. Nhưng có lẽ chỉ một lần duy nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, có giây phút thiêng liêng, giây phút sầu mộng nhất chính là khi ông ứng khẩu một đoạn thơ dài trước công chúng yêu thơ. Ông kể : “Một hôm, đi qua thị trấn Vĩnh Điện, một thị trấn nhỏ trên đường Đà Nẵng- Hội An, nơi tôi có nhiều bạn bè, có một số người quý mến tôi. Trước công chúng không đông, tôi đã đọc lại một số đoạn trong vở kịch Ngọc Du, Ngọc Duệ của tôi. Tôi là người xúc động nhất trước những câu thơ thất vọng của tôi....Lúc bấy giờ như có thần linh hỗ trợ, tôi ứng khẩu đọc cả một đoạn thơ dài như vô tận. Những điệu vần lên xuống, đối ứng dập dềnh...chẳng khác nào một cánh chim đập giữa trời- những vần thơ chìm nổi. Tôi ứng khẩu xong một đoạn dài nói về số phận của tôi, từng bước chìm nổi của tôi. Rồi im lặng nhìn lại chút tro tàn đang bay..tôi ngồi xuống sàn rồi quay đầu như để giấu đi những giọt nước mắt. Đó là một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời văn học của tôi. Đoạn kịch thơ ứng khẩu đó, cũng không bao giờ tôi cố ghi chép lại. Việc này xảy ra với tôi chẳng khác nào như một giấc mộng” (***). Những nhà thơ nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, tìm thấy ở Vĩnh Điện xưa cả một trời yêu thơ. Thị trấn nhỏ mà tâm hồn thênh thang như những cánh đồng. Từ đó, ai qua mà không thấy nỗi vấn vương của khói tỏa lam chiều trên những làng mạc bao quanh, trên cánh đồng Tha La xanh thẳm, trên những hàng cau Bất Nhị in dấu thời gian từng bậc, từng bậc của thân gầy... Nguyễn Tuân, “cây tùy bút” hàng đầu đất Việt cũng qua đây để lại một đoạn kể về Bến Điện đầy nhớ thương, trải nghiệm. Nếu Lưu Trọng Lư trong cảnh mồ côi vợ ngược dòng lên Kỳ Lam để gửi hai con cho anh chị nuôi dưỡng, thì sau đó lại có Hoàng Phủ Ngọc Tường qua Kỳ Lam về Gò Nổi để như con chim bói cá già tựa một nhà hiền triết quan chiêm Đứa con phù sa. Rồi Sơn Nam, nhà văn Nam Bộ tài tử cũng một lần qua Điện Bàn để viết chuyện “Đi chơi ở Quảng”. Cùng đi với ông, là tác giả “ Hương Máu”, “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân lại đọc thơ cho các cô học trò trường Nguyễn Duy Hiệu với một trời đâu suất si tình... Người tài, người thơ, người đẹp đi qua nẻo đường nào thì gieo cho nơi ấy một chữ hoài, cho nơi ấy trở thành cố quận. Tôi “cảo thơm lần giở”, đọc lại những dòng xưa của cố nhân mà thảng thốt nỗi quan hoài về thị trấn nhỏ của mình. Những trang văn có thấm đẫm chất đời hay không thì chỉ cần qua phố ấy, chỉ cần lưu lại nơi phố ấy chút kỷ niệm của cố nhân. Đây là nỗi thảng thốt có thực, mà chính cố nhân đã tìm về : “Sau ngày đất nước giải phóng, tôi trở về mong gặp lại những gương mặt nho nhỏ đó của Hầu, Bạc, của Đảnh (những người bạn ở Vĩnh Điện của nhà thơ Lưu Trọng Lư - NV). Nhưng chưa bao giờ tôi còn được nhìn vào đôi mắt trong trẻo của những con nai nhỏ của đời tôi nữa?...Mất các bạn, nỗi vui đoàn tụ mất đi gần một nửa, các bạn có biết không ? Các bạn là tất cả tuổi trẻ của tôi, và mãi mãi là tuổi trẻ của tôi. Trong bao đau thương đen tối của đời tôi, các bạn là những điểm sáng” (****). Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, Nguyễn Văn Xuân... giờ chỉ còn trong gió thu. Vĩnh Điện sẽ còn lại gì nếu không níu giữ tiếng thu, tiếng xuân, tiếng tơ lòng giăng mắc của cố nhân ?.

N.H.Đ

 ----------------- 

(*), (**), (****): Dưới ngàn sao- Lưu Trọng Lư

 (***): Tro tàn giấy bay, Rút từ Hồi ký “ Nửa đêm sực tỉnh” của Lưu Trọng Lư.

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Trần Đức Anh Sơn: THU BỒN - TRÀ KIỆU - HỘI AN TRONG MẠNG LƯỚI THƯƠNG MẠI THỜI LÂM ẤP - CHAMPA VÀ THỜI CHÚA NGUYỄN


Link liên kết Trần Đức Anh Sơn: THU BỒN - TRÀ KIỆU - HỘI AN TRONG MẠNG LƯỚI THƯƠNG MẠI THỜI LÂM ẤP - CHAMPA VÀ THỜI CHÚA NGUYỄN

1. Trong cuốn sách Lưu dấu Champa Cố đô Simhapura - Trà Kiệu thế kỷ I đến thế kỷ XI do cố Linh mục An-Tôn Nguyễn Trường Thăng biên soạn[1], có giới thiệu một đồng tiền lạ được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ học tại thành Trà Kiệu. Đồng tiền này đã được gửi đến Viện Tiền đồng và Huy chương thuộc Bảo tàng Anh quốc (The British Museum) để giám định vào năm 1994.

Kết quả giám định cho biết đó là đồng dinar bằng vàng, đúc tại Hamadan (nay thuộc Iran). Đồng dinar này được đúc dưới triều đại Abbasid, thuộc vương triều Caliph Al-Muktafi Billah Abbasid trị vì từ năm 289 đến năm 295 theo Hồi lịch, tức là từ năm 902 đến năm 908 theo Tây lịch. Việc xuất hiện đồng dinar của một xứ sở Hồi giáo tận Trung Đông, có niên đại vào thế kỷ X, ở Trà Kiệu là một bằng chứng cho thấy đã có sự giao thương giữa Champa với các nước Trung Đông từ thế kỷ X. Và Trà Kiệu, kinh đô của Champa lúc bấy giờ đã là một trung tâm kinh tế - chính trị của vương quốc Champa cổ đại, trước khi trở thành một trọng địa trong mạng lưới thương mại nội vùng (kết nối giữa miền xuôi và miền ngược), cũng như trong mạng lưới hải thương quốc tế (kết nối giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài) vào thời các chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong.

Câu chuyện trên đây phản ánh một hiện thực liên quan đến vai trò của “trục giao thương” dựa vào sông Thu Bồn, dòng sông Mẹ của xứ Quảng, cùng các chi - phụ lưu của nó tạo thành một “mạng lưới trao đổi ven sông” (riverine exchange network), kết nội cảng thị Hội An, kinh đô Trà Kiệu với vùng rừng núi phía Tây Quảng Nam; thông thương với “con đường tơ lụa trên biển” (maritime silk road) trong thời đại Đại thương mại (Grand Commerce Age) vào các thế kỷ XVII - XVIII.

2. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ núi Ngọc Linh trên dãy Trường Sơn, chảy vào địa phận Quảng Nam, hợp lưu với sông Vu Gia, chảy qua trước thành Trà Kiệu (Duy Xuyên). Đến làng Văn Ly (Điện Bàn) thì sông chia thành hai dòng nam (sông Cái) và bắc (sông Thu Bồn). Hai dòng tách ra ôm Gò Nổi vào lòng rồi nhập với nhau tại bến Câu Lâu (giang cảng của dinh trấn Thanh Chiêm). Từ đó dòng Thu Bồn xuôi về Hội An để đổ ra cửa Đại.[2]

Sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (người Trung Quốc), viết vào thế kỷ IV, khi đề cập vương quốc Lâm Ấp[3] đã gọi sông này là Hoài giang, từ đó mới khai sinh địa danh Hoài phố (tức Hội An) sau này, và người Tây phương chép thành Faifo. Vào thời kỳ Champa, do sông chảy qua đô thành Simhapura (tức thành Trà Kiệu) của tiểu quốc Amavarati nên sông có tên gọi là Kraun Simhapura. Trong Chiêm ngữ, Kraun là “sông”, Simhapura là “Đô thành Sư tử” nên Kraun Simhapura có nghĩa là “sông Đô thành Sư tử”. Danh xưng Kraun Simhapura được nhà khảo cổ người Pháp Louis Finot (1864 - 1935) phát hiện vào năm 1903 khi ông đọc một văn bia Chăm do vua Jaya Harivarman I cho dựng ở Mỹ Sơn.[4]

Thời Nguyễn (1802 - 1945), các sách dư địa chí nhà Nguyễn đều ghi tên sông Thu Bồn là Sài Thị giang (柴市江: sông Chợ Củi) hay Sài giang (柴江) do sông chảy qua Chợ Củi ở bến Câu Lâu, nơi có một khu chợ bán củi sầm uất nằm phía tây nam Dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).[5]

Tên Thu Bồn xuất hiện từ lúc nào, đến nay vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã đậu thuyền trên sông này và viết bài thơ Thu Bồn dạ bạc (Đêm đậu thuyền bến Thu Bồn) lưu truyền cho hậu thế. Như vậy là tên Thu Bồn phải có trước thời điểm vua Lê Thánh Tông trên đường “bình Chiêm” đã dừng chân nơi đây vào năm 1471.

Trong suốt thời kỳ Lâm Ấp - Champa, hay như cách gọi của GS. Trần Quốc Vượng, là “thời kỳ trước Việt”, thì Thu Bồn chính là dòng sông Mẹ, là mạch nguồn tươi mát bồi đắp phù sa cho vùng châu thổ Quảng Nam; là nơi cung cấp sinh kế cho các cộng đồng cư dân bản địa sinh tụ ở đây: từ người Chăm ở vùng cận duyên cho đến các sắc dân thiểu số ở thượng nguồn xứ Quảng. Dòng sông, cùng với các chi - phụ lưu của nó đã tạo nên hệ thống thủy đạo kết nối miền biển, vùng hạ du và vùng cao xứ Quảng. Đây là mạng lưới giao thương cung cấp muối và các sản phẩm từ biển cho đồng bào miền ngược; thâu nhận lâm thổ sản từ vùng cao chở về đồng bằng duyên hải, tiếp nhận nông lâm sản, hàng thủ công ở hạ du, tập trung về Chiêm cảng để giao thương với thương nhân nước ngoài.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông: “Trước khi có dấu chân người Việt tiếp nhận chính thức vùng đất miền Trung, lịch sử đã bày ra ở đây một “bàn cờ” nhộn nhịp bằng các đầu mối giao thông và trao đổi hàng hóa ở những cửa sông, cảng biển. Là nơi nối miền núi với miền xuôi, nối mối quan hệ giữa các vương quốc Nam Ấn, vùng Địa Trung Hải, Đông Á, Đông Nam Á với các châu lục khác. Đó chính là yếu tố gợi mở, tạo nên bước chuyển đáng kể cho các chủ nhân người Việt kế thừa và hình thành những điểm nhấn quan trọng, xác lập những mối quan hệ trong hoạt động ngoại thương. Hội An (Kẻ Chiêm, Đại Chiêm hải khẩu) chính là sự tiếp nối làm nên sức sống mới cho xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn”.[6]

Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) và sau đó kiêm quản cả xứ Quảng (1570), hợp thành vùng đất Thuận - Quảng, vùng đất phên dậu cực Nam của Đại Việt và là bàn đạp để các thế hệ kế tục ông mở cõi về phương Nam, thì xứ Quảng đã là nơi được lựa chọn để phát triển thành một “đặc khu kinh tế”, làm tiền đề để phát triển Đàng Trong thành một vương quốc hùng mạnh, đủ sức đương đầu với Đàng Ngoài.

Với phương châm “chúa ở phủ, thế tử ở dinh”, các chúa Nguyễn từ Nguyễn Phúc Nguyên đến Nguyễn Phúc Tần đã liên tiếp cử các thế tử (con trai trưởng của các chúa) vào trấn thủ ở xứ Quảng, cho lập dinh Quảng Nam như một đơn vị hành chính đặc biệt, áp dụng các chính sách cởi mở về thương mại (đặc biệt là ngoại thương), đồng thời tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, thúc đẩy các ngành nghề thủ công, tăng cường giao lưu buôn bán nội vùng… để phát triển kinh tế. Các chúa Nguyễn đã “kế thừa một cách khôn ngoan và sáng tạo bản quy hoạch theo đường sông Thu Bồn từ các Chiêm vương”[7], phục hưng Chiêm cảng xưa với tên gọi mới là Hội An, biến nơi đây thành một cửa ngỏ quan trọng bậc nhất để thông thương với bên ngoài.

Trong bối cảnh lịch sử mới, sông Thu Bồn vẫn giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới kinh tế nội vùng. Theo GS. Trần Quốc Vượng, “các thương thuyền bạn hàng cũ của Champa vốn quen thuộc với Chiêm cảng thì vẫn ghé qua lại nơi đây. Hải Phố - Hội An cùng với những bạn hàng mới (Nhật Bản, phương Tây) vừa tới cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và Nhật Bản. Người Việt xứ Quảng trong những thế kỷ XVI - XVIII: vẫn tận dụng được những truyền thống của đồng quê Bắc Bộ và của người Chàm cổ về trồng dâu chăm tằm, ươm tơ, dệt lụa trên đôi bờ Thu Bồn mà có nguồn xuất khẩu lớn về tơ lụa; vẫn tận dụng và khơi sâu những nguồn lợi về rừng ở cả ba nguồn Thu Bồn, Vu Gia, Chiên Đàn mà xuất khẩu lâm thổ sản (gỗ quí, quế, trầm hương, mật ong...). Ba nguồn rừng, ba nguồn sông những mạch máu giao thông từ thẳm sâu cơ thể xứ Quảng phong nhiêu dồn tỏa ra biển Cửa Đại trong cùng một dòng sông Thu Bồn - Sài Thị đôi bờ ngàn dâu xanh ngắt một màu bộc lộ một nền kinh tế khỏe khoắn và vẫn còn giàu tiềm lực ở một miền đất rất cổ nhưng cũng rất mới mà lớp chủ nhân mới là những di dân cởi mở hơn trong tâm thức và thế ứng xử biết làm ruộng nhưng cũng biết buôn, biết bán”.[8]

3. Đóng vai trò chính trong sự hưng thịnh của xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong nói chung trong thời kỳ này chính là thương cảng Hội An. Nơi đây là đầu mối kết nối thương mại quốc tế với thương mại nội vùng của xứ Đàng Trong. Theo đó, sông Thu Bồn tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ nội địa đến thương cảng Hội An để xuất khẩu, và phân phối hàng hóa nhập khẩu qua thương cảng Hội An đến các vùng miền, từ hạ du đến thượng nguồn, thông qua mạng lưới thủy đạo gồm các sông: Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Li Li, Vu Gia…

Nhờ vị trí đắc địa mà Hội An trở thành một giang - hải cảng (riverino - maritime port) bởi nơi đây là ngã tư đường thủy, hợp lưu của ba con sông, sông Thu Bồn, sông Cổ Cò và sông Trường Giang trước khi đổ ra cửa Đại Chiêm. Hải thuyền có trọng tải lớn, cũng như những chiếc ghe bầu chở hàng hóa nhỏ hơn đều dễ dàng cập bến. Hội An là một ngã tư quốc tế khi nằm trên giao lộ của hải trình từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và ngược lại; hơn nữa Hội An còn là cái cửa mở lối vào nội địa cũng như từ nội địa ra đại dương.[9]

Theo những ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục, thuyền buôn nước ngoài đến Hội An mang theo các mặt hàng may mặc, vải, giấy, đồ đồng, đồ gỗ, sành sứ, đồ thờ cúng, tạp hóa, thực phẩm, dược phẩm. Trong đó, đồ sành sứ chiếm tỉ lệ 4,64%, đứng hàng thứ tư trong số các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhập khẩu vào Hội An.[10] Về hàng xuất khẩu, Hội An xuất ra nước ngoài các mặt hàng: gỗ, đặc sản quý hiếm (như sừng tê, ngà voi, trầm hương, yến sào), hải sản, kim loại, nông sản thực phẩm, hàng thủ công, dược phẩm.[11]

Theo GS. Charles Wheeler, một trong những học giả tiên phong của chủ thuyết riverine exchange network (mạng lưới trao đổi ven sông), thì cảng Hội An là một điểm sáng về mậu dịch khu vực, trong mối quan hệ hội nhập một cách thuần thục và quan trọng, đối với con đường hàng hải liên quốc gia. Đây là cảng biển cực thịnh trong suốt các thế kỷ XVII - XVIII, được dùng như một điểm xuất nhập khẩu với những chuyến tàu phục vụ cho mậu dịch hàng hải ở châu Á. Có được sự phồn thịnh trên là nhờ những chiếc thuyền vận chuyển trong thủy lộ ven biển, nối kết các cửa sông lại với nhau, thông thương với các sông ngòi trong nội địa ở xứ Quảng để mở rộng hoạt động giao thương, tìm nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu cũng như tái phân phối hàng hóa nhập khẩu vào Đàng Trong.[12]

Thế kỷ XVII - XVIII là thời đại Đại thương mại (Grand Commerce Age), bước khởi nguyên của chủ nghĩa tư bản hiện đại, Hội An may mắn nằm trên tuyến đường buôn bán tơ lụa, gốm sứ và hương liệu tấp nập nhất thế giới nên đã từng đưa đón bao chuyến thương thuyền của người Tây phương, người Nhật và Trung Hoa ghé qua. Các đời chúa Nguyễn đều nhận thức rõ điều đó nên chỉ cần có thêm một chính sách ngoại thương thông thoáng thì Hội An trở thành bầu sữa nuôi sống cả vương triều Đàng Trong. Đó là lý do tại sao Hội An trở thành một thương cảng sầm uất không chỉ ở Đại Việt mà cả vùng Đông Nam Á trong hơn hai thế kỷ XVII và XVIII.[13]

Có thể nói rằng, với dòng sông Thu Bồn làm trục giao thương chính, Trà Kiệu và Hội An là hai trọng địa chính trị - kinh tế trên trục giao thương ấy trong các thời kỳ Lâm Ấp - Champa và thời chúa Nguyễn, xứ Quảng và rộng hơn là miền Trung và Đàng Trong đã có một nền kinh tế phát triển, trong đó thương nghiệp đóng vai trò xương sống của nền kinh tế.

Đặc biệt, kể từ khi các chúa Nguyễn vào tiếp quản vùng đất cũ của người Chăm, lập nên vương quốc Đàng Trong tự cường, tự chủ, tách bạch với Đàng Ngoài thì mạng lưới kinh tế dựa trên trục giao thương Thu Bồn - Trà Kiệu - Hội An càng giữ một vai trò quan trọng, tác động đến sự hưng thịnh của cả vương quốc Đàng Trong.

Hay như nhận xét của Li Tana trong bản luận án tiến sĩ xuất sắc, viết về lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam vào các thế kỷ XVII - XVII, rằng: “Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn bảo đảm rằng, chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam, chỉ trong vòng ít thập niên, trở nên giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía bắc và mở rộng về phía nam. Không có thương mại, Đàng Trong khó có thể tồn tại nổi cho dù tài nguyên thiên nhiên có dồi dào, vì những khó khăn mà vương quốc này phải đương đầu. Thiếu nhân lực, thiếu tiền của, không có sẵn quan hệ với bên ngoài và nhiều khó khăn khác, nhất là khi phải xây dựng trên một vùng đất mới giành được từ một dân tộc khác, có một nền văn hóa khác. Ngoại thương trở thành yếu tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp không có gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có nhiều tiềm lực gấp đôi, gấp ba Đàng Trong về mọi mặt. Đối với các nước khác ở Đông Nam Á, vấn đề ngoại thương chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là vấn đề sống chết”.[14]

Đó cũng chính là sự đóng góp của xứ Quảng vào vận mệnh của Đàng Trong, của Việt Nam trong lịch sử vậy.

T.Đ.A.S.

Bài in trên XUÂN DUY XUYÊN 2021 (tr. 41 - 45).
-----------
Chú thích:

[1] Linh mục An-Tôn Nguyễn Trường Thăng (Sưu tầm và biên soạn), Lưu dấu Champa Cố đô Simhapura - Trà Kiệu thế kỷ I đến thế kỷ XI, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 80.

[2], [5], [7], [9], [13] Đinh Bá Truyền, Sông Thu Bồn, https://www.facebook.com/truyen.dinhba/posts/1297567306926592

[3] Lâm Ấp (林邑) là một vương quốc đã tồn tại từ khoảng năm 192 đến năm 605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam hiện nay. Vương quốc này được coi là tiền thân của vương quốc Champa sau này.

[4] Louis Finot, “Notes d’épigraphie: XI. Les inscriptions de Mĩ-Sơn”, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année 1904, Volume 4, Numéro 1, p. 915. Dẫn theo: Đinh Bá Truyền, Bài đã dẫn.

[6] Nguyễn Hữu Thông, “Biển trong lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn của Charles Wheeler (Dẫn liệu từ vùng Thuận Quảng)”, Nghiên cứu Lịch sử, Số 10.2011, tr. 36.

[8] Trần Quốc Vượng, “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An (23 - 24.7.1985). Dẫn lại từ: https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/Chiem-cang-Hoi-An-voi-cai-nhin-ve-bien-cua-nguoi-Cham-va-nguoi-Viet-407.html

[10], [11] Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập 1 (Phủ biên tạp lục), Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 357-358.

[12] C. Wheeler, “Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Intergration of Thuan Quang, Seventeenth-Eighteenth Centuries”, Journal of Southeast Asia Studies, 37.1 (Feb, 2006), pp. 123-154.

[14] Li Tana, Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nxb Trẻ, TPHCM, 1999, tr. 85.