Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Truyện ngắn Hòa Văn: TRÂU HAY

Ảnh nguồn internet


CHẲNG cần tới tháng tám nắng mới nám trái bưởi, do biến đổi khí hậu, nửa tháng năm dương lịch mà thời tiết oi bức nắng như thiêu như đốt, cách đây mấy bữa trước có mưa rải rác xã Tây, xã Trung, còn ở xã Đông nầy không có hột mưa nào, cánh đồng từ sau gặt hái trơ gốc rạ, những đám ruộng cày bệ đất khô ải trắng bốc, vụ Hè thu tới không biết ra sao chứ vụ Đông xuân vừa rồi nhiều diện tích lúa, màu đang trổ gặp đợt mưa lạnh bất thường, ngô hạt không đầy cùi, đậu phụng nhiều trái vú heo, lúa ngơ bông lép hạt, năng suất giảm trên dưới ba mươi phần trăm, có thửa hư nặng hơn sản lượng thua hết một nửa so với cùng vụ năm ngoái.
Làm ruộng nói như bốn Nghiên “Cơm cũ đổi gạo mới” đầu vụ cày bừa, gieo cấy… lam lũ cuối vụ thu hoạch xong trả các khoản chi phí phân bón, thuốc men, công cán… chẳng còn bao nhiêu, được cái có lúa gạo trong nhà đỡ lo đói, nhà nào làm ruộng chay không dễ gì khá lên!.

Sáng nay bốn Nghiên đưa trâu ra đồng cày mở hàng, thông thường nếu không hạn trạm thuỷ lợi xóm Hạ bơm nước đổ bệ, cày dầm khoẻ hơn, nay cày ruộng khô, ban đầu trâu cày khí thế lắm, đến gần nửa buổi nắng quá trâu bắt đầu lơ, bốn Nghiên phải tâng lưỡi cày lên, cho cày ăn đất cạn nhẹ bớt, thế mà trâu vẫn ì ạch, bốn Nghiên tay vút roi, miệng quát tháo đủ điều trâu cũng chỉ cố kéo cày thêm mấy đường, rồi lại ngó nam ngó bắc.
 Hò trâu dừng lại, lấy điện thoại di động xem đồng hồ.
Bốn Nghiên nói với ba Ngơi đang lom khom xớt bờ ruộng kế bên:
“Hơn chín giờ rồi! hèn chi mình mệt lả, nghỉ uống nước, ba Ngơi!” 

                            

Dưới bóng râm vạt cây keo lá tràm, bốn Nghiên lót nón lá ngồi dựa lưng vào bờ đất, cùng hai ông bạn nhà nông trong xóm, người ngồi bó gối, người ngồi bệt trên cán cuốc, uống nước trà trò chuyện (nước đựng trong chai nhựa mỗi người mang theo). Trâu nằm sải chân, mắt lim dim. Chặp chặp có một chút gió nhưng gió mang theo hơi nóng hầm hập càng nóng thêm.
Con trâu của bốn Nghiên có dáng dấp chững chạc khoan thai lưng dài vai rộng, cặp chân trước thon, xoáy đẹp đóng ở bàn toạ, mỗi ngày cày ít nhất mẫu ruộng nước, hoặc hơn nửa mẫu đất thổ, vì thế nó có tên trâu hay.
Bốn Nghiên hỏi:
“Bảy Khi ơi, mi biết tại răng họ nói ngu như trâu không?”
 Bị hỏi bất thình lình bảy Khi ú ớ trả lời: “Nó ngu họ nói ngu chứ răng tê chi!” “Nói như mi tau hỏi cái đầu gối chắc hơn!”.
Bảy Khi lâu nay được dân làng biết đến là người có tiếng hay chữ dù không học trường lớp nào cao xa, làm chức sắc chi to lớn nhưng được cái chịu khó tự mày mò học hỏi sách vở, có trí nhớ dai, thông thạo nhiều chuyện, bị bốn Nghiên chọc nổi nóng bừng bừng.
Bảy Khi nói: “Không ngu sao được, trong lúc chó, gà, dê, ngỗng, … rồi hổ, báo, … cũng là con vật mà nó sướng ru, sinh ra là ăn chơi mút mùa, đói ăn, khát uống, còn con trâu suốt đời làm lụng vất vả không ngu mới lạ!”.
Ba Ngơi không chịu:
“Làm nhiều đâu phải là ngu! Ví như mình đây quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ngu à!”.
Bảy Khi tức anh ách, bữa nay đến ba Ngơi cũng cãi lại mình! bảy Khi gằn giọng:
“Theo chú mi tại răng ngu?”.
“Hà… hà… bảy Khi <botay.kom> rồi phải không? Bó tay nói bó tay để ba Ngơi tôi nói”.
Ba Ngơi cười tươi rói, gật gật cái đầu tỏ ra hớn hở lắm, bởi hồi tối Thy con gái Ba Ngơi dô mạng Internet đọc được câu trả lời như sau - Rất đơn giản bởi vì con người thông minh hơn trâu nên mới gọi nó ngu, chứ nếu một mai có một loài động vật nào đó thông minh hơn con người thì loài động vật đó sẽ bảo nhau là: "Ngu như người” – Đọc xong Thy hỏi họ nói vậy có đúng không ba? đúng hay không ba Ngơi chưa trả lời với con gái - nhưng bây giờ dựa vào thông tin mạng ba Ngơi trả lời bảy Khi một cách lưu loát, bảo bảy Khi không tức sao được!
Trâu hay nằm vểnh tai nghe, chẳng rõ có biết gì không mà loanh quanh  hết đứng lại nằm y như bụng đang bị đốt lửa rơm! bốn Nghiên quấn điếu thuốc lá to bằng ngón cẳng cái, thò tay vào túi áo lấy họp quẹt ga bật lửa mồi thuốc hít một hơi thật đã, rồi nói:
“Bữa nay tau nghe ba Ngơi nói được, ít nhất cũng có lý, có lẽ như rứa, chứ bảy Khi thì chỉ khoác lác thôi!”. Bảy Khi nãy giờ nuốt cơn giận bấm bụng cho qua, tính đứng dậy đi xớt bờ cuốc góc tiếp nào ngờ bốn Nghiên còn nói móc họng, bảy Khi chống cuốc lên tiếng:
“Không giỡn nghe! thứ trâu, bò mà kể dô! nói về các loài động vật trên rừng dưới biển ở đây ai rành bằng! không thể nói như ba Ngơi được”.
Bốn Nghiên xoe tròn mắt, vặn vẹo: “Không biết dựa cột nghe, không cà kê!” Đoạn đứng phứt dậy bỏ đi.
Bảy Khi xông vào túm lấy cổ áo bốn Nghiên hành hung. Trâu hay đứng bật dậy dùng cặp sừng nhọn hoắt xốc bảy Khi giống như người ta cất vó kéo cá mùa lũ lụt rồi vất xuống nghe cái bịch. Bất ngờ, bảy Khi bị đòn đau quá, mặt méo xẹo kêu gào náo động cả cánh đồng. Bốn đứa con bảy Khi đang độ trai tráng, nghe cha bị trâu hay húc, giận dữ kéo đến la ó đòi ăn thua đủ, thay vì coi thử ông cha có bị thương tích gì không, lại hè nhau dùng cuốc đánh trâu mà lạ trâu hay chẳng có phản ứng gì, đưa đầu chịu trận xong lăn đùng ra chết. Bảy Khi toá hoả bỏ chạy về nhà, may mà chỉ trầy sước sơ sơ ở thắt lưng.
Các con bảy Khi tuyên bố:
“Bao nhiêu tiền! đền!”
Rồi mổ thịt trâu chia nhau ăn.
Trâu hay chết nhà bốn Nghiên và bà con xóm Hạ tiếc lắm! Thoa, cô con gái út bốn Nghiên từ lúc có trâu hay tới nay thường ngày chăn dắt tắm rửa cho nó ăn uống nên không những tiếc mà còn khóc lóc mấy ngày liền.
Thoa nói:
“Trong hai con trâu nhà nuôi, trâu hay hiền lành hơn trâu mộng nhiều lắm!”

                   
                             ***

Từ xưa trâu là loài vật được coi là biểu tượng cát lợi, từ lâu con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông. Theo bốn Nghiên con trâu đạo mạo tựa “người học vấn cao” cỡ “tiến sĩ giấy” xếp sau trâu mấy chục bậc! trâu khôn chứ không ngu như người ta tưởng, bằng chứng nó làm tốt nhiều việc con người bày biểu, nhớ hồi làm thịt con trâu ở tổ sản xuất xóm Hạ, biết sắp chết nước mắt nó đổ ràn rụa, quỳ hai chân trước xuống tỏ ý van xin người ta đừng giết nó!.
Có lẽ vì quá mến thương nên mấy đêm bốn Nghiên ngủ mơ thấy trâu hay về cho biết các loài động vật sau khi chết lúc qua sông Hắc Thuỷ tất cả đều phải ăn cháo lú nhằm quên mọi sự việc ở trần thế, kiếp trước trâu hay bất tuân, nhận bát cháo xong len lén đổ bỏ, rồi cũng giả khờ giả dại qua sông, nhưng làm sao qua mắt Diêm Vương được, nên bị đày làm trâu.
 Lần nầy trâu hay ăn cháo lú qua sông Hắc Thuỷ rồi.
H.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét