Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

TRUYỆN NGẮN HÒA VĂN: CHO TÔI TRÁI TIM


HÒA VĂN



1.
Chuyện ông Phú ở thành phố Thiên Ân nầy mất tích gây nên một cơn địa chấn mạnh... Cả khu phố nơi ông Phú ở suốt tuần qua không ai ngủ ngon giấc vì thương cảm ông. “Một con người như thế nhất định không thể có kết cuộc bi thảm như thế!”. Dư luận râm rang.
Ông “đờn cò”, người chuyên đi nhạc lễ cho các đám ma. Trong đội nhạc ông thủ cây đờn có một không hai, nó giản dị à không nó đơn giản vô cùng chỉ cần sợi ny lon, cái gáo dừa, đoạn tre hoặc gỗ làm cái cần, rồi tra gắn lại thành cây đờn cò. Dùng một cành tre hay gỗ có mắc lông đuôi ngựa gọi là cung vĩ, những lông đuôi ngựa nằm giữa hai dây đàn để kéo đẩy, cọ xát vào dây đàn tạo ra âm thanh. Do những lông đuôi ngựa kẹt hai dây đàn nên ta không thể tách rời cung vĩ khỏi thân đàn. Ông "đờn cò” mà đờn theo phách theo nhịp đúng bài đúng bản, bản nào cũng hay, có bản hay mà buồn đến nẫu gan ruột.
Là bạn thân nhất nên từ hôm nghe tin ông Phú mất tích đến nay ông "đờn cò" bỏ cả ăn uống, người bơ phờ tinh thần suy sụp trông thấy.
Con ông nói:
“Cha coi chừng ông Phú mất tích nay mai sẽ về còn cha “đi” luôn!.”.
Ông  cười cười... miệng méo xệch để lộ ra hàm răng dưới cái đã giã từ cái không chịu giã từ lại xiêu vẹo lung lay ai nhìn thấy vào lúc nầy sẽ vừa mắc cười vừa thương thương ông quá!.
Dứt cười ông giỡn như thiệt:
“Được như vậy càng tốt chứ sợ gì mà “doạ”?”.
Lương - con ông “đờn cò” - đứng cười trừ trước câu nói của người cha. Lương biết rất rõ cặp bài trùng “ông Phú và  ông “đờn cò””” mà cả tuần nay không gặp nhau mức độ nhớ nhớ thương thương đến cung bậc nào rồi!. Bởi vậy bây giờ anh và gia đình tìm mọi cách an ủi để ông khuây khoả phần nào hẵng tính!
. Anh Lương bàn với vợ con như thế!.
2.
Thành phố đông đúc người, ai có phần nấy. Từ tờ mờ sáng hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau không có thời gian nào ở ngoài đường phố yên tiếng xe chạy. Chỉ có thưa xe hay kẹt xe!. Còn chốn vui chơi như nhà hàng My My lại coi như không có ban ngày, lúc nào chỗ nào ở đây thâu đêm cũng nhấp nha nhấp nháy đèn điện được lắp đặt theo công nghệ điện tử tiên tiến nhất đảm bảo tiết kiệm, tiêu hao năng lượng thấp nhất, ban ngày lại có kỹ thuật làm giảm ánh sáng đảm bảo lờ mờ hệt như chạng vạng tối!.
Ông Phú mất tích nhà hàng thất thu một khoảng đáng kể nếu không nói là rất đáng kể, bởi con trai ông Phú không đến đây thì thôi hễ đến ngoài bạn bè chí cốt còn có thêm kẻ tình người nghĩa, kẻ kiếm chác mối lợi gì đó... người đang nhờ đỡ một điều gì đó cả hai cùng lợi... Lượng khách chính và phụ rất đông và vui, đó là chưa tính số người phục vụ mà khi phục vụ luôn đảm bảo đạt yêu cầu - hấp dẫn - an toàn nhất, sẽ nhận bo hậu hỉ!.
Chủ nhà hàng mới đầu tư năm mươi tỷ vào đây hỏi sao không đau lòng xót ruột!. Do vậy không ai nhờ chính nhà hàng đang tích cực hơn cả người con trai ông Phú trong mọi khâu công việc tìm kiếm người mất tích.
3.
Ông Phú lơ mơ nhìn khung cảnh hết sức tráng lệ. Kiểm tra lại trí nhớ ông thấy còn y chứ đâu có tụt “dem” nào, thế mà không rõ nó cứ lơ mơ. Hôm mới tới nơi đây khâu đầu tiên thế giới - từ “thế giới” là ông tình cờ nghe một người đến trước ông một tuần nói, ông chưa hình dung cụ thể “thế giới” đây nó to lớn độ nào - “Nhưng thôi cứ cho là vậy.”. Ông Phú lơ mơ trong đầu. Ông nghĩ trở lại... Hôm mới tới nơi đây khâu đầu tiên thế giới ở đây đưa ông đi kiểm tra sức khoẻ, chú ý nhất trái tim. Đây là cũng do nghe người ta nói lại...
Sau một tuần hết thăm khám đến điều trị cơ thể ông già bảy mươi tám tuổi bỗng nhiên cường tráng một cách hết sức bất ngờ. Suy từ mình ra người... ông Phú nói “Chẳng lẽ ở đây toàn là người trước khi bước chân vào đây là những ông bà cụ già khú sụ sắp tới ngày xuống lỗ (Ý nói chết đem chôn cất) thế mà chỉ có một động tác đơn giản tặng trái tim cho... Cho ai làm gì không được thông báo vì đây là cơ mật! họ nói như thế thì nghe như thế có ai hỏi bao giờ đâu mà biết!." Ông Phú nói với người mới quen:
“So với ở nhà giờ tôi khoẻ và...”.
Cái nầy không biết có được nói công khai không nhưng ông Phú nói cái gì không cấm thì nói và làm... ông lặp lại:
“So với ở nhà giờ tôi khoẻ mà... vô cảm!”.
Vô cảm ai cũng biết rồi theo từ điển tiếng Việt:
“Vô cảm (tt): Không có cảm giác”.
Nhưng theo chỗ ông Phú hiểu vô cảm được nâng lên thành một trạng thái không còn giải nghĩa đơn thuần theo sách từ điển “không có cảm giác” nữa mà nó biểu thị thái độ của một người nào, cộng đồng nào đấy trước mọi việc xảy ra đều dửng dưng ví dụ dửng dưng trước cảnh khổ cực của người khác mà người dửng dưng không thấy một chút lương tâm cắn rức, cái nầy riết rồi quen sẽ dẫn đến nhẫn tâm mà logic biện chứng khoa tâm lý học cho biết sẽ có thời điểm “con người ấy” sẽ (lại sẽ tức là ở thì tương lai...) tiến tới làm những điều trái với đạo lý nhân nghĩa. Nhẫn tâm hại ai đó một cách vô cảm!. Ông Phú ngồi suy nghĩ mung lung hết cái nọ đến cái kia tựa một vòng tròn. Vòng tròn nhỏ, vòng tròn lớn, vòng tròn lớn hơn, lớn hơn lờ mờ có rõ ràng có...
4.
Ông Phú bây giờ đã quên quê kiểng. Nơi ông đang sống có đàn ông đàn bà mà chẳng thấy có con nít. Đây là cái lạ. Ai cũng trẻ trung mà sao tuyệt tự?. Do quy định!. Do bất lực!. Do vô cảm?. Lý do sau cùng nghe hữu lý nhưng cũng chưa chắc phải. Lấy ông ra làm phép đối chứng thì “con” người của ông đôi khi cũng cảm thấy còn chun chút rạo rực... ham muốn... mà sao trong lòng rổng tếch... Nhiều khi ông cố bày tỏ điều gì đó giông giống “tình yêu” cố gắng mấy cũng vô ích. Người em gái của ông “đến trước một tuần” đẹp nết đẹp người đôi khi lân la chuyện trò với ông cũng nói có lúc trong lồng ngực cô đau như có kim chích, tính tìm nguyên nhân lát sau không còn cảm thấy nữa nên ông bác sĩ bảo “Cô tưởng tượng chứ làm gì có loại bệnh đó ở tại đây!”. “Bác sĩ mà nói thì đúng”. Cô em ông “đến trước một tuần” nói thầm trong bụng như vậy!.
Ông Phú chăm chú nhìn cô gái không chớp mắt...
5.
Ông “đờn cò” nói:
“Chuyện nầy chắc do tôi vô cùng thương nhớ ông bạn già Phú nên mỗi đêm cứ chợp mắt được một chút đỉnh tôi lại thấy ông Phú kể chuyện rõ mồn một từng phân đoạn. Các phân đoạn ráp lại thành bài bản...”.
Ông tiếp lời:
“Ngày xưa... có một cụ già hồi trai trẻ bỏ ra nhiều sức lực, tâm trí làm lụng nuôi con cái gầy dựng gia đình ấm êm. Những đứa con gái lớn khôn đi lấy chồng xa còn một thằng con trai út tướng tá khôi ngô nổi tiếng học giỏi một thời ở bậc Trung học rồi Đại học. Học xong không chịu làm lính ai,  tự lập công ty kinh doanh... Như diều gặp gió làm gì trúng nấy chẳng mấy chốc trở thành đại gia nhà cao cửa rộng, câu chuyện y chang nhà ông Phú, thiên hạ bên ngoài trông thấy không rõ sao chứ trong nhà ông Phú buồn... Một phần bây giờ các con ông sống chỉ vì tiền, con trai, con dâu cả hai đứa cháu nội trai một đứa gái đang độ tuổi ăn tuổi lớn cũng nhiễm căn bệnh “chủ yếu tiền”. Đôi ba lần ông khuyên giải không ai nghe đã đành còn đánh tiếng “ông già cổ!”.
Thấy họ chơi cây kiểng cây thế anh con trai ông Phú cũng chơi. Kiểng của anh toàn hàng độc tiền trăm triệu và có cây lên bạc tỷ. Ông Phú trở thành người chăm cây cho con lúc nào không hay. Theo đúng các quy trình nghệ nhân cây cảnh chỉ dẫn trên tacalog mà sao cây kiểng trong vườn mỗi ngày một héo hon, nhiều cây muốn chết. Một hôm ông nghĩ hay là "Cây cũng như chim muông nó ở đất rộng trời cao quen rồi nay đưa vô chậu vô đĩa nó bực bội... chết dần chết mòn...”.
Ông “đờn cò” buồn buồn nhìn ra đường. Đường rộng nhà cao đẹp đẽ là thế mà sao... Ông lại nghĩ có lần đi máy bay ra miền Trung kéo đờn cò phục vụ một lễ hội di sản, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường ngồi nhìn xuống thấy một góc của thành phố, nào người nào xe lúc nhúc lủi nhủi nối đuôi nhau chạy... như đàn kiến vỡ tổ!.
Rồi lại liên hệ tới ông Phú, tội ông quá! Coi sóc cây không xong bằng lén lút mang từng cây một ra một đồi cách phố không xa trồng nó trở lại xuống đất. Vườn kiểng ngày thưa dần mà anh con trai chẳng hề quan tâm chẳng hay biết, đến nỗi ông vào “Rừng cây” của ông trồng trên đồi ở lại trên đó. Đến tháng thứ hai cả khu phố mới biết tin ông Phú mất tích...  Cây ông Phú trồng lên xanh tươi tốt còn ông... chết!. Nguyên nhân cái chết của “ông già cổ” đang được ngành chức năng điều tra làm rõ.
Nghe ông “đờn cò” kể lại chuyện những giấc mơ thấy ông Phú như vậy, người con trai ông Phú ôm mặt khóc tức tưởi...
Anh nói như hét: “Xin cho tôi trái tim!"./.

Hòa Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét