Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn HÒA VĂN: HAI HIÊU


HÒA VĂN



Mới mờ mờ sáng chợ Đũi(*) ở miền đất bán sơn địa nầy đã tấp nập kẻ bán người mua. Hai Hiêu “nghề nghiệp” gánh nước thuê kiêm quét chợ, mười bữa như chục dù có muốn ngủ nướng thêm chút xíu nữa cũng không được bằng phải thức dậy theo.
Người kỳ cựu ở đây như ông Thủ Niệm mà chẳng rõ lai lịch thì đố ai biết cho nên mọi cái liên quan đời riêng tư của Hai Hiêu giống như mớ bòng bong. Cứ cho là Hai Hiêu đến đây từ lâu lắm rồi...
Dạo làng sức làm sổ nhà đất rồi thẻ căn cước, người có chức năng hỏi:
“Hiêu... cái chi Hiêu?”.
Hai Hiêu đáp:
“Thì Hai Hiêu nói Hai Hiêu chớ răng?”.
Thay vì trả lời câu hỏi, Hai Hiêu lại hỏi lại như vậy khiến người chức năng chỉ biết trợn tròn con mắt lắc lắc đầu mần thinh rồi tự nghĩ ra “đời tư” của Hai Hiêu ghi giùm vào tờ khai xong cầm lấy tay Hai Hiêu quẹt quẹt vào trắp mực đỏ, lăn dấu vân tay. Hiêu có họ Hai .
Đó là chuyện cách đây rất lâu.
Còn hôm mờ mờ sáng nay chợ Đũi thêm một kinh ngạc mới.
Chính sách hỗ trợ người bần cùng vươn lên khá rồi giàu có được làng ở đây triển khai, ai ai cũng hào hứng bàn ra tán vào các tiêu chí nghe rất nhân văn và sâu nặng nghĩa tình theo kiểu ông bà xưa từng bày biểu “Con béo kéo con gầy”, “hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn...”. Bởi vậy từ người đủ ăn đủ mặc đến người thật sự khó khăn đều quan tâm riêng Hai Hiêu phớt tĩnh ăng- lê.
Người chức năng:
“Lần ni Hai Hiêu phải tự ghi tự ký xin bảo trợ nghe!”.
“Bảo trợ mà bảo trợ cái chi chi?”. Hai Hiêu hỏi vặn lại.
Người chức năng:
“Là để Hai Hiêu không đi gánh nước thuê, quét chợ mướn nữa!”.
“Nói nghe không lọt lỗ tai!. Nói giùm lại nghe thử hỉ?”.
“Tức là mỗi tháng Hai Hiêu được nhận tiền!”.
“Bao nhiêu?”.
“Bốn trăm hai”.
“Rứa mỗi ngày được mấy chục hỉ?”
Người chức năng loay hoay lật sổ lấy viết tính toán...
Hai Hiêu nhanh nhẩu nói:
“Chia với chác làm chi... đâu mười bốn ngàn!”.
Người chức năng lặng lẽ đút cây viết vào quyến sổ hi hí cười:
“Coi bộ giỏi t(o)án!”.
Hai Hiêu cũng hi hí cười đáp lễ xong nói:
“Rứa mà biểu bỏ nghề...”.
Có khuôn mặt chữ điền cặp con mắt sáng Hai Hiêu càng trông kỹ càng thật điển trai chỉ đáng tội không rõ vì nguyên cớ gì cái chân phải không bình thường khiến việc đi lại mà nhất là lao động khó khăn. Sự “chấm chấm! phẩy phẩy!” đây là cách nói hình tượng diễn tả bước đi của Hai Hiêu đã quá quen rồi nên chính Hai Hiêu không còn coi đây là trở ngại nữa.
Thấy Hai Hiêu quảy đôi gàu nhôm cà thót cà thót xuống mé sông, cúi gập người xuống sông hai tay gọn gàng giục đôi gàu múc đầy nước rồi gánh cà thót cà thót quay lên lại bờ sông ai cũng khen giỏi, có người còn ví von hình ảnh ấy đẹp như một bức tranh hay một bức ảnh được vẽ hoặc chụp đầy nghệ thuật!.
Mỗi ngày Hai Hiêu lặp đi lặp lại công việc gánh nước nhiều ít tuỳ theo nhu cầu của chủ các sạp bán cá hay chủ các ngôi nhà xung quanh chợ Đũi, công cáng tính trả rạch ròi. Đến chiều tối Hai Hiêu kỳ cạch quét gom tất tần tật những rác rưới trong chợ sạch bóng.
Hai Hiêu làm những công việc “Kêu đâu có đó” ở khu chợ như vậy một cách thanh thản ung dung đến nỗi có người tự hỏi “Không biết trong đầu của Hai Hiêu nghĩ gì?”.
Mà nghĩ gì đâu?. Mỗi con người có một số phận khác nhau. Nghe nói Hai Hiêu giỏi chữ biết nhiều chuyện đông chuyện tây (Ấy là khi Hai Hiêu lân la trò chuyện với các học sinh cấp trung học trường huyện cách chợ đâu non cây số).
Ở tuổi xế chiều của cuộc đời Hai Hiêu vẫn tưng tửng gánh nước thuê và quét chợ, không gia đình không họ hàng nhưng cả cái chợ Đũi không một ai chưa bao giờ nói câu “nặng nhẹ” chứ đừng nói dám “coi rẻ”!.
Dù Hai Hiêu không tự nguyện xin bảo trợ nhưng đây là “quyền được hưởng” của Hai Hiêu nên làng âm thầm đưa tên Hai Hiêu vào danh sách tới tháng nhận tiền cất giùm phòng khi Hai Hiêu nhắm mắt xuôi tay có cái để lo hậu sự.
Không biết Hai Hiêu biết chuyện như vậy có cự không?. Vì có lần Hai Hiêu nói:
“Ở đời sống sao cốt có tình mọi sự lo chi!”
Truyện ngắn nầy tôi viết thời bút bi hôm qua sắp xếp lại tủ sách tìm thấy đem ra vi tính và viết thêm đoạn sau:
Hai Hiêu lặng lẽ ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người. Hôm đưa Hai Hiêu lên đồi an nghỉ cả chợ Đũi đưa tiễn mới thấy cái tình người dành cho Hai Hiêu thật quý vô cùng và nhiều nhất làng từ trước nay. ./.
HÒA VĂN


______________________________________

(*): Chợ ngày xưa bán các mặt hàng dệt bằng tơ thô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét