Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Truyện ngắn Hòa Văn: TƠ TƯỞNG... QUÊ




Trở lại Sài Gòn tôi suy nghĩ mãi...
Mới đó đã xa quê trên hai mươi mấy năm và cũng chừng ấy năm vương vấn quê... Mà không vấn vương mới lạ bởi đây là nơi “cắt rốn chôn nhau” nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm.
Ngồi ngẫm nghĩ bây giờ còn ở quê cuộc sống tôi sẽ như thế nào nhỉ?. Khấm khá một chút như ông chín Cộm hay tàm tạm như ba Tròn.
Ba Tròn nói:
“Ông nói vậy chứ biết cách chi chừ?”
Đó là câu trả lời của ba Tròn khi tôi trăn trở về đời sống chật vật của bà con nông dân?.
Ông chín Cộm lý giải:
“Anh biết rồi sống ở vùng đất quanh năm hết nắng hạn đến mưa dầm rồi lụt bão triền miên thì...”
“Đã đành là vậy nhưng...”
Tôi chưa nói hết câu ông chín Cộm chen vào:
“Thì ai cũng biết rồi!. Nói thì dễ nhưng thực hành vô cùng khó!”
Hôm qua đi ngang ruộng mạ, trời đang lạnh cóng thế mà “nông vụ tấn thời” nhiều người vẫn ra đồng nhổ mạ, nước trong ruộng mạ đến mắt ca chân nên ai nấy cũng phải ngồi trên ghế nhựa.
Theo ông chín Cộm nếu nói làm ruộng bây giờ so với ngày xưa thì đỡ hơn nhiều. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến dần dà đã được đưa vào phục vụ sản xuất. Khâu làm đất, khâu thu hoạch đã có máy móc làm thay sức người. Năng suất cây trồng con vật nuôi rõ ràng khá hơn nhiều. Thế mà...
Ông chín Cộm bưng ly nước trà hớp ngụm mới nói tiếp:
“Thế mà... như anh thấy đó ‘Thổ lai hoàn thổ’”
Trời không nắng cũng không mưa... những cơn gió bấc thông thốc hanh hanh đúng với thời tiết tháng Chạp. Gần mãn năm rồi chưa ai nghĩ đến Tết nhất gì!. Cả tháng qua nhà nào nhà nấy đều dồn tiền bạc ra đồng ra biền làm vụ mùa. Cái phân tro, cái giống má, cái máy cày máy đánh... và công cán nữa...
Ba Tròn nãy giờ ngồi tư lự nhớ một thời bôn ba đi khắp thành kia phố nọ... Hồi ở Sài Gòn anh làm ăn cũng đỡ lắm, sau một thời gian bươn chải dành dụm tạo dựng được một cửa hàng mua bán sửa chữa mô tơ điện. Vào những năm tám mươi thế kỷ trước dịch vụ cung cấp thiết bị mô tơ điện cho các khu dệt vải rất đắt đỏ và mau khấm khá. Nếu... Nếu “thuận buồm xuôi gió” giờ anh ở trỏng. Đàng nầy... như ông bà thường nói “Giỏi mấy mà vô thời cũng bằng không!”.
Tôi hỏi ba Tròn:
“Vợ con, cuộc sống hiện giờ?”
Ba Tròn đáp:
“Một vợ ba con, em “lăn dữ” mà mới thoát nghèo. Năm ngoái bòn chắt từ chăn nuôi bò xây được cái nhà... nhẵn vốn!”
“Lăn dữ” là mần hung lắm! Chẳng kể sương sớm nắng trưa. Ban Tròn trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng kết hợp thực hiện chế biến bột thức ăn hỗn hợp... để vỗ béo bò mang lại kết quả khá.
Ba Tròn cho biết:
“Ngày hai buổi bất kể nắng mưa anh phải cắt cho được ít nhất hai bao ure ứ nự cỏ mới đủ cho ba cặp bò ăn”.
Ông chín Cộm bảo hiện tại tuy có vất vả nhưng chăn nuôi con bò là tương đối “ổn”, còn heo, gà... ai theo nắm chắc bắp đường lỗ.
Tôi nói:
“Thời khủng hoảng kinh tế mà!”
Tình thiệt nói vậy cho “an lòng” chứ căn nguyên không hẳn chỉ tại vậy...
Biết bao đời nay chuyện làm giàu làm có ở quê không dễ dàng. Huống chi bây giờ việc đồng áng chỉ cần làm lưng nửa tháng là xong còn lại thời gian nông nhàn chẳng biết làm gì ngoài chăn nuôi con heo con gà. Phần đông mỗi nhà có đâu năm, bảy sào đất lúa đất màu, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp chỉ xoá đói giảm nghèo chứ lấy gì bảo giàu với có!. Nhiều người chọn ly hương chấp nhận “cảnh sống hai quê” đến các thành phố làm tất tần tật mọi công việc miễn có thu nhập!.
Chín Cộm tâm sự:
“Như con em nhà tôi. Cả năm tha phương xứ người, đứa công nhân dệt, đứa thợ may, đứa bán hàng rong, đứa bán vé số thu nhập hằng ngày tuy có đỡ hơn so với ở nhà nhưng cuộc sống vẫn còn quá bộn bề... vất vả...”.
Theo ông chín Cộm từng đồng tiền chắt chiu được của người tha phương lao động khắp nơi đã góp phần đỡ đần cho nhiều gia đình ở quê. Cứ đến tháng Chạp giáp Tết, người xa quê tha phương làm ăn khắp nơi trở về quê sum họp với gia đình. Rồi ra Giêng lại nườm nượp ra đi.
***
Út Sâm con trai tôi hỏi:
“Quê mình giờ khá lắm ba nhỉ!”
“Ờ!... Ờ!...”
Sâm tiếp:
“Thanh Minh tới con với mẹ về thăm quê nghe ba?”
“Ờ!. Ờ!... Nhưng cái chính không phải về để thăm chơi không đâu!”
Nói với út Sâm xong tôi nhớ mồn một bao nỗi trăn trở của người nông dân ở quê.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét