Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Nghĩ về mẹ



Tạp văn



1. Ở quê tôi, rất nhiều người con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, dù khó khăn đến mấy cũng một lòng một dạ phụng dưỡng, tạo nhiều niềm vui để ông bà, cha mẹ nhất là các cụ cao tuổi ở vào tuổi gần đất xa trời sống an vui cùng con cháu và cộng đồng, họ tộc. Khi các bậc sinh thành đau yếu được chăm sóc chu đáo.
Nhiều người bệnh tật phải nằm một chỗ con cháu xúm nhau lo từng li từng xíu, nào là sữa, trái cây, thuốc thang ... bệnh nặng thì đi bệnh viện một năm mấy lượt, nhiều cụ đại tiểu tiện một chỗ, con cháu vui vẻ chăm sóc chu đáo, căn phòng nơi các cụ nằm thơm phứt mùi nước hoa...

Khi ốm đau các cụ được hội người cao tuổi thôn, bà con xóm làng, thân hữu, gia tộc thăm viếng động viên, lúc quá vãng các cụ được làng, xóm, tộc họ, đội trợ tang, cùng lo hậu sự đúng lễ giáo gia phong, tục lệ, làng xã, bà con xóm giềng phúng viếng thâm tình, con cháu đồng lòng xây mồ yên mả đẹp thể hiện nghĩa cử đạo hiếu. Tình làng nghĩa xóm đáng quý!. Những người “con thật!” đáng trân trọng!

2. Cũng ở quê, một số gia đình lại có những hành vi khác lẽ đời.
Một người mẹ sinh bốn năm người con, nuôi ăn học, dựng vợ gã chồng đàng hoàng tử tế, nay tất cả nhà cửa bề thế, con cái đề huề. Kinh tế người nọ người kia thì cho là chuyện riêng của từng nhà, còn việc phụng dưỡng cha mẹ sinh ra mình mà người thì lo chu đáo (dù nghèo), lúc mạnh, lúc đau yếu luôn nuôi dưỡng tận tình, kêu đâu có đó!.
Người do làm ăn nơi xa không trực tiếp nuôi mẹ nhưng vợ chồng họ vui vẻ sẵn sàng gởi tiền về quê góp phần chăm lo. Khi có chuyện gấp gãy như mẹ nằm bệnh viện... vợ lo tiền nói chồng dàn xếp về thăm mẹ ngay!. Còn có người cũng là con mà sao thấy như người dưng nước lã, mẹ là Đức Phật sống, là Đức Chúa sống đây mà họ như không thấy!. Họ viện ra đủ lý do để tránh né làm bổn phận con cháu. Có khi họ tiếc cả công, không thăm viếng mẹ khi ốm đau, lúc bệnh tình mẹ không chữa trị được nữa, bệnh viện cho về nhà được ngày nào quý ngày ấy. Xe cấp cứu chở mẹ về, trong khi cả xóm khấp khởi lo lắng đón chờ, mà anh con trai, con rể, nhà có xa xôi gì đâu, ở ngay trong làng trong xã thôi,  thế mà họ ở đâu không thấy!. Người như thế có người gọi là “con giả!”!.

3. Tôi nhớ mẹ tôi quá!.
Người đã thanh thản ra đi... mà có hôm khuya vắng giật mình dậy, bước vào phòng mẹ, tôi cứ tưởng mẹ tôi còn! Lòng thương nhớ vô hạn.
Mẹ tôi cách đâu hơn hai tháng trước khi mất, nói với tôi:
“Những gì con nói với mẹ về việc buông xả, về sự chết theo đạo, nếu biết thành tâm niệm Phật sẽ được sống nơi Tịnh độ an vui, có thiệt không?”
Tôi thưa với mẹ: “Con cũng không dám hứa chắc, nhưng nếu có thật mà mình không thực hiện thì sao?”.
Mẹ tôi đồng ý.
Điều thứ hai mẹ nói: “Tôi và các em lo cho mẹ chu đáo”.
Mẹ nói tiếp: “Các con các cháu có hiếu!”.
Điều thứ ba, mẹ nói khiến lòng tôi càng thêm kính yêu mẹ hơn: “Con à! Từ trước đến giờ mẹ có giận con, nói với con điều gì đó làm con đau khổ, khó chịu thì con bỏ nghe. Bởi khi nói như thế là lúc nhà mình cơ cực quá hoặc lúc mẹ bị bệnh làm đau đớn quá!”
Mẹ nói rành mạch từng câu từng chữ. Ngay khi ấy tôi thưa với mẹ:
“Không, không có điều gì mẹ làm con giận, con đau khổ đâu! Mẹ đã trọn đời thờ chồng, từ năm hai mươi chín tuổi đến nay bảy mươi chín tuổi vì các con mẹ hết lòng nuôi nấng các con nên người như hôm nay là thành công lớn lao nhất đời mẹ.”
Mẹ mỉm cười, trông thấy mẹ rất thanh thản và hiền hậu vô cùng!.
                                                                                        Hòa Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét