Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

THẦY GIÀU NHÂN CÁCH!


Tạp văn
 


Hồi đi học nhiều thầy, cô đặt vào tâm khảm tôi nhiều dấu ấn đẹp và rất đẹp!.

Học lớp vỡ lòng ở quê (làng Đông Bàn, Gò Nổi – Điện Bàn, Quảng Nam), những gì thầy bảy Dược (Lê Dược) (cho con được gọi chính danh thầy như thế nghe thầy!) dạy tôi (và các bạn cùng trang lứa, nhiều thế hệ học trò trước và sau tôi nữa) cho tới bây giờ không thể quên.

Điều thứ nhất là tình yêu thương. Tôi nhớ không nhầm ngày đầu tiên đi học dù được ông nội cõng đi và ở suốt buổi, bụng dạ tôi vẫn lo lắm. Thế mà chỉ qua mấy buổi học tôi như lớn lên mấy tuổi. Không còn sợ sệt, không còn nhút nhát, việc nầy công đầu là do thầy.
Thầy bày tỏ tình thương mến trẻ con bằng nhiều cử chỉ hết sức cụ thể rõ ràng y cha con, ông cháu!. Căn nhà của thầy là trường lớp, nhà mái tranh vách phên khuôn tre nhưng tươm tất, ngăn nắp. Học trò là con em của bà con trong xóm làng, tiền học phí không nhiều và có khi được trả bằng thóc gạo, khoai sắn. Đôi lúc cả những trái mít, quả đu đủ chín thu hái trong vườn nhà, nhà trồng mía nấu đường thì gởi thầy những cặp đường tán ngon nhất!.
Thứ đến là sự chỉ bảo chu đáo đến nơi đến chốn mọi việc từ cầm tay giúp học trò nắn nót viết từng chữ đầu tiên đến dạy cho trò cách đọc chữ. Tôi nhớ mỗi lần thầy đọc chữ gì đều có kèm theo đồ vật hoặc hình tượng để liên tưởng dễ nhớ dễ thuộc ví dụ O tròn như quả trứng gà Ô thời đội nón Ơ thời thêm râu... Lớp học vỡ lòng rất vui cho nên học trò rất ham đến lớp...

Lớn lên một chút ra trường làng học bậc tiểu học, tôi nhớ mãi hình ảnh thầy giáo Phạm Phú Cần, thầy của nhiều thế hệ học trò quê tôi (làng Đông Bàn). Tới bây giờ dù thầy đã đi xa... ai nấy khi nhắc đến thầy cũng đều dành những lời tốt đẹp nói về thầy.
Tôi nghĩ được như thế không dễ chút nào, nếu khi làm thầy không có những việc làm thắm đượm tình thầy trò. Ở thầy giáo Cần nguyên tắc học phải hành là bất di bất dịch. Hễ học điều gì trong sách vở thì tìm mọi phương pháp hướng dẫn học sinh làm cho bằng được. Cụ thể như tập viết phải đẹp, chữ kiểu gì ra kiểu chữ nấy nắn nót từng nét sổ lên xuống..., giải bài toán đố phải suy nghĩ giải nhiều cách, học chữ đi đôi với học phép tắc lễ nghĩa.
Riêng chuyện học lễ nghĩa lúc đầu tưởng thầy khó nhưng càng về sau học trò như tôi hồi ấy càng thích thú mỗi khi được nghe thầy giảng giải môn đức dục. Mỗi ngày một ít như mưa dầm thấm lâu những điều tốt đẹp thầy dạy ở mãi trong lòng trò!. Cuộc đời mô phạm của thầy là tấm gương sáng học trò noi theo!.
Có một việc chắc ít thầy làm như thầy giáo Cần đó là thầy có một quyển sổ “danh bạ” ghi chép khá đầy đủ các thế hệ học trò của thầy: Tên tuổi, sở thích, năng khiếu, con của ai quê quán? lớn lên như thế nào? làm gì ở đâu?. Quyển sổ được cập nhật thông tin mãi cho đến ngày thầy mất, quyển sổ mới kép lại với bao tình yêu thương!.
Những người thầy như thầy Lê Dược, thầy Phạm Phú Cần rất giàu về NHÂN CÁCH NGƯỜI THẦY.
                                                                                                    Hòa Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét