Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

NHÂN VẬT KHÔNG BIẾT NÓI DỐI II



Truyện ngắn Nhân vật không biết nói dối của tôi, sau khi đăng báo đâu được một tuần, không rõ ai gởi biếu mà bà vợ anh thợ đan nhà gần bên có một tờ. Truyện đăng ở trang năm, có bức ký họa bốn màu vẽ anh thợ đan ngồi chăm chỉ làm việc cùng nhiều sản phẩm thúng mủng, rổ rá... Báo in đẹp còn thơm phức mùi giấy mực. Bà vợ anh thợ đan đem đi giới thiệu cho nhiều người trong xóm Dốc Dài nầy cùng xem. Hôm đi dự đám giỗ ba của một người bạn ở xóm trên tôi mới biết rõ sự việc, nhiều bà con trách tôi “Ông là văn sĩ thế mà chẳng cho bà con làng xóm biết chi cả!”. Tôi hơi ngẩn người, trả lời lí nhí “Dạ! Thì có viết từ lâu rồi! Định bụng chỉ viết để đó chứ có in ấn đâu!”. Hai Thản vặn vẹo “Răng báo đăng!”. “Thì...!”.

Thật ra, đây là một trong số nhiều truyện ngắn của tôi, anh em xem thúc tôi nên gởi đăng, khi ở báo in khi trên mạng dù vậy thâm tâm tôi có bao giờ nghĩ mình là văn nhân thi sĩ chi chi!. Có truyện viết đã trên bốn chục năm nay đem ra đọc sao nhiều chi tiết nó giông giống chuyện đang xảy ra, tỷ như truyện... viết về nỗi cơ cực của người nông dân cày sâu cuốc bẫm. Cách đây gần nửa thế kỷ họ ước mơ có đất để cày, có tiến bộ khoa học kỹ thuật để mùa màng bội thu, có máy móc làm thay cho sức lao động của con người... cho đời sống đỡ vất vả, nay nhiều việc đồng áng có khá hơn song coi vậy còn lắm việc vẫn còn trong mơ ước.

Không chỉ ở đây đâu mà theo chỗ tôi biết ở nhiều làng khác cũng thế hay có tật “ăn đám giỗ nói chuyện làng”, họ nói tất tần tật mọi chuyện “thượng vàng hạ cám”, có điều ai nói cứ nói ai nghe cứ nghe cốt cho đỡ bớt cái lo trong bụng trong dạ chứ chẳng đâu vào đâu. Hai Thản trước đây là cây chuyện làng, giờ tuổi tác xấp xỉ bảy mươi rồi, thành ra “ông lão” chỉ ngồi lẳng lặng nghe, năm khi mười họa mới góp chuyện, mà khi ông lên tiếng ai cũng lắng nghe, sau đó tuỳ theo từng nội dung... hoặc là cười rộ lên, hoặc tấm tắc lưỡi nói “tội tội!!!”.

Hôm nay Hai Thản kể “Hồi xưa... (thật ra mới cách đây trên hai chục năm)" Cu Ráng từ Sài Gòn kêu điện thoại về báo cho mẹ nó biết chừng ba tháng nữa nó sẽ đi nước ngoài. Nó xin mẹ đôi ba chỉ vàng bỏ túi phòng hờ khi qua bên trời Tây nếu không may gặp khó khăn, có cái mà xoay xở. Thiên địa! Bà Tư B nghe cu Ráng nói mà như nghe chuyện cổ tích! Cu Ráng là con của bà nhưng từ ngày nó biết chạy lon ton bà đã gởi cho nó ở với bác tận Sài Gòn, nói công bằng cũng tại hoàn cảnh chứ bà Tư B không đành đoạn bỏ bê con cái đâu!. Chỉ tội ba của nó hồi còn sống là người chồng tánh tình “Trương Phi”, lại còn rượu chè be bét quanh năm suốt tháng, rượu vô lời ra do vậy cảnh ông gây gổ, đánh đập, hành hạ vợ như cơm bữa! Nhiều phen thập tử nhất sinh vậy nên bà Tư B phải chọn giải pháp sống ly thân. Cu Ráng lớn lên đẹp trai nhưng tính khí lại không bình thường giống ba nó!.

*

Bé Bẵm hai mươi bốn tuổi, cô con gái mà hơn nửa năm rồi hằng ngày Ráng chở đi làm giấy tờ đi diện con lai, một hôm nói: “Anh Ráng ơi! Anh có muốn đi... với tôi không?”. Ráng đang mồ hôi mồ kê gắng hết sức đạp cho chiếc xe xích lô vượt qua con dốc bà Son gần ngã ba Năm Hiền nghe tiếng được tiếng mất như thế lấy làm lạ. Khi chở tới nhà bé Bẵm rồi lúc nhận tiền công Ráng mới hỏi lại “Hồi nãy bé Bẵm nói gì Ráng nghe không kịp!”. “Dạ em nói anh muốn đi không?”. “Mà đi đâu?”. “Dạ đi diện con lai!”. “Giỡn chơi! Làm sao được!”. “Thì nếu anh muốn tuần nầy em bổ sung hồ sơ”.

Nói và làm. Rạng và Bẵm dẫn nhau đến trụ sở phường được cấp giấy kết hôn và danh chính ngôn thuận thành vợ thành chồng!. Bé Bẵm giao kèo “Qua bển là thôi vợ thôi chồng phần ai nấy sống thì mới cho đi!”. Ráng “Ừ!”. Ráng biết thân phận mình lắm, Bẵm con lai da trắng nhỏ nhắn thon thả như thế sức mấy mà làm vợ Ráng!. Đó là nguyên nhân Ráng điện thoại về xin mẹ chút ít tiền hoặc vàng để bỏ theo phòng thân. 

Kể từ khi Ráng đi ra sống ở nước ngoài, sự giận hờn mỗi ngày một lớn thêm đến nỗi không thư từ và không điện thoại, mọi quan hệ với mẹ đều cắt đứt hết.

Hai Thản nói, phần của Ráng có cái chưa đúng của Ráng nhưng chính cái tính quá kỹ lưỡng vốn có của bà Tư B đã gây ra sự ngộ nhận. Theo bà Tư B cu Ráng tánh tình không bình thường khờ khạo như thế làm chi có chuyện đi Tây đi Tàu, chắc nó lại nói phỉnh xin tiền để lêu lổng thôi!. “Gần ba mươi tuổi trên đầu mà như con nít ở riết với bác chứ chẳng chịu có vợ con nhà cửa chi hết!”. Bà Tư hay nói như vậy với mọi người nếu có ai đó hỏi thăm Ráng. Kỳ thực ở đất Sài Gòn không dễ gì... khi Ráng đơn thân độc mã.

*

Tuổi chỉ gần bảy mươi, nhưng trông bà Tư B người tiều tụy lắm! Sống một thân một mình thui thủi vào ra cái nhà không ra cái nhà, cái trại không ra cái trại. Nhiều người bảo bà Tư B có con trai Việt kiều mà không biết tại sao sống thảm thương như thế! Anh thợ đan đề nghị tôi nghĩ cách gì giúp bà. Tôi nói “Chỉ có khi nào đứa con trai của bà không còn giận vụ bà không cho nó vàng hồi xưa thì may ra...”. Anh thợ đan đề nghị tiếp “Ông viết văn, hay là ông viết cho nó một lá thư đưa bà Tư B gởi qua, nhiều khi...”. Gợi ý của anh thợ đan nghe có lý, đêm hôm đó tôi viết “Gởi cháu Ráng. Chú là... ngày xưa... nay viết đôi dòng nầy gởi đến vợ chồng cháu”. Sau khi nói quanh nói co nhiều chuyện để khêu gợi cái tâm cái tình vốn có sẵn trong bất kỳ một con người nào có lương tri, tôi đặt vấn đề “Ráng ơi! Cháu có thể quay lưng với ai cũng được nhưng với mẹ của cháu chú nghĩ không nên vì nếu lỡ mẹ cháu nay mai chết vì cảnh bệnh tật, nghèo khó tiếng đời sẽ lưu truyền mãi và khi biết đúng sai rồi lương tâm chịu sao thấu! Người mẹ nào không thương yêu hy sinh tất cả vì con cái! Mẹ cháu cũng vậy có điều ngày xưa mẹ cháu không hiểu rõ việc của cháu, với lại thời gian cháu gọi điện về rồi đi... gấp rút quá, phải chi ngày ấy cháu về gặp trực tiếp thì chú chắc giữa hai mẹ và con sẽ không có sự hiểu lầm đáng tiếc như thế!”. Lá thư của tôi được bỏ chung với lá thư do chính bà Tư B viết nét chữ nguệch ngoạc không ngay hàng thẳng lối nhưng viết trong tâm trạng đầy nước mắt. Theo bà chắc được chi vì bà đã viết nhiều lá thư như thế nầy rồi “Mẹ biết mẹ không cho con chút ít vàng để con đi là không đúng. Nay mẹ mong vợ chồng con thương mẹ mà...”.

*

Lần nầy vợ chồng Ráng về ở hơn một tháng khi hay tin bà Tư B bị bệnh nặng. Nghe nói vợ Ráng người gốc gác miền Trung biết lễ nghĩa, đã tác động khiến Ráng sớm quay về với bà Tư B. Nhìn cách vợ chồng Ráng chăm nuôi mẹ ai cũng biết Ráng tỏ ra ân hận vô cùng vì lâu nay để người mẹ sống quá đơn chiếc và khó khăn.

Số mạng lạ quá khi được con cháu chăm nom tử tế lại là lúc bà Tư B ra đi...

Hình ảnh Ráng bưng bát nhang lặng lẽ bước đi trước linh cữu bà Tư B khiến không ít bà con trong chòm xóm rơi nước mắt!.

Anh thợ đan hôm đi đưa đám tang bà Tư B nói “Trễ nhưng còn may! Nếu Ráng không kịp tỉnh ngộ, về chăm lo cho người mẹ của mình chu đáo trong gần mấy năm cuối của cuộc đời bà thì chẳng biết điều gì xảy ra!”.

Anh thợ đan - nhân vật của tôi trong truyện ngắn Nhân vật không biết nói dối, không bao giờ so đo điều gì, anh nói sau đám tang bà Tư B về tôi nên viết thêm một truyện ngắn.

                                                                                                                     Hòa Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét