Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

M...

Truyện ngắn của Hòa Văn

     * *    Ở quê làm ruộng chay nông sản lại ế ẩm đời sống nhà nông khó khăn, thanh niên nông thôn chọn con đường tha phương khắp nơi làm ăn, phải nói với bản tính chịu thương chịu khó, đa phần có công ăn việc làm ổn định vừa đỡ đần gia đình vừa tự lo bản thân. Nhiều người ở lại thành phố lập nghiệp.

Hải Yến hỏi:

- Chị Thanh Tâm bữa nay nghỉ?

- Chị đi làm chứ nghỉ gì. Hôm nay mới thứ Sáu mà!
       Tôi vừa đáp lại câu hỏi của Hải Yến vừa xếp gọn chiếc mùng. Tối qua dự sinh nhật lần thứ hai lăm của nhỏ bạn làm cùng công ty, nhà ở tận Tân Phú, về hơi khuya sáng nay dậy muộn. Đã hơn sáu giờ rưỡi rồi.
      
        Căn phòng trọ như ổ tò vò trời nắng nóng khỏi phải nói hai cây quạt treo tường chạy vo vo cả đêm cũng chẳng thấm béo gì.

Tiết kiệm tiền, bốn đứa thuê chung một phòng do vậy ngoài bốn chiếc xe, bốn cái tủ áo quần phần còn lại để ở có tí tẹo. May mà lấy nền gạch men làm gường ngủ, làm bàn ăn chứ không chắc chẳng có chỗ chen chân!. 

Ông bà xưa nói rồi “Ăn hết nhiều chớ ở bao nhiêu!” lâu rồi thành quen. Ở nhà với ba với mẹ giường êm chăn ấm thế mà còn nhõng nhẽo nọ kia. Có hôm ngủ nướng tận tám, chín giờ sáng mới dậy, mẹ lục đục từ sáng sớm tinh sương nấu xôi gấc, ba và các em ăn xong người đi làm người đi học, phần tôi mẹ bới vào đĩa để trong tủ ở nhà ăn. Chỉ cần súc miệng rửa mặt qua quýt cho xong ăn ngay, mẹ mà nấu xôi gấc khỏi phải khen nó ngon thơm phức thật đã!. Bây giờ một thân một mình ở thành phố đông dân nhất nước nầy trăm sự tự lo liệu. Việc ăn uống cả bốn đứa chia nhau ra nấu nướng, còn áo quần phần ai nấy giặt giũ.

Hải Yến khổ người to béo - Hải Yến bảo gien nhà em là vậy – hai đứa con trai mỏng mảnh như con gái còn hai đứa con gái thời... Tuy vậy “Nhìn mặt mà bắt hình dong” với khuôn mặt hình tam giác phần trên trán rộng hơn và phần dưới nhỏ, tôi thấy Hải Yến “vóc dáng đậm đà” nhưng trông có duyên, ở lâu biết nhỏ có nhận thức tốt, linh cảm trực giác tuyệt vời, đặc biệt rất khéo giao tiếp và hoà hợp với mọi người.. Bởi vậy nhỏ là “bà hòa giải” trong nhà trọ.

Nhớ hôm Phương và Trâm không rõ chuyện gì mà hục hặc nhau từ trong công ty về nhà tiếp tục chọi nhau như giặc nổi tưởng phải cắt tình đoạn nghĩa mỗi đứa đi một nẻo, may mà có Hải Yến tỉ tê...

Khi cả hai làm lành lại với nhau Hải Yến nói chậm rải:

- Lớn cả rồi nhe!. Lần nầy là lần cuối nhé!. Sống tha phương phải biết “Chín bỏ làm mười” chứ!

Tôi nghe Hải Yến khuyên lơn mà nhớ đến bà nội. Ở nhà bà nội cũng thường hay phân giải chuyện nên và không nên với con cháu như vậy.

Phương và Trâm rủ nhau vô đây đi bán vé số. Hôm gặp tôi ở quán cơm bụi bà Bảy, Phương và Trâm mời mua vé số.

Tôi hỏi:

- Sao cả hai cùng đi bán chung vậy?

- Dạ! em sợ lạc đường nên cùng...

Tôi à hiểu rồi... và mua hai vé. Xong mời hai nhỏ uống ly nước hỏi chuyện mới biết học xong lớp 12 thi đại học trượt, bỏ quê vào đây làm gì đó cho khuây khoả.

Tuần lễ sau tôi nhờ anh quản đốc của công ty nơi tôi làm xin cho hai nhỏ vô phụ việc ở công ty. Chỉ vậy thôi mà Phương và Trâm gọi tôi là ân nhân rồi quấn quýt với nhau gần ba năm rồi.

Hải Yến giục:

- Đã trễ rồi mà chị Thanh Tâm còn đứng thừ ra đó!

Tôi giật mình, lụi bụi chuẩn bị đi làm.

                                                                                   * * *                                                            
       Hồi mới đến đây mở công ty các nhà đầu tư o bế công nhân dữ lắm. Họ biết tận dụng “lao động giá rẻ” để phát triển kinh doanh sản xuất các ngành hàng như may mặc, giày da,... “Sống lâu lên lão làng” “Được đàng chân lân đàng đầu” mọi chuyện vì lợi nhuận được họ làm không chút do dự. Nhiều công ty xí nghiệp xảy ra tình trạng ‘trốn tránh” hoặc “lách luật” thực hiện không đến nơi đến chốn các quyền và lợi ích của người lao động. Chỗ tôi làm được cái lương thưởng họ thực hiện chu đáo chỉ có chuyện...

       Cả công ty A-T-A nóng lên vì tin lão giám đốc G.

Lâu nay tôi nghe nói sự “sàm sỡ” “quấy rối tình dục” nọ kia nhưng ở đâu chứ nơi công ty xí nghiệp sản xuất, công nhân bước tới phân xưởng chúi mũi vào công việc, với lại nói ra tội chứ chị em có mấy ai “trắng da dài tóc, áo quần lượt là” đâu!. Cả năm công ty phát cho hai, ba bộ áo cùng màu cùng chất liệu vải, ăn mặc đồng phục theo từng phân xưởng ai cũng như nấy chứ đẹp đẽ gì!. Cứ đến giờ tan ca công nhân trông như đàn chim vỡ tổ, màu xanh, màu đỏ, màu vàng... chen nhau ra cổng về nhà.

Sự chân chất của công nhân hiển hiện trong từng nếp ăn, ở, chuyện trò. Trâm, Phương, Hải Yến, ba nhỏ tháng nào cũng chi tiêu hết sức tằn tiện để còn tiền gởi về quê phụ ba mẹ nuôi các em tuổi ăn tuổi lớn đang cắp sách vở đi học. Đến tết nhất còn lo áo quần cho tụi nhỏ se sua cùng chúng bạn, lo quà cáp bánh trái, thịt thà cho cả nhà ăn tết...

Có bận tôi hỏi:

- Các em làm bao nhiêu gởi về bấy nhiêu như thế rồi sau nầy lấy gì...

Trâm nhanh nhẩu:

-  “Nóng đâu phủi đó” chị ạ!

Phương góp thêm:

- Ba mẹ em cũng nói như chị nhưng thôi để vài ba năm sau hẵng hay!.

So với ba nhỏ điều kiện của tôi không đến nỗi nào. Nơi tôi sinh ra hiện giờ đã là thành phố rồi nhưng nói thiệt ở đó công ty xí nghiệp còn thưa thớt quá. Những năm qua nhờ “bất động sản” có giá đời sống phố xá có vẻ phong lưu còn bây giờ...

Nhiều thanh niên quê tôi thường bảo “Lập thân lập nghiệp tốt nhất” không đâu bằng đất Sài  Gòn.

Có anh bạn của anh Hai tôi tốt nghiệp đại học vào đây vừa làm công ty vừa chạy ngoài nay ra riêng công ty... đang làm ăn đình đám.

Hôm anh Hai vào Tuấn (bạn của anh) có gợi ý tôi xem bên chỗ đang làm có đỡ không nếu không về giúp anh một tay phần marketing và kế toán tổng hợp.

Anh Hai tỏ ý thích tôi về chỗ Tuấn:

- Ừ! Được đấy, my giúp Thanh Tâm phát huy kiến thức quản trị kinh doanh của bao năm đại học Kinh tế... nhưng trước hết phải....

 Nói xong anh Hai cười tươi. Cách nói và cười của anh Hai tôi hiểu “hai ông” đã nhỏ to điều gì “ghê lắm!” rồi...

Ý anh Hai là đến lúc tôi nên nghĩ chuyện chồng con (tôi đã hai mươi lăm tuổi rồi chứ non trẻ gì nữa đâu!). Từ hôm ấy đến giờ, Chủ nhật nào Tuấn cũng ghé lại nhà trọ. Tôi biết Tuấn để ý tôi lâu rồi mà chưa có dịp thổ lộ.

       Trời Sài Gòn lạ thật khi nãy nắng như đổ lửa bây giờ lại mưa ầm ầm. Chủ nhật mà vậy tốt quá!. Tôi còn bao nhiêu việc cần làm... nào là cả đống đồ chưa giặt giũ, tập bản thảo hợp đồng anh quản đốc công ty nhờ xem lại chưa đọc chữ nào...

Phố mưa phủ một màu bạc mịn. Chắc mưa lớn người ta cũng ngại ra đường nên lúc nầy xe cộ thưa thớt trông con đường rộng hẳn ra. Phía quán cà phê gần ngã ba đông nghịt khách.

Ai như anh Tuấn đang đứng trú mưa chỗ cây dù của bà Ba bán bánh mì.

Tôi thoáng thấy và nghĩ như vậy thì từ nơi đó Tuấn vẫy tay gọi tôi. Nhanh nhẹn cầm chiếc dù bật lên che mưa, tôi băng qua đường.

Tuấn tỏ vẻ bối rối:

- Anh định...

Tôi nói:

- Anh ghé vô nhà một lát hết mưa hãy đi...

- Hay là em và anh đi uống cà phê nghe!

Tôi gật đầu.

Đôi khi tôi thích đến quán cà phê ngồi tâm sự lai rai với mấy nhỏ bạn nhưng ở đây là lần đầu.. Trời mưa quán lên đèn sớm...

Đằng sau sự nhộn nhịp sang trọng, Sài Gòn có những nơi rất đời thường!. Sài Gòn đẹp nhất về đêm ai ấy lắng mình trong một quán cà phê nào đó, nhâm nhi và ngắm cảnh phố xá không ngủ... sẽ thích!. Ấy là những quán cà phê cóc đơn sơ ven đường. Còn nơi tôi và Tuấn ngồi là quán mới mở theo moden hiện đại nghe nói tiền tỷ tỷ...!. Chủ quán phục vụ theo phong cách mới “Cà phê sạch”.(*)

Tuấn chỉ thích cà phê đen pha theo kiểu xứ Quảng, ít nước sau đó thêm ít đá lạnh hoặc để vậy uống nóng. Tôi thì kêu một ly bạc xỉu đầy tràn... kiểu Sài Gòn.

Tuấn hỏi tôi việc lùm xùm ở công ty tôi đang làm, báo chí đăng?.

Hôm đó khoảng gần 18 giờ anh quản lý công ty cho gọi “em” M. ở phân xưởng may lên gặp giám đốc G. khi M. bước vào thấy giám đốc ở trần vội quay nhanh ra cửa, nhưng lão nhanh như sóc túm lấy M. và nhụi vào tay M. một xấp giấy bạc năm trăm ngàn.

Lão nói như lệnh, miệng nồng sặc mùi rượu:

- Đồng ý thì nhận tiền và kín miệng!

M. hốt hoảng:

- Dạ! dạ! Để “em” để “em”...

Lão xốc M. vào phòng và lột phăng chiếc áo thun.

M. kể từng nghe loáng thoáng chuyện nầy nọ... nên cảnh giác. Lựa lúc lão loay hoay định dỡ trò bỉ ổi... nhanh như cắt lấy chiếc áo thun của em mà lão vừa cởi ra bỏ ra trên giường tròng ngay lên đầu lão và vùng dậy chạy thoát thân. Theo M. đã có bao nhiêu vụ việc xảy ra như thế bị ém nhẹm?.

Nghe rõ chuyện Tuấn lắc lắc đầu. 
                                                                                    * * *

       Giờ M. đang là một trong những nhân viên bán hàng giỏi tại công ty... của vợ chồng tôi.

                                                                                                                                    HÒA VĂN
      - Truyện ngắn nếu có sự trùng hợp ngoài xã hội là ngoài ý muốn của tác giả.
      - Minh họa: Tranh sơn dầu Thành Chương
____________
     (*): Quán “cà phê sạch” ở Sài Gòn đều rang xay và chế biến tại chỗ. Thông thường, bột cà phê nguyên chất có mùi thơm nhẹ nhàng, nước cà phê nâu nhạt, không sánh đặc, vị đắng dịu, chua thanh. Uống lần đầu có thể sẽ không cảm thấy ngon nhưng nếu uống vài lần sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt với cà phê tạp chất. Giá ly cà phê sạch gấp đôi so với cà phê thường nhưng nghe nói như vậy cũng không lời bao nhiêu.
(Cà phê tạp chất là loại có mùi thơm rất nồng và hăng hắc của hương liệu, màu nước cà phê đen đậm, sánh đặc, nhiều bọt, bột cà phê chìm ngay khi cho vào nước ở nhiệt độ thường, vị đắng gắt.)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét