Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Truyện ngắn Hòa Văn: NƠI CHỈ CÓ HAI NGƯỜI

 1.
Chiếc xe lúc đầu mới thấy tưởng con dế, nhìn kỹ chặp lâu nó lại giống con bò cạp mà không phải hình như nó là con rắn nằm khoanh tròn giấu đi cái đầu chỉ có cái đuôi và phần thân.
Phương Hạ lắc lắc đầu mấy lượt rồi nhắm mắt mở mắt mấy lần để định thần. Đúng rồi phía trong xe có một người, coi bộ anh thuộc tạng người sành điệu chiếc kiếng màu đính trên sống mũi cao và thẳng, chiếm đâu một phần năm khuôn mặt. Dù vậy Phương Hạ chắc anh nhất định đẹp trai.
Bữa gặp đầu tiên chỉ có vậy mà sao về tới nhà lòng lao lư lạ. Phương Hạ đem chuyện nầy kể với chị gái (là chị nhưng hai chị em cùng tuổi, nghe mẹ kể chị lọt lòng mẹ sau Phương Hạ năm hay bảy phút gì đó) chị mách với mẹ “Bé Phương Hạ đã biết mơ rồi mẹ ơi!”. Phương Hạ vặn hỏi “Mơ là không thiệt hả chị!”. “Đôi khi như vậy và đôi khi lại khác, sau mơ sẽ thành sự thật”. “Chị nói em không hiểu?”. “Mà thôi mình mới mười sáu tuổi!”. Chị nói như thế rồi giục cùng đi học kẻo trễ.
Ở trường cấp 2 - 3 Gò Nổi nầy hơn tám trăm học sinh đều biết cặp chị em song sinh Phương Xuân – Phương Hạ, bên cạnh giống nhau như hai giọt nước, cả hai cùng học rất giỏi, nhất là môn văn học. Hôm trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập trường phần văn nghệ Phương Hạ đọc một bài thơ mới sáng tác còn Phương Xuân hát bài của nhạc sĩ Từ Huy, tác giả người cùng quê nổi tiếng ở Sài Gòn. Nếu như bài thơ của Phương Hạ mơ về ngay mai thì bài hát lại nhớ về tuổi thơ!. Hai thế hệ có cách nhìn nhận khác nhau nhưng đồng cảm.

 
*

“Hai đứa lo mà học hành”. Mẹ nhắc nhở và kể ngày xưa ông nội coi trọng việc học lắm tiếc là nhà nghèo với lại hồi ấy ở đây việc đi học không đơn giản, bậc tiểu học thì học tại quê còn lên trung học phải cơm đùm cơm gói xuống tới phố Hội mới có trường lớp nên chi ít ai theo học đến cùng. Ba con học hết đệ nhất cấp là giỏi lắm!. Câu chuyện nầy hai chị em nghe không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nghe mẹ nói như thế hai chị em thấy như được bồi bổ thêm nghị lực. Và cả hai ngày càng học giỏi hơn.
Cuối năm 12 tốt nghiệp xong hai chị em ra Đà Nẵng thi Đại học. Việc Phương Xuân – Phương Hạ thi đỗ mấy trường cùng một năm là chuyện ở đâu trong xóm trong làng mọi người cũng nhắc đến và khen ngợi hết lời. Họ nói học như rứa ai mà không cho học!.
Phương Hạ đỗ Ngoại thương thế mà lại chọn học khoa Nhân văn, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Phương Hạ nói Ngoại thương con không học có người khác học và làm tốt, còn khoa con chọn nếu con không học uổng lắm!.


*

Thời gian không dừng lại bao giờ. Mới đó mà đã hai mươi mấy năm kể từ ngày Phương Hạ ra trường Đại học hạng giỏi với luận văn đề cập đến văn học sử giai đoạn 54 - 75 ở miền Nam. Bằng sự sâu sắc về cách nhìn, cách đánh giá khách quan và trung thực, luận văn của Phương Hạ không chỉ xác định sự thật mà còn bước đầu soi rọi hàng loạt tác phẩm mang đậm tính nhân văn và nhân bản vốn là gia tài vô giá của đất nước có bề dày văn hiến hàng ngàn năm...
Anh con trai có lần Phương Hạ kể cho chị nghe năm nào đột nhiên xuất hiện. Chiếc xe bây giờ không là con dế, con bò cạp hay con rắn nằm khoanh tròn, nó bóng loáng mang nhản hiệu Renault...
Anh đang là ba của đứa con trai kháu khỉnh năm tuổi có đôi mắt y hệt Phương Hạ, tròn sáng và đặc biệt có sức hút kỳ lạ hễ ai có dịp nhìn thấy nhất định phải dành cho chủ nhân nó sự yêu mến!. Còn khuôn mặt và sống mũi như được sao chép nguyên bản của anh. Chuyện anh và Phương Hạ gặp nhau đến với nhau giống nguyên xi những giấc mơ hồi còn cắp sách đến trường, có khác chăng giấc mơ có nhiều lúc thăng trầm lắm!. Ví dụ hai người quen nhau đến gần hai năm, khi về nhà thưa với mẹ, mẹ bảo “Cái chi cũng được nhưng cái chuyện người con trai khuyết tật là căng lắm!”. Mẹ nói con yêu thương nói vậy, mẹ hiểu và thương con mẹ đồng ý nhưng còn xóm giềng, tộc họ mà nhất cậu Tân con chắc gì ổng chịu!. Sau giấc mơ Phương Hạ khóc nức nở. Rồi viết email kể với chị Phương Xuân, chị an ủi “Chỉ là mơ em lo xa quá!”. Hoặc có một lần thấy anh bỏ rơi Phương Hạ. Sau giấc ngủ dậy cũng khóc, khóc ghê lắm. Mấy đứa bạn cùng cơ quan lại phân trần “Chỉ là mơ thôi!”.
Gần đây nhất Phương Hạ cùng anh lạc vào thành phố lạ nơi chỉ có hai người!. Sau đâu mấy chục năm sinh sống ở đó Phương Hạ có mái ấm thật hạnh phúc nhưng lòng chẳng an lành chút nào, lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai tiếng gọi của mọi người thân quen. Họ nói hãy trở lại cuộc sống thường ngày dù nơi đang sống còn quá nhiều bất cập. Gia đình là tế bào của xã hội, mọi sự tốt xấu của xã hội có một phần do từng con người từng gia đình làm nên và ngược lại xã hội với tác động chủ và khách quan bản thân xã hội cũng sinh ra nhiều điều không như mong ước.


*

Phương Hạ kể hiện giờ hơi hẫng hụt. Nhiều truyện, thơ của Phương Hạ viết chẳng có ý nghĩa gì! Đa số lưu hành trong giới văn chương còn xã hội ít ai quan tâm hoặc có thì hời hợt. Phương Hạ nói có lần văn sĩ Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắng “Chỉ trích thói rẻ rúng và đốn mạt của “bọn làm thơ”” và không ngần ngại “Tôi không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng trên thực tế cái danh “nhà thơ” là một thứ nhìn chung là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó; “nhà thơ” đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn “lưu manh” nữa…”. Theo Nguyễn Huy Thiệp thời Pháp thuộc ngay như văn sĩ nổi tiếng Vũ Trọng Phụng còn bị xếp vào hạng “Vô nghề nghiệp”!.
Mới đây đọc một truyện ngắn của thi sĩ lão thành người cùng quê đang ở Sài Gòn, đăng trên tạp chí văn nghệ X, chuyện kể có một thi sĩ nọ in thơ sau khi biếu tặng, số còn tồn lại không biết làm gì đã đưa hàng trăm quyển cho bà vợ tặng bạn hàng khi mua hàng tạp hóa... của bà, làm thế mà làm được?!.
Sau khi đọc truyện Phương Hạ thêm đau lòng hơn! Buồn bã mấy ngày và định quẳng bút!.


*


Chồng Phương Hạ biết chuyện không đồng ý. Anh nói em cứ sống và viết hết lòng. Mảnh đất em đang cày xới gieo trồng từng con chữ có anh cùng chia sẻ! Em lo gì?.


2. Suốt hai năm ròng rã Phương Hạ cố gắng làm việc ở NXB. Y, nói là NXB cho có "tiếng tăm" chứ thật ra nơi đây chỉ làm một công việc vận động người “sáng tác” xin giấy phép để in sách!. Hồi chân ướt chân ráo đến đây với kiến thức được trang bị ở trường lớp và bầu máu nóng ở trái tim yêu văn học Phương Hạ tưởng chừng sẽ đem tài năng ra giúp đỡ các văn nhân thi sĩ có điều kiện thuận lợi công bố tác phẩm mà họ lao tâm khổ tứ mới có được. Đâu nửa năm tiếp xúc với công việc gọi là biên tập viên, Phương Hạ nhận ra điều mà trước đó chỉ nghe phong phanh. Rất may cho cô nhân viên mới cao tay ấn nên xếp không dám thực hiện thủ tục "1 trong 2 T"(*).
Cô nói với chồng “Chẳng lẽ em về nhà nuôi lợn, nuôi gà!”. Anh chồng quá biết chuyện nên không hỏi lý do, anh chỉ động viên “Đó là chuyện của thiên hạ còn mình không có thì thôi em suy nghĩ chi thêm mệt!”.
Thành phố ngày càng đông người theo đúng quy luật phát triển của xã hội nhưng cũng chính sự đông đảo một cách không theo đúng quy hoạch giống như nước nơi cao cứ đương nhiên đổ xuống nơi thấp, không ai có thể ngăn chặn được do vậy biết bao nhiêu bất cập xảy ra khiến nhiều người đau đầu. Nghe nói sắp tới có giải pháp giản các khu kinh tế, khu công nghiệp ra các vùng ven ngoại thành để kéo mật độ dân cư trong thành phố xuống mức tỉ lệ cho phép. Cách đây hai ngày Phương Hạ nhận được một tập bản thảo do xếp trao tận tay. Xếp bảo “Tập thơ khá lắm đấy! Cô xem biên tập nhanh để cho in!”. Như mọi khi cô nhẹ nhàng “Dạ!” rồi kéo thọa bàn cất tạm vào đấy. Hôm nay sực nhớ vội lấy ra đọc. Tác giả tuổi lục tuần nhưng trông tấm ảnh chụp gởi kèm tập bản thảo nom trẻ như mới năm mươi và coi bộ còn lắm phong độ. Cô cố gắng nhớ hình như đã gặp người nầy một lần ở Hội nghị tổng kết văn học tỉnh N. và một lần tại buổi giới thiệu sách của tác giả T.M thì phải, ông tính tình xởi lởi dễ bắt chuyện, chỉ cần hỏi đôi ba câu xã giao, ông đã kể tất tần tật mọi chuyện liên quan đến thơ ca (hò vè) của ông. Đúng như một văn sĩ có nhận xét “Cái tôi văn nghệ của một số người ở nước mình to và sung lắm!”.
Ngược với những gì ông giới thiệu, thơ ông càng đọc càng không biết ông muốn nói chuyện gì!. Thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ăn việc làm gặp khó khăn, nhưng thơ ca của ông thì khá thuận lợi. Toàn mây và gió. Tập bản thảo có ba phần: phần một kể chuyện quá khứ, phần hai mơ ước tương lai, hiện tại viết rời rạt. Gộp chung lại chẳng ăn nhập gì, đó là chưa kể quá hơn hai phần ba bài muốn in phải biên tập ít nhất năm mươi phần trăm số câu, chữ trở lên.
Đường đến nơi làm việc thường kẹt xe, nó xảy ra như người nghiện rượu chiều chiều lại nhớ chiều chiều không hề sót bữa nào. Đúng ra Phương Hạ đến vào lúc 7 giờ 30 thế mà bây giờ đã hơn 8 giờ rồi vẫn còn cách cơ quan non hai cây số, điện thoại reo tới lần thứ ba rồi mà xe cộ, người chật như nem không thế lấy điện thoại từ trong giỏ xách ra để nghe xem có gì cần kíp không. Tới nơi trông xếp mặt đỏ gay và miệng nói câu gì đó làu nhàu cô chắc mẩm mấy cuộc gọi nhỡ là của xếp. Tuy vậy thản nhiên giả bộ không hay biết, tính bước vội qua mặt xếp kèm theo nụ cười buổi sáng xong đi thẳng vào văn phòng, liền bị xếp gọi lại “Cô biên tập tới đâu rồi!”. Mỗi lần xếp mà hỏi thắt ngang như thế ổng chắc giận lắm! Nghĩ trong bụng rồi không trả lời mà hỏi lại “Theo anh tới đâu rồi?”. Chính câu hỏi đã cứu cô, thay vì gắt gỏng tiếp xếp nở nụ cười tròn vo trên môi mỏng dính, nói “Ừ! Em cố cho nhanh, xếp (thì ra ông in thơ trước đây xếp của con xếp) điện thoại mấy lần hối in cho kịp phát hành vào hôm ông tổ chức mừng thọ lục tuần vào cuối tháng bảy tới.”. “Chắc cứ để thế mà in!. Em biên tập đến nhức cả cái đầu mà chẳng ra hồn!”. “Thì tuỳ em, miễn có sách đúng hẹn cho ổng!”.
Ngồi vào ghế ngả người ra phía sau, vươn hai tay lên cao Phương Hạ chợt nhìn thấy cái Bằng khen xếp về thành tích năm trước vượt chỉ tiêu cấp giấy phép in sách, định hỏi xếp nhưng thôi chắc nay mai xếp sẽ làm tiệc chiêu đãi công bố lo gì!.
Phương Hạ nhớ câu động viên của chồng cách đây hơn một tuần "Em cứ sống và viết hết lòng. Mảnh đất em đang cày xới gieo trồng từng con chữ có anh cùng chia sẻ!. Em lo gì?.”. Anh chồng là một doanh nhân văn hoá của văn sĩ Lê Lựu, nên rất thông cảm với vợ nhiều vấn đề. Hôm đó cô trả lời “Em quý và yêu anh chính vì điều anh vừa nói, nhưng điều em quan tâm không phải ở thực trạng mà là căn nguyên.”. Anh chồng ôm vợ vào lòng âu yếm tặng nụ hôn xong mới nói “Không nên máy móc em ạ!. Mỗi người chúng ta nên làm tròn nhiệm vụ được xã hội phân công còn... “. Anh chồng định nói thật một điều gì nhưng sợ vợ lại buồn nên ngập ngừng rồi chuyển sang chuyện của anh.


*


Anh kể hồi bảy chín cả nước sôi sục khí thế chống quân khựa, ở tuổi hai mươi đang ngồi trên ghế Đại học kinh tế... anh đã xung phong làm người lính ở tuyến đầu biên giới phía Bắc, cuộc chiến nào cũng không tránh khỏi mất mát hy sinh song theo anh những ngày tháng năm ấy với anh là một bài học lớn về cuộc đời. Một bàn chân trái của anh đã gởi lại trên chiến trường, anh sẵn sàng hy sinh một phần hay cả thân thể vì đây là bổn phận phải làm, anh tâm sự cả nước lúc ấy mà dụ dựa chắc đất nước không còn gì!”. Trở lại đời thường gặp Phương Hạ anh như được tiếp thêm sức sống mới nghị lực mới để đến ngày hôm nay anh có mái ấm hạnh phúc vợ đẹp con xinh và có một Công ty điện tử đang ăn nên làm ra nhất nhì ở thành phố Sài Gòn”. Phương Hạ vùi đầu vào ngực chồng và cảm thấy yên lành lạ!.
"17 giờ rồi! Em phải đi đón cu Sun!. Anh ở nhà, tối nay mình đi ăn cơm ở quán nghe!".
Ngoài sân bóng nắng chiều gom lại chỉ còn đâu vài mét vuông. Không khí dịu mát...


3.
Ở Sài Gòn nhiều sinh hoạt kéo dài thâu đêm, khi mới vào sống ở đây Phương Hạ nghĩ trong bụng không biết người ta đi đâu làm gì mà đông thế. Những con đường rộng thênh thang vậy mà lúc nào cũng ướm kẹt xe. Lại quán xá nữa ba hàng dảy bảy hàng dài không có gì không có, đến như cần một nồi nước lá xông khi cảm lạnh theo cách chữa bệnh dân gian, có ngay nào là lá tre, cây sả, rễ tranh, cỏ gấu, râu bắp...
Chồng của Phương Hạ quê gốc Đà Nẵng vào lập nghiệp năm 82, tức là một năm sau ngày phục viên, bạn bè đa số học xong ra trường, anh chàng cựu sinh viên giờ “khuyết tật” chưa biết làm gì cho khuây khoả gặp dịp ông bác mới mở một công ty điện máy cần người quản lý, thế là anh bỏ qua dự định trở về trường để học tiếp. Bác anh nói “Bằng cấp là quan trọng nhưng thực tế rất cần!”. Đúng vậy chỉ hơn ba năm học buôn học bán ở thương trường lớn nhất nước nầy anh trưởng thành nhanh chóng, không những vừa học tín chỉ xong bậc đại học mà anh còn mở riêng cho mình một công ty chuyên kinh doanh các loại hàng điện tử. Một lần về quê anh gặp Phương Hạ cùng đi trên chuyến tàu hoả, cả hai như hẹn nhau bắt chuyện nhanh rồi quen và đến với nhau... Câu chuyện Phương Hạ mơ ngày xưa chồng cô là người "khuyết tật" như sự dự báo nên khi biết anh mất một bàn chân ở biên giới phía Bắc năm bảy chín, cô không ngần ngại mà còn tự hào về người chồng tương lai. “Ghé vào quán nầy anh hé!”. Phương Hạ vừa nói vừa chỉ tay. Anh chồng gật đầu và cho xe dừng lại.
Phía bên trong quán đã có cô em chồng cùng người bạn trai, thấy Phương Hạ đến cả hai vui vẻ ra tận xe bế cu Sun. “Hôm nay các em bày chuyện gì thế nầy?”. “Dạ! Tất cả do chị bày biện chúng em chỉ phụ giúp thôi!”. Lát sau có thêm mấy nhân viên công ty và hai người bạn của vợ chồng Phương Hạ đến. Phương Hạ trìu mến nhìn chồng nói “Nhân kỷ niệm mười năm ngày cưới của mình em muốn tặng anh, gia đình và bạn hữu sự bất ngờ nầy. Thôi xin mời!.”.
Bữa tiệc tuy đơn giản nhưng ấm cúng. Cu Sun được nhắc tới nhiều nhất. Mà đúng thôi vì đây là quả của cây hạnh phúc được vợ chồng Phương Hạ gieo trồng chăm bón tỉ mỉ và cu Sun chính là sợi dây kết nối thêm bao yêu thương vốn đã có sẵn trong tâm can của đôi uyên ương nầy.
Anh chồng nói có ý định sẽ dàn xếp thời gian về quê, thăm hai bên gia đình, thăm lại ngôi trường Phương Hạ học hồi bậc tiểu học tặng năm chục dàn máy vi tính để trường xây dựng phòng công nghệ dành cho học sinh lớp 4 và lớp 5 học tin học. Phương Hạ tỏ vẻ vui lắm. Cô nói “Em cũng sẽ thăm lại trường cấp 2 – 3 nữa!”.



*


Tập truyện ngắn (tạm gọi là XXV) của Phương Hạ gồm hai mươi lăm truyện, cách đây hai tháng cô chuyển cho xếp để in, Phương Hạ nghĩ công tác ở đây nên việc in sách chắc không gì trở ngại, thế mà...
Đâu vài ngày sau đó xếp trao lại cho Phương Hạ tập bản thảo và gợi ý “Theo anh em chưa nên in tập nầy!”. Cô vặn hỏi nhiều lần tại sao như vậy chỉ nhận được sự yên lặng. Từng biên tập nhiều truyện và thơ cho nhiều tác giả, mà nói biên tập chứ biên tập gì đâu, những đề tài không mới đã đành nó còn lãng tránh thực tế nên nhiều khi vô thưởng vô phạt. Tác phẩm nhàn nhạt dễ dàng ra đời còn tác phẩm có chiều sâu, bề rộng mang vóc dáng một chút, chờ...
Tập thơ của tác giả Đa Ni in đẹp giấy tốt, hình bìa vẽ chân dung cô gái tuổi đôi mươi đầy quyến rũ, hình như cô gái nửa e thẹn nửa mạnh bạo dang đôi tay thiên thần ra đón nhận niềm vui gì đấy, tác giả của bức tranh lột tả nửa chừng, chắc có dụng ý để tuỳ từng người xem tự trả lời. Hôm ông thi sĩ gởi sách lưu chiếu cho NXB, Phương Hạ khen, ông vui lắm và mời ngày... tháng... năm... đến nhà hàng Đá Cuội dự lễ mừng thọ lục tuần của ông đồng thời nhân dịp nầy ông sẽ phát hành tập thơ. Phương Hạ đọc bài giới thiệu có đoạn đưa ông lên tới mây xanh, ông hiểu ý cười rất tươi và phân trần “Chú nói viết sơ sơ thôi nhưng anh xếp của cô tâng lên quá! Chắc cho đáng đồng tiền bát gạo!”. Ông khoe in giấy mời rồi mà chưa kịp viết danh tính địa chỉ từng người nên chưa gởi được. Phương Hạ cầm giấy mời phải nói là xịn, xịn nhất trong số giấy mời ở đây thường nhận. Ông nói thằng con nó lo đó!.


4.
Trở về quê lần nầy Phương Hạ vui lắm. Chị Phương Xuân hay tin đã chuẩn bị khá đầy đủ những tiết mục mà hồi còn cắp sách đi học hai chị em cùng thích.
Đà Nẵng so với cách đây hai mươi mấy năm thay đổi nhiều, con đường Bạch Đằng nằm dọc sông Hàn thơ mộng như rộng hơn dài hơn và đối diện phía bên kia sông có thêm một con đường sát bờ sông cũng đẹp thu hút khá nhiều khách nhàn du. Nghe tiếng hôm nay lần đầu tận mắt nhìn cây cầu Sông Hàn mang dáng dấp hiện đại lòng Phương Hạ thanh thản lạ.
Sun Sun con trai của Phương Hạ đi với mẹ và dì Xuân cùng bé Tin Tin (con gái dì Xuân) nhỏ hơn Sun Sun hai tuổi nhưng lanh lợi và rất rành đường đi. Tin Tin nói: “Dì biết không từ đây đến chùa Linh Ứng không còn xa lắm đâu!”.

Đó là chuyện cách đây hai ngày, hôm ấy cả hai gia đình Phương Xuân - Phương Hạ vãn cảnh chùa Linh Ứng, ngôi chùa mới xây dựng trên đỉnh núi Sơn Trà, khung cảnh thoáng đãng có tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cao lớn nhất nước uy nghi mà hiền hậu. Trông khuôn mặt vị Bồ Tát thật thanh thoát, du khách càng ngắm nhìn tâm hồn càng đón nhận thêm biết bao tình từ bi từ hỷ xả. Cảnh chùa yên bình khiến lòng người an lạc, từ đây mà phóng tầm nhìn ra xa xa biển xanh mênh mông và trời cao trong vắt tựa bức tranh thuỷ mặc sóng sánh lộng lẫy vô cùng. Rất tiếc mẹ của Phương Hạ bị bệnh cảm nên không đi được nhưng như bà nói: “Rất vui khi các con đi lễ Phật!”. Bởi với bà một gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi gia đình có Đạo. Từng trải qua bao gian khó nhọc nhằn cuộc đời, người mẹ trải nghiệm hết sức thấu đáo mọi sự đời, theo bà những điều răn dạy của các vị Giáo chủ tôn giáo không phải để đạt mục đích khi chết mà chính là để thực hiện khi sống!. Chân lý qua hàng ngàn năm tồn tại phát triển nói lên điều ấy.
Sáng nay đi thăm trường Tiểu học ở quê trao tặng năm mươi dàn máy vi tính vợ chồng Phương Hạ mới cảm nhận thêm một điều, quê mình còn quá nhiều khó khăn. Chỉ nói lĩnh vực giáo dục cũng lắm việc cần làm ngay. Thầy Duy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thời tiết nắng nóng như thế nầy mà trường chưa có nguồn nước tinh khiết tại chỗ để học sinh uống, đa phần các em phải mang theo chai nước sôi để nguội từ nhà đến trường, rất là tội!. Phương Hạ nói với chồng sau đợt nầy anh làm sao cố gắng vận động bạn bè trong giới doanh nhân của anh giảm đi một số cuộc hội hè đình đám chắc chắn sẽ đủ tiền giúp các em một công trình nước lọc theo công nghệ Na no đúng tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn. Anh chồng Phương Hạ gật gật đầu đồng ý.
Đứng dưới gốc phượng vĩ đang trỗ bông đỏ rực Phương Hạ bất giác nhớ đến kỷ niệm thời cùng tuổi với các em bây giờ. Kỷ niệm như cánh phượng kia tươi tắn màu yêu thương. So với các em bây giờ ngày xưa lứa học trò của Phương Hạ lơ ngơ nhiều, được cái rất thật lòng yêu thầy mến cô và quý tình bạn. Những Tưởng, Vân, Hà,... ngày nào, giờ mỗi đứa một phương trời một hoàn cảnh điều kiện sống khác nhau, tuy vậy Phương Hạ tin trong lòng mỗi bạn nhất định còn đọng lại mãi mãi những tình thân ái...
Gặp Vân hiện là cô giáo dạy Toán trường Trung học Phổ thông Gò Nổi, Phương Hạ yên lòng vì Vân không chạy theo cơ chế “thời thượng”, Vân biết đem kiến thức và lòng yêu nghề dạy dỗ các em học sinh nên người. Vân nói có người cho Vân lập dị mặc kệ, chồng Vân cũng là giáo viên cùng trường là người chia sẻ với Vân mọi công việc làm, thế là được rồi!. Và được hơn hầu như không có bậc cha mẹ nào và nhất là em học sinh nào không kính trọng cô giáo Vân thật sự. Khi biết Phương Hạ đang là văn sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn, cô giáo Vân khâm phục lắm!. Cô nói: “Mình đã đọc nhiều tác phẩm của Phương Hạ. Nếu được hôm nào mình sẽ tổ chức buổi gặp gỡ giữa Phương Hạ với học sinh lớp mình chủ nhiệm.”. Phương Hạ không nhận lời ngay mà đề nghị nếu Vân dàn xếp được điện thoại Phương Hạ dành thời gian tham gia.

*

Chỉ còn có hơn một tuần lễ nữa nghỉ hè rồi. Không khí trường lớp nao nao lòng!. Trên năm mươi em học sinh lớp mười hai tham dự buổi “trò chuyện văn chương” nói như lời đề dẫn của thầy Hiệu trưởng Siêng. Các em ngồi yên lặng lắng nghe Phương Hạ tâm sự, chủ đề Phương Hạ gợi lên và đề nghị các em cùng chia sẻ không to tát gì nó rất gần gũi, là việc cần làm, có điều nếu ai không quan tâm chẳng hay thấy.
Theo Phương Hạ mỗi cuộc sống đều bắt đầu trong niềm yêu thương. Ví dụ chính buổi gặp gỡ nầy cũng bắt đầu từ niềm yêu thương giữa một cựu học sinh của trường với các em hiện đang học. Có khác chăng cung bậc của niềm yêu thương ấy bao nhiêu?. Để làm gì?. Có vụ lợi?. Quan niệm học để làm gì hiện nay không khác so với trước đây chỉ có nó được nâng cao thêm lên. Ngoài học làm người, học tích luỹ tri thức, học thành tài phục vụ gia đình, xã hội, nay học còn để “biết cách chung sống với cộng đồng”. Cụm từ trong ngoặc kép thu hút đông đảo các em tham gia ý kiến.
Phương Hạ vui vì những gì đem ra trao đổi đều có sự đồng cảm khá sâu sắc. Điều nầy chứng tỏ lớp trẻ không thụ động, chỉ có cách làm sao đưa ra phương pháp gì giúp cho “tuổi trẻ sống thật vì mình và vì mọi người” là việc cần được quan tâm.

Câu chuyện văn chương được các em tham gia thật thú vị. Như vậy bên cạnh ham thích cập nhật mạng Internet, giới trẻ cũng dành thời gian đọc sách đó chứ!. Truyện của Phương Hạ và truyện của văn sĩ Nguyễn Nhật Ánh người cùng quê đang sống ở Sài Gòn được nhiều bạn trẻ mua và đọc là thực tế sáng sủa. Theo các em người viết văn ngoài tài năng còn cần có tâm trong sáng, có thế mới sống và viết thật lòng và viết trúng. Phương Hạ đọc cho các em một truyện ngắn trong tập bản thảo truyện XXV của Phương Hạ, không khí lặng im... lát đát có em tỏ vẻ xúc động...
Phương Hạ đọc xong hỏi: “Các em cảm nhận điều gì qua truyện ngắn Phương Hạ vừa đọc?”.
Khi ấy hình như các em mới sực tỉnh và lộ rõ bao niềm vui.
Một em ý kiến: “Truyện của chị thật sâu sắc và chan chứa tình người!”.
Một em khác ý kiến: “Rất tuyệt!”. Và hỏi: “Bao giờ chị xuất bản tập truyện nầy?”.
(Còn tiếp)

H.V
https://hoavanruotra.blogspot.com/2013/10/noi-chi-co-hai-nguoi.html?m=1
------https://hoavanruotra.blogspot.com/2013/10/noi-chi-co-hai-nguoi.html?m=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét