Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Hòa Văn: Ước gì “thời gian” đừng “trĩu nặng”...





                              MẸ

Mẹ là nắng mẹ là mưa
Mẹ vừa cổ tích mẹ vừa ca dao

Đắng cay thì mẹ nhận vào
Bao nhiêu thơm ngọt lại trao cho đời

Con đầy là lúc mẹ vơi
Dòng sông nước mắt nụ cười mẹ cho

Thời gian trĩu nặng con đò
Mẹ đưa con đến chạm bờ rồi xa.

                              
                             Dung Thị Vân

 


Hòa Văn: Ước gì “thời gian” đừng “trĩu nặng”...
                           (Đọc bài thơ Mẹ của nhà thơ Dung Thị Vân)

Từ bao đời nhiều thơ ca nhạc họa và truyện ca ngợi Mẹ.
Mẹ rất gần gũi với mỗi chúng ta....
Gần và cần như không khí trong lành hằng ngày loài người và vạn vật hít thở để có sự sống trên hành tinh nầy vậy!.

Hình ảnh bà mẹ nhân hậu, chịu thương chịu khó trong gia đình, ngoài xã hội là hình ảnh đẹp khó có điều gì so sánh.
Lại không thể dàn dựng hình ảnh để đặc tả hết hình ảnh mẹ.
Nhưng khi Mẹ là nắng là mưa là cổ tích là ca dao... như Dung Thị Vân (DTV) viết:

“Mẹ là nắng mẹ là mưa
Mẹ vừa cổ tích mẹ vừa ca dao”

Thì là trường hợp ngoại lệ!.


“Đắng cay thì mẹ nhận vào
Bao nhiêu thơm ngọt lại trao cho đời”

Điều nầy “không ngoa ngôn chút nào”.

Trong mỗi mái ấm của gia đình bất luận nghèo khó hay dư dật tất cả mẹ của chúng ta đều như vậy. Khó thể kể ra hết “đắng cay” “mẹ nhận vào” và ngược lại cũng không có giấy mực nào ghi cho đầy đủ “Bao nhiêu thơm ngọt” mẹ “trao cho đời”.
Trong câu thơ nầy DTV không biết có cố ý không chứ nếu mà “Bao nhiêu thơm ngọt” mẹ “trao cho...” mỗi mình con của mẹ, thì DTV chưa hiểu mẹ! và không phải Mẹ.
Mẹ là của con. Mẹ là của ba. Mẹ là của nội, ngoại, tộc họ, làng nước xa xóm giềng gần... Tuỳ vào từng hoàn cảnh điều kiện mẹ thể hiện “thơm ngọt” với “đời”.

“Con đầy là lúc mẹ vơi
Dòng sông nước mắt nụ cười mẹ cho”

Ở đây hình tượng “vơi”- “đầy” của câu thơ dẫn dắt người đọc bài thơ “Mẹ” đi từ trạng thái “thấy” bước sang trạng thái “nghe”. Nghe trong lòng thao thức nỗi “đầy - vơi” của tạo hoá: Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Hễ đã mang vào “Thân tứ đại” thì không có phép màu nào vượt qua lẽ “vô thường”, quy luật muôn năm “của sự sống”. Mẹ từng ngày từng giờ mong con khôn lớn nên người tốt lên -“đầy” lên..., cũng là từng ngày từng giờ ấy mẹ già đi - “vơi” đi...

Đọc bài thơ lục bát “Mẹ” chỉ có 8 câu của DTV chắc bạn đồng cảm với tôi “Bài thơ giống như con đò đang trôi bồng bềnh trên dòng sông mang trong lòng biết bao niềm vui nỗi buồn và cả những trăn trở... mà mẹ không (hoặc mẹ chưa) bao giờ thổ lộ với một ai - dù người ấy là con gái của mẹ!”.

“Thời gian trĩu nặng con đò
Mẹ đưa con đến chạm bờ rồi xa”

Hai câu kết của bài thơ Mẹ là tiếng kêu thảng thốt của bao người con trước sự “đầy – vơi” của cuộc sống con người - của “biệt ly tình mẫu tử”!.

Các con xin được thưa với mẹ: “Mẹ ơi!. Cho dẫu con có đi cuối đất cùng trời, con có lớn khôn bao nhiêu tuổi đời/ Trước sau với mẹ con vẫn chỉ là đứa trẻ mà thôi”(*).  Mỗi người con đều ước gì có phép màu để “thời gian” đừng “trĩu nặng” để “Mẹ”“con” không bao giờ “chạm” đến “bờ” “xa”.

Hòa Văn

(Viết sau siêu bão Nari và cơn lũ lớn ở miền Trung –  kéo dài từ 15/10- 19/10/2013)
--------

(*): Lời bài hát Mẹ dòng sông... của H.V
- Tranh minh họa HS Hoàng Khắc Hiếu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét