Tôi nghe câu nầy hồi còn nhỏ. Lớn lên ở thành phố có biết bão nhưng phố xá san sát nhà, nhà cũng tương đối vững chãi nên nghe bão biết bão... chứ chưa lo vì ít tận mắt thấy sự phá hoại khủng khiếp của bão...
Mà hình như mỗi năm bão mạnh thêm lên!.
Bão năm Thìn (1964) gió dữ lắm, nhà cửa vùng Gò Nổi –Điện Bàn, Quảng Nam xưa đâu bằng giờ cả xóm có dăm ba nhà ngói xây gạch (vữa vôi cộng nhựa trái bời lời) còn đa số là nhà tranh cột gốc tre, nhà khá hơn chút mới có dàn rường; trính; cột bằng gỗ.
Nhà cửa ngày xưa ở vùng hay có bão như Gò Nổi người ta thường làm thấp, kiểu dáng nhà cũng thích nghi với bão như hai mái hai chái, nhà ngói thì chần kỹ các đường rìa chu vi của mái ngói, đặc biệt lợp ngói âm dương thì không dễ gì gió bão tốc được, nhà tranh thì lợp mái tranh mè, gợp dày ken, đến khi sắp đến mùa mưa bão nhà nào cũng dùng bốn cây tre đực (lấy từ gốc tới ngọn) chằng chống bốn góc nhà, giống như “kiền bốn chân” vậy hỏi làm sao rục rịch!. Làm như vậy nên khi có bão nhà ngói chỉ xê cột đứng tán, nhà trang tre tốc mái là cùng không như nay hễ bão thì thiệt hại ghê gớm.
Bà con Gò Nổi “thích lũ” hơn bão. Vì “lý luận” nghe rất phải: “Bão to quá chịu chết, còn lụt lớn mấy cũng có thể vượt lụt được bằng cách đi tránh từ nơi thấp đến cao...”.
Ở Gò Nổi bây giờ nhà chăn nuôi gia súc gia cầm đều chuẩn bị khá tốt “nơi ăn chốn ở” cho trâu, bò, heo, gà do vậy lũ lụt đỡ sợ mất mác. Còn với con người và lương thực hầu như nhà nào cũng có gác lửng đến tháng Tám thu hoạch xong lúa thóc cái bán đã bán cái còn để ăn từ nay đến giáp hạt đã đưa lên gác, khi có lũ chỉ thêm một bếp ga cả nhà có cơm canh nóng hổi... nhiều khi hóng (hoặc mua) được cá sẽ có một bữa cơm không những no mà còn ngon đáo để!.
Còn bão... Thôi khỏi nói không biết “mô tê chi” nghe đài báo có bão thấp thỏm lo... không biết bão sẽ gây thiệt hại mức nào?.
Dự báo bão ngày càng “trúng” do vậy nhiều khi do báo “trúng” thành thử hay chủ quan. Bao giờ bão đi vô mình hẵng hay còn ở xa thì từ từ tính!.
Với lại có kinh nghiệm dăm ba cây bão đầu thường ra miền Bắc, khoảng giữa vô Trung cuối vụ bão vào Nam...
Kinh nghiệm nữa là nơi bão sắp đổ bộ vào thì ở vùng sắp có bão ấy trời quang mây tạnh mà trười quang mây tạnh chừng nào sẽ có bão to chừng nấy.
Có chủ quan trong phòng chống bão... (thiên tai)?.
Câu hỏi nầy khó trả lời chính xác vì năm nào ở mọi cấp từ chính quyền đến cơ quan đoàn thể... đều có đề ra các phương án phòng bão (nói chung phòng thiên tai bão, lũ,...). Nếu các cấp các ngành tổ chức thực hiện đầy đủ có trách nhiệm như phương án đã đề ra thì xin thưa là KHÔNG CHỦ QUAN.
Theo kinh nghiệm các phương án phòng bão... (thiên tai) chỉ mới là kế hoạch ban đầu còn các bước triển khai thực hiện xuống các khu dân cư, hộ gia đình mới là quan trọng ngoài ra không phải đến mùa bão mới phòng mà phải phòng từ xa nghĩa là làm mọi việc có thể làm trong điều kiện thời tiết nắng ráo (thường là từ tháng 6 hằng năm). Tuy nhiên căn cơ của phòng bão... với đối tượng nhà ở, cơ quan là nhà cửa, cơ quan (trường học...) phải được xây dựng kiên cố đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chịu đựng được gió bão ít nhất cấp 13,14... nếu không mọi sự chỉ ở trạng thái “nhờ trời”.
Mà “nhờ trời” trông chờ “sự có bão hay không” thì thiệt hại không lường trước nếu bão xảy ra.
Sống chung với lũ và chắc chắn phải tìm cách tốt nhất để sống chung với bão nữa!.
(Trước bão số 10 (2013) dự báo tối 30/09/2013 vào Hà Tĩnh-Quảng Trị)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét