Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

LÀNG THANH CHIÊM - CÁI NÔI CHỮ QUỐC NGỮ





Năm Nhâm Dần (1602) năm thứ 45 đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1524-1613) làng Thanh Chiêm được chọn làm thủ phủ Quảng Nam gọi theo danh xưng hành chính là Dinh Chiêm (người nước ngoài gọi là Dinh Ciam) có ba đời Thái tử liên tiếp trấn thủ tại đây là Nguyễn Phước Nguyên, Nguyễn Phước Kỳ, Nguyễn Phước Lan.
Dinh trấn Thanh Chiêm cách Hội An chừng 7 km nằm sát quốc lộ 1A thời ấy có dinh thự nguy nga nhà cửa đồ sộ, có trường Đốc học, đình làng... Nhà thờ đạo xây dựng năm 1615 (thời Thái tử Phước Kỳ) là một trong hai nhà thờ đầu tiên Đàng trong.
Trong bài phú Mã Sơn viết như sau: “... xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường cửa nhà đồ sộ - Miếu thờ Thánh đền thờ Thần, đồn bảo vệ giữ gìn mọi nẻo – Sứ có Quán thương có Cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu – Thành trì hùng tráng phiên châu, dấu tích đổi thay cõi vũ...”.

Ngày nay dấu tích xưa vang bóng. Từ quốc lộ 1A đi vào hương lộ trước hết gặp một đám đất có tên Văn Thánh, tiếp đến là ngôi chùa cổ cổng đề Hội Phước Tự, rồi đình làng. Xuống cách đình 500 mét có khúc đường chạy theo dài theo hướng Đông Tây ngăn đôi xóm phía Nam với một đồng ruộng phía Bắc có khúc đường cao dài khoảng 800 mét, rộng 9-10 mét cỏ mọc có nhiều mộ đó là di tích một trong bốn mặt thành của Dinh trấn xưa. Theo các cụ cao niên xưa kia sát thành (luỹ) có trì (hào) gần phía Bắc có một đất gọi là đất nhà lao khoảng 700 m2 lâu nay không ai dám làm nhà, cách đó có địa danh Hàng Cung, Kho Muối, Tàu Tượng, Mô Súng... phía Đông có Tịch Điền, Vọng Khuyết...phía Nam bên quốc lộ 1 A có chợ Củi, bến Củi, sông Củi (Sài Giang) một nhánh sông Thu Bồn nơi đây một thời trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Phía sau chợ Củi có miếu Âm hồn, Gò Sứ... chứng tỏ Dinh Chiêm trước có cơ cấu tổ chức hành chính, nghi lễ, tư pháp, quân sự, và hệ thống công nghệ thương mại.

Là vùng đất quan trọng nên làng Thanh Chiêm có một sự kiện có một không hai đó là cái nôi chữ Quốc ngữ. Năm 1617 giáo sĩ Francisco De Pina (người Bồ Đào Nha) đến Thanh Chiêm cùng người Bồ Đồ Nha, người Việt dùng mẫu tự La tinh (A, B, C...) phiên âm hình sáng chế chữ mới sau này gọi là chữ Quốc ngữ. Về sau khi giáo sĩ Francisco De Pina qua đời (do đuối nước), giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) đã kế tục công việc chế tác chữ, xong giáo sĩ viết và in tự điển La - Bồ - Việt (1651), Tiểu lược tiếng Việt và một số sách khác...
Thời phong trào Duy Tân Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... đã hô hào dùng chữ Quốc Ngữ xem đây là “Chữ lý tưởng – “hồn trong nước” có đủ tài thiên biến vạn hóa để thay chữ Nôm, chữ Hán”. Về sau các phong trào yêu nước, các sĩ phu, nhà văn, nhà thơ sử dụng chữ Quốc ngữ truyền bá tư tưởng yêu nước, phổ biến kiến thức, văn học nghệ thuật...
“... Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta...”
(Chiêu hồn nước – Huỳnh Thúc Kháng)

Tới nay (2015) qua 398 năm hình thành phát triển chữ Quốc ngữ khẳng định đã có công lớn quan trọng trên mọi lĩnh vực. Trở thành chữ phổ thông, được sử dụng chính thống trên văn kiện nhà nước, nhân dân, văn hóa văn nghệ được quốc tế công nhận. Năm 2000 thành phố Hồ Chí Minh tái lập bia kỷ niệm sự kiện chữ Quốc ngữ ra đời và lấy tên người đồng sáng chế ra chữ Quốc ngữ giáo sĩ Alexandre de Rhodes đặt tên đường phố.
Còn ở ngay tại Cái nôi chữ Quốc ngữ chưa có một sự ghi dấu một sự kiện mà không một làng xã nào ở Việt Nam có được!.


HÒA VĂN

HÒA VĂN
------------------------------------
Bài viết tham khảo:
-         Quảng Nam trong hành trình mở cõi giữ nước của Nguyễn Q. Thắng - NXB Tổng hợp TP HCM - 2005
-         Hồ Ngận – Quảng Nam Xưa & Nay ( Bản thảo)
-         Huỳnh Thúc Kháng phổ
-         Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký (1837-1898) in 1867
-         Ngữ pháp Việt Nam yếu lược (1864, Chuyện giải buồn, Đại Nam Quốc âm tự I,II của Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)
-         Truyện thầy Lazazo buồn của Nguyễn Trọng Quân (1865-1911) Ông là con rể Trương Vĩnh Ký
-         Huỳnh Thúc Kháng tự truyện - NXB Văn hoá thông tin Hà Nội - 2000 (tái bản).

2 nhận xét:

  1. -
    Trích bài viết :

    ...Năm 1420 giáo sĩ Francisco De Pina (người Bồ Đào Nha) đến Thanh Chiêm...”...

    - Nhầm lẫn đến gần 2 thế kỷ.
    Đúng là năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina đến Hội An (Thanh Chiêm).

    Trả lờiXóa
  2. Vâng đánh máy nhầm. Tks 1617...

    Trả lờiXóa