Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Truyện ngắn Hòa Văn: BẾN AN LÀNH

1.

Mân Thái đứng trước tấm gương như thế nầy đâu mươi lăm phút rồi. Diện bộ cánh mỏng tanh vải lụa màu gi thế mà vẫn toát ra bao sức nóng hừng hực lúc nầy mà lỡ có bất cứ cái gì va vào chắc sẽ bị thiêu rụi ra tro ngay!. Mân Thái tự mỉm cười sau ý nghĩ hơi kỳ hoặc ấy. Nói thật đang ở độ tuổi bốn mươi hai, đã gần mười lăm năm sống đơn thân kể từ cái ngày...


Mân Thái đang nghĩ ngợi mung lung về chuyện ngày xưa... Cu Tĩnh ở đâu chạy ùa vào ôm chầm lấy mẹ:
“Mẹ đi đâu mà đẹp dậy!”.
Chính câu hỏi vô tình của đứa con đang ở tuổi teen càng xác nhận Mân Thái còn đẹp!. Mân Thái nói:
“Sáng nay, con theo mẹ lên chùa nghe.”.


“Làm gì, mẹ?”.
“Ời! Trước lễ Phật sau gởi con cho thầy Hạnh Như dạy con đạo nhà Phật!”.
Việc nầy Tĩnh Tĩnh nghe mẹ thưa với thầy Hạnh Như trù trì chùa Huệ Quang trong lần đi vãng cảnh chùa hồi cuối năm học. Không phải Tĩnh Tĩnh đồng ý ngay đâu, cậu ta quầy quậy không chịu, bảo rằng kỳ nghỉ hè sắp tới mẹ để con đi về quê thăm ngoại.

*
Cu cậu vẽ ra nhiều điều lý thú nếu được về nơi đồng quê không xa mấy, chỉ mươi lăm cây số, nào là cùng bọn nhóc ở đó thả diều, bắt chim, bắt cá...
Nhưng thú nhất là màn đánh giặc giả giữa xóm Bà Già với xóm Con Nít - Cả hai tên xóm mới nghe lần đầu, Tĩnh Tĩnh thấy nó dân dã và ngộ nghĩnh thiệt – Khi nhóc Tép nói lại kỹ càng mới té ngữa ra, đây không phải là danh xưng chính của hai xóm mà chỉ là biệt danh do các nhóc thủ lĩnh Tép xóm Bà Già, Tỉn xóm Con Nít tự đặt. Lúc đầu giỡn chơi cho vui thế mà không biết răng hắn trở thành tên riêng của cả bọn nhóc hai xóm. Tĩnh Tĩnh cũng thấy vui vui khi kêu theo nên tới chừ cũng chưa biết tên thật của hai xóm là gì.
“Bà Già đây!”.
“Con Nít đây!”.
Điệp khúc trên lặp đi lặp lại mỗi khi hai xóm bắt đầu trò chơi đánh giặc giả.
Tĩnh Tĩnh mới nhập bạn có non tuần nhựt thế mà coi bộ sành tất cả các chiến kỹ thuật tác chiến của đoàn quân xóm Bà Già dưới quyền chỉ huy của thủ lĩnh Tép.
“Chiến binh Tĩnh Tĩnh vào kho nhận súng, đạn!”.
Thủ lĩnh Tép nói gọn gàng từng chữ một giọng đanh và rõ đúng y người chỉ huy ra lệnh cho cấp dưới thật sự.
Hơi bất ngờ một chút thôi, chiến binh Tĩnh Tĩnh lấy lại bình tĩnh đáp to và cũng rõ:
“Tuân! lệnh!”.
Rồi ù chạy vào bụi rậm phía bên kia đường. Đó là hàng chè tàu nhà ông Chín người chuyên đi bán chè chín dạo khắp nơi, lâu lâu mới về nhà đâu vài ba bữa không biết để làm gì sau đó lại đi. Ngôi nhà của ông trở thành tổng hành dinh của các chiến binh xóm Bà Già.
Khẩu súng Tĩnh Tĩnh được nhận là “súng liên thanh” làm bằng ống cây trảy cỡ to.
Trước khi trao súng Tép nói:
“Đây là ống thụt “bự” nhất mình tự làm được chứ mấy khi cỡ nầy phải qua tay ông Chín chè mới được!”.
Tép phân bua với Tĩnh Tĩnh như vậy. Rồi cầm ống thụt “bự” vừa tả chi tiết vừa hướng dẫn cách xử dụng.
Đây nè phần cuối ống thụt có gắn một cái cổ chai nước ngọt gọi là cái loa súng, tác dụng của loa súng khi dùng trái bời lời nhắt vào ống thụt làm đạn bắn sẽ phát ra tiếng nổ, tiếng nổ của súng có loa sẽ kêu to và thanh lắm!. Cái công đoạn cắt lấy cổ chai do ông Chín chè làm giúp, ông lấy dây kẻm quấn vải cột vào chỗ cổ chai muốn cắt thấm dầu tây xong đốt vòng dây kẻm vải ấy cho lửa đỏ một chặp, cái nầy ông Chín chè kinh nghiệm nên lần nào cũng vậy hễ ông nói được là thả chai vào chậu nước lạnh ngay. Bốp tiếng kêu như vậy là được rồi cái chai được cắt thành hai phần, phần cổ chai đem gắn vào ống thụt. Đoàn chiến binh của Tép chỉ có vỏn vẹn hai khẩu “liên thanh” còn lại là súng thường, tức là các ống thụt làm bằng ống cây trảy cỡ bình thường lỗ của nó vừa vặn với trái bời lời.
Ông Chín chè bữa nay có ở nhà. Khi các nhóc tụ tập dàn binh bố trận bên hè là lúc ông đang nghỉ trưa, giờ mới dậy. Ông Chín chè nói như quát:
“Mấy đứa bay mần chi rứa!. Vô đây đã!”.
Tính của ông là vậy. Thích trẻ con lắm!. Thế mà không biết tại sao đến bốn mươi mấy tuổi rồi ổng chưa chịu có vợ. Ngày hòa bình về lại quê bà con bàn tán anh Chín nầy giỏi tiếng Mỹ lắm. Thực hư không biết nhưng ngó phong cách đi đứng và cả cách lao động cũng khác thiên hạ, Thư thái đàng hoàng, giờ nào việc ấy không hấp tấp và nhất là không bao giờ làm ẩu điều gì!. Cuốc đất bệ thì cuốc từng nhát cuốc một, lật đất sắp lớp trông đẹp mắt chứ không như người khác loạn xạ và còn cuốc dối nữa... tức là cuốc năm ba nhát cuốc thì bỏ một nhát không cuốc. Phần đất không cuốc lên đó được che đậy bởi miếng đất bệ do vậy khó phát hiện. Lao động một thời gian anh Chín đi buôn chè chín. Chè chín khi ấy được mọi người ưa chuộng, bỏ một nhúm chè vào ấm đổ nước lưng ấm nấu sôi, dùng làm nước uống hằng ngày, nhất là khi lao động mệt nhọc có bát nước chè chín uống vừa ngon vừa đã khát lắm!. Nghe nói hồi trai trẻ ông Chín chè có quen một cô ở xóm trên nhưng quen biết suốt ba năm không một lời hứa hẹn gì, sau đó cô nàng đi lấy chồng bên kia sông, anh Chín ở vậy. Về sau ai có nói tới chuyện vợ con anh chỉ cười cười... Nụ cười ẩn chứa một điều gì đó khúc mắc!.
Với bọn nhóc trong xóm Chín chè là trai tân nên kêu bằng anh ngon lành.

*
Cả bọn nhóc ùa vào vây quanh anh Chín một cách rất tự nhiên. Anh đi vào buồng xách ra mấy nãi chuối mốc chín sẩm vỏ.
“Mấy đứa ăn nghe. Oản của Phật đấy!”. Anh Chín nói.
Tép đứng lễ phép thưa:
“Dạ cám ơn anh!”.
Xong bưng một nãi đưa Tĩnh Tĩnh:
“Bẻ chia cho mấy đứa ăn”.
Nãi còn lại Tép mời anh cùng ăn.
Chín nhìn chằm chằm Tĩnh Tĩnh hỏi:
“Đứa mô “trắng da dài tóc” rứa?”.
Tĩnh Tĩnh cười ngất trước câu hỏi hay như làm văn của anh Chín. Câu hỏi đúng một nửa so với các nhóc Tép, Phiên, Dưng, Miễn,... ở đây Tĩnh Tĩnh dân phố nên da dẽ có trắng trẻo hơn thiệt còn đầu tóc không phải như câu thành ngữ mà ảnh vừa nói. Tóc Tĩnh Tĩnh được cắt theo kiểu đầu đinh từ hôm nghỉ hè kia. Mẹ Tĩnh Tĩnh bảo “Hớt thế cho mát với lại mạnh mẽ nữa!”. Tĩnh Tĩnh nghĩ bụng chắc "ổng" cho mình là dân “ăn sung mặc sướng”!.
“Dạ! hắn là cháu dì út Trâm đó anh!”.
Tép cũng lễ phép thưa.
“À! Rứa là cháu ngoại bà ba Quýt?”.
Bước tới sát Tĩnh Tĩnh lấy tay xoa xoa cái đầu tròn vo.
“Anh nói lại nghe! Thằng “trắng da ngắn tóc” đẹp trai hỉ!”.
Bọn nhóc cười ồ. Tép nói như lệnh “Từ nay Tĩnh Tĩnh mi sẽ là chiến binh “trắng da ngắn tóc” nghe chưa?”. Cả bọn nhóc lại thêm một trận cười nghiêng cười ngã.
Chín nói Mẹ của chiến binh “trắng da ngắn tóc”” làm trúng đó! Người ta nghiên cứu kỹ rồi trẻ con hay nói chính xác là người đi học (cả người đi dạy nữa) sau chín tháng miệt mài ăn học (ăn dạy) phải có khoảng thời gian nghỉ cho thong thả nói theo kiểu mới là giải strees, mà thời điểm nghỉ đúng vào tiết trời nắng nóng vậy nên gọi là kỳ nghỉ hè. Đã nghỉ hè thì chơi là chính! Thời anh nhất định như thế không có học thêm học bồi chi cả!.
Chín hỏi Tĩnh Tĩnh có đúng không?.
Cả bọn nhóc đồng thanh hô:
“Đúng! Đúng ạ!”.
"Mấy đứa có biết strees là chi không?".
Tất cả im lặng. Anh nói:
"Là căng thẳng chứ chi đâu?".
Và nói tiếp:
Việc đầu tiên là mấy đứa phải biết nhận ra "Các dấu hiệu của stress bao gồm những bất bình thường về thể chất, thần kinh và quan hệ xã hội. Cụ thể là sự kiệt sức, tự dưng thèm ăn hoặc bỏ ăn, đau đầu, khóc, mất ngủ hoặc là ngủ quên. Ngoài ra, tìm đến rượu, thuốc, hoặc những biểu hiện khó chịu khác cũng là những dấu hiệu của stress. Stress còn đi kèm với cảm giác bất an, giận dữ, hoặc sợ hãi. Đối phó với stress là khả năng giữ cân bằng khi xảy ra những tình huống, sự kiện đòi hỏi quá sức." (*).

Cả bọn nhóc xóm Bà Già giờ ngồi bệt ngay ngắn dưới nền nhà anh Chín mới lót gạch men mát rượi ngẩng đầu lắng nghe. 

2.
 


Xế chiều rồi mà nóng kinh khủng, mặt trời tròn vo nằm gác lên bên trên ngọn núi Bà Sa tựa hồ khuôn mặt ai đó đỏ gay đỏ gắt vì gặp bữa quá vui uống rượu quá chén đang xin xỉn nửa ngồi nửa nằm dòm xuống xóm Bà Già.
May mà trong vườn nhà anh Chín cây trái sum sê, nhất là mấy cây bòng cựu qua thời chiến tranh không bị sứt mẻ gì tán cây to như những cánh tay khoẻ khoắn dang rộng ra che phủ gần nửa sào đất, trên đó hàng chục ... hàng chục... trái bòng ươm có; chín có và có cả trái non non treo lủng lẳng trông đẹp mắt, bắt miệng bọn nhóc thèm thèm miết dù chỉ cách đây hai bữa lúc anh Chín vắng nhà bọn nhóc Tép đã tha hồ “trưng dụng” ăn cành hông ớn tới cổ rồi...
*
Cuộc truy bắt quân địch đang hồi gay cấn, thủ lĩnh xóm Con Nít, Tỉn khòng - tại cu cậu cao lòng khòng nên bạn trong xóm gọi thế - bữa nay đóng quân địch không chịu thua trận, hắn biểu bên ta thua một trận chứ ai đời chiến tranh mà bên thắng thắng miết bên thua thua miết như rứa làm chi có chiến tranh nữa!. Cái tối hậu thư được chiến binh “Trắng da ngắn tóc” cầm về trao tận tay thủ lĩnh Tép khi cu cậu được trao trả "tù binh" trước đây non nửa tiếng đồng hồ.
Tép mở buổi họp khẩn. Mọi người tỏ vẻ căng thẳng chụm đầu vào nhau nhỏ to điều chi đó lâu lắm. Chiến binh Hà Miễn không chịu, đã ra quy định rồi phe mô hết đạn im tiếng súng trước là thua, nhứt định họ sắp cạn nguồn "đạn dược" rồi nên bày trò...
Tép đứng dậy ôn tồn nói:
“Suy cho cùng bên xóm Con Nít lâu nay trung thực lắm. Đừng suy luận lung tung nếu lỡ đánh thêm nửa tiếng mình hụt đạn thua ê lắm!”. Hà Miễn chưa chịu, ý kiến đề nghị thủ lĩnh cho kiểm tra "khí tài quân nhu" rỗi hay!. Tép đồng ý.
Đâu ba phút sau Dưng mập - kêu Tĩnh Tĩnh bằng anh em bạn dì ruột - báo cáo ngắn gọn qua di động “Bọ cạp đã ăn no sắp đi ngủ”. Tép nghe xong hỏi lại “Trước khi ngủ không ăn ráng được ba mươi chén à!”. “Báo cáo “no””.
Số là cách đây hai ngày, Tép cho ứng dụng kiểu ngâm trái bời lời vào nước tiểu theo cách anh Chín biểu nhằm bắn cho nó nổ to hơn, mà thiệt vậy nên chiến binh nào cũng ham bắn, “cây súng” nào cũng ăn đạn nhanh hơn nên mau hết đạn là đúng. Chứ như mấy hôm trước cứ hái trái bời lời xong để y rứa bắn chục phát được đâu sáu bảy phát kêu ba bốn phát thúi, bảo chiến binh ham bắn chi!.
Nghe báo cáo xong Tép hội ý trở lại bằng bỏ phiếu kín. Kết quả đánh!.
Rất may có anh Chín tham gia, anh nói:
“Chiến tranh trong trò chơi của tuổi thơ các em thật thích thú hào hứng nhưng chiến tranh thật sự sẽ đem lại bao nghiệt ngã, mất mát đau khổ!. Chỉ khi nào nền độc lập tự do, lãnh thổ của một quốc gia nào đó bị một nước khác xâm phạm mà qua thương lượng hòa giải không được, buộc nước ấy phải chống lại, chiến tranh mới xảy ra. Hòa bình là tốt nhất!. Thôi nghỉ chơi! Kêu cả xóm Con Nít cùng tới đây nghe anh Chín kể chuyện”.
Các nhóc chỉ đợi có vậy, vụt chạy ra từ các chòm cây chè tàu, cây vạn tuế, cây chuối nước,... những “dây thông hào”, “hầm trú ẩn” theo cách ví von của nhóc chiến binh. Rồi reo hò y như mừng ngày đất nước hòa bình. Tép điện thoại cho Tỉn khòng truyền chỉ lệnh của “Tư lệnh trưởng” anh Chín. Không đầy một phút sau các nhóc xóm Con Nít đã tề tựu đông đủ dưới gốc bòng cựu.
Anh Chín mà kể chuyện mấy nhóc không nghe thì chắc trời nầy có gì thay đổi!. Nên chi tất cả nhóc chiến binh hai xóm tay bắt mặt mừng... xúm xít trật tự chờ...
Anh Chín bữa nay coi bộ điển trai lạ. Anh mặc chiếc áo thun màu gi kem bó sát thân để lồ lộ hai lồng ngực căng tròn, đầy phong độ ai mà không biết chắc nói anh mới trên ba mươi tuổi là nhiều!. Đặc biệt anh không rầu rầu như mọi khi cho nên khuôn mặt nhất là đôi mắt sáng hẳn lên tràn đầy sinh lực. Tép kê miệng vào tai nói thầm với Tĩnh Tĩnh “Mi ngó coi mắt anh Chín bữa ni có lửa!”. Tĩnh Tĩnh gật gật đầu cười tươi rói!.
Anh Chín tuyên bố: “Chừ cho mấy đứa trèo lên cây hái hết trái bòng ươm ươm, trái chín xuống làm bữa tiệc nhộng xào bòng nghe!”. “Anh hỏi đố các em nhộng ai mua?. Rồi tự trả lời: ”Mẹ của Tép đi chợ gặp món nhộng tằm tươi ngon quá biết anh thích món đặc sản nên mua giùm hồi chiều, tới hai ký lận!.”
Rồi anh vui vẻ nói tiếp:
“Anh có câu chuyện mới căn hay lắm nhưng để mai kể được không?.
Hỏi vậy nhưng thấy bọn nhóc ỉu xìu buồn xo, anh Chín cầm lòng không đậu kể luôn: “Câu chuyện hồi anh còn ở tuổi các em bây chừ, bên cạnh chơi các trò chơi nhảy lò cò, nhảy tàu bay, nhảy dây, chơi ăn ô quan, u mọi, đánh nẻ... các anh chị còn ham trò chơi đám cưới. Cô dâu khi thì bé Thi, khi thì bé Hà Liên... còn chú rể đa phần do anh đảm nhiệm. Khó nhất là phải trang điểm cô dâu làm răng cho thật khéo, mấy bé lần sau mới chịu tham gia tiếp trò chơi nên chi cả nhóm tập trung lắm. Anh xung phong lấy chiếc áo xoa bông màu cánh sen của mẹ anh cho cô dâu mượn, còn nào là lá mít chằm lại thành khăn đóng cho chú rể, hoa cỏ kết thành vương miện cho cô dâu đội lên đầu... Lần nào cũng vậy sau khi trang điểm xong cho đôi "tân hôn", cả lũ con nít cùng các anh chị kéo nhau đi đưa dâu về nhà chồng, lộ trình là đi quanh quanh trong xóm. Nhìn cô dâu nhỏ nhắn xinh xắn môi đỏ má hồng được xức màu đỏ bông bụt, bông chuối nước... nhìn đôi mắt cô dâu buồn long lanh chực khóc mà thương quá!. Người ta nói tại anh hay sắm vai chú rể nên tới giờ duyên số mãi long đong...
Anh kể vừa dứt bọn nhóc vỗ tay tán thưởng và nói chắc các em cũng sẽ bắt chước trong nay mai.
Mặt trời xuống núi rồi... Trong khu vườn nhà anh Chín đâu đó có tiếng chim kêu thánh thót... gọi bầy về tổ...

Kết
Mân Thái cưng cậu con trai lắm lắm!. Mà không cưng không thương sao được, có cha mà như không!. Câu chuyện của Tĩnh Tĩnh đã nhiều lần Mân Thái muốn kể cho nó nghe mà mỗi lần định nói thì có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ, mắt chực khóc nên thôi.

Tĩnh Tĩnh theo bà ngoại về chơi với con dì Trâm mươi ngày nửa tháng ở dưới quê cho thoả thích. Hơn mười mấy năm rồi hai mẹ con tha phương ở tận miền Tây Nam bộ, một vùng sông nước ai không có tình thì khó mà ở lâu. Mân Thái là ngoại lệ, đến miền xa xôi nầy không mưu cầu việc gì chỉ mong khuây khoả nỗi ưu tư trong lòng sau vụ ly thân rồi ly hôn với người chồng giàu có dư ăn dư để của cải vật chất nhưng so đo từng tí mặt tình cảm. Nói cho đúng cũng tại Mân Thái mà ra...
Một năm đầu "cơm lành canh ngọt" là bề ngoài thấy thế chứ phía bên trong ngôi nhà hai tầng được xây theo kiểu nửa Tây nửa Đông như lò lửa nó âm ỉ ngún từ bụi tro than. Đó là sự thật phủ phàng của một hôn nhân không tình yêu!. Một bữa Mân Thái nói giỡn với chồng "Đố anh thằng Tĩnh Tĩnh con ai?". Tưởng nói cho vui thế mà anh chồng đa nghi đã lén lút đi thử ADN giữa cha và con. Kết quả điều mà Mân Thái từng hồ nghi là đúng.
Ngày xưa... ở quê cũ Mân Thái và... yêu nhau, tình đầu chân chất thơ mộng kết thúc đột ngột khi mẹ quyết định gã con gái cho người giàu có ở Sài Gòn. Nước mắt của Mân Thái khi ấy không còn giọt nào... điều không bao giờ nghĩ đến đã đến. Người con trai đẹp trai lịch thiệp chỉ có cái thiếu may mắn chưa có danh phận gì cho nên đành buông tay người mình yêu, kể từ đó anh trầm tư, bỏ xóm làng đi... lâu lâu mới ghé lại uống rượu thật say với bạn bè xong lại lên đường.
Cách đây hai tháng Mân Thái dọn từ miền Tây về phố cổ Hội An, mở một shop mua bán các sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch gần biển cửa Đợi. Ngoài những ngày mua bán Mân Thái thường dành thời gian đi chùa, làm việc thiện.
Chùa Huệ Quang mới được trùng tu lại thật uy nghi nơi chánh điện thờ Phật và tươm tất nơi tu tập nơi ăn chốn ở của các thầy và chú tiểu. Mân Thái cúng dường Tam Bảo chưa được nhiều nhưng như thế là đúng với tấm lòng của người phật tử thuận thành. Thầy Hạnh Như trù trì nói như vậy.
Mân Thái không có làm gì hơn người khác, chủ yếu để thanh thản lòng sau bao năm lận đận nay đời sống kinh tế khá hơn, nhứt là thằng con trai Tĩnh Tĩnh biết thương yêu mẹ, học hành giỏi giang là điều sung sướng nhất.
Qua hơn nửa tháng ở với bà ngoại và dì Trâm trở về Tĩnh Tĩnh cứ nhắc mãi anh Chín. Tĩnh Tĩnh nói:
“Mẹ mà gặp anh ấy mẹ thích nói chuyện thôi!”.
Vừa nói Tĩnh Tĩnh vừa vùi đầu vào mái tóc dài óng mượt của mẹ, khen tóc mẹ mới gội bồ kết thơm lựng!. Tĩnh Tĩnh vui vẻ kể tiếp nào là anh thương con nhứt trong số các bạn xóm Bà Già, nào là con nói thật mẹ đừng rầy con nghe hết hai phần ba ngày đêm ở quê con ở với ảnh, nào là tiếng gọi bằng anh chứ tuổi đâu lớn hơn mẹ hai ba tuổi gì đó. À quên anh Chín nói hổng biết sao tối nào có con nằm ngủ một bên ảnh ngủ ngon giấc lắm mẹ nghe!...
Nghe con tâm sự lòng Mân Thái rộn lên bao điều tưởng như lùi vào dĩ vãng. Anh Chín!. Người hồi xưa còn con gái Mân Thái yêu thương vô cùng là anh đấy sao?.
*
Lễ Phật Đản tại chùa Huệ Quang tưng bừng nhộn nhịp, mọi Phật tử ai nấy cũng cảm nhận biết bao điều phúc đức hiển hiện trong cõi tạm có được là do biết buông xả tham, sân, si.
Đuốc tuệ rạng soi hàng mấy ngàn năm qua ngày một rực sáng.
Nghe bài kinh Khánh Đản: “Đệ tử hôm nay/ Gặp ngày Khánh Đản/ Một dạ vui mừng Cúi đầu đảnh lễ/... / Học đòi đức tánh quang minh/ Cúi xin Phật Tổ giám thành/ Từ bi gia hộ/... lòng Mân Thái thật thanh thản. Trong tâm trạng ấy bất ngờ Mân Thái gặp lại anh Chín cùng với Tĩnh Tĩnh đi chùa lễ Phật. Đi với Tĩnh Tĩnh có cả đoàn khách du lịch nước ngoài Mân Thái không hiểu gì cả. Tĩnh Tĩnh nói: "Đoàn của anh Chín, Công ty du lịch lữ hành Phố Cổ đó mẹ!"

Sau lần gặp gỡ mọi chuyện sáng tỏ. Tĩnh Tĩnh chính là quả ngọt của cây hạnh phúc Chín - Thái ngày nào...
Một bữa tiệc trà tao ngộ được anh Chín tổ chức bên bờ sông quê xanh ngát thấm đẫm tình yêu thương. Chú rể và cô dâu bước bên nhau ở chính nơi bến nước ngày xưa... từng chứng kiến một cuộc chia tay đầy nước mắt... Cái bến trước đây hay gọi theo tên người đưa đò ngang bến ông Chờ, bây giờ có tên gọi mới bến An Lành./.
H. V
------------
Minh họa internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét