Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

PHẠM PHÚ THỨ VỚI HOÀI BẢO CANH TÂN ĐẤT NƯỚC

                          

                          

                  Phạm Phú Thứ hiệu Trúc Đường sinh ngày 24 tháng chạp năm Canh Thìn (27.01.1821) người con ưu tú của làng Đông Bàn (nay là xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) là người sớm thành danh : đỗ Tiến sĩ năm 1843 lúc vừa tròn 22 tuổi, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng từ Tri phủ, Án sát... đến Thượng thư các bộ Lễ (1855), bộ Hộ (1865), bộ Binh (1873), từng sang Trung Quốc (Quảng Châu –1851), đi sứ sang Pháp – Tây Ban Nha (1863-1864) sống trong giai đoạn lịch sử nửa sau thế kỷ 19 lúc nhà Nguyễn suy đồi... giặc Pháp và các nước phương tây tranh giành thuộc địa tìm cớ gây hấn xâm lược nước ta, tư tưởng trung quân phong kiến còn hạn chế. Nhưng vượt lên trên mọi trở lực đương thời sự nghiệp của Trúc Đường Phạm Phú Thứ sáng trong nỗi niềm yêu nước thương dân với hoài bảo lớn canh tân đất nước

Đúng như lịch sử đánh giá qua nhận định khách quan của nhiều Giáo sư sử học, nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng trong nước như GS sử học Đinh Xuân Lâm, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, PGS-PTS Nguyễn Phan Quang, PGS Lê Văn Sáu... “Trúc Đường Phạm Phú Thứ là nhà canh tân hàng đầu trong số nhà canh tân thời ấy và là người tiên phong để sau này phong trào Duy Tân đạt kết quả tích cực”.Trong đó đáng chú ý nhận định của PGS Huỳnh Lứa nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu lịch sử - Viện khoa học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh: “Trong số các đại thần triều Tự Đức, Phạm Phú Thứ là đại thần nổi bậc về hai phương diện : Một là ông rất cương trực dám nói thẳng quan điểm của mình, dám phê phán cả nhà Vua mà không sợ trù dập, thậm chío khi bị trù dập, bị giáng chức nhiều lần vẫn không nản chí không sợ hãi, vẫn kiên trì những ý kiến của mình cho là đúng đắn – Hai là ông không thủ cựu không cố chấp, hơn thế bằng sự quan sát hết sức tinh tế và đọc nhiều sách tân học ông ra sức phát hiện những cái mới để học tập và tiếp thu làm phong phú thêm kiến thức của mình đồng thời mạnh dạn đề xuất những phương sách canh tân đất nước nhằm cứư vản tình thế nguy cấp của nước nhà trước sự xâm lăng của thực dân Pháp. Rõ ràng hai đức tính cao đẹp đó của ông mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ sau ông kể cả
Có một điều đáng tiếc nhà Nguyễn bấy giờ thủ cựu đã để lỡ cơ hội, các nhà canh tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch không có điều kiện đem đức – tài – tâm ra kinh bang tế thế giúp nước giúp dân. Tuy vậy trong cương vị đại thần khi đương chức Tổng đốc ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Hưng, Hải Dương, Hải Yên ông đã có nhiều quyết sách hợp lòng dân như thi hành các chính sách chống đói một cách cơ bản bằng cách khai hoang trồng cây lương thực, mở thuỷ lợi ở Đông Triều (QuảngYên) Nam Sách (Hải Dương) mở cảng ngoại thương Hải Hưng (1874), khuyến khích nhà giàu bỏ vốn mở mang công nghệ, đánh thuế nhẹ hộ sản xuất tiểu thủ công nghiêp, hỗ trợ dân nghèo khai thác than đá ở Quảng Yên. Ở mạn Đông Bắc ông chú trọng phục hồi sản xuất nông nghiệp phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tỉnh lỵ, phố phường, làng xã qui củ lập cảng ngoại thương Hải Phòng, chăm lo đời sống dân nghèo, quan tâm canh phòng biển, biên giới, thực hiện mở mang trường học truyền bá kiến thức khoa học kỹ thuật phương tây cho dân chúng, khôi phục nhà xuất bản Hải học đường - vốn có từ đời Gia Long 1802-1805 - xuất bản bốn cuốn sách dịch từ tiếng Anh ra chữ Hán : Bác vật tân biên (nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (nói về khai mỏ), Hàng hải kim châm (nói về cách đi biển), Vạn công pháp (phép giao thiệp quốc tế) cùng với xuất bản sách ông còn đề cập tới một số vấn đề như đúc súng, chế biến thuỷ tinh, ứng dụng hoá học vào đời sống sản xuất... Đối với quê hương nhân chuyến về thăm nhà (1859) qua tìm hiểu thấy rõ dân tình cơ cực khó khăn ông dâng sớ xin Vua đắp đê Câu Nhí - Điện Bàn, đào sông Ái Nghĩa - Đại Lộc phục vụ sản xuất dân sinh thuận lợi. Riêng qua đi sứ cùng phái bộ triều đình (Phan Thanh Giản, Nguỵ Khắc Đản) đến Pháp – Tây Ban Nha điều đình chuộc lại ba tỉnh Đông Nam kỳ theo hòa ước Nhâm tuất (1862) trên đường công du ông học mô hình xe gió của Ai Cập khi về nước hướng dẫn nông dân làng Đông Bàn quê ông làm thành xe đạp nước sau cải tiến thành xe trâu dùng để đưa nước từ ao đìa lên tưới ruộng đây là công cụ thuỷ lợi đầu tiên du nhập vào Quảng Nam mang lại hiệu quả kinh tế cải thiện đời sống nông dân thời ấy, đến năm 1965 tại làng Đông Bàn có 17 xe đạp nước xe trâu tưới nước cho hàng trăm mẫu ruộng, về sau nhiều nơi trong ngoài tỉnh làm theo trở thành công cụ thuỷ lợi phổ biến...
Canh tân đất nước đi đôi với lòng thương dân yêu nước gắn với tự cường độc lập tự chủ dân tộc là hai giềng mối Trúc Đường - Phạm Phú Thứ trước sau như một, điều nầy thể hiện qua hành động khi tàu chiến thực dân Pháp – Tây Ban Nha đổ quân lên bán đảo Sơn Trà xâm lược Đà Nẵng ngày 19.9.1859 ông đã dâng sớ thỉnh nguyện triều Tự Đức xin cho dân viên quê quán Quảng Nam tòng sự tại Kinh đô được về quê nhà chống quân xâm lược lời thỉnh nguyện được cư dân quê nhà đồng tình.
                 Lúc 60 tuổi Phạm Phú Thứ về quê tĩnh dưỡng sau đó vì tuổi già sức yếu ông mất ngày 17 tháng chạp năm Tân tỵ (5.2.1882) mộ ông hiện toạ lạc tại làng Đông Bàn. Trúc Đường - Phạm Phú Thứ để lại tư tưởng canh tân đất nước đáng quí và phù hợp với mọi thời đại, ngoài ra ông còn để lại nhiều áng văn chương thi phú, nhật ký... mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện hoài bảo lớn lao: Dân giàu - nước mạnh, đất nước độc lập - tự do.
                                                                               HÒA VĂN
                                                (Tham khảo nhiều tài liệu, sách về Phạm Phú Thứ)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét