(Quà tặng của Bông Cúc Tím Yume, cho nhân vật Thuỷ, sau khi đọc truyện này)
TRĂNG ĐÊM MƯỜI SÁU TRÒN VÀNH VẠNH ÁNH SÁNG RỰC RỠ. Không gian tĩnh mịch. Ngồi ở sát mé sông Gia nầy nhìn lên cây cầu vắt qua con sông nối hai bờ làng Diên và làng Hựu lại với nhau tựa như dãi lụa có màu trắng đẹp trong chuyện cổ tích.
Hôm làm lễ khánh thành cây cầu được xây dựng từ Quỹ Tình thương mến của báo Trẻ Thời Nay, trị giá trên ba tỷ đồng, ngoài đông đủ quan khách và nhân dân tham dự, mọi người thấy có trên năm chục em học sinh trường tiểu học ở đây ăn mặc áo quần tươm tất, hân hoan đến làm hàng dàn chào vẫy cờ và tặng hoa, sau đó hớn hở tung tăng chạy nhảy như bầy chim sáo qua cầu.
Lúc sau tự nhiên các em khóc, ban đầu một vài em sau đó tất cả xúm lại ôm nhau khóc nức nở như bị ai đánh đòn. Người lớn khi biết chuyện mới vỡ lẽ, các em nhớ các bạn cùng trường cách đây ba năm bị đuối nước ở ngay đoạn sông mà nay vừa xây xong cây cầu nầy.
Bé Duyên kể như thế và tiếp lời: Tội nhất chị Thuỷ học lớp 4 con ông Ba Tỵ, một học sinh giỏi nhất, nhì trong lớp, khi vớt được từ dưới sông lên hai tay chị còn ôm chặt Chú Gấu Bông, quà tặng của bà nội vừa gởi về từ Sài Gòn đâu được hai hôm. Buổi học hôm bị nạn, chị “cỏng” chú Gấu đến lớp để vừa khoe vừa cho các bạn cùng lớp chơi trọn cả giờ ra chơi.
Câu chuyện chú Gấu Bông ấy, thầy Huệ kể cho lớp 5 /1 nghe trong tiết dạy đầu tiên tại trường Tiểu học ở quê nhà, sau hơn mười lăm năm làm giáo viên miền núi, nơi có con sông Gia thơ mộng, hiền hòa... trở về, làm cả lớp xúc động thật sự. Tiếng, trưởng lớp đề nghị thầy dẫn các em trong lớp đi thăm ngay, nhưng công việc đầu năm học bề bộn qúa, với lại còn phải tính tiền nong khi có mới đi chứ!. Cho nên tới bây giờ, nhân dịp chuẩn bị nghỉ tết Nguyên đán, cả lớp mới thực hiện được.
Đội học sinh tình nguyện – tên do thầy Huệ đặt – chỉ có 22 em nhưng qua một ngày làm việc các em đã giúp trường Tiểu học Diên Hựu nằm cách bên sông Gia hơn năm trăm mét, làm xong một sân đánh Cầu lông đúng quy cách, và tặng toàn bộ lưới, bóng và hai cặp vợt, để trường tập cho học sinh lớp 4, lớp 5 chơi bộ môn nầy. Không khí giữa thầy trò hai trường thật ấm áp tình thương yêu. Các em nhỏ cứ quấn quýt với nhau từng đôi từng cặp một như anh em một nhà đi xa nay trở về đón tết, thầy Huệ thì dành thời gian buổi chiều giúp thầy Hiệu trưởng và cô Hiệu phó luyện thêm một số lập trình trên máy vi tính, nhìn cách họ cùng nhau trao đổi vui vẻ biết ngay giữa họ đã tạo được với nhau mối thân tình hiếm thấy.
Ông ba Tỵ chỉ có hai đứa con, cu Trí đang học lớp 4. Ông kể nếu Thủy còn nay đã lên lớp 8. Buổi tối thầy Huệ cùng các em học sinh ở nhà ông ba Tỵ, ngôi nhà khang trang rộng rãi mới xây khá đẹp. Trong lúc nhiều bạn quây quần bên ông ba Vỵ nghe ông kể chuyện ở làng, ở quê trên sân gạch trước nhà, thì Tiếng và Hiếu rủ nhau đi thắp nhang chị Thủy. Tiếng rơm rớm nước mắt , run run tay khi cắm ba cây nhang vào nồi hương trên bàn thờ. Tiếng xúc động thật sự khi nhìn Chú Gấu Bông rất đẹp được ông ba Ty giữ gìn cẩn thận trong bọc ni-lon đặt bên cạnh di ảnh của Thủy.
Đêm. Làng Diên buồn lại càng buồn hơn khi con ếch, con nhái ở cánh đồng vừa là đất thổ vừa là đất lúa sát đồi thâm thấp bên kia đường lộ, hè nhau kêu rân lên như dàn đồng ca, lúc khoan lúc nhặt, lúc trầm lúc bổng in như có nhạc trưởng chỉ huy vậy.
Tiếng nằm đu đưa trên chiếc võng nơi hiên nhà ông ba Tỵ, nghe khúc nhạc đồng quê rồi ngủ lúc nào không hay.
- Chào em!
Có giọng nói của ai dịu dàng vừa hỏi Tiếng.
Tiếng định thần một chặp lâu, mới trả lời:
- Dạ chào chị! Chị mới về à!.
- Ời!.
- Em nghe nói chị đã...
- Ời!.
- Chị cần gì nơi em...
Tiếng hỏi chị Thủy, chị chỉ “Ời!” chứ chẳng nói thêm điều gì.
Trông Thủy hiền lắm, trên tay ôm con Gấu, hình như là Gấu Trúc thì phải, đôi mắt nó tròn trĩnh và sáng long lanh tựa hai hạt ngọc.
Tiếng hỏi:
- Chị vẫn thích gấu à!.
- Ời!
Chị kể: Chị ao ước lắm em ạ!. Nhưng tiếc thay, mới có nó được hai ngày thì chị gặp nạn. Chị cũng kể, hồi xưa học sinh ở đây đi học khổ hết chỗ nói, ngày hai lượt phải qua sông bằng con đò nan, con đò giống chiếc lá trôi bềnh bồng trên sóng nước mênh mang. Ngày nắng còn đỡ, mùa mưa gió lũ lụt trời mới nửa chiều đã tối sẫm... Nhiều lúc chị có cảm giác sợ hãi trước bao nguy hiểm, sự liều lĩnh mà học sinh như chị ở vùng bán sơn địa nầy đối diện ngày nầy qua ngày khác. Ông đưa đò tội lắm! Nhưng tội không chưa đủ. Bao lần nghe nói sẽ đóng mới thuyền, nâng cấp ghe chẳng thấy, chứ đừng nói đến bỏ tiền tỷ ra làm cây cầu. Chị nói cây cầu ấy nếu... nếu có sớm chắc chị và nhiều bạn của chị không chết!. Tiếng bắt đầu khóc, nước mắt nóng hổi lăn dài trên gò má rơi xuống nước nghe tong!... tong!...
Chị Thủy, cũng khóc mà không thấy nước mắt!. Chị ước ao sao trên đất nước mình, nơi nào còn có học sinh phải lội sông lội suối đi đến trường học, sớm được thoát cái cảnh “liều mạng” như thế bằng cách người lớn xây gấp các cây cầu y như cây cầu ba tỷ ở sông Gia nầy. Xin đừng để sau khi hàng chục trẻ bị nạn chết đuối nước như chị rồi mới gấp rút làm cầu!. Nói cho đúng tốt thôi! Nhưng...
Chị Thủy, bỗng khóc rưng rức... và vụt mất!.
Tiếng ngồi thẫn thờ, những giọt nước mắt còn đọng lại trên má, chứng tỏ Tiếng khóc thật...
H.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét