Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Hòa Văn - Phê bình văn học: Mẹ trong thơ H.Man


 
Hơn nửa đời làm thơ, có thể nói hình ảnh người mẹ lúc nào cũng lắng đọng nơi tâm khảm nhà thơ H.Man, trầm tích lắng trong những vần thơ sâu nặng ân tình... với những tứ thơ “thật” và “rất thật” (*).
Đi suốt dọc triền thơ, hình ảnh mẹ cứ ám ảnh tâm hồn H.Man thật xúc động: “Một đời mẹ đi dọc đi ngang/ Lưng khom bước lùi, bước giật/.../ Lẫn trong chiều sương xuống chậm/ Có mẹ và con gái tôi” (Ruộng cấy).

Chi tiết “bướclùi” - “bướcgiật” ai cũng thấy nhưng không dễ biến hóa thành câu - chữ - thơ -  đẹp đến vậy!. Cả đời mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó cho chồng và vì con trong bao nỗi lận đận gian nan:“Những giọt mồ hôi nẩy mầm sau nhiều đêm ngấm nước/ Mẹ sảy/ Mẹ sàng/ Chén cơm nóng đỡ lòng chưa hết hoang mang/ Phập phồng trong bóng nước” (Mẹ miền Trung nước lũ). Dáng mẹ đã khắc sâu trong ký ức nhà thơ để mỗi lần gợi nhớ lại rưng rức, xa xăm: “Mẹ đã đi giật lùi cây số thứ bao nhiêu/ Khi đồng ruộng được tính bằng ki-lô-mét/ Chiếc áo màu đất quê bạc thếch/ Phong phanh tháng nắng ngày mưa/ ... / Mẹ lếch thếch, lôi thôi/ Cho con sống đàng hoàng” (Mẹ quê). Và chỉ bằng hình tượng dây “mướp đắng” – dây“trầu vàng”– “khẳng khiu” (Nhớ mẹ)nơi vườn quê, người mẹ trong thơ H. Man - bình dị và sâu lắng, thanh thản và an nhiên đến lạ kỳ, bởi mẹ là: “Những người đàn bà chân đất/ Chiều quê thân đẫm nắng vàng” (Ruộng cấy). Thời gian cứ chảy trôi, mới ngày nào đó người mẹ trẻ bẽn lẽn vén vạt áo nâu ôm đứa con bé bỏng vào ngực cho con từng dòng sữa mẹ ngọt ngào, mà nay mẹ đã “thất thập cổ lai hy”, ngày nào mẹ; con quây quần bên bếp lửa ấm nồng, nay đàn con khôn lớn  bay xa... một mình mẹ thui thủi vào ra tựa cửa:“Đã xa bao lần lệ ứa/ Mẹ già tóc lệch chiều hanh” (Quê nhà). Hẳn những người con xa quê không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp hình ảnh mẹ “thân đẫm nắng vàng”“tóc lệch chiều hanh”...
 Với H. Man khó tìm được ranh giới mẹ ngoài đời sống và mẹ trong thi ca. Mỗi hình ảnh, kỷ vật của mẹ đi vào thơ thật tự nhiên. Chiếc cơi trầu “vật kỷ niệm” của cha tự đan bằng tre tặng mẹ, mẹ gìn giữ hơn “của để dành” nay cha đã quá vãng mà: “Cuồn cuộn dòng sâu/ Vật kỷ niệm trôi bập bềnh mặt nước/ Chỉ cách một tầm tay mà không sao với được” (Chiếc cơi trầu của mẹ). Có một hình ảnh rất xúc động: “Xưa mẹ tắm con” - “Giờ con tắm mẹ” trong bài thơ (Tắm mẹ). Tôi hiểu H.Man không bao giờ quên thời thơ ấu - sinh ra và lớn lên nơi nhà ngoại bên gốc mận đầy hoa thơm trái ngọt. Riêng tứ thơ mẹ tráng bánh tráng, từng chiếc bánh hình tròn hong phơi trên vỉ tre ngoài nắng mà lúc nhỏ cứ tưởng như những vầng trăng là tứ thơ khá độc đáo: “Những vầng trăng mẹ hong trên vỉ/ Trăng trong hương lúa đồng nhà/ Trăng nghiêng, trăng vàng tay mẹ/ Những lần kề với lửa hoa/ .../ Mẹ cho một vầng trăng vỡ/ Chia cùng cô gái bên nhà” (Vầng trăng tuổi thơ). Cũng vì lẽ đó mà hai hình ảnh tương phản “Xưa mẹ tắm con” - “Giờ con tắm mẹ” ẩn dụ nhiều tâm tư sâu lắng. H.Man như muốn níu thời gian, gọi thời gian dừng lại, con khôn lớn lên từng ngày chính là sự chuẩn bị “ra đi” cũng từng ấy ngày của mẹ!Và rồi điều không mong muốn đã đến: “Mẹ vốc những bông trời trôi giữa dòng sông” (Tắm mẹ) đi về cõi vĩnh hằng, để lại bao tình yêu thương... để lại bao nỗi nhớ... “ Mẹ về nội cỏ, ngàn cây/ Phiêu diêu trời đất tháng ngày bao la/ Con lầm lũi cõi người ta/ Nhớ thương từng giọt mắt nhòa mẹ ơi!...” (Nhớ mẹ).
 Thần diệu của thơ là cốt ở tấm lòng”, tôi nghĩ H. Man đã chạm đến điều sâu thẳm ấy trên những trang thơ về mẹ.
HÒA VĂN
-----------------------------
* Nhân đọc các tập thơ của H. Man (Hội viên Hội nhà văn Đà Nẵng):  Tạ ơn Người (Hội VHNT Quảng Ngãi – 2008), Mưa mùa bất chợt (NXB Văn học – 2010)  và tập 35 bài thơ lục bát – NXB Văn học - 2010).    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét