Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Tạp văn: TẤM ÁO MẸ VÁ NĂM XƯA




1.
Là những tấm áo của bao người mẹ bình dị khâu vá cho chính con cháu của mình.
Ngày nay hàng hóa đầy ắp tận mắt mũi, vào dịp cuối tuần những bà mẹ cứ dắt tay con cái ra siêu thị, quầy chợ, có thể tuỳ chọn mua cho con những bộ áo quần tươm tất nhất. Cho nên khi ai đó kể chuyện các bà mẹ ngày xưa, đêm đêm ngồi vá áo cho chồng, cho con, nghe như chuyện cổ tích!.
Thế mà có một thời như thế bạn ạ!

Trẻ con hồi ấy chỉ có độc một vài bộ đồ lành lặn để mặc khi tết nhất, khi đi xa dự đám giỗ chạp bên ngoại, bên nội, còn lại toàn là bận đồ vá. Có điều qua bàn tay “nghệ thuật” của mẹ, những chiếc áo sờn vai, rách gáy, những chiếc quần mòn gối, mòn mông, tuột chỉ,... trở thành lành lặn, sạch sẻ. Khi vá mẹ kỳ công lắm!, việc khâu vá được chuẩn bị từ trước, những chiếc áo quần định khâu vá để tiếp tục bận, được mẹ giặt giũ sạch sẻ, phơi phong khô ráo, xếp gọn gàng bỏ vào rương. Mẹ cũng chọn sẵn một số mảnh vải dùng làm miếng vá. Khi thực hiện khâu vá áo quần màu vải gì, mẹ chọn màu vải ấy, vá vào làm sao chí ít cũng  gần điệp màu, tăng thêm vẻ đẹp chứ không bao giờ xấu được. Đẹp nhất là đường kim múi chỉ khéo léo cứ như có keo dán vào!. Miếng vá đẹp phải không cho thấy sợi chỉ. Làm được như vậy mẹ rất chăm chú, tỉ mỉ từng công đoạn một, mẹ luồn cây kim ở giữa mảnh vải vá và vải của quần hoặc áo, các ngón tay mẹ mềm mại đưa cây kim sợi chỉ đi một cách thoăn thoắt mà cẩn thận chứ không mũi kim chích vào tay đau lắm!.
Ngày trước ở quê, có bà mẹ khâu vá đẹp nổi tiếng. Ngày mưa gió, lúc rảnh rỗi, bà con xóm giềng mang đến nhà những bộ đồ của trẻ con hay người lớn nhờ chằm vá hộ. Tuỳ khâu vá nhiều hay ít, làm xong thù lao khi năm ba quả trứng gà, khi đôi ba nải chuối chín,  một quả mít ráo chín ngon... , người tặng và người nhận đều vui vẻ thân tình.
Những tấm lòng thương yêu con cháu của các bà mẹ thật vô cùng thấm thía, nhiều trẻ con quê tôi từng mặc những bộ đồ vá năm ba mảnh như thế, nhưng họ  đều nên người, biết trọng nghĩa khinh tài, biết gìn giữ lễ giáo gia phong, tình làng nghĩa xóm, nhiều người trở nên giỏi giang, có nhiều đóng góp không nhỏ cho gia đình, xã hội. Thật đúng với câu thành ngữ: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

2.
Tấm áo không đơn giản chỉ là trang phục che lấy thân, nó có một thông điệp tốt hay chưa tốt ẩn chứa bên trong người ăn mặc nó.
Người ta hay nói “Quen sợ mặt, lạ sợ quần áo” là vậy.
Trẻ con bây giờ được đầy đủ (đầy đủ trong phạm vi hoàn cảnh nhất định của mỗi người), nơi còn khó khăn các em cũng không còn mặc áo quần vá nữa, nếu thiếu các em mặc lại áo cũ của anh em trong nhà, hoặc các nhà hảo tâm làm từ thiện cho tặng. Nơi phố xá nhiều em xem bận đồ mới là đương nhiên, nên áo quần hơi cũ một chút đòi cha mẹ mua áo quần khác, do vậy không còn háo hức lắm khi mặc đồ mới như trẻ con ngày xưa.
Bộ áo đồng phục học sinh hai màu quần xanh áo trắng được may đúng kiểu gọi là quần tây áo sơ mi mặc thời nào cũng đẹp. Thế mà, đôi khi có em lại ưng “cách tân”. Như các em nam áo màu trắng lại tra nút áo không phải màu trắng. Tà áo, vai áo may thêm màu xanh, màu đen, còn quần may thêm nhiều túi, chìm có nổi có, chỉ may màu trắng so với vải quần xanh trông nổi bật lên. Học sinh nữ cấp THCS, PTTH bây giờ nhiều lúc quá đà trong việc ăn mặc khi đến lớp đến trường, vải áo thì quá mỏng, quần thì may đáy quá ngắn! việc đi lại khó khăn, lại gây phản cảm!. Nếu không nói là khêu gợi!.
Trường học cấm không cho các em  ăn bận những áo quần như thế vào trường học là đúng.
Ăn mặc dù cho trẻ nhỏ hay người lớn, tất cả là văn hóa. Người đàng hoàng không thể ăn mặc hớ hênh và ngược lại.
Thời mặc áo vá lùi xa, để lại nhiều xúc cảm tốt đẹp. Bây giờ không thể cấm đoán mode nầy mode nọ, nhưng người ăn mặc phải biết chừng mực, biết giữ gìn phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc kết hợp với văn minh hiện đại, chắc cũng mang lại bao nét đẹp văn hoá không kém.
                                                                                                       Hòa Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét