Làm thơ không chỉ tỏ bày Viết văn không để ngày sau luận bàn Trót mang ba chữ sàn sàn Xin là hơi thở nồng nàn thương yêu Thơ văn tha thiết một điều Mong lòng Nhân Nghĩa ít nhiều trao nhau. HÒA VĂN * CHÀO BẠN ĐẾN VỚI HÒA VĂN * Tác phẩm đăng trên HÒA VĂN: Tác giả giữ bản quyền - Khi đăng lại tác phẩm đề nghị ghi rõ tên tác giả - Việc xử dụng tác phẩm để in ấn sách phải có sự đồng ý của tác giả - Email: h.vandientrung@gmail.com
Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011
Hòa Văn: Nguyễn Hữu Hồng Minh "Sống nhờ mơ ước!"
Nguyễn Hữu Hồng Minh: “Sống nhờ mơ ước!”
“Làm sao có thể sống được mà không mơ ước?”
Nguyễn Hữu Hồng Minh kết thúc truyện ngắn Những quả trứng trong mơ, bằng câu hỏi như thế!. Câu hỏi bám riết trong từng suy nghĩ của tôi, khiến tôi đọc đi đọc lại truyện mấy lần.
“Cái chòi nhỏ nằm chơ vơ trên đồng gió” theo tôi không phải “Cái chòi nhỏ” thật đâu! Nó là cuộc đời của con người! Con người trước mênh mông đất - nước - trời với bao tai ương đang rình rập bủa vây. Sự liên tưởng đầy thú vị khiến cho truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh có sức hút người đọc.
”Có một người con trai đem lòng yêu một cô gái, hai người yêu nhau. Nhưng gặp trở ngại phía gia đình cô gái ấy. Cô gái đi lấy chồng. Số phận đẩy đưa cô đến nghiệt ngã: Không có hạnh phúc. Cốt truyện đơn giản thế mà qua ngòi bút ‘ma lực’ của Nguyễn Hữu Hồng Minh, từng nhân vật có kích cỡ, mực thước riêng, làm nên truyện có đủ chan chứa tình nhân ái, có sự lừa lọc, tham lam và cả bất hạnh xảy ra!.
Mười Dửng – Anh chăn vịt – “tuổi tam thập nhi lập” ở một vùng ở đâu cũng thấy nước, nước và người bám lấy nhau mà tồn tại, từ thế hệ trước, đến bây giờ và tiếp nối thế hệ sau... Sự chân tình và chất phát vốn có làm nên sở đắc con người ở đây.
Nhân vật chính của truyện ngắn mang tên Dửng (Dửng dưng?) là nhân vật có thật (nhiều đàng khác) trong đời. Họ sống thờ ơ trước mọi sự việc – kể cả sự việc của chính họ - Họ sống theo bản năng vốn có. Đến một lúc họ sực tỉnh và lao vào đời... thật quá giản đơn. Họ tưởng nhiều thứ như họ tưởng, để rồi...
Nghề chăn vịt của Dửng, một ‘nghề lương thiện’ đấy chứ? Anh cật lực lao động, làm ra của cải vật chất cho anh và xã hội, đáng yêu đáng quý biết chừng nào!. Thế mà đời nhìn anh không kém kẻ lang bạc... Tôị nghiệp chứ không nể trọng. Trong khi lắm kẻ có ra gì đâu mà ‘trọng nể!’. Nguyễn Hữu Hồng Minh tặng cho Mười Dửng và Hai Trâm mấy năm “tình yêu thực sự” đến nỗi hễ “không gặp được em” “Mười Dửng gần như phát điên”. Cuộc tình đúng chỉ có trong mơ: “Vợ y (Dửng) là cô gái đẹp, nhìn hao hao giống Hai Trâm. Em mặc chiếc áo bà ba, ngồi bên ổ trứng vịt đầy nhóc, mắt ngời hạnh phúc”.
Mẹ của cô Hai Trâm, bà Năm, nhân vật Nguyễn Hữu Hồng Minh chỉ chấm phá đôi nét nhưng là “con người” rỏ nhất. Bà đủ quyền lực ‘thành công’ trong việc “cấm cản” mơ ước của Hai Trâm và Mười Dửng thành vợ thành chồng. Và bà cũng ‘thành công’ trong việc đem con gái mình gã cho nhà giàu! Đúng như mơ ước của bà. Ối trời ơi! Giữa thời buổi nầy mà “Môn đăng hộ đối còn sờ sờ ra đó”. Có khác chăng màu sắc muôn hình vạn trạng của nó đã biến hóa như con tắc kè, nó len lỏi đến từng ngõ ngách đời sống. Khi ẩn khi hiện ngang như cua.
Trông gì có nấy, sau khi nhờ mai mối dẫn dắt, bà Năm làm sui với ”một chủ hiệu đóng thuyền composite ở tít mũi Năm Căn”,” có một vựa hải sản và đội tàu lớn gồm ba chiếc đánh cá ngoài khơi”, xa thì xa nhưng con gái lọt vô hũ nếp, xa mấy cũng chẳng sao! Đó là bà Chín Ca Đao (bà mẹ chồng của Hai Trâm), người mà Nguyễn Hữu Hồng Minh thấy rõ tâm địa nên đặc tả: “Mắt một mí hí, phốp pháp” được cái “vàng đeo đỏ ngực, đỏ tay”
Hai Trâm, “một cô gái đẹp” “một đóa hoa tuyệt sắc” tưởng có số phận tốt tươi, nào ngờ chồng của cô Hai Trâm: “là gã đàn ông dở người, bại liệt và tâm thần”... “di chứng để lại của cậu ấm quý tử con gia đình có của ăn của để, chơi bời trác táng”. Hai Trâm sống cuộc đời làm vợ “tồn tại như bông cỏ dại để cơn điên bất lực trút bỏ”. Bà Năm sau khi gã con “không chỉ có chiếc vòng mã thạch đeo tay mà còn sở hữu rất nhiều thứ khác” nhưng về sau “mỗi lần thăm con là lòng thím (bà Năm) tan nát như ai cầm dao mà cứa mà cắt đứt từng đoạn ruột...”.
Có chi tiết Nguyễn Hữu Hồng Minh viết có chủ ý sâu sắc, đó là nhân vật tôi trong truyện cùng một người dân vùng sông nước nầy (chú Hạnh – cha cô Hai Trâm) đi bắt cua. Những “Con cua đã bị mấy miếng mồi thơm bằng khúc lươn nướng đánh lừa” xúm vào vó, sau khi bị vó cất lên “lũ cua” “chúng láo liên nhìn”... “như không sợ bị bắt mà chỉ sợ những miếng mồi thơm bị cướp mất’!. Chi tiết rất độc đáo và đời...
Một chi tiết nữa cũng không kém sâu sắc! Mười Dửng nuôi vịt, vịt đẻ trứng anh “lựa những hột đẹp nhất, có màu ửng hồng” để tặng cho - người mình yêu - cô Hai Trâm với cả tâm thành “mong cho cuộc tình cũng hồng hào, với một kết thúc có hậu, tròn vo như cái trứng vậy”.
Tập truyện ngắn Ổ thiên đường của Nguyễn Hữu Hồng Minh, không dễ đọc, nhưng khi đọc sẽ bắt gặp trong từng truyện nhiều điều hồ như thực thực hư hư lẩn quẩn đâu đây quanh ta... Biết đấy mà khó nói ra nếu không thông qua thể truyện ngắn.
Trở lại truyện ngắn Những quả trứng trong mơ, nhà nghiên cứu văn học Lê Quang Đức, viết trong lời bạt của tập truyện - đây là một truyện ngắn hay nhất trong tập. Cái hay đậm chất châu thổ Nam Bộ. Không ai làm chủ số phận mình, không ai được theo mơ ước của mình, tất cả là những giấc mơ dang dở, nhưng con người vẫn không thôi mơ ước,... -
Hay nói một cách rõ ràng, minh bạch dù gì đi nữa “Sống nhờ mơ ước!”
Cho nên người đọc đừng hỏi Mười Dửng giờ ở đâu?
Khi chiêm nghiệm từng trang viết của tập truyện Ổ thiên đường**, chắc tìm thấy.
Hòa Văn
--------------
* Những câu trong ngoặc kép “...” là trích từ truyện ngắn Những quả trứng trong mơ của NHHM trong tập truyện Ổ thiên đường.
* Ổ thiên đường (tập truyện – NXB Văn học - 2011)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét