Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Cùng Nguyễn Đức Dũng Nắm níu lòng và tình



Hòa Văn
Cùng Nguyễn Đức Dũng Nắm níu lòng và tình

                                                                                  Photo: H.V


“Trong mỗi trang thơ Nguyễn Đức Dũng, từng “góc khuất” lại được mở tung bằng “chữ nghĩa sâu đậm – tấm lòng và thắm đẩm – chân tình – gần gụi.”



Đầu năm 2011 Nguyễn Đức Dũng về thăm quê nhà (Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam) anh tặng tôi tập thơ Nắm níu, đứa con tinh thần thứ hai của anh do NXB Thanh niên ấn hành. Vừa được “bồng’’ “đứa con” với cái tên là lạ…của anh, tôi muốn đọc ngay, dù quá bận. Để rồi kịp nhận ra rằng, mặc cho ai thả hồn lên cao xa, lặn tìm nơi sâu thẳm… riêng Nguyễn Đức Dũng vẫn cứ “nắm” (giữ) tấm lòng quanh ta và “níu” chân tình chung quanh.
Trong số 49 bài thơ có đến 11 bài trong đó có từ “lòng”. “Nắm” tức là giữ lòng… và cả 49 bài “níu” tình…


Mở đầu tập thơ là bài Bài thơ gởi vợ, chỉ vỏn vẹn bốn câu: Xin mở lòng như Phật nghe em/ Vì thương ai nỡ để nhau buồn/ Bởi chưng còn ở trong trời đất/ Ta/ thằng gàn dở Bốn – Ngăn – Tim. Thơ như nói, nói thật “lòng” như thế không phải dễ, bởi vốn vợ sẵn lòng yêu thương chồng, con song đời thường không đơn giản, nói thương là được ngay đâu!... Ở một bài khác Nguyễn Đức Dũng nói với vợ, mà nói khi vợ vừa đi chợ về: Anh cố cựu một ngực yêu rất vụng/ bao giông gió tràn qua vẫn nửa phố nửa làng/ xin hãy giữ lòng tin là điều có thật/ đừng như con cá biển giữa chợ nằm, ngờ vực/ mắt… nhân gian (Khi em đi chợ về). Một cách nói chân “lòng” quá!
Cũng vậy, ở một số bài khác Nguyễn Đức Dũng khéo chạm mạnh lòng để đời thiết tha, đẹp hơn: Ừ! Ngựa trắng nên đời được trắng/ trắng canh trường nghìn sải chân bon/ ai qua đó xanh lòng nhau bước cỏ/ ngửa cổ rung, ngân giọng hí… vô thường. (Ngựa trắng trong cây Bồ đề). Những bài Tự ngún, Xa lòng, Tự hát, Tiếng nắng, vv… cũng mang đầy ắp “lòng” yêu, thương và cả có điều chưa được như mong muốn nhưng bằng ngôn ngữ thơ đằm, tỉnh, mong được sự chia sẻ.
Đọc hết tập thơ, tôi không khen chê hay dở, chuyện ấy thời gian là người ghi nhận chính xác nhất. Song không vì thế, phó mặc cho thời gian, xin bạn hãy đọc và chắc sẽ đồng cảm. Mỗi câu mỗi bài dù lục bát nhuần nhuyễn cổ (mà không cũ) hay “ăn mặc” hiện đại đều toát ra tấm - lòng – chân - tình, đây là cái “xương sống thơ” của Nguyễn Đức Dũng ở tạp thơ nầy. Như trong bài Viết vào ngọn sóng (làm cách nào viết được!) – một cuộc “vượt sóng” từ Thu Bồn quê nhà đến với “song” của những dòng sông phương Nam: Chẳng cứ thương hồ mới phải lênh đênh/ thôi liều bận dạt dòng cho bình sinh phỉ chí/ đỏ mắt mà lần vết gươm khắc câu thơ mở cõi/ lạc mấy phương trời/ sông/ sông…/ sông! Hay trong bài Hành trình viết vào ngày đầu khi về nghỉ hưu sau những tháng năm “áo thợ bạc màu”: Cuối cùng rồi anh cũng về nhà với mẹ con em/ về học lại mọi điều từ thằng cháu vừa hoa/ chân múa tay toe toét cười bi bô chập chững/ (…) về học lại cái an nhiên tự tại/ sau khi vắt áo thợ bạc màu lên cành cây/ bất chợt bên đường.
Với Nguyễn Đức Dũng thơ không nhất thiết phải là cái gì cao siêu mà ngược lại, có thể nhìn thấy, rồi nếu muốn, bạn cứ chạm vào… Đó là sự “nắm níu” lòng và tình với ngưòi thân, bạn bè (kể cả người đã “đến cánh đồng thiên thu”)…
Nếu như với cha - anh có Nghiệp sông đẹp tựa hồ như dòng sông mát rượi đêm hè, nay Bóng mẹ anh tạc lên “dáng núi”, lặn vào “câu hát quấn tao nôi” “gần gụi” nơi “quê kiểng thơm tràn”, “râm mát” và lắng vào “hình sông” đẹp biết bao! Mẹ đã hoá vào hình sông dáng núi/ mẹ đã thành câu hát quấn tao nôi/ lòng xe hương, thắp lửa cùng quê kiểng/ thơm tràn đây, trong râm mát / ngậm ngùi. Với con, câu thơ anh hơn cả một tiếng khóc thầm: Cha bồng nắm đất trên tay/ ba mươi năm vẫn chừng này sao con? (Ru giữa núi). Với người bạn thơ quá cố, thơ anh “níu” vào day dứt: Hóa mây lục bát lên trời/ người lục bát cũng bỏ đời mà đi (Với bạn)… Rộng ra, trong mỗi trang thơ Nguyễn Đức Dũng từng góc khuất lại được mở tung bằng chữ nghĩa sâu đậm – tấm lòng và thắm đẫm – chân tình – gần gụi.


Xin dừng đôi tản mạn sau khi đọc tập thơ mới in của Nguyễn Đức Dũng bằng chính thơ anh: mang giấc mơ đi, giờ/ anh lại… mang về! (Hành trình)
Mong anh nắm kỹ níu chắc “giấc mơ” để có thêm nhiều “cơn quẫy đạp” cho thơ…
H.V (Tạp chí đất quảng số 87 (209) tháng 6/ 2011 và Hòa Văn Yume.vn)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét