Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Truyện ngắn Hòa Văn: 🅲🅷🅸Ế🅲 🅻Á


                                                                           (Tặng anh Đỗ Cao Thiên, Sài Gòn)

                                                                           Minh hoa Van Tin

TẨN NGỒI THẪN NGƯỜI TRÊN SÂN THƯỢNG TRƯỚC bông hoa mới vẽ xong, bông hoa màu đồng nội còn đẫm ướt sương mai không biết bao lâu rồi, có lẽ nửa đêm hay chậm hơn một chút. Nhưng sớm hay muộn bây giờ không quan trọng khi bông hoa tâm tưởng đã nở rồi.

Tẩn nhớ mỗi độ tết đến xuân về, hồi tóc còn để chỏm thường lon ton chạy theo mẹ về Gò Nổi thăm ngoại. Nhiều lúc bị mẹ la cũng chỉ vì mải tần ngần đứng ngắm nhìn những bông hoa cỏ dại nhỏ xíu đủ màu sắc rực rỡ nở thắm ven đường quê, khi ấy hồn vía ở đâu đâu đến nỗi quên lửng đang đi với mẹ.
- Đi… đi… kẻo nắng tới nơi rồi! - Mẹ mắng yêu, rồi nắm tay kéo đi như chạy.
Gò Nổi đẹp và nổi tiếng là đất học có nhiều danh nhân như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân… Biết các cụ qua lời kể trầm trầm của ông ngoại khi mới học lớp ba trường làng và cứ mỗi lần như thế Tẩn ước muốn sau này sẽ vẽ một bức tranh cỡ lớn về các loài hoa đồng nội để tặng quê hương và tặng các danh nhân. Trong đó, có một đóa hoa riêng tặng các bà mẹ sinh ra các bậc danh nhân. Thế mà từ khi thành họa sĩ ít nhiều tiếng tăm ở đất Sài Gòn, Tẩn không vẽ được một bông hoa đồng nội nào ra hồn. Có bông đẹp lộng lẫy thì giống hoa hồng, nhiều bông vẽ xấu hơn bất kể hoa nào từng thấy, nên lòng ray rứt mãi…
Tẩn nhất quyết đóng cửa ở nhà vẽ. Tẩn nói với Ngân - bạn thân cũng là họa sĩ - sẽ không ra khỏi nhà, không gặp một ai nữa nếu không vẽ được bức tranh độc hoa đồng nội. Đêm qua Tẩn vẽ được bức độc hoa, rồi mở tung cửa nhà đón chào đất trời phơi phới vào xuân. Người đầu tiên thưởng thức bức độc hoa là Ngân khi cô mang cho Tẩn cà mèn phở, kèm theo tách cà phê.
- Tẩn ơi! Tẩn ơi! Ngân gọi và thấy hơi lạ vì mấy bữa trước có khi phải đập cửa thình thình Tẩn mới ú ớ ra mở cửa, thế mà sáng nay cửa ngõ mở toang như đêm hôm có trộm. Ngân lên thẳng tầng hai, ra sân thượng và ngẩn ngơ trước đóa hoa đồng nội đang nở rộ, Ngân bước tới định lấy tay đỡ… Tẩn hét lớn: “Đừng chạm vào, đấy là đóa hoa trong tâm tưởng, mình đã vẽ được rồi…”.
Sau đó, sân thượng nhà Tẩn trở thành nơi rất nhiều người đến thưởng lãm tranh. Ai cũng khen hoa rất đẹp nhưng có điều gì đó lòng bất an. Tẩn vẽ thêm một bông nữa, rồi thêm một bông nữa, một bông nữa… Cứ vẽ thêm như thế, không những bức tranh hoa ngày càng xấu hơn mà còn cảm thấy thêm bất an. Tẩn nằm rã rượi, chẳng nói, chẳng rằng.
Ngày tháng trôi qua, bức tranh ngàn hoa đồng nội cũ kỹ, người thưởng lãm thưa dần rồi chẳng còn ai đoái hoài. Nếu như ngày vẽ xong đóa độc hoa đồng nội Tẩn nổi tiếng chừng nào thì bức tranh vẽ thêm ngàn hoa lại nhận chìm hồn phách Tẩn chừng ấy. Sài Gòn không nói làm gì, bởi chốn phồn hoa nổi tiếng đấy rồi lại vô danh tiểu tốt đấy! Khốn nỗi, ở quê bông hoa đồng nội được Tẩn sinh nở trên bức tranh độc hoa ấy, bà con làng xóm lúc tỏ tường cớ sự lại tỏ ra khinh miệt. Có người còn đặt câu hát “Đất có trời, Gò Nổi có Tẩn người “hỏa si”.
Mỗi ngày thức dậy trong nỗi ám ảnh hoa đồng nội, Tẩn điện về cho bạn cũ ở quê gửi vào hàng ngàn bông hoa đồng nội khác, để mỗi ngày ngắm một chiếc rồi đặt thêm một tên mới như bông chuối nước trở thành hoa lửa, bông bìm bìm là hoa nhớ. Ngắm xong, đặt tên xong, vẽ, càng vẽ càng giống như “quỷ sa” không hơn không kém. Ngân gợi ý: “Chẳng lẽ suốt đời Tẩn mang nỗi buồn không vẽ được hoa đồng nội mãi hay sao?”. “Dễ đúng như vậy”. “Hoa cũng như người, ai bội bạc quên nghĩa quên tình, cả đời dù có làm gì, ở đâu, sống như chết!”.
“Hay là Ngân cùng về quê nội, quê ngoại của mình một lần, thăm lại nơi một thời tóc để chỏm, đi học trường làng, có những đứa bạn hiền như đất, chỉ biết rong chơi với cỏ hoa đồng nội. À, có một loại bông cỏ gà, tụi mình hễ bắt gặp được thì mừng vô kể, xúm nhau hái, sau đó cùng chơi trò chọi gà”. Tẩn kể một mạch, Ngân ngồi chon hỏn nghe chẳng hiểu gì, bởi quê Ngân ở miệt sông nước Nam Bộ nên làm gì có loại bông cỏ Tẩn nói đâu. Tẩn như hiểu ra, cười cười: “Không hiểu phải không, ví dụ này…”. Hai tay cầm hai cây cọ vẽ còn nhèm nhèm phẩm màu Tẩn giải thích rằng cây cỏ gà trổ trên đầu chồi non một chùm lá như thế này… Mỗi đứa một bông cỏ quất mạnh vào nhau, bông cỏ đứa nào đứt lìa cọng cỏ là thua. Ngân ậm ừ: “Mà bao giờ đi?”. “Đi ngay thôi!”.
Bây giờ trở lại Sài Gòn, Tẩn còn nhớ mãi lời tâm sự từ những người bạn cũ thân thiết sống ở quê, theo đó bức tranh ngàn hoa đồng nội của Tẩn nên vẽ thêm những chiếc lá vàng ở phần nền cuối của bức tranh. Không có sự sống nào không tàn lụi theo thời gian, song hồn của sự sống nếu được đặt đúng chỗ sẽ sống dậy và sống mãi…
Đứng trước bức tranh tay cầm cây cọ, tay bưng đĩa màu còn lại sền sệt, đăm chiêu suy nghĩ, hình như có ai đó nắm lấy tay Tẩn nâng lên… Tẩn vẽ những chiếc lá vàng. Bức tranh bỗng sáng rực rỡ. Hay tin Tẩn từ quê trở lại thành phố bạn bè tới thăm và ngạc nhiên trước bức tranh cũ bây giờ tươi tắn, hồi sinh. Bức tranh ấy có tên Chiếc lá.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét