Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Truyện ngắn Hòa Văn: NHÂN VẬT KHÔNG BIẾT NÓI DỐI

                           


LÀ VĂN SĨ TÔI CHƯA MỘT NGÀY SỐNG GIẢ DỐI VỚI LÒNG MÌNH, NHẤT LÀ KHI NGỒI TRƯỚC TRANG GIẤY TRẮNG.
Câu nói ấy của một nhân vật trong một truyện ngắn tôi viết cách đây không lâu ám ảnh tôi mãi – tôi văn sĩ và người văn sĩ trong truyện ngắn của tôi cùng tuổi, cùng sở thích, có khác chỗ tôi ở nông thôn còn anh ta gốc gác nông thôn nay đã có ba đời sống ở thành thị nên xem như thị dân.
Tôi có thói quen mỗi ngày phải viết một điều gì đó. Nhân vật của tôi nói như thế. Anh nói thêm, những câu chữ viết ra hoặc là một sự việc có thật được nghe, thấy, ghi nhận từ bản chính của cuộc sống chung quanh xóm làng, nơi tôi sống hằng ngày, hoặc nghe, thấy ghi được từ phố xá nào đó trong những lần đi thăm bà con, đi dự cưới hỏi, tiệc tùng... Nói chung những truyện ngắn tôi viết ra có tích có tuồng hẳn hoi, nhưng qua ngòi bút hư cấu thêm hoặc bớt tuỳ vào tâm trạng lúc đó của người văn sĩ trong tôi vui hay buồn.
 
Thú thật giống như người thợ đan rổ rá bằng nan tre, cần mẫn ngày nầy qua ngày khác đan đác cho ra những sản phẩm một cách dễ ợt!. (Mà nói theo kiểu anh thợ đan là có nhắm mắt lúc đan đác cũng không bao giờ lỗi một nan nào!). Tôi người văn sĩ hằng ngày cũng rút ra từ trong khối óc con tim viết nên những câu chữ một cách gọn ơ!. Chỉ có khác nhau một bên sản phẩm làm ra của anh thợ đan cái nào cũng cơ bản giống nhau, còn sản phẩm của tôi văn sĩ, không có cái nào giống cái nào. Cái nầy thiên hạ gọi là sáng tạo!.
Lúc trí óc mệt mỏi hoặc lúc bí một chữ một câu văn đang khi viết truyện, tôi hay qua nhà anh thợ đan rổ ngồi vừa xem anh đan đác vừa trò chuyện tất tần tật đủ mọi thứ từ trên trời dưới đất, đến chuyện đông tây, kim cổ...
Anh thợ đan rổ hỏi: “Có bao giờ văn sĩ cho nhân vật mình nói dối không?”. Mở đầu câu chuyện bữa hôm thứ bảy tuần trước anh thợ đan nói như thế. Không biết tại sao hôm ấy tôi bí rị, không trả lời suôn sẻ giống như mọi chuyện khác mà nhiều khi vấn đề anh ta nêu ra còn hóc búa hơn nhiều.
                                                        
Câu hỏi như chiếc roi không đánh mà đau nhói da thịt!. Buổi tối hôm đó tôi khó ngủ, lấy một quyển truyện ngắn của anh bạn văn sĩ  ở Sài Gòn gởi tặng cách đây hai ngày đọc- tập truyện mới in còn thơm phức mùi giấy mực - Đọc hơn hai truyện, lệ thường tới cỡ đó đôi con mắt tôi sẽ lim dim buồn ngủ, thế mà tối nay hình như đôi mắt nó lại sáng hơn ban ngày.
Để vợ con ngủ yên giấc ngủ, tôi tắt đèn phòng khách, mang sách lên sân thượng đọc tiếp. Ngồi ngã lưng trên chiếc ghế xích đu, vừa đu đưa vừa đọc truyện. Đêm. Miền quê yên tĩnh. Gió mát rượi...
Truyện Những tấm chân tình, một truyện ngắn trong tập truyện viết về một bà mẹ ở quê, nghèo khó. Người mẹ ấy dành tất cả những gì có được cho con cái. Chi tiết người mẹ mỗi lần đi chợ tiết kiệm từng năm trăm đồng, một ngàn đồng bỏ vào con heo đất, lâu lâu đem ra đập, rồi sắp xếp từng đồng tiền thẳng thớm, gói lại bằng mấy lớp giấy ni-lon, rồi gởi cho con cô con gái đang học đại học Quảng Nam ở thành phố Tam Kỳ. Theo người mẹ nói là để con có thêm một đồng ra đồng vô... Chứ mỗi tháng chỉ cho có non một triệu đồng mà biết bao việc cần thiết ngoài cơm ăn nước uống hàng ngày... thiếu đủ gì!. Được cái cô con gái như truyện miêu tả cũng rất đáng khen ngợi, cô chưa bao giờ đòi hỏi ở mẹ điều gì quá mức. Ở nhà trọ hạng bình thường, chỉ chơi với bạn bè cùng cảnh ngộ, xử dụng tiền bạc mẹ cho dè xẻn từng đồng. Cô thường tâm sự với bạn thân, nhà cô không khá giả, ba mất sớm, mẹ ở vậy nuôi cô với cả lòng thương yêu, từ năm cô mới lên chín tuổi. Sự góa bụa của người thiếu phụ đang thời xuân và cảnh côi cút của cô con gái là một thử thách không dễ vượt qua nếu cả hai thiếu nghị lực và niềm tin yêu trước cuộc đời vốn không như mơ tưởng. Chi tiết cô con gái độc thoại trong truyện ngắn làm cho tôi văn sĩ cũng không cầm được cảm xúc chứ đừng nói người đọc bình thường. Cô nói trong tâm tưởng: “Mẹ ơi! Con thương yêu và kính trọng mẹ vô cùng. Con mong mẹ dồi dào sức khoẻ, nay mai học xong đại học đi làm việc con hứa sẽ...”. Đoạn nầy anh bạn văn sĩ của tôi không viết cô hứa sẽ làm những gì, nhưng tôi tin cô là người con tốt, là chỗ dựa của người mẹ quê nghèo ấy trong tuối xế chiều của cuộc đời.
Đã hơn hai giờ sáng rồi. Cố gắng đến mấy tôi cũng không cách gì ngủ được một chút nào. Câu hỏi của anh thợ đan rổ cật vấn tôi. Tôi trở vào phòng khách bật vi tính vào mạng đọc truyện ngắn của tôi vừa đăng trên một một tờ báo, nhân vật của tôi trong truyện ngắn nầy là một doanh nhân thành đạt, hiện đang ở Sài Gòn. Tôi cho một nhân vật của tôi tên là Hy, ngày hồi còn ở quê là bạn thân thiết với doanh nhân giàu có ấy. Hy thì không giàu có nhưng có tấm lòng tốt, sẵn sàng giúp đỡ ai bất cứ điều gì trong khả năng. Ngược với Hy người bạn năm xưa của Hy nay giàu có thì không còn gì để nhớ. Cả miền quê một thời sống lam lũ bây giờ cũng xa vời trong tâm khảm. Bao giận hờn điều gì đó hồi còn sống ở quê mãi đeo bám theo người giàu ấy, đến nỗi nếu có phát tâm làm việc thiện cũng ở nơi khác chứ ở quê thì...  chưa bao giờ!. Hôm Hy đi Sài Gòn điện hàng chục cuộc điện thoại, người nhà giàu ấy không bắt máy. Những tiếng tít tít, tít tít... phát ra ngắn ngủi rồi có giọng nữ thanh bân báo tin: “Thuê bao quí khách vừa gọi hiện không liên lạc được! Xin quí khách vui lòng gọi lại sau!.”. Cô phát thanh viên cần mẫn và chịu khó thiệt!. Cứ mỗi lần gọi đều trả lời hộ cho anh nhà giàu bạn của Hy một cách rất dịu dàng và lịch sự. Hy nghe nguôi ngoai và không có một chút gì giận người bạn ngày xưa. Hy thầm nghĩ chắc bạn bận rộn nhiều chuyện!.
Tôi thì không nguôi ngoai được, đã gần ba giờ sáng rồi. Nhân vật Hy của tôi trong truyện ngắn cũng có một dạo mất ngủ, chỉ bằng mấy câu văn tôi đã cho Hy ngủ ngáy khò khò, còn tôi thì làm sao đây!. Chẳng lẽ phải xử dụng đến “quyền trợ giúp cuối cùng” uống viên thuốc an thần như mấy lần trước!.
Ở nhà gần bên giờ nầy anh thợ đan rổ sau một ngày đan đác mệt mỏi đã cùng vợ con chìm vào giấc mộng đẹp. Những chiếc rổ rá, thúng mủng của anh được xếp gọn gàng, ngày mai vợ anh mang đi ra chợ bán, buổi chiều về chắc chắn có mua cho anh một đĩa mồi, một xị rượu, anh nhậu lai rai trước khi ăn cơm tối và ngủ.
Ơi! Đơn giản thế mà tại sao mình không làm được!. Lại đi làm văn sĩ viết văn cho rối chuyện!.
Sáng hôm sau tôi dậy muộn. Nhớ mang máng câu chuyện mơ mơ thực thực về câu hỏi của anh thợ đan rổ.
Câu hỏi đến nay chưa trả lời.
                                                                                                                           H.V
Tái bút: Trong truyện này tôi viết đúng như anh thợ đan rổ yêu cầu. Theo anh người chữa bệnh cho người gọi là bác sĩ, nha sĩ, người viết nhạc gọi là nhạc sĩ còn người viết văn, làm thơ phải gọi là văn sĩ, thi sĩ mới đúng chứ!. H.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét