Mảnh đất nầy có nhiều điều không giống bất cứ vùng miền nào.
Thứ nhất nói về địa hình vẽ bản đồ sẽ giống như con thạch sùng đang bám chắc chắn trên la phông trần nhà trong tư thế lưng ở phía mặt đất, đầu hướng đông với chiếc lưỡi lè ra chạm bờ biển cát trắng, nước trong xanh tiềm ẩn kinh tế du lịch, đuôi nó hướng tây nằm gác lên vùng bán sơn địa, đất thoai thoải nối tiếp những rặng núi lô nhô cao thấp và rừng bạt ngàn cây lá... còn bên trong rõ ràng còn có sông, ao hồ, đất thổ cư, đất sản xuất...
Dân cư quần tụ lâu đời, kinh tế phát triển chậm một chút song đã thoát đói, chỉ còn nghèo – nghèo do nhu cầu hưởng thụ vật chất quá mức, chứ nếu “biết ăn thì no, biết co thì ấm” nói kiểu ông bà xưa đã thoát cảnh nghèo từ lâu.
Điều không giống ai lớn nhất, kéo dài lâu nhất, gây hệ luỵ nhiều nhất là toàn thể người sinh sống ở mảnh đất con thạch sùng ưng nói dối. Ví dụ như khi họ nói: Đói quá! người nghe phải hiểu rằng họ nói: No quá! Tức là nói theo kiểu ngược đời!
Tương truyền những ngày tháng đầu tiên thực hiện văn hoá nói dối gặp rất nhiều khó khăn. Trời đang nắng chang chang thế mà nói đang mưa báo hại biết bao người bỏ công chuyện tất tả chạy về nhà thu dọn lúa, ngô, khoai đang phơi phong đầy sân. Bởi vậy có một số người lên tiếng không chịu thực hiện. Khổ nỗi phép vua thua lệ làng, thiểu số phục tùng đa, thiên hạ ai cũng làm, người không làm được coi như lạc hậu, thế là lâu ngày quen dần...
Cu Làn con ông hương Vy vốn tư chất thông minh ngay từ nhỏ, sau nầy lớn lên thấy quê mình ngồ ngộ, tỏ ý không bằng lòng. Về sau đi ra nước ngoài du học, tiếp thu bao nền văn minh nhân loại càng thấy rõ sự vô lý của tập tục nói dối.
Bây giờ Làn có dáng dấp cao to, khuôn mặt chữ điền, mắt sáng mũi cao và thẳng, nhất hai hàng lông mi như được kẻ vẽ hằng ngày sắc lẹm và nghếch lên tựa lông mi quý ông tướng hát tuồng trên sân khấu, trông oai vệ, thế mà hồi mới lọt lòng mẹ, cu Làn chỉ cân nặng gần 2000 gram, giống cái búp của cây chuối sứ còi cọc, nên ông nội lo lắm, chạy ngay tới nhà ông Ngào, thầy coi tử vi giỏi nhất vùng nầy hỏi thăm.
Sau khi lật dở xem một loạt gần mười quyển sách toàn chữ tây chữ ta, ông thầy lấy một quyển chăm chú nghiên cứu một chặp rồi phán: Thằng nầy có bỏ nó vô cối đá giã nó cũng sống!. Ông nội của Làn sảng hồn: Thưa thầy nói lại cho tôi nghe!. Thầy ngồi xấp bằng trên bộ phản mít đã xử dụng qua bốn đời, gỗ lên nước vàng óng láng bóng, rung rung đùi, vuốt hàm râu trắng phau phau dài che khuất cả cổ, miệng cười tươi, tay bưng tách nước chè xanh rót vào chén mắt trâu, uống một ngụm, mới nói: Không tin à? Chẳng những nó sống lâu trăm tuổi mà với tư chất hơn người, nó giỏi đấy!. Ông nội cu Làn ngồi chồm hổm trên nền nhà lót gạch mát rượi mà toát mồ hôi hột khi nghe chính xác từng lời thầy nói theo sách theo vở. Thấy ông nội cu Làn ngồi bất động, thầy chợt hiểu ra cớ sự. Lẽ ra xem quyển sách nói dối ông lại lấy nhầm quyển sách tử vi nói thiệt nên nói như vậy. Thầy tằng hắng, ông nội cu Làn gật mình mặt cắt không còn chút máu, ngước mặt lên, mấp máy môi muốn phân trần điều gì mà miệng cứng ngắt nói chăng ra lời nào... Thầy Ngào nói: Tôi hiểu rồi! Bây giờ nghe lại cho rỏ ràng, nghe!. Dĩ nhiên ông thầy nói ngược lại những điều vừa nói theo cách nói vùng đất nầy. Nghĩa là: Thằng cu nầy nhất định chết thôi!.
Nghe xong ông nội cu Làn khấp khởi mừng, bấp ba bấp búng cảm tạ thầy, xong xách chiếc nón lá cặp bên hông đi như chạy về nhà.
Hiện nay Làn đang ở tuổi năm mươi hai. Đứa con trai độc nhất của Làn có vợ, sinh cho lão một cháu nội trai kháu khỉnh, vì kinh tế cả hai vợ chồng kéo nhau vào tận phía Nam làm ăn, để con ở nhà cho ông bà nội nuôi nấng. Tuy có vất vã nhưng tính lão vui là chính nên lão chẳng phàn nàn điều gì. Lão Làn kiệu cháu lên cổ đùa giỡn ngất nga ngất nghểu rồi ngồi xuống chiếc giường tre kê sát tường hiên nhà, nhớ lại chuyện xưa do ông nội của lão Làn kể mà tức cười. Thằng cháu nội mới lên sáu tuổi không biết chi cũng nức nẻ cười theo.
Người ta nói sự sống phải tuân theo quy luật, nước suối nước sông có trong có sâu bao nhiêu cũng là nước suối nước sông và nhất định phải chảy xuôi về biển cả. Con người cũng vậy dù anh có tài giỏi bao nhiêu cũng không thoát khỏi lẽ sinh tồn, huống chi ở trên quả đất nầy, nơi lão Làn sống lại ưng làm những chuyện tréo cẳng ngỗng, ưng nói không đúng với lương tâm!. Chính cái sự đời đa đoan sinh ra nhiêu khê, cứ lấy lão Làn đây mà thí dụ cũng khối chuyện hay chuyện dở để khen hay chê. Cả mảnh đất nầy hồi ấy không tin vào cái gì cả, kể cả việc thờ cúng ông bà họ cũng qua loa lấy lệ... Trong lòng thì rối ben như ổ tơ, ngoài mặt giả đò tỉnh rượi. Đến ngày lão Làn đi cưới vợ, mọi sự thay đổi chóng vánh như giấc mơ!.
Ảnh minh họa Internet
Hôm Làn cưới vợ, nhà ông hương Vy như đám hát. Tiếng đã từng đi du học, tiếp cận bao văn minh nên Làn không chịu làm theo tục lệ xưa nay. Mà đúng thôi, phải canh tân chứ!. Thứ nhất lão Làn xin phép cha, nhất định trong đám cưới không ai được nói dối, thứ hai phải có lễ nghi đàng hoàng, chứ không cưới chay như các đám thằng Xân, thằng Tán. Chuyện nói dễ làm khó, ai nấy cũng lúng ta lúng túng, chẳng biết ất giáp chi. Lão Làn phải băng bộ đi hàng trăm cây số, nhờ ông ba Tuỳ, cậu ruột của Làn, về đứng làm chủ hôn, đại diện họ nhà trai nói phải nói không với họ nhà gái thiệt lòng để họ thông cảm lỡ có ai đó nói đôi điều giả dối họ không hờn giận. Một đám cưới kiểu mới nên cả vùng ai ai cũng háo hức tụ tập về nhà ông hương Vỵ chờ xem.
Ông ba Tuỳ ăn nói lưu loát mạch lạc, hai họ cùng đông đảo bà con dự lễ cưới im phăng phắc ngồi nghe, lâu lâu gật gật đầu tỏ ý khen hay, chứ không dám nói lời chi. Người có chung một tiếng nói, một ngôn ngữ mà giống như người trong nước, kẻ nước ngoài không bằng, bởi có ai hiểu ai đâu khi một bên nói thiệt một bên nói dối!. Sửa lại chiếc cà vạt cho ngay ngắn, ông ba Tuỳ nói tiếp: Chỉ có Liềng Văn Làn, cháu tôi mới dám làm một điều thay đổi quy mô lớn như thế nầy, mà đạo đời cái chi mới làm đều dễ có thiếu sót, mong mọi người nhất là họ nhà gái vì thương con thương cháu bỏ qua cho. Ông bà ta thường nói “dâu hiền con gái rể thảo con trai”, mong rằng cháu Mi từ nay là dâu của nhà họ Liềng sẽ cùng cháu Làn trăm năm trọn nghĩa vợ tình chồng. Tôi nói như vậy được không bà con!. Không khí đám cưới đang yên lặng bỗng náo nhiệt hẳn lên sau câu hỏi của ông ba Tuỳ. Lão Làn bữa nay diện một bộ cánh đúng kiểu Quốc phục trông đẹp trai hơn ngày thường, còn cô dâu dáng hình mảnh mai ăn mặc bộ áo quần trang nhã nên rất dịu dàng . Ai nấy cũng tấm tắc khen Mi đẹp người đẹp nết!.
Sau đám cưới của Lão Làn, mọi người trên mảnh đất con thạch sùng bắt đầu học ăn học nói theo chuẩn mực đạo đức. Việc tưởng dễ lại quá khó. Bao nhiêu thói hư tật xấu ăn sâu vào người không thể ngày một ngày hai gọt rửa nhanh được. Chỉ riêng việc sống chân thành “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” trông khổ như đang chịu điều gì cực hình!. Đến nơi làm việc ngoài đồng, trong xí nghiệp, cơ quan ai nấy cũng thấy lạ hoắc. Làm việc chất lượng hiệu quả, hưởng thụ đúng với năng lực, không nhũng lạm bất kể một đồng xu, một cây kim sợi chỉ dù là của công hay của tư! Khó quá!
Lão Làn và mọi người bây giờ nhớ lại chuyện cách đây không xa mà như cổ tích. Chắc sau này con cháu không hiểu tại sao có một thời mảnh đất có truyền thông văn hóa tốt đẹp nầy, lại như thế!.
H.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét