Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

VỀ LÀNG ĐÔNG BÀN



Truyện ngắn HÒA VĂN



Thường thường, hễ đặt chân đến mảnh đất Đông Bàn, quan đại thần Phạm Phú Thứ buông xả hết bao “phù hoa” chốn kinh đô, nơi ngày ngày quan tứ trụ triều đình muốn hay không muốn cũng phải áo mão khăn đai làm phận sự.

Đi theo về quê lúc nào cũng có Cửu Ri, người cùng làng. Bộ dạng cao ráo, khuôn mặt chữ điền điển trai, võ nghệ cừ khôi xuất thân từ lò võ ta tiếng tăm ở quê, Cửu Ri làm cận vệ từ khi Trúc Đường Phạm Phú Thứ về kinh nhậm chức. 
Cửu Ri cung kính thưa:

- Bẩm cụ Thượng, mời cụ lên ngựa!

Cụ Thượng nhìn người cận vệ, nhỏ nhẹ nhắc nhở:

- Ngựa! Xe!

Cửu Ri như sực tỉnh, chỉ biết lắp bắp “dạ, dạ!”. Cả hai tản bộ.
Gò Nổi vùng đất xưa nay có tiếng là đất học của Quảng Nam. Đến khi Trúc Đường mới 22 tuổi đỗ tiến sĩ, danh đất học càng được khẳng định. Đâu đâu cũng chú mục về mảnh đất Gò Nổi bốn bề sông nước, nơi cách trở khó khăn, người dân quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời theo nghề làm ruộng, trồng mía, nuôi tằm, dệt lụa... Thế mà con trai con gái thì phong nhã, nết na, từ ấu thơ đến lúc trưởng thành luôn bền tâm vững chí hễ có điều kiện là học hành: học chữ và học lễ nghĩa. Trúc Đường nổi trội là người như vậy.
Người ta thường nói đất địa linh sinh nhân kiệt không sai, trước và sau Trúc Đường, mảnh đất Gò Nổi có nhiều hiền tài. Riêng Trúc Đường, đã góp một phần kinh bang tế thế phục vụ đất nước, nhân dân, với tư tưởng canh tân.
Con đường từ bến Qua Trà về làng như rộng ra bởi những vạt cỏ dại xanh ngát màu lá, thắm tươi màu hoa đồng nội mùa xuân. Những bông hoa nhỏ xíu rực rỡ khoe đủ sắc trắng, xanh, đỏ, vàng, tím… trông thật thích mắt, khiến Trúc Đường thư thả bách bộ rồi bất ngờ dừng chân đứng lại, lớn tiếng thưa:

- Kính thưa cụ!

Ở hướng ngược lại, một cụ già mắt đã hoa, tay chân run lẩy bẩy, dáng người thấp và gầy nghe tiếng người chào hỏi vội ngẩng lên. Cụ ngó chằm chằm một lát rồi hỏi lại:

- Ai rứa hè?

Rồi như nhận ra, cụ tiếp lời:

- Bẩm cụ Thượng Trúc Đường!

Trúc Đường nhanh chóng thưa lại:

- Dạ, dạ, cháu là Trúc Đường, bác ạ!

Cửu Ri cũng lí nhí thưa thưa dạ dạ, sau đó bẩm riêng với cụ Thượng:

- Dạ, ông đây là bác hương Tri, người Đông Bàn trước.

Trúc Đường, gật gật đầu tỏ ý biết rồi.

Ông hương Tri vui vẻ:

- Sáng nay đình làng mở hội kỳ yên, mời cụ Thượng tham dự.

Trúc Đường cũng vui hẳn lên:

- Dạ, cháu xin dự.

Đình làng Đông Bàn rực rỡ cờ hoa và rất đông người tham gia lễ hội. Kỳ yên, một lễ hội truyền thống được dân làng tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm với nghi lễ cổ truyền có gốc gác Thanh Nghệ Tĩnh, được các cụ trong làng giữ lệ thường từ hàng trăm năm khi vào đây khai cơ lập nghiệp, thuở vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi đến giờ. Ngoài phần lễ có phần hội gồm các trò chơi dân gian được dân làng hứng khởi tham gia như đua ghe, hát bộ, diễn võ... Năm nay không khí hội làng càng sôi nổi hơn khi có thêm hô bài chòi, những chiếc lều tranh tre dựng san sát phía tây sân đình chỗ chơi bài chòi được làm gọn gàng và đẹp.
Bây giờ, đang buổi họp sau lễ cúng người dự đông nhưng nền nếp, Trúc Đường nãy giờ hết thăm hỏi kẻ này sang chuyện trò với người nọ. Ai ai cũng tỏ vẻ vồn vã vừa trọng vừa nể người con của làng đương chức quan thuộc hàng đầu triều. Họ nói thầm với nhau về tư chất quảng đại, thương yêu dân và cả tính khiêm nhường vốn có của cụ Trúc Đường.
Sau khi được giới thiệu với mọi người, Trúc Đường đứng dậy trân trọng cúi đầu chào bà con dân làng và nói: “Mỗi lượt về quê thấy cuộc sống của bà con ngày một khá lên, thấy lễ nghĩa làng mình được gìn giữ tốt, tôi mừng lắm!”. Trúc Đường vui khi biết mô hình xe đạp nước, xe trâu nay được bà con nông dân ứng dụng thành công, trở thành công cụ thủy lợi tiện ích, đỡ bớt bao nỗi nhọc nhằn của người làm ruộng mà năng suất lúa tăng lên, đời sống khấm khá trông thấy. Rồi xin làng cứ tự nhiên họp bàn công chuyện, Trúc Đường đi xuống phía đàng sau chọn chỗ ngồi gần Hương Phong, người bạn cũ thời tóc còn để chỏm, nay ở quê trồng mía nấu đường. Cả hai chụm đầu thầm thì…

Hương Phong nói với Trúc Đường: “Mong tâm tưởng canh tân của Thượng thư được triều đình thấu rõ mà làm, được chừng mô dân mừng chừng nấy”. Trúc Đường ngược lại chỉ bàn những chuyện quê: “Cái cống trên trục đường lộ đi Đông Bàn sau thấy đã hỏng, ông chủ trì giùm tôi nhân công vật liệu bao nhiêu, khoảng cuối tháng hai này sửa lại cho đàng hoàng. Thêm nữa, dịp về quê lần này, tôi ủng hộ một số gạo tặng bà con nghèo khó, ông cũng coi giúp tôi nghe!”.
                                                                                                                                                                    Hòa Văn 
------------------
Ảnh đình làng Đông Bàn hiện nay

https://baoquangnam.vn/ve-lang-3032428.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét