Nhân ngồi bó gối, kiểu ngồi giống hệch bà Tư Đan - mẹ của Nhân. Kiểu ngồi chỉ có trong lúc buồn buồn! Ở tuổi sáu mươi bà Tư Đan đẹp lão như thế thì nhất định hồi con gái đẹp phải biết! Thế mà không rõ vì lý do làm sao cô “con gái đẹp phải biết!” lại không có chồng chỉ có đứa con nuôi.
Khi nhỏ có lần hóng hớt chuyện con nuôi con đẻ... ở hàng xóm Nhân chạy u về nhà sà vào lòng mẹ tỉ tê:
“Mẹ à! Con hỏi mẹ đừng buồn nghe! Cô Tâm, cô Hai nói...”
Bà Tư Đan không để Nhân nói hết câu:
“Con là con nuôi của mẹ chứ gì?”.
“?...”.
“Con ạ! Bây giờ con cứ lo học hành đi... về sau mẹ sẽ...”.
!
“Dạ!...”.
Nhân lí nhí “Dạ!...” mắt nhìn chăm chắm vào mắt mẹ. Đôi mắt từng nhiều lần Nhân lấy một tấm ảnh của mẹ - một tấm ảnh của Nhân ra so đo, càng so đo càng thấy hai đôi mắt giống nhau như đúc. Cặp lông mày sắc sảo, còn tròng trắng màu thau sáng long lanh và sâu thẳm tựa như hồ thu. Nhỏ bạn học cùng lớp với Nhân thường hay chọc quê “Con trai mà con mắt giống mẹ!”. Thế mà tại sao mẹ lại bảo mẹ là mẹ nuôi? Nhân nghĩ ngợi ở đời chuyện con nuôi thông thường họ hay giấu chớ sao mẹ mình lại nói với mình một cách thản nhiên như vậy! Rồi sau đó ngồi bó gối buồn buồn.
*
Nhân thưa với mẹ:
“Mẹ khổ cực với con nhiều quá rồi giờ mẹ đừng lo nghĩ điều gì nữa... Sang năm vợ con sinh, mẹ có cháu bế bồng rồi...”.
Thực tâm khi bà Tư Đan tuổi ngày càng xế chiều Nhân muốn hỏi cho rõ “chuyện của Nhân” nhưng công việc làm ăn ở công ty Tin học do vợ chồng Nhân mới gầy dựng quá bận bịu nên cứ lần lữa mãi. Với lại bà Tư Đan bao giờ cũng một mực hết lòng yêu thương con cháu nên Nhân chẳng nỡ nào làm mẹ buồn...
Đoạn nầy Nhân kể trong nước mắt... “Luật sinh tử của tạo hóa thật khắc nghiệt!”. Hồi đời sống kinh tế vất vả khó khăn thì mẹ con đùm bọc nhau sống đầm ấm, giờ Nhân trưởng thành ăn nên làm ra có gia đình vợ con hạnh phúc thì bà Tư Đan lâm bệnh K. ở giai đoạn đoạn cuối. Mà đã K. rồi dẫu có tiền muôn bạc vạn, dẫu có tiến bộ khoa học hiện đại vẫn đành thua cuộc.
Ai cũng giấu giếm nhưng hình như linh tính bà Tư Đan biết chuyện chẳng lành. Nhiều hôm chỉ có một mình Nhân ở nhà, bà muốn nói điều gì ấy nhưng lại thôi.
Nhân ngồi bó gối thấy mẹ đang cố gắng hết sức để nâng bàn tay gầy guộc lên như muốn vẫy gọi Nhân mà không làm được.
Nhân thấy vậy vùng dậy bước nhanh tới bên gường, hỏi:
“Mẹ mệt quá? Con lấy thuốc giảm đau cho mẹ uống nghe!”.
Bà Tư Đan làm thinh mắt đờ đẫn nhìn ra phía cửa sổ như mong ngóng ai...
“Mẹ! Mẹ muốn nói điều gì với con?”.
Bà Tư Đan vẫn im lặng, đôi khoé mắt ngân ngấn nước mắt.
Mới nửa chiều bên ngoài trời sẫm tối. Cơn giông ập tới mưa xối mưa xả, Nhân đi đóng cửa sổ lại cho kín gió, bật sáng đèn các phòng trong nhà xong quay lại thấy bà Tư Đan vật vã ôm ngực người co rúm...
Bà Tư Đan từ biệt cõi đời.
Nhân đau đớn vô cùng!
*
Về già ông Hành kể ngọn ngành đầu đuôi chuyện tình giữa ông và cô Tư Đan cho cô Vân - con gái của ông nghe – ông Hành bày tỏ sự ân hận và mong mỏi tìm đứa con với cô Tư Đan ngày xưa...
Trước năm hòa bình bảy lăm...
Cô Tư Đan yêu anh Hành rồi có thai nghén nhưng “Với ai chứ không phải với anh Hành”. Đó là lời khẳng định như đinh đóng cột của ông Miêng.
“Liệu mà “tּự xּử!”.
Ông Miêng cha của Hành nói như lệnh với cô Tư Đan là phải bỏ cái bào thai!
Cô Tư Đan chẳng biết làm gì, ngồi cúi đầu thin thít.
Ông Miêng nói như quát:
“Thằng Hành con tôi mà lấy cô hãy! Không! Không thể nào có cái điều ấy xảy ra ở nhà này!”.
Cái thể giàu - nghèo giữa hai nhà là hố ngăn cách theo ông Miêng khó san lấp... dẫn tới xử sự quá cố chấp!
Hành đau khổ dữ lắm mà chẳng nói được câu nào. Tư Đan khóc hết nước mắt. Cô tự trách mình nông nỗi, nhẹ dạ, cả tin. Nói gì nghe cũng phải.
Cô Tư Đan lặng lẽ làm theo tiếng gọi của trái tim người mẹ giữ gìn bào thai rồi lặng lẽ bỏ xứ vào Nam sinh sống.
*
Sau nhiều năm cất công tìm người anh ruột, Vân đã gặp Nhân nhưng một điều bán tín bán nghi lại xảy ra.
Nhân viết thư gởi Vân:
“Nếu những tình tiết cô Vân kể là đúng thì vì nguyên cớ gì suốt cả đời mẹ sống với tôi - đứa con trai duy nhất của mẹ mà mẹ lại bảo là tôi con nuôi?”.
Hòa Văn
2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét