Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Truyện ngắn Hòa Văn: TÚ XUÂN BÀN LÃNH




       Thời buổi đất nước nhiễu nhương, giặc Pháp mặc sức hoành hành còn triều đình Huế thì tỏ ra quá nhu nhược... Đỗ Đăng Xuân ấp ủ tâm tưởng làm điều gì đó ích nước lợi dân.

      Làng Bàn Lãnh ở đất phù sa Gò Nổi bốn bề sông nước, vốn nổi tiếng có truyền thống hiếu học. Ông Đỗ Đăng Hạt - cha của Đỗ Đăng Xuân - rất quan tâm đến việc học hành của con cái và thường hay chia sẻ với con nhiều chuyện. Riêng việc nước việc non ông Hạt thổ lộ:
- Cha thì không rõ lắm... nhưng nếu thực đúng y như con nói thì nên...
 Thi đỗ tú tài thay vì tiếp tục “trau dồi kinh sử” đặng chiếm khoa bảng làm ông nọ bà kia... hòng có cơ hội vinh thân phì gia. Tú Xuân lấy cớ ở nhà phụng dưỡng song thân, rồi tìm cách giao du với các thân hào nhân sĩ trong tỉnh bàn luận quốc sự và tham gia Nghĩa hội Quảng Nam hưởng ứng phong trào Cần vương.


 “Sau sự biến kinh thành ngày 5 tháng 7 năm 1885 kinh đô Huế thất thủ Tôn Thất Thuyết cùng với các viên quan trong triều đình nhà Nguyễn hộ giá vua Hàm Nghi lên Tân Sở (Cam Lộ - Quảng Trị) mưu sự xây dựng căn cứ kháng Pháp lâu dài. Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước phò vua đánh đuổi giặc Pháp.
 Lời hịch Cần vương không bao lâu nhanh chóng lan ra cả nước, dấy lên một cao trào khắp nơi, "Nghĩa hội mọc lên như rừng rậm, hịch quân truyền khắp như gió bay"(1).
Trước đó một năm, tháng 7 năm 1884, Đốc Tiểu Sứ Trần Văn Dư dâng sớ xin vua Hàm Nghi củng cố Nha sơn phòng Quảng Nam lúc này đặt tại Dương Hòa (Phủ Thăng Bình) để giữ tả kỳ, làm phên dậu phía nam của kinh đô Huế. Do có ý chỉ từ trước vậy nên chỉ ít ngày sau khi chiếu Cần Vương ban bố các nghĩa sĩ như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam.
Doanh trại ban đầu đóng tạị Trung Lộc, Tân Tỉnh (Quế Sơn). Vua thân Pháp Đồng Khánh ra lệnh thuyên chuyển Trần Văn Dư nhưng ông không những bất tuân chỉ lệnh mà còn kéo quân chiếm giữ sơn phòng và uy hiếp tỉnh thành La Qua (Điện Bàn).
 So với các nơi khác Tân Tỉnh Trung Lộc là một địa thế có nhiều thuận lợi, núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp, hào sâu vực thẳm rất tốt cho phòng thủ, còn việc đi lại cả thủy lẫn bộ đều dễ dàng lại tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ mặt khác đây còn là một vùng trung du, đất đai màu mỡ, nằm bên dòng sông Thu Bồn, đáp ứng sản xuất lương thực tự cung tự cấp đầy đủ cho lực lượng nên được Nghĩa hội Quảng Nam chọn làm là cơ quan hành chính, quân sự kháng chiến chống quân Pháp và đối phó cả quân của Đồng Khánh.”(2).


Bắt được Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân, quan viên triều đình hớn hở lắm!.
 Quản cơ Thiển, vừa lớn tiếng hăm doạ vừa dụ hàng:
- Hẳn ông biết tội “phản nghịch” triều đình xử mức án chi không?. Hãy mau mau thức thời quy phục!.
Chánh suất đội Hân, châm thêm:
- Nếu ông hối tội khai rõ mọi điều cơ mật, may mô triều đình tha cho tội chém hỉ!.
Nãy giờ lòng dạ Tán Tương Quân Vụ nóng như lửa đốt, muốn trút cơn giận dữ lên đầu bọn mãi quốc cầu vinh nhưng dằn lòng coi thử.
Cách đây hai hôm Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân chỉ huy nghĩa binh Cần vương tấn công đồn Trà Kiệu. Biết không sớm thì muộn triều đình cũng gởi viện binh giải vây, đang lúc sẵn sàng ứng phó... thì Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân bị giặc bắt giải về tỉnh thành La Qua.
 Nhìn thẳng vào mặt quan viên triều đình, Tán Tương Quân Vụ thét lớn:
- Giờ ta “cá chậu chim lồng” các người muốn hành xử cách chi thì hành xử!. Chứ đừng có hòng lung lạc ý chí “đánh cả Triều lẫn Tây” của Nghĩa hội Quảng Nam!”.
Hòng dập tắt cao trào Cần vương đang nổi dậy khắp nơi, triều đình Huế và giặc Pháp xử Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân mức án “chém ngang lưng, bêu đầu”!.
Tin dữ bay xa đồng bào khắp nơi trong ngoài tỉnh Quảng Nam bồi hồi xúc động. Trước khi thọ án Tán Tương Quân Vụ yêu cầu được trở về thăm làng lần cuối. Bọn giặc nghĩ đây là dịp chúng thị uy răn đe phong trào Nghĩa hội nên đồng ý.
Mới qua giờ Tỵ mà trời nắng nóng như thiêu như đốt. Chẳng nề hà... giống y đi dự lễ đón rước sĩ tử về làng “Vinh quy bái tổ” người khắp nơi đổ về sân đình Bàn Lãnh đông nghịt. Không nói ra nhưng ngó bộ dạng biết ngay trong lòng ai ai cũng thầm khen ngợi nghĩa cử hết sức cao quý và khí phách hào hùng của Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân, người con của làng quê nổi tiếng với câu ca “Cây đa mô cao bằng cây đa Bàn Lãnh/ Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”.
Ông Đỗ Đăng Hạt và chị Ba Lý vợ của Đỗ Đăng Xuân len lỏi vào giữa đám đông đến gần.
Nén xúc động Tán Tương Quân Vụ nói rành mạch:
- Thưa cha việc con làm là vì nước, vì dân!.
- Cha biết!. Cha biết!.
Lặng nhìn vợ một chặp Tán Tương Quân Vụ mới nhỏ nhẹ nói:
- Mong em chu toàn phụng dưỡng song thân lúc tuổi xế chiều! Và nuôi dạy các con nên người!(3).
 Chị Ba Lý mấp máy môi muốn nói điều gì... nhưng chỉ gật gật đầu rồi cất tiếng “Dạ!. Dạ!”.
Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân dõng dạt cáo biệt Thành hoàng, Tổ tiên khẳng định hành động tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đánh “cả Triều lẫn Tây” là đúng đắn!. Sự nghiệp dẫu còn lắm gian nan nhưng chính nghĩa sớm muộn gì cũng nhất định thắng lợi!.


Tiếng là nơi trên bến dưới thuyền ở một đoạn sông Thu Bồn ngày thường đông đúc và nhộn nhịp thế mà sáng nay đất trời chợ Củi(4) trông ảm đạm quá!.
Mặc cho quan tổng quan phủ sức dân các làng dậy cơm nước sớm đi xem triều đình xử án nhưng trông ai ai cũng nấn ná. Chừng nửa buổi quan binh triều đình lạnh lùng xử chém ngang lưng Tán Tương Quân Vụ rồi cắt đầu cắm ngay tại chợ. Hôm ấy là ngày 31 tháng 12 năm 1885(5).
Trước giờ phút hy sinh Tán Tương Quân Vụ lớn tiếng vạch trần âm mưu của giặc Pháp và triều đình, khẳng khái ca ngợi vua Hàm Nghi và Nghĩa hội Cần vương.

Tấm lòng yêu nước thương dân của Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân tục danh Tú Xuân Bàn Lãnh lưu danh muôn thuở!(6).

HÒA VĂN
  4/2013
------

- (1): Huỳnh Thúc Kháng.
- (2): Lịch sử Việt Nam.
- (3): Theo Gia phả tộc Đỗ Đăng l àng Bàn Lãnh: Bà Trịnh Thị Lý, thứ thất, có bốn con – hai trai, hai gái.
- (4): Chợ Củi ở tả ngạn sông Thu Bồn, đầu cầu Câu Lâu (cũ) (còn gọi là cầu Mống), phía tây quốc lộ 1A (nay xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Vào thế kỷ XVII – XVIII chợ chuyên bán củi được khai thác từ phía thượng nguồn sông Thu Bồn, kết bè thả trôi về, nhằm cung cấp chất đốt cho dinh trấn Thanh Chiêm, các lò gạch ở Thanh Hà, phố Hội An và các tàu thuyền nước ngoài đến đây buôn bán. Chợ nay không còn nữa.
- (5): Nhằm ngày 26 tháng 11 năm Ất Dậu sau gần 3 tháng giam giữ. Cái chết đầy tính chất bi tráng của Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân và không lâu sau đó là sự hy sinh của hai thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến bởi bàn tay của giặc Pháp và triều đình Huế thời vua Đồng Khánh đã khép lại một phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân tuy ngắn ngủi (1885-1887), nhưng không kém phần sôi động, oanh liệt(2).
- (6): Nhân dân làng Bàn Lãnh thường gọi Tán Tương Quân Vụ Đỗ Đăng Xuân với tục danh Tú Xuân. Ông sinh năm 1836 - hy sinh năm 1885, mộ toạ lạc tại làng Bàn Lãnh (thôn Đông Lãnh xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam).
 


------
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật tải theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Nam ngày 12.05.2013.
. VUI LÒNG GHI RÕ NGUỒN





1 nhận xét: