Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Truyện ngắn Hòa Văn: TRUYỆN VIẾT TRONG PHÒNG TẮM...







Thi có thói quen mỗi lần tắm cả tiếng đồng hồ. Tính ra thực tắm chỉ mấy mươi phút, thời gian còn lại anh nằm trong bồn nước i-nox viết... văn.

Đầu đề của truyện đang viết tính tới tính lui mấy bữa. Ban đầu có ý đặt là Con sâu đo. Vì lúc nào Thi tắm cũng có con sâu đo sống quanh quẩn ở đâu đó trên các cành cây chè tàu trồng làm hàng rào kiểng sát tường phòng tắm bò vào. Hôm nay cũng vậy khi Thi mới bật ngọn đèn, mở vòi nước kêu rổn rảng chuẩn bị tắm “cô” sâu đo thong thả bò men theo cạnh của hai bờ tường phía mặt đất lên hướng trần phòng.


Thi nằm ngửa thoải mái mắt nhìn bụng nghĩ: “Bò kiểu như sâu đo biết mấy ngày mới ra khỏi nơi đây?”. Nghĩ xong Thi lại tự trả lời: “ Sớm muộn!. Nó làm gì có thời gian?. Mà sớm với muộn!”. Nhưng lại tự hỏi tiếp: “Chứ nó có ý định đi về đâu?. Mục đích?”.

Những câu hỏi và trả lời cứ qua qua lại lại không có lối ra. Thi lấy tay đập mạnh nhiều lượt xuống mặt nước, bàn tay chạm nước kêu bốp bốp và nước tung toé lên thế mà “cô” sâu đo chẳng để ý tí nào, cứ tiếp tục cong lưng bò... “Cô” lúc nào cũng khoác bộ cánh mỏng và đẹp có màu xanh lá chuối non, ôm sát tấm thân tròn lẵng chỉ to bằng que diêm sinh trông đẹp “gái” lạ!. Ngược lại với “cô”, “anh chàng” sâu đo có thân hình khá rắn chắc, ăn bận ba màu nâu nâu, trắng trắng và vàng vàng. Các màu được sắp xếp theo thứ tự và xen kẻ nhau từ đầu tới đuôi rất sắc nét.





Lâu nay do người ta có thể thiếu quan sát hay có mà quan sát qua loa hời hợt. Chứ sâu bọ trong đó con sâu đo thuộc lớp côn trùng nói chung có tới một triệu loài... nó sống “sạch sẽ và rất trong sáng” lắm. Sạch sẽ thể xác và trong sáng tâm hồn. Thế mà cứ “anh” “chị” sâu bất kỳ nào lỡ hỏng cẳng vào nồi canh là gây rắc rối. Cả nồi canh có nấu ngon đến mấy cũng đành đổ bỏ. “Con sâu làm rầu nồi canh”!. Sâu mọt nó có cái lý của nó!. Sống phải ăn uống còn ăn như thế nào uống làm sao hầu như nó không để mắt tới. Và sâu có nhiều loại đừng “quơ đũa cả nắm!”.

Thi suy ngẫm mung lung... rồi tiếp tục theo dõi “đường đi nước bước” của cả “cô” và “anh chàng” sâu đo. Trời đất sinh nó chỉ có một đôi chân bụng ở đốt thứ 6 và 1 đôi chân mông ở đốt thứ 10. Khi bò chân ngực bám chắc và phần bụng cong vồng lên trườn “người” tới. Chỉ có độc một động tác như vậy lặp đi lặp lại hai “người” cứ “đi” tới. Không có đích đến nên lâu lâu lại dừng một chặp ngẩng đầu ngó nam ngó bắc y như tìm phương tìm hướng rồi mới tiếp tục bò “đi”.


* * *



Ông Trưởng một tay trống cừ khôi một thời trong đội lễ nhạc của làng, giờ già cả ngồi nhớ chuyện ngày xưa. Cách ông kể chuyện nói thật không hay nhưng có duyên.

Trong bụng ông có cả bồ chuyện. Không thì lấy đâu ra mà nhiều thế kể miết không cạn!. Hôm nay ông kể chuyện con ễnh ương.

Ông Trưởng lặng lẽ quấn điếu thuốc lá Cẩm Lệ to bằng ngón cẳng cái. Quấn xong ông dùng hai bàn tay áp sát lại với nhau vo vo tròn khiến cho điếu thuốc nằm ở giữa hai lòng bàn tay quấn theo vào chặt khừ, ngó ưng bụng mới chịu ngưng. Nhìn ông Tưởng thắp thuốc hút muốn nghiền theo. Khi bén mồi lửa điếu thuốc cháy cháy... tàn tro trắng toát. Ông bắt đầu hút... Mở đầu là rít một hơi thật dài. Dài tưởng tượng tới tận ruột già ruột non!.



"Ễnh ương thuộc loài da trơn sống nửa cạn nửa nước, nó sinh nở chậm chạp". Ông Trưởng dừng kể giải thích: "Không chậm chạp à!. Là con vật có tích sự gì đâu ngoài rắn ra không ai bắt ễnh ương ăn bao giờ thế mà nó đâu phát triển đàn đống như các loài khác". Tôi tính cãi lại ông chỗ nầy nhưng nói ra sợ ông cụt hứng lại hờn mát bỏ dở câu chuyện.

Ông quên rằng ễnh ương giống như ếch nhái có thể biến chúng thành nhiều món ăn khoái khẩu không kém tỷ như món chiên bơ giòn, món... Nói chung nếu ai khéo tay một chút sẽ làm được và sau khi chế biến xong chỉ nhìn những miếng thịt, miếng đùi béo ngậy ai không rỏ nước miếng!.

Điều tôi đang cần ông không dừng lại chỗ ăn với uống. Không biết sao bụng của con ếch thì thon còn bụng nhà ễnh ương ngược lại, to giống đang mang bầu sắp đến ngày “khai hoa nở nhụy”. Tôi lại nghĩ lẩn thẩn trong khi ông Trưởng ngồi nhìn ra sân cũng suy nghĩ điều gì mà có vẻ lao lư lắm.

Trời tháng Tám âm lịch dễ mưa thật. Khi sáng hanh hảnh thế mà giờ mưa càng lúc càng nặng hột. Trên sân bê tông mưa không kịp rút đầy nước bọn trẻ trong xóm xúm nhau lại vừa tắm vừa đùa giỡn thỏa chí.

Trong tốp con trai con gái trông to xác mà còn ngây ngô lắm, đứa trần như nhộng, đứa có quần mà quần ướt đẫm bám sát da vậy mà không có chút ngượng ngùng gì, cứ hồn nhiên bá vai bá cổ nhau hò reo!.



Ông Trưởng nhờ tôi đóng bớt một cánh cửa lại. Căn nhà tối om. Thấy vậy ông liền đứng dậy bật con tắt điện, cái tiếp thước hai nhấp nháy mấy lượt rồi sáng trưng. Chợt nhớ ra điều gì ông vội vàng đi mở tủ lấy chai rượu “Con ngựa đen” Lào ra bàn rót hai ly mắt trâu.

"Xin ông..." Tôi chưa nói hết câu ông cầm chai rượu còn hơn hai phần chai giơ lên tươi cười bảo: “Từng này rượu nhiều nhất vừa đủ ngà ngà chứ say sưa gì mà thoái với thoát!”.

Ông nói rượu nầy do anh Tú, con trai ông làm ở phố đem về biếu hôm thứ Bảy. Theo ông rượu ngon phải có bạn hiền uống mới ngon, vừa nói vừa rót rượu thế mà không lọt ra ngoài chén giọt nào.


“Anh” ễnh ương ngày xưa tay nhậu có cỡ đó!". Ông Trưởng vừa nói vừa cười cười. "Không tin hãy . Không tin thì thôi để tôi vót tiếp chục nan đác cái rổ sổ cho bà bốn Hóp chuẩn bị nay mai thu hoạch lúa".

Biết tánh ông, tôi bưng ly rượu lên mời ông xong cố gắng uống. Rượu có hương vị vừa thơm vừa cay cay chắc đúng đô rượu cỡ ông Trưởng.

Có chút men rượu vào trông ông Trưởng càng đẹp lão, cái đẹp đầu tiên là đỏ da thắm thịt, thứ hai đôi mắt sáng quắc chứ không như người ta rượu vô mắt mũi lem nhem, cái thứ ba có rượu ông nói chuyện rành rọt có từ có ngằn và lâu lâu cười cười nụ cười hiền khô. Vuốt chòm râu trắng phơ phơ được cắt tỉa cẩn thận ông Trưởng mời tôi thêm một chén rượu nữa rồi nói: “Tự nhiên nhiên bữa nay uống rượu ngon ghê!”.

Mưa tạnh. Trời sáng ra...




* * *



“Ngày xưa có hai mẹ con nhà ễnh ương suốt mùa mưa qua nắng lại, ăn chơi thỏa thích. Chốn nào có hai mẹ con là khổ hàng xóm chỗ đó. Nhất là những ngày trời mưa rả rích. Hai mẹ con hát đua. Một giọng già, một giọng trẻ pha lẫn nhau đến buốt óc. Cứ một giọng khàn khàn rống lên chưa dứt, thì cái giọng trẻ đã oang oang nối tiếp. Cứ thế mà kéo. Đêm càng về khuya, nghe càng não nuột. Cái mưa tháng Tám đã buồn. Trời mây đen mịt. Không một ánh sao. Họa hoằn lắm mới có tia chớp, thế mà còn phải chịu cảnh đọa đầy của hai mẹ con nó hát. Nghe còn chán hơn nghe tiếng gió hú trên đỉnh cao. 

Mùa mưa chấm dứt, những ngày hội của hai mẹ con cũng tàn dần. Bây giờ không còn nước mà bơi với lội. Đi đâu cũng bì bà, bì bạch vác cái thân đồ sộ đi. Dù phải đi vất vả khổ sở thế nhưng mặt của con vẫn cứ tươi rói. Nó có biết khổ sở là gì đâu. Chào đời vào đúng đầu mùa mưa. Nó chưa có kinh nghiệm đời. Gặp đúng mùa mưa ăn chơi thỏa thích. Nó cứ tưởng đời là như thế đấy. Cứ sinh ra, cứ sống thoải mái, rồi lớn lên con đàn cháu đống. Đời đẹp như vậy đấy. Ễnh ương mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Nó đã trải qua mấy mùa hè sém da. Suốt ngày đêm chôn mình trong hòn đất sét. Thở cũng khó nữa chứ đừng nói đến phình bụng ra mà ca với hát. Đời không phải lúc nào cũng sung túc; lúc nào cũng ăn chơi, ca hát, lúc nào cũng được đưa với đón. Cái mùa hè đang ùn ùn kéo tới. Thần nắng và thần mưa giành giật nhau từng tí. Chẳng ai làm chủ cánh đồng này mãi. Cứ mùa này nắng thắng, thì mùa tới mưa thắng. Chỉ tội hai mẹ con ễnh ương. Thế nào cũng phải di cư. Cũng phải bồng bế nhau đi. Những cơn nắng kéo đến điểm trên mặt ễnh ương mẹ muôn nỗi lo âu. Nếu mùa mưa biết lo toan, biết tìm kiếm chỗ trốn nắng thì bây giờ đâu có phải lo như vầy. Chỉ vì chiều con mà giờ cả hai cùng khổ. Đường ăn chơi thật dễ sa vào cạm bẫy. Mẹ theo con, ai ngờ cả mẹ lẫn con đều chìm đắm trong cảnh xa hoa đó. Trước kia, mẹ cứ tự hào là mình có bản lãnh, có lí trí cao. Muốn sao được vậy. Nghĩ lại thấy mình lỡ trớn hồi nào không hay. Biết rồi, muốn trở về đường ngay chính, đường làm ăn chăm chỉ khó hơn là những gì mình nghĩ. Muốn phải làm, chứ muốn mà để đó thì ai cũng muốn được.
 

Ễnh ương con không bao giờ để ý đến mẹ. Nó cứ dong duổi con đường cũ. Ngày có trăng thanh gió mát nó còn hát bạo. Giọng của nhãi ranh nghe lanh lảnh bên tai. Đúng là giọng hát của kẻ khờ khạo, của kẻ chưa có kinh nghiệm đời. Đi đâu cũng bô bô, cũng tự hào, cũng khoe cái tài non kém. Thế mà cứ nghĩ là vô địch thiên hạ. Mãi khoe khoang. Còn giờ đâu nữa mà học hỏi. Còn giờ đâu nữa mà kiểm soát lại lời nói. Càng khoe khoang, càng chìm sâu vào cái ảo tưởng mà trong lúc lỡ trớn nói ra. Nói rồi, giờ cố gắng sống theo cái ảo tưởng đó. Rồi cái khoe khoang này sanh ra trăm cái khoe khoang khác. Thế là hỏng một đời. Đời người sống chỉ để chạy theo bóng. Đúng là loại ba hoa chích chòe, khoái ăn bánh vẽ. Khi có nhiều bánh vẽ quá, không biết miếng bánh nào dính vào cái nào cho thành cái bánh. Gặp khi hữu sự, lấy đại hai ba miếng bánh khác nhau dính lại cho thành bánh mới. Kiểu đại bịp này chỉ bịp được những tay lịch sự. Tuy biết mà để bụng chứ không nói. Còn những tay tiểu bợm nhìn thấy cái mánh khóe bịp ngay. Một lần thì còn tạm để yên. Lần thứ hai thứ ba thì nó sẽ khinh mà còn làm bộ nịnh hót để cho thành lố bịch.
 

Ễnh ương mẹ nghĩ sớm muộn gì con mình cũng sa vào cái hố ấy. Tài thánh cũng không tránh được. Không gỡ trước khi tính kiêu căng sanh ra thì coi như hết. Kiêu căng và hoa lá cành đi chung với nhau. Không, phải sửa ngay có khổ cũng phải chịu. Khổ bây giờ ít hơn là khổ về sau này. Trong hai cái khổ ta chọn cái ít khổ. Nghĩ rồi, ễnh ương mẹ lựa lời cắt nghĩa hơn thiệt. Ễnh ương con phụng phịu đòi ở lại bởi còn đang ham vui, đang thích quang cảnh, sự vật nhất là đang thoải chí với cái tài non ca hát. Ễnh ương mẹ mang hết tâm can ra khuyên nhủ. Còn tuyệt nhiên không dám hé răng về những điều cực khổ, chỉ nói về những danh vọng tương lai, một ngày mai huy hoàng. Ễnh ương nghe xiêu lòng đòi đi. Cái danh vọng là gì mà nhiều đứa ham thế. Mang hết điều ngọt, tâm can ra nói nó không thèm. Thế mà chỉ nói đến danh vọng là đòi đi ngay.
 

Ễnh ương mẹ biết đây là cuộc phiêu lưu. Đi để con khỏi rơi vào kiêu căng, sống giả dối. Đi để con nó học về cuộc đời và cũng để tránh cái nắng sém da mùa hè. Ễnh ương mẹ tính toán mọi việc. Cứ để cho nó chơi một vài tuần nữa đi. Khi nào nắng ráo đổ xuống. Lúc đó nó sẽ năn nỉ đi và có cực khổ nó cũng không kêu ca vào đâu được. Quả thật, càng ngày nó càng đòi đi riết. Bây giờ mẹ nó mới nói cho nó biệt cái cực khổ của cuộc bò núi leo đèo. Chỉ nghe tả cũng đủ làm ễnh ương con sụt xác. Leo đèo cần phải dai sức, mẹ nó nói thế. Ngày ra đi đã tới. Hai mẹ con âm thầm ra đi. Hàng xóm không ai hỏi han. Mà cũng chẳng muốn ai biết. Họ biết chỉ thêm mang tiếng. Tiếng là ham chơi giờ không có của mà ăn. Phải vác mặt đi xóm khác. Ễnh ương con thì vẫn còn bộp chộp. Mẹ cấm không cho hát lớn thì hát nhỏ. Hát hết bài nó tự chế ra mà hát. Nó cứ ngoạc mồn ra hò với hét. Cái nắng buổi sáng sẽ bịt miệng nó. Nó sẽ kêu khát, sẽ kêu đói, sẽ kêu mệt. Nó sẽ cứ mẹ nó gào, nó năn nỉ. Mẹ nó tính những câu để trả lời. Quả nhiên, ễnh ương con kêu khát nước. Mẹ bảo ngậm miệng lại nó sẽ bớt. Hơi nước ít bốc đi thì đỡ mệt. Nó kêu đói. Mẹ bảo nó ráng nhịn, ánh nắng sẽ đốt mỡ. Nó sẽ xinh đẹp hơn. Đi lại đỡ vất vả hơn. Nó kêu mệt. Mẹ nó khẽ nói tại lâu ngày không làm việc nó mau mệt. Hơn nữa tối sẽ ngủ yên giấc. Mẹ nó biết cuộc phiêu lưu mất gần một tuần. Nơi đến có một hồ nước lớn, nó tha hồ hát hò. Một điều cấm kị ở đó là không được mập mạp, lớn con. Nếu nó lớn thì nó sẽ bị bắt làm mồi câu cá và đời nó tàn. Bản án chung thân chung số phận cho nhà ễnh ương. Nhỏ con thì lọt lưới. Lớn con thì lọt mắt. Đã lọt mắt thì thế nào cũng phải chết. Đi mới được hai ngày, ễnh ương con đã cảm thấy cực khổ lắm rồi. Nó không còn hơi sức đâu mà hát. Chân nó sưng phù lên. Người nó mệt lả chỉ muốn ngồi bệt xuống một chỗ. Mẹ nó luôn mồn ‘gắng đi con, đường còn dài mà. Chỉ có cố gắng mới mong thành công’. Nó không trả lời tiếng nào. Sang ngày thứ ba ễnh ương con đứng không vững. Người nó mềm nhão, môi nứt ra. Da lưng khô săn, nhúm lại. Bây giờ mẹ nó mới nói thật. Tại sao mẹ con nó phải ra đi. Bài học này mẹ nó đã học, nay mẹ nó dậy lại cho nó. Để nó nhớ là dù có ăn chơi cách mấy cũng phải nhớ là cuộc vui chóng tàn. Không có cuộc vui nào là bất tận cả. Cũng như không có nỗi khổ nào không qua. Đêm ngày thứ tư ễnh ương con ngất xỉu. Mẹ nó đặt nó lên hòn đá lớn, miệng mở lớn để hứng sương đêm. Còn mẹ liều mình lăn dọc theo sườn đồi hy vọng kiếm được gì chăng. Phải rồi bụi cỏ xanh kia nhất định có gì. A! một cái hộp bánh đầy nước. Ễnh ương mẹ lấy hơi tàn kéo con về phía ấy. Gần sáng thì ễnh ương con tỉnh hẳn. Núp trong đám rễ cỏ. Nó chật chội tí nhưng cũng dễ thở. Ễnh ương mẹ nhận ngay ra cái cảnh tranh sống, tranh chết này. Chĩ có một nón sắt nước nếu hà tiện thì đủ sống qua mùa mưa năm tới. Tội một điều là đám cỏ này cũng hút nước như vòi rồng vậy. Mà giết chết chúng thì nắng cũng làm nước bốc hơi hết. Tạm nghỉ lại một đêm lại sức đã mai hãy hay. Ễnh ương con gặp nước là bắt đầu bơi lội, rong ruổi theo con đường cũ. Mẹ nó thấy nó chưa học hỏi được bao nhiêu nên tìm cách dậy nó một bài học nữa. Bài học nhịn đói, nhịn khác kết quả một phần nào thôi. Hy vọng bài học số hai sẽ làm nó hiểu biết hơn. Lần này nó không phải nhịn ca hát mà phải nhịn ăn, phải làm việc. Có như thế thì nó mới biết được giá trị cuộc sống. Để nó hiểu rằng làm việc cũng là một cái thú. Nghĩ thế xong. Mẹ nó định sáng mai sẽ dậy nó. Sáng hôm sau, mẹ nó dậy thật sớm, chui vào đám rễ cỏ ngồi khóc. Khóc để cho nó nghe thấy. Con nghe mẹ khóc lồm cồm bò dậy đến gần. Mẹ miệng cứ ngậm tăm. Con hỏi gì cũng không nói. Khi biết con đã đau đớn đủ. Mẹ mới nói lời vĩnh biệt ra đi. Mẹ giải thích là nếu mẹ ở lại trong cái nón sắt. Cả hai mẹ con cùng chết vì số nước không đủ uống. Nếu mẹ hy sinh. Con có thể sống tới mùa mưa tới. Ễnh ương con nghe cảm động vô cùng. Nó khóc, nó năn nỉ, nó van lơn, nó cúi đầu lạy như tế sao, để xin mẹ ở lại. Để nếu có gì cả hai cùng chết. Mẹ vẫn không nghe. Vẫn ra đi. Dù thế nào cũng phải tập bài học lập thân. Tình thế quá nguy ngập. Ễnh ương con hứa đủ điều. Hứa sẽ không cãi mẹ, sẽ nghe lời, dù phải nhịn đói, nhịn khát, phải đi bộ hàng tuần cũng sẽ không than van. Mẹ nhún vai trả lời dứt khoát: “Không, ý mẹ đã quyết rồi. Con từ nay sẽ tự lập, lo liệu cho thân con, phải tranh đấu mà sống. Mẹ lo cho con đủ rồi”.
 

Đợi cho con ngủ yên giấc. Mẹ nhẹ nhàng nhảy ra khỏi hộp bánh đi trốn để con từ nay tự lo liệu cuộc sống. Bà bắt buộc phải làm thế.

Ễnh ương con mơ mơ màng màng quờ quạng với mẹ. Mẹ đâu rồi. Mẹ đâu rồi. Đúng mẹ đi thật rồi. Nó nhổm dậy khóc gào lên. Đúng mẹ đi thật rồi. Bỏ con thật rồi!. Không ta phải cố gắng lên để đi tìm mẹ. Để xin lỗi về những xúc phạm, những vô lễ trong suốt thời niên thiếu. Phải làm mau để hàn gắn tình mẹ con.”(*)



Ông Trưởng ngưng kể một chặp rồi nói: “Con ễnh ương về sau biết tự làm lụng nuôi sống, không còn ỷ lại ai nữa”.

Nhưng cũng chính lúc ai cũng nghĩ nhà ễnh ương có phúc thì gặp họa sự giàu có của “anh ta” dẫn dắt xuôi khiến “anh ta’ lâm vô “ham tiền tài danh vọng hảo” sống chết vì tiền.

Ông Trưởng nói tiếng ễnh ương kêu thật buồn não đó là sự tiếc nuối: “Phải chi biết sống phải đạo thì đâu đến nỗi...”.




* * *


Thi ngồi trầm ngâm lắng nghe mưa rơi chầm chậm gõ đều đặn vào mái hiên, câu chuyện nào ông Trưởng kể cũng đáng được ghi lại riêng con ễnh ương có nên không?. Có thật sự nó là loài “ăn không ngồi rồi” chỉ “hát ca” như câu chuyện mẹ con nhà ễnh ương của ông Trưởng?.

Nằm trong bồn nước ngập hết cả người, nhìn chú ễnh ương trong phòng tắm Thi liên tưởng...



Gì thì gì có nó cũng không làm điều gì hại, nó sống phần nó Thi phần Thi. Chỉ còn đâu vài ngày nữa vợ của Thi cô Nhân sẽ kết thúc khóa tu nghiệp môn Tâm lý gì đó từ thành phố Sài Gòn trở về mọi việc sẽ trở lại... bình thường.

                                                                      Hòa Văn

 ------------
- (*): Theo truyện cổ tích
Tranh Thanh Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét