1. GIÁ NHƯ...
NGƯỜI XỨ QUẢNG TRUYỀN TỤNG MỘT CHUYỆN.
RẰNG XƯA ĐẠI QUAN
HỌ HOÀNG CẢ ĐỜI HẾT LÒNG VÌ NƯỚC VÌ DÂN, KHI TỔ QUỐC AN VUI THÌ LIÊM CHÍNH, NGUY NAN THÌ HY SINH ĐỂ LẠI TIẾNG THƠM MUÔN THUỞ.
Sinh thời bà mẹ(*) Đại quan một mực thương yêu chồng con, sớm hôm tần tảo hái dâu nuôi tằm, làm ruộng ngay tại quê nhà.
Vốn chất phát nhân hậu bà từng căn dặn con cái lúc nhỏ lo học hành, lớn lên có làm gì cũng phải giữ đạo nhà phép nước, sống giản dị. Khi nhậm chức quan bà căn dặn Đại quan phải liêm khiết, làm điều ích nước lợi dân. Đó là hiếu là thảo với mẹ với cha.
Một hôm Đại quan họ Hoàng gởi về kính tặng mẹ một tấm áo bằng lụa để tỏ lòng hiếu thảo.
Cầm áo vải óng mượt đẹp chưa từng thấy dù đây là sản phẩm có một phần công sức của người nông dân dãi dầu mưa nắng như bà góp phần làm ra nó, bà trầm ngâm suy nghĩ rồi lụi bụi xách dao bầu ra biền chặt một cây roi dâu cuộn tròn lại gói chung với áo lụa nhờ người mang đến đem trở về trả lại cho con.
Đại quan họ Hoàng nhận lại tấm áo trong đó có cái roi dâu hiểu ngay lời của mẹ gởi gắm...
Ngày nay, giá như...
Giá như!.
(*): Đây là người mẹ Gò Nổi- Điện Bàn, Quảng Nam thân mẫu của cụ Hòang Diệu.
2. VƠI
Ngày thường sống với đứa cháu nội lên mười, ba ngày tết nhà lão Vy có thêm vợ chồng hai đứa con trai, vợ chồng đứa con gái bởi vậy không khí gia đình vui hẳn lên.
Tự nhiên đang ngồi quây quần chuyện trò vui vẻ lão Vy buột miệng: “Bao giờ trở lại... “Tết xưa!””.
Con trai; con gái; dâu; rể lặng lẽ nhìn cha. Bảy đứa cháu ngoại; cháu nội ở xa về nhìn nhau... lặng im.
Đứa cháu nội lên mười thưa: “Con thấy trong tủ lạnh, rồi trên các tủ gỗ quanh nhà bếp nhà mình quá trời đồ ăn thức uống. Còn như nhà bà A gần bên con nghe nói hộ nghèo mà tết đến bà sắm lũ củ nào là thịt heo bánh tráng, kẹo mức mà ông?. Chẳng lẽ tết ngày xưa giàu hơn hở ông nội?”.
Nhìn ra sân... Nắng xuân trải sắc vàng rực rỡ trên từng bông mai, bông cúc đang nở rộ... Xuân về Tết tới đúng chu kỳ thiên nhiên, vật chất mỗi năm mỗi thêm lên nhưng cứ thấy thiếu thiếu điều gì...
Lão Vy uống thêm ngụm trà ngồi ngẫm nghĩ... "Nét đẹp ngày tết... vơi dần!".
3. ÔNG TRUNG TRUNG
Hồi nhỏ tới tết tôi ưng nhất là được lì xì. Được lì xì năm đồng, mười đồng, có khi là cây kẹo, cái bánh... cũng vui thôi chứ chẳng nghĩ nhiều ít!.
Giờ khi đã “thất thập cổ lai hy” tôi thấy trẻ con cũng ưng lì xì mà lì xì nhiều mới thích!.
Bởi vậy hôm đến thăm một ông bạn, nhà đang có cậu em út dẫn theo đứa con gái lên mười đang trò chuyện tết...
Đứa bé lên mười vừa hớn hở săm se các bao lì xì vừa nói rành rọt:
- Cái ni của ông lớn nề! Cái ni của ông nhỏ nề!
Thấy tôi không hiểu chị vợ ông bạn giải thích “Nó nói ông lớn là ông lì xì cho nó năm chục ngàn đồng, ông nhỏ là lì xì chỉ có năm ngàn đồng, còn lại là ông trung trung!”.
4. CỔ LỖ XỈ!
Chiều hai mươi chín tết tôi đến nhà sách Sơn Hải ở thị trấn V. tìm mua một cây bút lông loại ngày xa xưa các ông thầy đồ dùng viết chữ Nho.
Tiếp tôi là cô gái khoảng mười bảy; mười tám tuổi khá xinh cô đang học hành ở xa nay về ăn tết.
Tôi nói: “Bán cho ông cây bút viết chữ Nho”
Tỏ vẻ ngạc nhiên cô đáp: “Bi giờ làm chi có loại bút “Cổ lỗ xỉ” ấy!”
Tôi chưa kịp nói câu nào với cô bé thì chị chủ nhà sách bước nhanh tới và nói: “Dạ!. Dạ có!”.
Trả tiền xong tôi cảm ơn chủ nhà sách và suy nghĩ... “Cổ lỗ xỉ!”?.
5. “???” 1
Đám trẻ lên năm lên bảy xúm nhau lại giả bộ chơi trò “vợ chồng”.
Cu Lỳ đứng chống nạnh nói:
“Nhỏ Xíu! Làm gì có tiền?”
Thực ra Nhỏ Xíu đang cầm mấy cái lá mít.
Nhỏ Xíu lí nhí:
“Dạ thưa! Dạ thưa của anh Vuông cho ạ!”
Cu Lỳ:
“My không nghe xóm bảo Vuông là tay chuyên cắp vặt à!”
Nhỏ Xíu:
“Nghe! Có nghe nhưng ảnh hay cho kẹo con mà!”
Cu Lỳ cười te toét bảo:
“Ừ hỉ! Thằng ngó rứa mà biết “điều”
Tôi hỏi:
“Tại răng biết “điều”?”
Cu Lỳ:
“Còn hơn “ăn cắp” rồi cất kỹ!”.
“???”
6. “???” 2
Chơi trò “vợ chồng” chán đám trẻ chơi trò “thầy trò”.
Cu Lỳ đóng vai người thầy mặt đăm chiêu hỏi:
“Mấy trò về sau ưng làm việc chi nhất?”
Đám trẻ ngồi lặng im.
Nhỏ Xíu thưa:
“Không làm mà có nhiều tiền!”
“???”.
7. MANH MÚN
NGƯỜI NÔNG DÂN VỚI THỬA RUỘNG NGƯỜI CÔNG NHÂN VỚI XÍ NGHIỆP TẤT CẢ KHÔNG GÌ KHÁC NGOÀI VIỆC PHẢI LÀM RA CÁI ĂN CÁI ĐỂ.
Từ hàng ngàn năm qua dù so với trước có nhiều thay đổi cảnh cơ hàn đói cơm lạt mắm không còn đại trà... nói thế không phải đã tốt đẹp cả!.
Cái không ấy là manh mún. Chuyện đèn ai nấy rạng, ưng tranh phần hơn về mình, chuyện... , chuyện... nhiều khi vì tránh đi điều mắc lòng mắc bồi mà ít ai nói thiệt.
Manh mún thửa ruộng, cái máy móc... có thể là thường tình, manh mún trong suy nghĩ hành động thật đáng ngại!.
Manh mún...
8. DỎM
DỎM TỨC LÀ KHÔNG THIỆT. BIẾT THẾ NHƯNG CỨ THẮC MẮC!. Hồi còn nhỏ cu Su thường chau mặt khi ai nói nó dỏm lớn lên đi làm lúc đầu anh Su cũng khó chịu khi ai đó nói anh làm điều gì đó không thiệt... Bây giờ khác rồi hình như anh thích nghi với nhiều "chuyện thường ngày ở huyện"!.
Mẹ anh Su tuổi trên chín mươi tuy có lọm khọm trong đi lại song minh mẫn lắm.
Bà hỏi:
"Răng càng ngày con sống khác xưa nhiều?"
Anh Su:
"Dạ! Mẹ ở nhà nên không rõ thôi con còn "tử tế" chán!"
Ý anh giờ đi đâu làm gì cũng gặp "dỏm": Người có người dỏm đồ vật có đồ vật dỏm không biết đâu mà lần... đến như sẽ có mẹ dỏm tức là các bà mẹ làm một công việc hết sức "đạo đức, nhân văn, thiêng chức" đẻ hộ!.
Câu thơ "... như là có một mẹ thôi" từng xao xuyến bao người con còn hay đi vào dĩ vãng!.
9. ĐÁM MA KIẾN
MỘT ĐÀN KIẾN DÀI NGOẰN ĐI THEO SAU MỘT ĐÁM MA CON KIẾN.
Không rõ lý do chết chỉ biết cả nhà kiến ai nấy cũng tỏ vẻ thành kính và thương tiếc lắm!.
Bốn chú kiến kẻ trước người sau khiêng kiến chết đi chầm chậm.
Cu Cơm nói:
"Mẹ thấy hông kiến cũng biết thương kiến!"
Mẹ cu Cơm:
"Sao con nghĩ vậy?"
"Dạ! Dạ tại con thấy đang đưa kiến chết đi chôn nhiều con kiến chụm đầu lại y hồi ngoại chết mẹ và dì Út ôm nhau khóc mẹ không nhớ hãy!"
Không để mẹ trả lời cu Cơm nói tiếp:
"Mẹ há đến con kiến còn biết thương nhau mà sao con người lại ganh ghét nhau giết chết nhau...
A! con nhớ rồi vì tiền phải không mẹ?"
Mẹ:
"Tại sao con lại nghĩ vậy?"
"Dạ con nghe truyền hình hôm qua nói vì muốn có mấy trăm triệu ai đó bắt và dọa giết hai người...!".
Mẹ!!!.
10. CÁI MÂM
CỨ NGỒI VÔ ĂN NHÀ ÔNG M KHÔNG CHUYỆN NÀY THÌ CHUYỆN NỌ NÊN MƯỜI BỮA NHƯ CHỤC không khí như đang ở chảo lửa nó nóng hừng hực. Cả năm người vừa vợ chồng con cái và thêm đứa cháu nội lên chín đều buồn phần ai nấy ăn...
Phải như nhà bà Bay bên cạnh thiếu trước hụt sau như thế cho cam đàng này nhà ông M qua thời ăn tro mò trấu nay nhà cửa khang trang, con cái có công ăn việc làm hẳn hoi lại toàn việc hái ra tiền đống tiền khối...
Cha ăn mặn con khát nước đời hay soi mói thế chưa kiểm chứng nhưng hồi ông M còn chức quyền nay chức quyền kế thừa cho con thì việc ăn nên làm ra là chuyện khỏi phải bàn chỉ có tại sao dư dã thế giàu có thế... bữa ăn nào cũng cá thịt thừa mứa thế mà cơm không lành canh không ngọt thì có trời mới tỏ!.
Ông M:
"Hắt quách cái mâm!".
Ông nói trong hơi thở hổn hển.
Đứa con trai:
"Đâu phải tại nó mà hắt!".
Cô con dâu: "Chẳng lẽ tại con cá!".
Bà M im thin thít đỏ hoe đôi mắt vốn đã lão hoá vừa đục thuỷ tinh thể.
Đứa cháu nội lên chín sè sẹ bỏ chén đũa xuống mâm rồi thưa:
"Theo con tại những người ngồi quanh mâm cơm ạ!".
Ra đường nghe bà già về nhà nghe con nít!.
11. HẾT BUỒN!
ĐỌC MỘT TRUYỆN CỰC NGẮN TRÊN FACBOOOK CÓ TÊN "BUỒN... ẢO" MÌNH LẠI BUỒN THẬT.
Té ra trên mạng hàng tỉ người yêu thương nhau như thế có không ít người chỉ "yêu" chót lưỡi đầu môi...
Ông Mark Zuckerberg một hôm đọc thấy những stt của họ bèn com...
"Nếu hay tin ông chủ của Fb lụn bại bạn có ý tưởng gì giúp ổng vực dậy để trang "yêu thuơng có cánh" sống không?"
„Hi hi... Xin thành thật chia buồn..."
Mark Zuckerberg:
"TKS bạn!. Tài khoản của bạn đã khóa. Lý do fb không bao giờ lụn bại vì luôn có hàng tỉ người yêu thương nhau thiệt tình!".
Mình hết buồn.
12 . HÃY TỰ CỨU!
MỘT HÔM ĐỘT NHIÊN MẠNG FACEBOOK Ở NUỚC X TẮT NGẤM KHÔNG PHẢI DO SỰ CỐ...
Người người chạy hết ra khỏi nhà (nhà bank, nhà ở, nhà làm việc...), tất cả xe cộ dừng lại kéo
còi...
Có ông lão khoảng trên tám mươi tuổi chạy như điên trên đường giơ hai tay giơ lên caomiệng kêu "Trời!".
Trời phán:
"Các người không nhớ ah!: Hãy tự cứu!".
(26 tháng 012015 – Truyện cực ngắn Hãy tự cứu viết ngẫu nhiên trước một ngày, 27 tháng 012015 Facebook bị sập toàn mạng, 1 giờ sau mới truy cập lại được)
HÒA VĂN
13 Vẫn chưa đầy đủ!
Tôi và chồng cả hai là...
Mâm cơm của tôi ngày hai bữa ít nhất phải có ba món, thứ nhất món canh: canh cá chua hoặc ngọt hoặc canh xương hầm... khoai tây, cà rốt..., khoản giữa là rau sống và cuối cùng là món cá hoặc thịt hoặc các loại rau củ xào, trộn... dĩ nhiên bữa tối phải có bia hoặc rượu ngon. Vậy mà “ba mấy đứa” luôn nói như thế là vẫn chưa đầy đủ!. “Nếu đúng bài khoa học em phải cân đong thật chính xác số lượng thực phẩm dùng mỗi bữa để đảm bảo hàm lượng calo cho cả bốn người.”. (Ý ông có hai đứa con).
Tôi thì liệu cơm gắp mắm, thời buổi nầy lo được từng bữa ăn cho gia đình như vậy đâu dễ?.
Một hôm sang bà nhà kế bên (Thực ra cô ta mới khoảng trên bốn mấy tuổi mà già khọm nên ai cũng gọi “bà”) gặp bữa ăn tối tôi thấy hai vợ chồng ba đứa con ngồi quây quanh mâm cơm chẳng có gì ngoài rau và mắm dở (*).
Cả nhà nhìn tôi ái ngại. Bà nói: “Bạn tui làm ruộng kiểu ni (**) cơm cũng sẽ thiếu chứ đừng nói cá với thịt!.”.
Tôi..../.
-----
- (*): loại hai.
- (**): Ý nói mất mùa và giá cả phân bón – nông sản bất hợp lý.
14. Nhỏ và lớn
Cu Tỉn hồi học mẫu giáo rồi lên những năm đầu bậc Tiểu học ngoan lắm.
Công đầu phải nói là thầy cô giáo thứ đến có sự gia công bày vẽ của ông bà cha mẹ…
Đi học hay làm bất cứ chuyện gì cu cậu đều nhất nhất thưa và trình một cách trịnh trọng đúng là được ”học lễ” khá bài bản. Ông nội thường khoe với mọi người “Thằng cháu nội đích tôn tôi đó!”. Mỗi lần như vậy người nghe gật đầu đồng ý và hiểu ý ông “Cháu nội tôi giỏi và ngoan!”. Riêng ông không nói ra nhưng ai cũng biết ông vui lắm!.
Cũng cu Tỉn. Khi lớn lên học những năm cuối bậc Tiểu học rồi bây giờ lớn tồng ngồng sắp sửa đi thi Đại học lại khác một trời một vực…
Hay nói rõ nếu khi xưa ngoan và là niềm vui niềm hãnh diện của cả nhà chừng nào nay buồn bực chừng nấy.
Cu cậu trở tính trở nết ai cũng ta thán!.
Ông nội giờ không dám nhắc đến tên cháu nội trước đám đông, với bạn bè…./.
15. Chiếc tủ lạnh và chiếc xe!
Anh phóng viên người Nhật khi được tôi “phỏng vấn”: “Xin anh nhận xét sự khác nhau giữa cách bày biện ở trong hai ngôi nhà Nhật và Việt?”.
Trầm ngâm chặp lâu anh phóng viên nói thiệt tình: “Khác lắm lắm... Ở Nhật nơi đẹp nhất trong nhà được làm nơi để tủ sách hoặc kệ sách kế đến là tủ sắp đặt bình tách, chén uống trà, rồi mới đến các thiết bị phục vụ nhu cầu khác...
Còn ở Việt tôi đi nhiều hầu như đa phần ít thấy tủ hoặc kệ sách, thay vào đó người chỉ có điều kiện chút xíu là sắm xe cộ - xe máy hoặc xe hơi (Chỉ sự đi lại) tiếp sau là tủ lạnh (Chỉ sự ăn uống).
Không biết mức độ trúng trật của nhận xét như vậy được bao nhiêu phần trăm trong phạm vi cả nước nhưng điều nầy là có thật ở nơi tôi đang ở.
Vào một quán net 100% người có mặt đang dán mắt vào game hoặc đọc báo mạng lâm ly tình cảm “trăng” với “sao”... Thi thoảng mới có người đọc văn đọc thơ...
Ơi chiếc tủ lạnh và chiếc xe!./.
16. Mẹ và con Meo
Thuở hồng hoang Meo là “người” hoạt động “nghệ thuật”. Nói cho có văn vẻ to tát thế chứ “chị ta” chỉ có nhiệm vụ ghi ghi chép chép đôi điều mắt thấy tai nghe nơi “cộng đồng”.
Đời lúc nào cũng thế!. “Chín người mười ý”, “Không ai chịu ai” bởi vậy dẫu “truyện” “chị ta” viết đúng 100% vẫn có “người” chê bai do vậy “Nhiều thương thì lắm ghét”.
Meo ăn phải “bả độc” suýt bỏ mạng may nhờ có ông thi sĩ họ Đất ra tay cứu. Thoát cái chết trong gang tấc nhưng di chứng “giờ không nói được” chỉ meo meo...
Suốt mấy ngày đêm “mẹ Meo” bị nạn “cu Meo con” quấn qua quấn quýt bên mẹ hết chải chuốt vuốt ve lại lấy cái mũi khịt khịt vào miệng mẹ tuồng như nó muốn hà hơi tiếp “nguồn sinh lực” để mong mẹ chóng bình phục!.
Tấm ảnh chụp khi Meo thoát nạn cho thấy “người” mừng nhất là “cu Meo con” và thi sĩ họ Đất!.
Ôi tình mẹ và con Meo thật “vĩ đại”!./.
17. Thiệt và dối
MMột giáo sư tự nói rõ mọi việc làm không đúng của mình từ khi cắp vở; cắp cặp đi học cho đến bây giờ ở tuổi “Xưa nay hiếm”.
Tin về giáo sư tất cả các báo, mạng, hảng thông tấn đều đưa tin, nhiều báo còn viết bài tường thuật cặn kẽ không thiếu một chi tiết nào... Ví như mấy tuổi cụ đi học, đi học giỏi hay dở, thi mấy kỳ môn nào tự làm bài môn nào coppy, môn nào tự làm nhờ “phao”... Học hàm tiến sĩ do ai làm, học vị giáo sư do đâu mà có...
Thế mà không ai tin họ kháo nhau: “Lại là tự tạo scandan để thêm nổi tiếng!”. Khó thật thời buổi khó thật!.
Tờ báo “Tiếng Chuông Rè” tờ không ai đọc hết nhưng sống được nhờ quý nhân tài trợ cử phóng viên đặc biệt (đặc biệt vì phóng viên là Tổng biên tập) đến tư dinh giáo sư phỏng vấn và đăng trên trang nhất với tít bài: “Sự thật về những lời nói dối của giáo sư...”.
Đột nhiên tờ báo nổi danh như cồn.
Sau đây là toàn văn bài báo: “Xin bạn đọc xem bài trong số báo in ngày mai”.
18. Xe gạo và xe sách
Đất nước sau chiến tranh kéo dài, kinh tế kiệt quệ.
Thành phố mà không có gì thì nông thôn hơn chi... Hai năm dài đằng đẵng chịu khó chịu khổ chờ quyết sách của vua ban.
Rất may triều đình và các quan đại thần một lòng nghiên cứu tìm tòi kế sách in vào một quyển gọi là “Cẩm nang làm giàu” xong mở một đợt khuyến dụ quan dân cả nước nên nhận sách vua viết về đọc mà theo đó mần ăn để “Dân giàu nước mạnh”.
Đến giờ G nhà vua cho chở xe gạo và một xe sách đến tất cả khắp nơi trong nước và truyền chỉ lệnh của vua: “Dân chúng ai muốn no ngay thì nhận bao gạo một tạ, ai muốn mai kia không những no mà còn giàu có khá giả thì nhận sách “Cẩm nang làm giàu”.
Cả nước quan dân đều nhận sách, toàn bộ số lượng gạo chở đi được chở về nhập kho.
Mới ba mươi năm sau đất nước trở nên “con rồng - con hổ” trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật...
Khâm phục thay! Khâm phục thay!./.
19. Chữ to!
Nu Na liến từ mới lên ba lên bốn kia. Giờ đã là cô bé học lớp mẫu giáo lớn rồi nên càng liến lắm. Nhìn khuôn mặt bầu bỉnh và sáng sủa ai cũngthích bẹo.
Ở lớp Nu Na làm trưởng lớp mà chưa bao giờ cô bé tỏ vẻ ta là trưởng lớp cả. Cái gì cũng nói cũng thưa nhẹ nhàng với cô và cũng rất nhẹ nhàng với các bạn.
Một hôm Nu Na không học thuộc lời bài hát mới. Không thuộc không phải lười biếng mà do câu nói của mẹ hồi sáng sớm khi chở cô bé đến trường. “Con phải học nghe nếu không các bạn giành hết chữ to!”.
Cả buổi sáng Nu Na suy nghĩ miết, mình có giành cái gì của bạn đâu?.
Con gấu đẹp nhất để cu Biu cõng. Chiếc xe cần cẩu mình thích lắm mà bé Hà Hà nũng nịu đòi mình cũng nhường... Mình... mình... Thế mà sao các bạn xấu thế!.
Từ đó ở lớp học Nu Na cái gì cũng giành phần mình. Dần dà chẳng còn bạn nào muốn chơi chung.
Biết sự việc, mẹ khóc.
Nu Na dỗ mẹ: “Mẹ đừng lo nữa các bạn giờ chỉ có chữ nhỏ thôi. Chữ to là của con hết mà!”./.
20. Thế mà...
Hai đứa trẻ lên năm cùng chơi với nhau.
Đứa con gái nói:
“Bữa sau mình thích làm bà ngoại hơn!”.
Đứa con trai tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”.
Đứa con gái không một chút suy nghĩ trả lời ngay: “Vì bà ngoại là mẹ của con gái!”. Nói xong đứa con gái giải thích tiếp: “Như bà nội mình đó, bà thương mẹ mình hơn mẹ cu Ít”.
Đứa con trai thắc mắc: “Tại sao?”. Chẳng cần suy nghĩ gì lâu đứa con gái nói ngay: “Bởi với cu Ít kêu bà ngoại mình bằng bà nội!!!”.
Bà ngoại - bà nội hai bà là một sao lại thương con gái hơn con dâu?.
Câu hỏi tưởng dễ trả lời lại hóa ra quá khó.
Nếu không khó tại sao cùng làm “Bà ngoại và bà nội” lại không dành tình thương yêu như nhau cho cả “con gái” và “con dâu” mình.
Xưa nay ai cũng biết “Con gái mình là dâu người ta và ngược lại!.”.
Thế mà... ./.
21. Nải chuối
Thiệt tình bà Hai thương cháu lắm!. Không thương mà mỗi lần ba hoặc má của cu Sun la rầy cu cậu khi làm điều trái quấy hay làm nũng thì bà thường bênh: “Mấy đứa hồi nhỏ cũng vậy thôi!. Cháu lại đây với bà!.”.
Hôm rằm vừa rồi bà rấm buồng chuối cau thật đẹp đi lễ chùa. Cu Sun nấn ná mãi đòi bà nội cho ăn chuối. Bà cắt buồng chuối ra từng nải cẩn thận sắp xếp vô giỏ nhựa xong đưa cho cu Sun một nải chót bảo cu cậu vừa ăn vừa chơi ngó nhà mẹ đi chợ sớm về giờ.
Cu Sun ngắm đi ngắm lại nải chuối chót rồi nói:
“Con ưng nải trong giỏ kia kia...”.
Bà mần thinh đứng dậy xách giỏ chuối đi...
Tới chùa sư Doãn Thính thấy bà Hai khệ nệ mang xách giỏ chuối nặng nề như vậy nói: “Phật tử cao tuổi rồi không nên cúng kiếng nhiều lễ vật như thế!”.
Rồi hỏi: “Cụ bà để ở nhà cho cháu được bao nhiêu nải?. Có nải nào tốt không?”.
Bà Hai lúng ta lúng túng.
Sư Doãn Thính: “Kính Phật và thương con thương cháu là hai việc cần làm song song. Nếu Phật tử nặng bên nhẹ bên là điều cần sửa ngay. Đi tới chùa cốt để tu thân sửa tánh chứ không phải để cầu để xin điều gì nơi Phật và nơi chùa đâu!”.
Nghe lời sư giảng giải, bà Hai hiểu ra và càng nghĩ càng thương cu Sun./.
22. Từ rày đỡ lo...
Nghe thiên hạ bàn ra tán vào như vậy.
Mà chắc đúng như vậy bởi hồi bà Chum còn sống, vợ chồng Hai Nỷ và mấy đứa cháu nội cũng chẳng thiết tha tới hoàn cảnh sống của bà... Trên tám mươi tuổi rồi mà cái gì cũng riêng với tư.
Nơi bà Chum trú tránh nắng mưa là túp lều xây tạm ba bức tường gạch thâm thấp lợp tôn nằm sát vách ngôi nhà bề thế của vợ chồng con trai độc tôn Hai Nỷ. Như hộ nông dân thực thụ bà có riêng đám ruộng hơn một sào, việc gieo cấy thu hoạch cũng tự bà làm tất dù sức mòn lực kiệt, năm khi mười hoạ gặp bữa ốm nằm liệt giường con cháu mới trợ giúp, còn khoảng ăn uống hằng ngày thì rõ rồi bà phải tự nấu mới có ăn...
Khổ nhất lúc trái gió trở trời... trông bà Chum càng tội nghiệp... người ốm yếu nói quá lỡ gặp gió cả có thể bay theo gió như chơi...
Nhiều người thấy vậy nhỏ to góp ý. Nhưng nhằm nhò gì, có lần Hai Nỷ trả lời thẳng đuột “Bộ tôi sướng lắm chắc!” nên lâu rồi thành quen kệ bà Chum sống ra sao thì ra...
Đến lúc bà Chum nhắm mắt xuôi tay, vợ chồng Hai Nỷ lo tang chay rầm rộ. Trại rạp dựng lên trang hoàng chu đáo... Tiếng kinh câu kệ và nhạc đám ma ò... e... í, e ra rả cả ba ngày trên loa.
Ai nấy đến thăm ngỏ lời chia buồn cũng giật thót mình khi nghe vợ chồng Hai Nỷ gục gục đầu tỏ vẻ chân thành đội ơn và nói lí nhí: “Từ rày đỡ lo...”
Bà Chum đi... từ rày đỡ lo... thật!./.
23. Tối lửa tắt đèn...
"Bán bà con xa mua láng giềng gần”.
Câu thành ngữ quen thuộc ai cũng biết. Đó là lúc bình thường.
Còn khi con gà nhà bên tự nhiên chui qua hàng rào gai tre chạy sang nhà Y bui gần hết nửa rò cải cay đang lên mơn mởn là chuyện khác!.
Y đi làm ruộng về thấy, tiếc của giận run người.
Tối lại Y làm thinh mua thuốc bả độc trộn một nửa lon gạo đem rải qua vườn nhà bên.
Trưa hôm sau đi làm về anh nhà bên thấy đàn gà choai có lớn có chết toi... cũng tiếc đứt từng đoạn ruột. Bầy gà trên mười con nhà bên định bụng giáp tết bán lấy tiền mua mấy bộ đồ mới cho hai đứa con tuổi lên chín lên mười mặc ăn tết.
Chị vợ nổi tam bành la làng la xóm rân trời đất!... Anh chồng can “Thôi coi như gà dịch bệnh...”.
Hai mươi tám Tết Y nấu bánh tét. Vợ chồng canh lửa củi quá nửa đêm mệt quá ngủ quên. Lửa bò ra liếm phên tre bắc sang đống cây củi bắp cháy bùng lên lửa ngọn thiêu rụi nhà bếp.
Bà con hàng xóm tất cả xúm nhau cứu hoả!.
Người ta thấy vợ chồng anh nhà bên là những người tích cực nhất trong việc chữa cháy nhà anh Y hôm ấy.
Và suýt xíu nửa anh nhà bên bị thương do cây cột nhà dưới ngả đổ...
Cứu được căn nhà trên của Y không bị cháy ai nấy cũng vui mừng. Nồi bánh tét và mấy chum lúa cái cháy ra tro cái cháy sém... khét lẹt./.
24. Phóng sanh
Lạ! Con chim sẻ gật gù trong lồng.
Nó lại được thả ra, thả ra là nói theo chữ ta còn chữ nôm chữ của người làm thiện lành là phóng... sanh.
"Không biết sau 4 lượt bắt rồi thả này mình có thoát nạn bẫy chim không?"
Con chim sẻ đang ở trong lồng nghĩ nghĩ...
Mô Phật!./.
25. Mẹ ơi!
Mẹ vĩ đại Thu Bồn đôn hậu mà giờ tác quái!.
Mẹ không còn thiên lương?
Không thể và không bao giờ có điều ấy.
- Mẹ sinh nở và dưỡng dục con chứ!
- Dạ con xin mẹ thứ lỗi!
- Không lỗi phải. Điều mẹ muốn là các con hãy đùm bọc nhau như ngày nào...
- Dạ!.
Sau giấc mơ ngủ là nghe tin một bà mẹ trong khi đi sinh đã lâm nạn. Cả hai mẹ con không thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong dòng nước bạc!.
Mẹ ơi!./.
H.V
12/10/20
26. TỪ TÂM
1.
Tới chừ làng Cẩm Đồng còn nhớ chuyện:
Hồi năm 1975 khi chiến tranh vừa kết thúc ai ai cũng thi nhau khai hoang vỡ hoá để có đất sản xuất. Cả biền bãi mé sông Thu Bồn ở đây mới có lưng nửa tháng đã sạch cỏ tranh; lau bói. Thế mà trong thửa đất hơn hai sào của ông Liêu lại có một chòm lau bói đứng chơ vơ...
Ông An cuốc đất kế bên hỏi:
“Chứ ông để mần chi?”.
Vuốt những giọt mồ hôi trên tráng xong ông Liêu nói:
“Bên trong nớ có một tổ chim!”.
Một thời gian sau từ nơi chòm lau bói có ba chú chim non chập chững tập chuyền!.
2.
Xa quê Gò Nổi vô Sài Gòn từ những năm 60 nay ở tuổi “cổ lai hy” ông Trí vẫn không quên các chú chim chóc một thời trai trẻ từng thấy từng biết và ham thích...
Bởi vậy khi anh con trai của ông xây căn nhà mới ông đề nghị:
“Con cho ba tầng thượng để nuôi chim...”.
Sau hơn hai năm ông Trí mua hàng tạ thóc, đậu, mè, ngày nào cũng mang lên sân thượng tỉ mẩn rải... đến nay có hàng trăm... con chim đủ các loại không rõ từ đâu thường xuyên bay đến vui đùa với ông Trí như bạn thân trên sân thượng!.
Quả là từ tâm./.
HÒA VĂN