Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

TÌM THẤY MỘT HỌA PHẨM CỦA HỌA SĨ PHẠM HẦU



Bức ảnh chân dung ông Trần Văn Anh người làng Trừng Giang do họa sĩ, thi sĩ Phạm Hầu vẽ bút chì.
Ông Trần Cao Hoang tên thường gọi là Trần Văn Quận nay (5/2017) đã 89 tuổi khi được hỏi về lai lịch bức di ảnh của ông nội là ông Trần Văn Anh.

Ông Quận nói ngay:

"Ông Phạm Hầu vẽ bằng bút chì"

Ông nội của ông làm thợ mộc thường hay đóng cho nhà ông Phạm Liệu các đồ gia dụng bằng gỗ.
Hôm ấy họa sĩ, thi sĩ Phạm Hầu vừa về nhà gặp ông Trần Văn Anh đang lắp ráp đồ mộc.
Thi sĩ, họa sĩ Phạm Hầu ngỏ ý:

"Trưa ông về lấy khăn đóng áo dài trở lại nhà đây tôi xin vẽ chân dung của ông"

Và bức chân dung được vẽ xong bằng bút chì (ảnh).
Ảnh vẽ trên giấy thường giờ không còn như ban đầu nhưng nét vẽ đúng thần thái của ông Trần Văn Anh.
Ông Quận nói cha của ông nói như vậy.
Tôi liên tưởng đến một thông tin: "Bức tranh siêu thực Hòn đá được giải nhất trong Triển lãm mỹ thuật Đông Kinh tại Nhật Bản đã minh chứng cho thiên hướng nghệ thuật của Phạm Hầu. Dù trong hội họa hay thơ ca, Phạm Hầu đều mang tư tưởng tự do trong sáng tạo, hướng tới vô biên và “Tuyệt đích”, “vô cùng tận”, “Ta thích nghệ thuật nào đem ta tới vô biên”.".
Bức tranh siêu thực Hòn đá và tác phẩm hội họa khác nay thất truyền, bức chân dung họa sĩ Phạm Hầu vẽ tặng người thợ mộc trong làng được lưu giữ và trở thành di ảnh thờ từ khi ông Trần Văn Anh quá vãng.
Đến nhà ông Quận khi thấy bức di ảnh lạ sắc nét tôi hỏi và ông Quận cho biết đây là tác phẩm do thi sĩ Phạm Hầu vẽ tặng ông nội vào năm 1941.
“Năm đó tui 13 tuổi”
Ông Quận nói như vậy.
Họa sĩ, thi sĩ Phạm Hầu (tên đầy đủ là Phạm Hữu Hầu) sinh ngày 2 tháng 3 năm 1920 – mất ngày 3 tháng 1 năm 1944) quê quán làng Trừng Giang, Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Cha là Tiến sĩ Phạm Liệu Thượng Thư triều Nguyễn, mẹ là bà Lê Thị Giảng người Thanh Hóa.
Họa sĩ Phạm Hầu từng học trường mỹ thuật Đông Dương (khóa 13) ngoài hội họa ông còn yêu thích thơ số lượng thơ chỉ khoản 20 bài trong đó bài Vọng hải đài nổi tiếng, ông có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam tiền chiến của Hoài Thanh-Hoài Chân (*)./.
HÒA VĂN
(17/05/2017)
-----
(*): Trích trong Thi nhân Việt Nam:
"...Ở đời có những người nói to bước vững. Phạm Hầu quyết không phải trong hạng ấy. Ở giữa đời Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mải sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một người giàu vô vạn. Lòng người là một vọng hải đài, người chỉ việc đứng trên đài lòng mà ngắm: "Qua lại thiếu gì mây sớm gió chiều...". (Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân NXB Văn in lại 1988 trang 159")
 (Quyển 2):
"Có thể nói, Phạm Hầu là hình ảnh kết tinh của một tâm hồn thơ và lòng yêu chuộng nghệ thuật. Tuy thơ ông rất ít, nhưng không thể lấy số lượng đánh giá trị thi nhân...Vì bài nào của ông cũng đều có một chiều sâu và chứa đựng một triết lý nhân sinh....Là một nghệ sĩ, tâm hồn ông thường hay rung cảm một cách bén nhạy...Mới chỉ trong cái tuổi đôi mươi mà ông đã quyết định mang theo bên mình một hoài bảo to lớn. Đấy là một cứu cánh toàn hảo, một tuyệt đích tình yêu, một tột cùng của nghệ thuật; nói gọn, đấy là cái Chân, Thiện, Mỹ vậy. Và có lẽ ít có người nghệ sĩ nào quá trân trọng bóng thiều quang như ông. Với ông, thời gian của kiếp đời mình cũng như vò nước. Từng giọt, từng giọt nhỏ dần…cho nên thi nhân không dám phung phí, luôn tự thúc giục mình trong công việc sáng tạo, để có thể lưu lại một cái gì trước tuổi 30. (**)
(Phần trích trong Thi nhân Việt Nam tiền chiến theo Wikipedea).
Xem thêm:
http://langdongban.blogtiengviet.net/?p=6215333&more=1&c=1&tb=1&pb=1#more6215


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét